Tôi đi học - dòng cảm xúc lấp lánh chất thơ

Dẫu kết lắng bao vơi đầy, tán tụ – nhưng với mỗi đời người, hẳn có những kỉ niệm chăng dễ phôi phai. Được nâng niu giữ gìn, những kỉ niệm sâu sắc ấy sẽ mãi như một nguồn sáng trong tâm hồn trong trẻo, thiêng liêng gợi nhớ và thức dậy dư ba…

Nguồn sáng tâm hồn từ kỉ niệm tựu trường đã tha thiết chảy trong truyện ngăn Tôi đi học của Thanh Tịnh như một “dòng cảm xúc” lấp lánh chất thơ: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường”… Dòng cảm xúc được khởi nguồn từ những biến thái diệu huyền. Những kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên trong đời được nhân vật “tôi” nhớ lại là thời điểm cuối thu, cây cối bâng khuâng vào mùa thay lá. Những chiếc lá khô xào xạc trên đường tưởng như vô tri vô giác ấy đã trở thành những sắc màu thông điệp, thanh âm ngôn ngữ riêng hối gọi lòng người đọc về một không gian và thời gian cụ thể – dù đã qua rồi nhưng mãi mãi chưa xa. Sức mạnh của hồi ức khiến không gian và thời gian hiện tại cũng trở nên bâng khuâng, náo nức lạ thường. Kỉ niệm về con đường đầu tiên, người thầy đầu tiên, trang sách mới và những người bạn mới chung trường, chung lớp ấy…, tất cả còn nguyên vẹn tươi ngời trong cảm giác “mơn man” dịu nhẹ, ngọt ngào và trong sáng “như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng đầu mối dẫn dắt trí nhớ trở về với những sự kiện đã được khắc ghi trong quá vãng. Trước tiên là hình ảnh có tính chất tương đông như từ kí ức hiện lên: “Mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường” thì lòng lại “tưng bừng rộn rã”. Gặp các em, nhân vật “tôi” như xốn xang gặp lại chính mình, gặp lại “buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”. Thời gian cụ thể và hình dáng con đường thực thể được điệp lại đến hai lần trong một câu văn để làm nền cho kí ức sáng trong, nguyên khiết ấy hiện hình. Trong buổi mai đầy ấn tượng của buổi tựu trường, mặc dù sương thu dày đặc và gió lạnh từng cơn, con đường đi dài và hẹp… nhưng tình cảm “âu yếm” của mẹ đã sưởi cho cậu bé được ấm áp, tự tin hơn. Biết bao rạo rực và ngỡ ngàng, bởi vậy con đường dẫu rất đỗi thân quen cũng trở nên khác lạ. Không chỉ là cảm giác trước con đường, mà với tất thảy cảnh vật chung quanh; không đủ “tự nhiên thấy lạ”, mà cậu bé còn thấy tất cả “đều thay đỗi” – sự thay đỗi đó nhất quán từ phạm vi đến tính chất trong cảm giác, tất thảy đều khởi phát từ “lòng tôi đang có sự thay đổi lớn”. Đã bao lần qua đây, nhưng chỉ mới lần này, và chỉ đúng đến sáng hôm nay mới trong tâm trạng ấy. Được trở thành một học trò, hiện thực đây mà như trong mơ. “Hôm nay tôi đi học” – lời văn chất chứa và ngân vọng một tiếng reo tự hào, đầy kiêu hãnh! Chẳng thế mà trên đường từ nhà tới trường, trong trạng thái tràn đầy hưng phấn, nhân vật “tôi” ngay lập tức vụt nhớ đến những sự việc khác hẳn với niềm vui không phải ai cũng có này: đó là “trọng đại” đến mức nó được đặt trong mối quan hệ đối lập đến hai lần liên tiếp với những thú vui quen thuộc thường ngày của nhân vật “tôi”. Tạm biệt những buổi thả diều đam mê và ngoạn mục, tạm biệt những cuộc nô đùa thỏa thích trên cánh đồng quê thân thiết của trẻ thơ, “hôm nay tôi đi học”, hôm nay cậu bé của làng đã “lớn” hơn một chút!.

Không chỉ thế, đồng cảm xúc của tác giả còn đưa người đọc đến với diễn biến tâm trạng đặc biệt của một cậu học trò lần đầu đến lớp, khi cậu cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn”, trong những quan sát với những cậu học trò lớp trên, và những ý nghĩ ngộ nghĩnh khi muốn tự mình cầm được bút thước. Tâm trạng hồi hộp và xốn xang khó tả của nhân vật “tôi” được thể hiện rõ nét qua sự đối sánh giữa “hiện thực tâm lí” của ngày hôm nay so với những gì từng được chứng kiến trước đó. Nếu như ở đoạn trên, hình ảnh con đường quen thuộc, thậm chí “đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ” (mọi lần đâu có phải “mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi”), và “cảnh vật xung quanh đều thay đỗi” có nguyên do “vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn” – tức cảm giác thay đổi theo hướng từ quen đến lạ thì đến đây, sự thay đổi được triển khai trên những bình diện và phương hướng khác: Ngôi trường làng Mĩ Lí vốn là “một nơi xa lạ”, “cao ráo và sạch sẽ hơn các nhà trong làng” hôm nay “dày đặc cả người”, “bỗng thấy ngôi trường ấy “vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hóa Ắp”. Sự thay đỗi về cảm giác ở đây lại diễn ra theo chiều ngược lại từ lạ thành quen. Nhưng dẫu vậy, do tâm lí xúc động của buổi đi học, cho nên đứng trước ngôi trường mặc dù đã từng “đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường” mà “không có cảm tưởng nào khác là nhà trường cao ráo và sạch sẽ hơn các nhà trong làng” ấy, tức là thực sự ngôi trường không phải quá xa lạ, nhân vật “tôi” vẫn thấy “Sân nó rộng, mình nó cao hơn trong những buổi trưa hè đầy vắng lặng”. Đó là nguyên nhân nảy sinh cảm giác “Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ” – dù chỉ “vẩn vơ” thoáng qua thôi nhưng đó là một cảm giác nảy sinh tất yếu có tính chất biện chứng, kết quả của tâm lí choáng ngợp nhất thời dẫn đến cảm giác rõ rệt vê sự thay đổi kích cỡ, mức độ của biểu tượng.

Nhưng dẫu sao, nhân vật “tôi” lúc đó vẫn đang ở tuổi thơ ngây, cho nên một thoáng “lo sợ vẩn vơ” ấy đã mau chóng lướt qua, nhường chỗ cho cảm giác ngỡ ngàng, lâng lâng sung sướng và tò mò quan sát những người bạn đang “đứng nép bên người thân”, dự cảm họ “như con chim con nhìn quãng trời rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ”. Phía trước là bầu trời rộng mở, biết học là vô bờ, nhưng ước mơ đầu tiên của cậu là “được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ”. Ước mơ thật dễ thương, bởi đó là ước mơ được xóa đi những khoảng cách bỡ ngỡ ban đầu. Tiếng trống trường vang dội, và cảnh tượng những cậu bé lần đầu xếp hàng vào lớp cảm thấy “chơ vơ”, “toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng”. Đoạn văn đặc tả được những phút giây hồn nhiên xúc động khó quên của mỗi đời người. Hình ảnh ông đốc trường Mĩ Lí xuất hiện và đọc tên từng học trò gây một ấn tượng mạnh đến mức “cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập”, đến “quên cả mẹ tôi đứng sau”, và nghe đọc đến tên “tôi tự nhiên giật mình và lúng túng”. Mặc dù ông đốc nhìn học trò với cặp mắt thật “hiền từ và cảm động”, nhưng khóc theo phản ứng lây lan. Lần đầu vào lớp, cảm giác “một mùi hương lạ xông lên”, “hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay”, “nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi”, “đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim”… rồi dứt khoát “vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lầm nhẩm đánh vần đọc” là những phát hiện tinh tế về diễn biến tâm trạng của tuổi thơ.

Tôi đi học được tái hiện theo nhịp điệu giao thoa của kí ức, bao gồm một chuỗi các sự kiện, mà yếu tố xuyên suốt các sự kiện đó là biên độ của dòng cảm xúc thiết tha, nguyên khiết tuôn trào. Mạch chính của dòng cảm xúc là những biểu hiện tâm lí xoay quanh nhân vật “tôi” trong ngày tựu trường; đồng thời, qua một số nét chấm phá, tác giả khắc họa tình cảm của những người lớn đối với các em bé lần đầu đi học thông qua thái độ yêu thương và những cử chỉ ân cần của ông đốc, thầy giáo và các phụ huynh học sinh. Dòng cảm xúc không chỉ có vai trò kết nối và duy trì sức sống cho các sự kiện mà nó còn là yếu tô kích thích trí tưởng tượng vận hành theo một quy luật thầm mĩ mà Lômônôxốp gọi là “quy luật liên hình dung”. Quy luật đó lựa chọn và sắp xếp tất cả mớ hỗn độn của kí ức dựa trên sự tương đồng về hình thức hoặc theo sự gần gũi về thời gian và không gian – nói cách khác là khái quát hóa chung – rồi kéo chúng vào một chuỗi mắt xích có tác động liên tục. Có thể xem thời điểm “cứ vào cuối thu, lá ngoài đường, rụng nhiều…” là hoàn cảnh khơi gợi cảm xúc nền, tạo ra ấn tượng chung, hình ảnh “mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ” là hình ảnh có tính chất hạt nhân quy tụ và định hướng cho những liên tưởng; để từ đó mở ra các tình huống và chi tiết cụ thể: những quan sát dọc đường, trước sân trường, xếp hàng vào lớp, cảm nghĩ trong lớp học…

