Dự thi KHÚC GIAO MÙA- Thanh Nga

Dự thi KHÚC GIAO MÙA- Thanh Nga

Thanh Nga
Thanh Nga
  • Thành Viên 37
Những buổi chiều buồn mình ngồi lặng lẽ nơi hành lang bệnh viện. Cái không gian mênh mông đầy tiếng người nhưng rặt là những màu buồn. Ai ai cũng mang trong mình một tâm trạng, có người đau cho bản thân, có người đau vì người thân. Mình cũng không nằm ngoài nỗi đau ấy, Bà Ngoại mình đang ốm.

Chiều cuối năm, nhìn từ hành lang bệnh viện tầng 4, cái cửa kính đèn đường hắt hiu màu vàng vọt, có điều gì thật đắng đót khi nhìn xuống dưới lòng đường. Từng dòng xe nối đuôi nhau chẳng biết đi về đâu. Rõ ràng họ đi rất hối hả, biết bao nhiêu con người, bấy nhiêu sự toan tính, ganh đua hay cả sự bất cần, buông bỏ. Có vài chiếc xe tới nơi cần đến, họ rẽ vào quán quen nơi ven đường. Vài chiếc xe khác lại đi ra hòa vào dòng xe hối hả ấy. Mình tự hỏi, có ai đi về nơi hạnh phúc, có ai đi về nơi khổ đau? Khổ đau hay hạnh phúc đều cùng chung một cung đường, chẳng qua tâm thái mỗi con người khác nhau nên cảm nhận khác nhau. Mình lặng lẽ ngồi bên Bà như hai khoảng lặng của cuộc sống. Bà Ngoại thỉnh thoảng lại kêu đau, dịch tràn màng phổi khiến Bà ho nhiều và khó thở. Cả một đời Bà đã đi khắp mọi cánh đồng nơi làng quê nghèo, từ đồng trên xuống đồng dưới làm ra bao mùa vụ nuôi mẹ và các dì mình lớn khôn. Đến bây giờ khi đã già rồi lại làm bạn với 4 bức tường bệnh viện, nghĩ cuộc đời là những nỗi mênh mang hết nỗi buồn này rồi lại đến nỗi đau khác.

Mình lấy chiếc điện thoại trong túi áo, bật cho Bà nghe bài “ Khúc Giao Mùa”. Ca sĩ Mỹ Linh ngân nga hát với ca từ trầm bổng “ cầm tay nhau bước trong giao thừa, đón xuân đang về với tình yêu…”. Mình bỗng trào dâng nỗi nhớ nhà khủng khiếp. Mình nhớ cả những quãng thời gian êm ấm ngày xa xưa. Lúc ấy Bà vẫn còn khỏe, Bà rửa từng chiếc lá bánh để chuẩn bị gói bánh chưng. Bà đun nước ấm cho các cháu tắm táp sạch sẽ. Bà dắt mình đi chợ Tết, tay mình nắm chặt gấu áo màu nâu sòng của Bà để khỏi bị lạc giữa đám đông. Bà cho mình 5 đồng ăn bát bún riêu cua. Bát riêu cua nóng hổi, ấm bừng cả phiên chợ quê ngày Tết. Giờ này chắc mọi nhà cũng háo hức lắm rồi, những ngày giáp Tết tâm trạng con người dường như vui hơn ,có lẽ vì nó gói trong đó cả sự hi vọng cho những điều cũ kỹ qua đi, một năm mới sang và niềm vui đang đón đợi ở nơi nào đó trong tương lai. Bà nằm im bên mình lắng nghe bài hát ấy, Bà không kêu đau nữa mà đôi mắt nhìn hướng ra phía cửa số, nơi có ánh đèn hắt hiu bên ngoài. Hai Bà cháu lặng yên không nói nhưng mình biết Bà cũng đang nghĩ về những ngày Tết xưa. Nơi ký ức không có đau đớn, nơi thời gian đã trôi qua, quá khứ tươi đẹp được phủ lên một màu tưởng tượng thì cái gì cũng huyền ảo lung linh.

Hai khóe mắt mình rưng rưng nỗi buồn, mình bất giác nhìn vào đôi mắt của Bà, Bà cũng khóc. Hay Bà đau? Không phải, Bà không kêu nữa, chắc Bà cũng giống mình đang nhớ về ngày xưa. Giá như giờ này Bà còn khỏe, chắc Bà đang ngồi bên bếp lửa trông nồi bánh chưng. Mình cũng sẽ ngồi cùng Bà, ngắm ngọn lửa hắt hiu nồng đượm mà mênh mang. Cuộc sống này, có yêu thương nào không qua đi, có đau khổ nào không ghé tới? Mình cũng thế, mình từng có những ngày tuổi thơ hạnh phúc bên gia đình, nơi có bố mẹ ông Bà che chở. Nhưng rồi hạnh phúc vượt qua tầm tay, mình theo mẹ về quê ngoại. Tủi thân đôi khi là liều thuốc xoa dịu thật tuyệt để được thanh thản. Như cô bé Oshin có cây kèn nhỏ Harmonica, kỷ vật bố cô tặng cho cô, cô bé tự an ủi mình bằng cách thổi lên những tiếng nhạc làm quên đi nỗi nhớ quê nhà. Một ngày Oshin bị cô chủ nhà giàu Kayo ném chiếc kèn xuống đất. Oshin nhặt lên chiếc kèn lên, miệng thổi bay những hạt bụi bám vào. Hành động thì mạnh mẽ nhưng đôi mắt cô bé ngân ngấn nước chỉ trực trào ra. Điều mình quý giá , trân trọng nhưng bị đối phương coi thường, hắt hủi. Mình biết Oshin đang tủi thân, sự tủi thân thanh thản, mình luôn nghĩ về hình ảnh đấy để an ủi cho chính bản thân mình. Tuổi thơ không hoàn hảo chưa hẳn đã không hạnh phúc. Mình luôn biết làm bạn với sự cô đơn như thế, ngồi bên Bà mỗi khi mẹ mình đi vắng. Mình tước nhỏ những sợi lá chuối, lấy thanh tre nhỏ buộc mấy sợi dây chuối lơ phơ làm mái tóc cho búp bê, mình mải mê với những trò chơi gia đình ngày ấy. Gia đình búp bê hạnh phúc biết bao! Mình vẽ nên sự đủ đẩy qua trí tượng tượng của đứa trẻ 6 tuổi. Bà lặng lẽ ngồi bên không nói, Bà chỉ mỉm cười. Hai Bà cháu nương tựa nhau, giây phút ấy như tạc tượng hình ảnh Bà vào trong tâm trí của mình. Một hình ảnh người Bà có chiếc khăn mỏ quạ màu đen, nụ cười móm mém, mấy sợi tóc bạc lưa thưa vén vào mang tai.

Những ngày sau, mùa xuân đã về. Bà mãi mãi không còn kêu đau nữa. Bà đã đi về nơi mùa xuân vĩnh hằng. Còn mình ở lại với cơn đau dài, cơn đau quặn thắt trong sự tiếc nuối. Gặp nhau để rồi chia li, trong cuộc đời này chúng ta đã gặp bao nhiêu người và có nỗi đau nào hơn khi phải chia li người thân, người mình yêu. Ngày hôm ấy Bà nằm lắng nghe khúc giao mùa với lời thì thầm của mình bên tai, mùa đã sang rồi Bà ơi!

(ảnh sưu tầm)
khúc giao màu 2.jpg
 
Sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: Phong Cầm
877
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top