Dự thi Mùa xuân im lặng

Dự thi Mùa xuân im lặng

Tối.

Không gian đặc quánh một màu đen, tựa hồ có thể dùng tay vốc lấy từng nắm. Chẳng có gì ngoài tia sáng yếu ớt chiếu xuyên qua khe thông gió phía trên cửa sổ. Một chấm vàng mờ nhạt đậu xuống nền nhà lạnh lẽo, nằm bất động. Muỗi đông như quân Nguyên, tiếng vo ve càng lúc càng rõ. Đây là thời điểm của chúng, lũ hút máu bé tí teo kéo họ hàng rời khỏi hang ổ để kiếm tìm những làn da ấm nóng. Ở nơi này không bao giờ biết được khi mặt trời lên cao hay vầng trăng đang tỏa sáng. Khái niệm thời gian không tồn tại, sự dịch chuyển của kim đồng hồ chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng bằng từng chút “tích tắc” của ý thức.

Tuân ngồi bó gối trong góc phòng, ánh mắt nhập vào bóng tối. Bao nhiêu lâu rồi cậu không còn nhớ, bao nhiêu lần rồi cậu chẳng còn quá bận tâm. Cơ thể và tâm trí Tuân giờ đã thích nghi với nơi này, hòa vào làm một để sống, để tồn tại. Thời gian đầu lúc mới nhập phòng, cậu gần như điên loạn suốt nửa tháng trời. Bên cạnh những trận đòn thừa sống thiếu chết, Tuân còn phải chịu đựng sự giày vò về mặt tâm lý trong căn phòng kín như bưng. Mỗi hơi thở, mỗi cử động, mỗi thay đổi tinh vi nhất của bản thân đều được chính cậu cảm nhận rõ rệt.

Trong cuộc sống của một người bình thường, sự bận rộn lo toan sẽ khiến người ta quên đi hoặc đánh rơi sự nhận thức về bản thể. Thế nhưng khi ở đây, còn lại một mình với ngày tháng vô tận và bóng tối mịt mùng, Tuân phải đối diện với chính mình. Nói cách khác, những tầng ý thức sâu thẳm trong bản thân sẽ quay lại đối thoại với Tuân. Và rất nhiều lần như thế, cậu đau đến mức đầu như muốn nổ tung. Các dây thần kinh căng lên vì lo âu, căng thẳng và hồi hộp cực độ. Khi các giác quan hầu như bị đóng kín, Tuân phải lánh vào bên trong chính mình để nương náu hòng tìm chút ánh sáng của sự chia sẻ. Có lẽ, tự an ủi chính mình là phương thuốc hữu hiệu nhất mà cậu thường dùng trong thời gian qua.

Roạt

Tiếng động nhỏ thu hút sự chú ý của cậu. Nó đến từ ngoài cửa sổ tối om, nơi những cành cây không rõ tên gọi nhẹ đung đưa trong gió. Ấy là theo cảm nhận của Tuân chứ cậu không thấy một thứ gì ngoại trừ những hình thù lờ mờ hằn lên song sắt.

Chợt ngẩng đầu dậy, cậu khẽ nghiêng về phía cửa sổ. Dưới ánh trăng hiu hắt, một con chim nhỏ khẽ đậu xuống trên bậu cửa, cạnh những chấn song lạnh lẽo bốc mùi gỉ sét. Đó là một con chào mào với chỏm lông dựng đứng trên đỉnh đầu. Nếu trong điều kiện ánh sáng ban ngày, bạn sẽ thấy một hình dung tuyệt đẹp với bộ lông ba màu chủ đạo là đen, trắng và đỏ. Thế nhưng, vào lúc này, Tuân chỉ có thể sử dụng thị giác của mình ở mức thấp nhất.

- Chào chú mày. Hôm nay thế nào? – Tuân khẽ hỏi.

Như có ma lực siêu hình điều khiển, con chào mào hé khuôn miệng nhỏ xíu mấp máy phát ra những âm thanh kì dị. Nếu là một người nào khác nhìn thấy, hẳn chỉ nghĩ đó là cử động ngu ngốc của một con vật. Nhưng Tuân thì khác, cậu tưởng tượng mình nghe và thậm chí hiểu được lời của chào mào. Hơn thế nữa, cậu còn đáp lại như hai người bạn thân quen từ lâu.

Chào mào chợt ngửa cổ hót lên một tràng dài. Âm thanh trong trẻo từ vòm họng người bạn nhỏ bé thoáng chốc đẩy lùi bóng tối u ám, vụt lên trong tâm trí Tuân một niềm vui khó tả. Như cách mặt trời tỏa tia nắng hiếm hoi xuống tận đáy thung lũng quanh năm toàn chết chóc và đau buồn. Cậu cũng chầm chậm lắc lư mái đầu, để tâm trí tạm thời thoát khỏi tình trạng hiện tại. Trong cảnh tranh tối phết lên vài vệt sáng mỏng manh, một người một chim bất giác hòa lẫn cảm xúc. Có lẽ, hiếm ai để ý đến sự tương thông về linh hồn giữa những cá thể sinh vật trong cuộc sống này. Nếu không tính đến yếu tố bản năng, mối liên kết này là điều gần như vô lý. Thế nhưng, óc tưởng tượng và kiểu đối thoại bằng độc thoại này của Tuân đã giúp cậu giữ vững được tâm lý trong những ngày bị biệt giam.

Ít nhất, cậu không đến nỗi bị điên khi phải tự nói chuyện với chính mình.


* * *

Nhà tù Cao Phủ nằm ở vùng núi khu vực Nam Đông, gần địa phận biên giới giáp Lào. Đây là nơi giam giữ rất nhiều tù nhân nguy hiểm, hầu hết đến từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Cao Phủ tọa lạc trên phần rìa ngọn đồi cách thị trấn Khe Tre gần năm cây số về phía Tây Bắc. Nơi đây hẻo lánh, quanh năm vắng bóng người qua lại, chỉ nghe tiếng chim kêu vượn hú suốt ngày. Khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ tươi tốt chứ không cằn cỗi như người miền xuôi vẫn hay lầm tưởng. Dưới chân đồi, quốc lộ số bảy chạy ngang qua như một con rắn khổng lồ uốn éo giữa nền xanh thẳm của hàng lớp cây rừng rậm rạp. Ven đường sát bìa rừng, một con đường độc đạo và tối tăm xuyên qua sơn lâm dẫn đến Cao Phủ. Nơi mà người Nam Đông thường hay kháo nhau là “có đi không có về”.

Những tia nắng đầu tiên của ngày mới khẽ chạm lên mái tôn lạnh lẽo của bốt gác phía Tây. Gã cai ngục với khuôn mặt rỗ chằng chịt dùng tay che miệng, ngáp dài trong cái lành lạnh buổi sớm. Đêm qua gã thức chơi bài đến khuya. Mấy tên phụ trách nhà bếp rảnh rỗi sau bữa tối đã rủ rê gã kiếm chác qua trò sát phạt nhau trên chiếu bạc. Nghe đâu thằng Ba “đầu bò” mới vớ bẩm, tiền thưởng rủng rỉnh trong túi nên muốn tiêu bớt phần nào. Thế là bốn tên vớ lấy cỗ bài tú lơ khơ miệt mài đánh mậu binh suốt mấy tiếng đồng hồ.

Vươn vai uể oải, gã cai ngục leo xuống thang. Thức đêm canh gác khiến gã cảm thấy mệt mỏi, cần phải nghỉ ngơi sau khi bàn giao ca trực. Chuông điện thoại reo lên đột ngột, gã rút từ túi quần ra một chiếc Samsung màu đồng. Màn hình hiển thị tên người gọi vỏn vẹn một từ “Sếp”.

