Ở bất cứ một trạm dừng chân nào đó trong hành trình chinh phục cuộc đời, ta cũng sẽ bắt gặp những phận người, những kí ức, hoài niệm, tình cảm và tuổi thơ. Ai mà biết rằng bên ngoài dáng vẻ bình yên của làng quê thơm mùi rạ ấy là những mảnh đời đang cố gắng gồng gánh, sống và cho đi, lặng lẽ và luôn mong cầu hạnh phúc. Họ có những tâm tư, những suy nghĩ và hiển nhiên ai trong họ cũng có một khoảng trời của riêng mình.
Dường như cả sự vật cũng thấu hiểu nỗi vất vả ấy của họ. Rặng tre cuối làng cao vút, nó cũng sẽ cao mãi, cao mãi, nó lớn lên bằng những câu chuyện, những giọt mồ hôi đổ xuống của các bác, các ông, các cô đi làm đồng trưa về. Giếng nước trong trẻo, mát lành như cách nó thể hiện sự quan tâm dành cho những bóng dáng gầy gò mang vác những gánh hàng xa. Và trước ngõ nhỏ nhà tôi, cây vú sữa già cằn cõi nhưng bao giờ cũng cho những quả thơm ngon, ngọt ngào như tình cảm của người dân đối với nhau trong cái cơ cực của cuộc sống này vậy.
Đó là cây vú sữa mà chính tay mẹ tôi đã trồng vào cái ngày biết có mang tôi. Hạt mầm gieo xuống đất, bám chặt và lớn lên bằng tình yêu và sự săn sóc của mẹ.
Năm tôi lên năm, tâm hồn ngây thơ và khờ dại, cây vú sữa là người bạn cùng chơi trò leo trèo, là người anh đỡ đứa em trên vai để ngắm nhìn phía xa xa nơi mặt trời đang dần khuất bóng, là người cha âm thầm ngồi cạnh cô con gái nhỏ sau những trận đòn roi. Con người và ngôi làng nhỏ này trong mắt đứa trẻ thơ ấy sao mà kì lạ và yên ả đến thế, có tiếng khóc mất mùa sợ đói, có tiếng khóc trở trời ốm đau, có tiếng khóc đi chơi về trễ bị la mắng cũng có tiếng cười được thứ bánh ngon, có tiếng cười bắt được mớ tép và có tiếng cười được đôi giày mới toanh.
Năm tôi lên mười hai, cô gái nhỏ bắt đầu có những mộng mơ và cảm xúc, cây vú sữa là người bạn sẻ chia, là người chị đung đưa cành lá ôm ấp cô em gái mình sau những lần bị điểm kém, là người bạn trai bẻn lẻn trao cho những quả ngọt đầu mùa. Người ta thường nói con gái thì hay trưởng thành sớm hơn con trai, có lẽ vì vậy mà trong cái nhìn của tôi, mọi thứ xung quanh man mác đượm buồn. Tôi hiểu cái kì lạ của quê mình ngày thơ ấu đó, hiểu cái khổ, cái khóc, cái cười của con người quê mình và bắt đầu hiểu về mẹ tôi.
Năm tôi lên mười sáu, dần ra dáng thiếu nữ, cây vú sữa là món quà của tình yêu, hi vọng, quan tâm và vỗ về của mẹ. Thì ra là thế, đi qua hết những năm tháng của tuổi ấu thơ, bắt đầu biết suy nghĩ và nhớ thương, tôi mới hiểu người đồng hành với mình là mẹ. Những tháng ngày tập lớn lên ấy của tôi, mẹ là người sẻ chia và ôm ấp như cái cách mà một người bạn, một người anh, một người chị có thể làm. Phải chăng khi yêu thương đủ lớn, tâm hồn con người sẽ hòa quyện làm một, thấu hiểu và xoa dịu, dạy ta cách lớn lên ?
