Nhà Trăm sự nhờ bác sĩ

  • Thread starter Thread starter Rian Ng
  • Ngày gửi Ngày gửi

Nhà  Trăm sự nhờ bác sĩ

R
Rian Ng
  • Thành Viên 24
Đêm. Tòa nhà ba tầng của khoa Truyền nhiễm nằm khuất sau mấy con đường ngoằn ngoèo chìm trong tĩnh lặng. Tĩnh lặng tới mức nghe rõ cả tiếng loẹt quẹt ai đó lê dép đi qua hành lang, và tiếng loạt xoạt lật qua lật lại mấy trang bệnh án. Kim ngắn của chiếc đồng hồ cũ treo trên tường đã chỉ tới con số mười.

Tiếng gõ cửa lộc cộc dè dặt vang lên đằng sau cánh cửa của phòng hành chính khoa. Cửa chỉ khép hờ chứ không khóa, người bên ngoài cũng chẳng dám đẩy cửa xồng xộc lao vào. Nguyên ngẩng đầu, nhìn ra ngoài. Mớ tóc dài xác xơ buộc túm lại sau gáy, dáng người khắc khổ lom khom của người đàn bà mới độ ngũ tuần lọt thỏm trong bộ đồ cũ nát không mấy vừa người.

Có lẽ cái sự sợ sệt khi bước chân vào cửa chốn công quyền đã in sâu vào tiềm thức của người đàn bà nhà quê cả đời chỉ quanh quẩn sau lũy tre làng. Bà cúi gằm mặt, không dám nhìn vào trong, cũng chẳng thấy được cái gật đầu ra hiệu mời vào của tên bác sĩ duy nhất trong phòng.

Nguyên thở dài, xô ghế đứng dậy. Đôi mắt lờ đờ sau hai đêm trực liên tiếp khó nhọc dời từ trang bệnh án sang tay nắm cửa, rồi lại dời từ tay nắm cửa sang khuôn mặt in hằn dấu vết năm tháng của người đàn bà đang dè dặt sau cánh cửa phòng hành chính. Nó lại thở ra một hơi dài thườn thượt, mở cửa ra.

- Bác vào đi. Sao không tới gặp tôi trong giờ hành chính?

- Bác sĩ, tôi… - người đàn bà ngập ngừng, mười ngón tay xoắn chặt vào nhau, rồi lại kéo kéo vạt áo nhàu nát.

Trên thực tế, cái nghề bác sĩ này làm quái gì có khái niệm gọi là giờ hành chính. Bởi vì chẳng có căn bệnh nào lại chọn giờ để gây hại cho con người cả. Tai nạn cũng vậy, đã gọi là tai nạn, thì làm sao biết trước được để mà chọn giờ.

Chân ghế kim loại ma sát với nền gạch hoa phát ra tiếng vang ken két như hai hàm răng nghiến vào nhau. Nguyên kéo ghế, ngồi xuống.

- Bác ngồi xuống đi đã!

Bàn tay của người đàn bà gầy như thể chỉ còn da bọc xương, làn da nhăn nheo, nổi đầy gân xanh chằng chịt như dây điện. Lời nói của Nguyên vừa dứt, bàn tay ấy nắm lấy thành của chiếc ghế gần nhất, kéo ra ngoài. Không biết do tay người đang run hay do chân ghế kim loại vướng vào nhau, mà loay hoay kéo mãi, cũng chỉ tạo ra tiếng vang khó chịu.

Nguyên dừng động tác lật tìm bệnh án, quay sang kéo chiếc ghế ngay cạnh mình ra, gật đầu:

- Bác ngồi xuống đây đi! Người nhà bác tên là… à, Ngô Văn Dũng nhỉ?

- Vâng, đúng rồi bác sĩ. – người đàn bà đã ngồi xuống ghế, hai bàn tay lại quay về động tác xoắn xuýt vào nhau, giọng nói ngập ngừng – Bác sĩ, ông nhà tôi… không cứu được nữa đúng không?

