Sang thời kì trung đại, văn thơ trào phúng bắt đầu được ghi nhận từ thế kỷ thứ XIII. Nguồn gốc của sự xuất hiện ngày càng nhiều những tác phẩm trào phúng chính là hoàn cảnh xã hội đương thời.
Từ thế kỷ XIII trở về sau, dù các triều đại phong kiến có thời điểm phát triển cực thịnh thế nhưng xã hội còn nhiều nhiễu nhương, bọn quan lại lộng quyền ra sức vơ vét bóc lột nhân dân. Những đấng minh quân thương dân như con đỏ thưa thớt dần. Thay vào đó là những vị vua chúa bất tài, nhu nhược, không quan tâm đến đời sống dân nghèo. Trước thực tế xã hội còn nhiều nhiễu nhương, đời sống văn học xuất hiện nhiều nhà nho chân chính, đứng về phía nhân dân mà nói lên tiếng nói phản kháng như Nguyễn Biểu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương,...Trong sáng tác của mình, các nhà nho đã kín đáo châm biếm những biểu hiện tiêu cực xuất phát từ các đối tượng ông quan, ông vua.
Một trong những tác phẩm thơ trào phúng được ghi nhận sớm nhất có thể kể đến là bài Con mèo (Môn cầm thú) của nhà thơ Nguyễn Trãi, trích trong Quốc âm thi tập: Lọ vằn sinh bởi mãi phương Tây/ Phụng sự Như Lai trộm phép thầy/ Hơn chó được ngồi khi mặt bếp/ Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây/ Đi nào kẻ cấm buồng the kín/ Ăn đợi ai làm bàn soạn đầy/ Khó lẫn sang chăng nỡ phụ/ Nhân chưng giận chuột phải nuôi mày. Nguyễn Trãi đã miêu tả chân thật sinh động về loài mèo. Con mèo này thường có thói quen leo lên bàn thờ phật Như Lai. Chúng có biệt tài leo cây và thường luồn lách mọi ngóc ngách. Mượn hình ảnh con mèo, nhà thơ đã ám dụ đến hình ảnh của những tên quan vô liêm sỉ, cậy thế cậy quyền mà ăn trên ngồi trước, ức hiếp người vô tội.
Cũng mượn hình ảnh loài gặm nhấm để vạch mặt lũ ông quan, trong bài Tăng thử, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: Loài chuột cống kia sao bất nhân đến thế/ Cứ ngấm ngầm ăn vụng ăn trộm/ Ngoài đồng chỉ còn túm rơm khô/ Trong kho cũng chả còn hạt thóc sót/ (...) Tất nhiên rồi thiên hạ sẽ giết mi/ Đem thây phơi xác trong triều ngoài chợ/ Cho loài quạ loài diều mổ rỉa thịt mi. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mượn hình ảnh của loài chuột phá hoại để lên tiếng đả kích bọn tham quan ô lại chuyên sống bằng sự nhũng nhiễu áp bức, vơ vét tài vật của nhân dân lao động. Có thể nói, giống như tiếng cười trong văn học dân gian, thơ trào phúng của văn học viết thường tập trung trào phúng các đối tượng là những ông vua sống xa hoa trụy lạc, những ông quan biến chất, ti tiện.
Bên cạnh đó, thơ trung đại từ nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước còn lên án châm biếm, đả kích bọn con buôn, bọn thầy phong thủy và thầy địa lí biến chất, những kẻ có bản chất xấu xa trong xã hội. Một trong những tác phẩm có nội dung trào phúng vừa nêu là bài Kiếp tu hành của Hồ Xuân Hương: Cái kiếp tu hành nặng đá đeo/ Vị gì một chút tẻo tèo teo?/ Thuyền từ cũng muốn về Tây trúc/ Trái gió cho nên phải lộn lèo! Nữ sĩ đã nhìn từ góc nhìn của người bình dân để lên án, tố cáo những kẻ gian manh xảo trá đội lốt tu hành. Chúng vào cửa thiền môn chỉ để kiếm chút danh vị hão huyền “tẻo tèo teo”. Chưa thể thoát khỏi những ham muốn trần tục, vì thế những vị “sư hổ mang” cũng muốn về nơi Phật ngự. Thế nhưng vì “trái gió” nên sư ta “phải lộn lèo” trở về nơi trần tục. Vì thế, có thể khẳng định rằng, dù là nữ lưu nhưng Xuân Hương đã dũng cảm lên tiếng phản ánh gay gắt những trái tai gai mắt trong xã hội. Bà đã không ngần ngại lên án, đả kích hạng người cơ hội. Chúng lợi dụng chốn thiền môn để tư lợi cho riêng mình. Đối với bọn người này, Hồ Xuân Hương đã “đá xéo” bằng các cụm từ “đá đeo”, “trái gió”, “lộn lèo” để hạ bệ chúng không thương tiếc.