“Hãy ngắm nhìn những điều đơn giản luôn bên cạnh bạn, bạn sẽ hiểu tình yêu là gì.” Tôi đã bắt đầu ngắm thật lâu, thật kĩ càng cây vú sữa đã bên tôi nhiều năm như thế. Chiếc lá vú sữa thật đặc biệt, mặt trên lá màu xanh, mặt dưới lại úa vàng. Xanh như mẹ tôi, qua bao năm cuộc đời vẫn trẻ đẹp như ngày xưa, như ngày còn thiếu nữ. Nhưng mặt dưới lại úa vàng, mẹ tôi cũng thế. Có phải úa vì chịu vất vả quá nhiều để bờ vai ngày một gầy, đôi bàn tay, bàn chân ngày một thô ráp, đầy gân? Hay úa vì trong lòng có nỗi buồn rồi khóc thầm, khóc thầm vì nhiều lần con không nghe lời mẹ, khóc thầm vì nhiều lần con phạm phải sai lầm chăng ?
Cành cây khẳng khiu để tôi leo lên như đôi vai mẹ đỡ con nhìn ngắm vạn vật. Cành lá đung đưa phe phẩy như đôi tay mẹ ôm ấp con những lúc trời lạnh giá. Hoa vú sữa thơm dịu dàng, đẹp mộc mạc như mẹ. Quả vú sữa tròn trịa, căng bóng, cắt đôi quả ra, mùi thơi ngào ngạt. Một dòng sữa trắng chảy, ngọt ngào, ấm áp như dòng sữa mẹ ngày bé tôi thường hay bú mớm.
Những điều đơn giản mà vô giá không tìm thấy ở đâu được, chỉ tìm thấy ở vùng quê nghèo, trong căn nhà nhỏ ngập tràn tình yêu. Sống vất vả từ lúc còn bé, dành dụm thanh xuân để vun vén gia đình, gom góp tình yêu để trao cho đứa con gái nhỏ, mẹ cảm thấy cuộc đời thế là đủ và hạnh phúc. Mẹ tôi yêu hoa, là loài hoa hồng thơm ngát nhưng gai góc. Có lẽ đó là hương thơm của tấm lòng, là gai góc của những năm tháng vất vả hình thành để bảo vệ gia đình nhỏ thân yêu. Có lần mẹ bảo “ Mẹ ước mai mốt mẹ chết, quanh mộ mẹ có đầy hoa hồng”. Nghe mà lòng tôi quặn thắt từng cơn. Bởi lẽ người ta thường nói mơ sao cho gọi là mơ, xa xỉ và lớn lao. Ấy vậy mà mẹ tôi chỉ mơ một điều giản dị. Có lẽ khi cái khổ đã ám ảnh con người, những điều bình thường như thế cũng hóa giấc mơ.
Bóng mẹ dịu dàng che chở con, nhưng nó cũng gầy gò hơn trên những mảnh đất cày đứng bóng. Mẹ mang trong người hơi thở của ruộng đồng, của mùi rạ, của những câu chuyện than thở, của những dáng người nhỏ bé mưu sinh nơi làng quê này. Chắc hẳn vì vậy nên đã có lúc, tôi thấy quê hương mình thật kì lạ; đã có lúc, tôi thấy quê hương mình dễ hiểu và thân thương đến thế. Mẹ thắp lên ánh sáng để đôi mắt hồn nhiên của tôi nhìn ngắm thế giới và trong tâm hồn ngây dại này, tôi bắt đầu hiểu cuộc sống là gì. Hóa ra cuộc sống là thế, là hành trình dài hạn mà con người phải bộ hành để tìm ra giá trị của chính mình, để tìm ra một nơi thân yêu luôn chờ đợi ta trở về.
Nếu mai này phải xa rời làng quê, tạm biệt cây vú sữa, mẹ và những kí ức tuổi ấu thơ, chắc hẳn tôi sẽ nhớ lắm. Nhớ một ánh nắng chiều buồn hiu hắt, nhớ từng đàn chim vội vã bay về tổ, nhớ tiếng chạy gấp gáp của những đứa con sợ trễ một bữa cơm chiều. Lúc đó, tôi sẽ thấm thía biết bao hai chữ nhớ mẹ, nhớ quê.
