Mỗi chúng ta, ai cũng thường có cho mình một nơi nào đó để gửi gắm kí ức. Các nhà văn, nhà thơ cũng vậy, họ hay chọn cho mình một miền đất hoặc một con sông. Và ở đó bao nhiêu kí thác tâm hồn được vắt ngang qua. Trở lại thế kỉ XIV, văn học trung đại của dân tộc đã có một nhà thơ như thế. Đó chính là Trương Hán Siêu – nhà thơ nặng lòng với con sông Bạch Đằng oai hùng của lịch sử qua văn phẩm nổi tiếng Phú sông Bạch Đằng. Có lẽ biết bao tâm tư của cả một đời cống hiến được ông dồn nén hết thảy vào dòng chảy bất diệt ấy để làm nên một tác phẩm trở thành đỉnh cao của thơ văn dân tộc.
Phú sông Bạch Đằng (tên chữ Hán Bạch Đằng giang phú) được dự đoán ra đời vào khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên thắng lợi của nhà Trần. Lấy cảm hứng từ một đề tài cũng không hề xa lạ, bởi sông Bạch Đằng đã trở thành thi liệu sáng tác của nhiều nhà thơ như Trần Minh Tông, Nguyễn Sưởng, sau này là Nguyễn Trãi. Nhưng Trương Hán Siêu trong Phú sông Bạch Đằng đã mang tới biết bao cảm xúc vừa chân thực, thiết tha vừa hoài niệm, xúc động để khơi dậy nên niềm tự hào, lòng yêu nước và khẳng định những tư tưởng nhân văn cao đẹp về giá trị con người. Có nhiều ghi chép cho rằng,Trương Hán Siêu sáng tác bài phú này vào thời điểm đất nước dưới thời hậu Trần (hai vị vua Trần Hiến Tông và Trần Dụ Tông) có dấu hiệu suy thoái. Vốn là một trọng thần, học vấn uyên thâm, tính tình đức độ, trải qua bốn đời vua Trần, từng được các vua tôn kính và gọi là "thầy", trước thực trạng đất nước như vậy, ông cảm thấy chán nản và tự mình ngao du đây đó. Và điểm đến của ông không đâu khác chính là con sông Bạch Đằng để hoài niệm về một thời vàng son của dân tộc. Có lẽ bởi vậy mà bài phú mới toát lên dư vị pha lẫn của một tâm hồn nghệ sĩ lãng tử, một sử nhân hoài cổ và một nỗi niềm nhân thế thầm kín.
Với đặc trưng cơ bản của loại phú cổ thể, Phú sông Bạch Đằng có bố cục 4 đoạn (mở, giải thích, bình luận, kết) và có hình thức đối đáp quen thuộc giữa nhân vật "khách" và nhân vật "các vị bô lão" được tác giả hư cấu. Tuy nhiên, điểm tựa của toàn bộ bài phú là cảm xúc, tâm trạng của nhân vật "khách" được bộc lộ xuyên suốt từ lúc đặt chân tới sông Bạch Đằng cho đến khi lắng nghe được những lời kể đầy hào hùng về những chiến công trên dòng sông ấy của các vị bô lão. Vì vậy mà nhiều đánh giá cho rằng cấu tứ của bài phú giống như một bài thơ hơn là một bài văn tả cảnh, kể việc thông thường.
Cứ như thế, nhân vật "khách" bước ra mang đầy cảm hứng thơ, cảm hứng của một vị khách hải hồ.
Khách có kẻ:
“Giương buồm giong gió chơi vơi,
…
Học Tử Trường chừ thú tiêu dao“
Qua hàng loạt các hình ảnh đậm chất ước lệ, có tính phóng đại giương buồm giong gió, lướt bể chơi trăng, sớm gõ thuyền, chiều lần thăm gợi lên cả không gian, thời gian đều rộng mở. Lại thêm các từ láy chơi vơi, mải miết diễn tả thật đậm nét tâm hồn của một bậc mặc khách, tao nhân đang vi vu cùng với đất trời, thỏa chí mà phóng khoáng, ngao du. Khách xuất hiện như thể mang theo một giấc mộng hải hồ, đắm mình cùng thiên nhiên. Kẻ lãng du ấy kéo theo cả hàng loạt những địa danh, những phong cảnh đẹp của Trung Hoa vốn chỉ biết trong sách vở. Nào là Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, nào là Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt, Đầm Vân Mộng… nơi có người đi, đâu mà chẳng biết, chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều. Có cả một trình độ hiểu biết sâu rộng hay là cách để đấng mặc khách ấy thực hiện khát vọng thỏa cái tráng trí bốn phương vẫn còn tha thiết? Sao cũng phải, bởi trước hết cái tráng trí ấy mang trong mình tâm thức của một bậc thi nhân đầy lãng mạn, ưa thích ngao du. Cho nên việc học Tử Trường đâu có phải học cách của một sử kí gia, mà là học thú tiêu dao, cái thú thưởng ngoạn để giữa dòng chừ buông chèo không nỡ bỏ lỡ cảnh đẹp nên thơ, lại thêm mở mang hiểu biết.
