Quá trình tiếp nhận văn học

Quá trình tiếp nhận văn học

H
Hoàng Cung
  • Người yêu văn chương đến từ Sóc Trăng
Quá trình tiếp nhận văn học được diễn ra theo một cơ chế nhất định, kinh qua hệ thống tín hiệu thứ hai trong đại não, bạn đọc đã chuyển hoá được những kí hiệu của văn bản tác phẩm thành những ý tưởng, từ đó thể nghiệm được những tình cảm tư tưởng trong tác phẩm, có tác dụng gây xúc động và nâng cao tâm hồn của chính mình. Như thế, quá trình này, về đại thể cũng trải qua ba bước: khởi đầu, diễn biến và kết thúc với những hiệu quả nhất định.

I. KHỞI ĐIỂM CỦA TIẾP NHẬN VĂN HỌC

1. Tầm đón nhận


Với tư cách là chủ thể tiếp nhận đối với bất cứ loại tác phẩm văn học nào, người đọc không bao giờ là một tờ giấy trắng thụ động, mà vốn có một “tầm đón nhận” được hình thành một cách tổng hợp bởi nhiều yếu tố. Trước hết là do thực tiễn sống và sự giáo dưỡng văn hoá, đã hình thành nên ở người đọc từ thế giới quan đến nhân sinh quan, từ thái độ chính trị đến khuynh hướng tình cảm và hứng thú thẩm mĩ. Nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính... cũng góp phần tác động đến tâm hồn người đọc. Nói chung, nữ giới thích những câu chuyện tình cảm tinh tế, còn nam giới lại thích những câu chuyện phấn đấu thành công trong lập nghiệp. Tuổi trẻ thường thích những câu chuyện kì ảo, thanh niên say mê những câu chuyện yêu đương, về già muốn được xem những chuyện nhân tình thế thái... Và cũng như trong sáng tác, vai trò của cá tính cũng rất to lớn trong việc hình thành tầm đón nhận của người đọc. Đó cũng là những sở thích, hứng thú riêng và đúng như Lưu Hiệp đã nhận xét: “Những người khảng khái thấy âm thanh hùng tráng thì liền vỗ tay. Những người hàm súc thấy những lời chặt chẽ tinh mật thì khoái trá. Những người trí tuệ nông cạn thấy câu văn đẹp thì đã sướng mê. Những người thích cái mới lạ đối với những việc kì quái thì nghe sốt sắng” (Văn tâm điêu long: “Tri âm”).

- Tất nhiên, nên phân biệt giữa tầm đón nhận cá nhân với tầm đón nhận tập thể. Tầm đón nhận tập thể tiêu biểu cho một lớp người, một thế hệ, một lực lượng xã hội. Nó phản ánh và tổng hợp những nét chung nhất trong những tầm đón nhận của những cá thể trong từng phạm vi ấy. Nó cũng có thể biểu hiện tập trung ở tầm đón nhận của các nhà phê bình kiệt xuất, thái độ công minh chính trực, kiến thức uyên bác, năng lực thẩm văn sâu sắc mà tinh tế. Trở lại tầm đón nhận cụ thể, có thể thấy biểu hiện ở các mặt sau:

- Tầm đón chờ ý nghĩa: Bất cứ bạn đọc nào với bất kì tác phẩm văn học nào cũng mong muốn nó vừa biểu hiện, vừa củng cố và nâng cao tư tưởng, tình cảm, những hứng thú và sở thích phù hợp với lí tưởng của mình. Cũng có thể đó là sự khẳng định trực tiếp những cái chính diện, cũng có thể là gián tiếp qua sự phủ định những cái ngược lại. Đây là tầm đón bao trùm nhất, có tác dụng chi phối một cách vô tình hay hữu ý đối với các tầm đón cụ thể khác.

- Tầm đón chờ ý tưởng: Khi tiếp xúc với một hình ảnh trong văn bản tác phẩm, người đọc bao giờ cũng liên tưởng từ những kinh nghiệm và thể nghiệm vốn có của mình, để định hướng sự lí giải nội dung bên trong của nó. Đọc những hình ảnh trong thơ cổ như “thanh tùng”, “hàn mai”, “bạch liên”... người đọc có thể liên tưởng đến những nhân cách thanh tao, cương nghị... Một nét hình ảnh của Maxlôva đã được L. Tônxtôi miêu tả như sau: “Nàng chít khăn trên đầu, và rõ ràng là có ý để lộ một vài mớ tóc mỏng xoà trên trán... Đôi mắt đen, hơi mọng lên, nhưng vẫn lấp lánh sáng” (Sống lại). Lướt qua mấy dòng này, với sự từng trải, rất có thể một số người đọc sẽ liên tưởng đến một phụ nữ với cuộc đời bi đát nhưng không chịu khuất phục trước số phận...

- Tầm đón nhận văn loại: Dựa vào kinh nghiệm thưởng thức thể loại vốn có, đứng trước một cuốn tiểu thuyết, bạn đọc rất có thể liên tưởng đến một cốt truyện với nhiều tình tiết phong phú và hấp dấn, và một hệ thống nhân vật với những tính cách phức tạp mà sống động. Và khi mới tiếp xúc với một bài thơ trữ tình, người đọc liền chuẩn bị được thưởng thức những sắc thái trữ tình nồng thắm, cách sử dụng giàu hình ảnh và nhạc điệu...

Thật ra, câu chuyện về tầm đón, dựa trên kinh nghiệm và thể nghiệm vốn có này, còn biểu hiện ở nhiều lĩnh vực cụ thể và tế vi khác như về một phong cách, một bút danh, một tiêu đề, một lời đề từ, thậm chí cả việc trang hoàng ngoài bìa... Tất cả những thứ vô tình hay hữu dạng này, có khi rất bâng quơ, nhưng ít nhiều cũng góp phần làm nên cuộc “đối thoại” giữa những suy tưởng ban đầu của bạn đọc với nội dung được triển khai theo hình tuyến của văn bản tác phẩm.

2. Động cơ tiếp nhận

Không tách rời mà còn giao thoa với tầm đón nhận là động cơ tiếp nhận. Cuộc sống phong phú, văn học lại đa dạng, động cơ tiếp nhận của bạn đọc vốn đã không giống nhau, nhất là khi đứng trước tác phẩm cụ thể, lại càng khác biệt. Tuy vậy, có thể khái quát vào các mặt sau, mặc dù vẫn biết rằng không có chuyện thuần tuý ở đây.

Muốn được hưởng thụ và bồi đắp những tình cảm thẩm mĩ: Đây là động cơ toàn diện và phổ biến nhất. Đến với tác phẩm văn học, con người muốn được qua cách nhìn cao đẹp trong tâm hồn, của nhà văn, giúp mở rộng và nâng cao tâm hồn của mình, hướng về những cái cao đẹp hoàn thiện, biết rung động trước chân lí của thời đại, vận mệnh của đất nước, số phận của con người. Trong niềm xúc động và hưởng thụ đó, có sự thưởng ngoạn đối với cái đẹp của văn bản tác phẩm. Đó là sự chọn lựa và cấu trúc khéo léo những hình ảnh sinh động, những ngôn từ giàu sắc thái tình cảm và nhạc điệu...

Muốn được mở mang trí tuệ: Không ít người, nhất là trong những trường hợp nhất định, muốn qua tác phẩm văn học để hiểu biết thêm quy luật của lịch sử, bản chất của xã hội, các trạng thái đời sống của nhân loại cùng tri thức trong nhiều lĩnh vực khác. Mác, Ăngghen, Lênin... không phải chỉ, nhưng thường chú ý những nội dung văn học liên quan đến đời sống chính trị, nhất là với công cuộc đấu tranh cách mạng. Cũng có nhiều bạn đọc, vi nghề nghiệp chuyên môn của mình, nhất là các nhà khoa học, muốn qua tác phẩm văn học để tìm hiểu thêm về điển chương chế độ, phong tục tập quán, đặc sắc văn hoá của các quốc gia dân tộc trong những thời kì khác nhau...

Muốn được bồi dưỡng thêm về tư tưởng, đạo đức, lí tưởng: Trong cuộc sống, nhất là thời trai trẻ, con người luôn luôn băn khoăn muốn xây dựng một lẽ sống, một thái độ nhân sinh để mà kiên định suốt cuộc đời, hoặc là trong những va động lớn lao và phức tạp của xã hội, con người giằng xé trong nội tâm, như muốn tìm ra một lối thoát... Những lúc như vậy, con người thường muốn đến với tác phẩm văn học, nhất là những kiệt tác để tìm một lời giải đáp từ triết lí nhân sinh đến đạo đức đời thường...

Muốn học hỏi kinh nghiệm: Điều này thường thấy ở chính các nhà văn, nhất là những nhà văn trẻ, khi mới bước vào nghề, họ thường có ý thức học hỏi các bậc đàn anh, nhất là những nhà văn với những kiệt tác đã trở thành thần tượng một thời. Nhưng ngay những nhà văn đã có quá trình và thành tựu, thì bao giờ cũng thường nghĩ rằng, tác phẩm hay nhất của đời mình vẫn chưa được viết ra. Trong sự theo đuổi trọn đời đó, mặc dù ít nhiều không tránh khỏi cái thói “Văn mình vợ người”, nhưng trong thực tế, không những họ chú ý học tập các kiệt tác, mà còn quan tâm đến từng mặt thành công của các bạn đồng nghiệp, thậm chí còn không quên rút kinh nghiệm cả những mặt thất bại nữa. Không xa lạ với mục đích của những bạn đọc thông thường, nhưng các nhà văn thường có những mục đích nghề nghiệp riêng như vậy.

Đọc để phân tích, nhận xét, đánh giá: Đây là mục đích đọc của các nhà nghiên cứu phê bình. Mặc dù không có gì cản trở những động cơ của người đọc bình thường ở họ, nhưng do nhiệm vụ chuyên nghiệp, họ đến với tác phẩm, trên cơ sở cảm thụ, thưởng thức, sẽ mổ xẻ phân tích cấu trúc về hai mặt nội dung và hình thức của nó, sẽ liên hệ với hiện thực và ý thức của thời đại cùng những truyền thống của dân tộc và nhân loại, rồi nhận xét, đúc rút ra giá trị xã hội và thẩm mĩ, nhân sinh và văn hoá cùng vị trí của nó trong dòng chảy của văn học đương thời, cũng như trong cả lịch sử văn học dân tộc.

Thật ra các loại động cơ đọc nói trên không phải hoàn toàn biệt lập nhau, mà chỉ là những trọng điểm chú ý khác nhau mà thôi. Dù sao, với những trọng điểm khác nhau như vậy, người đọc sẽ tìm đến với những loại tác phẩm không hoàn toàn giống nhau, hoặc ngay đối với cùng một tác phẩm cũng sẽ tiếp cận với những phương diện có phần khác nhau. Tuy nhiên, những tác phẩm ưu tú, nhất là những kiệt tác, đều có thể thoả mãn tất cả những loại động cơ khai thác đó.

3. Tâm thế tiếp nhận

Ngoài tầm đón, động cơ ra, khi bắt đầu tiếp xúc với tác phẩm, còn có vẫn đề tâm thế nữa. Sống trên đời hàng ngày hàng giờ, con người thường trải qua những tâm trạng khái nhau, lúc vui, lúc buồn, khi hào hứng, khi lo âu, sảng khoái có, dằn vặt có... và chỉ nói riêng trong trường hợp đọc tác phẩm văn học mà thôi, thì tâm trạng ấy cũng muôn màu muôn vẻ, không phải chỉ lúc phấn khởi mới tiếp xúc với văn học. Có khi ngược lại, thấy quá chán chường cuộc đời, người ta lại tìm về với văn học. Tâm thế đọc, do đó rất phức tạp, tuy vậy có thể khái quát vào ba trạng thái chính yếu nhất: hân hoan, ức chế và tĩnh tâm. Hân hoan là trạng thái tinh thần phấn chấn, còn ức chế là chỉ tâm trạng buồn bực, ưu tư. Hiển nhiên là hai loại tâm thế này còn kéo dài trong suốt quá trình đọc hay không là chuyện khác. Siêu thoát cả hai tâm thế nói trên, tĩnh tâm là tâm thế thư thái, tự nhiên trong lòng, phù hợp một cách tối ưu với hành động đọc.

Tâm thế, tâm trạng con người, do một tập hợp nguyên nhân từ xã hội, thiên nhiên và cả nhân thân, chớ có quy kết vội nó chỉ là biểu hiện của tư tưởng và đạo đức. Đúng là xã hội có công bằng, sự nghiệp có thành đạt, quan hệ có tốt đẹp, gia đình có hoà thuận hay không, đều quyết định rất lớn đến tâm trạng sống của con người. Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt hay mưa gió thuận hoà, ngày xuân ấm áp hay những tháng đông giá buốt, trăng trong gió mát hay sấm chớp bão bùng... đều ảnh hưởng đến tâm thế con người. Và chính con người, già yếu hay trẻ khoẻ, ốm đau mệt mỏi hay khoẻ mạnh tráng cường... dù đã kinh qua sự điều chỉnh của ý chí, vẫn không thể không tác động đến tâm trạng. Nhưng dù là nguyên nhân nào, thì tâm thế, tâm trạng vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến việc đọc tác phẩm.

Đang trong tâm thế hân hoan, đọc một tác phẩm vừa thôi, cũng có thể xúc động phấn chấn. Ngược lại, với tâm thế ức chế, thì dù tác phẩm có hấp dấn bao nhiêu, cũng dễ lạnh nhạt, hững hờ, mà nếu đọc hết, cũng khó mà lĩnh hội hết cái hay, cái đẹp của nó. Tất nhiên, không phải là không có những trường hợp ngược lại, nhất là đối với những tác phẩm bộc lộ một tâm trạng đồng dạng. Người đang tương tư, âu sầu mà đọc Nỗi buồn của chàng Véctơ của Gớt thì sẽ thấm thía lạ thường, có khi còn vơi sâu đi rất nhiều. Ngược lại, một chàng trai đang tràn trề hạnh phúc trong yêu đương, hiển nhiên vẫn có thể muốn đọc tác phẩm này nhưng làm sao mà thông cảm hết cái đau khổ, cõi lòng tan nát của nhân vật. Chính vì những lẽ trên, mà tâm thế tĩnh tâm là điểm xuất phát tối ưu trong việc đọc tác phẩm, để thưởng thức nó gần đúng nhất với cái nó vốn có. Có điều không thể nào có trạng thái tĩnh tâm tuyệt đối được. Tâm thế thay đổi trong quá trình đọc là một điều hiển nhiên không những đối với trạng thái tĩnh tâm, mà cả với trạng thái hân hoan và ức chế, trừ phi đọc phải tác phẩm vô vị, nhạt nhẽo.