“Alo. Em nghe đây anh Tư”.

Đó là Tư “sẹo”, đội trưởng đội cai ngục ở nhà tù Cao Phủ. Hắn có thâm niên công tác ở nơi này lên đến gần mười lăm năm. Bao nhiêu lớp nhân lực đến rồi chuyển đi, hàng trăm tù nhân nhập trại rồi mãn hạn giam giữ, chỉ mỗi mình hắn là trung thành với nơi này.

“Công à, mày đến phòng biệt giam số bảy dẫn tù nhân về nhập buồng nhé. Chọn cho hắn cái buồng nào hiền lành chút rồi bảo anh em săn sóc nhau”.

Công nhếch mép cười thầm, biết rõ từ “hiền lành” chỉ có người trong cuộc mới biết là nên kèm theo dấu ngoặc kép.

“Dạ vâng ạ. Em làm ngay đây”.

Tiếng Tư “sẹo” lại vang lên đầu dây bên kia.

“À còn chuyện này nữa. Cho nó rửa ráy và một bộ đồ mới, tươm tất chút. Tao cá giờ người nó bốc mùi như chuột chết đấy”.

“Dạ vâng ạ. Em hiểu rồi”.


Công bấm tắt máy, thong thả gác khẩu tiểu liên lên vai tiến về phòng chờ để bàn giao ca trực. Cách đó không xa, trong phòng làm việc ở tòa nhà C, Tư “sẹo” đang quan sát hồ sơ của Tuân – tù nhân ở phòng biệt giam số 7. Những dòng thông tin chầm chậm lướt qua dưới mắt. Đó là đôi mắt với tia nhìn như xoáy sâu vào người đối diện, từng khiến không biết bao nhiêu tù nhân và thuộc cấp run rẩy khi đứng trước hắn.

Tên này can tội giết người. Trong bản hỏi cung, hắn khai đã đâm chết một mạng người, làm trọng thương ba người khác khi cuộc hỗn chiến giữa hai băng đảng diễn ra tại bến tàu cảng Chân Mây. Tuân là thành viên của Lửa Đen – băng nhóm chuyên thực hiện các vụ cướp giật ở khu vực biển Lăng Cô. Trong hôm xảy ra hỗn chiến, Lửa Đen vấp phải vấn đề xung đột về phân chia địa bàn làm ăn với băng Mặt Nạ Sắt, tổ chức chuyên bảo kê cho các tàu hàng khu bến cảng. Trận hỗn chiến điên cuồng đã khiến ba người thiệt mạng ngay tại chỗ và gần mười tên khác bị thương. Số còn lại đã bỏ chạy tháo thân ngay khi cảnh sát ập đến hiện trường.

Tư “sẹo” vân vê điếu thuốc lá cháy dở giữa hai đầu ngón tay, miên man suy nghĩ hồi lâu trong căn phòng lặng như tờ. Khu C cách xa trại giam nên mọi tiếng động hỗn tạp đều không thể ảnh hưởng đến nơi đây. Rít một hơi thuốc dài, Tư “sẹo” ngả đầu ra sau ghế, mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà. Tên Tuân này cần được dạy dỗ thích đáng, phải cho hắn nếm mùi Cao Phủ để tỉnh ngộ thói ngông cuồng tuổi trẻ. Thanh niên sức dài vai rộng không lo làm ăn lại đi theo băng đảng giang hồ, tính chuyện cướp giật của kẻ khác. Chẳng bao lâu nữa là Tết Nguyên Đán, không muốn sum họp gia đình mà lại muốn vào đây. Đã thế, những đứa như mày cần được ăn đòn đau may ra mới tỉnh ngộ. Tư “sẹo” khẽ chạm đầu lọc nơi gạt tàn, tàn thuốc xám đục rơi vào bên trong. Hắn lại nghĩ. Căn bản là người nhà thằng Tuân này không hề quan tâm nó. Vào đây đúng một tháng, Tư “sẹo” chưa hề thấy một ai đến thăm nuôi Tuân. Vậy thì cầu mong gì dăm ba đồng bạc lẻ tiền trà nước cho bọn gác cổng chứ chưa nói đến những khoản lót tay kín đáo khác.

Luật bất thành văn, tù nhân ở nơi nào cũng vậy. Muốn yên ổn thì người thân gia đình cần có những động thái mềm mỏng, móc nối với bên trong nhà tù để cuộc sống của phạm nhân dễ thở hơn. Tất cả cũng chỉ dựa vào mãnh lực tuyệt đối của những tờ giấy xanh đỏ mỏng manh. Cao Phủ cũng không là ngoại lệ, ngược lại còn khắc nghiệt hơn khi nơi đây cực kì gắt gao trong việc kiểm soát người thăm nuôi.

Ngay lúc Tư “sẹo” đang chìm đắm trong làn khói thuốc, ở khu trại giam, Tuân đã rửa ráy sạch sẽ sau khi thấy cái nhăn mặt của gã cai ngục vì mùi hôi kinh khủng bốc ra từ cậu. Vận lên mình bộ đồ tù sọc đen trắng, Tuân ngay ngắn đứng vào hàng. Những phạm nhân đang được chuyển về từng buồng giam cụ thể, phân chia nơi ở sau khi nhập trại. Mười hai tù nhân sắp hàng dọc, điểm danh phía trước bàn của một cai ngục khác. Tên này béo ục ịch, bộ ria mép kiểu cách ngự trên đôi môi thâm tím vì thói nghiện thuốc lá nặng. Hai con mắt ti hí cách xa nhau càng làm cho hắn có cái vẻ gian xảo không lẫn vào đâu được. Dùng bút rà dọc theo danh sách, hắn ngẩng đầu rồi gọi cộc lốc.

- Nguyễn Hữu Thế, tên gọi khác Thế “bự”.

Một tù nhân có vóc người vạm vỡ giơ tay lên cao.

- Thằng chó này. Mày không có mồm à?

- Dạ em xin lỗi cán bộ. Em có mặt ạ.
– Người tù tên Thế “bự” khúm núm cúi đầu ra chiều sợ hãi.

- Cút. – Tên cai ngục hất hàm.

Thế “bự” đi theo một cai ngục khác về phòng giam của mình. Tuân liếc nhìn theo, hai chân người đó cứ khập khiễng. Đầu cúi gằm bước đi một cách nhẫn nhục, cam chịu. Vậy là phải đáp lời điểm danh, giơ tay mà không mở mồm thêm lần nữa khéo no đòn với tụi này.

- Hoàng Văn Giang, tên gọi khác Giang “đồ tể”.

- Dạ có em đây.


Một tù nhân đứng trước Tuân đáp to.

- Đồ tể à? Tên oách gớm nhỉ. – Tên cai béo mở lời cà khịa.

- Dạ có đâu anh. Em làm nghề mổ lợn nên có biệt danh đấy thôi ạ. – Giang “đồ tể” vừa đáp vừa gãi đầu.

- Được rồi. Giờ thì xéo.

Giang “đồ tể” cất bước theo cai ngục về phòng. Đôi cánh tay vằn vện những hình xăm buông thõng hai bên thân mình. Trái với khi trả lời báo tên, người này bước đi vững chắc, đầu ngẩng cao tràn ngập khí thế không chút e sợ. Tuân hiểu gã này không tầm thường. Sau này nếu có dịp, Tuân sẽ gắng kết giao thân thiết. Cậu hướng ánh mắt về bàn điểm danh. Đúng lúc này, tên cai gọi to.

- Trần Tuân, biệt danh Tuân “bói cá”.

Tuân giơ tay lên đồng thời cất tiếng đáp rành mạch.

- Dạ có em thưa cán bộ.