Nhưng giấc mộng hải hồ ấy chợt thành hiện thực khi chiếc thuyền ngoặt:
“Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều
…
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu“
Một lần nữa thủ pháp liệt kê lại đưa chúng ta đến những địa danh khác, nhưng lần này là thực, là thủy lưu dẫn đến sông Bạch Đằng. Và hiện ra trước mắt người nghệ sĩ một Bạch Đằng trong khung cảnh đối lập. Đó là khung cảnh tuyệt sắc của thiên nhiên. Cổ nhân thường nói: "Thi trung hữu họa" quả không sai. Trên trời, dưới nước mênh mông, một Bạch Đằng không lúc nào tĩnh lặng nhưng vẫn hiền hòa, nên thơ: sóng kình muôn dặm/ đuôi trĩ một màu/ nước trời: một sắc/ phong cảnh: ba thu. Bức tranh mở ra hết tầm trên độ rộng, lắng xuống ở độ sâu. Hai từ láy bát ngát, thướt tha càng làm cho biên độ ấy thêm lớn. Nhưng cảnh thu đi đến hồn thu, cảnh đẹp nhưng đượm buồn. Vì những bờ lau, bến lách đìu hiu, vì những chứng tích năm xưa còn sót lại thật thê thảm. Phải chằng bởi thế mà lòng người có sự thay đổi cảm xúc từ vui, tự hào trở nên u buồn, ảm đạm, ngậm ngùi, thương tiếc cho những giá trị lịch sử oai hùng bị mai một trước sự trôi chảy khắc nghiệt của thời gian. Trước cảnh trí đầy tiêu sơ như vậy, lòng người sao tránh được những cảm khái, ưu tư gợn lòng hoài cổ! Giống như Nguyễn Trãi:
“Việc trước quay đầu ôi đã vắng
Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng”
(Cửa biển Bạch Đằng)
Nét tâm trạng, cảm xúc ấy là nguyên cớ để nảy sinh cuộc trò chuyện với các vị bô lão ở phần tiếp theo. Cuộc đối thoại này diễn ra vừa như một quy ước văn chương vừa như một nhu cầu chia sẻ, giãi bày để làm thức dậy một quá khứ tưởng đã ngủ yên trong quên lãng. Các vị bô lão – người dân địa phương, cũng có thể là những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia vào chiến trận Bạch Đằng năm xưa, đối đãi "khách" với một thái độ đầy kính trọng, nhiệt thành (hỏi ý ta sở cầu, gậy lê chống trước, thuyền nhẹ bơi sau, vái ta mà thưa). Với tư cách là người trong cuộc, họ đã tái hiện, phục chế lại một bức tranh đã nhuốm màu dâu bể, đã phủ bụi thời gian.
“Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.”
Đó là hai trận đánh lịch sử ghi dấu chiến công oanh liệt, vang dội nhất trên sông Bạch Đằng. Bằng lời kể đậm sắc thái ước lệ, bút pháp cường điệu, sử thi mang cảm hứng vũ trụ thế trận, quy mô cuộc chiến "thư hùng" diễn ra ngang tài, ngang sức, không phân thắng bại:
Đương khi ấy:
Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới
…
Tái tạo công lao, nghìn xưa ca ngợi.
