Ở nơi nào đó trong sâu thẳm tâm hồn tôi những mảng kí ức về miền quê yêu dấu lại dội về miên man như những đợt thủy triều. Một tình yêu cứ nhen nhóm dần lên như ngọn lửa nhỏ cháy rực rỡ xua tan màn đêm u tối. Nơi ấy là quê hương…
Không biết từ bao giờ cái ngõ nhỏ heo hút ấy được người ta đặt tên là ngõ Dốc. Mà cái ngõ ấy dốc thật, nó thấp hơn hẳn so với các con ngõ khác. Mỗi khi mùa mưa đến ngõ nhỏ ngập đầy nước như sông, người lớn đi cũng ngập ngang người, nhà nào có nền ngang với mặt ngõ đều bị nước chảy vào trong kết quả là đồ đạc và người đều đi sơ tán. Ngõ nhỏ hẹp ngang, đường đất lại trơn trượt. Ngày mùa người ta thường hay dong trâu qua đây ra đồng cày ruộng. Trước cửa nhà nào cũng trồng một cây bàng xòe tán như những chiếc ô nhỏ. Bóng bàng che mát cả một con ngõ. Mùa hè bàng chín vàng ruộm, lũ trẻ chúng tôi thi nhau chọc bàng ăn lấy thịt, riêng ruột bàng thì lấy gạch đập lấy nhân. Lá bàng vặt xuống dùng tăm ghim lại thành những chiếc mũ cánh chuồn xinh xinh đội lên đầu. Những nếp nhà quanh đây lúc đầu thưa thớt sau đông dần lên. Lúc gia đình tôi chuyển về đây thì ngõ đã có tên rồi, nó thuộc thôn Trung Lăng.
Quê tôi có hai đặc sản chính là lúa và thuốc lào. Ngày mùa nhà nhà hết cấy lại gặt, hết trồng thuốc lào rồi lại đi hái thuốc. Mùa lúa chín người ta dong xe đạp về từng bó lúa to bằng một tay người ôm, rồi hối hả đập lúa, lúa được phơi ở những cái sân con con trên mái nhà. Thóc phơi được nắng lại đóng vào bao. Còn lại rơm thì tràn ngập khắp ngõ như biển. Cứ nắng lên người ta lại đem rơm ra phơi, dùng một cây sào tre nhỏ gẩy lên từng đám như sóng để nắng dãi. Chiều đến người ta lại thu về thành từng đống ở gốc bàng. Rơm thành sản phẩm chất đầy góc bếp. Nhiều máy xát lúa ở đây cũng mọc lên, trấu đem về đổ vào góc làm sản phẩm đun. Tro lại mang về ra đồng ủ phân cho lúa. Mùa lúa thì thế còn mùa thuốc lào thì đông như ngày hội. Nhà nhà đi hái lá thuốc đem cuộn thành bó nhỏ đem thái sợi. Từng sợi thuốc tươi thái lăn tăn được đem phơi và những khuôn phên đan tre hình chữ nhật to bằng cánh phản. Khi được nắng từng phên thuốc chuyển màu từ xanh sang vàng chanh rồi màu cánh gián nom rất đẹp mắt. Đem thứ lá ấy lên mũi ngửi thấy có mùi hăng hắc thơm thơm. Nhà nào cũng ủ thuốc vào những bao ni lông lớn nay mai đem bán. Nhiều gia đình phất lên nhờ nghề buôn thuốc lào bên cạnh nghề buôn gạo và làm máy xay xát lúa.
Nhà tôi cũng có thửa ruộng nhỏ trồng lúa. Chị em tôi cứ đến ngày mùa là mang mạ đã gieo trong những khoảng sân chật hẹp rồi gánh ra đồng cấy lúa. Bài học đường đời đầu tiên của chúng tôi là lời dạy của cha: “Học hành cho lấy được cái chữ thì sau này không phải vất vả như bố mẹ”. Chúng tôi nhớ lắm những lần vác cuốc ra đồng, từng nhát cuốc đi đến đâu là mồ hôi rỏ ra đến đấy, mùi của đất lẫn với cỏ dại xông lên tận mũi vừa thấy thân thuộc vừa thấy thương cho thân phận người nông dân hai sương một nắng vừa nghĩ ngầm trong đầu phải làm sao cho thoát khỏi cái kiếp con trâu đi trước cái cày theo sau. Ngoài trồng lúa nhà tôi còn gia tăng sản xuất ngay tại nhà. Ngôi nhà chúng tôi ở còn có một khu vườn trồng đủ các loại rau ngắn ngày, một chuồng lợn nuôi mấy con lợn nái đẻ và một chuồng nuôi rất nhiều gà. Bố tôi hay mua cám ngô và cám gạo để nuôi gà nuôi lợn. Rau nấu cho lợn và cho gà chủ yếu lấy từ vườn nhà hoặc ra ao vớt lấy bèo để đem về thái cho lợn gà ăn. Hồi đó chưa có bếp ga như bây giờ. Nhà tôi chủ yếu đun nấu bằng bếp trấu, bếp than, bếp củi và bếp rơm.
