Nhà Một ngày đẹp trời

Nhà Một ngày đẹp trời

Vân Anh
Vân Anh
  • Thành Viên 21
Không hẳn là tôi thích bầu trời hay gì, chỉ là tình cờ những lúc tôi tuyệt vọng nhất thì bầu trời tôi nhìn thấy vô tình xanh như bị ai đổ mực vào. Và mỗi lúc trời xanh như thế, nắng cũng thật đẹp. Nắng lúc ấy khiến mọi thứ xung quanh tôi nhìn thấy đều trở nên sáng rõ và tuyệt đẹp. Nên vì thế mà tôi phải lòng bầu trời, phải lòng nắng vàng và phải lòng những ngày đẹp trời.

Tôi nghĩ những hôm bầu trời xanh và nắng vàng ươm chẳng có phép màu nào khiến nỗi buồn của tôi tan biến hết. Nhưng mỗi lần trời đẹp thì lòng tôi lại nhẹ bẫng, chỉ cần nhìn thấy cảnh vật xung quanh lấp lánh và trông thấy bầu trời cao vời vợi nhưng lại xanh ngắt là tôi thấy lòng mình như được sưởi ấm một tí. Những lúc như thế, tôi chỉ tập trung ngắm nhìn mọi thứ với những suy nghĩ kiểu, à hôm nay trời thật đẹp chứ không bận lòng về những nỗi buồn tích tụ nữa.

Trẻ con dù không phải lo toan như người lớn, nhưng trẻ con cũng có nhiều nỗi buồn. Một trong số chúng, đáng buồn thay, lại xuất phát từ người thân của mình. Trẻ con cũng có lúc phải lớn lên, lúc đứa trẻ ấy lớn và nhìn lại nỗi buồn của mình hồi nhỏ chắc chắn thấy ngốc nghếch hoặc ca thán hồi đó mình non nớt thật. Nhưng sự thật là vào lúc ấy, ngày ấy tháng ấy năm ấy, nỗi buồn là thật. Nó có thể nhanh đến nhanh đi hoặc cũng có thể để trong lòng đứa trẻ một vết sẹo.

Hồi còn nhỏ, tôi cũng giữ một vết sẹo như thế. Nhưng không như những vệt sẹo khác lành lại theo thời gian. Vết sẹo của tôi cứ vài tháng lại bị xước xát một lần. Ban đầu, khi vết sẹo mới hình thành thì nó đau nhức đến mức tôi khóc thầm trong đêm hoặc buồn lòng rất lâu về nó. Nhưng rồi khi sự đau nhói ấy cứ lặp đi lặp lại, tôi dần không cảm thấy đau nữa mà cảm thấy bình thường. Nói tôi thời ơ cũng không hẳn, chỉ là vết sẹo đó không đủ sức chi phối toàn bộ cuộc đời tôi như hồi bé thơ mà thôi.

Tôi chưa bao giờ có ý định để vết sẹo đó ảnh hưởng đến cuộc đời mình.

Nhưng tôi vẫn ghét phải về nhà.

Tôi nhận ra một điều sau khi tôi bước chân vào giảng đường đại học. Đó là vết sẹo của tôi đã rất lâu không thấy đau nhức nữa. Thậm chí có một thời gian tôi quên hẳn nó đi. Thế là tôi lười về nhà, không muốn về nhà và ghét về nhà.

Mẹ tôi là một người phụ nữ rất truyền thống. Mẹ có nhiều đức tính tốt đẹp mà bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào cũng đều có, y như hình mẫu những người mẹ trong các bài tập làm văn mẫu hồi nhỏ. Nhưng chẳng hiểu có phải vì thế hay không mà mẹ bảo thủ vô cùng. Mẹ áp đặt tôi, so sánh tôi, nói những lời tổn thương đến tôi nên nếu nhắc về thái độ của tôi đối với mẹ trong quá khứ thì có thể dùng mấy câu kiểu như “đi trên băng mỏng” hoặc như đi trên một sợi dây thằng bắc từ ngọn ngúi này qua ngọn núi kia. Tôi không định đổ lỗi, nhưng tôi cũng biết tính cách hiện tại của mình một phần là do sự sợ hãi đó.

Sợ hãi làm phật lòng mẹ.

Chúng ta đều trải qua một thời kỳ gọi là thời kỳ nổi loạn. Tôi có nổi loạn không? Có chứ, tất nhiên. Nhưng nếu mong chờ thời kỳ nổi loạn của tôi theo kiểu nghịch như giặc thì không có đâu. Tôi chỉ nổi loạn âm thầm. Và theo sự giáo dục từ nhỏ, và cũng có thể là do dù sợ mẹ thế nào tôi vẫn thương mẹ thế nên mọi sự nổi loạn của tôi đều theo khuôn phép được đặt ra. Không trốn học đi chơi, không cãi lại bố mẹ, không học hành sa sút, không ăn chơi đua đòi.

Tôi sợ mẹ sẽ buồn.

Mẹ không lắng nghe tôi, nhưng tôi vẫn thương mẹ.

Mẹ buông lời cay đắng, tôi vẫn thương mẹ.

Sợi dây gắn kết chúng tôi không chỉ là máu mủ ruột già, không chỉ là đạo đức hay giáo dục mà còn là tình thương của đứa con đối với người mẹ của mình. Bên cạnh khuyết điểm của mẹ, tôi luôn có thể nhìn thấy tình thương của mẹ.

Nhưng tôi vẫn ghét về nhà.

