Dự thi Tết với tôi là...

Dự thi Tết với tôi là...

Có người từng hỏi tôi: “Em nghĩ Tết là gì?” khi tôi tham gia một cuộc phỏng vấn nhỏ về Tết xưa và nay ở một tổ chức tôi tham gia với tư cách tình nguyện viên. Tôi mỉm cười đợi ký ức chạy một vòng về những những ngày Tết khi tôi còn bé:

“Ừm… Tết với em là nhà ạ”.

Nhớ những ngày còn bé, khi chưa rời xa quê để lên thành phố học và làm, Tết hay ngày thường cũng chỉ luôn quanh quẩn với bố mẹ, anh trai cùng vài người bạn hay hàng xóm thân thiết. Chính vì thế nên ai hỏi về Tết những ngày đó, tôi đều sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh chính mình gắn liền với mái nhà cùng người thân đã quá đỗi quen thuộc. Sau, khi xa xứ lên nội độ học hành rồi đi làm, ai hỏi đến Tết, tôi đều nghĩ ngay tới việc khi nào có thể trở về nhà, có thể ở nhà được bao lâu… Nên hóa ra, Tết với tôi chính là nhà, là những ngày được ở nhà và được dành trọn vẹn thời gian của bản thân cho những người thân mà tôi trân quý.

Cứ nhắc đến Tết, dù những ngày xưa cũ hay bây giờ, tôi đều thấy ngổn ngang những nỗi niềm khó tả…

Ngày còn nhỏ xíu, Tết là những buổi sáng mưa phùn lấm tấm, mẹ đội cho tôi chiếc mũ vành mùa vàng úa, đặt tôi ngồi ở ghế gỗ được gắn trước khung xe đạp của bố, cùng bố mẹ ra chợ Tết sắm đồ. Bấy giờ, anh trai sẽ đi bộ hoặc nhảy nhờ xe đứa bạn hàng xóm, ì ạch chạy theo phía sau. Nói là đi sắm Tết, chứ bấy giờ tôi nhớ nhà chẳng có mấy đồng, nên hầu như ai cho gì thì quý thì xin, còn mua được nải chuối xanh đặt ban thờ hay miếng thịt gói bánh đã là cố gắng lắm rồi.

Rồi lớn hơn chút, ấy là những ngày học tiểu học, Tết là bộ quần áo mới mẹ tự cắt may hoặc mặc cả hết hơi từ hàng quần áo cô quen của cô Hằng ngoài chợ; là đôi quai hậu mới tinh bằng vải không nhãn hiệu màu be; là toàn những thứ vật chất mới để diện lên mình trong suốt mấy ngày Tết. Cứ đúng sáng mùng 1, được mẹ tết cho hai bím tóc nhỏ xíu hai bên, diện bộ quần áo mới, nắm tay anh trai xoay mấy vòng trước gương rồi cười tươi rói, đứa này khen đứa kia đẹp, thế là vui suốt mấy ngày. Tối về, tắm rửa, treo gọn bộ đồ đó lên, để sáng mùng 2 lại diện lại. Nghĩ lại mới thấy, hóa ra hiện thực mua đến mấy bộ đồ để mặc một ngày cũng chỉ vì để khỏa lấp đi sự thiếu thốn từ những ngày đã cũ mà thôi…

Khi lên trung học, bắt đầu nhận thức được giá trị của đồng tiền trong cuộc sống sau khi tận mắt chứng kiến bố mẹ vất vả đi làm từ sáng đến tối mịt mà chỉ đủ cho bốn miệng ăn, đủ để lo hai anh em không bị chậm học phí, lúc bấy giờ háo hức mong Tết vì được nhận tiền lì xì. Có tiền lì xì để nuôi lợn đất làm “tài sản” riêng, với niềm tin là sau vài mùa Tết, bản thân sẽ tích cóp được ít nhiều. Nhưng quà vặt của mấy hàng rong trước cổng trường hay mấy món đồ sổ, bút xinh xắn ở tiệm tạp hóa bên cạnh sân vận động lại khiến niềm tin đó lung lay chỉ sau vài tháng, bắt đầu lén bố mẹ gắp tiền từ lợn đất để “tiêu”. Sự tồn tại của lợn đất dần mất giá trị, lâu dần cũng đi theo niềm háo hức với việc được nhận lì xì Tết.

