"Vì con một lần thôi, có được không?"

"Vì con một lần thôi, có được không?"

Khói thuốc phì phào, từng cuộn trắng xóa nhả vào thinh không.

Ông ngồi đó, rít những hơi chậm chạp của điếu thuốc cuối cùng.

- Bố, bao giờ Bố mới chịu bỏ thuốc?

Ông châm lửa, rút ra từ túi quần bao thuốc thứ hai chẳng do dự và đốt cháy điếu đầu tiên trong tích tắc. Mặt như vờ không nghe thấy tiếng đứa con đang nói chuyện với mình.

- Bố không bỏ cũng được, nhưng có thể đừng hút nó trong nhà mình nữa có được không? Mẹ, con và cả em đang thay nhau bệnh rồi, xin Bố đấy.

Ông rít nhanh điếu thuốc đang dở rồi đứng dậy đi về hướng cổng rào trước nhà, để lại mớ gạt tàn nằm lạnh lẽo.

Khoảnh khắc bước chân ông ấy xa dần và mờ dần, tôi nhận ra, trên đời này chẳng có thứ gì là không thể cả, chỉ có là muốn hay không muốn mà thôi. Bố tôi, ông ấy đã làm bạn với khói thuốc những mười mấy năm liền, không chỉ ông, cả nhà tôi đều phải tập quen với thứ bạn đáng sợ và đáng ghét này. Tôi bị xoang mũi, mỗi khi làn khói dày đặc xộc vào cánh mũi, mắt tôi cũng theo đó mà cay xè, mặt nhăn nhó. Chúng tôi nhiều lần cãi nhau chỉ vì những gói thuốc ông để trong ngăn kéo nhưng không tìm thấy nữa vì đã bị tôi ném hết đi, hay những lần em gái không chịu đi mua thuốc mới cho Bố vì tôi đã cấm nó làm công việc này. Có bao nhiêu người nằm xuống vì những căn bệnh ung thư khác nhau từ thuốc lá, tôi biết đó là người bạn tiêu sầu của nhiều người, không riêng gì Bố, và nó cũng chẳng dễ để từ bỏ. Tôi bảo ông hãy ăn kẹo bánh, trái cây thay thuốc mỗi khi thèm, tôi bảo ông mình giảm thuốc từ từ thôi cũng được, tôi bảo ông nó không tốt cho cả người hút lẫn người ngửi đâu… sau tất cả, tôi đều thấy ông hiểu hết những điều tôi nói nhưng ông không hề muốn thay đổi lại chúng bao giờ.

Tàn thuốc chẳng vơi. Thời gian cũng chẳng đợi.
Tôi sợ những ngày xấu trời rồi sẽ bao phủ cuộc đời mình, sợ những đêm đen dày kịt ôm nghẹt lấy cơ thể mình.

Vài tháng sau đó.

- Cái K mày đang làm cái trò gì vậy hả con? Ai, ai tập cho mày những thứ này?

Tôi tay vẫn ôm đàn, miệng ôm thuốc, chẳng rời.

- Mày như thế bao lâu rồi?

- Bố còn quan tâm đến con à? – lúc này tôi mới ngoảnh lại nhìn ông và đáp lời.

Không gian như đặc quánh, vẻ mặt tôi cũng đặc quánh vẻ lạnh lùng. Căn phòng thiếu sáng giữa trời thu lại vô cùng lạnh lẽo như đông ghé.

Một lúc sau, ông tiến lại ngồi xuống cạnh tôi, thì thào:

- Con gái mà như vậy người ta lại đánh giá, lại nói con hư hỏng đấy.

- Có phải do Bố không?

- Không, là do con muốn, con muốn thử nếm xem chúng có vị gì mà Bố lại mê đến vậy, Bố thà bỏ cơm chứ không bỏ thuốc, con cũng muốn thử xem hương vị của chúng có xoa dịu được nỗi lòng của mình không thôi. – tôi từ tốn mở miệng.

Kim dài trên đồng hồ treo ở đầu giường vẫn ì ạch kêu từng nấc, nhưng có vẻ như lúc này nó đi chậm hơn so với thường ngày, ngoài vườn chim cũng như ngủ quên chẳng thèm hót. Hai con người trần tục cách nhau tận ba chục tuổi đời lại ngồi tỉ tê như hai người bạn cũ lâu ngày không gặp. Họ nói gì đấy với nhau rất nhiều.

Sáng hôm sau, chiếc mũi bệnh tật của tôi đánh được một loại hương thơm kì bí phát ra từ ngoài phòng, cái mùi mà tôi chưa từng được hít hà khi ở nhà. Rồi tôi nhận ra, đó là mùi của gia đình, mùi của Bố bỏ thuốc, mùi của mẹ vui, tôi vui, và em gái cũng không còn phải trốn chạy khói thuốc để vào góc tối để học bài nữa.

Có những thói quen xem ra rất khó bỏ, nhưng không có thứ gì gọi là không thể bỏ được. Chia sẻ và cảm thông, là những thứ giúp cho thói quen ấy có thể tháo gỡ cách dễ dàng nhất.

Cảm ơn lần ấy đã vì con.

✍️ 08/01/2022

a0a2ab1a711cd70a53128f983994f02d.jpg
 
  • Like
Reactions: A Kha
468
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top