Tôi không về nhà thì mẹ sẽ thương tôi nhiều hơn, quan hệ của bố mẹ cũng sẽ tốt đẹp hơn. Và tôi không cần phải chứng kiến cảnh tượng tôi ghét nhìn thấy nhất. Bố mẹ cãi nhau, rồi đòi ly hôn. Tôi sợ mẹ sẽ hỏi mấy câu kiểu “Con theo bố hay theo mẹ?” hoặc “Nếu sinh được con trai thì đã không thế”.

Khi lớn, tôi nhận ra vấn đề giữa bố và mẹ. Mẹ quá bảo thủ và bố quá nóng tính. Nhưng không giống như bố, mẹ chẳng chịu mở lòng hay lắng nghe bất cứ ai trong nhà. Mẹ luôn than vãn về vấn đề của mẹ nhưng mẹ lại chẳng chịu nói hay mở lòng rộng hơn. Mẹ đã không đặt niềm tin vào gia đình. Hoặc là mẹ luôn tin rằng chẳng ai có thể hiểu được mẹ.
Nhưng chúng ta chẳng thể hiểu nổi ai, nếu người đó đóng chặt cánh cửa và sống trong thế giới của mình, và tự suy diễn thế giới theo cách mình muốn.
Tôi luôn ở lưng chừng giữa ranh giới yêu và ghét mẹ. Không nghiêng hẳn về bên nào.

Đôi lúc trong lúc xếp lại mấy quân cờ trên bàn cờ, tôi đã tự hỏi tới lúc nào thì cán cân sẽ lệch sang một bên. Nhưng chưa bao giờ tôi có cho mình câu trả lời.
Mấy quân cờ lạch cạch trên bàn. Tiếng chúng mỗi khi được ai đó cầm lên rồi đặt xuống nghe rất hay. Nếu mọi vấn đề và rắc rối đều giống như một bàn cờ, có đích đến là thắng hoặc thua và luôn có thể chơi lại từ đầu thì hay biết mấy. Tôi đã luôn nghĩ thế.

Nhưng hiển nhiên cuộc đời không có chuyện ấy. Trừ khi tôi chết. Và nếu có làm lại thì mọi thứ vẫn như cũ nếu mẹ tôi không chịu mở lòng với bất kì ai trong nhà. Một mình tôi không đủ sức làm thay đổi cả thế giới, ít nhất là thay đổi suy nghĩ của một ai đó nếu người đó không nhìn nhận tôi một cách ngang hàng.

Nhắc đến cái chết, à thì, tôi cũng từng nghĩ đến cái chết. Nhưng một ngày đẹp trời đã cứu lấy tôi. Và vào năm tôi hai mươi tôi, tôi bỗng nhận ra rằng cuộc đời dù tệ thế nào thì luôn có lối thoát, quan trọng là mình có lựa chọn lỗi thoát hay không. Với tôi, mặc kệ cũng là một kiểu lối thoát. Khi mình không thể thay đổi được ai, mình có thể thay đổi được suy nghĩ của bản thân.

Ông chú yêu quý của tôi từng nói rằng tôi phải tử tế với mọi người và cả với chính mình nữa. Bỗng dưng lúc đó tôi nhận ra rằng, không chỉ là tử tế bằng cách để mình ăn đủ bữa, uống đủ nước, thể chất khỏe mạnh mà còn phải tử tế với cảm xúc của mình, chấp nhận nó và ôm ấp nó vào lòng như ôm đứa con đẻ.

“Chúng ta không thể thay đổi “thứ mình được được trao cho”. Nhưng điều chúng ta có thể thay đổi là “sử dụng thứ đó như thế nào”.”*

Một ngày kia, có thể cánh cửa sẽ được mở rộng ra, “nhà” không còn là vòng tròn khép kín đầy tù túng nữa. Hoặc cánh cửa sẽ mãi không mở, và tôi thì vẫn sẽ sống cuộc đời mình. Rồi, tôi có thể sẽ tìm được một gia đình khác, một người nguyện làm gia đình của tôi và tôi sẽ trở thành gia đình trong mắt một đứa trẻ.
“Nhà” có thể là bất cứ đâu, bất cứ ai, miễn là mình cảm thấy như được thuộc về.

Và vì thế, nhà có thể là ông chú, là phòng trọ nhỏ trên thủ đô hay là nơi khiến ta luôn thấy bình an mỗi khi quay về. Để cảm giác về nhà không còn là nỗi sợ hãi mơ hồ nữa.

Và ta sẽ không bao giờ cần một ngày đẹp trời cứu để lấy chính mình nữa.


*trích “Dám bị ghét”.
---

Đôi lời tác giả: Đáng ra là câu chuyện có thể kết thúc ở Bàn cờ và Ông chú được rồi. Nhưng rồi mình lại nghĩ và cảm thấy nên viết thêm một chút. Mình muốn cho câu chuyện một và nhân vật chính một cái kết thật đẹp nhưng thực tế là rất nhiều thứ chúng ta không kiểm soát nổi, có những vấn đề có khi sẽ đi theo cả cuộc đời. Quan hệ giữa bố mẹ và con cái là kiểu vấn đề như thế ấy. Thế nên đây là phần hai của truyện ngắn trước và cũng có thể là một truyện ngắn độc lập. Và nó vẫn tiếp tục lửng lơ. Vấn đề gia đình có thể sẽ theo cô ấy suốt cuộc đời, hoặc không. Nhưng khi cô ấy nhận ra mình có thể xoay chuyển mọi thứ bằng cách xoay chuyển cách nhìn của mình thì vết sẹo sẽ không làm cô ấy nhức nhối được nữa.

Thật lòng rất biết ơn admin đã dành cho mình những lời nhận xét như ở kì trước. Mình rất mong sẽ nhận được thêm nhiều lời nhận xét để hoàn thiện hơn nữa!

14.jpg
 
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top