Soạn văn Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm, Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo, ngắn gọn

Soạn văn Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm, Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo, ngắn gọn

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm là kiểu bài nghị luận dùng lí lẽ và bằng chứng để chỉ ra sự sai trái và tác hại của một thói quen hay quan niệm nhằm giúp họ từ bỏ thói quen hay quan niệm ấy. Cách thức triển khai bài văn nghị luận phù hợp cho kiểu đề trên sẽ được VHT giới thiệu đến cách em học sinh một cách hệ thống và ngắn gọn qua bài soạn sau:

6A913636-7BF3-480A-9CCE-74D1CA02882E.jpeg

Ảnh VHT

I. Tri thức kiểu bài

1. Kiểu bài


Bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm là kiểu bài nghị luận dùng lí lẽ và bằng chứng để chỉ ra sự sai trái và tác hại của một thói quen hay quan niệm nhằm giúp họ từ bỏ thói quen hay quan niệm ấy.

2. Yêu cầu đối với kiểu bài

Nêu rõ thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ; mục đích lí do viết bài luận.

• Trình bày các luận điểm: tác hại của thói quen/ quan niệm, lợi ích của việc từ bỏ thói quen/ quan niệm, những gợi ý về giải pháp thực hiện.

• Sử dụng lí lẽ xác đáng, bằng chứng thuyết phục, có lí, có tình.

• Sắp xếp luận điểm, lí lẽ theo trình tự hợp lí.

• Diễn đạt mạch lạc, gãy gọn, lời lẽ chân thành.

Bố cục bài luận gồm 3 phần:

(1) Mở bài: nêu thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ; lí do hay mục đích viết bài luận.

(2) Thân bài: lần lượt đưa ra ít nhất hai luận điểm (lí lẽ, bằng chứng) làm rõ mặt trái và tác hại của thói quen hay quan niệm; nêu lợi ích/ giải pháp khắc phục, từ bỏ thói quen hay quan niệm.

(3) Kết bài: khẳng định lại ý nghĩa, lợi ích của việc từ bỏ thói quen/ quan niệm; thể hiện niềm tin vào sự cố gắng và thành công của người thực hiện.

2. Ngữ liệu tham khảo, trang 51, 52

* Câu 1: Các phần mở bài, thân bài, kết bài trong ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm chưa?

Trả lời:

Các phần mở bài, thân bài, kết bài trong ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm.

* Câu 2: Bài viết đã chỉ ra tác hại của thói quen và lợi ích của việc từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại di động bằng các lí lẽ, bằng chứng nào? Các lí lẽ, bằng chứng ấy có được sắp xếp hợp lí không?

Trả lời:

a. Lí lẽ, bằng chứng về tác hại và lợi ích của việc từ bỏ thói quen xấu


- Lí lẽ 1: Lạm dụng điện thoại di động là sử dụng điện thoại di động một cách thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng đến cuộc sống.

+ Những bạn trẻ chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại, thức đến hai, ba giờ sáng để theo dõi những dòng cập nhật trên mạng xã hội.

+ Việc lạm dụng điện thoại di động ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta.

- Lí lẽ 2: Nếu ta từ bỏ được thói quen lạm dụng điện thoại di động, tức là sử dụng một cách có ý thức, đúng nơi, đúng lúc, thì chiếc điện thoại di động lại trở thành công cụ hữu ích cho cuộc sống của chúng ta.

- Bằng chứng: Các ứng dụng trên điện thoại di động giúp ích cho con người trong việc soạn thảo văn bản, chụp ảnh, dựng phim, phục vụ đắc lực cho các bài thuyết trình trên lớp.

b. Nhận xét cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng

Lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp hợp lí. Bằng chứng được xếp đứng ngay sau lí lẽ, nhằm bổ sung, làm sáng rõ và thuyết phục người đọc, người nghe hơn.

* Câu 3: Quan điểm, thái độ của người viết về vấn đề có được thể hiện rõ ràng, nhất quán không?

Trả lời:

Quan điểm, thái độ của người viết về vấn đề đã được thể hiện rõ ràng, nhất quán. Các lí lẽ, bằng chứng đều nhằm mục đích thuyết phục các bạn học sinh từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại di động.