- Bác chờ tôi một chút.

Người đàn bà cố tỏ ra bình tĩnh, nhưng chữ “Vâng” vẫn kẹt trong cổ họng, run lẩy bẩy hồi lâu mới thoát ra được. Đầu bà cúi gằm, không dám ngẩng lên nhìn mặt Nguyên, sợ nhìn thấy cái lắc đầu thản nhiên tới lạnh tanh của đám người đã quen nhìn người ta giãy dụa bên bờ sống – chết.

Chính Nguyên cũng đang run. Biên độ run rất nhỏ, nhưng nó không tài nào che giấu được cái sự run rẩy này của mình, đành phải với lấy cốc nước ở cách đó không xa, uống một ngụm để bình tĩnh lại. Vài giọt nước sóng sánh văng ra khỏi cốc, rơi xuống áo blouse, để lại vệt nước lấm tấm. Nó đặt cốc xuống…

“Cạch.”

Tiếng vang đột ngột khiến người đàn bà bên cạnh giật mình.

- Không có vấn đề gì đâu! – Nguyên dẹp cái cốc sang một bên – Tôi tìm thấy bệnh án của chồng bác rồi – trên tay nó là một tập bệnh án, rất mỏng.

Ở khoa này có những bệnh nhân điều trị dài ngày, hoặc mắc bệnh mạn tính tái đi tái lại, bệnh án có thể dày tới cả trăm trang giấy. Chẳng mấy khi có một bệnh nhân có bệnh án mỏng và mới thế này, xem ngày vào viện cũng mới là hôm nay, mà đã khiến cho bác sĩ phải lắc đầu, thở dài, không biết nên trả lời sao khi người nhà bệnh nhân hỏi tới.

Nguyên bỏ qua mấy trang đầu của bệnh án đã sớm nằm lòng, lật đến trang có kết quả xét nghiệm PCR.

- Bác nhìn thấy kết quả xét nghiệm này chứ?

Người nhà bệnh nhân gật đầu, rồi lại lắc đầu. Cả đời sống sau lũy tre làng, mới học hết lớp hai đã phải nghỉ để lo đồng áng, chăm các em, dăm ba chữ được học từ cách đây mấy chục năm đã quên tiệt. May mà còn chưa quên cách viết tên của lão chồng và của chính mình. Bà có thể nhìn thấy chi chít những chữ là chữ, chen chúc nhau đen kịt trên tờ giấy bé tí, nhưng bà chẳng hiểu nó viết cái gì, cũng chẳng biết nó có ý nghĩa gì.

Điều bà muốn biết, thực ra rất giản đơn, đó là rốt cuộc thì ông nhà bà có thể sống được nữa, hay bắt buộc phải chết…

Nhìn vẻ mặt của bà, Nguyên lại thở ra một hơi dài thườn thượt. Từ lúc nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ nhăn nheo và dáng người lom khom tròng bộ áo nâu sòng chẳng vừa người của người đàn bà nhà quê thập thò sau cánh cửa, nó đã thở dài tới ba bốn lần. Nó cầm tập bệnh án, đặt trước mặt bà, chỉ tay vào ô kết quả xét nghiệm.

- Đây, đây là kết quả xét nghiệm của chồng bác. Thực ra từ khi chồng bác được đưa vào bệnh viện, dựa vào tiền sử và triệu chứng lâm sàng điển hình, chúng tôi đã đưa ra được chẩn đoán rồi. Nhưng vẫn phải làm xét nghiệm này, để khẳng định chẩn đoán. Kết quả xét nghiệm là dương tính, chồng bác đã nhiễm virus rồi.

- Bác sĩ, tôi biết ông nhà tôi bị bệnh. Nhưng mà… - người đàn bà ngập ngừng – có chữa được không hả bác sĩ?

