Soạn bài Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc

Văn biểu cảm về con người hoặc sự việc là loại văn giúp ta có thể bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình khi gặp một đối tượng hoặc sự việc nào đó. Bài Soạn bài Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc - Kết nối tri thức Ngữ văn 7 tập 1 sẽ giúp các bạn thực hiện trước các bài tập ở nhà để có phần tiếp thu bài học trên lớp được tốt nhất.

Soạn bài Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc​

Soạn bài Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc.png

* Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc:​

- Có nhiều con người, sự việc xung quanh để lại cho ta những tình cảm, ấn tượng sâu sắc.
- Tình cảm đó cứ lớn dần trong ta, làm cho ta sống sâu sắc hơn.
- Trong bài học này, em sẽ được luyện tập phát triển kĩ năng viết bài văn biểu cảm bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của mình về những con người hoặc sự việc như vậy.

* Yêu cầu đối với bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc:​

- Giới thiệu được đối tượng biểu cảm (con người hoặc sự việc) và nêu được ấn tượng ban đầu về đối tượng đó.
- Nêu được những đặc điểm nổi bật khiến người, sự việc đó để lại tình cảm, ấn tượng sâu đậm trong em.
- Thể hiện được tình cảm, suy nghĩ đối với người hoặc sự việc được nói đến.
- Sử dụng ngôn ngữ sinh động, giàu cảm xúc.

* Phân tích bài viết tham khảo​

- Văn bản: Người phụ nữ hết lòng làm thiện nguyện
+ Bài văn được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng “em”)
+ Nội dung: kể về một người phụ nữ hết lòng làm thiện nguyện (bà Nhung)
+ Giới thiệu câu chuyện: Đoạn đầu đã giới thiệu: “Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách là một truyền thống tốt đẹp ...”
+ Đối tượng biểu cảm: bà Nguyễn Thị Nhung
+ Đặc điểm nổi bật của đối tượng:
Bà Nhung 57 tuổi, hiện đang sống tại một căn nhà nhỏ trên phố Văn Miếu, làm bán hàng
Dù điều kiện sống không dư giả nhưng bà luôn chia sẻ với những mảnh đời cơ cực: bà cưu mang những mảnh đời khó khăn suốt 30 năm, bà tham gia thiện nguyện, trao quà cho người dân miền núi, ...
+ Cảm xúc của người viết về đối tượng biểu cảm: cảm phục, kính trọng

* Thực hành viết theo các bước:​

1. Trước khi viết:​

a. Lựa chọn đề tài​

- Có thể tham khảo một vài ý tưởng sau đây:
+ Cảm nghĩ về người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, bạn, thầy, cô...).
+ Cảm nghĩ về một sự việc khiến em cảm động
+ Cảm nghĩ về một sự việc khiến em ấn tượng

Ví dụ: Cảm nghĩ về người cha thân yêu của em

b. Tìm ý​

Học sinh tự trả lời các câu hỏi: Ví dụ
- Cha của em làm nghề gì? Ngoại hình cha như thế nào? Cha em bao nhiêu tuổi?
- Cha của em là người như thế nào?
- Vai trò của người cha trong gia đình em?
- Tình cảm của em dành cho cha như thế nào?

c. Lập dàn ý​

1. Mở bài​

Giới thiệu về người cha, cũng như tình cảm dành cho cha của mình.

2. Thân bài​

- Vai trò của người cha:
+ Người cha đóng vai trò trụ cột, thường quyết định những việc quan trọng trong gia đình; là chỗ dựa về vật chất lẫn tinh thần của gia đình.
+ Cha kèm cặp, dạy dỗ, truyền kinh nghiệm sống và nâng đỡ các con trên bước đường tạo dựng sự nghiệp.

- Cảm nghĩ của em về người cha thân yêu:
+ Cha em chỉ là một người thợ bình thường, quanh năm vất vả với công việc. Đức tính nổi bật của cha là cần cù, chịu khó, hết lòng vì gia đình.
+ Cách dạy con của cha rất giản dị: Nói ít làm nhiều, lấy lời nói, hành động của mình làm gương cho các con. Thái độ của cha cởi mở, dễ gần, bao dung nhưng cũng rất nghiêm khắc.
+ Các con kính yêu, quý mến và tin tưởng ở cha, cố gắng chăm ngoan, học giỏi để cha vui lòng.

3. Kết bài​

Khẳng định lại tình cảm dành cho người cha, cũng như mong muốn của bản thân.

Bài văn mẫu tham khảo:​


“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Bên cạnh tình mẫu tử thiêng liêng, còn có tình phụ tử sâu nặng. Công cha không kém phần so với nghĩa mẹ. Người cha giống như một điểm tựa vững chắc của mỗi đứa con, với em cũng vậy.

Cha của em là một người cha tuyệt vời. Làn da của cha rám nắng bởi hàng ngày phải làm việc nhiều dưới ánh nắng mặt trời. Mọi người thường nói em rất giống cha ở khuôn mặt nhỏ nhắn, vầng trán cao, đôi mắt đen láy và hiền từ. Giọng nói của cha trầm và nụ cười ấm áp khiến em luôn cảm thấy hạnh phúc khi được gần bên cha. Đôi bàn tay của cha thô ráp, em biết đó là những dấu vết của thời gian, của bao vất vả cha đã hi sinh để lo lắng cho chúng em một cuộc sống đủ đầy hơn.

Công việc của cha là một lái xe chở hàng. Đó là một công việc vất vả, hay phải xe nhà. Bởi vậy mà khi có ngày nghỉ, cha lại dành thời gian ở bên gia đình. Cha luôn lo lắng và rất thương hai mẹ con em. Cha luôn dặn em phải chăm chỉ học hành, không được làm mẹ buồn và lo lắng. Mỗi lần đi xa về, cha đều tặng em những món quà nhỏ từ những miền đất nơi cha đã từng đi qua. Em rất thích thú khi được nghe cha kể về quê hương đất nước Việt Nam vô cùng tươi đẹp và rộng lớn. Câu chuyện mà cha kể giúp em có động lực để cố gắng hơn trong cuộc sống.

Thỉnh thoảng, cha được nghỉ phép dài ngày. Lúc đó, cha sẽ đưa cả gia đình đi chơi. Em cảm thấy rất hạnh phúc khi được ở bên cạnh cha mẹ. Không chỉ vậy, cha cũng dạy em rất nhiều điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Cha của em giống như người thầy với những lời khuyên bổ ích, người cho em động lực và niềm tin để vượt qua mọi giây phút buồn vui.

Đối với em, cha không chỉ là một người cha, mà còn là một người thầy. Em luôn dành cho cha sự kính trọng, yêu mến. Cha mãi là điểm tựa của hai mẹ con em.

2. Viết bài​

- Chú ý bám sát dàn ý

3. Chỉnh sửa bài viết​

- Phải bảo đảm yêu cầu về chính tả, diễn đạt

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 Kết nối tri thức với cuộc sống hay nhất, ngắn gọn khác: TẠI ĐÂY
 
Từ khóa Từ khóa
cảm nghĩ về người cha thân yêu của em người phụ nữ hết lòng làm thiện nguyện viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc đối tượng biểu cảm
932
0
1
Trả lời

Dàn ý chung Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc và một số bài mẫu​

1. Dàn ý chung bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc​

1. Mở bài​

Giới thiếu người và sự việc mà em muốn bày tỏ tình cảm, suy nghĩ.
Bày tỏ tình cảm, ấn tượng ban đầu của em về người, sự việc đó.

2. Thân bài​

- Giới thiệu chung:
Người đó là ai? Sự việc đó là gì?
Người hoặc sự việc đó có đặc điểm nào nổi bật?

- Trình bày cảm xúc, suy nghĩ về những đặc điểm nổi bật của người hoặc sự việc:
- Nêu ấn tượng và người hoặc sự việc.

3. Kết bài​

Khẳng định lại tình cảm, suy nghĩ của em đối với người, sự việc được nói tới.

2. Dàn ý biểu cảm về nhân vật hoặc sự việc trong đoạn trích Bạch tuộc​

Mở bài

Nêu tên nhân vật hoặc sự việc trong đoạn trích Bạch tuộc mà em muốn viết bài văn biểu cảm.

Thân bài

Lần lượt nêu những cảm xúc và suy nghĩ từ khái quát đến các biểu hiện cụ thể.

Ví dụ:

+ Nêu ấn tượng và cảm xúc chung về nhân vật hoặc sự việc (ví dụ: cảm phục, ngưỡng mộ thuyền trưởng Nê-mô; cảm nghĩ về Giáo sư A-rôn-nác - nhân vật xưng “tôi” trong truyện hoặc cảm xúc về trận chiến với bạch tuộc).

+ Nêu các biểu hiện cụ thể của tình cảm, suy nghĩ về con người hoặc sự việc, chẳng hạn:

• Theo em, thuyền trưởng Nê-mô là người dũng cảm và vị tha (kể lại một số chi tiết, hành động, ngôn ngữ, cử chỉ, suy nghĩ,... của ông) hoặc sự việc chiến đấu với đàn bạch tuộc khổng lồ là một cuộc chiến đấu căng thẳng. nguy hiểm và dữ dội (kể tóm tắt lại trận chiến).

• Em cảm phục, ngưỡng mộ vị thuyền trưởng có lòng dũng cảm và luôn vì người khác hoặc trận chiến với bạch tuộc đã để lại trong em những ấn tượng và cảm xúc tự hào về sức mạnh của con người trước biển cả.

+ Rút ra bài học từ nhân vật hoặc sự việc vừa nêu.

Kết bài

Khẳng định lại ấn tượng, cảm xúc, suy nghĩ của em về con người hoặc sự việc được nói đến trong bài văn.

3. Bài văn biểu cảm về nhân vật hoặc sự việc trong đoạn trích Bạch tuộc​

Trong đoạn trích Bạch tuộc, em ấn tượng nhất là thuyền trưởng Nê-mô, một người vừa có vẻ đẹp của thể lực lẫn tinh thần.

