NGÀY ẤY, CHỊ TÔI ĐÃ SỐNG
Ngoài khung cửa, cánh chim đảo cánh bay vụt lên không trung, tiếng hót trong veo như còn đọng lại phía sương mai. Ánh sáng từ cửa sổ phản chiếu mảng tường sáng màu tạo cảm giác nhờ nhợ. Tiếng ro ro từ máy đo nhịp tim, huyết áp hoà quyện mùi của chất lỏng và yến mạch nổi lên từ các dụng cụ y tế gây cảm giác buồn nôn. Tôi bám chặt thành giường, thở dốc, rên rỉ vượt cạn, các nút gân trên cổ trồi lên chống chịu. Cơn co thắt xuyên qua cơ thể, cơ bắp căng đầy, co rút.
Tiếng cô y tá gắt gỏng như trấn an bệnh nhân.
- Con gái lớn thì phải lấy chồng. Lấy chồng thì chửa, chửa thì đẻ, mà đẻ thì phải đau. Mà đau thì … im mồm đi.
Tôi im bặt, mím chặt môi tứa máu kìm nén nỗi đau. Cái Hằng bạn tôi nghiêng mình ghé tai qua khe cửa nhỏ, không nhịn được, bật lên tiếng cười khe khẽ như tán đồng với cái triết lý tưởng như vô lý ấy.
Giọng cô ý tá đều đều, không dấu được sự hồ hởi, gọi vọng ra.
- Con trai, con trai nhé. Người nhà đâu, vào đỡ một tay.
Cái Hằng bước nhanh qua hành lang, tay vơ vội chiếc làn đựng đồ dùng trẻ sơ sinh, miệng liếng thoắng.
- Thằng Hùng đâu, chuẩn bị đồ giúp chị mày nhé.
Quay sang anh Thành, giọng trách móc như ra lệnh.
- Ơ, cái anh này, làm bố rồi đấy, sao cứ ngơ ngơ, ngáo ngáo vậy. Mau vào mà sửa soạn đón mẹ con nó về đi chứ!
Vẻ khù khờ, chân chất làm cho anh trở nên đáng yêu và gần gũi. Anh luống cuống, đôi chân như không thể điều khiển, bước lảo đảo nhưng không dấu được cảm giác vui sướng, hạnh phúc. Hai bàn tay nắm chặt, đan vào nhau như thầm cảm ơn món quà tuyệt vời mà tạo hoá ban cho sau bao gian khó, những mặc cảm, thị phi của đời.
…
Tuổi thơ chị em tôi không may mắn có được tình thương của bố, ông mất trong một lần đi theo đám thợ sơn tràng, khai thác gỗ đan bè trôi sông. Nghe người làng kháo nhau, trong trận mưa lũ dữ dội, sông như con quái vật đói khát, háo hức đòi lấy đi những sinh mạng vô tội. Những con sóng dữ, cao ngất ngưởng, mặt nước dâng cao, cuồn cuộn nhấn chìm cả những bờ cát, cây cối dọc triền sông. Trên bè mảng, mọi người cố gắng hướng mũi lách qua vùng nước xoáy, bất lực nhìn khi sức lực không còn. Bè đâm mạnh vào một tảng đá lớn, vỡ tung ra từng mảng, cuối trôi đi tất cả về phía cuối nguồn.
Căn nhà trống vắng, cảm giác cô đơn và buồn bã tràn ngập không gian. Mẹ tôi suy sụp tinh thần, nỗi buồn cứ len lỏi trong tim, ánh mắt mờ nhạt, lưng còng xuống như nhánh lúa gặp bão giông, nụ cười như đã ngủ quên, nhăn nheo quyện lại với nhau như vỏ trái bòng tháng tám. Trong những đêm tĩnh lặng, bà nhớ về những kỷ niệm xưa, giờ đây, chỉ còn lại một mình, bước đi trong cõi đời hiu quạnh.
Ngôi nhà nhỏ bé trông không khác gì tổ ong, vách tường mục nát, chút ánh sáng lẻ loi từ những khe hở nhỏ trên mái nhà, ảm đạm và u ám. Ngày qua ngày, mẹ tôi với đôi bàn tay rách nát, vẫn cố gắng sẻ chia miếng cơm ít ỏi cho các con. Chúng tôi ngồi xung quanh cái bàn nhỏ, nhìn nhau với ánh mắt đói khát, nhưng không dám đụng vào miếng cơm cuối cùng vì lo cho đứa em nhỏ nhất. Thằng Hùng tròn 2 tuổi khi tôi bước sang tuổi mười ba.
Nương tựa vào nhau, chúng tôi làm đủ mọi công việc để kiếm sống, tiền kiếm được cũng chẳng đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của gia đình. Sức khỏe của mẹ suy giảm do cảm lạnh thấm dần qua những ngày ra đồng, ra bãi sớm hôm không được chữa trị. Căn bệnh viêm đa khớp lâu ngày ảnh hưởng đến tim đêm đêm dày vò, nặng nề như một tảng đá khổng lồ, đau đớn từng nhịp đập, mỗi hơi thở như lưỡi dao sắc bén cắt từng mảnh cơ thể.
Bên giường nhỏ, giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, hơi thở dốc, cố nắm lấy tay tôi, giọng thều thào:
- Mẹ có lỗi với con, con phải chịu khổ rồi. Em còn nhỏ, các con nương tựa vào nhau, lo cho em nhé. Dù thể nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống, phải sống cho ra con người, con nhé.
Tôi đủ lớn để cảm nhận nỗi đau khi mất mẹ, trái tim như muốn vỡ thành từng mảnh nhỏ. Bầu không khí trống rỗng lan tỏa trong căn nhà mà từ trước đến nay đã trở thành nơi ấm áp, nơi mà mẹ tôi đã dành tình yêu và sự quan tâm vô điều kiện cho gia đình.
Nắng cuối chiều tim tím, mây xám tràn ngập bầu trời, tiếng gió rít làm cong quật những nhánh cây như lời thở than của tâm hồn. Nước mắt không thể cầm lại, chúng tuôn trào như muốn làm cho cảm giác cô đơn và mất mát. Người thân trong gia đình đến bên tôi, chia sẻ như thấu hiểu hiểu được nỗi đau trong lòng. Mẹ đã là tia nắng cuối cùng của cuộc đời, và giờ đây, chị em tôi đứng trước một thế giới mờ mịt, vô định. Thằng Hùng lẫm chẫm ôm lấy chân chị, mắt ngơ dại đứng bên linh cữu mẹ, giật giật, bấu áo chị đòi cơm. Bóng chiều buông, cơn gió lạnh thổi qua nghĩa trang im lìm. Mẹ đã đi và không trở về nữa, đôi mắt mơ hồ nhìn chằm chằm vào hàng bia mộ, hy vọng có thể đánh thức mẹ từ giấc ngủ dài. Tôi ôm em vào lòng, nghẹn ngào tiễn mẹ đi, bóng chị em tôi lẻ loi trong trời chiều tĩnh lặng.
Ngôi nhà trở nên lặng lẽ, âm thầm như bị một phần tâm hồn mất mát. Tiếng đồng hồ treo trên tường trở thành nhạc phụ đầy u uất, nhấp nháy từng giây buông ngắt quãng, như lời nhắc nhở về sự thoáng qua của cuộc sống. Tiếng chuông nhỏ từ nhà thờ xa vọng về … Ban thờ mẹ nghi ngút khói hương, tôi chết lặng. Nỗi cô đơn, hoang vắng lan tỏa trong không gian nhỏ bé của căn phòng. Mẹ đã ra đi, để lại khoảng trống rỗng chẳng thể nào lấp đầy. Ánh mắt tôi dừng lại trước bức ảnh gia đình cũ, nụ cười của mẹ vẫn đọng lại trong từng nét chân dung.
Dì nhẹ nhàng đặt tay trên vai tôi, vành tang trắng phủ xuống, quệt qua quệt lại.
- Khấn mẹ đi con. Đừng khóc nữa, sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì, qua lễ tốt khốc, dì đón các con về.
Tôi nhìn dì và nhìn lên ban thờ mẹ, nghẹn ngào lòng trắc ẩn.
Dì sống trong một con ngõ nhỏ, chỉ cách nhà tôi vài bước chân. Chồng mất để lại con thơ dại trong cảnh túng quẫn, dù đã cố gắng làm lụng nuôi con nhưng rồi dì cũng ngã quỵ vì bạo bệnh. Sau khi lần lượt bán đổ, bán tháo đồ đạc trong nhà, vay mượn bà con hàng xóm và gom góp từng đồng để thuốc thang chạy chữa cho chồng nhưng không qua khỏi, dì gần như trắng tay trong căn nhà trống huơ, trống hoác. Đau đớn vì nỗi mất mát quá lớn đó, dì ngã quỵ. Việc đồng, việc nhà, dạy dỗ con thơ … một mình dì cáng đáng, cố gắng vượt qua nỗi buồn tinh thần vì mất người thân yêu nhất, nỗi đau thể xác lo làm thuê, làm mướn không ngơi tay, nuôi con thơ và dành dụm trả dần món nợ vay mượn thuốc thang lo cho chồng, giờ phải lo cho chị em tôi nữa, thật của đáng tội.
Gửi em cho dì, qua ngày giỗ mẹ, tôi quyết định lên thành phố đi làm, lấy tiền nuôi em và phụ giúp cho dì, mong sao thay đổi mảnh đời khốn khó.
Ngày tiễn ra đầu làng, dì khập khiễng ôm tôi vào lòng.
- Con yên tâm đi đi, đi về phía tương lai. Dù bất cứ chướng ngại nào, con cũng cố mà vượt qua. Thằng Hùng ở nhà với dì và các em, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, gắng gượng rồi cũng qua ngày, con nhé.
Tôi ôm dì thật chặt, dù có thế nào cũng phải sống. Phía sau tôi còn có ban thờ và vong linh bố mẹ, có em, có dì, còn quê hương, bản quán.
- Con sẽ trở về, dì chờ con nhé.
Vuốt nhẹ mái tóc của tôi, mắt nhạt nhoà nhìn xa xăm, mông lung và cô quạnh, đọng lại những giọt nước mắt khô nhoè trong khoé mắt. Thằng Hùng ngơ ngác, nó đâu biết rằng chị nó sẽ đi xa. Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi, sớm muộn chi rồi cũng về, như bao ngày qua nó ngóng đợi.
Tiếng coi xe thúc dục, tôi ngoái đầu nhìn lại, bóng dì tôi dần khuất phía xa trong con ngõ nhỏ đầu làng. Không gian buồn bã, trầm lắng, không có âm thanh nào ngoài tiếng gió nhẹ thoảng qua, làm rung lắc những chiếc lá vàng …
…
Phòng xử án trang nghiêm, công tố viên trình bày kết luận của cơ quan điều tra, bị cáo là công nhân khu công nghiệp của tỉnh, sống trong khu nhà trọ gần nơi làm việc. Bị cáo là người ngoại tỉnh, có thân nhân tốt, chưa từng có tiền án, tiền sự. Do không quen biết người đưa ma túy, không có cơ sở để điều tra mở rộng vụ án. Từ những bằng chứng và kết luận của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát khẳng định, bị cáo do nhẹ dạ, cả tin, thương người nên xách giúp chiếc va ly mà không biết bên trọng có ma tuý… Căn cứ vào pháp luật hiện hành, Viện Kiểm sát đề nghị mức án 18 tháng tù, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Mong rằng, sau khi thụ án, bị cáo sớm hoà nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời, trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
Tôi gục xuống, mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi như lời cảm thông, thương hại. Những giấc mơ, hy vọng và kế hoạch đã tan biến như khói trong một khoảnh khắc. Mọi cố gắng và nỗ lực suốt những ngày qua dường như chỉ là một trò đùa vô nghĩa của số phận.
