Dự thi Mùa đông năm ấy đọng mãi trong tôi

Dự thi  Mùa đông năm ấy đọng mãi trong tôi

Trời rét căm căm, buốt lạnh. Biểu thử hàn chỉ 11 độ C. Nhiệt độ xuống thấp không khác năm bà nội tôi “lạc bước chốn xa xăm, thiên cảnh cuối trời” cách đây đã rất xa. Tôi nhớ như in ngày bà về với đất. Hiện tượng thời tiết ấy lặp lại là đám giỗ nội tôi. Đám giỗ bà năm nay, bố bận công việc cuối năm nên không về được. Sáng sớm, tôi đón xe về quê để còn dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị cúng giỗ.

Xe bon bon chạy tuyến đường dài. Thoắt cái, đã tới nơi. Tôi xuống xe xách đồ đạc về nhà. Lòng dâng trào niềm thương nhớ nội. Ở nhà, cô Lan (em gái bố tôi) và cả nhà đang chờ tôi ở đấy. Chợt thấy bóng tôi, cô oà khóc “mẹ ơi…cháu về mẹ ơi…”. Tiếng khóc của cô làm ai cũng giật mình, tất cả hướng về phía tôi đang rảo bước vào nhà. Tôi lễ phép chào mọi người rồi cất đồ đạc. Cô tôi giục: “cháu rửa tay chân đi rồi vào ăn cơm, cháu!”
“Vâng ạ!” Tôi đáp.

Chuyện buồn đã xa mà cô cứ làm như mới hôm qua làm tôi xúc động. Đúng là thương nội thật. Bà mất mà chúng tôi còn bé lắm. Tôi chẳng bao giờ quên cái ngày bà mất và cứ ước “giá như có phép nhiệm màu nào để nội sống lại với chúng tôi” nhưng làm sao được cơ chứ? “Nội ơi, cháu lại về với nội đây…!” Tôi thầm gọi nội trong nỗi niềm sâu thẳm. Khoé mắt cay cay, nhoè trong giá lạnh ngày đông in hằn dưới thau nước rửa mặt. Tôi vào ăn cơm rồi nghỉ ngơi một chút để phụ cô công việc cho ngày mai đám giỗ.

Mỗi lần trở về quê dù có bố mẹ đi cùng hay không có, tôi đã thấy nội từ xa. Dáng gầy liêu xiêu ngóng trông từ đầu ngõ. Bà giơ tay vẫy đón đứa cháu đích tôn với vẻ âu yếm và mến thương. Nhưng hôm nay, tôi trở về chả thấy nội ra đón nữa. Lòng bâng khuâng thương nội quá đi thôi. Con ngõ vào nhà vẫn như xưa, có khác chăng vắng lặng hơn trước. Hai hàng rào râm bụt, cây nào cây nấy không được tỉa tót đẹp như khi nội còn sống. Về mùa này, lá vẫn xanh tươi gật gù theo làn gió bấc thổi, lúc chúi xuống khi ngẩng lên buồn tênh. Gió lùa qua hàng rào thổi vào khu vườn nhỏ lộng tới ngôi nhà. Gió lành lạnh làm tôi rùng mình.

Từ khi bà mất, ngôi nhà có cô Lan trông coi và cúng kiếng khi mồng một đầu tháng và ngày rằm âm lịch hoặc lễ tết cũng ấm cúng hẳn lên. Tôi nhìn lên bàn thờ mà nước mắt chực rơi. Cô Lan và tôi dọn dẹp nhà cửa, lau chùi những vật dụng nơi bàn thờ sạch sẽ, tươm tất rồi đốt cây nhang trầm vái lạy nội. Khói hương nhẹ nhàng bay trong gian nhà giữa chạm vào tấm hình ông bà nội. “Khói hương ơi! Có về nơi ấy với bà tôi, hãy thủ thỉ với bà rằng, chúng tôi nhớ và thương bà nhiều lắm!” Càng nhìn khói hương bay bảng lảng, tôi lại càng tiêng tiếc nội khôn nguôi. Nội nhìn tôi trong vô vọng mà nói chẳng nên lời. Ánh mắt ngời sáng dõi theo từng bước tôi qua lại trong nhà.

