Nhà Nải chuối háp

Nhà  Nải chuối háp

Buổi chiều hôm nay thật vắng lặng, vắng hơn cả những buổi chiều trước đó nữa. Kể từ khi thành phố đi vào đợt dãn cách xã hội, mọi thứ dường như cũng bắt đầu thay đổi. Mặc dù Cần Thơ không phải là một thành phố sầm uất, tấp nập như Sài Gòn nhưng bình thường cũng có xe qua lại, quán hàng nhộn nhịp, tiếng cười nói trò chuyện âm vang khắp các khu phố, tiếng trẻ con nô đùa lan rộng mọi nẻo đường. Sự vắng lặng đến mức tẻ nhạt này đúng là chưa từng có, làm cho ai đó tò mò dòm ra ngoài đường cũng phải xao động, nghẹn ngào.

Đâu đó cuối con đường vắng, thấp thoáng một bóng lưng còm cõi, héo úa, già nua qua năm tháng. Vậy mà bà cảm thấy mình còn khỏe lắm, mình còn đủ sức lo cho mấy đứa cháu được no bụng mỗi ngày. Từ chiều đến giờ, bà chẳng ngại đường xá xa xôi để tìm mua những quả ngọt làm quà cho các cháu. Tội nghiệp tụi nhỏ đã phải ăn cơm trắng mấy ngày nay mà chẳng lấy một loại quả nào thì làm sao đủ sức chống lại dịch bệnh đáng sợ đang bùng phát dữ dội này đây. Đôi chân bà run rẩy đạp từng vòng nặng nhọc trên chiếc xe đạp cũ kỹ qua từng căn nhà với đèn sáng choang, tiếng cười đùa của mấy đứa nhóc ấy làm tim bà nhôi nhối. Bà bỗng nhớ mấy đứa cháu của bà khôn xiết. Đứa cháu gái nhỏ nhất chỉ mới 3 tuổi thôi nhưng rất hiểu chuyện, không bao giờ nó quấy phá bà hay làm bà phải mệt mỏi. Còn bé Lan mới 6 tuổi hơn mà đã biết phụ bà việc nhà và trông em rồi. Hai đứa cháu của bà ngoan đến thế, thương bà đến thế thì làm sao bà nỡ xa chúng lâu như vậy.

Bình thường, những người bán đồ rẩy chỉ cách nhà bà vài bước chân. Nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, thành phố phải thực hiện dãn cách theo lệnh của chính phủ, các chợ truyền thống, chợ tự phát phải tạm ngưng hoạt động, bà rất khó khăn trong việc mua thức ăn hằng ngày. Phải để mấy đứa nhỏ ăn uống kham khổ bà xót lắm.

Tóc bà chưa bạc trắng nhưng đã xám như nắm tro tàn bị lãng quên trong bếp củi. Gương mặt nhăn nheo của bà ẩn sau lớp khẩu trang vải bạc màu. Mồ hôi bà nhễ nhại đã thấm ướt lớp khẩu trang làm nó thêm cũ kỹ. Nhưng bất chấp vỏ bọc tàn tạ của thời gian và hoàn cảnh, ánh mắt bà vẫn sáng, vẫn đen láy và ấm áp lạ thường. Bởi trong ánh mắt bà lúc nào của thấp thoáng những hình ảnh hạnh phúc, cả nhà bà quây quần bên nhau bên mâm cơm nóng thổi có đủ rau, thịt, cá.

Sau bao ngày quanh quẩn trong sân nhà, ăn những chén gạo còn sót lại cuối cùng, bà muốn đi để tìm thức ăn khác cho các cháu. Ba mẹ đi làm ăn xa mấy năm nay, bà nhận trách nhiệm nuôi dạy hai đứa cháu bằng số tiền ít ỏi mà con bà gửi về hằng tháng. Nhưng kể từ khi đất nước bị bao trùm bởi dịch bệnh nguy hiểm, con bà làm ăn khó khăn hơn rất nhiều. Bà biết chúng nó ở nơi xa vất vả nên cũng không muốn gây khó khăn, áp lực gì cho tụi nó cả. Nhưng bà thương cháu bà quá, bà sẽ kiếm được loại quả gì đó cho cháu bà sớm thôi.

Chợt mắt bà long lanh lên khi nhìn thấy mấy nải chuối nhỏ xíu bên cạnh mấy nải chuối to xanh rờn. Có lẽ người trong ấy mới vừa đốn về. Bà gọi với vào trong:
- Có ai ở nhà không?
- Bà kiếm ai thế? – Người đàn bà trạc năm mươi vọng ra hỏi.
- Cô có thể bán cho tui nải chuối nhỏ nhất này không? Mấy đứa cháu nhà tui nó thích ăn dữ lắm nhưng mấy nay tui không thấy ở đâu bán cả.
- Thế bà cứ lấy hết mấy nải chuối háp đi. Tui cho đó. Nhà tui cũng không thích ăn lắm.
- Thiệt thế sao cô, tui đội ơn cô nhiều quá!
- Trời. Có gì to tát đâu. Mùa dịch khó khăn, giúp đỡ nhau là chuyện nên làm mà. Bà mau mang về nấu cho cháu bà ăn đi kẻo tụi nó trông đấy.
- Vậy chào cô tui về. Cám ơn cô nhiều lắm.

Mấy nải chuối háp ấy nhỏ xíu nhưng nấu ra lại ngon, ngọt vô cùng. Chuối vừa dẻo vừa bùi bùi, mấy đứa nhỏ vừa ăn vừa tấm tắc khen nức nở. Bà thấy lòng mình sau mà ấm áp quá. Mùa dịch này có bao nhiêu đó, thế là đủ. Hạnh phúc của bà đơn giản vậy thôi.

(Chuối háp là những nải chót, bị ép, kiềm hãm sự phát triển bởi những nải lớn hơn nên thường nhỏ và ốm. Nhiều người tưởng rằng đó là những nải chuối non chưa lớn, ăn sẽ rất lạt và chát, nhưng không. Chuối háp ngọt và bùi vô cùng)

Nguồn ảnh: Kim Dương

truyện ngắn Nải Chuối Háp – Văn Học Trẻ.jpg
 
Từ khóa Từ khóa
nải chuối háp
545
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.