Một Tiếng Đàn Câm

Một Tiếng Đàn Câm

"Người ta không thấy được gió, âm thanh,... cũng bởi nó vô hình. Nhưng sao người ta lại thấy tường tận lòng mình dẫu nó chẳng hữu hình"?

- Một Tiếng Đàn Câm -

Ông già hôm nay vẫn ngồi chễm chệ trên bậc thềm trước biển. Chiều sắp tàn. Mặt trời cũng lim dim con mắt. Sóng biển ì oạp như muốn tóm lấy cả đất liền. Trên trời, mây đan nhau dựng nên thành lũy những mảng màu thơ mộng. Chỉ độc có ông già tự cao này là chẳng thơ mộng tí nào. Nhưng nói vậy lại không hẳn bởi ổng là dân nghệ sĩ mà! Chiều nào chẳng xách cây đàn cò ra kéo tới kéo lui bài "Dạ cổ hoài lang". Nghe não nề. Tê tái. Nghệ sĩ gì mà buồn không chịu được. Chả trách ai ngó tới ổng đều bức bối theo một kiểu gì đó không rõ.
Ông già năm nay khoảng sáu mươi - bước qua cái tuổi xế chiều rồi. Buồn có gì sai?. Nhưng trên tivi người ta khuyến khích sống trẻ sống khỏe hàng giờ kia kìa!. Căn chòi lụp xụp dựng cạnh chuồng gia súc của một anh nông dân là nơi ông già ngụ cư. Cô độc là bạn đồng hành thân thiết. Hình như cuộc sống của ông cũng đơn giản lắm. Sáng lụi hụi đi mót ve chai. Đầu đường cuối xóm, mọi ngóc ngách của xóm này không tài nào thoát khỏi đôi mắt tinh tường của con người đầu hai thứ tóc. Kiếm ngày chút chát dăm bảy chục trang trải cơm áo. Chiều lại lủi hủi ra bậc thềm sóng vỗ kéo vài tiếng đàn dai dẳng... Ai thấy cũng thương dẫu ông cộc tánh. Nhưng ông thì có lẽ không thương ai ngoài chính mình? Hay ông không đủ sức, không đủ tiền để thương ai?
Nói về sự cộc cằn, ông già chắc dành ngôi quán quân. Thấy ông buồn tủi, lủi thủi cũng có một thân già, mấy đứa trẻ bắt chuyện, hỏi thăm đủ điều về cuộc đời. Nào là quê bác ở đâu? Vợ con bác đâu? Bác có buồn không?. Cứ ngỡ là quan tâm nhau nhưng ai hiểu hết được lòng dạ người nghệ sĩ bao giờ? Những câu hỏi cứ tưởng mở miệng là có thể trả lời lại làm khó dễ ông già cộc cằn này. Vẻ lúng túng lại bừng bừng khiến mặt đỏ lên. Đôi môi rung rung khe khẽ. Đôi mày chau lại. Ông quát lũ trẻ bằng những lời lẽ mà đáng nhẽ chúng không phải nghe, không cần nghe. Có quá đáng không khi đối xử với những người quan tâm mình như thế? Chúng nó sợ. Chúng nó méc người lớn. Con nít mà, ai trách chúng vì nói đúng sự thực bao giờ?. Xóm làng chài cố gắng trấn an mình bằng niềm cảm thông với ông già. "Chắc là ổng có cái nỗi riêng không thiết phải tỏ với dân mình". Chắc vậy!
Tiếng đàn cò vẫn tỉ tê trong những chiều gió lộng. Đàn cho biển, cho mây, cho gió, cho những điều không muốn nói thành lời.
Hôm nay, ông già chuẩn bị ra thềm sóng. Ngó sang nhà bên, thấy mai đã chớm nở những bông đầu tiên, ông rầu lắm. Rầu. Vì Tết. Một năm trôi qua, ông già lại càng già thêm. Màu tóc đen không đủ để chống chọi sự xâm chiếm của những sợi bạc. Sức khỏe cũng đâu cho phép người già làm quá nhiều việc. Việc gì thì việc nhưng cái chuyện với đàn là không thể không làm. Chẳng ai biết vì sao cả. Người ta đoán vì ông yêu nghề mà thất nghiệp nên mới trôi dạt vào xóm duyên hải này. Một chiều xuân ảm đạm, không có gì là mới mẻ với thân phận này. Gió biển thổi qua khe đá rin rít rùng rợn...
Lạ sao hôm nay, ông kêu mấy đứa trẻ ra nghe mình hát? Nghĩ cũng lạ lắm à nghen! Thoạt đầu chúng còn sợ bởi sự dữ dằn, bởi cơn hậm hực trong lòng tràn ra trước mặt bọn chúng khi trước. Nhưng ông già đã mời tụi nó trịnh trọng lắm - như một buổi biểu diễn thật sự. Chúng nó dần thích thú, chạy tít tắp theo ông già. Lũ trẻ bắt chước dáng ngồi chễm chệ của người nghệ sĩ ủ rũ này. Tiếng đàn cò vang lên... Lũ trẻ vỡ mộng. Một không gian buồn rười rượi trút lên ngũ quan chúng nó. Rồi ông cất tiếng hát "Từ là từ ... Anh luống trông tin nàng". Ông già này hay thật! Kêu lũ trẻ thưởng thức hay là một dịp bộc bạch nỗi niềm bao lâu giấu kín? Mà cũng ngộ, nói với chúng nó thì có hề hấn gì? Trong khi tụi con nít chỉ mê mẩn những sắc màu rực rỡ, những thanh âm nhộn nhịp. Có thế cầu mong chúng nó mới ngó tới. Còn đằng này? Có như không có.
