Văn học - Nơi con người không thể vo tròn trong một khuôn khổ

Văn học - Nơi con người không thể vo tròn trong một khuôn khổ

Văn Học
Văn Học
Văn chương chân chính luôn làm sống dậy những nghịch lí, những bối rối của con người trong những khoảnh khắc đời thường. Những giây phút phân vân, ngập ngừng ấy đôi khi mới là bản chất muôn thuở của của con người. Văn chương không tạo dựng những nhân vật hoàn hảo, những nhân vật chỉ sống đơn thuần theo lí trí và lúc nào cũng có thể hành động một cách đúng đắn, dễ dàng. Văn chương tạo dựng những nhân vật biết sai, biết loay hoay khi đứng trước các lựa chọn, biết đau đớn khi chẳng may làm điều tội lỗi, những nhân vật mà chẳng thể đóng khung, vo tròn trong một khuôn khổ nhất định. Chính điều đó mới khiến nhân vật còn thật hơn cả ngoài đời thật. Bạn đọc ngắm nhìn những thân phận trên trang sách như được nhìn thấy chính mình ở ngoài đời.

Vì sao “Truyện Kiều” trở thành sáng tạo có một không hai của Nguyễn Du mặc dù cốt truyện được lấy từ cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân. Đó là bởi vì nếu Thúy Kiều của Trung Hoa chỉ được miêu tả trên phương diện hành động thì Thúy Kiều của ta lại được khắc họa trên phương diện tâm lí. Nếu Thúy Kiều của Trung Hoa làm việc gì cũng rạch ròi, quyết đoán thì Thúy Kiều của ta đôi lúc lại dùng dằng giữa lí trí và tình cảm. Trong Kim Vân Kiều truyện, Thúy Kiều “trao duyên” cho em là xong; thế nhưng Thúy Kiều của Nguyễn Du lại rơi vào giằng xé nội tâm: kỉ vật đã trao nhưng tình yêu thì chẳng thể dứt, duyên đã đứt nhưng lòng thì không thể quên: “Chiếc vành với bức tờ mây/ Duyên này thì giữ vật này của chung”. Đó dường như là những tình thế của đời sống mà con người bắt buộc phải đứng trước những nghịch lí, những trạng huống mà sự lựa chọn nào cũng không vẹn tròn.

Con người của Kiều cũng thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời nàng. Cuộc đời có lắm bước ngoặt đã cho thấy những giới hạn khác nhau của chiều kích tâm hồn. Với Kim Trọng, Kiều thỏa mãn những rung động tinh thần bên người tình đồng điệu. Với Thúc Sinh, Kiều hưởng những ngày tháng hạnh phúc trần thế của đôi vợ chồng trẻ. Với Từ Hải, Kiều được sống với khát vọng làm chủ vận mệnh, có cơ hội báo đền ân oán. Tình cảm ngày một mới, ước vọng ngày càng cao. Giáo sư Trần Đình Sử đã bày tỏ quan điểm mà mình cảm thấy vô cùng ấn tượng: “Chả trách ngày tái hợp Kim Kiều đối với nàng chỉ là tình “cầm cờ”, vì vết thương lòng của Kiều còn đó, mà Kim Trọng trước sau cũng chỉ là người tình “cũ” với những ham mê buổi đầu! Chàng Kim thua xa nàng Kiều về trải nghiệm nhân sinh”. Có thể nói, phải đến Nguyễn Du, những phương diện cá nhân nhất, riêng tư nhất của con người mới được bộc lộ. Quân tâm đến cá nhân tức là quan tâm đến những suy nghĩ, những phần sâu kín của nội tâm mà không thể diễn giải thành lời.
Con người trong văn chương không thể vo tròn trong một khuôn khổ nhất định, và người đọc văn chương cũng thế. Chính bởi sự bí ẩn, khó nói của tâm hồn con người mà chúng ta mới cần đến những tác phẩm văn học để có thêm những công cụ để lắng nghe chính mình. Và mình vẫn luôn tin rằng, việc đọc những áng văn, áng thơ thực thụ khiến ta thêm rộng lớn về đời sống tinh thần, một sự rộng lớn đáng kinh ngạc và bất ngờ.

Nguồn: Fanpage Tinh Van
 
Từ khóa
nguyen du tâm hồn con người thuy kieu tieu thuyet van chuong việc đọc đời sống tinh thần
  • Like
Reactions: Jenny Lục Ngạn
354
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top