Nhà  Đồng quê

Tiểu Mai
Tiểu Mai
  • Thành Viên 35 đến từ Hà Nội
Cái cảm giác rơm quấn quanh cổ chân làm cho con người ta dù đi nơi đâu, cũng khó lòng mà dứt hết cái nhung nhớ quê nhà. Lại thấy mình bé lũn chũn, giữa trưa hè, đi chân trần quấn đầy rơm phơi trên đường làng.

5735

(Tranh của họa sĩ Trần Công Nguyên)

Nhớ những buổi tan học cùng bạn bè đi về trên con đường gạch cũ kĩ phủ rơm, vừa đi vừa tránh những xe thồ đầy lúa, nghe đài phát thanh xã hát bài “Hát về cây lúa hôm nay”. Những buổi nghỉ học ở nhà phụ ông bà gảy rơm, phơi thóc, bà dạy mình tết đủ các con thú bằng rơm. Ông dạy mình “đi thóc” bằng chân, đều tăm tắp.

Tết Trung Thu cũng thường vào vụ gặt, nhớ những đêm Rằm tháng Tám thắp cây nến nhỏ trong những chiếc vỏ hộp xà phòng Daso xanh đỏ làm đèn lồng. Cả lũ trẻ con trong xóm xách bao nhiêu chiếc đèn lồng như thế, đường làng sáng như ban ngày, chúng mình chơi trốn tìm, cười vang cả sân kho, nơi ánh trăng phết mật lên những đống rơm.

Nhớ những bữa cơm mình nấu mỗi buổi chiều. Đun bếp bằng rơm lúa mới thì thơm lắm, tuy khói cay xè hai mắt nhưng má lại hồng lừ, tự nghĩ chắc trông mình đáng yêu kinh khủng. Nhất là đun rơm nếp thì còn hay nữa, những hạt thóc nếp còn sót lại đầu bông lúa khi cho vào bếp lửa sẽ nở bung thành những hạt bỏng trắng xinh. Sau khi nấu cơm xong lại nhặt được những bông hoa trắng ấy từ tro bếp đen thui, phủi qua là ăn ngon lành, nghe thơm thơm, bùi bùi, ngọt ngọt.

5737

(Tranh của họa sĩ Trần Công Nguyên)

Nhớ những vụ trồng đậu tương, chị em mình ngồi lê trên mặt ruộng khô, tra từng hạt vào hốc, xem bố nặn cái tẩu hút thuốc bằng đất và cọng rơm, xem những đàn cò trắng sà xuống những mảnh ruộng không người. Nhớ mùi khói rơm rạ nhà ai đốt đống rấm để lấy tro bón đậu tương. Nhớ cái lòng đỏ trứng gà cuối chân trời mịt mờ sương khói. Nhớ con đường đất êm ái bên con mương cạn nước, nhớ những bờ ruộng cỏ mềm mát rượi. Đến đợt thu hoạch bọn mình lại thi nhau mót đậu tương rơi vãi trên đường về, “bán” cho bố mẹ lấy hai trăm đồng mua kẹo ớt. Mình còn nhớ như in cái kẹo mút đỏ chót hình quả ớt nhưng không cay mà lại ngọt ơi là ngọt đứa nào cũng thích.

Mình học thấy sách vở nào cũng viết về những đứa trẻ gắn liền với những cái nôi. Mình thì chưa từng thấy một chiếc nôi nào cả, cũng chưa từng biết cái nhịp nôi đưa ra làm sao. Mình chỉ thấy trẻ con quê mình đứa nào cũng theo nhịp sàng lúa, nhịp sảy thóc của bà, của mẹ, nhịp chân đạp máy trục tuốt lúa của bố mà lớn lên. Trẻ con nông thôn ngày ấy mới chỉ cao đến thắt lưng người lớn đã biết tát nước bằng gầu dây. Mẹ một bên, con một bên, kéo chiếc gầu tre đầy nước từ con mương vào ruộng lúa, đều đều “Hai trăm gầu nữa thì mẹ con mình về.” Vì thế, chúng mình học đếm gầu nước trước cả khi học đếm que tính.

