Đôi kiếp

Đôi kiếp

Sau bữa trà dư, tửu hậu, lão Cả Ngớn nói như biết rồi.

- Này ông giáo, tôi hỏi khí không phải, thằng con tôi nó nói, kim loại không tan được trong Acid sulfuric ông hè?

Máu ông thầy nổi lên, ông đứng phắt dậy đáp trả.

- Làm gì có chuyện đó, tôi đã đi dạy mấy mươi năm.

- Thế mà có đó ông giáo ạ. Thế tôi hỏi ông nhé, vàng có phải kim loại không? Thế ông thử bỏ chỉ vàng vào trong lọ Acid sulfuric xem nó có ăn mòn không?

Lão phá lên cười, mặc cho ông giáo ngây người, ngờ ngợ.

- Chắn chắn rồi ông giáo ạ. Nếu thằng con ông mà bỏ vào, ông sẽ không ngần ngại thò tay vào mà lấy nó ra ngay. Vậy tôi hỏi ông, nó có kịp ăn mòn không!

Lão cười hềnh hệch, ra điều rất khoái chí. Ông giáo im bặt, ngây người bần thần với câu hỏi lố. Ông lại có thêm bài học về cuộc đời mà ông học mãi mấy mươi năm nay chưa thuộc.

Nhà lão cách nhà ông giáo vài con ngõ, mỗi lần nhà có khách, y như rằng lão mời bằng được ông sang dự. Chắc lão muốn chút cho có học, điều mà lão ao ước được người đời nhìn nhận và ngưỡng mộ khi quảng giao để khoe mẽ và đánh bóng bản thân. Chắc lão muốn bổ sung thêm nguồn sưu tập mà cuộc đời lão đang thiếu, cái mà lão đang khao khát, khi cả cuộc đời lão không có được.

Quê lão ven bờ sông Lam, trải dài đồng lúa mênh mông và những đồng cỏ êm đềm. Mẹ lão đẹp nổi tiếng trong vùng, gương mặt tròn trịa, ấm áp như nắng mai, ánh mắt trong veo như làn sương sớm mơ màng, khiến lòng người chìm đắm trong sự dịu dàng và thuần khiết. Tóc dài, óng ả như một dòng suối trong làn gió mơn man. Những sợi tóc mềm mại lay động, nụ cười tươi rạng ngời trên môi. Đôi má hồng hào rực rỡ, như những cánh đào đang nở rộ giữa vùng quê yên bình.

Ngày ấy, nhóm kỹ sư trẻ về vùng quê ven dòng Lam khảo sát xây cầu. Ông ta bước đi qua đời mẹ lão như một cơn gió mát lành vào ngày hè oi ả. Họ ăn ở cùng dân xóm tôi, nương tựa vào xóm làng trong sự ngóng chờ làm thay đổi vùng quê nghèo, ngóng chờ những cây cầu nối những bờ vui. Cái gì đến rồi sẽ đến, như qui luật muôn đời của vạn vật.

Chiều hoàng hôn, bên dòng Lam êm đềm như điệu nhạc hòa quyện giữa hai trái tim. Tình yêu trỗi dậy như một bông hoa khẽ khàng nở trong tim hai người. Họ bắt đầu hòa mình vào những khoảnh khắc ngọt ngào, tạo nên những kỷ niệm đẹp đẽ giữa đồng cỏ và những khóm bụi hoang sơ. Ông đã gieo mầm niềm tin và hy vọng. Những cánh đồng lúa vẫn tiếp tục mùa màng, và dòng sông vẫn trôi qua, trái tim họ hoà quyện cùng nhau, thành vũ điệu mãnh liệt, đầy hạnh phúc.

Khi hình hài lão đang hình thành, cũng là lúc mẹ lão cuốn vào vòng xoáy của sự dối lừa và lòng ham muốn. Sự phản bội đã gieo rắc hỗn loạn và đau khổ. Bà bị tổn thương với niềm tin và tình yêu bị đánh mất, cảm xúc hận thù và oan trái dần trỗi dậy. Đàn ông hình như không bao giờ xứng đáng với tình yêu sâu sắc, duy nhất mà đàn bà dành cho họ, bởi bản chất họ là kẻ săn mồi. Không một người thợ săn nào mà cả đời chỉ tập trung vào một con mồi, cho dù có hấp dẫn đến đâu. Phải chăng qui luật muôn đời vẫn thế, hồng nhan thì bạc phận.