- Hồi chiều tôi đã giải thích với bác và các con của bác một lần rồi. Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với tình trạng bệnh của bệnh nhân. Đã qua thời gian ủ bệnh, xuất hiện triệu chứng điển hình rồi, sợ gió sợ nước sợ ánh sáng rồi, thì gần như chắc chắn là không thể tránh khỏi tử vong, tỉ lệ lên tới chín mươi chín phần trăm… Với tình trạng hiện tại, người nhà có thể lựa chọn để bệnh nhân tiếp tục điều trị ở đây, hoặc xin về. Đương nhiên nếu bác quyết định tiếp tục điều trị, các y bác sĩ trong khoa vẫn sẽ cố gắng hết sức, nhưng…

Nhưng gần như không có hi vọng gì cả. Điều kiện kinh tế của gia đình này không tốt, so với ở lại bệnh viện “còn nước còn tát” trong vô vọng, thì đưa người thân về nhà sẽ hợp lý hơn.

Đôi khi, cuộc đời đưa cho con người ta hai lựa chọn, nhưng lại gần như ép buộc người ta phải lựa chọn một trong hai. Âu cũng là cái số, sống chết do trời định.

“Còn nước còn tát”, không sai, chỉ là dưới con mắt của một thằng bác sĩ đã ra nghề ngót nghét dăm sáu năm, thì Nguyên nhận định, trong trường hợp này có muốn “tát” cũng không còn “nước”. Sinh mạng của người nằm trong phòng bệnh đã đi tới những thời khắc cuối cùng, sắp cạn khô, không thể cứu vãn được nữa.

- Tôi hiểu rồi, cảm ơn bác sĩ… Thôi thì trăm sự nhờ bác sĩ, để tôi về nói chuyện với các cháu nhà tôi…

Tấm lưng của người đàn bà thõng hẳn xuống, trong chớp mắt như già đi cả chục tuổi. Nhìn cánh cửa phòng hành chính chầm chậm khép lại, ánh mắt Nguyên lại đọng lại trên trang bệnh án để mở. Tâm trí nhanh chóng rời khỏi phòng hành chính chật hẹp, bay về bầu trời xanh ngắt của mười lăm năm về trước.

Ngày này mười lăm năm trước, trời trong…

Tiếng động cơ tắt ngúm. Chiếc xe cấp cứu dừng lại trước cửa căn nhà gỗ. Cánh cửa trắng toát nặng nề mở ra, người phụ nữ khóc tới sắp lả đi được một người mặc áo blouse trắng đỡ ra khỏi xe, theo sau là bốn năm người túm tụm khiêng một chiếc cáng.

Người nằm trên cáng, đã không còn thở nữa. Mảnh vải trắng đắp kín người, từ đỉnh đầu xuống gót chân, chẳng để lộ dù chỉ một nhúm tóc.

“Thằng Hoàng nó đi rồi đấy… mới có ba chín tuổi chứ mấy…”

“Ừ, rồi vợ con nó chẳng biết phải làm thế nào đây. Mấy hôm trước nói chuyện với nó, còn bảo sao dạo này sắc mặt chán thế.”

“Suỵt, nói bé thôi. Con trai nó ở ngay kia kìa.”

Nguyên nép sau cánh cửa nhà, đầu ong ong những lời hoặc thương hại hoặc xót xa của người xung quanh, nhìn chằm chằm vào chiếc cáng được người ta đặt xuống giữa nhà. Không, nó không tin người nằm đó là bố nó! Rõ ràng sáng hôm qua, bố còn cười, còn xoa đầu nó, nói “bố không sao đâu”, còn hứa sẽ chóng khỏi ốm để đi dự tổng kết cho nó. Làm sao có thể… làm sao có thể ra đi một cách chóng vánh và đột ngột như vậy được!

Ai đó nắm lấy cánh tay Nguyên, lực tay rất mạnh, hằn cả dấu vết đỏ ửng trên làn da trắng nhợt. Nhưng nó không quan tâm. Nó giãy dụa, vùng vẫy, lao thẳng tới bên cạnh chiếc cáng đặt giữa nhà, xốc mảnh vải trắng lên.

Tầm mắt Nguyên trở nên nhòe nhoẹt. Người nằm đó hốc mắt trũng sâu, đôi môi tím tái, da thịt lạnh ngắt không còn chút sức sống nào. Ngón tay nó run rẩy đưa lên sát mũi ông, cố chấp dùng cách thức vụng về trộm học được ở đâu đó để thử xem người thân yêu của mình có còn chút hơi thở nào hay không.

Kết quả nó nhận được là bị một bàn tay túm lấy cổ áo, kéo mạnh ra phía sau. Nó ngơ ngác ngồi bệt xuống mặt đất lạnh lẽo, bàn tay cọ xuống nền xước xát.

Nó đã quên cảm giác đau đớn và trống rỗng khi đó, nhưng lại nhớ như in lời nói của người họ hàng xa: “Khóc lóc cái gì? Mẹ mày đã suy sụp lắm rồi, mày đừng có mà làm loạn lên nữa!”

À, thì ra mẹ nó mất chồng thì có quyền suy sụp, còn nó mất bố thì không có quyền đau lòng, không có quyền yếu đuối! Thậm chí, còn không có quyền nhìn mặt ông lần cuối cùng. Ngày hôm trước đưa bố đi trên chiếc taxi màu xanh xám, ngày hôm sau đón về… đã không còn là bố nó nữa rồi. Nhưng những cảm xúc tiêu cực trong nó lại không được phép tồn tại, vì chỉ cần một mình mẹ yếu đuối là quá đủ rồi.

Bởi vì, nó là một thằng con trai!

Nó phải luôn vui vẻ, phải luôn mạnh mẽ. Vì trước mặt chẳng còn ai vì mẹ con nó mà che chắn bão giông. Nó phải thay thế bố che chắn bão giông cho mẹ.

Khi bố nó được đưa tới bệnh viện, trời rất trong. Và thằng nhóc mới học hết lớp mười không hề hay biết, số lần nó được gặp ông bằng xương bằng thịt, chỉ còn được đếm trên đầu ngón tay. Đếm đi đếm lại, có lẽ do khả năng Toán học có hạn, nó chỉ đếm được số “một”. Sau đó là không, không còn gì cả, không có người đưa đón, không có người chờ đợi, không có người cùng nó ngắm trời sao, không có người say sưa nói với nó về những dự định còn dang dở. Không có.

Một ngày trôi qua, trời vẫn trong. Nguyên, từ thằng nhóc con túm chặt lưng áo đẫm mồ hôi sau xe bố trở thành một thằng mồ côi. Không có bố.

Bầu trời trên đầu vẫn trong xanh như cũ, bầu trời trong lòng nó lung lay, rạn vỡ, rồi ầm ầm đổ sụp xuống sau một câu không biết là vô tình hay cố ý thốt ra của người họ hàng xa.

Sau đó, nó không rơi một giọt nước mắt nào trước mặt người khác nữa. Những khi muốn khóc, nó lại vác ghế ra sân nhà, nhìn lên bầu trời sao dày đặc, ngồi từ đêm đến sáng, để gió đêm se se thổi bay hết những uất ức trong lòng. Hàng đêm, nó cố chấp để lại một ngọn đèn, để chờ người hay về nhà muộn. Nó mang bàn cờ và chiếc sáo trúc cũ ra lau, lau đến mức tất cả đều đã mòn. Cứ như vậy qua bao nhiêu năm dài đằng đẵng.

Mãi sau này nó mới biết, sự chờ đợi của nó ngu ngốc đến mức nào. Bởi vì người nó chờ đợi đã một mình bắt đầu một chuyến đi, một chuyến đi có lẽ rất dài, nên cho dù có mè nheo thế nào, con trai ông cũng không thể theo cùng nửa bước.

Mãi sau này nó mới biết, tới thời khắc cuối cùng của cuối cùng, nhà không còn là nơi mà con người ta có thể trở về nữa.

Nhưng rồi nỗi đau cũng sẽ qua. Tất cả những gì người còn sống có thể làm, chỉ là cắn răng nhét những vết thương cũ vào một xó xỉnh nào đó trong tâm hồn nhàu nát, và đi tiếp.

Bệnh mà bố của Nguyên mắc, giống với chồng của người đàn bà vừa gõ cửa phòng hành chính. Mười lăm năm trôi qua, khoa học kĩ thuật, kinh tế, y tế… chẳng có ngành nào là không phát triển vượt bậc. Có điều, với căn bệnh này, thì y học vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Kết quả PCR này, đồng nghĩa với tuyên án tử cho bệnh nhân.

Nguyên lắc đầu, cười khổ, tự an ủi chính mình:

- Cũng không hẳn là không có gì tiến bộ, ít ra cũng biết chắc chắn bệnh nhân mắc bệnh gì, trước khi khuyên người nhà cho về chờ chết.

Sáng sớm hôm sau, Nguyên ngáp ngắn ngáp dài, vớ lấy cái ống nghe và cuốn sổ ghi chép ở trên bàn, bắt đầu đi theo dõi bệnh nhân. Công việc đơn giản này thông thường đều do mấy em sinh viên làm, nhưng lứa sinh viên cũ đã kết thúc kì thi lâm sàng, nhóm mới còn chưa luân khoa đến, thằng bác sĩ quèn trực đêm đành phải tự ra tay.

Đến một khúc quanh, Nguyên dợm bước, chuẩn bị vào trong phòng bệnh. Nhìn thấy số phòng trên tấm biển bên cạnh cửa, nó chợt khựng lại… Trong phòng này chỉ có một bệnh nhân duy nhất là Ngô Văn Dũng – chồng của người đàn bà tối qua gõ cửa phòng trực.

Người nhà bệnh nhân không ở trong phòng bệnh. Nguyên không thấy có gì bất thường, dễ hiểu thôi, bệnh này có thể lây qua dịch tiết của người bệnh, người nhà cũng nên giữ khoảng cách nhất định. Nhưng, người nhà có thể đi đâu được chứ?

Đúng lúc này, nó nghe được một giọng nói quen thuộc vang lên, khuất sau đám cây cảnh lố nhố và ba bốn chiếc ghế dựa xanh đỏ ở hành lang bệnh viện.

- Chúng nó có phải là người đâu! Đấy cô xem, ông nhà tôi bệnh tật như thế mà chúng nó không chịu chữa, chúng nó bảo tôi cho ông ấy về nhà chờ chết! – là giọng của người đàn bà tối qua vẫn còn “trăm sự nhờ bác sĩ”.

- Khổ lắm cơ, mình dân quê, chúng nó hành cho đủ thứ chuyện – giọng một người khác, cũng là người nhà của bệnh nhân trong khoa – Loại vô đạo đức ấy rồi không được chết tử tế đâu mà! Cái quái gì mà lương y, lương y, bọn này có mà là cái lũ quỷ!

Cổ họng Nguyên nghẹn đắng. Trong một giây, nó muốn lao thẳng ra, nói cho rõ ngọn ngành. Nó muốn những người xúc phạm nó, xúc phạm ngành nghề của nó phải nói ra lời xin lỗi. Nhưng rồi, nó lại lùi về sau, vòng đường khác đi xem những bệnh nhân khác.

242280143_546061063289402_4596751266806074546_n.jpg


- Sau đó thì sao?

Cô bạn há miệng ngáp, rồi lơ đãng cầm chiếc thìa nhỏ trong cốc cà phê, khuấy khuấy vài ba cái. Giọng nói uể oải, rõ ràng là chẳng mấy chú tâm đến câu chuyện nhạt nhẽo mà thằng bạn thân kiêm đồng nghiệp vừa kể.

Nguyên nhún vai, ngả người ra ghế:

- Còn sao nữa? Sáng nay con gái bệnh nhân đến làm thủ tục xin ra viện.

Làm thủ tục xin ra viện, “người nhà xin về”, mấy chữ rất đơn giản nhưng ý nghĩa lại hết sức nặng nề.

Một mạng người cứ như vậy mà rời khỏi thế gian. Có lẽ, trên bầu trời đêm cao rộng sẽ sớm có thêm một ngôi sao mới. Hơi văn nghệ, nhưng Nguyên luôn tin tưởng rằng, bằng cách này hay cách khác, những người thân yêu sẽ luôn dõi theo ta trên mọi bước đường. Ừm, bằng cách trở thành một ngôi sao chẳng hạn.

- Nhạt nhẽo! – cô bạn phán một câu xanh rờn – Hiền lành một cách quá đáng! Bị người ta chửi như vậy mà không đáp trả câu nào, cũng không có ý định cho người ta biết mình đã nghe thấy. Nếu là tớ, chắc chắn tớ sẽ đứng ra “hỏi chuyện” bà ấy, phải trái rõ ràng.

- Chẳng có ý nghĩa gì cả. – Nguyên lắc đầu – mất đi người thân đã đủ đau đớn rồi. Sự so đo tính toán nhất thời của tớ, sẽ chỉ làm cho mọi chuyện trở nên xấu hơn mà thôi… Cậu biết bố tớ mất mười mấy năm rồi đúng không? Bệnh mà ông mắc giống với bệnh nhân đó. Nếu tớ đủ khả năng, tớ cũng mong rằng sẽ điều trị khỏi được cho bệnh nhân. Nhưng khi đưa tới bệnh viện, bệnh nhân đã ở thời kì toàn phát rồi. Mà cậu biết rồi đấy, chỉ điều trị triệu chứng, không có thuốc đặc trị…

Và không có cơ hội sống.

Cô bạn ngồi đối diện gật đầu cái rụp:

- Hiểu rồi, vì đã trải qua, nên mới dễ dàng thông cảm cho người khác đúng không?

Có lẽ vậy. Một người đã trải qua nỗi đau, sẽ dễ cảm thông với những nỗi đau tương tự. Hoặc là vì đã trải qua nỗi đau, nên mới cảm thấy không cần so đo tính toán với những tổn thương nhỏ nhặt. Bởi vì, chẳng có cảm giác nào có thể khó trải qua bằng cảm giác đau đớn tới trống rỗng của mùa hè năm mười sáu tuổi.

- May mà cậu đã vượt qua những năm tháng đó… Vượt qua rồi, mới có thể trở thành một người trưởng thành vui vẻ, thật tốt đúng không?

Vĩnh viễn không nếm trải giông bão, khổ đau, đương nhiên là điều tốt. Có điều niềm vui của sự trưởng thành sau giông bão, lại càng đáng quý hơn.

Thế giới này thật sự rất tàn nhẫn, rất xấu xa, chẳng ai có thể đảm bảo chính mình sẽ chẳng gặp chút trắc trở khó khăn nào, nhưng chúng ta có thể lựa chọn luôn giữ cho mình một phần dịu dàng và tốt đẹp. Như cách bố của Nguyên, năm đó, vẫn mỉm cười và xoa đầu con trai, cho đến khi không còn sống trên đời nữa.

- Điều mà tớ mong muốn, chỉ là mỗi sáng thức dậy nhìn thấy mình trong gương đều có thể mỉm cười, tự nhủ “mình đã làm rất tốt”. Vậy thôi…

Bài dự thi viết chủ đề Nhà
Tác giả: Rian_Ng
 
600
6
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.