- Mày là Tuân à?
– Tên cai nhìn cậu, ra vẻ thắc mắc. Có lẽ hắn không tin cậu thanh niên trẻ măng đứng trước mặt mình đã xuống tay tàn nhẫn đến thế như trong hồ sơ ghi chép.

- Dạ vâng ạ. – Tuân đáp gọn lỏn, mắt nhìn thẳng tên cai. Hắn cũng chăm chú nhìn lại cậu. Giây lát hắn ra hiệu cho đàn em cấp dưới đến gần rồi thì thầm điều gì đó vào tai.

- Mày theo anh này về phòng. Sống cho đàng hoàng vào.

Tên đàn em khoát tay bảo Tuân theo hắn. Cậu bước đi không chút do dự, chẳng hề nghĩ rằng từ giờ phút này trở đi, cuộc sống của cậu sẽ rơi vào chuỗi ngày đau khổ nhưng không kém phần li kì nhất từ trước đến nay.

Có lẽ sau này, khi Tư “sẹo” và đám đàn em đã rời nghề cai ngục, chúng vẫn không bao giờ quên một trong những biến cố lớn nhất suốt quãng đời làm việc trong nhà tù. Chính câu chuyện kì lạ đến mức khó tin ấy đã khiến chúng khắc sâu trong bộ nhớ về kí ức chỉ như mới hôm qua. Nó hiện rõ mồn một trong những giấc mơ xa xôi thăm thẳm, khi chúng nằm cạnh vợ con trong đêm tối của cuộc sống đời thường.

Hai tháng sau khi Tuân nhập trại, nhà tù với cậu đã trở thành nơi quen thuộc. Anh em bạn tù trở thành người thân của nhau, sẵn lòng cưu mang hỗ trợ trong những thời khắc đen tối nhất. Nói ra thì đáng buồn, nhưng Tuân chưa bao giờ có một mái ấm đúng nghĩa. Những năm tháng lớn lên trên đường phố, Tuân đi theo các nhóm đầu trộm đuôi cướp để kiếm ăn ở khu vực cảng tàu, ven biển. Đến năm mười tám tuổi, cậu được Trung “ngựa” – đại ca của băng Lửa Đen khét tiếng – thu nhận làm tay chân. Với vóc dáng linh hoạt, sự thông minh cùng bản tính liều lĩnh hiếm thấy, từng bước một Tuân trở thành đàn em thân tín, trợ thủ đắc lực của đại ca Trung trong các phi vụ từ nhỏ đến lớn.

Mùa đông với những cơn gió rét buốt thấu xương chậm chạp lướt ngang qua Cao Phủ. Trên những đỉnh đồi phía trước nhà tù, một màu xám ngoét vây hãm lấy cây rừng, hòa vào không gian sự lãng đãng trong cảm giác mơ hồ đến rợn người. Bầu trời nhuộm một màu đục lờ đờ, mất đi hẳn sức sống của những ngày trước đó. Xa xa, dưới chân đồi, vài ba bóng người lẻ loi vận trang phục sặc sỡ đang nhặt củi khô bỏ vào chiếc gùi đeo trên lưng. Họ là thành viên của tộc Cơ Tu – một quần thể dân tộc thiểu số sống quanh quẩn ở vùng này.

Tuân quét những nhát chổi cuối cùng trên mặt sân sau khu trại B. Hôm nay đến lượt tù nhân phòng mười ba làm vệ sinh. Rác rưởi, lá rụng ngập đầy nền đất đến nỗi phải hai ba lượt quét mới hầu như làm sạch hết. Góc sân sát nhà kho, nơi để hầu hết dụng cụ lao động, Ty “bại” làm biếng thấy rõ. Hắn xỏ hai tay vào túi quần, khe khẽ huýt sáo ra chiều có điều gì vui vẻ, sảng khoái. Cách đó mấy bước, Giang “đồ tể” đang cho nước máy vào xô, chuẩn bị cọ rửa phần rêu mốc. Tuân sớm thân thiết với Giang trong một sự kiện tình cờ khi cả hai đều bị giam chung trong phòng mười ba. Từ đó đến nay, cậu và anh chàng đồ tể xăm trổ thường xuyên chia sẻ nhiều chuyện với nhau. Thoáng chốc, Tuân sớm biết được một điều. Đừng bao giờ đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài của họ.

- Tranh thủ làm đi. Mười lăm phút nữa tao quay lại mà vẫn chưa xong thì đừng trách đấy.

Tên cai ngục giở giọng đe nẹt. Thân hình hắn ốm đói như ma với gương mặt hốc hác, đôi chân khẳng khiu trong ống quần xanh đậm rộng thùng thình. Thoáng thấy bóng hắn khuất đằng sau dãy nhà, Giang “đồ tể” ghé bước đến gần Tuân.

- Đang nghĩ gì đó? Mấy hôm nay anh thấy mày hơi lạ.

Cậu lắc đầu, khẽ đáp.

- Không có gì đâu anh. Em đang tận hưởng cuộc sống thôi.

Giang bật cười to một cách sảng khoái.

- Đùa vui đấy. Mày làm anh cảm thấy có thêm hi vọng sống rồi.

Tuân ngước mắt nhìn, vẻ thắc mắc hiện lên trên gương mặt.

- Sao lại hi vọng ạ? Hôm ra tòa, họ phán anh thế nào?

Giang trầm ngâm, im lặng không nói gì. Bầu trời âm u như sắp đổ mưa. Một cơn gió khô khốc lùa qua nơi hai anh em đang đứng, mang theo sự lạnh lẽo của núi rừng. Tiếng chim cô độc từ đâu vút lên cao, chạm vào tầng không mất hút.

- Mức cao nhất.

Giang đáp cụt ngủn, ngữ điệu gần như vô cảm. Tuân biết gã “đồ tể” đứng trước mặt mình chưa bao giờ thể hiện cảm xúc tiêu cực ra bên ngoài dù là trong trường hợp nào. Thế nhưng, ngay lúc này, khi nhìn đôi vai rộng kia bất chợt run lên trong khoảnh khắc, cậu hiểu người đàn ông này đang gần như tuyệt vọng. Bản án cao nhất đồng nghĩa với việc, thời điểm phạm nhân từ giã cõi đời chỉ còn là vấn đề thời gian. Cậu tự ngẫm. Ít nhất, với mười hai năm của mình, cuộc sống vẫn còn cơ hội tiếp diễn dù cánh cửa thanh xuân đã khép lại giữa cái nơi u ám, đen tối này.

- Khi nào án thi hành ạ? – Tuân ghé sát Giang thì thầm hỏi.

- Hai mươi lăm tháng Chạp, anh sẽ bị chuyển đến trại giam Bình Điền. Ở đó, anh sẽ rơi vào chế độ quản thúc đặc biệt chờ thời điểm thích hợp thi hành án.

“Sắp rồi”
. Cậu thầm nghĩ. Giang “đồ tể” đột nhiên trừng mắt dữ tợn. Hai bàn tay nắm chặt lấy cán chổi, cơ thể cứng đờ lại như tượng đá.

- Nhưng anh không cam tâm mày ạ.

Tuân cúi đầu, chỉ biết im lặng chứ không dám khuyên nhủ điều gì. Vốn liếng giang hồ của cậu còn ít ỏi, kém xa người đàn anh trước mặt. Cậu chưa hiểu hết cảm xúc lúc này của Giang. Đó là sự trộn lẫn giữa nỗi đau buồn, căm hờn và hối hận tột cùng. Những đêm dài trong phòng giam, giữa không gian hôi hám nóng nực, Giang đã nhiều lần kể cho Tuân nghe về câu chuyện đời mình. Lí do vì sao gã phải vào đây, trả giá cho những hành động đã làm ngoài kia. Thì ra, trên đời này, những điều ta nhìn thấy trước mắt chưa hẳn đã đúng như cách ta nghĩ.