Tác giả đã thể hiện khả năng vận dụng khá nhuần nhuyễn các hình ảnh so sánh. Khảo sát gần hai mươi lần so sánh trực tiếp và so sánh ngầm xuất hiện trong truyện ngắn, dễ nhận thấy có những hình ảnh được so sánh rất sinh động. Chăng hạn: “Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như những cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”, hoặc: “ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi”. Những hình ảnh so sánh độc đáo ấy góp phần làm cho câu văn trở nên nhẹ nhàng, lãng mạn, phù hợp với việc thể hiện một dòng cảm xúc thấm đẫm trong kỉ niệm thơ ngây. Bên cạnh đó, tuy tính chất đặc trưng của hồi ức là sự tuôn trào những cảm xúc chủ quan, song tác giả đã đan cài được các yếu tố khách quan vào mạch truyện một cách khá hiệu quả. Hình ảnh “Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sỗ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao”, chẳng hạn, là hình ảnh khách quan vừa tả thực, vừa là hình ảnh so sánh ngầm có ý nghĩa tượng trưng. Con chim ấy hay chính người học trò ấy, trong một buổi mai “đầy sương thu và gió lạnh” đã ngập ngừng cất cánh vào bầu trời?

Là những biểu hiện của kí ức hồi quang cho nên thời gian và không gian trong truyện là thời gian và không gian tâm trạng. Đồng thời, những kỉ niệm ngọt ngào về buổi đầu đến lớp ấy cũng được chuyển hóa lung linh cảm giác và tươi tắn sắc màu. Chắc chắn không chỉ với lần đầu đến lớp, tựu trường bao giờ cũng đê lại trong lòng người những xúc động sâu xa. Nhà thơ Huy Cận viết trong bài thơ Tựu trường:

Giờ nao nức của một thời trẻ dại
Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương
Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường
Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc…


Không viết về vẻ đẹp tinh khôi rạo rực của những “chàng trai mười lăm tuổi”, nhà thờ Nguyễn Bính cũng trong bài thơ Tựu trường lại thể hiện ấn tượng về vẻ đẹp thướt tha kiều diễm của các thiếu nữ:

Những nàng thiếu nữ sông Hương
Da thơm là phấn môi hường là son
Tựu trường san sát chân thon
Lao xao nón mới màu sơn sáng ngời
Gió thu cứ mãi trêu ngươi
Đôi thân áo mỏng tơi bời bay lên
Dịu dàng đôi ngón tay tiên
Giữ hờ mép áo làm duyên qua đường.

Như thế, có thể nói: tựu trường – dù ở lứa tuổi nào, bậc học nào cũng là niềm hạnh phúc, là địa chỉ lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất và đáng nhớ nhất của đời người. Tuy nhiên, khác với phương thức thể hiện những cảm xúc tựu trường của Huy Cận và Nguyễn Bính, Tôi đi học của Thanh Tịnh là một tác phẩm văn xuôi đặc sắc, tha thiết gợi về một thời gian và không gian kí ức tưng bừng rộn rã, lấp lánh chất thơ. Khép lại trang văn còn bồi hồi xao xuyến, dẫu đã đi qua lần đầu đến lớp nhưng mỗi lần nghe hai tiếng “tựu trường” vẫn nghe lòng thổn thức khôn nguôi, như tâm sự của nhà thơ Thế Lữ:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên.


(TS. Nguyễn Trọng Hoàn – In trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ số 8 – Năm 2002 - Trang 11 -> 15)
 
Từ khóa Từ khóa
dòng cảm xúc lấp lánh ánh thơ hôm nay tôi đi học thanh tịnh tôi đi học tựu trường
721
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.