Liên quan chặt chẽ với nhau, những điều trình bày trên về tâm thế, động cơ và tầm đón, hẳn là hết sức dung dị, ai cũng thấy được. Nhưng vẫn đề là ở chỗ phải nhấn mạnh chúng để thấy rằng, người đọc không bao giờ là tờ giấy trắng, mà có đầy đủ những tiền đề, để làm nên tính năng động chủ quan của mình. Hiệu quả đọc, do đó, là muôn màu muôn vẻ, càng không thể trùng khớp với ý đồ của tác giả.

II. DIỄN BIẾN CỦA TIẾP NHẬN VĂN HỌC

Bạn đọc đã chuyển hoá “văn bản thứ nhất” của tác giả thành “văn bản thứ hai” của chính mình. Tác phẩm văn học đã từ “vật tự nó” biến thành “vật cho ta”. Thông thường, cũng như trong mối quan hệ giữa sáng tác với đời sống, giữa hai loại văn bản này nhiều nhất chỉ có sự thống nhất, chứ không thể có đồng nhất hoàn toàn, vì phải trải qua những khâu chuyển dịch như sau:

1. Tái hiện để tái tạo

Các bộ môn nghệ thuật khác có chất liệu là vật chất, cho nên hình tượng của nó là trực tiếp. Hoạ sĩ vẽ một bức tranh, ta nhìn thấy ngay; nhạc sĩ tấu một khúc nhạc, ta nghe thấy ngay. Văn học là nghệ thuật của ngôn từ, chất liệu của nó chỉ là kí hiệu của vật chất, cho nên hình ảnh của nó là gián tiếp. Nguyễn Du mô tả Thuý Kiều cùng tiếng đàn của nàng: “Làn thu thuỷ, nét xuân sơn”, “Trong như tiếng hạc bay qua”... chúng ta không nghe thấy gì cả. Như thế, muốn thưởng thức tác phẩm văn học, người đọc tất yếu phải trải qua khâu “tái hiện”. Không những thế, các kí hiệu ngôn từ trong tác phẩm văn học không phải “đồng hiện”, mà được triển khai theo hình tuyến từ đầu đến cuối văn bản, như thế, sự tái hiện ở đây là liên tục. Chính trong quá trình tái hiện liên tục này, chúng ta mới thấy dần hình tượng mà nhà văn mô tả, nhưng là hình tượng được diễn lại trong đầu óc của người đọc, chứ không phải như bức tranh hoặc khúc nhạc bên ngoài. Nói văn học mang tính hình tượng gián tiếp là như vậy. Nghĩa là nó phải kinh qua sự tưởng tượng của người đọc ngay giây phút đầu tiên của quá trình thưởng thức tiếp nhận, một điều hầu như không đặt ra với một số bộ môn nghệ thuật khác. Mà đã nói đến tưởng tượng là tất yếu sẽ kèm theo một thuộc tính tất yếu là sự sáng tạo. Sự sáng tạo trong sự tiếp nhận của độc giả văn học được nhấn mạnh hơn so với công chúng một số bộ môn khác là vì vậy. Cùng với các vẫn đề động cơ, tâm thế và tầm đón chung cho công chúng, có thể thấy sự tái hiện mang tính chất sáng tạo hay sự tái tạo trong việc đọc văn học theo các mặt như sau:

Trước hết là phải tái tạo lại hình tượng. Trong khi đọc tác phẩm văn học, độc giả vừa bám vào sự mô tả trong văn bản, vừa liên tưởng với loại người tương tự ngoài đời, đồng thời cũng dựa vào cảm nghĩ và lí giải của mình mà hình dung, tưởng tượng về nhân vật nào đó. Kết quả là mỗi người mỗi khác. “Một nghìn bạn đọc, thì có một nghìn Hămlét” như người phương Tây thường nói. Hình dung mỗi người mỗi khác, cũng có nghĩa là không giống sự hình dung với chính tác giả. Lỗ Tấn nói: “Chúng ta đọc Hồng lâu mộng, từ chữ nghĩa hình dung ra con người Lâm Đại Ngọc... nhưng e rằng sẽ hình dung thành một nữ lang thời thượng, cắt tóc ngắn, mặc lụa là Ấn Độ, thân hình mảnh dẻ, dáng cô độc, hoặc là một dáng vẻ khác, tôi khó đoán định được. Nhưng nếu thử so sánh với bức tranh trong Hồng lâu mộng đồ vịnh ba bốn mươi năm trước thì hoàn toàn khác; bức tranh đó vẽ Lâm Đại Ngọc trong lòng độc giả thời ấy” (Lỗ Tấn toàn tập, tập V, tr. 430).

Hai là, thay đổi lại theo tình cảm khác. Tác phẩm văn học thành công nào cũng chan chứa tình cảm, đủ các sắc thái vui, buồn, giận, thương... tất nhiên trong đó sẽ nổi lên một trạng thái tình cảm chủ đạo. Nhưng người đọc thường chỉ thích và nhớ nhất những trạng thái tình cảm nào phù hợp với sự xúc động thường ngày của bản thân. Chị Trần Thị Lý thoát khỏi nanh vuốt của giặc ra miền Bắc, được đồng bào đồng chí quý trọng và hết lòng chăm sóc. Bài Người con gái Việt Nam của Tố Hữu đã biểu hiện những tình cảm cao đẹp này. Nhưng tình cảm trong thơ cũng đạt đến độ điển hình. Nghĩa là phải cô kết những tình cảm chung nói trên thành một cảm xúc rất riêng tư, không giống với một ai, không một ai dám thổ lộ như thế. Đó là tấm lòng và giọng điệu của một người anh trai trong Người con gái Việt Nam. Mà chính cái riêng này mới nói lên cái chung được nhiều nhất. Thực chất của lỗi xưng hô: “Tôi... em” trong bài thơ này là như vậy. Nhưng chúng ta đã từng nghe các chàng trai cười khúc khích khi ngâm nga: “Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt, Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt”... thậm chí không nhớ trong bài thơ nào, tác giả là ai? Đúng sai, có thể bàn, nhưng ai cấm được hiện tượng này?

