Chia Sẻ Viết một chút nhân ngày gia đình Việt Nam.

Chia Sẻ  Viết một chút nhân ngày gia đình Việt Nam.

Cashooif99
Cashooif99
  • Mình là cá, việc của mình là bơi 25
Đợi con một chút nữa thôi!​
Gửi mẹ yêu dấu,
Cách xa hơn một vạn cây số nhưng con vẫn cảm nhận được cái nóng oi bức của những ngày hè tháng sáu đã tràn đến mọi ngóc ngách của phố phường. Có lẽ những chùm phượng vĩ cũng đã nở rộ, đỏ rực khắp những con phố lớn. Và những lứa học sinh cuối cấp cũng đang tất bật chuẩn bị cho kì thi lên cấp, vào đại học. Tại nước Đức xa xôi, con cũng đang đau đầu nhẹ với kì thi tốt nghiệp đang đứng trước cửa. Đợi con vài tháng nữa thôi, rồi gia đình mình sẽ lại đoàn tụ.
Hơn ba năm trước, con đã từ bỏ những điều thân thuộc để đến với một nơi xa lạ, nơi mà con mới chỉ được nhìn thấy qua ti-vi. Căn nhà nhỏ cấp bốn của gia đình mình chưa bao giờ lại nhiều tiếng cãi cọ đến như vậy. Con chẳng bao giờ quên được nét mặt thất vọng, buồn rầu của bố mẹ cũng như chẳng bao giờ quên được bố mẹ đã phản ứng gay gắt thế nào, khi con đã bỏ dở việc học đại học, rồi sau đó đi học tiếng Đức. Lúc đó cho dù bố mẹ có nói như thế nào đi chăng nữa, con vẫn quyết định đi cho bằng được. Quyết tâm của con cũng đã đủ thuyết phục bố mẹ, rồi nhanh chóng cánh cửa nước Đức mở ra trước mắt con. Mẹ là người đã đồng hành với con trên từng chặng đường. Mẹ lặn lội đường xa bất kể có bị say xe, mỏi mệt, gạt bỏ hết công việc vẫn xếp thành từng chồng ở cơ quan. Ngồi trăm cây số để đi cùng con từ lúc đi học tiếng, đi thi, đi tìm trung tâm làm hồ sơ, lo cho con chu toàn mọi thứ thì chỉ có thể là mẹ thôi. Có những ngày khi trở về nhà cả hai mẹ con đều kiệt sức vì cả ngày ở ngoài đường đi hết trung tâm này đến trung tâm kia nhưng ngay sáng hôm sau thôi, lúc con ngủ dậy và chuẩn bị đi học đã có đồ ăn sáng bày ở bàn ăn rồi. Mẹ chẳng nói gì nhiều về quyết định của con, chỉ khuyên con phải chú ý giữ sức khỏe, đừng để bản thân ốm đau và học nấu ăn. Cả ba việc con đều không làm tốt, nhưng con tự chăm cho mình lúc ốm rồi khỏe mạnh, cũng đã nấu được nhiều món ăn đơn giản rồi. Vậy cũng chấp nhận được mẹ nhỉ?
Còn với bố, có lẽ một lời xin lỗi là chẳng đủ để khiến bố thôi thất vọng về con. Kì vọng của bố lúc đó đối với con, con hiểu chứ. Bố là một người luôn bình tĩnh với mọi chuyện, nhưng lại chẳng thể kìm chế được khi thấy con nằng nặc một mực đòi đi xa. Đến bây giờ, con nhìn lại mới thấy thấm từng câu, từng chữ mà bố đã nói, nhưng con vẫn chưa thể làm cho bố hài lòng. Con xin lỗi, vì những lần bố con mình cãi nhau, đã có lúc con chẳng muốn nhìn thấy bố nữa. Con cũng xin lỗi vì cho lời nói của bố là bảo thủ, đồng thời cũng từng không ưa thích gì ngành nghề bộ đội của bố. Lúc bố nói con nên thi vào lục quân rồi theo binh nghiệp của bố, con đã từng tỏ ra không yêu thích gì nó. Để rồi khi con lớn lên, nhìn thấy xung quanh ở đâu cũng thấy chiến tranh, thì con lại thấy thật sự nể phục và thêm phần kính trọng bố hơn nhiều. Nhưng bố ơi, con lúc đó cũng chỉ là cậu nhóc chưa tròn hai mươi, trong lòng còn rất nhiều những mơ mộng, những hoài bão viển vông. Con chẳng thể nào có thể dự đoán được trước tương lai sướng khổ ra sao nhưng con biết rằng, con đã học được từ một người bố vĩ đại rằng, con phải đấu tranh cho ước mơ của mình và phải chịu trách nhiệm với nó. Vậy nên bố hãy tha lỗi cho con nhé.