Vua, quân tướng của ta được tôn vinh là "Trùng Hưng nhị thánh", " Ngô chúa", còn kẻ thù cứ thẳng tên mà gọi, bọn chúng cứ như bầy thiêu thân lao vào lửa, chỉ còn trần trụi những Tất Liệt, Lưu Cung. "Gieo gió gặt bão", đó là quy luật tất yếu ắt phải nhận của những kẻ huênh hoang, hiếu chiến. Không tự nhiên mà Trương Hán Siêu lại sử dụng điển tích Trung Quốc trận Xích Bích, trận Hợp Phì để so sánh. Sự tương đồng giữa xưa và nay vừa để khẳng định chiến công vang dội vừa ẩn ngầm niềm tự hào vô hạn của một đất nước nhỏ bé, hay bị coi thường với một đất nước lớn như Trung Hoa. Tan tác tro bay/ hoàn toàn chết trụi đăng đối lại càng nhấn mạnh đến sự thảm bại của kẻ thù ôm theo giấc mộng: gieo roi một lần/ quét sạch Nam bang bốn cõi để muôn đời nước sông chảy hoài mà nhục quân thù khôn rửa nổi. Giọng văn khí thế, hùng hồn đã khơi dậy một tinh thần yêu nước, niềm tự hào mãnh liệt trước truyền thống oanh liệt, vẻ vang của dân tộc.
Điểm nhấn rất hay của bài phú chính là ở chỗ chiến công trên sông Bạch Đằng không hề bị huyền thoại hóa, mà nó cắt nghĩa được rõ ràng nguyên nhân. Trong lời bình luận của các vị bô lão, họ đã nhắc tới phép dùng binh trong sách cổ, có ba yếu tố: "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa":
Tuy nhiên: Từ có vũ trụ, đã có giang san
…
Tiếng thơm còn mãi, bia miệng không mòn
Trời đất cho nơi hiểm trở là Địa. Bởi đại vương coi thế giặc nhàn, đã sẵn sàng mọi con đường tiến lui là Thiên. Nhân tài giữ cuộc điện an là Nhân, là cái tài lớn của kẻ làm tướng thu phục được lòng dân. Trong đó, vai trò của Nhân là quyết định. Bởi người anh hùng là phải biết tạo thời thế, chứ không trông chờ vào thời thế. Vì vậy, một lần nữa việc sử dụng điển tích Trung Hoa (hội Mạnh Tân, trận Duy Thủy) càng đề cao vai trò của nhân tài là lấy được lòng dân. Nhận thức đầy lý trí ấy lại làm trào dâng lên cảm xúc tiếc thương khi nhớ người xưa. Một xưa đầy hào khí thì dù đến nay có nước mắt chừ lệ chan thì niềm tự hào vẫn còn mãi. Nhưng tiếc thay, nay không bằng xưa nên nước mắt ấy là nỗi xót xa nhân thế bàng bạc hiện ra.
Dẫu sao nỗi niềm ấy cũng được thay bằng sự nối tiếp nhau qua lời ca của các vị bô lão và khách. Cách kết thúc rất đặc trưng của phú cổ thể, nhưng cái hay là đã được các nhà soạn dịch chuyển thể thành những vần thơ lục bát. Trong lời ca của mình, các vị bô lão đem so sánh cái quy luật tự nhiên bất biến của Bạch Đằng giang sẽ cuồn cuộn chảy ra biển cũng như quy luật muôn đời của nhân thế là những kẻ bất nghĩa sẽ bị tiêu vong, còn người anh hùng sẽ lưu danh thiên cổ. Lời ca một lần nữa phê phán mạnh mẽ quân thù phương Bắc và ngợi ca những anh hùng dân tộc sẽ được lưu danh muôn đời. Còn khách vẫn mang trong mình một hoài vọng, ngợi ca hai vị thánh quân nhà Trần đã anh minh, có đức cao mới thu phục được lòng dân và tận dụng được đất hiểm để quét sạch quân thù, để đất nước thanh bình, yên ổn. Đoạn kết đã thể hiện rất sâu sắc tư tưởng nhân văn cao cả. Hai lời ca đều nhấn mạnh đến vai trò to lớn của con người trong lịch sử. Điều đó càng khiến nhà thơ khao khát có những đấng minh vương cho xã tắc lúc bấy giờ.