Giang “đồ tể” làm công tại một lò mổ lợn ở khu chợ đầu mối Bãi Dâu. Cuộc sống thường nhật của anh ấy kéo dài suốt ngày. Tờ mờ sáng, Giang đã phải đến lò nhận heo từ các đầu nậu, thương lái. Sau đó, anh cùng các người làm khác bắt tay vào xẻ thịt đám lợn. Nhiều lúc hàng về cần mổ gấp, anh phải thức khuya làm quần quật để cung cấp thịt cho các xe vận chuyển đến chợ. Bận tối tăm mặt mày, thế nhưng đồng lương của anh chưa bao giờ đủ nuôi sống gia đình. Vợ anh nội trợ ở nhà, buôn bán lặt vặt. Hai vợ chồng cùng bốn đứa con nhỏ sống chật vật, tạm bợ trong ngôi nhà cấp bốn ven sông Bồ.

Thế rồi, biến cố xảy ra đẩy anh lâm vào cảnh tù tội. Ngày anh bị áp giải đưa lên xe thùng, vợ con anh khóc lăn lóc cả ra đường phố. Ai cũng ái ngại tội nghiệp nhưng chỉ biết đứng nhìn. Hai tay bị còng chặt cứng, nước mắt anh giàn giụa trong khoảnh khắc cuối cùng cánh cửa xe khép lại. Chuyện của Giang “đồ tể” khắc lên trái tim Tuân một vết chạm nhức nhối khi cậu nghĩ về bản thân mình. Thứ mà chúng ta chấp nhận hy sinh, đánh đổi nhiều lúc lại là nguyên nhân khiến bao tai ương ập xuống. Chẳng có thứ gì đạt được mà không phải trả giá. Chỉ là, cái giá đó đôi khi quá đắt mà thôi.

Cứ khi nào kể đến đoạn này, Giang “đồ tể” lại cố gắng nén tiếng nấc nghẹn ngào. Trong bóng tối phòng giam, khi tất cả người tù đã say ngủ sau một ngày lao động vất vả, Tuân lắng nghe từng lời của Giang, cảm thấy uất ức giùm anh nhưng chẳng biết giúp gì khi mà bản thân cậu cũng đang gánh một bản án không hề nhẹ. Phút lóa mắt vì tiền, muốn lo cho vợ con có cuộc sống đầy đủ, người đàn ông đang nằm cạnh Tuân đã gật đầu chấp nhận làm phụ xe cho chuyến vận chuyển hàng cấm qua biên giới Lào. Trước khi lên đường, gã trùm buôn lậu đã hứa hẹn nếu có chuyện gì xảy ra sẽ có người lo cho vợ con anh. Hắn tạo nên một niềm tin giả tạo rằng, với uy danh trong giới giang hồ, chẳng một ai dám đụng đến người thân của Giang khi có hắn bảo kê.

Chuyến vận chuyển hàng cấm được ngụy trang khéo léo nhằm qua mắt lực lượng chức năng kiểm soát giao thông đường bộ cũng như công an biên giới. Các lô hàng bí mật được giấu kín đằng sau đống thùng các-tông chứa đầy thực phẩm. Thậm chí, để chắc ăn hơn, bọn buôn lậu đã tuồn rải rác những túi chất cấm lẫn vào trong mỗi thùng kẹo, bánh dán mác Bibica, Kinh Đô… toàn là nhãn hiệu nổi tiếng. Đêm ấy, khi xe đến giao lộ cắt ngang Khe Sanh, Quảng Trị và cửa khẩu Lao Bảo, Giang cùng tên tài xế đã bị phục kích. Họ không hề biết rằng, mọi đường đi nước bước của đợt chuyển hàng lần này đã bị lực lượng công an nắm rõ trong lòng bàn tay. Để rồi, một mẻ lưới tinh vi được giăng sẵn đã tóm gọn cả hàng lẫn người khi xe sắp qua được biên giới Lào.

- Ê! Hai thằng kia, lo làm cho xong chứ bàn tán gì đấy? Cách xa nhau ra nào.

Tiếng quát của tên cai khiến cả Tuân lẫn Giang phải chú ý hơn vào công việc. Hắn đã quay lại giám sát tù nhân làm vệ sinh. Tuân huých nhẹ vai người bạn cao lớn của mình, khẽ bảo.

- Lát về phòng nói sau anh nhé. Làm đi đã.

Giang “đồ tể” gật đầu, thở dài và tiếp tục quét lá khô về một góc. Hôm ấy trời rất lạnh, mây mù từ đâu giăng kín trên đầu đám tù nhân. Chẳng một ai hay biết, cách đó gần năm trăm mét, Tư “sẹo” đang nhấm nháp rượu và xem tạp chí bóng đá. Hắn tận hưởng ngày cuối tuần khi công việc đã thu xếp đâu vào đấy. Danh sách tù nhân chuyển trại đã được hoàn tất. Chỉ còn chờ phía Bình Điền liên lạc thống nhất ngày giờ cũng như gửi phương án di chuyển. Giờ đã là những ngày đầu tháng Chạp, Tư “sẹo” đang nghĩ đến một cái Tết sung sướng bên vợ con, bạn bè. Năm nay, người thăm nuôi tù nhân thường xuyên ra vào trại giam. Số tiền kiếm được từ việc nhận hối lộ, lót tay của gia đình phạm nhân cùng mức lương cứng của chức đội trưởng đội cai ngục khiến hắn kiếm được khá nhiều. Nhấp chút rượu nóng bỏng, Tư “sẹo” lim dim đôi mắt trong sự lâng lâng khó tả. Loại Tequila này pha với chanh uống trong mùa đông, phải nói là cảm giác tuyệt vời. Ngả người ra ghế tựa, gác đôi chân dài ngoẳng lên bàn làm việc, tên đội trưởng tranh thủ chợp mắt ít phút.

Bên ngoài, gió chợt rít mạnh liên hồi. Từng cơn mãnh liệt quét qua những tán bạch đàn quanh khuôn viên nhà tù Cao Phủ. Lá rụng lả tả trên mặt sân vừa được quét dọn sạch sẽ trước đó không lâu. Một bóng chim chao nghiêng, lướt ngang hàng rào kẽm gai rồi đậu lên nóc bốt gác. Con chào mào với chỏm lông dựng đứng trên đỉnh đầu, yên lặng bất động giữa nền trời chợt thình lình cất giọng hót lên một cách giận dữ.

* * *

Cả phòng quây quần ăn cơm trong ánh đèn tù mù hắt vào từ hành lang. Dãy phòng giam của Tuân và Giang nằm theo thứ tự từ mười một cho đến hai mươi. Đối diện với bên kia là từ một đến mười, chen giữa là đường luồn kéo dài (tù nhân hay gọi đùa là xa lộ). Đội “tự giác” đang mang thức ăn đến từng phòng cho phạm nhân. “Tự giác” cũng là tù nhân nhưng do có tiền đút lót cho cai khiến cuộc sống của họ dễ thở hơn. Thời gian trong ngày thay vì ngồi bó gối trong phòng tối, họ được thoải mái đi lại trong trại và phục vụ các công việc lặt vặt của nhà bếp hoặc y tế.

