Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới

Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới

H
Hoàng Cung
  • Người yêu văn chương đến từ Sóc Trăng

I. CUỘC ĐỜI

Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu (1765). Ông quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh ra ở Thăng Long. Nguyễn Du xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan to dưới triều vua Lê, chúa Trịnh. Đó cũng là một gia đình có truyền thống yêu chuộng văn học, rất sành thơ văn Nôm, thích hát xướng. Cha ông là Nguyễn Nghiễm, từng ở ngôi tể tướng mười lăm năm. Mẹ ông là Trần Thị Tần, vợ thứ, người Bắc Ninh, có tài hát xướng. Những ngày thơ ấu, Nguyễn Du sống trong nhung lụa, nhưng rồi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mấy anh em ông pải sống nhờ người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản, làm chức Tham tụng (ngang Thừa tướng) trong phủ chúa Trịnh. Lúc bấy giờ, triều đình Lê – Trịnh đã suy tàn. Năm Nguyễn Du mười lăm tuổi, Nguyễn Khản bị bắt giam. Năm mười chín tuổi, Nguyễn Du thi đỗ tam trường (tú tài), rồi làm một chức quan võ ở Thái Nguyên. Lúc này Nguyễn Khản bị kiêu binh phá nhà, phải trốn chạy về quê ở Nghi Xuân.

Năm 1789, nhà Lê sụp đỗ, Nguyễn Du lánh về quê vợ, ở nhờ nhà người anh vợ là Tiến sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn tại Thái Bình, bắt đầu cuộc sống "mười năm gió bụi" hết sức khổ cực, tủi nhục. Từ khi vợ mất, trở về quê Nghi Xuân (1796) cho đến lúc ra làm quan cho nhà Nguyễn, ông vẫn sống một cuộc đời nghèo túng. Có thể côi từ bé, lớn lên trong cảnh nhà Lê suy sụp và gia cảnh tan tác đã có ảnh hưởng hết sức sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của nhà thơ.

Nguyễn Du miễn cưỡng làm quan dưới triều Nguyễn, từng giữ chức Tri huyện, thăng Tri phủ, rồi làm Cai bạ Quảng Bình. Năm 1813, ông được thăng chức Học sĩ điện Cần chánh và được cử làm Chánh sứ đi tuế cống Trung quốc. Năm 1820, ông lại được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc lần nữa, nhưng chưa kịp đi thì mắc bệnh dịch, không thuốc thang và mất ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (tức ngày 18 – 9 – 1820), thọ năm mươi lăm tuổi. Theo Đại Nam liệt truyện, Nguyễn Du là một người thanh liêm, sống thầm lặng, hết sức khinh bỉ bọn quan lại chỉ biết vinh thân phì da, không lo đến việc dân, việc nước.

Nguyễn Du đã sống một cuộc đời bi kịch. Xuất thân trong gia đình quý tộc giàu sang, thế mà cơn lốc lịch sử đã hất hết lầu son gác tía, đẩy ông vào cuộc sống lay lắt, lưu lạc, tha hương. Nhưng bi kịch lớn nhất của ông là từng khao khát một sự nghiệp vẫy vùng cho phỉ chí, mà rút cuộc phải chấp nhận cuộc đời triền miên buồn chán, không có một hoạt động say sưa và nhất quán vì lí tưởng nào cả. Nguyễn Du đã sống như một người dân thường giữa thế gian và nhờ thế ông thông cảm sâu xa với mọi kiếp người bị đày đoạ. Nguyễn Du nhìn đời với con mắt của một người đứng giữa giông tố cuộc đời và điều đó khiến tác phẩm của ông hàm chứa một chiều sâu chưa từng có trong văn thơ Việt Nam.

II. SỰ NGHIỆP VĂN HỌC

1. Các tác phẩm văn học của Nguyễn Du


Nguyễn Du là tác giả có nhiều thành tựu kiệt xuất về văn chương, ở thể loại nào ông cũng đạt được sự hoàn thiện ở trình độ cổ điển.

Về thơ chữ Hán, Nguyễn Du có ba tập thơ: Thanh Hiên thi tập làm lúc ông đang sống lẩn tránh ở quê vợ và quê nhà Nghi Xuân, Nam trung tạp ngâm là tập thơ sáng tác lúc ra làm quan với triều Nguyễn, Bắc hành tạp lục làm lúc phụng mệnh vua dẫn đầu đoàn đi sứ Trung Hoa, tổng cộng gồm 250 bài. Thơ chữ Hán có những kiệt tác như Đọc Tiểu Thanh kí, Bài ca những điều trông thấy (Sở kiến hành), Bài ca người gảy đàn đất Long Thành (Long Thành cầm giả ca), Người hát rong ở Thái Bình (Thái Bình mại giả ca), Chống lại bài "Chiêu hồn" (Phản chiêu hồn),...

Với thơ chữ Nôm, Nguyễn Du có hai kiệt tác Truyện Kiều Văn tế thập loại chúng sinh. Ngoài ra, ông còn có một số sáng tác đậm chất dân gian như Văn tế sống hai cô gái trường Lưu và bài vè Thác lời trai phường nòn.