Qua giai đoạn bồng bột những ngày đang lớn và chưa biết lo xa, Tết của những ngày học phổ thông lại quay vòng trở lại với vật chất thực tế như khi còn nhỏ xíu, chỉ khác là gia cảnh đã không còn quá túng quẫn như ngày xưa. Bấy giờ, Tết được mẹ cho đi làm tóc mới, được mua ba bộ đồ để diện cho ba ngày Tết là thấy vui vẻ và “yên tâm” lắm rồi. Thậm chí, còn để ý ngoại hình tới mức nhìn ra có đứa bạn cùng lớp được đi làm móng tay hay nhuộm tóc đủ màu. Tết khi đó đã thoải mái hơn với váy áo xúng xính, nhưng lại là những mùa Tết áp lực nhất trong cuộc đời của một đứa học sinh, khi mà những kỳ thi lớn đang xếp hàng chờ sẵn sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết.

Đấy, nghĩ lại thì Tết của những ngày nhỏ chỉ toàn hình ảnh bản thân được bố mẹ dung dướng như thế nào. Tết của những ngày nhỏ vì luôn gần gũi với gia đình nên sẽ chỉ nghĩ đến bản thân mình trước nhất. Dù đã đủ đầy hay chưa bằng lòng một chút, thì tôi tin rằng đó là những mùa Tết “dễ dàng” nhất trong cuộc đời tôi vì đã có bố mẹ chống đỡ mọi thứ trên cuộc đời này giúp tôi. Không phải tự nhiên mà tôi có thể thảnh thơi nghĩ cho chính mình nhiều như thế, chỉ là vì bố mẹ đã thay tôi gồng gánh hết những khó khăn mà có khi tôi còn không nhìn thấy mà thôi.

Ở những năm tháng trưởng thành, khi rời xa vòng tay yêu thương của bố mẹ để đi học rồi đi làm ở nội đô cách quê nhà mấy chục km, tôi đã hiểu được phần nào những bộn bề lo toàn mà bố mẹ đã thay tôi gánh vác. May mắn, bố mẹ cũng đã chịu “nhường” lại cho tôi một phần lắng lo cho cuộc sống của chính bản thân tôi để tôi trân trọng hơn giá trị của cuộc sống vốn không có gì là dễ dàng này. Tôi cũng hiểu rằng, việc xa gia đình quá lâu khiến tâm hồn tôi khắc khoải tới nhường nào, dù có dịp về nhà vào cuối tuần ngắn ngủi, cũng chẳng thể làm yên lòng đứa trẻ đã trót quen với sự gần gũi của người thân. Chỉ có Tết đến, tôi mới có dịp nhìn lại bản thân đã trưởng thành bao nhiêu, đỡ đần bố mẹ được mấy phần và yêu thương những phút giây đoàn viên vốn là điều mà tôi có thể làm tốt nhất.

Nên bây giờ, ai hỏi tôi Tết là gì? Tôi đều sẽ nói, “Tết là nhà”, hay chính xác là hơn được trở về nhà. Tết là sau khi tôi thu vén hết công việc năm cũ và cất vào một góc, lên kế hoạch cho những việc muốn thành toàn trong năm tiếp theo, nhìn ngắm những cành đào nở bung trong nắng sớm, ngắm nhìn sự chuyển dịch của đất trời từ hanh hao sang mưa phùn ẩm ướt, ấy là khi tôi biết: “Về nhà thôi, Tết đến thật rồi”.​
 

Đính kèm

  • Tản văn Tết với tôi là... - Văn học trẻ.jpg
    Tản văn Tết với tôi là... - Văn học trẻ.jpg
    604.4 KB · Lượt xem: 235
  • Like
Reactions: Vanhoctre
800
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top