[ Dự thi Nhà] – Ngày trở về của con
Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Dũng
Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Dũng
Một góc phố ở Sài Gòn vào buổi chiều rất ồn ào, náo nhiệt. Sài Gòn mệnh danh là thành phố hoa lệ, hoa của người giàu, lệ của người nghèo. Nơi đây có sự phân hóa giàu nghèo rất rõ, là chỗ hội tụ của đủ hạng người, đủ thành phần trong xã hội kể cả người lao động trí óc lẫn chân tay, đủ cư dân từ thành thị lẫn nông thôn. Vì vậy, chốn này cũng là “mũi tiến công” của bọn cướp giật, trấn lột, lừa đảo. Chúng lợi dụng sơ hở của người dân lương thiện hiền lành để tha hồ gạt gẫm. Bọn đàn em của Năm Thẹo hàng ngày luôn lảng vảng ở khắp hang cùng ngỏ hẹp, sẵn sàng ra tay khi có cơ hội thuận tiện. Mặc cho công an truy quét săn lùng, bọn chúng cũng không từ bỏ nghề nghiệp bất chính này. Với bọn chúng, chuyện vào tù ra khám là lẻ thường.
Tại một quán cóc bên đường, Hải vừa ăn cháo vừa để cặp mắt láo liên ngó quanh quất xem có “mối”nào ngon không đặng ra tay. Chợt thấy Sơn khoác chiếc áo trắng cũ kỹ trên người bước đến liền gọi lớn:
- Sơn! Nãy giờ mày ở đâu mà tao không thấy?
Với nét mặt bình thản, Sơn nói phớt lờ:
-Tao đi dạo quanh các đường phố cho khuây khỏa.
Hải cười ngất:
- Bộ bữa nay mày tính đi dạo tìm cảm hứng làm thơ sao mà nói chuyện kỳ cục vậy. Mày thật đúng với cái tên bọn tao đã đặt là Sơn hận đời hay là Sơn bất cần đời mà.
Kéo tay Sơn ngồi xuống cạnh mình, Hải nói:
- Sơn! Mày ăn một tô cháo nhé!
Sơn lắc đầu:
- Tao mới ăn hủ tiếu đằng kia rồi.
Hải mĩm cười:
- Tao không hiểu tại sao lúc nào mày cũng mặc áo trắng. Màu áo này không thích hợp với cuộc sống của những thằng bụi đời như mình đâu.
Sơn gằn giọng:
- Đời tao, tao hiểu, mày không hiểu nổi đâu. Tao đã kể cho mày nghe về cuộc đời ngập đầy nước mắt của tao rồi đó. Màu trắng là màu tang tóc của đời tao.
Hải nói chậm :
- Đời mày còn bất hạnh hơn tao nữa. Không biết bao giờ tụi mình mới tìm được ánh sáng của cuộc đời.
Hải húp cạn tô cháo, anh chàng trả tiền xong liền vỗ vai Sơn:
- Có mánh rồi Sơn ơi!
Sơn hướng mắt nhìn theo tay Hải chỉ. Hải thì thầm nói nhỏ vào tai Sơn :
- Mày có thấy người đàn bà mặc chiếc áo màu xanh đang đứng cạnh trạm xe buýt không? Bà ta có đeo sợi dây chuyền trước ngực. Mày tới đó làm bộ hỏi han bà ta. Tao đứng phía sau giật sợi dây chuyền rồi dông tuốt. Sau đó mày ra vẻ hào hiệp chạy theo đuổi bắt tao. Thế là tụi mình hoàn thành kế hoạch.
Hải kéo tay Sơn:
-Nhanh lên Sơn! Bỏ qua cơ hội này uổng lắm nghen mậy.
Sơn đắn đo :
- Nhưng mà…
Hải kéo tay Sơn :
- Còn nhưng nhị gì nữa, mau theo tao.
Thế là Sơn lần bước đến gần người đàn bà ấy.Sơn từ phía sau lưng bà ta bước lên phía trước và nhìn rõ gương mặt người đàn bà này. Chợt Sơn lấy hai tay ôm mặt và la thất thanh:
- Trời ơi! Thím…
Người đàn bà reo lên:
- Hùng! Lúc này con ở đâu?
Sơn nghẹn ngào:
- Không! Tôi là Sơn chứ không phải là Hùng. Bà lầm rồi!
Sơn chạy thật nhanh lủi vào đám đông. Người đàn bà chạy vội theo réo gọi thảm thiết:
- Hùng! Sao gặp thím mà bỏ chạy vậy hả?
Nhanh như cắt, Hải với tay giật nhanh sợi dây chuyền của bà ta. Bà ta hốt hoảng quay lưng lại nhưng đã muộn, Hải biến mất rồi.Người đàn bà chạy vội vàng miệng la hớt hải vì mất bình tĩnh. Một chiếc xe chạy tốc độ cao tông vào bà làm bà ngã xuống đường. Những người xung quanh thấy vậy vội vàng đỡ bà dậy.Sơn đã chạy thật xa. Anh quay lại xem người đàn bà đó có chạy theo mình nữa không? Chợt Sơn thấy người ta đưa bà lên xe taxi. Sơn rất lo lắng.Sơn hiểu vậy là tai nạn đã xảy ra rồi. Thấy Sơn trở lại, một anh công an gần đó liền bắt Sơn ngay vì chính mắt ông ta chứng kiến Sơn chạy đi trong khi người đàn bà này bị giật sợi dây chuyền. Mặc cho Sơn phân trần là mình đuổi theo bắt tên cướp, họ vẫn không tin và giải Sơn đi.
Sơn bị đồn công an giam giữ. Từng đêm dài thao thức với cái bụng đói meo cùng với sự tra tấn của từng bầy muỗi đói, Sơn càng thấm thía cho cuộc sống tạm bợ không tương lai của mình. Nghĩ đến bà Hoàng bị tai nạn vào bệnh viện, lắm lúc Sơn ứa nước mắt vì hiểu mình là thủ phạm gây ra tai họa cho bà. Làm sao Sơn còn dám nhìn mặt ông bà Hoàng nữa.Càng nghĩ anh càng thấy lương tâm mình cấu xé, dằn vặt. Nếu bà Hoàng có mệnh hệ nào thì Sơn sẽ ân hận suốt đời vì tội lỗi của mình. Những thước phim đau thương ngày nào của cuộc đời như quay về trước mắt Sơn. Buổi chiều định mệnh năm ấy là vực thẳm của đời Sơn lại có dịp ùa về trong ký ức…
Hùng mồ côi cha mẹ năm mười sáu tuổi được ông Hoàng là chú ruột đem về nuôi nấng. Ông Hoàng là người nhân hậu, hết lòng yêu thương cháu. Tương phản với đức tính ông Hoàng hiện có, bà Hoàng là người lười biếng suốt ngày chỉ biết ăn chơi phè phởn, đam mê bài bạc. Tính bà bủn xỉn, hẹp hòi, chua ngoa. Khi cha mẹ Hùng mất, bà đã không muốn đem anh về nuôi nhưng trước thái độ cương quyết của chồng, bà đành nhượng bộ. Thấy nuôi thêm đứa cháu ăn học tốn kém, bà đâm ra khó chịu, hậm hực, cay cú. Hùng phải chịu bao lời cay đắng của bà khi sống trong nhà này. Thời gian qua, ngoài giờ học tại trường, Hùng thường đi vác gạo thuê kiếm tiền thêm. Anh không thể ngồi không ăn bám mãi gia đình để bị bà Hoàng đay nghiến, dày vò. Một hôm bà Hoàng bị mất số tiền hai triệu đồng, là khoản tiền để chuẩn bị làm đám giỗ cho mẹ Hùng. Cũng trong ngày ấy, Hùng nhận tiền công vác gạo.Thấy anh có nhiều tiền, bà Hoàng quả quyết anh lấy cắp nên bà đuổi ra khỏi nhà. Mặc cho Hùng thanh minh thế nào bà Hoàng cũng không tin. Còn nỗi đau nào hơn, suốt bao ngày lao động vất vả để có tiền,Hùng định dùng số tiền trao cho bà Hoàng phụ làm đám giỗ mẹ. Giờ thì anh trở thành người nhơ nhớp, xấu xa khi bà Hoàng xét túi lôi ra được những đồng tiền ấy.
Hùng nói :
- Con xin thím cho con ở lại rồi chiều mai con đi, ngày mai là ngày giỗ của mẹ con.
Bà Hoàng nói nhanh :
- Mày ở lại chỉ làm tủi hổ vong linh của mẹ mày. Mẹ mày cũng không ưa đồ trộm cắp. Cách đây một tháng, chính mày cũng thừa nhận lấy cắp số tiền 100 ngàn không? Mày ăn cắp quen tay rồi. Tao nói dứt khoát là nhà này không chứa đồ tham lam trộm cắp như mày. Mày đi khỏi nhà tao.
Hùng nghẹn ngào nhớ lại, có lần em Thành, con trai của bà Hoàng lén lấy cắp tiền ăn bánh, vì sợ em Thành bị đánh đòn nên Hùng nhận chính mình lấy. Giờ thì Hùng biết nói sao cho bà Hoàng tin.
Chiều hôm ấy, khi đường phố lên đèn, Hùng soạn quần áo để đi khỏi nhà với những giọt lệ đắng cay, tủi nhục ngập tràn hoen mi. Anh phải đi bây giờ. Để chú đi làm về thì càng rắc rối thêm. Hùng không muốn chú mình lâm vào cảnh khó xử, một bên là vợ, một bên là cháu. Thôi thì đành ra đi, nếu sống ở đây mà bị thím mình hành hạ hoài thì Hùng cũng không chịu nỗi, trước sau gì cũng phải ra đi.Chưa lúc nào Hùng thấy buồn tủi thân phận mình bằng giây phút này. Anh sụp lạy trước bàn thờ mẹ mà nước mắt tuôn rơi lai láng. Nhìn tấm ảnh của mẹ một lúc lâu, Hùng thấy đôi mắt mẹ buồn vời vợi. Không biết mẹ hiền có thấu hiểu cho nổi oan tình của anh không? Hùng múc lên bàn thờ bát canh khổ qua do mình nấu. Ngày trước mẹ rất thích canh khổ qua. Năm nào đến ngày giỗ, Hùng cũng nấu canh khổ qua cúng cho mẹ. Đây là bát canh dâng lên mẹ đong đầy nước mắt của anh.
Quang và Thành, hai đứa con của ông Hoàng, một đứa học lớp hai, một đứa học lớp bốn đi học về đến. Thấy Hùng lững thững bước đi, chúng liền hỏi:
- Anh Hai, tối rồi! Anh đi đâu vậy?
Hùng buồn bã nói:
- Hai em ở lại, bắt đầu từ bữa nay anh Hai đi …à anh đi làm, anh không có ở đây nữa.
Quang hỏi nhanh:
- Ủa! Ngày mai là đám giỗ bác Hai là mẹ của anh, sao anh không ở lại?
Nghe Quang nhắc đến hai tiếng “đám giỗ”, Hùng ứa nước mắt:
- Vì chuyện học hành đòi hỏi anh phải đi gấp các em à!
Thành lấy tập trao cho Hùng:
- Nhờ anh dạy kèm nên hổm nay em đứng nhất lớp. Anh mà đi chắc em học sẽ bị tuột hạng.
Hùng vuốt tóc Thành :
- Hai em ở lại ráng học giỏi nha. Thôi anh đi. Khi nào rảnh, anh sẽ về thăm hai em.
Hùng đi nhanh khỏi nhà mặc cho Quang và Thành khóc mướt. Những giọt lệ tuôn mãi trên gương mặt Hùng. Mỗi bước đi của Hùng là kèm theo mỗi tiếng gọi thảm thiết của hai em. Anh ráng bước đi mà lòng đớn đau như ai dần, ai xé. Hùng ra đi mang theo một trái tim rướm máu, một vết thương lòng với bao điều tủi nhục không biết bao giờ mới bôi xóa được.
Chiều hôm ấy, ông Hoàng đi làm về. Hay tin Hùng ra đi, ông điếng hồn. Ông Hoàng có nói cho vợ biết, ông lấy hai triệu cho người bạn làm chung mượn mấy ngày trước. Hôm nay thì bạn ông đã trả tiền. Bà Hoàng hiểu Hùng không phải là thủ phạm nên bà ân hận lắm. Ông Hoàng phát hiện Hùng để lá thư trên bàn thờ, ông đọc lá thư mà gương mặt tối sầm vì rưng rưng ngấn lệ.
Thưa chú thím Năm!
Khi chú thím nhận thư này là con đã đi thật xa rồi. Con không còn xứng đáng với tình yêu thương, chở che đùm bọc của chú thím dành cho con từ trước đến nay. Con thấy mình không còn đủ tư cách để sống trong nhà này nữa nên con quyết định ra đi. Hai lần lấy cắp tiền thím Năm, tội lỗi ấy xấu xa, nhơ nhớp quá! Có đem bao nhiêu nước ở các dòng sông gội rửa thì tâm hồn con cũng không thể trong sạch được. Đáng trách thay! Việc làm tồi tệ của con lại xảy ra trong không khí thiêng liêng của ngày giỗ mẹ con. Con đã làm buồn lòng, làm tủi hổ vong linh của cha mẹ con, những người dù khốn khổ, đói nghèo nhưng trọn một đời vẫn giữ được thanh danh.
Con thiết tha xin chú thím đừng tìm con. Chú cứ xem như từ đó đến giờ không có thằng Hùng nào đến đây ở cả. Riêng con, dù sống ở phương trời nào, con cũng không bao giờ quên được chú thím và hai em. Con kính chúc gia đình chú thím mãi mãi hạnh phúc. Con gởi lại hai em Quang và Thành những nụ hôn nồng thắm
Vĩnh biệt chú thím
Trần Thanh Hùng
Ông Hoàng buông rơi lá thư xuống đất. Nhìn tô canh khổ qua trên bàn thờ, ông nói:
- Trước khi đi, thằng Hùng đã cúng canh khổ qua cho mẹ nó, nó biết chị Hai rất thích canh khổ qua. Giỗ năm nào cũng tự tay nó nấu canh khổ qua để ngày tiên thường cúng cho mẹ.
Lòng ông Hoàng tan nát. Một đứa cháu hiếu thảo như vậy mà lại bị vợ ông bạc đãi. Bà Hoàng thẩn thờ. Ông Hoàng vội vàng chạy nhanh ra đường. Ông đi khắp nơi. Ông muốn tìm lại đứa cháu thân yêu của mình. Bà Hoàng buồn bã nhìn theo ông. Chợt Thành nói với mẹ :
- Má ơi! Hổm má mất tiền là do con lấy chứ không phải do anh Hai đâu, ảnh sợ má đánh đòn con nên nhận tội thay con đó.
Bà Hoàng vuốt tóc Thành :
- Má đã ngờ oan cho nó rồi. Con có thương anh Hai con không?
- Con thương ảnh lắm, nhờ ảnh dạy cho con học nên con học giỏi nhất lớp đó má. Ảnh đi rồi chắc con sẽ không còn hạng cao trong lớp.
Bà Hoàng thở dài. Vậy là hai lần bà mất tiền, Hùng đều vô tội. Bà thầm trách mình nông cạn thiếu suy nghĩ chín chắn. Bà cầm lá thư của Hùng nghiền ngẫm đọc, mỗi lời lẻ sâu xa trong lá thư là một lưỡi dao rạch nát tim bà.
Ông Hoàng đã khẩn thiết nhờ đài phát thanh, báo chí nhắn gọi Hùng về nhưng Hùng vẫn bặt tăm. Bà Hoàng đã sống qua những ngày hối hận vì tội lỗi của mình. Từ ngày Hùng ra đi, gia đình bà trống vắng. Hai đứa con bà rất buồn, vì nhớ anh Hùng nên chúng học hành ngày càng sa sút. Ông Hoàng thì cứ thẩn thờ vì mất đứa cháu hiền ngoan.
Mới đó mà đã sáu tháng kể từ ngày Hùng bỏ nhà ông Hoàng ra đi và lặn hụp trong sóng gió của cuộc đời. Sáu tháng! Một thời gian quá ngắn ngủi so với một đời người nhưng đó lại là một chuỗi ngày dài vô tận đối với những người lang thang, vất vưởng, không cửa, không nhà sống cuộc đời đầu đường, xó chợ. Nó đã biến một học sinh hiền lành thành một tên cướp giật chuyên nghiệp không còn lương tâm, không còn một chút tình người nữa mà chỉ biết sống phè phởn,vui đùa trên nỗi khổ của kẻ khác. Một cậu học sinh hôm qua đã thay hình đổi lốt để hôm nay trở thành tên lừa đảo cướp giật với biệt danh Sơn hận đời. Vừa rồi, chính cậu ta dàn cảnh trấn lột ngay cả người thân của mình, người đã từng sống chung với cậu trong một mái ấm gia đình với danh nghĩa là tình ruột thịt. Đau đớn thay! Hôm nay người đó vì cậu mà mang lấy tai ương, hiện đang thoi thóp trên giường bệnh không biết sống chết ra sao.
Vì sao chỉ có sáu tháng mà Hùng trở thành một con người hư hèn như vậy? Kể sao cho hết nỗi đớn đau, khốn cùng kể từ đêm anh bỏ nhà ra đi. Anh có đến nhà người bạn là Tiến xin ở nhờ nhưng có mấy ngày là mẹ Tiến không muốn cho ở. Hùng vào ngôi chùa xin tá túc cũng không được nhận. Xã hội bây giờ đầy sự lừa lọc nên ai cũng cảnh giác.Thế là Hùng như cánh chim cô đơn chấp chới giữa vùng trời bao la và không cách nào tìm ra tổ ấm của mình. Anh đi đến đâu cũng bị người ta hất hủi, xua đuổi. Ban đêm, Hùng xin nghỉ tạm mái hiên nhà, họ cũng đành đoạn không cho. Nhiều ngày mưa bão,Hùng phải lặn lội khắp các con đường tìm chỗ ngủ. Bụng thì đói meo, chân tay mỏi rời, gió lạnh thấu buốt tim gan mà anh cũng ráng lê bước.
Hùng gia nhập băng cướp của Năm Thẹo sau hơn một tuần khốn khổ ăn đói mặc rách. Hùng tự đặt tên mới là Sơn vì không muốn mang cái tên thiêng liêng của cha mẹ đặt vào cuộc sống không lương thiện này. Từ ngày theo Năm Thẹo, Hùng được chỉ dẫn đủ mọi mánh khóe trong nghề nghiệp để lừa đảo, cướp giật đồ đạc của người khác. Tất cả mọi người cứ “làm việc” rồi đến chiều nộp tiền cho Năm Thẹo để xài chung. Ai mà giấu nhẹm xài riêng thì sẽ bị Năm Thẹo trừng trị đích đáng. Hùng nhớ lại chuyện cũ mà lòng đau đớn vô cùng.
Ba ngày sau, Hùng được tha về vì qua xác minh,anh không phải là người giật dây chuyền. Vừa thấy Hùng, Hải đã reo lên:
- Sợi dây chuyền này coi cũng khá hả mậy? Một lát mình đem bán sẽ có tiền xài.
Nhìn sợi dây chuyền, Hùng nghẹn ngào:
- Đây là sợi dây chuyền của mẹ tao để lại cho tao. Tao nhờ chú thím Năm cất giùm và thỉnh thoảng thím Năm mượn đeo. Trời ơi! Một thằng ăn cướp như tao còn thua một con vật vì nhẫn tâm cướp giật kỷ vật của mẹ mình. Hải à! Chắc tao không thể tiếp tục đi theo con đường bất chính này nữa. Sự cố xảy ra hôm nay là một bài học nhớ đời của tao. Mày cũng nên bỏ nghề bất chính này đi. Nó là hố sâu vùi chôn nhân phẩm của mình.
Hùng ứa nước mắt vì nhớ lại có lần chú Năm nói sợi dây chuyền là sính lễ trong ngày cưới của cha mẹ Hùng. Có những lúc thật khốn khó, cơ hàn nhưng cha mẹ Hùng cũng quyết giữ chứ không bán đi. Chú sẽ giữ ,sau này gửi lại khi Hùng có vợ.
Hải nói:
- Nếu vậy thì mày cất sợi dây chuyền này ngay kẻo Năm Thẹo thấy là nguy đó. Mày nói phải, chắc tao cũng phải bỏ nghề này. Có ngày sẽ vào tù. Tao cũng mồ côi như mày, bước đường cùng mới làm cái nghề không lương thiện này. Tao cũng thấy khó chịu lắm.
Hải nói tiếp :
- Mày cũng đừng tự dằn vặt.Sống trên đời có ai tránh khỏi những giây phút lầm lỗi.
Hùng nói nhanh:
- Bây giờ, tao phải tìm vào bệnh viện thăm thím tao. Khổ nỗi không rõ thím Năm tao nằm điều trị tại bệnh viện nào. Tao phải tìm khắp các bệnh viện có lẻ sẽ tìm được. Nhưng cũng không được, giờ mà gặp tao thì không ổn. Chờ cho thím bớt bệnh. Để tao tính lại cách nào cho ổn.
Càng nghĩ Hùng càng thấy rối trí hơn.