Trong bóng tối của của cuộc đời, lão vụt xuất hiện từ những kẽ hở của thế giới. Chưa từng biết đến tình yêu và sự chăm sóc, bước chân đầu tiên của lão đặt lên mặt đất, đón nhận một thế giới khắc nghiệt, không khoan dung. Lão trở thành một người lạc hướng, không có nơi nương tựa, lang thang giữa những con phố cô độc và hư hỏng. Mắt lão lúc nào cũng tràn đầy nỗi buồn và thất vọng. Trong suốt quãng đời còn lại, lão đối mặt với cảnh thị phi, bụi bặm và bất công. Ngày đường phố, đêm gầm cầu, lão chịu đựng những cơn đói khát cùng cực với cái lạnh căm căm khi màn đêm buông xuống. Nhung nhớ của sự yêu thương và bảo vệ từ những vòng tay ấm áp đáng yêu không bao giờ đến. Lão mang trên mình những vết thương tâm hồn khó có thể lành lại.

Trong đám giang hồ mà lão từng sống, từng chung đụng, lão tỏ ra ngang tàng, anh chị. Một đứa trong nhóm buộc miệng gọi lão là Cả Ngớn. Với đầu óc tăm tối, lão chỉ hiểu rằng, cả là đầu, là lớn. Ngớn chắc lão hiểu, mọi người ngớn lão, xã lánh lão. Chắc cũng một phần lão ngớn cả với chính mình. Chẳng hiểu gì sất, nhưng lão thấy vui vui, vì ít ra lão cũng có cái tên và cả tên lót nữa.

Rít hơi thuốc lào dài đến tận cổ, lão ho sằng sặc. Vợ lão vội lao ra, chẳng thèm nhìn lão, hắng giọng.

- Khổ quá, nói mãi. Ông hút cho lắm vào rồi lại làm khổ tôi.

Quay qua, cựa cựa cái cổ mà dường như chẳng còn chỗ cho cái ngấn nào, không thấy ông giáo đâu, hất giọng.

- Ông giáo về rồi à. Tội thân ông, hôm qua mình đi vắng, vợ lão sang nói khó, xin vay ít tiền gửi cho thằng con học đại học, đại hiếc gì đó tận Sài Gòn. Thật khổ, đã nghèo lại còn sĩ.

Lão vuốt vuốt chòm râu dài như gang tay bên nút ruồi to tổ bố dưới cằm, gật gật đầu, vẻ đắc ý.

Vợ lão cao giọng, nói như đầy hiểu biết.

- Tôi nghe mấy bà ngoài chợ kháo nhau, cái gì gì mà khôn quá cũng chết, dại quá cũng chết. Như cái thằng Dương Tu nào đó trong truyện Tam quốc, khôn quá nhìn thấu tâm can thằng Tào Tháo, nó đành phải giết. Ngu quá không nói làm gì. Chỉ có thằng Tư Mã biết là sống. Không hiểu ông giáo thuộc loại nào. Rõ khổ.

Nói xong, vợ lão loẹt quẹt bước vào, ra vẻ đắc ý như vừa sáng tạo ra câu châm ngôn cao quí.

Vợ lão, người đàn bà thứ hai trong cuộc đời lão. Bà bước vào cuộc sống của lão khi lão đang rơi vào những thời điểm buồn rầu và thất vọng nhất. Người đàn bà cộc cằn, tính khí thất thường, hay bốc đồng nhưng tháo vát. Gương mặt mang nét trầm lặng và biểu lộ sự chịu đựng của thời gian. Những nếp nhăn hằn sâu trên trán như gánh nặng của cuộc sống đã từng đè nặng lên vai bà.

Tiếng bình bịch ngoài cổng, con gái lão về. Tóc xanh pha đỏ tứ bề. Chiếc áo croptop quá ngắn, để lộ phần bụng thô tục. Váy cũn cỡn bó sát cơ thể, tạo sự tương phản với hình hài không đối xứng.

Lão nhìn hắt ra, buông câu hững hờ.

- Lo mà ăn chơi, đàn đúm. Cứ tụ tập ăn chơi rồi có ngày. Cứt nát mà đòi có chóp.

Cô con gái ra điều hiểu biết, nói giọng đầy triết lí.

- Ông bô lạc hậu quá rồi. Chuẩn của thời nay nó phải thế.

Mặt lão sần sần, gân cổ trồi lên, nói cứng.

- Mày vừa vừa phải phải thôi, không bụng lại cưỡng lên đó.

Nó cười hề hề, mặt câng câng như thách thức.

- Thế cả thôi mà ông bô. Làm đĩ với một người hay với nhiều người cũng có khác gì nhau đâu. Chính chuyên mà làm gì, mệt với ông quá.

