Dự thi Tìm lại mùa hè - Trần Hiền

Dự thi Tìm lại mùa hè - Trần Hiền

TÌM LẠI MÙA HÈ


- Ngày mai mày tới đường Đào Duy Từ xin. Chỗ đó chủ nhật đông lắm, chắc sẽ xin được nhiều đó. Hôm trước tao xin thằng Kin cho mày rồi, cứ tới đi không sợ nó đánh đâu.
Tiếng thằng Ân trầm thấp, bóng tối đặc quánh bao quanh hai thằng. Muỗi bay vo ve như chực muốn ăn thịt hết cái thân hình gầy tong teo của nó. Đáp tiếng “dạ” nhỏ thó và an phận, nó quay lưng lại nhìn vào tấm lưng cong của Ân. Nó sẽ sàng hỏi:

- Anh à, tại sao anh lại thương em vậy?
Ân im lặng một hồi rồi giọng nói ngang như sẵng:
- Ai bảo mày vậy. Tao chẳng thương thằng nào cả. Chúng mày đi xin rồi nộp tiền về cho tao là được. Thôi ngủ đi, khuya rồi.

Nó lặng im nghe tiếng thở dài của Ân. Xung quanh bóng tối đã giăng đầy, dưới chân cầu chỉ có muỗi, rác rưởi và tiếng nước vỗ ì oạp. Gió lồng lộng thổi bạt cái lều rách mà mỗi ngày nó chỉ cầu trời hôm nay đừng mưa để nó có chỗ nằm sau một ngày rạc phố ăn xin. Trong thiêm thiếp chiêm bao nó nhìn thấy căn nhà cấp bốn của gia đình nó, nơi có một cái cổng bằng tre và lối đi bằng đất rất sạch sẽ. Căn nhà lớp ngói nâu, có mái hiên bằng bê tông tuy nhỏ nhưng là nơi mà nó thích nằm chơi nhất mỗi độ trưa hè. Mẹ nó, một người phụ nữ có nước da đậm màu, hơi mập và trầm thấp. Ba nó thư sinh, trắng trẻo và dong dỏng cao. Bà nội nó sạch sẽ, gọn gàng, tươm tất. Gia đình nó hạnh phúc bởi sự tần tảo chịu thương chịu khó của mẹ nó. Tuy không giàu có nhưng vẫn đủ ăn đủ mặc, không đến nỗi quá khó khăn. Có một lần nhà nó cãi nhau một trận rất to, mẹ nó đòi ôm nó về nhà ngoại và li hôn với ba nó. Bà nội nó hung hăng ôm nó lại, bà nói để cháu bà lại, dù có phải đi ăn xin bà cũng phải nuôi nó. Nó khóc cạn nước mắt thương mẹ, vì nó biết bà nó chỉ nói thế thôi. Chứ việc trong nhà từ sáng sớm đến tối mịt là một tay mẹ nó lo lắng cả. Sau hôm đó, mọi thứ bình yên trở lại, nó ngây ngô hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, ăn xin là gì hở mẹ?
Mẹ nó ôn tồn nói:
- Con có nhìn thấy trên đường phố, những người khốn khổ, tật nguyền, những em nhỏ lang thang cơ nhỡ thường đứng giữa đường để xin vài ngàn tiền lẻ không? Họ đứng hàng ngày dù nắng mưa sáng tối, họ cầu xin lòng tốt của người qua đường để sống qua ngày ấy con ạ.
- Ăn xin có xấu không mẹ?
- Không xấu con ạ, nhưng bản thân người ăn xin sẽ phải chịu mất rất nhiều.
- Mất gì hở mẹ? Họ chỉ việc đi xin thôi mà. Vài ngàn tiền lẻ thì ai cũng cho thôi mẹ nhỉ?