Bố mẹ biết không, đã có những lúc con dường như muốn bỏ cuộc ngay lập tức. Cuộc sống ở đây, con phải tự làm tất cả mọi thứ từ những việc nhỏ nhất mà trước giờ bố mẹ luôn là những người đảm nhận. Từ việc tìm nhà, thuê nhà, giặt giũ đồ, nấu ăn đến mở tài khoản ngân hàng, làm giấy tờ, đăng kí đi học, đi thi rồi ti tỉ thứ chuyện khác. Những ngày đầu tập tọe nói những câu tiếng Đức đầu tiên, những ngày đầu đi làm bị đồng nghiệp trách, bệnh nhân thì chê bai vì tiếng mình yếu quá, họ nói mãi không hiểu. Ban đầu con bực lắm, con cũng đã có suy nghĩ chẳng muốn đi làm nữa. Nhưng ngày hôm sau con không cho phép bản thân mình đầu hàng, con cảm thông được tâm trạng khi họ mang bệnh sẽ chẳng thể nào bình tĩnh được. Và thế là con từ từ buộc bản thân mình phải tốt hơn mỗi ngày.
Đại dịch Corona ập đến hai năm trước làm xáo trộn hoàn toàn nhịp sống của toàn thế giới và với con cũng vậy. Mẹ không thể tưởng tượng được đâu, mỗi lần con đi ra ngoài đường, thấy người châu Á họ đều bảo là “Corona”. Ở một đất nước mà con từng cho là văn minh tiến bộ cũng có rất nhiều người chẳng thể phân biệt được con người và con Vi-rút. Con thì chẳng có thời gian để đứng lại cãi nhau với họ, nên con làm cách tốt nhất là làm tốt công việc của mình. Công việc của con trong thời gian này cũng bị xáo trộn, nhất là khi trong viện của con có những người bị Corona. Rất nhiều lần chứng kiến không biết bao nhiêu là người ốm và thậm chí cả những người xung quanh mình nằm xuống; cũng có những người từ lúc nhập viện vô cùng nguy kịch, thể trạng yếu ớt rồi khỏe mạnh. Khi thấy họ khỏe mạnh lại, lại được hít thở bầu không khí không có mùi thuốc sát trùng, lại có thể đi dạo dưới ánh nắng mặt trời với con có lẽ là một điều chẳng bao giờ con quên. Đó chính là niềm vui trong công việc mà có lẽ con đã tìm thấy được. Con cũng chẳng sợ nó nặng nhọc hay chán vì nó quá nhàn hạ, chỉ cần con thấy vui vẻ mỗi khi về nhà, thế đã là quá đủ rồi.
Sang đến đây rồi mới thấy, người Việt Nam nhiều lắm, nhưng ở một đất nước xa xôi kiếm được một người bạn hết lòng giúp đỡ bản thân không vì lợi ích gì thật là khó. Ai cũng nhìn vào cái lợi trước khi kết giao một mối quan hệ, nếu họ không nhận được gì thì họ cũng sẽ không cho đi đâu. Con cũng nhận ra mình cũng rất may mắn khi xung quanh có những người bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia ngọt sẻ bùi mỗi khi con gặp khó khăn, trắc trở trong cuộc sống. Có lần con mới chuyển chỗ ở, nhà không có một thứ gì cả. Vậy là mỗi anh chị em lại mang sang cho con những món đồ cũ như máy hút bụi, bát đũa, cốc chén không dùng tới cho. Hay có lần, khu nhà con bị phong tỏa vì họ phát hiện ở gần có một quả bom. Mười hai giờ kém con gọi cho bạn xin ở nhờ một đêm và bạn con không chỉ nhường giường cho mà còn chuẩn bị đồ ăn đầy đủ nóng hổi để mời. Chỉ những hành động nhỏ vậy thôi, khiến cho con cảm thấy cũng bớt cô đơn phần nào ở đây.
Những dịp nghỉ cuối tuần hay lễ Tết bọn con đều ngồi lại với nhau ăn uống và tâm sự về những khó khăn, chênh vênh của cuộc sống. Những câu chuyện nhớ nhà, ba mẹ ở nhà ốm yếu, rồi chuyện tình cảm, chuyện học hành, chuyện đi làm. Mỗi câu chuyện vui, sẽ chẳng nhân đôi nữa mà là nhân năm, nhân sáu; còn mỗi câu chuyện buồn thì được chia năm, sẻ bảy khiến ai cũng cảm thấy dễ chịu và nhẹ nhàng hơn rất rất nhiều.
Có lẽ quyết định ngày ấy của con đã giúp con trở nên trưởng thành hơn trong suy nghĩ, có trách nhiệm hơn với bản thân và đặc biệt là thấy được những khó khăn của việc làm người lớn nói chung và hiểu bố mẹ hơn. Hồi nhỏ con chỉ thấy bố mẹ rất ngầu, bố mẹ nấu ra những món ăn ngon, bố mẹ trả lời được đáp án của tất cả bài tập cho con, bố mẹ dạy con làm tất cả mọi thứ, bố mẹ chữa bệnh con mỗi khi bị ốm, bố mẹ biết tất cả mọi thứ. Lúc đó con cứ nghĩ làm người lớn tuyệt vời lắm, được làm tất cả những gì bản thân muốn, mỗi ngày đi làm sẽ tràn đầy đam mê và nhiệt huyết. Nhưng đến lúc đã trở thành một người lớn, được bước vào thì con mới thấy những áp lực vô cùng khủng khiếp đặt lên vai của bố mẹ từng ngày. Ngoài việc kiếm tiền lo cho các con, cho ông bà thì bố mẹ chẳng có một niềm vui riêng nào cho bản thân, cũng chẳng có một ngày nào thực sự nghỉ ngơi từ lúc có con cả. Từng ấy thứ đổ lên đầu, lên vai nhưng bố mẹ chẳng bao giờ kêu ca với tụi con mà luôn âm thầm chịu đựng. Làm người lớn mệt mỏi thật nhưng con vẫn sẽ chọn trưởng thành chứ không muốn quay về thời nhỏ thêm một lần nào nữa. Con muốn làm người lớn để chăm sóc cho bố mẹ, để cho bố mẹ khoảng thời gian nghỉ ngơi, để cho những nếp nhăn trên khuôn mặt ấy biến mất, để cho bố mẹ có được giấc ngủ thật sâu, để cho bố mẹ có thể làm tất cả những gì mình thích, đi đến bất cứ đâu.
Sau ba năm xa nhà từ một cậu thanh niên chưa tròn đôi mươi với những mơ ước, tưởng tượng về một cuộc sống tốt đẹp hơn; lúc này đây hành trang trên vai con đã nặng hơn rất nhiều. Con mang trong mình nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và niềm tự hào về đất nước nhỏ bé nhưng lại kiên cường, bất khuất này. Con mang trong mình khao khát muốn được trở về nhà, muốn được giúp đỡ bố mẹ, muốn làm cho bố mẹ không phải phiền lòng thêm một giây nào nữa. Và cuối cùng, con cảm thấy muốn trở về nhà hơn bao giờ hết.

Đợi con một chút nữa thôi bố mẹ nhé!

Minh Thịnh
 
  • IMG_2779.jpg
    IMG_2779.jpg
    6 MB · Lượt xem: 225
Từ khóa Từ khóa
gia đình là số 1 về nhà
591
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.