Bữa cơm vẫn như thường lệ gồm thịt kho, miếng nào miếng ấy đến nửa bàn tay nhưng lại toàn mỡ, nổi váng lên mặt nước kho nhìn ớn cả người. Rau muống có cọng to như ngón tay, vẫn còn rễ đen sì đã luộc sơ qua nước. Khi ăn chấm với muối tạm gọi là có tí chất xơ. Cơm nấu bằng loại gạo rẻ tiền nhất, cứng như đá. Những hôm đầu mới ăn, Tuân không tài nào nuốt nổi khi chỉ ăn nửa chén lấy lệ rồi đi nằm. Giờ đây, cậu đã quá quen với điều đó. Hơn nữa, Tuân luôn tự nhủ cố gắng ăn để khỏe mạnh. Đời tù đã đau khổ, lỡ ốm một trận trong hoàn cảnh này thì chỉ có nước lên trạm xá nằm dài hạn.

Tối đó, Tuân ngồi bên song cửa, nhìn đám tù cùng phòng đang bày trò ca hát. Như một vở diễn trong tưởng tượng, Ty “bại” giả vờ làm MC dẫn chương trình giới thiệu lần lượt các “ca sĩ” lên biểu diễn. Mỗi khi có “ca sĩ” bước ra sân khấu, đám tù còn lại đóng vai khán giả lập tức vỗ tay rần rần y như thật. Thế đấy, đời tù kéo từ ngày này qua tháng khác một cách nhàm chán, tẻ nhạt cùng cực. Nếu không tự nghĩ ra thú tiêu khiển, chẳng mấy chốc cả đám đều phát điên hoặc tự kỷ mất.

- Tụi bay nhỏ mồm lại được không? Không cho ai nghỉ ngơi à?

Một tên cai gõ dùi cui vào cánh cửa sắt, gằn giọng de dọa. Lập tức, tiếng cười nói trong phòng dần dần nhỏ lại rồi im bặt. Ai nấy nhìn nhau rồi kiếm chỗ đi nằm. Nhớ lại lúc mới nhập phòng, Tuân chỉ chịu một trận đòn duy nhất vào đêm đầu tiên. Ấy là thủ tục mà bất kì phạm nhân mới nào khi ở tù tập thể đều phải nhận. Cũng may, Giang “đồ tể” thương tình lại có quen biết trước các người tù nên đỡ lời cho cậu. Từ đó, anh em dần thân thiết, vui buồn đều kể nhau nghe. Điều ấy khiến cậu vơi bớt phần nào nỗi cô độc. Vì dường như, tính cách của Tuân có phần trái ngược với tù nhân ở phòng mười ba. Cậu ít nói, trầm tính, chỉ thích ngồi một góc quan sát. Một điều gì đó lớn lao đã thay đổi bên trong cậu kể từ sau khoảng thời gian bị biệt giam suốt một tháng. Những ngày tháng gây sự đánh nhau, cướp giật đã mãi mãi ở lại phía ngoài kia. Nơi mà cuộc sống tươi đẹp vẫn đang tiếp diễn, đối lập với rất nhiều đổ vỡ bên trong tâm hồn Tuân. Từ một gã thanh niên mới lớn hung hăng, dễ nổi nóng, cậu gần như thay đổi tâm tính hoàn toàn khi vào đây. Thu mình vào một góc, yên lặng sống qua ngày để chấp hành án tù. Tuân chẳng bận tâm nhiều đến ai, ngược lại, tù nhân trong phòng hay trong trại, phần đa lớn tuổi hơn nên cũng chẳng chú ý gì nhiều tới cậu. Duy nhất, mỗi mình Giang “đồ tể” – gã đàn ông cao to, thô ráp ấy – là hay quan tâm, hỏi han cậu mà thôi.

Tiếng nhạc xuân từ đâu vang lên, dường như phát ra từ phòng nghỉ cai ngục gần đó. Giai điệu nhẹ nhàng của bài hát như trôi thành dòng, luồn lách vào những khe hở nhỏ bé nơi cửa phòng giam vào đến tận bên trong. Ai cũng dỏng tai lên nghe, lặng im thưởng thức ca từ du dương. Âm thanh như thắp lên ngọn lửa khát vọng sống trong mỗi người tù. Dù chỉ vụt lên le lói nhưng cũng đủ ấm áp, tiếp thêm niềm tin ở cái nơi tối tăm này.

Hồi còn bé, mỗi dịp Tết đến xuân về, Tuân thường lẽo đẽo theo bà ngoại đi bán kẹo tơ ở các thôn xóm nằm sâu trong làng. Trong kí ức của cậu, ngôi làng với những lũy tre xanh trải dài tít tắp hai bên vệ đường. Cách đó không xa là con kênh ngập nước, nơi mà mỗi trưa hè, cậu thường cùng thằng Bi, con Xuân và con Tít hay ngồi câu cá rô rồi cãi nhau chí chóe xem đứa nào nhiều cá hơn. Năm nào cũng vậy, cứ gần Tết, vô số kí ức lại trở về trong những giấc mơ êm đềm nhất của cậu. Bà ngoại Tuân hiền lắm, lại có tài quấn kẹo tơ ngon tuyệt vời. Món kẹo đơn giản được làm từ đường và mật mía, kho thật khô rồi xe thành sợi nhỏ trước khi quấn vào que tre nhỏ, tạo nên những chiếc kẹo be bé. Những ngày giáp Tết, trên chiếc xe đạp cọc cạch, hai bà cháu lẽo đẽo chở nhau đi trên đường làng. Mỗi khi đến các thôn xóm, bà lại dắt xe đi bộ. Tuân đi sát bên cạnh bà, mồm cứ líu lo đủ thứ chuyện. Tiền kiếm được từ việc bán kẹo tơ, dù không nhiều nhưng bà luôn dành một khoản nhỏ để sắm quần áo mới cho Tuân.

Nỗi buồn sâu thăm thẳm, đã từ lâu không còn khiến Tuân phải quá đau lòng. Kí ức về bà chưa bao giờ phai mờ trong cậu, chỉ là giờ đây sau bao nhiêu tháng năm trôi qua, nó đã trở nên quá đỗi bình thường. Bà ngoại mất khi Tuân học lớp bảy. Cậu sống với bà từ bé, chưa bao giờ có một khái niệm rõ ràng về những người gọi là bố mẹ. Cũng đôi lần, Tuân nghe người cùng làng bàn tán bóng gió về việc bố cậu là một gã trai đốn mạt, làm mẹ cậu có thai rồi bỏ đi theo nhân tình. Mẹ sinh cậu ra đời trong tủi nhục rồi cũng khăn gói đi nơi khác, bỏ lại Tuân cho bà ngoại nuôi dưỡng. Tuân thương bà ngoại vô cùng, lúc nào cũng chăm chỉ học hành để khiến bà vui lòng. Suốt những năm tiểu học, cậu luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Thế rồi, ông trời nhẫn tâm cướp mất người bà thân yêu khi cậu bước sang những năm đầu của cấp THCS. Không còn người thân, Tuân quá bé để hứng chịu những lời xì xào, dè bĩu của hàng xóm láng giềng. Cậu bỏ đi. Sống lang bạt đầu đường xó chợ cho đến khi gặp và được thu nhận vào băng Lửa Đen.

- Mày ngủ hả Tuân?

Mải suy nghĩ hồi lâu, cậu không biết Giang đã đến bên cạnh từ lúc nào. Anh nằm gác tay lên trán, mắt đăm đăm nhìn khoảng trần phòng tối đen như mực.

- Dạ đâu có. Ngồi nghĩ vẩn vơ thôi.

- Ừm. Thấy mày ngồi yên như thế, anh cứ tưởng ngủ quên.


Giang im lặng một lúc rồi lại thì thầm.

- Tuân này, anh có chuyện này muốn nói. Nhưng mày phải hứa là giữ bí mật.

Cậu liếc mắt nhìn Giang. Chuyện gì mà anh ấy có vẻ thận trọng thế nhỉ?

- Gì vậy anh? Mai được thả hả anh?

Giang “đồ tể” giơ cẳng chân tống một đạp nhè nhẹ vào đùi Tuân, đoạn nói.