Ba là, giải thích theo quan niệm khác. Khi một bạn đọc, nhất là các nhà khoa học đã có một quan niệm riêng về con người và thế giới, thậm chí đã hình thành một chủ thuyết, thì tất nhiên họ thường giải thích lại mọi việc trên đời, nhất là đối với những kiệt tác văn học nghệ thuật vì đây là “những bức tranh nhân sinh thu gọn”. Chúng ta biết nhiều cách phân tích về sự chần chừ của Hămlét. Gớt cho đó là mâu thuấn giữa trí tuệ sắc sảo, nhưng năng lực hành động quá hạn chế... Trái lại, căn cứ theo lí thuyết phân tâm của mình, S. Phờrớt khẳng định: “Hămlét có khả năng làm tất cả, chỉ trừ việc trả thù con người mà đối với nó là hiện thân của sự thực hiện những ham muốn của tuổi thơ bị bài ức. Lòng căm ghét lẽ ra phải thúc đẩy ý muốn báo thù thì được thay thế ở y bằng sự than thân trách phận và những cắn rứt của lương tâm. Tất cả những điều này mách bảo với y rằng bản thân y nói thẳng ra, thì cũng chẳng hơn gì tên tội phạm mà y phải trừng trị”. Rồi những bức tranh thánh mấu của L. Đơ Vanhxi, theo S. Phờrớt, chẳng qua cũng chỉ là kết quả sự thăng hoa những tình cảm “tính dục ấu thơ” (sexualité infantile) của ông đối với mẹ. Đặc biệt bức tranh Môna Lida với nụ cười “thần bí khó hiểu”, vốn có nhiều cách giải thích khác nhau của các nhà phê bình, thì S. Phờrớt đã có cách lí giải độc đáo. Ông cho rằng L. Đơ Vanhxi lúc bé mồ côi mẹ, suốt đời luôn trong tâm trạng nhớ nhung mẹ, nhờ mẹ vỗ về, âu yếm, hôn hít làm cho mình ngây ngất. Bỗng nhiên mất mẹ, làm cho tình yêu mẹ càng trở nên sâu sắc, mãnh liệt đến mức sau này lớn lên L. Đơ Vanhxi đã ức chế tình cảm đối với những nữ tính khác. Tình cảm ấy dồn nén lại, rồi đến lúc “ngoại xạ” (projeter) vào những bức tranh của ông, biểu hiện rõ nhất ở những “đôi môi kiểu L. Đơ Vanhxi” của các nhân vật nữ. Đó là đôi môi cong hình cung dài, mỉm cười một cách lặng lẽ hơi khó hiểu. Nó vừa e lệ, vừa có chút gì khêu gợi, bộc lộ tâm thế vừa muốn hiến dâng, vừa muốn nuốt chửng người tình, vừa dịu dàng vừa kiêu sa, vừa hiền từ, vừa như có chút gì tàn nhấn, vừa thận trọng lại vừa như có chút gì toan tính. Thật là một dáng vẻ với nhiều tâm trạng phức hợp. S. Phờrớt cho đó là “bản chất nữ tính”. Nụ cười mỉm đó đã yên giấc ngủ bấy lâu trong đáy lòng L. Đơ Vanhxi, nay “những kỉ niệm cũ bừng tỉnh lại”, thành “sự xúc động đến chính bản thân tác giả cũng không hiểu hết”. Nói cách khác, qua Môna Lida, L. Đơ Vanhxi gặp lại chính bản thân mình.

Thật ra, sự tái tạo hay thay đổi còn diễn ra trong vô số cấp độ và bình diện, mà ở trên chỉ là sơ lược đôi nét. Sự thay đổi đó, thậm chí còn diễn ra ở cùng một người đọc một tác phẩm xác định nhưng trong những thời điểm khác nhau. Nếu đọc Hồng lâu mộng trong lúc trai trẻ, làm sao mà không cảm thấy thú vị trước hết đối với cảnh vui chơi nô đùa giữa các công tử, tiểu thư với những a hoàn xinh đẹp. Nhưng khi đã nếm mùi của trường tình biển ái, thì sẽ không khỏi xót xa trước bi kịch của Bảo - Lâm. Lúc về già, đã trải nghiệm biết bao nhiêu trầm luân cay đắng của cuộc đời, đọc lại Hồng lâu mộng, mới ngẩm hết bao nỗi nhân tình thế thái, cuộc thịnh suy trong biển đời khổ ải.

Tuy vậy, những kỉ niệm đọc, đọc một cách xúc động của một thời, vẫn sống mãi, và sẽ tham gia vào hiệu quả tiếp nhận của những lần đọc sau, bởi vì khi đọc lại một tác phẩm mà ta xúc động trong thời gian qua, thì bao nhiêu không khí cảnh huống của thời ấy cũng đồng thời sống lại. Đó là lí do giải thích vì sao nhiêu tác phẩm, bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu câu thơ, chẳng hạn trong sách giáo khoa, mà ta tiếp xúc thời thơ ấu, ngẫm ra cũng bình thường thôi, nhưng nay đọc lại vẫn thấy thú vị.

2. Lí giải và ngộ nhận

Như trên đã nói, có thể thấy sự tiếp nhận của bạn đọc, vừa có khả năng lí giải đúng, nhưng cũng có khả năng ngộ nhận ý đồ của tác giả. Trong lời tựa bản dịch AQ chính truyện ra tiếng Nga viết năm 1925, Lỗ Tấn có nói rõ ý đồ sáng tác của mình như sau: “Tôi đã có lần thử xem tôi có khả năng miêu tả được linh hồn của người hiện đại trong nước chúng tôi hay không?... Muốn miêu tả linh hồn quốc dân một nước trầm mặc như thế, thì cũng là điều hết sức khó khăn ở Trung Quốc... Cho nên tôi cũng định bụng chỉ đưa vào những điều tôi cảm giác và quan sát, buồn bã và cô quạnh, tạm viết ra đây thôi, coi như đó là nhân sinh của Trung Quốc, theo như con mắt tôi đã từng nhìn thấy” (Gào thét, tr.197). Sau này thì ngày càng có nhiều người hiểu đúng tâm huyết đó của Lỗ Tấn. Nhưng lúc bấy giờ, thấy ngôn ngữ, cử chỉ kì quặc của AQ, có người đã hỏi thẳng ông: “Nói thật đi, trong bộ sách ấy, anh định chửi người nào đây?”, ông đã phân trần rất có ý nghĩa: “Nghe câu hỏi đó, tôi chỉ có thể tức tối và khổ tâm, vì tôi không thể nào để cho người ta thấy rằng mình không đến nỗi hèn mạt như vậy”. Câu chuyện của ông Cao Nhất Hàm kể sau đây cho thấy rằng việc hiểu đúng ý đồ của tác giả cũng không phải là dễ, có khi phải trả một giá nào đó: “Tôi còn nhớ, lúc tập AQ chính truyện đang cứ từng đoạn, từng đoạn lần lượt in ra, thì có nhiều người ra vẻ sợ hãi lắm. Họ những lo rằng có một ngày kia đến lượt họ bị thoá mạ. Lại có một ông bạn của tôi nói trước mặt tôi rằng, trong câu chuyện AQ đăng hôm qua có một đoạn tỏ ra công kích ông ta. Rồi ông ta đoán ngay ra rằng tác giả chính là người nọ, chả là vì người nọ mới biết được câu chuyện riêng ấy. Thế rồi, tù đó, ông ta nghi ngờ lung tung: bao nhiêu câu chuyện đem ra chửi trong AQ chính truyện đều là chuyện riêng của ông ta cả, và phàm những người có đi lại giao thiệp với toà soạn tờ báo đăng AQ chính truyện đều bị tình nghi là tác giả. Mãi đến lúc ông ta dò ra tên thật tác giả, ông ta mới biết rằng té ra người đó với ông ta xưa nay chưa hề quen biết nhau. Lúc đó ông mới giật nảy mình và gặp ai, ông ta cũng tuyên bố: “AQ chính truyện viết ra không phải công kích ông ta đâu” (Hiện đại bình luận, tập IV, tr.89).