5738

(Tranh của họa sĩ Trần Công Nguyên)

Mình lớn lên đi học xa nhà, lâu lâu không thấy mình về, cậu bạn nhắn tin hỏi: “Định bỏ cái làng này mà đi luôn đấy à?”. Mình đáp: “Ừ, đi cho thật xa những ngày đồng ruộng cơ cực.” Nhưng giữa lòng thành phố, có khi mình hít hà thật lâu cái mùi ở những khuôn viên trồng hoa trên đường vừa được người ta cắt tỉa, cứ ngỡ cái mùi cây cỏ ngai ngái ấy là mùi của cánh đồng quê hương. Có khi bước vội vã trên vỉa hè chợt ao ước chân mình vướng phải một cọng rơm ngày mùa.

Hai năm này, dịch bệnh bùng phát, trẻ con không được đến trường, bố mẹ gửi con về quê với ông bà. Lại thấy lũ trẻ chăn trâu trên bờ ruộng, lại thấy tụi nhỏ bơi lội nghịch nước dưới mương, lại thấy những đứa bé đen thui thả diều trên con đường đất, lại thấy đám nhóc con thi nhau bắt châu chấu reo hò ầm ĩ... Quê hương mãi là vòng tay an bình, bao bọc ta, mở rộng đón ta trở về khi dòng đời nhiều rối ren, biến đổi, nuôi dưỡng trong lòng ta niềm tin và hy vọng. Đâu đó vẫn bắt gặp chính mình của ngày hôm qua, lang thang trên cánh đồng, ngả chiếc nón con trên bờ cỏ, chỉ cần ngước đôi mắt bé bỏng là sẽ thấy cả bầu trời xanh thẳm.

Tác giả: Tiểu Mai

 
Từ khóa Từ khóa
cánh đồng gầu dây nhớ quê nhà que huong rơm ngày mùa tuốt lúa đậu tương
1K
3
4
Trả lời
Tôi có thể đoán quê hương bạn là một làng quê vùng Bắc Bộ giống quê tôi. Các từ ngữ dân dã đã lâu lắm tôi mới lại được nghe. Đi làm ăn xa nhà đã lâu, tôi cũng luôn nhớ về quê nhà với nhiều bức tranh ký ức giống như bạn. Nhưng nhớ chỉ là nhớ thôi, chẳng thể vẽ ký ức thành lời như bạn. Rất cảm ơn những kỷ niệm nhỏ xinh, ngọt ngào như những chiếc kẹo ớt của bạn đã dỗ dành tôi trong những ngày tháng dịch bệnh khó khăn, tôi chẳng thể về quê để thảnh thơi nằm ngả nón trên bờ ruộng. Dù rằng bây giờ quê tôi đã đổi khác nhiều, chẳng còn mấy nét trong bức tranh bạn kể. Đọc truyện của bạn, tôi cũng ngước mắt lên tìm lại một khoảng trời bình yên, xanh thẳm một màu niềm tin và hy vọng, cũng ước gì được giống như bạn của ngày hôm qua.
 
Tôi có thể đoán quê hương bạn là một làng quê vùng Bắc Bộ giống quê tôi. Các từ ngữ dân dã đã lâu lắm tôi mới lại được nghe. Đi làm ăn xa nhà đã lâu, tôi cũng luôn nhớ về quê nhà với nhiều bức tranh ký ức giống như bạn. Nhưng nhớ chỉ là nhớ thôi, chẳng thể vẽ ký ức thành lời như bạn. Rất cảm ơn những kỷ niệm nhỏ xinh, ngọt ngào như những chiếc kẹo ớt của bạn đã dỗ dành tôi trong những ngày tháng dịch bệnh khó khăn, tôi chẳng thể về quê để thảnh thơi nằm ngả nón trên bờ ruộng. Dù rằng bây giờ quê tôi đã đổi khác nhiều, chẳng còn mấy nét trong bức tranh bạn kể. Đọc truyện của bạn, tôi cũng ngước mắt lên tìm lại một khoảng trời bình yên, xanh thẳm một màu niềm tin và hy vọng, cũng ước gì được giống như bạn của ngày hôm qua.
Trúc LinhCảm ơn bạn đã đọc và thích bài viết của mình, quê hương là nơi nuôi dưỡng trong lòng ta niềm tin và hy vọng
 
  • Like
Reactions: Trúc Linh
đúng kiểu ngây ngô kẹo ngọt ăn hoài không ngán luôn ý, đọc bài của bạn mình cũng thấy muốn viết quá, mặc dù chưa hoàn thiện được ý tưởng, hi hi
 
  • Like
Reactions: Tiểu Mai

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.