Mẹ nó thở dài, trong đáy mắt buồn nâu hun hút. Mẹ khẽ đưa chiếc nôi của em nó, tiếng ru à ơi dịu ngọt vang lên khi bóng đêm lấp xấp : “Con cò mà đi ăn đêm. Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao… Có xáo thì xáo nước trong, đừng xáo nước đục, ơ ơ hờ, đau lòng cò con”. Nó bỗng nghe thấy trong mông lung tiếng thì thầm của mẹ nó. Người ăn xin họ mất tất cả giá trị và ý nghĩa cuộc sống con ạ, họ cúi xuống cầu xin lòng thương hại của người đời, cho nên họ không thể ngước mắt lên nhìn thẳng vào cuộc đời. Con có thể xin mẹ suốt một đời, nhưng xin người nào khác quá hai ba lần, người ta đã nhìn con bằng đôi mắt khác. Con ạ! Lao động chân chính, kiếm đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt mới có thể thanh thản về tâm hồn. Dù con có làm gì, có giàu sang bao nhiêu đi nữa, mà tâm hồn không thanh thản, con cũng không hạnh phúc, không thành người. Mẹ vuốt tóc nó trong hơi sương, mở ảo. Mẹ nó. Đã đi rồi.

*** ***
Sáng bảnh mắt, thằng Ân mới dậy. Nó thì đã dậy từ lâu, ngồi nhìn lom lom đợi thằng Ân. Cái bụng lép kẹp kêu réo ầm ĩ, nhưng nó quen rồi. Tý nữa đi uống chút nước là hết. Thằng Ân nói đi ăn xin thì ăn ít thôi, ốm trơ xương họ mới cho, ăn nhiều béo múp ra rồi họ lại tẩn cho một trận cái tội ham ăn nhác làm. Nó cố nén tiếng thở dài, từ khi mẹ nó đi, nó thường xuyên bất giác thở dài. Cái hôm nó đi học bơi trên huyện, mẹ nó dành tiền làm thuê cả nửa tháng mới mua được cho nó cái kính bơi như người ta. Nó thích chiếc kính ấy lắm, ngày nào cũng đem ra ngắm nghía. Thế rồi không hiểu sao một đứa học bơi trong lớp kêu mất kính và đổ thừa cho nó lấy vì cùng màu kính với nó. Nó hết sức giải thích, mẹ nó phân trần mãi. Nhưng nhà người ta giàu quá, nói át hết cả lời mẹ nó. Bắt phải đền cho được. Mẹ nó phải đi mua một chiếc kính khác đền lại, mẹ nó phải xin lỗi cái lỗi mà chính nó cũng còn không biết. Lúc ra về, mẹ nắm tay nó. Mẹ tin con, con ạ. Nhưng trên đời mỗi lập trường của mỗi người vốn dĩ không giống nhau. Coi như của đi thay người. Thế rồi, mẹ làm viêc gấp đôi bình thường để trả tiền mượn mua cái kính, và lần này thì cả của và người đều đi xa, rất xa… Nó gấp chiếc kính bơi vào trong bao áo quần vài bộ của nó, quyết định đi ăn xin nuôi em. Từ ngày mẹ nó đi, ba nó suốt ngày cáu bẳn. Bình thường, là mẹ nó quán xuyến tất cả nên ông thảnh thơi làm việc, bây giờ mọi thứ rối tung và bề bộn. Bà nội nó suốt ngày nhiếc móc, và khi không nhiếc móc thì bà lên giường nằm. Từ khi nó lớn lên chút chút, nó đã biết bà có bao giờ chịu khổ được như mẹ nó đâu. Nó ôm em nó thật lâu, thật lâu. Hôn lên đôi má búng sữa của em nó đến lún cái miếng thịt thơm tho tròn lẳn ấy. Rồi một chiều hè muộn, nó lặng lẽ bước đi, trong tiếng nhiếc móc của bà nó, tiếng nạt ầm ĩ của ba nó. Tiếng chó nhà hàng xóm sủa rộm lên, tiếng gà bay xao xác. Và sau lưng nó, trên đường quê, bóng tối đã giăng đầy.