Mấy hôm nay, ngày nào Hùng cũng đến bệnh viện nhưng ở ngoài chứ không dám vào gặp bà Hoàng.Anh đeo khẩu trang và mắt kính nên không ai phát hiện ra mình. Nhìn bà Hoàng nằm thiêm thiếp trên giường, Hùng rất đau đớn. Những chai nước biển thi nhau tiếp sức nên bà Hoàng mới còn sức lực mà sống đến hôm nay.
Sáng nay, Hùng ở phía ngoài nghe tiếng của bà Hoàng :
- Ông à! Thằng Hùng có ở đây không ông?
Ông Hoàng nói nhanh :
- Thằng Hùng nào, bà nói gì tôi không hiểu. Bộ bà nhớ thằng Hùng sao, nó bỏ nhà đi lâu rồi mà.
Bà Hoàng lắp bắp :
- Tôi có gặp, tôi không lầm đâu. Nó gặp tôi là chạy đi. Tôi bị mất sợi dây chuyền rồi hả ông? Đó là sợi dây chuyền của mẹ nó để lại. Mất rồi thì lấy gỉ đền cho nó chứ.
Nói đến đây bà Hoàng chảy nước mắt. Một lúc sau thì bà thiếp đi. Ông Hoàng không hiểu vợ muốn nói gì? Ông chỉ biết vợ bị giật mất sợi dây chuyền và tai nạn, một người tốt bụng đưa bà vào bệnh viện và lục tìm số điện thoại báo cho ông hay. Còn thằng Hùng, sao cứ những lúc mê sảng là vợ ông lại nhắc.
Vừa lúc ấy, bác sĩ Vinh xuất hiện. Ông Hoàng liền hỏi :
- Thưa bác sĩ ! Tôi rất lo cho vợ tôi. Không biết vợ tôi có thể bình phục như xưa không?
Bác sĩ Vinh trầm ngâm :
- Báo cho anh là vợ của anh đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên chị ấy bị vấn đề tâm lý nên bệnh ngày càng nặng. Rất cần thời gian để phục hồi. Gia đình phải cố gắng chăm sóc nhé! Hình như chị ấy đang hối hận vì một việc làm không đúng trước đây.
Ông Hoàng nói :
- Đúng rồi bác sĩ, vợ tôi hiểu lầm một đứa cháu và có thái độ cư xử không phải. Vì vậy vợ tôi hối hận ,rất muốn gặp nó.
Bác sĩ Vinh mĩm cười :
- Vậy là có hướng giải quyết rồi. Anh ráng thuyết phục tìm cháu về, nó chính là liều thuốc giúp vợ anh tỉnh lại như xưa.
Nghe bác sĩ nói vậy làm cho ông Hoàng giảm bớt căng thẳng. Ông nghĩ nếu như Hùng chịu quay về sống cùng gia đình thì hy vọng bà Hoàng sẽ bình phục. Nhưng làm sao biết Hùng ở đâu mà tìm. Ông đã báo tin, tìm kiếm rất nhiều nơi nhưng Hùng vẫn bặt vô âm tín.
Hùng ứa nước mắt và bước vội vã bước đi. Anh phải làm sao trong tình cảnh này? Chỉ có cách Hùng quay về thì mới cứu được thím Năm. Nhưng nếu biết chính Hùng là thủ phạm gây ra tai nạn thì mặt mũi nào anh có thể chung sống với chú thím. Vừa đi ,vừa suy nghĩ mà đầu Hùng va vào một tấm bảng hiệu. Anh bị đau do va chạm nhưng nỗi đau đó có thấm gì so với cơn bão đang hiện ra trong đầu. Hùng cứ lầm lũi bước đi mà nước mắt lưng tròng.
Sau một đêm dài thức trắng, Hùng đã chọn cho mình hướng đi. Sáng hôm nay, Hùng đến bệnh viện. Những bước chân ngập ngừng của anh khi đến căn phòng thím Năm điều trị sao nặng nề quá. Vừa thấy Hùng, ông Hoàng gọi to : “Hùng con!”. Ông Hoàng ôm lấy đứa cháu xa cách bấy lâu mà ông run lên vì quá đỗi bất ngờ. Nước mắt ông trào ra, Ông nói :
- Sao con biết thím con bị tai nạn mà ghé thăm vậy con, hổm nay con ở đâu?
Hùng lắp bắp :
- Dạ hổm nay con làm nhiều nghề. Giờ nói ra không tiện đâu chú. Con muốn gặp thím Năm. Sau này rảnh con sẽ kể cho chú nghe thời gian qua con làm việc gì.