Tác giả : Kim Tuyến
Bài dự thi viết chủ đề Nhà 2021
Dường như cả sự vật cũng thấu hiểu nỗi vất vả ấy của họ. Rặng tre cuối làng cao vút, nó cũng sẽ cao mãi, cao mãi, nó lớn lên bằng những câu chuyện, những giọt mồ hôi đổ xuống của các bác, các ông, các cô đi làm đồng trưa về. Giếng nước trong trẻo, mát lành như cách nó thể hiện sự quan tâm dành cho những bóng dáng gầy gò mang vác những gánh hàng xa. Và trước ngõ nhỏ nhà tôi, cây vú sữa già cằn cõi nhưng bao giờ cũng cho những quả thơm ngon, ngọt ngào như tình cảm của người dân đối với nhau trong cái cơ cực của cuộc sống này vậy.
Đó là cây vú sữa mà chính tay mẹ tôi đã trồng vào cái ngày biết có mang tôi. Hạt mầm gieo xuống đất, bám chặt và lớn lên bằng tình yêu và sự săn sóc của mẹ.
Năm tôi lên năm, tâm hồn ngây thơ và khờ dại, cây vú sữa là người bạn cùng chơi trò leo trèo, là người anh đỡ đứa em trên vai để ngắm nhìn phía xa xa nơi mặt trời đang dần khuất bóng, là người cha âm thầm ngồi cạnh cô con gái nhỏ sau những trận đòn roi. Con người và ngôi làng nhỏ này trong mắt đứa trẻ thơ ấy sao mà kì lạ và yên ả đến thế, có tiếng khóc mất mùa sợ đói, có tiếng khóc trở trời ốm đau, có tiếng khóc đi chơi về trễ bị la mắng cũng có tiếng cười được thứ bánh ngon, có tiếng cười bắt được mớ tép và có tiếng cười được đôi giày mới toanh.
Năm tôi lên mười hai, cô gái nhỏ bắt đầu có những mộng mơ và cảm xúc, cây vú sữa là người bạn sẻ chia, là người chị đung đưa cành lá ôm ấp cô em gái mình sau những lần bị điểm kém, là người bạn trai bẻn lẻn trao cho những quả ngọt đầu mùa. Người ta thường nói con gái thì hay trưởng thành sớm hơn con trai, có lẽ vì vậy mà trong cái nhìn của tôi, mọi thứ xung quanh man mác đượm buồn. Tôi hiểu cái kì lạ của quê mình ngày thơ ấu đó, hiểu cái khổ, cái khóc, cái cười của con người quê mình và bắt đầu hiểu về mẹ tôi.
Năm tôi lên mười sáu, dần ra dáng thiếu nữ, cây vú sữa là món quà của tình yêu, hi vọng, quan tâm và vỗ về của mẹ. Thì ra là thế, đi qua hết những năm tháng của tuổi ấu thơ, bắt đầu biết suy nghĩ và nhớ thương, tôi mới hiểu người đồng hành với mình là mẹ. Những tháng ngày tập lớn lên ấy của tôi, mẹ là người sẻ chia và ôm ấp như cái cách mà một người bạn, một người anh, một người chị có thể làm. Phải chăng khi yêu thương đủ lớn, tâm hồn con người sẽ hòa quyện làm một, thấu hiểu và xoa dịu, dạy ta cách lớn lên ?