Khẳng định Phú sông Bạch Đằng là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam thật xác đáng. Với lối kết cấu đặc trưng, câu văn, giọng điệu linh hoạt, bút pháp ước lệ, tượng trưng kết hợp với lối nói cường điệu, hình tượng nhân vật đặc sắc, bài phú đã thể hiện sâu sắc những hoài niệm về quá khứ của tác giả Trương Hán Siêu. Qua đó, tác phẩm đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trước những chiến công trên sông Bạch Đằng và ngợi ca truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống đạo lí nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Hơn thế, bài phú đã chuyển tải được tư tưởng nhân văn cao đẹp trong việc đề cao vai trò, vị trí của con người trong lịch sử mà điều đó vẫn còn có ý nghĩa đến ngày nay.
Phú sông Bạch Đằng (tên chữ Hán Bạch Đằng giang phú) được dự đoán ra đời vào khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên thắng lợi của nhà Trần. Lấy cảm hứng từ một đề tài cũng không hề xa lạ, bởi sông Bạch Đằng đã trở thành thi liệu sáng tác của nhiều nhà thơ như Trần Minh Tông, Nguyễn Sưởng, sau này là Nguyễn Trãi. Nhưng Trương Hán Siêu trong Phú sông Bạch Đằng đã mang tới biết bao cảm xúc vừa chân thực, thiết tha vừa hoài niệm, xúc động để khơi dậy nên niềm tự hào, lòng yêu nước và khẳng định những tư tưởng nhân văn cao đẹp về giá trị con người. Có nhiều ghi chép cho rằng,Trương Hán Siêu sáng tác bài phú này vào thời điểm đất nước dưới thời hậu Trần (hai vị vua Trần Hiến Tông và Trần Dụ Tông) có dấu hiệu suy thoái. Vốn là một trọng thần, học vấn uyên thâm, tính tình đức độ, trải qua bốn đời vua Trần, từng được các vua tôn kính và gọi là "thầy", trước thực trạng đất nước như vậy, ông cảm thấy chán nản và tự mình ngao du đây đó. Và điểm đến của ông không đâu khác chính là con sông Bạch Đằng để hoài niệm về một thời vàng son của dân tộc. Có lẽ bởi vậy mà bài phú mới toát lên dư vị pha lẫn của một tâm hồn nghệ sĩ lãng tử, một sử nhân hoài cổ và một nỗi niềm nhân thế thầm kín.
Với đặc trưng cơ bản của loại phú cổ thể, Phú sông Bạch Đằng có bố cục 4 đoạn (mở, giải thích, bình luận, kết) và có hình thức đối đáp quen thuộc giữa nhân vật "khách" và nhân vật "các vị bô lão" được tác giả hư cấu. Tuy nhiên, điểm tựa của toàn bộ bài phú là cảm xúc, tâm trạng của nhân vật "khách" được bộc lộ xuyên suốt từ lúc đặt chân tới sông Bạch Đằng cho đến khi lắng nghe được những lời kể đầy hào hùng về những chiến công trên dòng sông ấy của các vị bô lão. Vì vậy mà nhiều đánh giá cho rằng cấu tứ của bài phú giống như một bài thơ hơn là một bài văn tả cảnh, kể việc thông thường.
Cứ như thế, nhân vật "khách" bước ra mang đầy cảm hứng thơ, cảm hứng của một vị khách hải hồ.
Khách có kẻ:
“Giương buồm giong gió chơi vơi,
…
Học Tử Trường chừ thú tiêu dao“
Qua hàng loạt các hình ảnh đậm chất ước lệ, có tính phóng đại giương buồm giong gió, lướt bể chơi trăng, sớm gõ thuyền, chiều lần thăm gợi lên cả không gian, thời gian đều rộng mở. Lại thêm các từ láy chơi vơi, mải miết diễn tả thật đậm nét tâm hồn của một bậc mặc khách, tao nhân đang vi vu cùng với đất trời, thỏa chí mà phóng khoáng, ngao du. Khách xuất hiện như thể mang theo một giấc mộng hải hồ, đắm mình cùng thiên nhiên. Kẻ lãng du ấy kéo theo cả hàng loạt những địa danh, những phong cảnh đẹp của Trung Hoa vốn chỉ biết trong sách vở. Nào là Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, nào là Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt, Đầm Vân Mộng… nơi có người đi, đâu mà chẳng biết, chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều. Có cả một trình độ hiểu biết sâu rộng hay là cách để đấng mặc khách ấy thực hiện khát vọng thỏa cái tráng trí bốn phương vẫn còn tha thiết? Sao cũng phải, bởi trước hết cái tráng trí ấy mang trong mình tâm thức của một bậc thi nhân đầy lãng mạn, ưa thích ngao du. Cho nên việc học Tử Trường đâu có phải học cách của một sử kí gia, mà là học thú tiêu dao, cái thú thưởng ngoạn để giữa dòng chừ buông chèo không nỡ bỏ lỡ cảnh đẹp nên thơ, lại thêm mở mang hiểu biết.