Thuyền trưởng Nê-mô trong đoạn trích Bạch tuộc hiện lên là một người sẵn sàng chiến đấu với lũ bạch tuộc, nói cách khác, ông là một người quyết đoán, gan dạ. Ông đã sẵn sàng chiến đấu với những con bạch tuộc bằng rìu và đã đã chém đứt các vòi của chúng. Khi Nét Len bị một con bạch tuộc quật ngã, giáo sư A-rôn-nác đã lao tới cứu anh ta. Nhưng Nê-mô đã đến trước giáo sư. Lưỡi rìu của Nê-mô cắm phập vào mồm quái vật, và thế là Nét thoát chết trong gang tấc. Ở chi tiết này, có thê thấy sức mạnh cùng sự nhanh nhẹn của một thuyền trưởng. Phải có sức khỏe về thể chất, Nê-mô mới có thể sẵn sàng chiến đấu với lũ "quái vật" này và có những hành động vô cùng nhanh như vậy.

Nê-mô không chỉ là một người có vẻ đẹp về thể lực mà còn có cả vẻ đẹp về tinh thần. Vì sao ông phải chiến đấu với lũ bạch tuộc? Đó không chỉ còn là vì lũ bạch tuộc khiến con tàu No-ti-lớt không đi được mà còn vì những con người trên chiếc tàu ấy. Nếu không chiến đấu với lũ bạch tuộc, sẽ không có cơ hội nào để cứu người thủy thủ kia, không có cơ hội nào để cứu Nét Len. Việc Nê-mô chặt đứt vòi bạch tuộc hay rìu của ông cắm phập vào mồm quái vật vừa cho thấy sức mạnh thể chất của ông, nhưng cũng nói lên sự giận dữ của ông với lũ "quái vật" dám động vào những người trên tàu. Nói cách khác, đó là tình cảm giữa người với người, tình cảm của những người đã thân thiết dành cho nhau. Tôi nhớ nhất là chi tiết mắt Nê-mô ứa lệ khi nghĩ về "biển cả vừa nuốt mất một người đồng hương của mình". Tôi ấn tượng bởi đó là sự xúc động của một con người dành cho một con người, của người có quê hương dành cho đồng hương của mình, của một thuyền trưởng dành cho thuyền viên. Tôi còn ấn tượng bởi ông không khóc nức nở, không khóc thành tiếng hay một sự xúc động thái quá. Ở đây, Nê-mô chỉ "ứa nước mắt", những giọt nước mắt của ông cứ trào ra, ông không hề kêu lên hay cố tình thể hiện mà nó là cảm xúc chất chứa đến hồi bộc phát. Chi tiết này là một chi tiết đắt giá nói lên vẻ đẹp tinh thần của Nê-mô.

Nhân vật Nê-mô với sự gan dạ, quyết đoán và tình thương người đã để lại trong tôi sự cảm phục và ngưỡng mộ. Ông cũng cho tôi hiểu về sức mạnh của con người, sức mạnh của tinh thần đồng đội. Chính Nê-mô đã cho tôi biết cách cần phải rèn luyện bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần.

4. Bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc lớp 7​

Những ngày tết, khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam xinh tươi như được khoác lên mình một chiếc áo mới. Tết đến đem theo những hy vọng về một năm mới may mắn, tốt đẹp hơn.

Mùa xuân đến, Tết đã gõ của mọi nhà, niềm vui nhân đôi, hạnh phúc bội phần. Trẻ em háo hức mong chờ Tết đến. Người lớn lại bận rộn chuẩn bị cho Tết. Thời tiết ngày xuân trở nên ấm áp hơn, những cành đào đang chớm nở. Những lá cờ Tổ quốc được treo cao trên mái ngói đỏ tươi, bay phấp phới giữa bầu trời tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi. Ngoài đường người đi mua sắm tấp nập. Tiếng cười nói, bán mua cho một cái tết đủ đầy vang lên đầy ắp những đường ngõ. Mấy đứa trẻ con nô đùa quanh những hàng bán pháo bông. Em cảm thấy không khí ngày tết thật tuyệt vời biết bao.

Chiều ba mươi Tết, cả nhà quây quần bên bữa cơm tất niên. Vào khoảnh khắc giao thừa, mọi người đều hân hoan trong niềm vui, hạnh phúc cho một khởi đầu “An khang thịnh phượng” hay “Vạn sự như ý”. Những ngày tết thật hạnh phúc khi cả gia đình được quây quần bên nha. Sáng mùng một, em theo bố mẹ sang chúc Tết ông bà nội ngoại. Em được ông bà mừng tuổi cho những phong bao lì xì đỏ thắm với lời chúc học giỏi. Ngày Tết là dịp để mọi người trong gia đình được gần gũi nhau hơn.

Không khí ấm áp của ngày tết cổ truyền khiến em cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Em tin chắc rằng sau này dù đất nước có phát triển đến đâu thì người dân Việt Nam vẫn sẽ giữ gìn được những nét đẹp của dịp Tết cổ truyền dân tộc.
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.