Nhận quyết định tha tù trước thời hạn do cải tạo tốt, phía trước tôi là một cuộc sống mới, hoàn toàn khác biệt so với những năm tháng ẩn mình trong tù. Tôi đã trải qua một quá trình tìm lại bản thân và xây dựng lại cuộc đời mình từ những tàn tích của quá khứ. Sự tha thứ của xã hội là cơ hội để bắt đầu lại, cuộc sống đã trao cho tôi một cơ hội thứ hai, và tôi sẽ không để phí. Từ một người đã mắc phải sai lầm, tôi muốn trở thành nguồn cảm hứng và hy vọng cho những người khác.
Phải sống, phải vượt lên chính mình. Lời mẹ dặn trước khi mất còn văng vẳng trong tâm trí tôi: “ Dù thể nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải sống, phải sống cho ra con người”.
…
Chuyến xe cuối ngày chầm chậm trôi, anh ngồi bên, nhìn con, gật gật đầu, không kìm được những giọt nước mắt đầy vui sướng, thầm cảm ơn trời phật đã mang con đến, lẳng lặng tận hưởng hạnh phúc, thi thoảng lại mỉm cười mãn nguyện.
Tôi gặp anh trong một chiều mưa rả rích. Tôi kể về cuộc đời, về những đam mê và mơ ước của mình. Anh lắng nghe, cảm nhận sự trăn trở và nỗi đau từng chặng đường tôi đã đi qua. Những câu chuyện của tôi chạm đến trái tim anh, nóng chảy. Anh không phán xét, không nhìn thấu qua tôi như một con số, thay vào đó, anh lắng nghe và tôn trọng. Những lời động viên và sự tin tưởng của anh đã lan tỏa đến từng giọt mưa rơi. Ghé sát tôi anh thì thầm, dẫu mọi thứ tôi đang trải qua chỉ như một cơn ảo ảnh, cảm nhận hơi thở ấm nóng của anh phả vào vai, vào từng chân tóc phía sau. Đừng đếm những gì đã mất, hãy quý trọng những gì đang có và lên kế hoạch cho những gì sẽ đạt được bởi quá khứ không bao giờ trở lại, nhưng tương lai có thể bù đắp cho mất mát.
Từ ngày đó, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những khó khăn và chia sẻ niềm vui. Dù anh và tôi sinh ra ở hai thế giới khác biệt, chúng tôi đã tìm thấy nhau, đồng hành cùng nhau trên con đường chung. Và dưới mưa rơi, chúng tôi đã xây dựng một tình yêu vững chắc, chắp cánh cho những ước mơ và hy vọng.
…
Thằng Hùng tay nâng niu bàn chân bé, thì thầm vào tai anh điều gì đó, cả hai cùng cười.
Cuộc đời buồn không chỉ kết thúc bằng một nốt nhạc đau thương. Nơi những trái tim mong manh, những cánh hoa cuối cùng cũng tìm thấy niềm vui và hạnh phúc. Mặc dù họ vẫn mang những vết thương của quá khứ, nhưng biết cách yêu thương và đón nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những đau khổ đã qua, cuộc đời trở nên sâu sắc hơn, từ những ký ức buồn đó là bài học quý giá và biết cách đặt bước đi vững chắc trên con đường tương lai. Cãi vĩ đại nhất, đôi khi lại là cái đời thường nhất.
Không phải tất cả những vết thương đều chảy máu, cũng không phải chảy máu mới đau …
Nguyễn Minh Hiếu
- Từ khóa
- nguyễn minh hiếu nốt nhạc