Nhưng giấc mộng hải hồ ấy chợt thành hiện thực khi chiếc thuyền ngoặt:
“Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều
…
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu“
Một lần nữa thủ pháp liệt kê lại đưa chúng ta đến những địa danh khác, nhưng lần này là thực, là thủy lưu dẫn đến sông Bạch Đằng. Và hiện ra trước mắt người nghệ sĩ một Bạch Đằng trong khung cảnh đối lập. Đó là khung cảnh tuyệt sắc của thiên nhiên. Cổ nhân thường nói: "Thi trung hữu họa" quả không sai. Trên trời, dưới nước mênh mông, một Bạch Đằng không lúc nào tĩnh lặng nhưng vẫn hiền hòa, nên thơ: sóng kình muôn dặm/ đuôi trĩ một màu/ nước trời: một sắc/ phong cảnh: ba thu. Bức tranh mở ra hết tầm trên độ rộng, lắng xuống ở độ sâu. Hai từ láy bát ngát, thướt tha càng làm cho biên độ ấy thêm lớn. Nhưng cảnh thu đi đến hồn thu, cảnh đẹp nhưng đượm buồn. Vì những bờ lau, bến lách đìu hiu, vì những chứng tích năm xưa còn sót lại thật thê thảm. Phải chằng bởi thế mà lòng người có sự thay đổi cảm xúc từ vui, tự hào trở nên u buồn, ảm đạm, ngậm ngùi, thương tiếc cho những giá trị lịch sử oai hùng bị mai một trước sự trôi chảy khắc nghiệt của thời gian. Trước cảnh trí đầy tiêu sơ như vậy, lòng người sao tránh được những cảm khái, ưu tư gợn lòng hoài cổ! Giống như Nguyễn Trãi:
“Việc trước quay đầu ôi đã vắng
Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng”
(Cửa biển Bạch Đằng)
Nét tâm trạng, cảm xúc ấy là nguyên cớ để nảy sinh cuộc trò chuyện với các vị bô lão ở phần tiếp theo. Cuộc đối thoại này diễn ra vừa như một quy ước văn chương vừa như một nhu cầu chia sẻ, giãi bày để làm thức dậy một quá khứ tưởng đã ngủ yên trong quên lãng. Các vị bô lão – người dân địa phương, cũng có thể là những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia vào chiến trận Bạch Đằng năm xưa, đối đãi "khách" với một thái độ đầy kính trọng, nhiệt thành (hỏi ý ta sở cầu, gậy lê chống trước, thuyền nhẹ bơi sau, vái ta mà thưa). Với tư cách là người trong cuộc, họ đã tái hiện, phục chế lại một bức tranh đã nhuốm màu dâu bể, đã phủ bụi thời gian.
“Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.”
Đó là hai trận đánh lịch sử ghi dấu chiến công oanh liệt, vang dội nhất trên sông Bạch Đằng. Bằng lời kể đậm sắc thái ước lệ, bút pháp cường điệu, sử thi mang cảm hứng vũ trụ thế trận, quy mô cuộc chiến "thư hùng" diễn ra ngang tài, ngang sức, không phân thắng bại:
Đương khi ấy:
Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới
…
Tái tạo công lao, nghìn xưa ca ngợi.
Vua, quân tướng của ta được tôn vinh là "Trùng Hưng nhị thánh", " Ngô chúa", còn kẻ thù cứ thẳng tên mà gọi, bọn chúng cứ như bầy thiêu thân lao vào lửa, chỉ còn trần trụi những Tất Liệt, Lưu Cung. "Gieo gió gặt bão", đó là quy luật tất yếu ắt phải nhận của những kẻ huênh hoang, hiếu chiến. Không tự nhiên mà Trương Hán Siêu lại sử dụng điển tích Trung Quốc trận Xích Bích, trận Hợp Phì để so sánh. Sự tương đồng giữa xưa và nay vừa để khẳng định chiến công vang dội vừa ẩn ngầm niềm tự hào vô hạn của một đất nước nhỏ bé, hay bị coi thường với một đất nước lớn như Trung Hoa. Tan tác tro bay/ hoàn toàn chết trụi đăng đối lại càng nhấn mạnh đến sự thảm bại của kẻ thù ôm theo giấc mộng: gieo roi một lần/ quét sạch Nam bang bốn cõi để muôn đời nước sông chảy hoài mà nhục quân thù khôn rửa nổi. Giọng văn khí thế, hùng hồn đã khơi dậy một tinh thần yêu nước, niềm tự hào mãnh liệt trước truyền thống oanh liệt, vẻ vang của dân tộc.