Ngoài đối tượng trào phúng là bọn người xấu xa gian ác trong xã hội, thơ trào phúng từ nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước của văn học trung đại còn ghi nhận thêm một đối tượng đặc biệt. Đó là thế lực đồng tiền. Nguyễn Công Trứ với chất trào lộng dí dỏm tự nhiên đã tố cáo sức mạnh ma quái của đồng tiền: Đương đồ ai chẳng chuộng gia huynh/ Thù thế phải lấy làm đệ nhất/ Tiếng xủng xẻng đầy trong trời đất/ Thần cũng thông huống nữa là ai/ Long Đồ nghĩ cũng nực cười (Vịnh đồng tiền). Bài hát nói đã tả rất chân thực sức mạnh hô mưa gọi gió, xui ma gọi quỷ của đồng tiền. Chính đồng tiền đã gián tiếp tạo ra nhiều bọn quan tham quan nhũng. Cũng chính đồng tiền đã làm biết bao nhiêu gia đình phải nhà tan cửa nát. Chẳng những thế, Nguyễn Công Trứ đã vạch trần mặt trái của xã hội kim tiền. Các vị “đương đồ” cao thấp trong triều cho đến hương chức làng xã đều chuộng đồng tiền và xem tiền chính là “gia huynh”. Sự biến chất của quan lại cũng từ đồng tiền mà ra. Đến thần thánh “cũng thông” khi có tiền. Cả Bao Thanh Thiên đời Tống cũng có lần dùng tiền để giải quyết công việc cho xuôi. Vì vậy, dù Nguyễn Công Trứ đang tố cáo sức mạnh của đồng tiền thế nhưng người đọc vẫn nhận ra ẩn ý của tác giả khi hướng đối tượng mà đồng tiền sai khiến là tầng lớp quan lại. Nói cách khác, bài hát nói đã đả kích mạnh mẽ vào bản chất tham tiền của bọn quan lại trong thời đại mà ông đang sống.
Có thể khẳng định rằng, từ thực tế xã hội còn nhiều những trái ngang, người dân vô tội luôn là lớp người bị bọn tham quan, bọn có chức có quyền chèn ép sâu mọt, văn học trung đại Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều những tác phẩm thơ trào phúng. Lúc đầu, sắc thái châm biếm còn khá mờ nhạt dần về sau càng thể hiện rõ. Đến giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ XIX, thơ trào phúng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng trở thành một dòng riêng, có vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ tiến trình văn học sử.
...................
Triều Anh
Từ thế kỷ XIII trở về sau, dù các triều đại phong kiến có thời điểm phát triển cực thịnh thế nhưng xã hội còn nhiều nhiễu nhương, bọn quan lại lộng quyền ra sức vơ vét bóc lột nhân dân. Những đấng minh quân thương dân như con đỏ thưa thớt dần. Thay vào đó là những vị vua chúa bất tài, nhu nhược, không quan tâm đến đời sống dân nghèo. Trước thực tế xã hội còn nhiều nhiễu nhương, đời sống văn học xuất hiện nhiều nhà nho chân chính, đứng về phía nhân dân mà nói lên tiếng nói phản kháng như Nguyễn Biểu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương,...Trong sáng tác của mình, các nhà nho đã kín đáo châm biếm những biểu hiện tiêu cực xuất phát từ các đối tượng ông quan, ông vua.
Một trong những tác phẩm thơ trào phúng được ghi nhận sớm nhất có thể kể đến là bài Con mèo (Môn cầm thú) của nhà thơ Nguyễn Trãi, trích trong Quốc âm thi tập: Lọ vằn sinh bởi mãi phương Tây/ Phụng sự Như Lai trộm phép thầy/ Hơn chó được ngồi khi mặt bếp/ Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây/ Đi nào kẻ cấm buồng the kín/ Ăn đợi ai làm bàn soạn đầy/ Khó lẫn sang chăng nỡ phụ/ Nhân chưng giận chuột phải nuôi mày. Nguyễn Trãi đã miêu tả chân thật sinh động về loài mèo. Con mèo này thường có thói quen leo lên bàn thờ phật Như Lai. Chúng có biệt tài leo cây và thường luồn lách mọi ngóc ngách. Mượn hình ảnh con mèo, nhà thơ đã ám dụ đến hình ảnh của những tên quan vô liêm sỉ, cậy thế cậy quyền mà ăn trên ngồi trước, ức hiếp người vô tội.