* Câu 4: Cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu của người viết đã phù hợp với mục đích của bài luận hay chưa?

Trả lời:

Cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu của người viết vừa phải, gần gũi nhằm giúp người đọc hiểu được tác hại của việc lạm dụng điện thoại di động cũng như lợi ích của việc sử dụng điện thoại di động đúng cách à phù hợp với mục đích của bài luận.

* Câu 5: Bạn rút được kinh nghiệm hay lưu ý gì khi thực hiện một bài luận tương tự?

Một số lưu ý bản thân rút ra được:

- Cần sắp xếp các bằng chứng đứng ngay sau lí lẽ.

- Thể hiện rõ ràng quan điểm, cách nhìn của bản thân về vấn đề đó.

- Sau khi đưa ra các luận điểm thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm, cần phải đưa ra giải pháp khả thi để người đó có thể thực hiện được.

II. Thực hành viết theo quy trình

1. Hướng dẫn quy trình viết

(1). Chuẩn bị trước khi viết


Học sinh xác định đề tài; xác định mục đích viết, đối tượng người đọc cần hướng đến; chủ động đi tìm thông tin, thu thập tài liệu có liên quan đến đề tài cần viết.

Tìm ý và lập dàn ý

Để tìm ý, học sinh trả lời các câu hỏi:

1. Anh/Chị sẽ tập trung khẳng định hay bác bỏ hay kết hợp khẳng định với bác bỏ khi nghị luận vấn đề?

2. Anh/Chị dự định đưa ra những ý lớn, ý nhỏ nào để viết bài luận?

(2). Viết bài

(3). Xem lại và chỉnh sửa


Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về quan niệm: “Chỉ có không gian ảo trên mạng mới đem lại cho mỗi người tri thức, tự do và niềm hứng thú bất tận”.

(1) Mở bài
: Nêu quan niệm cần thuyết phục người khác thay đổi, mục đích viết bài văn nghị luận.

(2) Thân bài:

- Luận điểm 1:

Giải thích ý kiến: “Chỉ có không gian ảo trên mạng mới đem lại cho mỗi người tri thức, tự do và niềm hứng thú bất tận”.

+ Giải thích khái niệm: “Không gian ảo”;

+ Biểu hiện của việc xem “không gian ảo đem lại cho mỗi người tri thức, tự do và niềm hứng thú bất tận”.

- Luận điểm 2: Trình bày luận điểm

Việc lạm dụng không gian ảo làm lãng phí thời gian, sức khoẻ của con người (sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần, tâm lý).

- Luận điểm 3: Trình bày luận điểm

Cuộc sống thực tế có rất nhiều điều thú vị (vẻ đẹp của thiên nhiên, kỹ năng xã hội, bài học giao tiếp, trải nghiệm hữu ích, tình người, mối quan hệ tốt đẹp…)

- Luận điểm 4: Trình bày luận điểm và đưa ra phương hướng hành động

+ Khẳng định không nên lạm dụng không gian ảo.

+ Liên hệ mở rộng (đa dạng hoá các hình thức học tập, giải trí, không lạm dụng không gian ảo…)

(3) Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa, lợi ích của việc từ bỏ thói quen/quan niệm; thể hiện niềm tin vào sự cố gắng của người thực hiện.

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 10, sách Chân trời sáng tạo tại đây!
.............................................
Chúc các em học tốt!​
 

Đính kèm

  • 1F09EF26-648D-4251-A7D6-82EBDBCEDB23.jpeg
    1F09EF26-648D-4251-A7D6-82EBDBCEDB23.jpeg
    247.5 KB · Lượt xem: 22
Sửa lần cuối:
Từ khóa
chỉ có không gian mạng mới đem lại niềm vui kĩ năng viết bài anh hùng và nghệ sĩ soạn bài viết bài luận thuyết phục từ bỏ từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại viết bài luận thuyết phục từ bỏ thói quen xấu
4K
0
3

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826

Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ thói quen trì hoãn

I. Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về khái niệm trì hoãn, có thể dẫn dắt bằng một tình huống thú vị.

2. Thân bài

– Trì hoãn là gì?

Đừng nhầm lẫn với sự lười biếng. Trì hoãn có mặt tích cực là chọn làm một việc khác thay vì nhiệm vụ mà bạn biết mình nên làm.