Lão im lặng, dường như những lời này diễn ra hàng ngày. Với con gái lão, nó có một cái gì đó gọi là gia đình, khác lão, không khốn khó và bất hạnh như lão ngày xưa, thế là đủ. Lão nín nhịn, vì ngày mai giỗ mẹ nó.

Mẹ nó cũng là thành viên trong nhóm giang hồ tứ chiếng, mất sau một lần chỉ huy đám đàn em đi đòi nợ thuê. Trái tim lão thi thoảng vẫn rung lên, đau đáu mỗi khi nhìn lại ký ức đen tối ấy. Tay ôm lồng ngực, từ sâu thắm lão nhận biết tim mình đang còn đôi chút máu màu đỏ.

Thằng con đầu học dở trung học, theo đám bạn bè ăn chơi lêu lổng, bỏ nhà đi biệt tăm, biệt tích. Một thời gian sau, lão nghe tin nó chạy trốn qua Camphuchia làm bồi trong sòng bạc vùng sát biên giới Tây nam. Ngày mẹ nó mất, thay vì đối mặt với trách nhiệm và chăm sóc gia đình, nó gửi tiền về với lời nhắn cộc lốc: “Con cúng mẹ”. Lão buồn lắm, lặng lẽ một mình trong căn phòng tối, ánh đèn mờ ảo phản chiếu lên khuôn mặt già mua. Ánh mắt bi thương tràn đầy trong đôi mắt mờ mịt, như thể chứa đựng cả một biển nước mặn đắng của nỗi buồn và thất vọng. Những gợn sóng của nỗi đau chạy qua tâm trí lão, như xé nát tâm hồn. Lão chỉ còn biết tự trách mình, lão không còn đủ sức lực và thời gian để kéo các con trở về. Ngày ấy người ta bỏ rơi lão, bây giờ lại một lần nữa lão tự bỏ rơi chính mình, tim lão thắt lại. Nỗi buồn như một cơn bão dữ dội tàn phá tâm hồn lão, để lại trong lão một cái hố sâu không đáy.



Chuông điện thoại reo, ông giáo lẳng lặng cầm máy, tiếng thằng thứ hai gọi về.

- Bố ơi, nhà trường thu học phí, đã quá hạn gần tháng rồi. Nơi con làm thêm dịch dã nên đã đóng cửa. Với lại, tiền ăn tháng này bố chưa gửi …

Ông giáo bần thần, lặng lẽ cúp máy sau mấy lời hỏi thăm sức khoẻ và cuộc sống của con. Ông ngồi lặng lẽ, bên giá sách cao ngút đầu, tay bó gối, nhìn chằm chằm như vô định. Gánh nặng cuộc đời, sự chênh lệch xã hội ập đến từ mọi phía. Gia đình ông phải đấu tranh để kiếm sống và duy trì một cuộc sống bình thường, trong khi mức lương không xứng với công sức và đóng góp trong việc giáo dục và nuôi dưỡng tương lai cho xã hội. Với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, việc chi trả hóa đơn cho mua sắm hàng ngày và nuôi dưỡng gia đình trở nên cực kỳ khó khăn và căng thẳng trong một xã hội chịu sự đổi mới và biến đổi nhanh chóng, gia đình ông như bị tụt lại phía sau và gặp khó khăn để thích nghi với những thay đổi.

Con gái đầu theo ngành sư phạm, ra trường dạy tít trên miền núi đã được mấy năm nay. Cũng có đôi lần người bạn cũ làm to trên tỉnh, ngỏ ý xin cho nó về gần nhà. Nhưng sự đời đâu có dễ, lận đận mãi mà việc vẫn không thành. Đành rằng gia đình ông không có tiền, nhưng tính sĩ diện đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Người biết thì cảm thông, người ghét thì thêm vào, hàng xóm có đôi người gọi ông là gàn dở.

Kỳ nghỉ hè này, nó về thăm nhà, tay xách, nách mang cả một đống quà đựng trong mấy bì tải, nào là mít, măng khô, sung muối. Nó hí hửng bảo thầm tự tay nó làm, có phần mà gửi biếu mấy bác hàng xóm. Ông giáo lắc đầu, nhìn nó mà ứa nước mắt. Bà giáo ôm lấy con, sờ nắn, luôn miệng nhắc nó gầy đi và xanh lắm.

Sau bữa cơm chiều, dưới ảnh trăng bàng bạc, bên cái chõng tre ngoài sân, nó tíu tít kể bố nghe về chuyện đời, chuyện người, chuyện cơ quan nó. Đã mấy mươi năm trong nghề, những chuyện đó làm ông ngán lên tận cổ, nhưng thầy nó vui vui, ông cố tỏ ra hào hứng.