Nhưng không phải tất cả những “hiểu sai”, ngộ nhận ý đồ của tác giả đều hỏng cả. Ở đây cần phân biệt chính ngộ với phản ngộ. Chính ngộ, tuy không phù hợp với ý đồ của tác giả, nhưng vẫn có căn cứ trong tác phẩm. Điều đó chí ít có thể giải thích bằng đặc trưng của nghệ thuật. Nghệ sĩ nói chung, nhà văn nói riêng, không chứng minh mà mô tả. Hình ảnh mà họ đan dệt nên sinh động, đa diện. Nhìn ở góc độ khác, người đọc có thể phát hiện ra những khía cạnh mà vốn tác giả không nghĩ đến. Nguyễn Du tuyên bố: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, nhưng người đọc qua Truyện Kiều lại thấy xã hội phong kiến chà đạp lên quyền sống con người. Hãy lấy ví dụ về một khía cạnh nhỏ, để nói vẫn đề cụ thể hơn. Xuân Diệu, trong bài Biển, đã ví các chàng trai như những cồn sóng đại dương vỗ mãi vào bờ: “Như hôn mãi ngàn năm không thoả - Bởi yêu bờ lắm lắm em ơi”, và ví các cô gái với: “Bờ đẹp đẽ cát vàng - Thoai thoải hàng thông đứng - Như lặng lẽ mơ màng - Suốt ngàn năm bên sóng”. Nhà thơ đã đọc câu thơ sau này vang lên với tiếng sóng bằng cách nhấn mạnh, kéo dài các âm vàng, hàng, ngàn, màng... Nhưng tại sao khi nói về các cô gái lại có tiếng sóng? Một bạn đọc cho rằng, mô tả cô gái hay nói cho đúng hơn là mô tả vẻ đáng yêu của họ. Mà đã là cô gái đáng yêu, thì các chàng trai chờn vờn quấn quýt xung quanh thì có gì lạ. Đây là thêm một cách khắc hoạ gián tiếp. Nghe xong, nhà thơ rất thích thú, và về sau cũng giải thích như vậy. Sức mạnh của văn học nghệ thuật, còn chính là nhờ sự tiếp nhận mang tính sáng tạo này. Nguyễn Du chỉ mô tả một nàng Kiều, nhưng có đến hàng triệu nàng Kiều không giống nhau trong bao thế hệ bạn đọc. Nói cho cùng, ý nghĩa xã hội của văn học nghệ thuật, tác dụng của nó đối với nhiều thế hệ công chúng xét trên thực tế, chính là được diễn ra với sự ngộ nhận, nói đúng hơn là sự “chính ngộ” liên tục này. Về điểm này, cần cân nhắc lại một ý kiến của Mác: “Hình thức lí giải không chính xác lại chính là hình thức phổ biến, hơn nữa là hình thức thích hợp với sự ứng dụng phổ biến trong một giai đoạn phát triển nhất định của xã hội” (Thư gửi Látxan).

Vấn đề ở đây là bàn đến nhiều quan hệ khác nhau, nhưng một vế của những quan hệ đó lại là duy nhất, cố định. Tuy phát sinh nhiều quan hệ với B, C, D... và với vô cùng, nhưng A vẫn là A đấy thôi. Tác phẩm vẫn là tác phẩm đó. Nhân vật vẫn là con người này. Một ngàn chàng Hămlét, hiển nhiên là không hoàn toàn giống nhau, nhưng vẫn là Hămlét. Một triệu nàng Kiều, vẫn là Kiều. Cảm thụ hình ảnh nàng thế nào mà ra Hoạn Thư, Tú Bà, thì như thế đã từ chính ngộ chuyển sang phản ngộ.

Phản ngộ là sự tiếp nhận tuỳ tiện, thậm chí cắt xén, xuyên tạc, không có căn cứ trong tác phẩm. Và nếu biểu hiện của “chính ngộ” là muôn màu muôn vẻ, thì nguyên nhân của sự “phản ngộ” cũng hết sức phức tạp. Đó có thể là do động cơ, tâm thế, hoặc “tầm đón” kì quặc, hoặc quá ư cao siêu hay dưới mức tầm thường... Ở đây chỉ muốn lưu ý đến hai biên độ của nó. Đó là sự cố ý, hơn nữa là sự cố ý của những thế lực chính trị chuyên chế hà khắc. Chẳng hạn như những chuyện “kiêng huý” hoặc “văn tự ngục” dưới một số triều đại phong kiến. Nhà thơ Tử Tuấn đời Thanh chỉ vì hai câu thơ “Minh nguyệt hữu tình hoàn cố ngã - Thanh phong vô ý bất lưu nhân” (Trăng sáng có tình còn nhìn ta - Gió mát vô ý không giữ người lại), mà bị thiệt mạng. Chẳng qua là vì trong câu thơ có chữ “Thanh” (trong “Thanh phong” thật ra chỉ có nghĩa là “gió mát” mà thôi), và chữ “Minh” (trong “Minh nguyệt” chỉ có nghĩa là “trăng sáng”). Lối “tiếp nhận” này thì không có gì để nói nữa. Biên độ thứ hai là sự vô tình. Vô tình cũng có nhiều loại, nhưng loại “vô tình” phổ biến nhất là do thật tình không hiểu hết đặc trưng của văn học vốn là một lĩnh vực hết sức kì diệu và tinh tế của tâm hồn con người. Muốn tiếp cận nó phải từ nhiều bình diện, nhiều cấp độ, nhiều quan hệ... cho nên không có gì lạ ngay những người sành sỏi, cũng có khi vấp váp như thường. Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Tố Hữu từ bài Hồ Chí Minh qua Sáng tháng năm đến Theo chân Bác... tất nhiên là có nhiều bước tiến triển. Nhưng không nên suy luận một cách dễ dãi để phần nào đánh giá thấp bài Hồ Chí Minh, cho nó chưa thật đúng với con người giản dị gần gũi với quần chúng bằng cách đối sánh, chẳng hạn với những câu như: “Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường” trong bài Việt Bắc. Thật ra sự so sánh này là không cùng trên một bình diện. Câu thơ vừa rồi là được nhìn qua con mắt người dân Việt Bắc, không thể đem so sánh với những lời thơ trữ tình trực tiếp của thi sĩ trong bài Hồ Chí Minh. Tất nhiên câu: “Tiếng Người thét mau lên gươm lắp súng” quả là không thật hợp với phong thái của Bác. Nhưng bên cạnh Bác còn xuất hiện với tư thái: “Người lính già đã quyết chí hi sinh”, “làm tên Quân cảm tử”, là người “Cha”... Vả chăng tính chân thật trong văn học không phải chỉ được đối chiếu với khách quan, với sự chân thành của nghệ sĩ mà còn phải được xét trên “tầm đón” của công chúng. Không phải ngấu nhiên mà lời Quốc ca hồi ấy có câu: “Thề phanh thây, uống máu quân thù”, và câu chuyện mắt Bác có những hai con ngươi còn lan truyền mãi trong cả nước và suốt cả một thời gian sau đấy. Một chân dung toàn những nét nhân từ giản dị về Bác sẽ có phần lạc lõng trong không khí huyền thoại và hùng tráng thời ấy.

3. Trạng thái thông thường mà tốt đẹp trong mối quan hệ giữa sáng tác và tiếp nhận

Nói “thông thường” tức là không bàn đến hai cực. Những sáng tác quá ư xoàng xĩnh, những công chúng hoàn toàn “mù văn” thì còn bàn đến làm gì? Còn những đại kiệt tác và những phê bình xuất chúng thì là của hiếm, rất hiếm. Tất cả ở đây chỉ được xét ở mức trung bình lí tưởng, nghĩa là ở trong trạng thái thông thường phổ biến, nhưng không bao giờ tự thoả mãn, mà luôn luôn biết vươn lên cái tốt đẹp hơn. Cũng không bàn sáng tác và tiếp nhận một cách cô lập, mà là trong sự tương tác với nhau. Nhìn thêm từ phía tiếp nhận, sẽ thấy rõ hơn sáng tác không thể chỉ viết cho mình, hoặc cầu kì, bí hiểm, tắc tị, hoặc quá cao siêu vượt quá “tầm đón” của công chúng. Sáng tác phải được hành chức như một lời tâm sự, một dịp tâm tình, một thông điệp thẩm mĩ, nó phải được công chúng tiếp nhận, mới trở thành một sản phẩm xã hội. Nếu không, nghĩa là người ta không muốn nghe, thậm chí rất muốn nghe, muốn xem nhưng không thể tiếp nhận được gì, thì tác phẩm chẳng qua chỉ là một bức thư không địa chỉ. Ngược lại, nhưng cũng bị liệt ra khỏi tầm đón của công chúng là những sáng tác rất dễ hiểu, vì cũ kĩ, nhàm chán, không ai thèm xem, rốt cục cũng bị ném trả về để rồi tự phong kín lại, trở thành một phế phẩm tinh thần, còn thua cả chất thải trong sản xuất vật chất. Như thế, để tạo tiền đề tốt đẹp cho sự tiếp nhận, thì sáng tác phải nói như Viên Mai “Xuất nhân chi ý ngoại giả, nhưng tu tại nhân ý chi trung” (Cái nói ra phải hơi bất ngờ với người khác, nhưng rồi vẫn nằm trong ý của họ - Tuỳ Viên thi thoại). Nếu nói những điều ta hiểu ngay, mới lật trang đầu, mới liếc cảnh đầu, người ta đoán biết tất cả, lập tức sẽ gây nên cảm giác: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Đọc Những người khốn khổ của Vícto Huygô, mấy ai có thể đoán trước được rằng tên tù khổ sai vượt ngục còn thêm thói ăn cắp kia lại có thể trở thành ông thị trưởng Mađơlen giàu đức độ vị tha, còn tên chó săn Giave, lương tâm bỗng trỗi dậy, nhảy xuống sông tự tử?

Tác phẩm phải nói những gì buộc công chúng phải ngẫm nghĩ mới hiểu, khi hiểu rồi mới cảm thấy mở mang, thú vị. Đây không hề mà cũng không nên là những thứ khó hiểu đến mức không thể nào hiểu được, hoặc cố hiểu ra rồi, thì thấy cầu kì, rỗng tuếch, vô vị. Hấp dấn nhưng hiểu được. Hiểu được nhưng phải hấp dấn. Đó là biện chứng trong phẩm chất của tác phẩm, nhìn từ phía tiếp nhận.

Tương ứng với phẩm chất nói trên, trong sáng tác, công chúng phải làm sao cho động cơ, tâm thế, tựu chung lại là có một tầm đón tổng hợp trong từng trường hợp cụ thể, có thể không rơi vào tình trạng “phản ngộ”, hoặc thậm chí “vô cảm”, ở đây có sự gặp gỡ giữa những ý kiến của Mác với lối nói dân gian: “Cầm đàn mà gảy tai trâu”, “Một bản nhạc hay nhất cũng không có nghĩa gì với một lỗ tai không thính nhạc”... Nói theo ngôn ngữ của giải thích học và mĩ học tiếp nhận thì đứng trước một văn bản nghệ thuật, công chúng làm sao có cho được một sự “tiền lí giải” (lí giải thoạt tiên, sơ bộ) khả dĩ có thể “đối thoại” được với ý đồ của tác giả, nhất là với hàm ý khách quan trong văn bản. Trong quá trình “đối thoại” đó, một mặt phải luôn luôn có ý thức mở rộng tầm đón để thấu hiểu cho hết hàm ý của văn bản. Điều này không hề mâu thuấn mà còn đòi hỏi tính sáng tạo trong tiếp nhận, chí ít là không thể không phát huy óc tưởng tượng. Hơn nữa, hiểu đúng hàm ý của văn bản, nhất là với những tác phẩm ưu tú, chưa cần nói đến những kiệt tác, đâu phải dễ. Nó không hề là kết quả của những tầm đón xơ cứng, chai lì, mà phải là những tầm đón đầy tính chủ động sáng tạo. Vả chăng tính sáng tạo trong sự tiếp nhận chân chính, chỉ chấp nhận sự “chính ngộ” chứ không dung thứ sự “phản ngộ”, nghĩa là có thể không trùng khớp với ý đồ của tác giả, nhưng không thể thoát li văn bản.

Tóm lại, sự diễn biến thông thường mà tốt đẹp của sự tiếp nhận những tác phẩm đích thực là văn học, bao giờ cũng được mở đầu bằng một tầm đón không chứa đựng mầm mống của sự “phản ngộ” và kết thúc bằng sự mở rộng và nâng cao của chính tầm đón ấy.

III. HIỆU QUẢ CỦA TIẾP NHẬN VĂN HỌC

Sự tiếp nhận của bạn đọc đối với một tác phẩm văn học, dù hiệu quả cao nhất cũng có thể ở những mức độ khác nhau. Hiệu quả này, hiển nhiên không phải do giá trị vốn có của tác phẩm, mà còn do phẩm chất của chủ thể tiếp nhận, nói đúng hơn, là do sự sáng tạo của cả hai phía. Cũng hiển nhiên, sự phân độ bao giờ cũng là tương đối, giữa chúng thường có sự xuyên thấm giao thoa. Tuy nhiên, đỉnh cao của sự tiếp nhận, có thể thấy theo những nấc thang như sau:

1. Đồng cảm

Đồng cảm theo nghĩa rộng, chỉ những xúc động tương đồng hoặc gần gũi của bạn đọc ở những giai cấp, dân tộc, thời đại khác nhau đối với cùng một tác phẩm. Nhưng theo nghĩa trực diện ở đây, chỉ sự xúc động của bạn đọc đối với những tư tưởng, tình cảm lí tưởng và nguyện vọng được bộc lộ qua số phận của nhân vật hay nhân tình thế thái nói chung trong tác phẩm, khiến cho họ yêu ghét những gì mà chính tác giả yêu ghét. Đồng cảm cũng có thể mang những sắc thái nội dung khác nhau.