Quê nội-Miền đất mà mỗi khi hè về, tôi được đắm mình với ruộng đồng của tháng ngày thỏa thích, được dang nắng, tắm mưa cùng các em tôi suốt ngày mệt bở hơi tai. Những trận đòn no của nội mà tôi nhớ mãi khi làm nhiều điều sai khó lường để giận dỗi nội cho bà buồn khóc khi cháu nổi lằn roi. Rồi những trận ốm để đời không tưởng nổi bởi cái ao làng tôi cùng các em trốn nội ngụp lặn hàng giờ với bọn trẻ trong xóm. Quần áo lấm lem bùn đất chẳng có xà phòng nào gột tẩy sạch những vết bẩn bám đầy. Tất cả … nay đã không còn nữa và tôi càng thương nội tôi hơn. Ăn cơm quê hương dẻo thơm thấm vào lòng, vào dạ, tôi chẳng thể nào quên. Uống giọt nước giếng quê, tôi cảm thấy như mát ngọt gần gũi hơn nhiều. Tất cả thấm vào da, vào thịt để lớn khôn. Góc vườn của nội tôi sao thân thương quá đỗi, lúc nào cũng sẵn sàng đón cháu con thưởng thức vị ngon mà mộc mạc đã không còn nữa. Luống rau nội trồng ngày xưa ấy đâu còn để cho tôi thưởng thức bữa canh ngon nấu với con hến sông thơm thoảng mùi hành phi lan tỏa đâu đây. Văng vẳng tiếng nói quen của nội bên tai khi tôi tần ngần đứng nhìn hàng rau bồ ngót “ở thành phố rau này hiếm lắm! Hôm sau cháu về bà hái vài bó làm quà quê nấu canh con hến sông cháu nhé!” Tôi ngoan ngoãn “vâng ạ!”. Chợt thoáng quanh đây. Lần đó cũng là lần cuối, tôi không bao giờ gặp nội nữa. Thời gian cứ thế mà trôi mau rồi lùi vào quá khứ xa dần.
Bà tôi.jpg
(Bà tôi - Văn Học Trẻ - Ảnh mượn mạng internet)

Đám giỗ của nội cũng chỉ những thức quà nhà quê. Một tô canh miến măng khô nấu với thịt gà. Đĩa thịt gà luộc chặt thành miếng rắc lá chanh thái nhuyễn. Thịt lợn kho tàu. Bánh răng bừa gói lá chuối hột. Trầu cau, vàng mã. Một bình hoa cúc trắng. Những món ăn mà ngày xưa còn sống nội thích chứ không phải là những món sơn hào, hải vị cao sang. Cô Lan hiểu rõ những thứ mà nội thích. Tôi phụ cô làm rồi bưng lên bàn thờ đặt những món ăn ấy theo chỉ dẫn của cô. Xong xuôi, hai cô cháu kính cẩn thắp nhang vái lạy, mời cả ông và bà cùng về thưởng thức. Hương trầm bay quện cuốn nhẹ trên bàn thờ thoảng làn khói nhờ nhờ rồi vút ra ngoài. Tôi thầm nghĩ: “Hương khói bay đi mách bảo nội tôi nơi chín suối những đổi thay của làng quê, của tình yêu thương con cháu dành cho nội giùm tôi nhé!” Cứ ngửi mùi thơm của nhang trầm dù ở nơi nào là tôi lại nhớ nội tôi. Và sự thật là như thế!

Sau đám giỗ, tôi trở về thành phố. Cô Lan cứ muốn gia đình tôi về hẳn quê nội sống để anh em được gần nhau. Bố mẹ tôi còn đắn đo nhiều bởi điều kiện và tương lai sau này khi tôi vào Đại học dễ hơn so với nông thôn. Tôi nghĩ bố sẽ không đồng ý nhưng lòng lúc nào cũng hướng tới nơi “chôn rau cắt rốn”. Trước mắt vẫn còn là bài toán chưa tìm ra đáp số.

Ngủ dậy. Tôi thấy cô và các em đã chuẩn bị bữa cơm chia tay rồi gói ghém đồ đạc cho tôi mang về. Bữa cơm ấy, tôi thấy thiêu thiếu nội ngồi ăn cơm cùng gia đình. Nước mắt tôi lại rơi. Cô Lan vỗ về “thôi cháu, ăn cơm cho no đi rồi còn về cho kịp chuyến xe kẻo muộn cháu ạ!”

Xong bữa, tôi lại bàn thờ thắp lại cho ông bà mấy cây hương và mong ông bà phù hộ độ trì cho con cháu trong nhà ai cũng mạnh khoẻ, đi đường thượng lộ bình an, đi đến nơi về đến chốn. Cô Lan òa lên khóc tiễn tôi về làm ai cũng xúc động rồi níu kéo như không cho tôi về. Vậy mà hồi nãy khuyên tôi ăn cho no để về kẻo trễ tàu xe.

Tôi lững thững xa quê về thành đô nhộn nhịp. Ngoảnh lại nhìn quê nội sao nhớ nhớ, thương thương. Biết rằng quê nội nuôi tôi lớn nhưng thành phố là nơi tôi cùng cha mẹ sống để học tập và công tác, mưu sinh. “Quê hương! Mỗi người có một/Nhưng mà chỉ một mà thôi/Quê hương! Nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người.”(Đỗ Trung Quân) Lời thơ ấy văng vẳng khi tôi bước chân đi.

Quê nội tôi khuất hẳn. Làng mạc, ruộng đồng, những con đường quen thuộc xa dần rồi tôi không nhìn thấy nữa. Ôi! Sự bình yên của làng quê dường như tôi thấy nhẹ nhàng, dễ chịu hơn những nơi khác, mặc cho cái rét vẫn vương mãi ngày giỗ nội.​

Bài của Phùng Văn Định
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa Từ khóa
mùa đông quê nội đám giỗ
1K
2
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.