Nhà là nơi nương náu...
Thật vậy, những ngày dãn cách thế này, được trở về nhà không gì quý giá hơn. Tôi mang trong mình rất nhiều dòng cảm xúc xen kẽ, bởi vì lúc ấy bản thân vẫn chưa sẵn sàng với suy nghĩ rằng mình sẽ ở nhà lâu đến vậy!
Ba tháng về nhà - kể từ khi một mình tự lập nơi đất khách quê người, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi ở liền trong nhà nhiều ngày đến vậy. Những bế tắc, tuyệt vọng rồi cũng dần qua, để lại trong tôi là sự biết ơn và trân trọng vì mình còn sống, còn được ở cạnh người thân yêu. Nhà vì thế, còn mang nhiều ý nghĩa to lớn với tôi lúc này.
Tôi hiểu hơn về bản thân, về giá trị của mình giữa cuộc đời tôi đang sống. Và càng hiểu hơn, những ngày tháng chiến đấu và vật lộn với bệnh tật của mẹ. Có lẽ, những lần vội vã về nhà và vội vã ra đi, tôi chưa biết hết những trăn trở ấy…
Về nhà, nghe mẹ tâm sự những mẩu chuyện nhỏ lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại, mới thấy mẹ khát khao được trở về cuộc sống bình thường, chăm non gia đình như trước. Mẹ tôi bị tai biến từ năm 2016, sau nhiều lần chữa trị đủ mọi phương cách đều không có dấu hiệu phục hồi, chưa kể trong 5 năm đó, bà tái phát bệnh 3 lần.
Về nhà, mỗi lần uể oải và chán nản vì “phải” ở nhà quá lâu, tôi nghĩ đến cuộc đời của mẹ trên chiếc giường bệnh. Mỗi ngày, mỗi ngày, nhìn mẹ bình thản trong sự chậm rãi mà ông trời đã trao, tôi dặn lòng mình phải tích cực, trân trọng những gì đang có.
Về nhà, mỗi ngày với tôi là một bài học. Bình thường tôi ít khi phải động tay động chân đến việc quét dọn, nhiều khi mỗi năm chỉ đến Tết mới phải xắn áo xắn quần làm việc nhà. Nhưng bây giờ, hàng ngày, tôi biết mình cần chăm chút cho ngôi nhà của mình, của ba mẹ mình, vì ngôi nhà có sạch sẽ, có tươm tất mới có may mắn.
Về nhà, tôi học được cách nhẫn nhịn và chịu đựng, như cách mẹ sống chậm lại, tự chữa lành vết thương nội tâm lẫn thể chất bằng niềm hoan hỉ nho nhỏ từ mọi thứ bà cảm nhận. Khi nhìn cuộc sống một cách bình tĩnh và tích cực, thì mọi thứ khúc mắc đều có thể được tháo bỏ. Chẳng cần phải gấp gáp giải quyết ngay, nhiều thứ trong cuộc sống này cần thời gian.
Về nhà, ở thời dãn cách này, kiếm được dù là một đồng tiền lẻ, với tôi vẫn đáng trân quý, vì bao nhiêu khổ ải con người ta đang chịu đựng ngoài kia. Bao nhiêu chiến sĩ bác sĩ tuyến đầu, bao nhiêu dân quân tình nguyện viên… rất nhiều người vẫn chưa thể về nhà ngay lúc này. Bản thân mình may mắn hơn, tại sao không sống có giá trị cho bản thân và gia đình?
Về nhà, mỗi ngày tôi đều phụ ba tưới cây, dọn dẹp nhà cửa, nấu một ít đồ ăn đơn giản thay đổi khẩu vị khi cả nhà không có bàn tay vun vén của mẹ, từ bao năm. Đầu giờ chiều và mỗi buổi tối, tôi đều ngồi nghe mẹ kể chuyện, trong giọng nói ngọng nghịu bập bè vì di chứng tai biến. Mẹ thích kể chuyện cho tôi nghe, đôi khi là những chuyện mẹ kể đi kể lại, đôi khi là... những câu hỏi khó: "chừng nào lấy vợ?" Nhưng tôi luôn kiên nhẫn, vì như vậy mẹ mới có đủ thời gian để... cất lên từng chữ mà không sợ bị sai, bị... lạc đề do sự hoạt động không ổn định của não bộ. Mẹ luôn cần ai đó, chịu khó lắng nghe.
Về nhà, tôi học cách nấu nướng, vì chẳng thấy ăn hàng rong mãi hoài. Mùi hành, tỏi, nước mắm… làm dậy lên kí ức xa xưa tôi từng có ở căn nhà nhỏ. Đó là kí ức của mẹ, dưới gian bếp mỗi sáng và mỗi chiều, nấu ăn cho cả gia đình. Cũng vì những lần… xuống bếp tự phục vụ bản thân, tôi mới hiểu thêm về hai từ mái ấm.
Về nhà, cảm giác bình an dần dần chiếm hữu tôi, loại bỏ đi những xô bồ, hối hả, toan tính... bên ngoài. Có những tuần đầu tiên dãn cách, tôi mất toàn bộ tinh thần, không thể tập trung làm việc trực tuyến trên mạng, dù ngày nào cũng được hưởng cái nắng sớm, cũng được tưới đám cây xanh mướt ngoài vườn… Kể từ khi nhận ra ngôi nhà cần mình vun vén, tôi bắt đầu tìm cách trở lại với công việc. Và trong sự an yên đó, tôi đã hoàn thành nhiều thứ trước đây từng ấp ủ.
Về nhà ngót nghét 90 ngày, tôi luyện cho mình từ bỏ tham sân si, dù không thể triệt để, nhưng ít nhiều cũng không còn là điều khiến tôi vướng bận như trước. Căn nhà nhỏ dường như là liều tiên dược cho tâm hồn, càng ngày tôi càng thấy sự che chở của nó không chỉ là thể xác mà tâm hồn mình.
Về nhà, tôi nhận ra mình còn may mắn biết bao khi còn có thời gian để chiêm nghiệm bản thân, về những lần vấp ngã rồi đứng dậy, những lần bị thương để lại tàng tích trên cơ thể lẫn trong tâm hồn... Cũng nhờ có căn nhà nhỏ, tôi được dịp hiểu hơn về những người mình tưởng mình đã hiểu họ, hiểu ba hiểu mẹ, hiểu người thân… Tất cả những điều ấy làm nên sự vô giá của hai từ gia đình.
Khi dành hết trái tim cho nơi mình đang nương náu, tôi lại càng thấy mình cần ý thức hơn để giữ gìn, vun vén nó. Tất cả chúng ta đều đang sống trong thời khắc khó khăn, nhưng không gì là không thể vượt qua nếu như đồng tâm đồng lòng. Nhất là chúng ta không đơn độc, vì còn gia đình, còn ngôi nhà để trở về!.
09.09.2021
Tác giả: Đức Noise
Chú thích ảnh: Tay trái của con và tay phải của mẹ (Ảnh chụp 27.08.2021)