- Thằng điên này. Được thế thì anh đã báo cho cả phòng luôn rồi.

Tuân cười khúc khích.

- Vậy chuyện gì? Ông anh tối nay sao có vẻ rào trước đón sau thế nhỉ?

- Chuyện hệ trọng, không đùa được nên phải cẩn thận. Hở ra tí là chết như chơi mày ạ.


Nghe giọng căng thẳng của Giang, cậu hiểu là thực sự có điều gì đấy.

- Dạ. Em đang nghe đây. Anh nói đi.

Giang “đồ tể” bật ngồi dậy, ghé sát tai Tuân thì thầm rất lâu. Trong bóng tối lờ mờ những tia sáng hắt vào từ khe cửa, các tù nhân cùng phòng không hề thấy được sự thay đổi trạng thái liên tục trên gương mặt Tuân. Bất ngờ, kinh hãi chuyển sang nghi ngờ, đắn đo trước khi gật gù nhè nhẹ.

* * *

Cạnh khuôn viên Cao Phủ, nằm ở phía Tây Nam nhà tù, cách chưa đầy ba bước chân, một hồ nước to mọc đầy rau muống cùng đám lau sậy, cỏ dại um tùm ven bờ. Chỗ này trước đây từng là hồ nuôi cá của đế quốc Mỹ trong giai đoạn kháng chiến những năm bảy mươi lăm. Chúng dựng doanh trại trên này làm căn cứ địa. Sau giải phóng, hồ bị bỏ hoang suốt bao nhiêu năm trời. Nằm ở núi cao, quanh năm vắng vẻ không một bóng người, lại không có sự cải tạo nên chẳng mấy chốc hồ trở thành nơi trú ngụ của vô số loài sinh vật nhỏ cùng những loài thực vật ưa nước. Nói đâu xa, rau muống mọc đầy giữa mặt hồ thường được hái làm thức ăn cho phạm nhân trong trại.

Trong một lần lao động ngoài trời, tất nhiên là dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của cai ngục, Giang “đồ tể” đã cùng các tù nhân khác bơi ra giữa hồ hái rau muống. Rau mọc hoang dã, không có người chăm trồng nhưng cọng nào cọng nấy rất to và xanh tốt. Thuở bé, Giang là tay bơi cự phách nhất trong lũ con nít xóm bờ sông. Thế nên, trong khi đám tù nhân khác khổ sở tìm mọi cách rẽ nước hái cho đầy bao, Giang lại vô cùng dễ dàng bơi lội giữa dòng nước đen ngòm. Cũng tại thời điểm ấy, khi hái rau đoạn ven hồ cạnh vách tường bao quanh nhà tù, anh đã phát hiện một lối đi bí mật bị che kín bởi lau sậy và đám bèo tây. Đó dường như là một lối mòn kéo dài từ mặt nước xuyên thẳng qua bên dưới đoạn chân tường bao quanh nhà tù. Quan sát kĩ thì thấy chỗ vách bê-tông ấy đã vỡ nát nhiểu mảng tạo thành hố lớn gần bằng cơ thể người trưởng thành. Rêu mốc phủ kín quanh miệng hố cộng với sự che khuất của lau lách ven bờ nên từ xa nhìn lại chẳng thể nào thấy được. Phía bên kia tường, lại nằm đúng chỗ phía sau trạm xá cho phạm nhân. Nơi mà Giang hầu như chẳng bao giờ thấy lính canh hay cai ngục lui tới, ngoại trừ hai lão bác sĩ đứng tuổi.

Mười một tháng Chạp.

Hai cánh tay Tuân mỏi nhừ, việc cuốc đất suốt gần hai tiếng đồng hồ khiến cậu đuối sức. Vậy mà Giang “đồ tể” cứ phăm phăm nhát nào nhát đó như búa bổ. Mỗi đường cuốc của anh xới tung cả mảng đất to tướng. Đôi vai vững chãi kia tựa như chẳng bao giờ biết mệt mỏi là gì.

Giờ nghỉ giải lao, tù nhân chia thành từng toán nhỏ ngồi dưới bóng cây. Tuân và Giang chọn một gốc bàng lớn cách khá xa tụi cai ngục. Cởi trần trùng trục, hai cánh tay và tấm lưng Giang gần như phủ kín bởi các hình xăm.

- Thằng kia, mang áo vào. Khéo lại ốm lăn đùng ra, mất công bố mày đưa lên trạm xá.

Tiếng quát của tên cai được khuếch đại bởi chiếc loa cầm tay, nghe vô cùng chói tai. Giang im lặng khoác hờ chiếc áo vào, vẫn để phanh hạt nút.

- Kế hoạch vẫn giữ nguyên như cũ hả anh?

Tuân thì thầm, vừa đủ cho hai người nghe.

- Ừm. Cố ăn uống nhiều vào cho khỏe, anh tính hết rồi. Không có sức vóc là pha này bể hết.

- Nhưng đoan chắc kiểu gì cũng bị truy nã. Khéo phải chạy trốn cả đời mất.


Tuân tặc lưỡi, mắt nhìn ra xa. Mảnh đất rộng lớn được đám phạm nhân cày xới suốt từ sáng đến giờ đã tơi hết cả. Nắng lóa cả mắt, cậu cảm thấy ngứa ngáy râm ran khắp người.

- Mày sợ à? Không tin kế hoạch của anh sao?

Giang “đồ tể” hỏi thăm dò. Tuân khẽ gật đầu.

- Cũng lo chớ anh, lỡ bị bắt thì án thêm nặng. Bỏ đời trong này luôn chứ còn gì.

- Đừng lo. Cẩn thận và hành động đúng theo sắp đặt, anh và mày sẽ thoát được thôi. Hơn nữa, giờ kế hoạch anh chỉ kể cho mình mày biết. Một mình anh trốn cũng không được.


Tuân ngầm hiểu ý Giang “đồ tể”. Đâm lao thì phải theo lao. Chấp nhận liều mạng một lần nữa, bỏ xứ mà đi rồi hai anh em bán sức lao động, gây dựng lại cuộc sống còn hơn chết rũ xương trong xó này. Giang kể, trước khi đồng ý tham gia đợt vận chuyển hàng cấm, anh đã nhận được một khoản thù lao đáng kể. Số tiền ấy đã được chuyển thẳng vào tài khoản của Giang. Thẻ ATM của anh để cho vợ giữ, chỉ có điều chị ấy không biết mật mã thẻ nên ko rút ra được để tiêu xài. Nghĩ đến cảnh vợ con chịu khổ, khóc lóc ở nhà mà anh ứa nước mắt, khóe mi đỏ hoe. Một hành động mà trước đây dễ gì thấy được ở người đàn ông này.

Đêm mười bốn tháng Chạp sắp tới, nhà tù Cao Phủ sẽ tổ chức nấu ăn tất niên cuối năm cho toàn thể phạm nhân. Theo lệ, vào những dịp lễ lớn hoặc Tết, chế độ cho người tù sẽ cao gấp nhiều lần so với ngày thường. Như lời các tù nhân lâu năm kể lại, thức ăn vào buổi tất niên sẽ gồm nhiều món ngon như gà, vịt, tôm cá hay thậm chí có thể uống cả chút bia nữa. Có lẽ, điều đó sẽ khiến phạm nhân cảm thấy như đang tận hưởng không khí Tết thực sự, một sự nhân đạo cần thiết ở nơi này. Chỉ có điều, Tuân và Giang không quan tâm đến điều đó. Theo kế hoạch, đêm ấy, cả hai sẽ tìm cách lẻn ra ngoài trong bữa tiệc. Dù là với lí do gì, hướng đi được vạch sẵn với đích đến là bức tường sau lưng trạm xá. Giang “đồ tể” đã thăm dò lúc đang làm phụ nấu ăn trong nhà bếp. Đêm tất niên, toàn thể người tù cũng như cai ngục, lính canh sẽ tập trung một chỗ để liên hoan. Điều đó có nghĩa là, không có bất kì sự kiểm soát nào phía bên ngoài. Hơn nữa, lối đi bí mật ấy nằm ở góc chết, khuất hoàn toàn tầm nhìn từ phía các bốt canh gác.

Khi chui ra được, cậu và Giang sẽ phải bơi qua hồ rau muống trước khi theo con đường mòn cheo leo vách đồi tìm cách xuống phía dưới. Chỗ này cách biên giới Việt - Lào chưa đầy một cây số. Đến được đó thì đỡ lo vì Giang có khá nhiều người quen làm tái xế đường dài, thường túc trực để chuyên chở hàng hóa khu vực chợ trên đó. Cách duy nhất là phải cuốc bộ, băng xuyên qua rừng trong đêm. Và đó cũng là vấn đề mà Tuân lo ngại nhất.

Những sự kiện lớn thành công nhờ các chi tiết nhỏ. Một công trình dù hoàn hảo đến đâu vẫn có điểm yếu. Và dù tính toán kĩ lưỡng mức nào, kế hoạch sẽ luôn có sơ hở. Người tính không bằng trời tính, trong tâm trí hai tù nhân đang ngồi nghỉ ngơi dưới gốc bàng, không hề biết rằng mọi việc họ dự trù thời gian qua phút chốc đổ bể chỉ vì một cuộc gọi đột xuất. Nó đến từ trưởng bộ phận tiếp nhận phạm nhân trại giam Bình Điền.

Tờ mờ sáng hôm sau, khi Cao Phủ vẫn còn đang chìm trong làn sương mờ mịt của núi rừng, Tư “sẹo” nhận cuộc gọi đến từ cấp trên. Đợt chuyển phạm nhân nhận án tử hình có sự thay đổi về lịch trình. Do lo ngại địa hình hiểm trở, thời điểm cận Tết lại bận nhiều công tác tổng kết cuối năm, chuyến xe sẽ di chuyển sớm hơn so với kế hoạch. Sáng hai mươi tháng Chạp, tám phạm nhân có tên trong danh sách sẽ phải lên xe thùng chuyển đến trại Bình Điền chờ ngày thi hành án. Từ đây đến khi ấy, mỗi tù nhân phải bị giam trong phòng riêng, không cho lao động để tránh biến cố xảy ra.

ảnh thi.jpg

Mùa xuân im lặng
- Kì Phong -

Bữa cơm trưa ngày mười hai, cả phòng quây quần bên mâm thức ăn như thường lệ. Quá quen với chất lượng ẩm thực ở đây nên chẳng ai thèm chê bai đồ ăn, ngược lại còn gắp lấy gắp để ăn rất ngon lành. Tuân tranh thủ ăn nhiều một chút, Giang “đồ tể” thì nhai nhuồm nhoàm như rồng cuốn. Tiếng cười nói vang lên, ai cũng bàn tán xôn xao về những ngày cuối năm. Tết dù sao vẫn mang lại những cảm giác ấm áp cho mỗi người. Dù cho họ đang ở trong hoàn cảnh thế nào, những hồi ức đẹp ở ngoài kia vẫn sẽ hiện về. Dẫu cho lỗi lầm, dẫu cho quá khứ ra sao, giờ đây từng người đã và đang trả giá cho những điều đã gây ra. Ty “bại” luôn mồm liến thoắng về đứa con gái của gã. Nhóc con có hai má lúm đồng tiền đáng yêu. Dũng “bốn ngón” lại nhớ về khoảng thời gian với gia đình, Tết năm nào cả nhà cũng làm dưa món, thịt dầm mắm và nấu bánh chưng. Kí ức Tết của Tuân đơn giản và bé nhỏ. Mọi thứ trong quá khứ mỗi khi xuân về đều gắn liền với bà ngoại. Nụ cười hiền từ, những câu mắng yêu của ngoại luôn là hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí cậu. Khi lớn lên, Tuân mới thấm thía và hiểu được tình thương của bà có ý nghĩa như thế nào với mình. Dù là một đứa chuyên cướp giật, tay sai trong băng nhóm du côn, Tuân chưa bao giờ thô lỗ hay cư xử khiếm nhã với phụ nữ. Dường như những năm tháng sống dưới sự chở che êm đềm của bà ngoại, trái tim cậu đã được rèn giũa để hiểu được tác dụng to lớn của tình yêu. Trái ngược với thời thơ ấu, ngày tháng cậu theo băng Lửa Đen chẳng để lại ấn tượng gì nhiều ngoài lối sống nhạt nhòa bên lề xã hội. Rượu chè bê tha, thâu đêm suốt sáng mỗi khi sắp Tết để rồi xác thân mệt nhoài mấy hôm sau. Càng bạc bẽo hơn, từ khi cậu vào tù, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của thành viên nào trong băng nhóm đến thăm cậu. Đại ca Trung từng thề thốt là vậy cũng bặt vô âm tín. Cậu ăn nốt chút cơm còn lại trong chén, đầu vẫn suy nghĩ về những điều xưa cũ.

Tiếng bước chân vang lên bên ngoài đường luồn, rồi tiếng lách cách mở khóa của cai ngục. Ánh sáng từ bên ngoài ùa vào phòng, ngập tràn trên những gương mặt xanh xao của tù nhân. Tư “sẹo” – đội trưởng đội cai ngục – cùng bốn lính canh phía sau xuất hiện choáng hết tầm nhìn.

- Hoàng Văn Giang, nhận thông báo.

Giang “đồ tể” đặt bát cơm xuống, ngơ ngác nhìn rồi đáp.

- Dạ có em đây. Chuyện gì vậy cán bộ?

- Đợt chuyển đến trại giam Bình Điền có sự thay đổi. Lịch trình sớm hơn so với dự kiến. Mày tranh thủ thu xếp tư trang, sáng mai qua phòng biệt giam ở một mình chờ ngày lên đường.


Cả phòng im lặng, Giang “đồ tể” không tin vào tai mình. Mắt anh nhìn vào Tư “sẹo” như nghĩ rằng thông báo vừa rồi chỉ là một trò đùa. Thế rồi, anh vẫn bình thản đáp, giọng không hề có chút cảm xúc.

- Dạ vâng. Em cảm ơn cán bộ đã thông báo. Em rõ rồi ạ.

- Tốt. Hôm nay thu xếp cho xong đi nhé.
– Tư “sẹo” nhắc nhở.

- Dạ vâng. Em nhớ rồi.

Cánh cửa phòng đóng sập lại, che khuất dáng hình to lớn của một người đàn ông bỗng chốc buông thõng như mất hết sức lực. Vậy là hết. Công sức tính toán, lên kế hoạch như vậy giờ như muối bỏ bể. Một thông báo đơn giản đã phá bỏ toàn bộ mọi sắp đặt của hai người. Tuân mím môi. Cậu không hề nghĩ là biến cố lại ập đến đột ngột như vậy. Toan đến gần an ủi Giang, nhưng khi thấy anh đứng dậy lững thững bỏ về chỗ nằm, cậu biết lúc này cần phải im lặng. Bởi vì, có cố gắng cách mấy, Tuân cũng khó hiểu được tâm trạng lúc này của người bạn tù thân thiết.

Suốt chiều tối hôm đó, Giang nằm im lìm trong một góc như người đã chết. Ai hỏi gì cũng không đáp, anh gặm nhấm nỗi tuyệt vọng dần ăn mòn chút ánh sáng cuối cùng trong lặng yên. Ánh sáng của sự phấn khởi, háo hức xen lẫn hoài nghi về chính mình khi ngay cả Giang cũng không dám chắc về kế hoạch trốn thoát. Thế rồi, thông báo đột ngột của Tư “sẹo” kéo sập thành trì cuối cùng bảo vệ cho niềm tin của Giang. Tuân cũng ngồi bó gối, lặng lẽ nhìn người anh thân thiết mà chẳng biết làm gì.

Chỉ mới mấy tiếng đồng hồ, người đàn ông lực lượng, vững chãi kia như rơi thẳng từ trần gian xuống địa ngục. Có lẽ, ngay lúc này đây, Giang “đồ tể” đang thực sự hối hận vì những điều gây nên trước kia. Để bây giờ lâm vào cảnh sống dở chết dở, vận mệnh phải giao cho kẻ khác quyết định. Tuân trộm nghĩ. Nếu thực sự, kế hoạch thành công trót lọt và cả hai anh em thoát được ra ngoài thì cuộc sống bên kia bức tường trại giam có dễ thở hơn không? Hay lại phải bắt đầu chuỗi ngày trốn chui trốn nhủi, lẩn tránh lệnh truy nã. Khuya ấy, trước khi chìm dần vào giấc ngủ mê man, Tuân vẫn thấy Giang “đồ tể” nằm bất động. Tiếng nhạc xuân từ phòng cai ngục lại văng vẳng kéo đến, luồn qua song sắt, quấn quýt bên những trái tim trót lầm đường lạc lối.

* * *

Sáng hai mươi tám Tết.

Gió reo vui đón chào mùa xuân sắp đến. Trên những ngọn cau xanh mướt, lấp ló những buồng quả tí hon ẩn mình sau tàu lá. Tầng không xanh ngắt không một gợn mây, nắng tinh nghịch nhảy nhót trên mái ngói đỏ tươi. Nơi con mèo mướp mắt lim dim cuộn mình sưởi ấm. Trời hãy còn lạnh, chút lạnh sót lại cuối mùa đông vắt mình sang xuân như níu kéo chưa muốn dứt.

Thằng Phú pha ấm trà đặt lên bàn, bên cạnh đĩa bánh mứt nhiều màu trông thích mắt. Bà Linh nhìn nó, khẽ mỉm cười khi thấy con trai càng lớn càng giống bố như đúc. Từ đôi vai rộng, gương mặt vuông vức cho đến cử chỉ nhanh nhẹn, thằng Phú là bản sao hoàn hảo của người bố đã khuất. Sắp đặt đâu vào đấy, nó lễ phép cúi chào mẹ và vị khách đến thăm rồi đi vào nhà trong.

- Xin phép chị, em thắp cho anh nén nhang.

Bà Linh gật đầu, thoáng thấy trong đôi mắt kia nét lạnh lùng, bình thản của một con người từng trải gió sương. Mặc dù tuổi chưa quá ba mươi lăm nhưng sao nhìn già dặn quá. Hiếm ai giữ được cái tâm tĩnh lặng và sự đường hoàng như thế sau bao nhiêu năm bị giam cầm. Vốn dĩ cuộc đời luôn cho người ta cơ hội để sửa sai, nhưng mấy ai sống trọn nghĩa vẹn tình khi đã ở trong hoàn cảnh tốt đẹp. Lời thề trong giông bão thường bị lãng quên khi trời yên bể lặng.

Có lẽ, suốt cả đời này, đến khi nhắm mắt xuôi tay, bà Linh cũng không thể quên được khoảnh khắc ấy. Hai mươi năm về trước, đêm giao thừa định mệnh năm đó cũng là khi bà nhận được tin dữ. Chồng bà – người đang chịu án tử hình, chỉ còn chờ ngày thi hành – đã khiến cho cả trại giam Cao Phủ phải rúng động. Sáng hôm đó, khi cai ngục mang thức ăn đến, hắn không tin vào mắt mình khi phía sau cánh cửa là thân xác to lớn của người tù lủng lẳng trên thanh đòn phòng giam. Giang “đồ tể” đã treo cổ tự tử từ lúc nào. Theo tìm hiểu, sợi dây thừng mà Giang sử dụng để tìm đến cái chết được lấy từ nhà kho của trại giam. Phần lớn các tù nhân thường lao động ở đấy. Có lẽ, Giang “đồ tể” đã ăn trộm sợi dây từ trước đó rất lâu nhằm sử dụng khi cần. Nhận tin từ công an địa phương, bà Linh đã gần như ngã quỵ ngay tại chỗ. Ba đứa con vây quanh mẹ khóc inh ỏi. Chẳng còn ai mong chờ đến giao thừa, đến thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.

Vị khách thắp đỏ đầu nén nhang, hai tay chắp đưa lên trước mặt khấn thầm. Đó là một người đàn ông có đôi mắt sáng, vầng trán rộng bên dưới đám tóc điểm vài sợi bạc. Trước di ảnh của cố nhân, làn khói lãng đãng trôi ngang trong thinh lặng.

“Anh ơi, em đây. Đứa em tội nghiệp của anh đây. Bao nhiêu năm rồi mà nhìn anh vẫn trẻ như thế nhỉ. Em già đi nhiều anh ạ. Bước ra kinh doanh làm ăn mới thấy cuộc đời hỗn tạp cỡ nào. Lắm lúc, nhiều đêm trằn trọc, em lại ước được quay về ngày xưa. Hai anh em chung một phòng, ăn cùng một mâm, vui buồn có nhau. Dẫu có đau khổ, tuyệt vọng nhưng đó là những tháng ngày em thấy được ủi an khi có anh bên cạnh.

Lại một cái Tết nữa đó anh à. Anh ở đó có vui không? Cơm ở đó chắc khá hơn so với rau muống thịt mỡ anh nhỉ? Dù thế nào cũng gắng giữ gìn sức khỏe anh nhé. Hôm nào em lại đến thăm”.


Cúi đầu vái ba vái, vị khách quay lưng trở ra ngoài. Bà Linh mời trà, tiếp chuyện hồi lâu mới biết người bạn cũ của chồng mình nay đang điều hành một công xưởng nhỏ chuyên sản xuất đồ gia dụng. Sau khi mãn hạn tù, cậu quyết chí làm lại cuộc đời, bỏ lại sau lưng quá khứ đen tối. Chăm chỉ làm lụng mấy năm, giờ đã gây dựng được cơ ngơi kha khá.

- Em có chút quà nhỏ biếu chị. Trước là để nhang đèn cho anh, sau để phụ thêm cho chị nuôi các cháu. Mong chị nhận cho em vui lòng.

Bà Linh trầm ngâm rồi khẽ đáp.

- Vâng. Cậu biếu thì tôi nhận, cảm ơn cậu rất nhiều.

- Dạ vâng ạ. Em có tí việc nên xin phép đi trước. Năm mới chúc chị và các cháu luôn vui khỏe, hạnh phúc.

- Vâng. Tôi cũng chúc cậu một năm làm ăn tấn tới nhé.


Vị khách cúi đầu đáp lễ rồi đứng dậy. Ngoài trời, chim chóc từ đâu kéo về ríu rít khắp các ngọn cây. Một con chào mào với chỏm lông dựng đứng trên đỉnh đầu bay vút qua, đậu lại trên nhành ổi. Chậm rãi bước ra xe, trong suy nghĩ người khách chợt hiện lên hình ảnh đã cũ.

Đó là một lối đi bên dưới chân tường vỡ nát.



Ảnh: Sưu tầm
Nguồn: Internet
Bài viết tham dự cuộc thi "Mùa Tết quê tôi"
Tác giả Kì Phong







 
Sửa lần cuối:
1K
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top