Xóm ngõ Dốc đã heo hút lại nghèo. Lác đác trong ngõ vẫn có những mái nhà gianh vách đất, còn lại là nhà mái ngói và mái bằng. Nhà nào cũng có một bể nước to để hứng lấy nước mưa uống, khá khẩm hơn thì đào giếng khơi làm bể lọc thủ công. Ti vi hồi đó còn chưa có. Nhà khá nhất trong xóm có chiếc ti vi đen trắng để xem được coi là trung tâm của cả thôn. Tối đến các bà các cô các anh các chị trẻ con người lớn tụ tập đông đủ đến đó để xem phim như đi xem ngoài rạp. Hết phim mọi người kéo nhau về bàn tán xôn xao xem nội dung phim như thế nào, tình huống hấp dẫn ra sao. Có một bộ phim mà cả người lớn lẫn trẻ con xem đi xem lại mà không biết chán đó là phim “Tây du kí”. Hè nào chương trình trên ti vi cũng chiếu lại bộ phim đó. Tôi vì mê “Tây du kí” mà hè nào cũng chạy đi xem ké đến nỗi mẹ tôi phải đi tìm hết hơi. Lúc tìm được tôi về tôi vừa khóc mếu vừa phân trần: “Con thích xem phim đó mà mẹ”.
Lũ trẻ sinh ra ở con ngõ này vào những năm 90 của thế kỉ trước chắc chẳng bao giờ quên. Chúng tôi gắn bó với nhau từ những trò chơi. Con gái lẫn con trai đều không có khoảng cách. Nhà tôi trở thành trung tâm cho lũ trẻ cả xóm. Bao nhiêu trò chơi đều được nhen nhóm từ đây. Con gái thì chơi đánh chuyền, chơi búp bê, chơi nhảy dây, đánh tam cúc, đánh bài tây, nhảy dây, đá cầu, đánh cầu lông, chơi ô ăn quan…con trai thì chơi đánh bi, lia hộp, chơi đồ,…riêng tôi là con gái nhưng chơi bắn bi rất giỏi, mỗi lần thắng được chiến lợi phẩm là những tập giấy thì thấy thích thú vô cùng. Nhưng lũ chúng tôi chỉ có dăm ba đứa chơi thân với nhau: con Thủy bé hàng xóm ngay cạnh nhà tôi và con Thủy lớn hơn tôi một tuổi và em trai con Thủy lớn là thằng Tùng. Chúng tôi thường cho búp bê làm em bé còn mình thì đóng vai làm ba mẹ đi làm hết cấy lại cày rồi nấu ăn cho em bé ăn. Cái bàn của mẹ tôi biến thành nhà có cái khăn to làm rèm. Cả lũ cứ chui ra chui vào cái nhà đó để chăm sóc cho em bé. Con Thủy bé có anh trai tên là Bảo. Mỗi lần chơi đánh bi thắng anh Bảo được chiến lợi phẩm là giấy tôi lại trả lại cho anh vì tôi rất quý anh. Tôi thường thầm ước có một ông anh trai như anh thì tốt biết mấy vì không sợ ai bắt nạt. Còn chị em nhà Thủy Tùng thì sung sướng nhất cái xóm ngõ Dốc ấy. Bố nó đi tàu nên gia đình khá giả. Chúng nó lại được bà nội chăm sóc nên như công chúa hoàng tử. Con Thủy lớn có làn da bánh mật, mái tóc dày và dài óng ả lúc nào cũng được thắt bím. Người nó cao lớn như cô gái trưởng thành nên được gọi là Thủy lớn. Còn thằng Tùng thì nhỏ hơn chị một tuổi mà nom xinh như con gái. Da nó trắng trẻo, môi lúc nào cũng ửng đỏ như trái sơ – ri. Nó và tôi học với nhau từ hồi mẫu giáo. Trong xóm ngõ Dốc hồi đó chỉ duy nhất nhà chị em con Thủy lớn là có ti vi màu, có đầu xem đĩa và có cả karaoke. Bố nó đi nước ngoài mua cả trò chơi điện tử. Bọn trẻ cùng xóm muốn chơi phải bỏ tiền ra thuê theo giờ. Cuộc sống sung túc như thế bọn trẻ nghèo như chúng tôi chỉ biết ao ước mà thôi. Vậy mà chúng tôi vẫn cứ thân thiết với nhau không phân biệt khoảng cách.
Thôn Trung Lăng thuộc xã Minh Đức bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Cái huyện nhỏ giờ đây thành thị trấn rồi chuyển thành phố Minh Đức. Xóm Ngõ Dốc không còn hễ mưa là ngập mà được lát bê tông. Nhà nào cũng buôn bán nhỏ nên ngõ Dốc sầm uất hơn hẳn. Kể từ khi cầu Khuể được xây qua sông Văn Úc, điện nước, net được kéo về đời sống con người nơi đây dần khấm khá. Tuy nhà tôi đã chuyển đi khỏi xóm ngõ Dốc nhưng mỗi lần Tết đến về thăm nhà thấy quê hương ngày càng đổi mới tôi thấy ấm lòng hẳn, làng quê đã thay da đổi thịt từng ngày. Nhưng trong trái tim tôi hình ảnh ngày xưa không bao giờ phai nhạt với những kỉ niệm êm đềm như thước phim quay chậm nhắc tôi nhớ về một nơi ấy bình yên.
Tác giả: Nguyễn Minh
Sửa lần cuối: