Những nét chính về tác giả Hồ Chí Minh và tác phẩm Chiều tối

Những nét chính về tác giả Hồ Chí Minh và tác phẩm Chiều tối

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên từng nói: Thời gian có thể phủ bụi một số thứ. Nhưng cũng có những thứ càng rời xa thời gian, càng sáng lại càng đẹp. Và thi phẩm Chiều tối của Hồ Chí Minh là một bài thơ như thế. Nhắc đến thơ ca Hồ Chí Minh thì không ai có thể quên được tập thơ Nhật kí trong tù. Đây là tập hợp những bài thơ đặc sắc viết về một hành trình đầy gian khó và thách thức trong cuộc đời hoạt động của Người. Tuy phải sống trong hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt nhưng ở Bác vẫn ngời sáng những phẩm chất tốt đẹp về ý chí và nghị lực. Điều này được bộc lộ xuyên suốt trong tập thơ này, và Chiều tối có thể xem là một trong những trường hợp tiêu biểu:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

Những nét chính về tác giả Hồ Chí Minh và tác phẩm Chiều tối.png

Những nét chính về tác giả Hồ Chí Minh và tác phẩm Chiều tối​

Cảm nhận bài thơ Chiều tối với vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật cần nắm được những nét cơ bản về tác giả cũng như tác phẩm.

I. Giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh​

Hồ Chí Minh là người con ưu tú của vùng đất Nghệ An. Đây cũng là nơi sinh thành của rất nhiều những tên tuổi nổi tiếng như Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu Nhắc đến Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam chắc hẳn cảm thấy luôn tự hào và kính trọng bởi Người đã dành cả cuộc đời của mình để đồng hành cùng với nhân dân trong sự nghiệp giành và giữ nền độc lập, tự do cho đất nước.

Từ thuở thiếu thời, ngay từ khi còn là một chàng thành niên, Bác đã nuôi trong mình chí lớn được đi ra nước ngoài để học tập những điều tiến bộ có thể giúp đất nước thoát khỏi ách thống trị của giặc ngoại xâm. Ý nghĩ đó đã thôi thúc và giúp Bác đưa ra quyết định vào năm mình vừa 21 tuổi 1911. Thế là Người bắt đầu cuộc hành trình bôn ba khắp các châu lục và hành trình ấy kéo dài đằng đẵng suốt ba mươi năm.

Sau khi lĩnh hội những bài học quý giá từ nước bạn, Bác trở về nước và trực tiếp làm nhiệm vụ lãnh đạo dẫn đường và đến tháng 8 năm 1945, mọi sự nỗ lực và cố gắng của Bác và quân dân đã được đền đáp bằng thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa. Sau đó, Bác cũng chính là người hiên ngang đứng trước quảng trường Ba Đình để thay mặt nhân dân Việt Nam, tuyên bố với thế giới về sự khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự kiện trọng đại trong năm 1945 trong ngày 2 tháng 9 ấy sẽ mãi mãi in sâu vào trong tâm trí của mọi người con Việt Nam. Những năm tháng sau đó, Người vẫn nhiệt thành trong vai trò là người lãnh đạo để tiếp tục giúp dân ta đánh đuổi đế quốc Mĩ thế nhưng khi chưa kịp nhìn thấy nhân dân Nam Bắc sum họp một nhà thì năm 1969, Người đã ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho con cháu ở lại. Tuy nhiên, những cống hiến của Hồ Chí Minh cho nền độc lập nước nhà vẫn sẽ trường tồn cùng năm tháng.

Cùng với những cống hiến cho cách mạng, Hồ Chí Minh cũng để lại cho văn học Việt Nam một sự nghiệp sáng tác đồ sộ với rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng, thuộc nhiều thể loại khác nhau, một số tác phẩm có thể kể đến như: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Tuyên ngôn Độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập, tự do (1966), Vi hành (1923), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925), Nhật kí chìm tàu (1931), Nhật kí trong tù (1942 1943).

- Hồ Chí Minh (1890 - 1969) xuất thân trong gia đình nhà nho yêu nước
- Thuở bé học chữ Hán sau đó học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, rất am hiểu văn hóa, văn học phương Đông (Trung Quốc) và văn hóa, văn học phương Tây (Pháp) ⇒ hai dòng phương Đông và Phương Tây quyện chảy trong huyết mạch văn chương.
- Quá trình hoạt động cách mạng:
+ 1911: ra đi tìm đường cứu nước.
+ 1918 – 1922: hoạt động Cách mạng trên đất Pháp, tích cực viết báo, viết sách tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân và đoàn kết các dân tộc thuộc địa.
+ 1923 – 1941: chủ yếu hoạt động ở Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan.
+ 1942-1943: bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ ở các nhà ngục Quảng Tây, Trung Quốc.
+ 2- 9 – 1945: đọc bản Tuyên ngôn độc lập…
⇒ Vị lãnh tụ vĩ đại đồng thời là nhà văn, nhà thơ lớn với di sản văn học quí giá.

- Các tác phẩm chính:
+ văn chính luận: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quí hơn độc lập tự do (1966)…
+ truyện và kí: Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Vi hành (1923), Những trog lố hay là Varen và Phan Bội Châu (1925)…
+ thơ ca: tập thơ Nhật kí trong tù và nhiều bài thơ sáng tác tại Việt Bắc

- Phong cách nghệ thuật
+ Hồ Chí Minh xem văn nghệ là hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp Cách mạng
+ Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến đối tượng thưởng thức
+ Hồ Chí Minh luôn quan niệm tác phẩm văn chương phải có tính chân thật.
+ Hồ Chí Minh đòi hỏi nhà văn phải chú ý đến hình thức biểu hiện, tránh lối viết cầu kì, xa lạ, nặng nề.

II. Đôi nét bài thơ Chiều tối​

Khi cảm nhận bài thơ Chiều tối, ta thấy tác phẩm này được Hồ Chí Minh sáng tác trong hoàn cảnh trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên bảo vào cuối mùa thu năm 1942. Đây là bài nằm ở vị trí thứ 31 của tập thơ Nhật kí trong tù, một tập thơ bao gồm 134 bài thơ được sáng tác bằng chữ Hán nhằm tố cáo sự tàn bạo của chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch. Đồng thời bài thơ cũng phần nào khắc họa bức chân dung tự họa của người tù cộng sản Hồ Chí Minh trong thời gian bị bắt giam vô cớ từ mùa thu năm 1942 1943 tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Để thể hiện những nội dung nói trên, trong bài thơ nói riêng và tập thơ nói chung, tác giả đã sử dụng lời thơ cô đọng, hàm súc và đặc biệt là cho thấy sự khéo léo trong việc kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại.
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Bài thơ rút ra từ tập thơ Nhật kí trong tù, tập thơ sáng tác khi tác giả bị chính quyền Tưởng Gới Thạch bắt giam trong suốt 13 tháng
- Cảm hứng được gợi lên bởi cuộc chuyển lao của Hồ Chí Minh từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo

2. Bố cục bài thơ Chiều tối
- Phần 1 (hai câu đầu): bức tranh thiên nhiên
- Phần 2 (hai câu cuối): bức tranh đời sống con người

3. Giá trị nội dung
- Bài thơ cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh

4. Giá trị nghệ thuật
- Bài thơ đậm sắc thái nghệ thuật cổ điển mà hiện đại

III. Cảm nhận chi tiết bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh​

Thiên nhiên và con người trong Chiều tối là những hình tượng chủ đạo trong bài thơ. Khi cảm nhận bài thơ Chiều tối, ta thấy Hồ Chí Minh dường như đã phác họa ra trước mắt người đọc bức tranh tuyệt đẹp trong thời điểm chiều tối. Và để tạo nên sự kì diệu ấy là nhờ có sự hiện diện của cả thiên nhiên và con người trong bức tranh.

Cánh chim cô đơn lạc lõng giữa không trung​

Mở đầu bài thơ, Hồ Chí Minh viết:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Dịch nghĩa:
Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ

Câu thơ đầu đã cho người đọc hình dung về một không gian mênh mông, rộng lớn của núi rừng khi về chiều. Trong không gian ấy, cánh chim trời xuất hiện để tầm túc thụ. Có lẽ, chúng đang tìm về tổ ấm của mình trong trạng thái mỏi mệt sau một ngày mải miết, rong ruổi bay lượn trên không trung. Đó là hình ảnh rất có sức gợi về buổi chiều tà và không gian bao la của núi rừng. Cảm nhận bài thơ Chiều tối, ta thấy trong thời gian ấy, không gian ấy, sự hiện diện của cánh chim như chơi vơi hơn, lạc lõng hơn và lòng người tự nhiên cũng có cảm giác bộn bề, man mác.

Chòm mây mỏi mệt lững lờ trôi​

Đến câu thơ thứ hai, nhà thơ tiếp tục vẽ ra một hình ảnh thiên nhiên khác, nhưng cũng lại là hiện thân của sự mỏi mệt, đó là hình ảnh chòm mây lững lờ trôi trên bầu trời:

Cô vân mạn mạn độ thiên không
Dịch nghĩa:
Chòm mây lẻ trôi lững lờ trên tầng không

Không khác gì cánh chim trên không trung, giữa tầng không nổi bật hình ảnh đám mây lững lờ trôi như mang tâm trạng cô đơn. Chính hình ảnh này cũng góp phần tạo cho không gian bầu trời trở nên bất tận hơn và thời gian dường như đã ngừng trôi theo trạng thái chùng chình của đám mây ấy.

Với hình ảnh cánh chim chòm mây, tác giả đã cho thấy sự tinh ý của mình khi đã cảm nhận sự vật từ trạng thái, tính chất của nó, đó là sự cảm nhận có cơ sở, có điểm tựa. Riêng với hình ảnh cô vân, nếu đem đối chiếu với bản dịch thơ có thể thấy một số điều như sau. Trong bản dịch thơ (Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không), từ (cô đơn, lẻ loi) dường như chưa được dịch, điều này đương nhiên đã làm mất đi tính cô độc, lẻ loi của áng mây.

Không chỉ vậy, bản dịch này cũng đã không dịch từ mạn mạn (lững lờ) nên chưa cho thấy được tư thế chậm chạp, ngập ngừng như không muốn trôi của áng mây. Dù tinh thần của ý thơ bị giảm đi ít nhiều nếu như không có từ ngữ thể hiện các ý cô đơn, lững lờ, thế nhưng cũng cần ghi nhận nỗ lực của người dịch.

Đặc biệt khi cảm nhận bài thơ Chiều tối, người đọc cũng nhận thấy trong hai hình ảnh nổi bật của thiên nhiên được sử dụng trong hai câu thơ đầu này, tác giả như tái hiện trước mắt người đọc hình ảnh thiên nhiên vừa mang tính cổ điển, vừa mang tính hiện đại. Hình ảnh cánh chim là hình ảnh rất quen thuộc trong thơ xưa:

Chim bay về núi tối rồi
(Ca dao)

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
(Bà Huyện Thanh Quan)
Chim hôm thoi thóp về rừng
(Nguyễn Du)

Với việc nhân hóa hai hình ảnh trên trong trạng thái mỏi mệt, cô đơn, lững lờ trôi, nhà thơ cũng đồng thời cho thấy nghệ thuật tương phản giữa sự tìm về của cánh chim và sự trôi đi của chòm mây, giữa đích đến là núi rừng và sự vô định của tầng không. Chính vì thế bức tranh thiên nhiên bỗng trở nên gần gũi, yên ả lạ thường.

Sự xuất hiện của con người trong bài thơ​

Sang câu thơ thứ ba, nhà thơ đã bổ sung vào bức tranh thiên nhiên sự hiện hữu của con người:

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Dịch nghĩa:
Thiếu nữ xóm núi xay ngô

Không gian bao la của núi rừng ở hai câu thơ đầu bỗng thu lại trong không gian nhỏ của xóm núi. Điểm nhìn từ trên trời ca di chuyển xuống lưng núi và bắt gặp hình ảnh sơn thôn thiếu nữ trong công việc xay ngô. Khi cảm nhận bài thơ Chiều tối, ta thấy giữa sự mênh mang, buồn vắng, người con gái miền sơn cước xuất hiện trong việc lao động như đại diện cho vẻ đẹp của sức trẻ đầy nhiệt huyết và của người làm chủ thiên nhiên và cả vũ trụ. Chính điều đó đã mang lại hơi ấm cho sự sống của người đi đường.

Ý nghĩa này sẽ được thể hiện độc đáo hơn nếu bản dịch không thêm vào từ tối vì việc thêm vào này đã làm lộ ý thơ vì người đọc có thể nên cảm nhận được thời gian được nhắc đến trong câu thơ thứ ba này là thời gian đã chuyển sang tối bằng sự thông báo ngầm của hình ảnh đốt lò than ở câu thứ tư.

Trước đó, nếu như hình ảnh chim trời và chòm mây dễ làm cho nhân vật trữ tình cảm thấy sự khác biệt, có phần đối lập giữa thiên nhiên và chính mình. Nếu như cánh chim mỏi mệt, chòm mây cô đơn nhưng chúng lại được tự do, còn người tù thì đang trong hoàn cảnh cổ đeo gông, chân vướng xiềng.

Tuy nhiên, dù hoàn cảnh có nghiệt ngã như thế nào thì ở nhân vật cũng toát lên những vẻ đẹp đáng trân trọng. Đó là vẻ đẹp của con người yêu thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên và luôn có khát vọng tự do, ước mong được sum họp nơi quê nhà. Đó chính là tinh thần tự chủ, lạc quan, không chịu khuất phục trước nghịch cảnh rất đáng được ca ngợi.

Còn trong câu thơ thứ ba này, sự cô đơn, lạc lõng của nhân vật như được xoa dịu hơn bởi sự xuất hiện của bóng dáng con người trong hoạt động lao động. Cảm nhận bài thơ Chiều tối, ta thấy với hình ảnh đó, người tù lại cho thấy ở mình có sự tồn tại của tinh thần thần lạc quan đã tìm thấy niềm vui, sự an ủi cho mình nơi cuộc sống người lao động.

Ánh sáng sưởi ấm lòng người chiến sĩ​

Sự xuất hiện của hình ảnh lò than ở câu thứ cuối cùng của bài như đã nói chinh slaf sự thông báo ngầm của bước chuyển biến thời gian từ chiều sang tối:

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
Dịch nghĩa:
Ngô xay vừa xong, lò than đã đỏ

Ý thơ trong câu cuối nếu đặt trong kết cấu của câu hai câu thơ ba và bốn đã tạo nên cấu trúc điệp vòng ma bao túc bao túc ma hoàn. Cấu trúc này có tác dụng rất lớn trong việc diễn tả được vòng quay của chiếc cối xay và đồng thời cũng diễn tả được nhịp điệu lao động hăng say, khỏe khoắn của con người.

Đặc biệt, khi cảm nhận bài thơ Chiều tối, ta thấy từ hồng cuối bài đã hiện diện như một nhãn tự làm bừng sáng cả bài thơ. Nó góp phần xua đi cái lạnh lẽo của núi rừng và sưởi ấm người chiến sĩ. Giữa không gian núi rừng chiều tối u ám, heo hút, hình ảnh con người lao động tuy vất vả mà tự do đã mang lại chút niềm vui và hạnh phúc cho người tù chuyển lao.

Chấm lửa đỏ rực lên nơi lò than đã làm nên thần sắc cho toàn cảnh nếu ví bài thơ là một bức tranh. Bức tranh vốn đẹp vì có hình ảnh thiên nhiên, nay càng lại được tô điểm thêm bởi cuộc sống lao động của con người. Có lẽ, để hòa nhịp và có thể vui niềm vui cùng với người lao động như Bác thể hiện thì đó phải là một tâm hồn thật sự nghệ sĩ.

Bởi trong hoàn cảnh xiềng xích trói buộc tự do, con người ta khó lòng có thể tìm vui trong cảnh vật thế nhưng Bác đã làm được điều đó và làm thật cảm động. Khi cảm nhận bài thơ Chiều tối, ta cũng nhận thấy dù cảnh tù đày khổ sở nhưng dường như Bác vẫn dành sự quan tâm tới con người. Không những thế, Bác còn cho thấy một tinh thần cách mạng tích cực: luôn rực lên sắc hồng tha thiết, tin yêu vào cuộc sống.

Đánh giá tác phẩm khi cảm nhận bài thơ Chiều tối​

Một cách khái quát, khi cảm nhận bài thơ Chiều tối, ta thấy Bác đã rất thành công khi phác họa được bức tranh tuyệt đẹp giữa thiên nhiên và con người. Qua đó, ta có thể thấy ở Người những nét đẹp tâm hồn cao quý của một nghệ sĩ nhân đạo. Đó là tình yêu thiên nhiên tha thiết và sự trân trọng giá trị con người. Đồng thời ở nhà thơ ấy còn toát lên tinh thần thép của người chiến sĩ: đương đầu với khó khăn, thử thách bằng phong thái ung dung, tự tại và đầy lạc quan, tin tưởng.

Tất cả những nội dung này đã được Bác thể hiện thành công nhờ sự kết hợp hài hòa giữa chất cổ điển và hiện đại cùng với hệ thống từ ngữ cô đọng, hàm súc, thủ pháp đối lập có sự vận dụng tinh tế và đặc biệt là phát huy vai trò của phép điệp liên hoàn.

Kết bài: Cảm nhận bài thơ Chiều tối, người đọc thấy được thi phẩm là sự kết hợp tuyệt mĩ không chỉ là dựa trên nội dung và nghệ thuật mà Bác thể hiện trên bề mặt câu chữ mà nó còn là minh chứng rõ rệt nhất cho tinh thần, ý chí tuyệt vời của Hồ Chí Minh. Những vần thơ hướng về ánh sáng cũng chính là tâm hồn lạc quan của Người.

Các bài viết liên quan tới bài học Chiều tối:
Tìm hiểu và phân tích Chiều tối hay nhất
10 mở bài hay nhất về bài thơ "Chiều tối" - Hồ Chí Minh

Chất "thép" và chất "tình" trong bài thơ "Chiều tối" của Hồ Chí Minh
 
Từ khóa
cảm nhận bài thơ chiều tối cảm nhận chi tiết bài thơ chiều tối cánh chim cô đơn lạc lõng giữa không trung giới thiệu về tác giả hồ chí minh những nét chính về tác giả hồ chí minh tác phẩm chiều tối thiên nhiên và con người trong chiều tối đánh giá tác phẩm khi cảm nhận bài thơ chiều tối đôi nét bài thơ chiều tối
  • Like
Reactions: Vanhoctre
600
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top