2. Nhà thơ có khuynh hướng hiện thực sâu sắc

Toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du dù rất đa dạng vẫn có một đặc điểm bao trùm là khuynh hướng hiện thực. Vượt lên tâm sự nhớ tiếc triều Lê, sự buồn chán, ý muốn tu Phật,... Nguyễn Du lúc nào cũng nghĩ về hiện thực cuộc sống với những vấn đề nhức nhối của nó.

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du là nhật kí đời sống, nhật kí tâm hồn, đã ghi lại trung thành những năm tháng sống lay lắt, đói khổ, bệnh tật, những suy tư, tình cảm của ông trước thực tại lịch sử.

Có bài thơ ghi lại cảnh thiếu áo mặc:

"Lạnh sơ đã khổ vì không áo

Chày vải nhà ai chiều nện đưa"

(Đêm thu, bài II)

Có lần nhà thơ ốm ở Huế mà thương các con đói ở quê nhà:

"Gào rã non Hồng mười miệng đói

Ốm co thành Huế một thân trơ"

(Tình cờ làm thơ)

Có lúc nhà thơ mong trở về với tuổi thơ vô tư, thoát khỏi thực tại:

"Bạc đầu cơm áo luôn cùng quẫn

Sao được ngày xanh cứ hát tràn"

(Ngồi đêm)

Có khi ông muốn quên hết mọi thứ để sống chonthanh thản (Hành lạc từ) nhưng làm sao có thể quên đi thực tại khốc liệt ? Hính ảnh nhà thơ hiện ra trong các tập Thanh Hiên thi tập Nam trung tạp ngâm là một người ốm đau, đói rét, già yếu, nghèo khổ, tóc bạc, cô đơn,... phản ánh một cuộc d9i72 đầy những buồn đau và chán nản, tủi nhục.

Nhưng nhà thơ không nhắm mắt, buông xuôi mà bày tỏ thái độ mỉa mai và lên án xã hội bất công, đen tối. Trong tập Bắc hành tạp lục Nguyễn Du vạch ra sự đối lập gay gắt giữa người giàu, kẻ nghèo. Trong Bài ca những điều trông thấy Người hát rong ở Thái Bình viết khi đi sứ, ông miêu tả cảnh quan lại quyền quý cơm canh, thịt cá thừa mứa ăn không hết, đem đổ xuống sông, trong khi người nghèo đói ca hát đến sùi bọt mép chỉ được mấy đồng kẽm:

"Miệng sùi bọt trắng, tay rời liệt

Cất đàn thưa: Đến đây khúc hết

Trổ cả tâm lực một trống canh

Chỉ cho năm, sáu đồng tiền kiết !

...

Kìa chẳng thấy: lệ cung đốn cho đoàn đi sứ

Thuyền gạo đầy khoang, thuyền thịt ứ

Người đi ăn chán, thừa vứt đi

Cơm nguội lòng sông chìm trắng đổ"

(Người hát rong ở Thái Bình)

Tiêu biểu nhất cho tinh thần phản kháng hiện thực của Nguyễn Du là bài Chống lại bài "Chiêu hồn" làm trong lúc đi sứ Trung Quốc. Tương truyền, trung thần nước Sở là Khuất Nguyên bị gièm pha phải tự tử, Tống Ngọc xót thương làm bài Văn chiêu hồn gọi hồn ông trở về nước Sở. Nguyễn Du đối thoại với người xưa, làm tác phẩm Chống lại bài "Chiêu hồn" với lời lẽ thống thiết, bi phẫn:

"Hồn ơi! Hồn ơi, sao không về

Đông Tây Nam Bắc không nơi tựa

Lên trời xuống đất đều chẳng xong,

Về thành Yên, Sính làm chi nữa !

Thành quách y nguyên, việc đời khác,

Cát bụi lầm cả áo người.

Đi ra xe ngựa, về vênh váo,

Lên mặt Cao, Quỳ tán chuyện đời.

Không lộ vuốt nanh cùng nọc độc,

Mà xé thịt người nhai ngọt xớt.

Kìa hồn chẳng thấy: mấy trăm châu ở Hồ Nam

Chỉ có gầy nhom, không béo tốt !

Hồn ơi, vì cứ theo đường ấy

Sau Tam Hoàng thôi chẳng hợp thời !

Hãy sớm thu hồn về thái cực,

Chớ về đây nữa, người mỉa mai.

Hậu thế đều là bọn Thượng quan,

Mặt đất đều là sông Mịch La.

Cá rồng không nuốt, hùm sói nuốt,

Hồn ơi! Hồn ơi biết sao mà ?"

Đó cũng là thái độ quyết liệt của Nguyễn Du đối với hiện thực và thời đại của ông. Thái độ quyết liệt đó cũng thể hiện sâu sắc trong Truyện Kiều khi nhà thơ lên án sự tàn nhẫn, bạc ác của các thế lực đen tối mà ông gọi chung bằng cái tên "định mệnh".

3. Nhà thơ nhân đạo vĩ đại

Một điểm chung khác rất nổi bật trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du là sự quan tâm sâu sắc tới thân phận con người.

Chúng ta đã biết Truyện Kiều là khúc ca về tình yêu trong sáng, là giấc mơ tự do làm chủ cuộc đời, nhưng chủ yếu là tiếng khóc xé ruột cho thân phận và nhân phẩm con người bị chà đạp. Trong thơ Nguyễn Du, người phụ nữ tài hoa bạc mệnh là hình ảnh tiêu biểu nhất cho những giá trị tốt đẹp, mong manh của con người bị huỷ hoại:

"Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

Đó không chỉ là lời chung cho phụ nữ mà cũng là lời chung cho mọi kiếp người. Chính trong bài Đọc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du đã đồng nhất số phận mình với số phận người tài hoa bạc mệnh:

"Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi

Cái án phong lưu khách tự mang"

Đến Văn tế thập loại chúng sinh thì tình thương và lòng thông cảm của Nguyễn Du đã bao trùm hết mọi kiếp người. Từ kẻ tranh đoạt ngôi báu, kẻ quyền cao chức trọng đến cung phi, tướng sĩ, những người vào sông ra bể, những kẻ chết oan,... ông đều thương cảm. Nguyễn Du thương những trẻ em mất sớm:

"Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé

Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha

Lấy ai bồng bế vào ra

U ơ tiếng khóc thiết tha não lòng"

thương những người sa cơ lẫn vận khi thời thế đổi thay:

"Một phen thay đổi sơn hà

Tấm thân chiếc lá biết là về đâu"

Ông thương nhất những người phụ nữ, đặc biệt là những kẻ phải đem tài sắc mua vui cho thiên hạ.

Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du lấy sự khẳng định cuộc sống hạnh phúc trần gian làm nền tảng. Cứ mỗi lần miêu tả sự hội ngộ của nàng Kiều với Kim Trọng, Kiều với Thúc Sinh, Kiều với Từ Hải,... là một dịp để ngòi bút nhà thơ ngân lên những nhịp điệu đắm say. Kiều trao duyên của mình cho em gái là làm một việc nghĩa, nhưng nàng không cảm thấy hạnh phúc của người làm việc nghĩa. Kiều cũng có lần đi tu, nhưng xem đó như một sự từ bỏ tuổi xuân của mình ("Đã đem mình bỏ am mây"). Nguyễn Du nhìn nàng Kiều sau mười lăm năm lưu lạc vẫn là một người trinh trắng ("Như nàng lấy hiếu làm trinh") và gọi "tướng giặc" Từ Hải là "đấng anh hùng". Có thể nói, Nguyễn Du đã vượt qua những ràng buộc của ý thức hệ phong kiến và tôn giáo để vươn tới khẳng định giá trị tự thân của con người. Đó là tư tưởng sâu sắc nhất mà nhà thơ đem lại cho văn học Việt Nam trong thời của ông.

4. Vị trí hàng đầu của Nguyễn Du trong lịch sử văn học dân tộc

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du không chỉ là những trang nhật kí ghi lại trung thực số phận và tâm trạng nhà thơ trong cơn bão táp của lịch sử mà còn thể hiện những suy nghĩ sâu sắc của ông về thời đại. Thơ Nguyễn Du giản dị mà tinh luyện, tài hoa, xứng đáng là tác phẩm của một cây đại bút.

Về thơ Nôm, Nguyễn Du sử dụng tài tình hai thể thơ dân tộc đã có là lục bát và song thất lục bát mà ở thể nào cũng đạt đến trình độ mẫu mực cổ điển.

Trong thơ Nôm của mình, Nguyễn Du đã làm mới ngôn ngữ văn học tiếng Việt. Tỉ lệ từ Hán Việt giảm hẳn, câu thơ tiếng Việt của ông vừa bình dị dễ hiểu,vừa trang nhã, diễm lệ nhờ vần luật chỉnh tề, ngắt nhịp đa dạng, tiểu đối phong phú, biến hoá. Thơ ca Nguyễn Du xứng đáng là đỉnh cao của tiếng Việt văn học trung đại.

Trong nghệ thuật tự sự ở Truyện Kiều, Nguyễn Du đã tổng hợp các thể loại văn học trước đó, đổi mới thể loại truyện Nôm, nâng tác phẩm lên hàng tiểu thuyết bằng thơ. Ở miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế, sâu sắc, đổi mới điểm nhìn trần thuật từ bên trong, tăng cường chất thơ cho tự sự, làm cho Truyện Kiều trở thành một kiệt tác của văn học dân tộc.
(Sưu tầm tổng hợp)​
 
Từ khóa
cuộc đời nguyễn du nguyen du nhà nhân đạo chủ nghĩa thơ ca nguyễn du vị trí của nguyễn du trong nền văn học dân tộc đại thi hào dân tộc
517
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top