Trước hết là sự đồng cảm về tư tưởng quan niệm, ở đây có sự tương thông về tư tưởng quan niệm giữa tác phẩm và người đọc. Trong Bản thảo kinh tế triết học 1844, Tư bản luận, Hệ tư tưởng Đức...Mác đã nhiều lần trích dấn câu sau đây về tác dụng của đồng tiền trong một vở kịch của Sếchpia: “Vàng, chỉ cần một chút thôi, là có thể đổi trắng thay đen, xấu thành đẹp, sai thành đúng, đê tiện thành cao quý, tên hèn nhát thành dũng sĩ, mục nát thành đầy sức sống. Ôi tên lừa bịp lấp lánh sáng này!”. Điều này chứng tỏ một sự đồng cảm giữa Các Mác với Sếchpia. Lại có sự đồng cảm trực tiếp ngay về tình cảm. Điều này thường xảy ra vì sự tương đồng về tình cảm giữa người đọc và nhân vật. Hàng thế kỉ qua không biết bao nhiêu chàng trai si tình, tương tư, không ngừng tuôn lệ khi đọc Nỗi buồn của chàng Véctơ của đại thi hào Gớt. Cũng có thể kể thêm theo chiều hướng liệt kê đó như đồng cảm về chí hướng... vì ở đây có sự giống nhau hoặc gần gũi giữa độc giả với tác giả hoặc nhân vật. Nhưng có thể có sự đồng cảm không do sự tương đồng hoặc tương cận như vậy. Chẳng hạn như sự đồng cảm không cùng về cảnh ngộ. Cảnh ngộ khác nhau, nhưng vẫn có sự đồng cảm như thường. Đọc đến cảnh bán con, bán chó trong Tắt đèn hoặc những câu trong Truyện Kiều như: “Xưa sao phong gấm rủ là - Giờ sao tan tác như hoa giữa đường” ai mà không đồng tình thương cảm, mặc dù chưa trải qua cảnh ngộ đó bao giờ. Không đồng cảnh mà vẫn đồng cảm, có lẽ là do bất cứ một con người lương thiện nào cũng có “trắc ẩn chi tâm” như Mạnh Tử đã từng khái quát. Và dù với bất cứ sắc thái nào, khi có được sự đồng cảm là đã mở đầu cho sự tiếp nhận đạt đến đỉnh cao.

2. Thanh lọc

Khái niệm “thanh lọc” bắt nguồn từ Arixtốt. Trong Chính trị học, ông viết: “Một số người rất dễ chịu tác động của một loại tình cảm nào đó, họ cũng có thể ở những mức độ khác nhau, chịu sự kích động của âm nhạc, được thanh lọc, từ đó trong lòng cảm thấy được một sự khoan khoái nhẹ nhàng dễ chịu”. Tiếp theo trong Thi học, ông cho rằng bi kịch “gây ra nỗi đau buồn và khiếp sợ, từ đó dấn đến sự thanh lọc đối với những tình cảm này”. Trên cơ sở đó, dần dần, người ta hiểu thanh lọc là kết quả của việc người đọc thâm nhập được vào thế giới tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, và từ trong xúc động, cảm thấy tâm hồn được điều tiết hài hoà và được mở rộng, nâng cao.

Như thế, nếu đồng cảm là người đọc đồng cảm với nội dung tác phẩm thì trong thanh lọc, người đọc chịu sự tác động trở lại đối với chính tâm hồn mình. Thanh lọc cũng có hai mặt tuy xuyên thấm vào nhau, nhưng cũng có thể tạm phân biệt như sau:

Một là sự cân bằng hài hoà trở lại về mặt tâm lí do sức mạnh tình cảm thẩm mĩ của tác phẩm đem lại. Quản Tử thời Xuân thu bên Trung Quốc đã có nhận xét: “Chi nộ mạc nhược thi. Khứ ưu mạc nhược nhạc” (Dứt được cơn giận thì không gì bằng thơ. Tiêu mối sầu thì không gì bằng âm nhạc). Ăngghen cũng có nhận xét về tác dụng của văn học dân gian như sau: “Sứ mệnh của câu chuyện dân gian là làm cho mỗi người nông dân sau một ngày lao động vất vả, thân thể rã rời, tối đến trở về, lại được khoan khoái, phấn chấn và an ủi, khiến anh ta quên hết mệt mỏi, có thể biến mảnh ruộng lam lũ của mình thành vườn hoa ngát hương. Sứ mệnh của câu chuyện dân gian là làm cho nơi làm việc của bác thợ thủ công cùng chiếc gác trọ như cái chòi lạnh lẽo của chú thợ học nghề mỏi mệt bất kham thành thế giới của thơ và toà cung điện bạc vàng, để có thể hình dung người tình ẻo lả của mình thành một nàng công chúa xinh đẹp” (Truyện dân gian Đức).

Hai là sự mở rộng và nâng cao tâm hồn và nhân cách bởi những tình cảm đạo đức của tác phẩm, về điều này Điđơrô có đưa ra một khái quát: “Chỉ có trong rạp kịch, nước mắt của người tốt kẻ xấu mới chan hoà được. Chỉ có ở đây, kẻ xấu...mới có thể tỏ ra căm ghét một nhân vật có tính cách như mình...kẻ xấu đó ra khỏi rạp, đã có thể phần nào không chạy theo làm điều ác như thế nữa”. Đây hiển nhiên là bàn về sân khấu, nhưng kịch bản của nó lại chính là văn học.

3. Bừng tỉnh

Trên cơ sở của sự đồng cảm và thanh lọc, nếu người đọc tiếp tục suy ngẫm, kết hợp chân lí của tác phẩm, liên hệ với thế thái nhân tình, bỗng nhận ra thêm một khía cạnh nào đó về triết lí có ý vị nhân sinh, thì đó là bừng tỉnh. Hãy lấy một ví dụ rất đơn giản về một bài ca dao:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lạì chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”​

Ta đồng cảm trước vẻ đẹp thanh khiết của sen. Ta được “thanh lọc” nếu cảm thấy quả là bản thân có hơi “đen vì gần mực”. Trên cơ sở đó, người đọc tiếp tục nghiền ngẫm trực diện với nhân tình thế thái, thì rất có thể bừng tỉnh nhận ra rằng: cây cỏ kia, mà còn được như vậy, huống chi con người sống trên cõi đời phức tạp này, nếu có ý chí và quyết tâm thì không những cần thiết, mà còn hoàn toàn có thể bảo toàn khí tiết và nhân cách của mình trong cảnh trần ai không bao giờ hết rác bụi này. Đọc hai câu thơ rất đỗi dung dị của Lý Bạch, nếu nghiền ngẫm thì sẽ cảm nhận được những ý vị sâu sắc gợi ra từ đó:

“Kim nhân bất kiến cổ thời nguyệt
Kim nguyệt dĩ tằng kiến cổ nhân”

(Người nay không thấy được mảnh trăng xưa
Nhưng trăng nay thì đã thấy được người xưa)

Thì ra đối diện với một yếu tố, mà rất có thể là một yếu tố rất nhỏ nhoi của vũ trụ bao la, đời người chỉ là thoáng chốc. Cho nên, khôi hài thay cho những ai muốn lưu danh thiên cổ. Tất nhiên, cũng có những vĩ nhân để mãi tiếng thơm cho đời sau, nhưng chính họ lại là những người hơn ai hết, chỉ biết sống sao cho xứng đáng, lo cứu đời và cứu người trước mắt mà thôi. Hãy đọc thêm đoạn văn sau đây của Pascan: “Khi tôi xem xét cái khoảnh khắc nhỏ bé của đời tôi chơi vơi trong cái vĩnh viễn trước kia và sau này, cái không gian nhỏ bé mà tôi choán lấy, tôi nhìn thấy, chìm sâu trong không khí vô tận của những không gian mà tôi không biết và nó không biết tôi, thì tôi rất hoảng hốt và ngạc nhiên rằng tại sao mình ở đây mà không phải ở kia. Bởi vì không hề có lí do nào cắt nghĩa tại sao mình lại không ở nơi kia, tại sao là bây giờ mà không phải là lúc khác. Ai đặt tôi vào đây” (Hai cõi vô cực).