– Hậu quả của trì hoãn: bị giảm năng suất và bỏ lỡ cơ hội đạt được mục tiêu của mình; chúng ta có thể trở nên mất động lực và vỡ mộng với công việc của mình,

– Cách khắc phục thói quên trì hoãn:

+ Nhận ra rằng bạn đang trì hoãn. Nếu trì hoãn đúng cần thiết thì hợp lí, nếu không thì đó là thói quen xấu.

+ Bạn cũng có thể trì hoãn nếu bạn: Lấp đầy ngày của bạn với những nhiệm vụ có mức độ ưu tiên thấp hay đọc email nhiều lần mà không quyết định phải làm gì với chúng.

+ Chờ để có “tâm trạng phù hợp” hoặc đợi “thời điểm thích hợp” để giải quyết một nhiệm vụ.

+ Tìm ra lý do tại sao bạn đang trì hoãn

+ Áp dụng các chiến lược chống trì hoãn: Hãy tha thứ cho bản thân vì đã trì hoãn trong quá khứ; Cam kết thực hiện nhiệm vụ; Hứa với bản thân một phần thưởng; Nhờ ai đó kiểm tra bạn​

3. Kết bài

Khẳng định lại lợi ích của việc từ bỏ thói quen trì hoãn​

II. Bài làm tham khảo

Bạn đang vô cùng vội hoàn thành bài tập trong khi đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm, bạn tự trách bản thân vì cả ngày không tập trung vào bài tập cần phải nộp ngày mai. Nhưng cũng có những giờ bạn dành để đọc lại bài cũ và “chuẩn bị” quá mức cho bài học tuần sau, nghỉ giải lao và thời gian dành cho những công việc khác thì bạn lại ngồi vào bạn học. Nghe có vẻ quen? Nếu vậy, bạn không đơn độc bởi đây là tình trạng của nhiều người với thói quen trì hoãn công việc nhiệm vụ cần phải làm trước mắt.

Trì hoãn là một cái bẫy mà nhiều người trong chúng ta rơi vào. Trên thực tế, theo nhà nghiên cứu và diễn giả Piers Steel , 95% chúng ta trì hoãn ở một mức độ nào đó. Mặc dù bạn có thể cảm thấy thoải mái khi biết rằng mình không đơn độc, nhưng bạn có thể tỉnh táo nhận ra điều đó có thể kìm hãm bạn đến mức nào. Sự trì hoãn thường bị nhầm lẫn với sự lười biếng, nhưng chúng rất khác nhau.

Trì hoãn là một quá trình tích cực – bạn chọn làm một việc khác thay vì nhiệm vụ mà bạn biết mình nên làm. Ngược lại, sự lười biếng cho thấy sự thờ ơ, không hoạt động và không sẵn sàng hành động. Trì hoãn thường liên quan đến việc bỏ qua một nhiệm vụ khó chịu, nhưng có thể quan trọng hơn, để ủng hộ một nhiệm vụ thú vị hơn hoặc dễ dàng hơn. Tuy nhiên việc đầu hàng trước sự khó khăn này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, ngay cả những giai đoạn trì hoãn nhỏ cũng có thể khiến chúng ta bị giảm năng suất và khiến chúng ta bỏ lỡ cơ hội đạt được mục tiêu của mình. Nếu chúng ta trì hoãn trong một thời gian dài, chúng ta có thể trở nên mất động lực và vỡ mộng với công việc của mình, điều này có thể dẫn đến trầm cảm và thậm chí mất việc, trong những trường hợp nghiêm trọng.

Như với hầu hết các thói quen để có thể vượt qua sự trì hoãn bạn cần ngay lập tức đối phó và ngăn chặn thói quen không tốt này. Nếu bạn đang trì hoãn một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian ngắn vì một lý do thực sự chính đáng, thì bạn không nhất thiết phải trì hoãn. Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu trì hoãn mọi thứ vô thời hạn hoặc chuyển trọng tâm vì bạn muốn tránh làm điều gì đó, thì có lẽ bạn đang rơi vào tình trạng trì hoãn không tốt một chút nào. Bạn cần hiểu lý do tại sao mình trì hoãn trước khi có thể bắt đầu giải quyết nó. Chẳng hạn, bạn có đang trốn tránh một nhiệm vụ cụ thể nào đó vì bạn thấy nó nhàm chán hoặc khó chịu không? Nếu vậy, hãy thực hiện các bước để nhanh chóng loại bỏ nó, để bạn có thể tập trung vào các khía cạnh công việc mà bạn thấy thú vị hơn. Bạn nên tự tạo ra danh sách việc cần làm được ưu tiên và tạo lịch trình hiệu quả. Những công cụ này giúp bạn sắp xếp các nhiệm vụ của mình theo mức độ ưu tiên và thời hạn. Trì hoãn là một thói quen – một kiểu hành vi đã ăn sâu vào tiềm thức. Điều này có nghĩa là bạn có thể không thể phá vỡ nó chỉ sau một đêm. Thói quen chỉ dừng lại là thói quen khi bạn tránh thực hành chúng, vì vậy hãy thử càng nhiều chiến lược dưới đây càng tốt để tạo cho mình cơ hội thành công cao nhất có thể. Tập trung vào làm, không trốn tránh. Như đã nói viết ra các nhiệm vụ mà bạn cần hoàn thành và chỉ định thời gian để thực hiện chúng. Điều này sẽ giúp bạn chủ động giải quyết công việc của mình. Nếu bạn hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn đúng hạn, hãy tự thưởng cho mình một món quà, chẳng hạn như một lát bánh ngọt hoặc một ly cà phê từ quán cà phê yêu thích của bạn. Và hãy chắc chắn rằng bạn nhận thấy cảm giác tuyệt vời như thế nào khi hoàn thành mọi việc!

Như vậy, Sự trì hoãn có thể hạn chế tiềm năng của bạn và làm suy yếu sự nghiệp của bạn. Nó cũng có thể làm mất tinh thần làm việc nhóm, làm giảm tinh thần, thậm chí dẫn đến trầm cảm và mất việc. Vì vậy, điều quan trọng là phải thực hiện các bước chủ động để ngăn chặn nó.
(sưu tầm)​
 

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826

Viết Bài Luận Thuyết Phục Người Khác Từ Bỏ Thói Quen Không Làm Bài Tập Ở Nhà

I. Dàn ý

1. Mở bài

Nêu thói quen mà người viết chuẩn bị thuyết phục người khác từ bỏ: thói quen không làm bài tập ở nhà.

2. Thân bài

- Nguyên nhân:
+ Do lười biếng, có suy nghĩ ỷ lại vào người khác.
+ Không có động lực học, học với thái độ chống đối.
+ Dành thời gian cho những việc không cần thiết.

- Biểu hiện:
+ Lên mạng tìm lời giải.
+ Làm bài qua loa, nhằm đủ số lượng.
+ Đến lớp mượn vở bạn để chép.

- Tác hại của thói quen không làm bài tập ở nhà:
+ Không tích lũy, bồi dưỡng được các kiến thức "học trước quên sau".
+ Kết quả học tập giảm sút, không có sự tiến bộ.
+ Bản thân có tính ỷ lại, "bất cần đời", làm việc trên tinh thần chống đối, cho qua.
+ Chán nản với việc học.

- Lợi ích của việc từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà:
+ Giúp ôn lại kiến thức đã học, đồng thời mở rộng và nâng cao bài học.
+ Rèn luyện tinh thần tự giác, chăm chỉ, có trách nhiệm.

- Giải pháp:
+ Tự cân bằng thời gian học và chơi.
+ Đề ra mục tiêu cụ thể.

3. Kết bài

Khẳng định ý nghĩa của việc từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà.

II. Bài văn mẫu dùng để tham khảo
Từ lâu, làm bài tập về nhà đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của người học. Tuy nhiên, không phải cá nhân nào cũng nhận thức được điều đó. Một vài người đã hình thành và cho mình thói quen không làm bài tập về nhà. Đây là một thói quen xấu, cần gạt bỏ kịp thời.

Thông thường, sau mỗi tiết học, giáo viên bộ môn sẽ giao bài tập để học sinh củng cố và ôn tập kiến thức. Ấy vậy, vài bạn vẫn chưa nhận ra ý nghĩa thiết thực của thói quen này. Có bạn thì lười biếng, không muốn làm. Số khác lại bị hấp dẫn bởi điện thoại, mạng xã hội nên quên mất việc làm bài. Những bạn này thường dành thời gian cho các hoạt động vô bổ, không cần thiết như lướt Tiktok, Facebook, xem phim,... Một vài cá nhân luôn mang trong mình suy nghĩ ỷ lại vào người khác, đợi mai tới lớp chép bài bạn. Có thể nói, những nguyên nhân trên đây xuất phát từ chính bản thân người học.

Nếu thói quen này vẫn tiếp diễn, người học sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả khó lường. Trước hết, không làm bài tập về nhà đồng nghĩa với không tích lũy, bồi dưỡng các kiến thức quan trọng, dẫn đến tình trạng "học trước quên sau". Như vậy, đến kỳ thi hoặc kì kiểm tra, trong đầu chúng ta chẳng có tri thức. Từ đây, một số người sẽ bất chấp nội quy mà làm ra các hành vi tiêu cực như quay cóp, gian lận. Dần dần, kết quả học tập giảm sút, không có sự tiến bộ hoặc vươn lên tích cực.

Bạn thân mến, thực hiện một công việc mang ý nghĩa tốt đẹp thì chẳng bao giờ là vô bổ và tốn thời gian cả. Người xưa đã từng nói "học đi đôi với hành". Chỉ học lí thuyết mà không thực hành, vận dụng thì rất dễ quên. Hoàn thiện bài tập về nhà sẽ giúp chúng ta ôn tập các tri thức, đồng thời mở rộng, nâng cao bài học. Nhờ đó, chúng ta trở nên tự tin, hứng thú hơn trong việc học và kết quả cũng có sự cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, làm bài tập về nhà cũng rèn luyện tinh thần tự giác, chăm chỉ, có trách nhiệm ở mỗi người.

Mỗi người phải nhận ra tầm quan trọng của việc học, dù là học trên trường lớp hay ở nhà. Hãy từ bỏ thói quen không làm bài tập về nhà ngay từ bây giờ, bạn nhé! Không ai cấm hay ngăn cản việc giải trí sau giờ học mệt mỏi nhưng mọi người cần tự cân bằng thời gian học và chơi. Chúng ta có thể lập thời gian biểu sao cho hợp lí, dành thời gian tự học khoảng 1-2 tiếng/ngày. Chúng ta cũng nên đề ra các mục tiêu cụ thể, nhằm kích thích tinh thần nỗ lực của bản thân. Khi gặp các vấn đề khó, mọi người hãy cố gắng trao đổi với bạn bè, thầy cô thay vì chán nản, từ bỏ. Các bạn nên nhớ rằng không ai sinh ra đã là thiên tài, chỉ có "luyện mãi thành tài" mà thôi.

Bài tập về nhà chưa bao giờ là thừa thãi và vô tác dụng. Chúng ta hãy rèn luyện và bồi dưỡng thói quen thói quen tốt đẹp này để thêm chủ động, tự giác trong quá trình học. Khi đó, thầy cô và cha mẹ sẽ ghi nhận và hài lòng với những cố gắng của học trò, con cái.
(sưu tầm)​
 

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826
Viết Bài Luận Thuyết Phục Người Khác Từ Bỏ Thói Quen Đi Học Muộn.

I. Dàn ý Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm: Thói quen đi học muộn

1. Mở bài


Nêu thói quen mà người viết chuẩn bị thuyết phục người khác từ bỏ: thói quen đi học muộn.

2. Thân bài

- Nguyên nhân của thói quen đi học muộn:

+ Giờ giấc không điều độ: thức đêm.
+ Tác phong lề mề, chậm chạp.
- Tác hại của thói quen này:
+ Bỏ lỡ các kiến thức.
+ Ảnh hưởng tới nề nếp của lớp.
+ Biến bản thân trở thành người dối trá.

- Lợi ích của việc từ bỏ thói quen:

+ Không bị bỏ lỡ kiến thức, nắm bắt bài học kịp thời.
+ Có được tinh thần chủ động.
- Giải pháp để từ bỏ thói quen đi học muộn:
+ Sắp xếp thời gian sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi hợp lí.
+ Rèn luyện tác phong nhanh nhẹn, cẩn thận.

3. Kết bài

Khẳng định ý nghĩa của việc từ bỏ thói quen đi học muộn.​

II. Bài văn mẫu dùng để tham khảo

Không khó để bắt gặp cảnh tượng học sinh đi muộn phải đứng bên ngoài cổng trường, báo danh họ tên và lớp học. Đây là minh chứng rõ nét cho thói quen xấu - đi học muộn ở người học hiện nay.

Thỉnh thoảng, bởi một vài sự cố xảy ra nên chúng ta có thể tới trường lớp trễ. Nhưng, để việc đi học muộn trở thành thói quen thì mỗi người cần tự xem lại bản thân mình. Thay vì nghỉ ngơi sớm, rất nhiều bạn dành thì giờ để lướt mạng, xem phim, nhắn tin hay chơi game thâu đêm suốt sáng. Những bạn học sinh này thường có suy nghĩ "cố chơi nốt ván này", "cố xem hết tập này", "cố đọc hết chương này"... Cứ cố mãi mà không để ý thời gian, dẫn đến trời gần sáng mới bắt đầu chợp mắt đi ngủ. Và dĩ nhiên, sáng hôm sau, đồng hồ báo thức cũng chẳng thể gọi dậy. Ngoài ra, vài cá nhân khác lại có tác phong lề mề, chậm chạp. Họ cho rằng vẫn còn sớm nên không cần vội, đủng đỉnh ở nhà nghịch điện thoại, gần sát giờ mới bắt đầu tới trường.

Thói quen đi học muộn để lại rất nhiều tác hại cho các bạn học sinh. Đầu tiên, nếu thói quen này tiếp diễn thường xuyên, với tần suất dày, người học dễ bỏ lỡ các kiến thức. Giáo viên không thể vì một cá nhân mà giảng lại kiến thức trước đó. Không chỉ vậy, đi học muộn còn biến bản thân thành kẻ dối trá. Chúng ta thường bịa ra vô vàn lí do nhằm thuyết phục người khác thông cảm, đồng tình cho mình. Bên cạnh đó, không ít trường hợp xảy ra sự cố vì vội vã tới trường. Đi học muộn còn đồng nghĩa với vi phạm nội quy nhà trường. Từ đây, nền nếp, kỉ luật của lớp sẽ là đánh giá rất thấp.

Việc từ bỏ một thói quen xấu sẽ giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đi học đúng giờ, chúng ta không bị bỏ lỡ kiến thức bài học. Cũng chẳng có cảnh tượng tiết học diễn ra được một nửa thì học sinh mới xuất hiện ở của lớp. Đi học đúng giờ giúp mỗi người thêm chủ động, tự tin trong mọi tình huống. Đến lớp sớm, chúng ta sẽ có thời gian chuẩn bị bài hoặc trò chuyện, giao lưu với bạn bè.

Chắc hẳn, các bạn đã đọc rất nhiều bài viết, tin tức nói về việc thí sinh không được thi THPTQG vì đến trễ đúng không? Vậy nên, từ bỏ thói quen đi học muộn là cần thiết hơn bao giờ hết. Để làm được điều này, mỗi người hãy tự sắp xếp thời gian biểu một cách linh hoạt, hợp lí. Chúng ta nên giải trí vừa đủ, đừng sa đà quá mà ngủ muộn. Chúng ta cũng cần rèn luyện tác phong nhanh nhẹn, cẩn thận. Thay vì ngủ nướng buổi sáng, các bạn thử dậy sớm khoảng 30 phút, luyện tập thể thao để tinh thần, cơ thể thêm sảng khoái. Đồng thời, chúng ta không nên sát giờ mới bắt đầu tới trường, hãy dự bị một chút thời gian, đề phòng các tình huống bất ngờ.

Có thể nói, đi học muộn mang lại rất nhiều tác hại cho người học. Như vậy, mỗi người cần có cái nhìn đúng đắn về thói quen đi học muộn. Hãy nhanh chóng thay đổi và hành động để loại bỏ thói quen xấu này, bạn nhé!
(Sưu tầm)
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top