Điểm nhấn rất hay của bài phú chính là ở chỗ chiến công trên sông Bạch Đằng không hề bị huyền thoại hóa, mà nó cắt nghĩa được rõ ràng nguyên nhân. Trong lời bình luận của các vị bô lão, họ đã nhắc tới phép dùng binh trong sách cổ, có ba yếu tố: "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa":
Tuy nhiên: Từ có vũ trụ, đã có giang san
…
Tiếng thơm còn mãi, bia miệng không mòn
Trời đất cho nơi hiểm trở là Địa. Bởi đại vương coi thế giặc nhàn, đã sẵn sàng mọi con đường tiến lui là Thiên. Nhân tài giữ cuộc điện an là Nhân, là cái tài lớn của kẻ làm tướng thu phục được lòng dân. Trong đó, vai trò của Nhân là quyết định. Bởi người anh hùng là phải biết tạo thời thế, chứ không trông chờ vào thời thế. Vì vậy, một lần nữa việc sử dụng điển tích Trung Hoa (hội Mạnh Tân, trận Duy Thủy) càng đề cao vai trò của nhân tài là lấy được lòng dân. Nhận thức đầy lý trí ấy lại làm trào dâng lên cảm xúc tiếc thương khi nhớ người xưa. Một xưa đầy hào khí thì dù đến nay có nước mắt chừ lệ chan thì niềm tự hào vẫn còn mãi. Nhưng tiếc thay, nay không bằng xưa nên nước mắt ấy là nỗi xót xa nhân thế bàng bạc hiện ra.
Dẫu sao nỗi niềm ấy cũng được thay bằng sự nối tiếp nhau qua lời ca của các vị bô lão và khách. Cách kết thúc rất đặc trưng của phú cổ thể, nhưng cái hay là đã được các nhà soạn dịch chuyển thể thành những vần thơ lục bát. Trong lời ca của mình, các vị bô lão đem so sánh cái quy luật tự nhiên bất biến của Bạch Đằng giang sẽ cuồn cuộn chảy ra biển cũng như quy luật muôn đời của nhân thế là những kẻ bất nghĩa sẽ bị tiêu vong, còn người anh hùng sẽ lưu danh thiên cổ. Lời ca một lần nữa phê phán mạnh mẽ quân thù phương Bắc và ngợi ca những anh hùng dân tộc sẽ được lưu danh muôn đời. Còn khách vẫn mang trong mình một hoài vọng, ngợi ca hai vị thánh quân nhà Trần đã anh minh, có đức cao mới thu phục được lòng dân và tận dụng được đất hiểm để quét sạch quân thù, để đất nước thanh bình, yên ổn. Đoạn kết đã thể hiện rất sâu sắc tư tưởng nhân văn cao cả. Hai lời ca đều nhấn mạnh đến vai trò to lớn của con người trong lịch sử. Điều đó càng khiến nhà thơ khao khát có những đấng minh vương cho xã tắc lúc bấy giờ.
Khẳng định Phú sông Bạch Đằng là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam thật xác đáng. Với lối kết cấu đặc trưng, câu văn, giọng điệu linh hoạt, bút pháp ước lệ, tượng trưng kết hợp với lối nói cường điệu, hình tượng nhân vật đặc sắc, bài phú đã thể hiện sâu sắc những hoài niệm về quá khứ của tác giả Trương Hán Siêu. Qua đó, tác phẩm đã khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trước những chiến công trên sông Bạch Đằng và ngợi ca truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống đạo lí nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Hơn thế, bài phú đã chuyển tải được tư tưởng nhân văn cao đẹp trong việc đề cao vai trò, vị trí của con người trong lịch sử mà điều đó vẫn còn có ý nghĩa đến ngày nay.