"Buổi nhạc hội" mảy may mười lăm phút đã khép lại. Ai về nhà nấy cho kịp giờ cơm tối. Ông già trầm ngâm, ngân lại khúc đàn lần nữa. Trời nhá nhem tối. Phía xa xa con đường ra thềm sóng, bóng người mặc áo trắng lửng lờ, chậm rãi. Đôi mắt đã nhòa không còn phân biệt được người hay ma. Tuổi này rồi ma cỏ có là gì. Đến đây ông đàn cho vài bản rồi về bên kia mà đầu thai. Nhưng không! Ông bỗng sửng người. Mặt tái mét, môi rung rung. "Anh Dương" - giọng nói vói vào tai ông một cách bùi bùi, dễ mến. Bóng trắng tiến về phía ông gần hơn. Một người phụ nữ, đúng ra là bà già tóc đã bạc trắng đứng ngay trước mắt ông. Bà nắm lấy tay ông. Khẽ lay tâm thức ông già vẫn ngỡ ngàng. "Bà....B....à......Bà là bà Âu phải không?" - ông già giọng nghèn nghẹn. Bà ráo riết gật đầu. Hai con người đã bước qua sườn dốc bên kia cuộc đời, đến tận bây giờ mới có duyên tương ngộ. Trai chưa vợ, gái chưa chồng. Ba mười năm cho một mối tình nghệ sĩ. Có đáng không?
Hỏi ra, người ta mới biết, hồi đó cả hai đi hát cho gánh hát có ghé chỗ xóm này. Trong đoàn, em làm đào chánh anh hát phụ. Cặp đôi trời ban mà người ta hay nói. Nhưng em nghe tin mẹ lâm bệnh, em phải rời đoàn. Anh đứng xớ rớ chốn đất này làm gì?. Em hứa em sẽ quay lại với anh rồi tụi mình nên duyên chồng vợ. Nhanh thôi! Vậy mà ông già đã chờ cái nhanh đó hết gần một nửa cuộc đời.
"Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ"
Thì ra, biết bao tiếng tỉ tê, não nùng xa ngái trong tiếng đàn buồn mênh mông là buồn đều do cái chữ "tình" của ông già. Một mối tình sâu đậm đủ để cho một người ba mươi năm đợi chờ một người. Còn gì buồn hơn khi đơn độc chờ một người vô tăm tích. Nước mắt tuôn âm thầm qua từng tiếng đàn. Bởi vậy mới thấy, văn nghệ luôn phơi ra rành rành lòng dạ người nghệ sĩ. Chỉ do người ta không nhìn rõ mà thôi.
Đêm đã khép màn. Nhưng không gian lại mở màn bởi một giọng ca tài tử vang bóng một thời. Biết bao sự thăm hỏi cũng không mùi mẫn, thân thương bằng giọng hát người con gái đời mình. Chỉ tiếng hát cùng vài dây đàn cũng đủ xoa đi một nỗi ưu tư vô định. Nghệ thuật mang những con người trở về tri kỷ. Bà Âu ngồi hát cho ông Dương nghe... "Không phải tại anh cũng không phải tại em. Tại trời xui khiến nên chúng mình yêu nhau (hay xa nhau?). Tiếng hát nương theo gió vang khắp không gian. Ông già thiếp ngủ trên đôi chân hao gầy, mơ mẩn tiếng hát của một nàng thơ trong những năm tháng trẻ trung. Gió biển mơn man trên da tóc người nghệ sĩ đang trổ tài. Còn bà Âu đang xuýt xoa đôi bàn tay chai sạn của ông, đôi bàn tay như một cái rễ cấm sâu vào mặt đất níu lại sức sống diệu kỳ của một cái cây vốn đã chết ngầm từ lâu.
Và có ai biết được đâu khi đó là lần cuối cùng ông nghe người tình trăm năm cất tiếng hát ngọt lịm, trong trẻo. Ông đã mơ một giấc mơ thiên thu, không dậy nữa.
Cứ ngỡ đó là một chuyện tình buồn sầu lắm. Nhưng đâu hẳn. Tiếng đàn con người cộc cằn kia đâu phải chỉ đơn thuần vì tình ái như thế! Ông Dương trở về với cát bụi vì căn bệnh ung thư gan thời kì cuối. Không cứu chữa nổi (chắc cũng vì sĩ diện). Đến giờ người ta mới biết, ông đàn vì mặc cảm với cả cuộc đời. Mặc cảm với hai chữ "đợi chờ" và cả hai chữ "số phận".
Trong giấc mộng thiên thu, chắc ông đang cố một mình mê mải một mớ hoàng hôn.

L.V.H.P
 
Từ khóa Từ khóa
mottiengdancam truyenngan
1K
2
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.