Ông Hoàng nghẹn lời :
- Con nhìn đó, thím con bị tai nạn rất nặng,giờ lúc tỉnh lúc mê. Không biết sao, mỗi lần tỉnh là nhắc con. Con đừng có giận thím nữa nha con! Hãy quay về sống với chú thím. Chuyện cũ bỏ qua hết. Chú thím nhớ con rất nhiều sau khi con ra đi. Thím con ân hận lắm rồi.
Hùng nói :
- Dạ con hiểu thím không còn ghét vì thím đã hiểu ra sự thật, vì vậy con muốn ở đây chăm sóc cho thím. Hy vọng nhìn thấy con, thím sẽ bớt bệnh.
- Đúng đó, chỉ có con mới là người có thể giúp cho thím bình phục.
Hùng ngậm ngùi :
- Con muốn dành nhiều thời gian ở bệnh viện. Con sẽ chăm sóc cho thím như người con chăm sóc cho mẹ hiền. Dù sao thì thím có khác gì người mẹ đã lo cho con bao năm qua.
Ông Hoàng như bắt được vàng khi nghe được những lời chân tình của Hùng. Chợt ông Hoàng reo lên :
- Thím con mở mắt rồi kìa.
Hùng nhìn thấy bà Hoàng mở mắt, tay bà lay động. Hùng lại gần, nắm tay bà rồi nói :
- Con đến thăm thím đây. Thím ráng hết bệnh.Từ nay con sẽ về ở luôn với thím. Thím ráng sống với con nha thím!
Bà Hoàng gật đầu và mĩm cười. ánh mắt bà sáng lên. Bà như ngọn đèn dầu lụn tàn chợt sáng tỏ vì có người đã tiếp thêm chút dầu vào ngọn đèn sắp tắt ấy.
Hùng lấy trong túi áo ra sợi dây chuyền rồi nói :
- Có người giựt dây chuyền, con đã tìm được rồi nè, thím an tâm nhé. Thím vui khi nhìn thấy sợi dây chuyền này nhé? Vật kỷ niệm của mẹ con vẫn còn, thím sẽ rất vui phải không?
Bà Hoàng ráng nói giọng đứt quãng :
- Con… tha..thứ …cho thím…
Những giọt nước mắt tuôn trào từ khóe mắt của bà Hoàng. Bao dòng lệ tuôn lai láng vì sự dồn nén chịu đựng nhiều ngày đã qua. Hùng lấy khăn lau nước mắt cho thím mình mà tay cứ run run vì xúc động.
Hùng nắm tay bà Hoàng :
- Tại thím hiểu lầm. Con không có buồn giận gì đâu. Con sẽ về với thím và sẽ xem thím như người mẹ. Thím ráng sống với con cũng như bao người thân nha thím!
Bà Hoàng khẻ gật đầu. Ông Hoàng lấy tay lau nước mắt. Sau bao ngày bão giông, hy vọng mái ấm gia đình ông sẽ có những ngày còn lại bình yên. Ánh nắng vàng buổi ban mai khẻ xuyên qua cửa sổ. Một ngày mới bắt đầu. bầu trời xanh trong, những tia nắng buổi sáng tinh mơ vừa dịu dàng vừa đầm ấm như cõi lòng của ông trong giờ phút này.
Chờ ngày bà Hoàng bình phục, Hùng sẽ kể lại những tháng ngày sóng gió sống bụi đời với bao cay đắng chồng chất. Anh tin chú thím sẽ tha thứ cho mình vì hành động nông nỗi gây tai nạn cho thím Năm. Cũng vì tai nạn này mà bao tình cảm thân yêu như được kết chặt hơn.Thời gian sống xa nhà là quãng đời tội lỗi của Hùng. Anh đã sai khi bước qua nhịp cầu gãy. Anh nguyện với lòng từ nay sẽ không bao giờ bước lên nhịp cầu đó nữa. Mái ấm gia đình của chú thím Năm mới thật sự là tổ ấm. Hùng sẽ là cánh chim không mõi đem cả trái tim và sức lực của mình để vun bồi cho mái ấm luôn ngập tràn tình yêu thương.Hùng hiểu chỉ có tình yêu thương, lòng vị tha mới là khúc nhạc hay nhất mà anh muốn nghe trong suốt cuộc đời này./.
N.T.D