Người yêu thơ bàng hoàng khi tác giả của “Buồn ơi, chào nhé…” qua đời

Người yêu thơ bàng hoàng khi tác giả của “Buồn ơi, chào nhé…” qua đời

Nguyenmaihoa
Nguyenmaihoa
  • Thành Viên 27 đến từ Hà Nội
Tin thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời ở tuổi 70 khiến nhiều người yêu thơ không khỏi bàng hoàng.

Như vậy là từ nay, người được mệnh danh là “nhà thơ tình hay nhất của học sinh, sinh viên” sẽ không còn tặng cho đời thêm những vần thơ dung dị đến tinh khiết, lãng mạn đến… ngây ngô mà chất chứa biết bao suy tư, nỗi niềm.
Sinh trưởng trong gia đình nghệ thuật nổi tiếng, cha là nhạc sĩ Hoàng Giác vang bóng với những nhạc phẩm: “Mơ hoa”, “Ngày về”, “Lỡ cung đàn”… Hoàng Nhuận Cầm sớm thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật cùng một tâm hồn nhạy cảm nhưng tài năng “phát tiết” ở đường văn chương chữ nghĩa. Ông nổi tiếng từ sớm, khi mới tuổi đôi mươi đã đoạt giải Nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn Nghệ với chùm thơ “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu” và “Chiếc lá đầu tiên”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa ví nét đẹp trong thơ Hoàng Nhuận Cầm “như làn sương sớm bay trên thảm cỏ ban mai”, nhưng lại “đọc thơ như nhạc rock, cảm giác bùng cháy”.
4477

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm
Phần lớn cuộc đời sống trong cảnh nghèo khó nhưng Hoàng Nhuận Cầm vẫn nuôi dưỡng trong tâm hồn nét đẹp hồn nhiên, long lanh để viết nên những vần thơ trẻ trung, chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc. Những tập thơ của ông như: “Thơ tuổi hai mươi” in chung năm 1974; “Những câu thơ viết đợi mặt trời” năm 1983; “Xúc xắc mùa thu” năm 1992; “Thơ với tuổi thơ” năm 2004; “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến” năm 2007… được nhiều thế hệ thanh niên yêu thích.

Cũng vì sống bằng ngòi bút nên ngoài làm thơ, ông còn viết nhiều kịch bản văn học cho phim ảnh, nổi bật là: “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội mùa Đông năm 46”, “Áo chàm Bắc Sơn”, “Mùi cỏ cháy”, “Lỗi lầm”, “Đằng sau cánh cửa”, “Pháp trường trắng”, “Ai lên xứ hoa đào”, “Đoạn trường chiêm bao”, “Nhà tiên tri”…

Một vai trò khác của ông là… diễn viên. Mặc dù ít khi đóng phim hay xuất hiện trên sân khấu nhưng những vai diễn của ông luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong công chúng. Có lẽ đến giờ, những người xem “Gặp nhau cuối tuần” phiên bản đầu tiên vẫn còn nhớ tới “Bác sĩ Hoa Súng” với lối diễn xuất dung dị, hồn nhiên mà sâu sắc, ẩn chứa nhiều tâm tư với sự đời. Trong phim “Số đỏ” (chuyển thể từ tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng), mặc dù chỉ xuất hiện trong một vài phân cảnh ngắn nhưng hình ảnh chàng thi sĩ lãng mạn và chân thành đến… ngớ ngẩn vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người.

Luôn cháy hết mình, luôn làm đến tận cùng trách nhiệm và đam mê – đó là một Hoàng Nhuận Cầm mà người ta biết đến cả trong đời thực lẫn đời văn, đời nghệ thuật.

Với tâm hồn nhà văn nghệ đầy mẫn cảm, từ 30 năm trước, ông đã có những vần thơ dự cảm về sự ra đi của mình:

Một mai chết thật âm thầm

Mấy nhành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru

Một mai chết hết hận thù

Mắt chầm chậm khép, tay từ từ xuôi

Một mai chết thật buồn cười

Tóc tôi buông xuống như người ngủ mơ

Một mai chết thật tình cờ

Thuốc trên tay khói vẫn dờ dật bay…

Ông ra đi đột ngột, chỉ sau người cha đáng kính của mình chưa đầy 4 năm. Từ nay, văn đàn Việt vắng bóng một thi nhân nhưng những vần thơ cùng hình ảnh của ông sẽ vẫn ghi dấu trong cõi đời, hẳn là rất bền lâu…
Nguồn: banluanvanhoa.com
 
1K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top