- Bố à, giáo dục khó thật đấy bố nhỉ? Thằng học trò lớp con chủ nhiệm, nó nói cô dạy nhặt được của rơi, tìm người trả lại, nó làm đúng như lời cô dạy. Thế mà về bố nó chửi: Sao mày ngu thế con. Ra xã hội, bạn bè nó nói thằng gàn dở.

Ông giáo lặng người. Nó cao hứng, hồ hởi kể tiếp:

- Ngày xưa, con nhà giàu, con nhà làm quan, con thầy giáo mới được nâng điểm trong học tập, con nhà nghèo, yếu thế thì không. Bây giờ tất cả đều được nâng. Vì sao bố biết không? Vì thành tích cả đó bố ạ! Đôi khi bố mẹ nó có chạy chọt, quan tâm đến vấn đề đó đâu. Tự nhà trường đẩy và nâng nó lên đấy chứ. Bệnh thành tích mà, hay bố nhỉ!

Ông giáo tay mâm mê chén trà nóng, hắng giọng.

- Giáo dục chúng ta thay đổi nhiều quá. Phải chăng chúng ta đang lạc hậu. Bố nghĩ chúng ta đang lạc đường thì đúng hơn.

Nó ôm cổ ông giáo, gặng hỏi vẻ lo lắng.

- Thế là sao hả bố? Vậy theo bố thì phải làm sao?

- Muốn khỏi lạc đường, trước hết chúng ta phải lạc hậu. Dù sao lạc hậu có xuất phát điểm thấp, nhưng cũng đang đi đúng đường. Nếu ví xã hội như trận bóng, thì giáo dục chỉ nên là hậu vệ, đừng nên là tiền đạo, nhô lên cao quá. Bảo thủ một chút, nhưng nó ổn định con ạ.

Cả đời ông đau đáu với cái nghề làm dâu trăm họ, làm thế nào để đáp ứng mong đợi lớn lao của xã hội và gia đình, đối mặt với áp lực và kỳ vọng tạo cho ông sự căng thẳng, mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Nhà giáo thường không nhận được đủ sự công nhận và đánh giá xứng đáng cho công việc của mình. Dù đã cống hiến công sức và nỗ lực, thu nhập và địa vị xã hội của giáo viên thường không tương xứng. Điều này có thể dẫn đến cảm giác thiếu động lực và đánh mất niềm đam mê trong việc giảng dạy, nhất là thế hệ trẻ, mới vào nghề.

Trăng nhô lên cao quá đỉnh đầu, ông giáo trở mình ho rũ rượi bởi căn bệnh hen suyễn kinh niên chữa mãi không lành. Con gái ông nán lại, đứng ngẩn ngơ nhìn theo những tia sáng mờ ảo trên bầu trời đêm. Đôi mắt âu lo chứa đựng sự hoài niệm và trăn trở về tương lai.

Ánh trăng chênh chếnh phía cuối con đồi phía xa xa, ông trằn trọc nghỉ về chuyện đời, chuyện nhà, thi thoảng lại thở dài thườn thượt. Nằm bên, bà giáo nắm lấy tay ông, nói rất khẽ.

- Hay ông mai sang nói khó với gia đình lão Cả Ngớn lấy một câu, còn có mà kịp gửi cho thằng bé. Cuối tháng có lương sẽ trả. Tội thân thằng bé, vừa đi học, vừa đi làm thêm phụ giúp gia đình. Khổ nỗi, mấy tháng nay lại dịch dã …

Ông giáo trầm ngâm, lưỡng lự, nghe chừng cũng xuôi xuôi. Ông cũng muốn rất đời, rất người, nhưng tính khí ông sĩ diện, cái nghiệp mấy mươi năm trong nghề nó quật. Ông mắt nhằm, mắt mở, thì thầm nho nhỏ như tự nói với chính mình: “ Thôi, đành vậy!”.



Mặt trời nhô lên quá gang tay trên ngọn núi xa xa, chuông điện thoại rung lên. Đầu dây bên kia, lão Cả Ngớn réo rắt.

- Dậy thôi ông giáo ơi, tôi sang chở đi ăn sáng nhé. Nhanh lên chút, bà và cháu nhà tôi đang đợi, hôm nay có quán mới khai trương ngon lắm. À, mà này, trưa nay giỗ mẹ các cháu, ông bà giáo sang uống với gia đình tôi chén rượu. Nhớ sang đấy ông giáo nhé.

Ông giáo bần thần, miệng lẩm bẩm: Trưa nay lại chi thêm một khoản …




 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
435
4
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.