Cũng mượn hình ảnh loài gặm nhấm để vạch mặt lũ ông quan, trong bài Tăng thử, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: Loài chuột cống kia sao bất nhân đến thế/ Cứ ngấm ngầm ăn vụng ăn trộm/ Ngoài đồng chỉ còn túm rơm khô/ Trong kho cũng chả còn hạt thóc sót/ (...) Tất nhiên rồi thiên hạ sẽ giết mi/ Đem thây phơi xác trong triều ngoài chợ/ Cho loài quạ loài diều mổ rỉa thịt mi. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mượn hình ảnh của loài chuột phá hoại để lên tiếng đả kích bọn tham quan ô lại chuyên sống bằng sự nhũng nhiễu áp bức, vơ vét tài vật của nhân dân lao động. Có thể nói, giống như tiếng cười trong văn học dân gian, thơ trào phúng của văn học viết thường tập trung trào phúng các đối tượng là những ông vua sống xa hoa trụy lạc, những ông quan biến chất, ti tiện.
Bên cạnh đó, thơ trung đại từ nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước còn lên án châm biếm, đả kích bọn con buôn, bọn thầy phong thủy và thầy địa lí biến chất, những kẻ có bản chất xấu xa trong xã hội. Một trong những tác phẩm có nội dung trào phúng vừa nêu là bài Kiếp tu hành của Hồ Xuân Hương: Cái kiếp tu hành nặng đá đeo/ Vị gì một chút tẻo tèo teo?/ Thuyền từ cũng muốn về Tây trúc/ Trái gió cho nên phải lộn lèo! Nữ sĩ đã nhìn từ góc nhìn của người bình dân để lên án, tố cáo những kẻ gian manh xảo trá đội lốt tu hành. Chúng vào cửa thiền môn chỉ để kiếm chút danh vị hão huyền “tẻo tèo teo”. Chưa thể thoát khỏi những ham muốn trần tục, vì thế những vị “sư hổ mang” cũng muốn về nơi Phật ngự. Thế nhưng vì “trái gió” nên sư ta “phải lộn lèo” trở về nơi trần tục. Vì thế, có thể khẳng định rằng, dù là nữ lưu nhưng Xuân Hương đã dũng cảm lên tiếng phản ánh gay gắt những trái tai gai mắt trong xã hội. Bà đã không ngần ngại lên án, đả kích hạng người cơ hội. Chúng lợi dụng chốn thiền môn để tư lợi cho riêng mình. Đối với bọn người này, Hồ Xuân Hương đã “đá xéo” bằng các cụm từ “đá đeo”, “trái gió”, “lộn lèo” để hạ bệ chúng không thương tiếc.
Ngoài đối tượng trào phúng là bọn người xấu xa gian ác trong xã hội, thơ trào phúng từ nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước của văn học trung đại còn ghi nhận thêm một đối tượng đặc biệt. Đó là thế lực đồng tiền. Nguyễn Công Trứ với chất trào lộng dí dỏm tự nhiên đã tố cáo sức mạnh ma quái của đồng tiền: Đương đồ ai chẳng chuộng gia huynh/ Thù thế phải lấy làm đệ nhất/ Tiếng xủng xẻng đầy trong trời đất/ Thần cũng thông huống nữa là ai/ Long Đồ nghĩ cũng nực cười (Vịnh đồng tiền). Bài hát nói đã tả rất chân thực sức mạnh hô mưa gọi gió, xui ma gọi quỷ của đồng tiền. Chính đồng tiền đã gián tiếp tạo ra nhiều bọn quan tham quan nhũng. Cũng chính đồng tiền đã làm biết bao nhiêu gia đình phải nhà tan cửa nát. Chẳng những thế, Nguyễn Công Trứ đã vạch trần mặt trái của xã hội kim tiền. Các vị “đương đồ” cao thấp trong triều cho đến hương chức làng xã đều chuộng đồng tiền và xem tiền chính là “gia huynh”. Sự biến chất của quan lại cũng từ đồng tiền mà ra. Đến thần thánh “cũng thông” khi có tiền. Cả Bao Thanh Thiên đời Tống cũng có lần dùng tiền để giải quyết công việc cho xuôi. Vì vậy, dù Nguyễn Công Trứ đang tố cáo sức mạnh của đồng tiền thế nhưng người đọc vẫn nhận ra ẩn ý của tác giả khi hướng đối tượng mà đồng tiền sai khiến là tầng lớp quan lại. Nói cách khác, bài hát nói đã đả kích mạnh mẽ vào bản chất tham tiền của bọn quan lại trong thời đại mà ông đang sống.
Có thể khẳng định rằng, từ thực tế xã hội còn nhiều những trái ngang, người dân vô tội luôn là lớp người bị bọn tham quan, bọn có chức có quyền chèn ép sâu mọt, văn học trung đại Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều những tác phẩm thơ trào phúng. Lúc đầu, sắc thái châm biếm còn khá mờ nhạt dần về sau càng thể hiện rõ. Đến giai đoạn văn học nửa cuối thế kỷ XIX, thơ trào phúng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng trở thành một dòng riêng, có vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ tiến trình văn học sử.
...................
Triều Anh
Sửa lần cuối: