"Ngày xưa bố Mỵ lấy mẹ Mỵ không đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lý, bố của thống lý Pá Tra bây giờ. Mỗi năm đem nộp lãi cho nhà chủ nợ một nương ngô. Ðến tận khi hai vợ chồng về già mà cũng chưa xong nợ. Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ.
Cho tới năm ấy Mỵ đã lớn, Mỵ là con gái đầu lòng. Thống lý đến bảo bố Mỵ: - Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xoá hết nợ tho.
Ông lão nghĩ năm nào cũng phải trả một nương ngô cho người ta, tiếc ngô, nhưng cũng lại thương con quá. Ông chưa biết nói thế nào thì Mỵ bảo bố rằng:
- Con đã biết cuốc nương làm ngô, con làm nương ngô trả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu.
Tết năm ấy, tết vui chơi, trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Những nhà có con gái, bố mẹ không thể ngủ được vì tiếng chó sủa. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách.
Trai đứng nhắn cả chân vách đầu buồng Mỵ.
Một đêm, khuya Mỵ nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hẹn của người yêu. Mỵ hồi hộp lặng lẽ quờ tay lên, gặp hai ngón tay lách vào khe gỗ. Một ngón đeo nhẫn. Người yêu Mỵ đeo nhẫn ngón tay ấy. Mỵ nhấc tấm vách gỗ. Một bàn tay bắt Mỵ bước ra.
Mỵ vừa bước ra, lập tức có mấy người choàng đến, nhét áo vào miệng Mỵ rồi bịt mắt cõng Mỵ đi."
Thân phận nhân vật Mị. Ảnh Pinterest.
Đoạn trích cho ta thấy Mị là một cô gái đẹp người, đẹp nết, dù cuộc sống khổ cực, vất vả nhưng trong cô tràn đầy sức sống:
Trước đề nghị của nhà thống lý, Mị đã phản ứng: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Câu nói toát lên vẻ đẹp nhân cách, phẩm giá của Mị. Mị có tình yêu lao động “biết cuốc nương làm ngô”. Mị hiếu thảo với cha già, thể hiện khát vọng thay cha trả nợ cho thấy vẻ đẹp của đứa con hiếu thảo. Mị đề nghị bố để mình lao động trả nợ chứ quyết không chịu làm thứ hàng hóa để bị gả bán cho nhà giàu. Đây là lựa chọn tỉnh táo; thả sống vất vả, nghèo khổ mà tự do còn hơn sống trong giàu sang mà chịu đọa đày nô lệ. Đó là lòng tự trọng cao đẹp, là khát vọng tự do mãnh liệt và cũng là niềm tin trong sáng, hồn nhiên của tuổi trẻ.
Ở một chi tiết khác, cô Mị còn là người con gái có tài năng thổi sáo. Mị thổi sáo giỏi, thổi lá cũng hay như thổi sáo, biết bao người mê ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Mị cũng có người yêu, cũng từng sống những tháng ngày tự do hạnh phúc bên chàng trai có ngón tay đeo nhẫn quen thuộc. Dù đã có người yêu, nhưng trai làng vì mê mẩn nhan sắc của cô mà “suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đúng thổi sáo xung quanh vách. Trai đến đúng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. "Sức hút của Mị khiến bao chàng trai không quản thời gian đứng “suốt đêm”, đứng “nhẵn cả chân vách" (chỉ số nhiều, chen chúc). Rõ ràng Tô Hoài không hề dùng mỹ từ nào để tả dung nhan Mị, nhưng chỉ qua chi tiết nhỏ như thế nhưng đủ biết nhan sắc của Mị cũng phải hàng sơn nữ sắc nước hương trời trên rẻo cao này.
Đoạn trích khép lại trong nỗi tủi nhục của Mị. Đêm tình mùa xuân đẹp nhất đời người con gái lại trở thành đêm tủi nhục. Bọn nhà thống lý không chỉ ép buộc bằng lời nói mà còn ép buộc bằng cường quyền và bạo lực. Lúc Mị háo hức vì tiếng gõ vách hò hẹn của người yêu thì cũng là lúc hụt hẫng, khổ đau bởi Mị bị bắt cóc một cách thô bạo, tàn nhẫn: "Mị vừa bước ra, lập tức có mấy người choàng đến, nhét áo vào miệng Mị rồi bịt mắt, cõng Mị đi”. Các từ “nhét áo”, “bịt mắt", cõng Mị đi gợi ra cảnh tượng thô bạo, bạo lực, nó không giống như cảnh tượng kéo vợ (một phong tục của người Mèo). Tuổi thanh xuân của Mị bị cầm tù từ đó.
- Từ khóa
- nhân vật mị vợ chồng a phủ