Quả vậy, con người cũng chỉ là một sinh mệnh rất đỗi ngẫu nhiên trong vũ trụ bao la với không gian, thời gian vô cùng vô tận này. Cũng không cần phải liên tưởng đâu xa: mẹ mình yêu người khác hiển nhiên là không có mình; bố mình yêu người khác cũng vậy; bố mẹ mình lấy nhau, ái ân trong lúc khác, cũng sẽ không phải mình. Nói thế để thấy những tư tưởng “tự kỉ trung tâm”, hoặc “tự sùng bái” là buồn cười. Rồi những thói hám danh hám lợi, chạy vạy, bon chen, luồn cúi, lúc cần lại thẳng tay làm hại người khác, chẳng qua là đóng những vai hề sống sượng đáng phỉ nhổ...

Những kiệt tác, sản phẩm tinh thần của những đại văn hào kiêm tư tưởng gia, vốn ẩn tàng những chân lí sâu sắc về cuộc đời, chỉ cố công là phát hiện ra được. Ví dụ Phauxt của Gớt hàm chứa những lớp nghĩa rất đa dạng nhưng nếu ai nghiên cứu sâu, cũng đều phát hiện ra điều này: càng dấn thân vào cuộc sống thì càng được bù đắp và hưởng thụ. Tuy nhiên, nói chung, bừng tỉnh thấm đượm tính tích cực sáng tạo rõ nhất trong hoạt động tiếp nhận. Chính ở đây thường bộc lộ những điều mà chưa chắc vốn tác giả đã nghĩ như vậy, và cũng do đó sự “bừng tỉnh” vẫn rất khác nhau ở mỗi người, là điều dễ hiểu.

4. Ghi tạc

Ghi tạc tức là ghi lòng tạc dạ, nhớ đời. Ghi tạc ở đây không hề là một cấp độ cao hơn, mà chỉ là chiều sâu hơn. Cũng có thể chỉ là đồng cảm thanh lọc và bừng tỉnh đó thôi, nhưng vì xúc động mãnh liệt, để lại ấn tượng sâu sắc mãi không phai mờ, thì đó là ghi tạc. Tất nhiên đã đồng cảm, thanh lọc, bừng tỉnh, thì cũng không thể chóng quên, nhưng ghi tạc thi lâu bền hơn. Cũng tất nhiên độ lâu bền của ghi tạc vẫn có thể khác nhau tuỳ trường hợp cụ thể, và “nhớ đời” cũng chỉ là một cách nói, chứ trên cõi đời này, rất hiếm thấy những cái gì vĩnh viễn. Cũng không cần phải nói hiệu quả “ghi tạc” này chỉ có thể xảy ra trong việc đọc những kiệt tác. Lương Khải Siêu nói: “Độc Hồng lâu cánh giả, tất hữu dư luyến, dư bi; Độc Thuỷ hử cánh giả, tất hữu dư khoái, dư nộ” (Luận tiểu thuyết dữ quân trị chi quan hệ)” - (Người đọc Hồng lâu mộng tất sẽ có niềm thương đau và buồn lưu lại mãi, kẻ đọc trọn Thuỷ hử thì tất sẽ lưu lại mãi sự khoái trá và giận dữ).

Những “dư luyến”, “dư bi”, “dư khoái”, “dư nộ” này chính là những hiện tượng ghi tạc. Đọc Một trái tim thuần phác của G. Phlôbe, M. Gorki sửng sốt cảm thấy như có một ma lực huyền bí trong đó, đã toan mấy lần “như một kẻ mông muội, máy móc giở những trang sách sáng rọi lên ánh sáng rồi soi nhìn, phảng phất như thể từ những hàng chữ có thể mò đoán được những phương pháp ma thuật trong đó”. Chuyện ghi tạc này, không tất yếu mãnh liệt nhất ở các nhà văn nhưng dễ tìm thấy chứng cớ nhất ở họ, bởi vì những ấn tượng sâu sắc không phai mờ khi đọc những tác phẩm của người khác, thường ít nhiều để lại dấu ấn trong sáng tác về sau của họ. Rên xiết dưới vó ngựa xâm lăng của giặc Mông - Nguyên, đời Nam Tống bên Trung Quốc ở miền Giang Nam có xuất hiện một bài dân ca nói lên tình cảnh của người dân chạy loạn phiêu bạt nơi đầu đường xó chợ:

“Nguyệt tử ung ung chiếu cửu châu
Kỉ gia hoan lạc, kỉ gia sầu
Kỉ gia phu phụ đồng la trướng
Kỉ cả phiêu linh tại ngoại đầu”.

Bài dân ca bỗng sống lại, được phổ nhạc và lan truyền rộng rãi thời kháng Nhật, tức là những năm tháng Bác thường qua lại ở Trung Quốc. Có lẽ cũng như mọi người chắc Bác rất xúc động trước tứ thơ giản dị nhưng khái quát và sâu lắng này, và cái ấn tượng đó đã để lại dấu ấn trong bài Trung thu.

“Trung thu, thu nguyệt viên như kính,
Chiếu diện nhân gian bạch tựa ngân.
Gia Lý đoàn viên ngật thu tiết
Bất vong ngục lí ngật sầu nhân”

Để kết thúc vắn tắt, cần lưu ý rằng những hiện tượng như đồng cảm, thanh lọc, bừng tỉnh, ghi tạc ở đây chỉ là vạch ra những trạng thái tâm lí trong tiếp nhận mang tính chất trung tính, bởi vì người đọc vẫn có thể, chẳng hạn đồng cảm, thanh lọc, bừng tỉnh, ghi tạc bởi những tác phẩm bi luỵ, phản nhân văn, phản tiến hoá. Cho nên, đổi mới thì phải đi sâu vào thế giới nghệ thuật, và càng đi sâu, thì càng thăm thẳm nhưng đừng bao giờ song hành với cái động cơ “giải trừ ý thức hệ”, “phi tư tưởng hoá”, “phi đạo đức hoá”.


(Sưu tầm tổng hợp)​
 
Từ khóa
diễn biến của quá tình tiếp nhận lí giải và ngộ nhận quá trình tiếp nhận sáng tác và tiếp nhận tái hiện để tái tạo tâm thế tiếp nhận tầm đón nhận tiếp nhận văn học
  • Like
Reactions: Vanhoctre
990
1
2

Bông Điên Biển

Thành Viên
22/8/22
32
18
8,000
37
forum.vanhoctre.com
Xu
10,978
Bài viết rất hay. Rất hữu ích cho sinh viên chuyên ngành văn học Việt Nam, hữu ích cho học sinh ôn thi học sinh giỏi các cấp
 
  • Like
Reactions: Hoàng Cung

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top