*** ***
Nó không ngờ một lần đi là suốt mấy năm chẳng quay về. Tiền ăn xin của nó thằng Ân giữ, cái mạng của nó thằng Ân cũng giữ luôn. Lần đầu tiên đi xin ăn, nó lân lê các nhà giàu. Các nhà giàu đều từ chối, có chỗ còn xua chó ra đuổi, có cụ già chép miệng nói : thời buổi này chẳng tin ai được. Không phải đứa trẻ nào cũng ngây thơ đâu, nhất là mấy đứa bụi đời. Nó đói hoa mắt, chân run lẩy bẩy, ngất xỉu trước một quán bún trên đường. Mùi thơm nức mũi đã thức nó dậy, bà chủ quán béo ị cho nó ăn một tô bún thừa của khách, miệng xéo xắt mắng từ nay không được bén mảng đến đây để cho tao làm ăn. Nó ăn luôn một mạch, húp xì xụp. Rồi nó lang thang ra công viên, mới xin được một chú vài ngàn bạc đã bị tụi trẻ ở đó tẩn cho một trận đến xanh mặt. Ân là thằng duy nhất không đánh nó, và sau đó cứu nó. Nó bước thấp bước cao đi theo Ân về cài lều rách dưới bồn cầu này. Ân thức dậy. Thấy nó nhìn mình lom lom. Ân lại sẵng. Có lẽ vì nó đã quen sẵng chứ không phải nó ghét bỏ gì thằng đối diện.
- Nhìn tao cái gì? Chuẩn bị đi làm đi.
Nó lại nhìn Ân lom lom:
- Đi làm ạ?
- Ừ, đi xin. Hôm nay mày tới đường Đào Duy Từ…
Chưa đợi Ân nói hết câu, nó vội ùa tới ôm chặt lấy thằng Ân. Nó nói với Ân:
- Đêm qua mẹ em đến đây. Mẹ em xua muỗi cho em ngủ. Mẹ ôm em.
Ân lặng người. Ân không có mẹ, Ân chỉ là một đứa trẻ khôi ngô trong trai trẻ mồ côi, người ta nhận nuôi và xem Ân là cái bao cát để đánh, đánh suốt ngày suốt tháng. Ân bỏ trốn và trở nên lì đòn. Nó đánh lại tất cả bọn bắt nạt nó và trở thành thủ lĩnh của bọn ăn xin giang hồ dưới gầm cầu này. Ân thương nó, vì nó hiền quá. Nó giống như cục bột sữa tội nghiệp mà ai thấy cũng phải thương. Nó ngoan ngoãn như một con mèo nhỏ, xin được bao nhiêu liền đưa hết cho Ân, Ân cho lại ít nhiều gì thì lấy, chứ không kì kèo xin xỏ, cũng không thu giấu riêng chỗ nào. Đôi lần Ân hỏi vì sao không xin lại vài đồng, nó thường nói, em đã đi xin ăn vạn người xa lạ, ai cũng coi thường khinh bỉ em. Em không muốn trước mặt anh, em vẫn hèn mọn thấp kém như vậy. Là nó nói mỗi khi gió sông thổi lên mát rượi hai đứa, chứ ngày thường rất ít khi nó nói chuyện. Nó cố giữ cho mình chút sỹ diện cuối cùng trước những ganh đua, chao chát, lừa phỉnh của xã hội ngoài kia. Ân để mặc cho nó ôm, không xô nó ra cũng không nạt nó nữa. Bỗng Ân thấy hai đứa chúng nó lớn từ bao giờ, cũng cao lêu nghêu như cái sào rồi còn gì. Trong mắt nó bỗng hiện ra cửa hàng nhôm kính, của hàng sơn sửa xe máy, các công trường xây dựng… Ân bất giác đưa tay đặt lên vai nó:
- Mày nhớ đường về quê mày không?
Nó ngẩng đầu nhìn Ân:
- Em không nhớ đường, nhưng em nhớ tên làng. Vì ngày xưa mẹ thường ghi tên em trên chiếc nhãn vỡ, có tên trường em mang tên xã.
- …
- Em không đi đâu, em ở lại với anh. Em mà đi các đại ca sẽ đánh anh chết mất.
- …
- Anh à, tại sao anh lại thương em vậy?
Ân nhìn thân thể gầy còm của nó, có cái gì đó trỗi lên trong lòng Ân một cảm giác thân thiết như ruột thịt. Ân coi nó như một phần tay chân máu thịt của mình để mà dung dưỡng, để nuông chiều, và bảo vệ. Ân nhìn nó:
- Tao đi cùng mày. Em trai mày cũng là em trai tao. Mình sẽ đi làm kiếm tiền nuôi nó, để nó không đi bụi đời giống mày, giống tao.
Tiếng nói vừa thoát ra khỏi cửa miệng mà Ân cứ nghĩ là tiếng của ai. Là tiếng của nó sao, một thằng chuyên bảo kê, bắt nạt, chuyên chăn dắt bọn trẻ con đi xin ăn để kiếm tiền. Bây giờ nó thèm được đi làm như thằng học trò sửa xe máy ở cửa hàng xe máy cuối ngõ. Nó thèm được lem luốc luynh dầu và cười tươi dưới cái nắng rực rỡ của mùa hạ. Nó bỗng nhớ tới lớp trẻ tình thương nơi trại trẻ mồ côi, có ai còn nhớ đến nó không, có ai đang đi tìm nó không? Nó lặng yên, gương mặt nó uy nghi như pho tượng, cổ họng nó rát bỏng tê rân rân không phải vì buổi sáng nó chưa ăn gì. Mà nó thèm được làm người. Thèm được cười hồn nhiên dưới nắng.
*** ***
- Em hứa sẽ im lặng, coi như không hề biết bất kỳ chuyện gì. Toàn bộ số tiền trước nay em xin nộp hết cho anh. Em chỉ xin anh một ân huệ, nể tình bao năm qua em trung thành với em. Em xin anh cho em gửi lại mấy ngón chân. Vì đôi tay em sẽ phải đi làm.
Ân nói với chiếc lưng của vị đại ca, xung quanh mấy anh em hằm hằm đứng cạnh, chỉ đợi một mệnh lệnh là chúng nó bỏ mạng. Giữa sự sống và cái chết, Ân thấy mình bản lĩnh hơn bao giờ hết. Thời gian trôi qua, ngưng đọngm ngột ngạt. Bỗng chiếc lưng lên tiếng:
- Tao cho mày 5 năm để làm người tốt như mày đang chọn. Nếu xã hội ngoài kia chấp nhận mày, coi như phước phận của mày lớn. Tao sẽ tha cho và quên mày. Nếu trong 5 năm này, mày làm bất cứ 1 việc gì sai hoặc xấu, mày phải về lại đây với tao. Bất cứ một việc gì xấu, dù nhỏ. Mày nhớ lấy. Làm người tốt giữa xã hội ngoài kia không hề dễ dàng. Chiếc lưng nhớ lại một lần trộm vặt của hắn ngày trước, nhớ lại sự dè bỉu của xón giềng và sự nhục mạ của gia đình hắn. Nhớ lại ánh mắt cay nghiệt của gia đình người yêu. Để rồi hắn trượt dài, trượt dài… Hắn nhếch mép cười.
- Mày đi đi, năm năm hoàn lương của mày sẽ dài lắm đó.
Ân nắm tay nó bước ra khỏi căn gác đầy khói thuốc và mạng nhện. Phía bên ngoài là nắng. Nắng rát cháy da thịt. Bên tai hai thằng bỗng bị tiếng ve ồn ã làm điếc cả tai, ngó lên thấy đóa phượng đầu đường đỏ thắm rực rỡ. Nó nói với Ân, và cả chính mình:

- Em gặp anh cũng mấy năm rồi, mà sao bây giờ mới nghe lại tiếng ve. Mấy năm rồi, không nghe tiếng mùa hè anh nhỉ?
Chúng nó bước đi. Sau lưng đầy nắng. Ân nói:
- Đi xin làm phụ thợ nề, có tiền ăn trưa cho no cái bụng đã. Đói rã ra rồi. Bữa ni ăn cho nhiều vào, cho có sức làm việc. Tiết kiệm tiền về quê, mày nhé!
Nó đi theo sau Ân, nó không hiểu lắm câu nói sau cùng của vị đại ca. Nhưng nó biết ơn người ấy, dù sao cũng không chặt đi những ngón chân của thằng Ân. Nó đi trong sắc vàng rơi, nó tìm lại mùa hè rồi. Một mùa hè mà nó có thể đứng thẳng. Trong đầu nó, hiện lên miền quê hun hút xanh và nhũng nẻo đường quanh co rợp bóng lá. Mẹ nó tất tả đi bộ trên con đường đất đỏ, chiếc nón trắng nhâp nhô hoài không nghỉ, trước hiên nhà, trong hơi mát hạ rơi.


*** ***
 
Từ khóa
chiếc lưng mẹ nó thằng ân tiếng ve
  • Like
Reactions: Phong Cầm
724
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top