“Hãy ngắm nhìn những điều đơn giản luôn bên cạnh bạn, bạn sẽ hiểu tình yêu là gì.” Tôi đã bắt đầu ngắm thật lâu, thật kĩ càng cây vú sữa đã bên tôi nhiều năm như thế. Chiếc lá vú sữa thật đặc biệt, mặt trên lá màu xanh, mặt dưới lại úa vàng. Xanh như mẹ tôi, qua bao năm cuộc đời vẫn trẻ đẹp như ngày xưa, như ngày còn thiếu nữ. Nhưng mặt dưới lại úa vàng, mẹ tôi cũng thế. Có phải úa vì chịu vất vả quá nhiều để bờ vai ngày một gầy, đôi bàn tay, bàn chân ngày một thô ráp, đầy gân? Hay úa vì trong lòng có nỗi buồn rồi khóc thầm, khóc thầm vì nhiều lần con không nghe lời mẹ, khóc thầm vì nhiều lần con phạm phải sai lầm chăng ?
Cành cây khẳng khiu để tôi leo lên như đôi vai mẹ đỡ con nhìn ngắm vạn vật. Cành lá đung đưa phe phẩy như đôi tay mẹ ôm ấp con những lúc trời lạnh giá. Hoa vú sữa thơm dịu dàng, đẹp mộc mạc như mẹ. Quả vú sữa tròn trịa, căng bóng, cắt đôi quả ra, mùi thơi ngào ngạt. Một dòng sữa trắng chảy, ngọt ngào, ấm áp như dòng sữa mẹ ngày bé tôi thường hay bú mớm.
Những điều đơn giản mà vô giá không tìm thấy ở đâu được, chỉ tìm thấy ở vùng quê nghèo, trong căn nhà nhỏ ngập tràn tình yêu. Sống vất vả từ lúc còn bé, dành dụm thanh xuân để vun vén gia đình, gom góp tình yêu để trao cho đứa con gái nhỏ, mẹ cảm thấy cuộc đời thế là đủ và hạnh phúc. Mẹ tôi yêu hoa, là loài hoa hồng thơm ngát nhưng gai góc. Có lẽ đó là hương thơm của tấm lòng, là gai góc của những năm tháng vất vả hình thành để bảo vệ gia đình nhỏ thân yêu. Có lần mẹ bảo “ Mẹ ước mai mốt mẹ chết, quanh mộ mẹ có đầy hoa hồng”. Nghe mà lòng tôi quặn thắt từng cơn. Bởi lẽ người ta thường nói mơ sao cho gọi là mơ, xa xỉ và lớn lao. Ấy vậy mà mẹ tôi chỉ mơ một điều giản dị. Có lẽ khi cái khổ đã ám ảnh con người, những điều bình thường như thế cũng hóa giấc mơ.
Bóng mẹ dịu dàng che chở con, nhưng nó cũng gầy gò hơn trên những mảnh đất cày đứng bóng. Mẹ mang trong người hơi thở của ruộng đồng, của mùi rạ, của những câu chuyện than thở, của những dáng người nhỏ bé mưu sinh nơi làng quê này. Chắc hẳn vì vậy nên đã có lúc, tôi thấy quê hương mình thật kì lạ; đã có lúc, tôi thấy quê hương mình dễ hiểu và thân thương đến thế. Mẹ thắp lên ánh sáng để đôi mắt hồn nhiên của tôi nhìn ngắm thế giới và trong tâm hồn ngây dại này, tôi bắt đầu hiểu cuộc sống là gì. Hóa ra cuộc sống là thế, là hành trình dài hạn mà con người phải bộ hành để tìm ra giá trị của chính mình, để tìm ra một nơi thân yêu luôn chờ đợi ta trở về.
Nếu mai này phải xa rời làng quê, tạm biệt cây vú sữa, mẹ và những kí ức tuổi ấu thơ, chắc hẳn tôi sẽ nhớ lắm. Nhớ một ánh nắng chiều buồn hiu hắt, nhớ từng đàn chim vội vã bay về tổ, nhớ tiếng chạy gấp gáp của những đứa con sợ trễ một bữa cơm chiều. Lúc đó, tôi sẽ thấm thía biết bao hai chữ nhớ mẹ, nhớ quê.
Tác giả : Kim Tuyến
Bài dự thi viết chủ đề Nhà 2021