Bến không chồng - Những kiếp người hậu chiến

Bến không chồng - Những kiếp người hậu chiến

Văn Học
Văn Học
Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng đề tài chiến tranh vẫn được các nhà văn thời hậu chiến dành cho nhiều ưu ái. Họ đã dồn bút lực của mình để dựng lại cho hậu thế bối cảnh của hiện thực cuộc sống, xã hội Việt Nam trong những năm trong và sau chiến tranh cũng như những nỗi thống khổ của con người thời chiến. Số lượng các tác phẩm viết về chiến tranh ngày càng tăng từ sau năm 1986, vì thế mà cuộc đời và con người được soi chiếu dưới những góc nhìn đa dạng, với những cảm hứng mới mẻ.

Dương Hướng là một trong những nhà văn thời hậu chiến có tác phẩm viết về chiến tranh. Ông thuộc thế hệ nhà văn cùng thời với Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải,… khi nền văn học Việt Nam đang có những bước chuyển mình quan trọng. Nhắc tới nhà văn Dương Hướng độc giả sẽ nghĩ ngay tới tác phẩm “Bến không chồng” – tiểu thuyết đã giúp nhà văn Thái Bình gây ấn tượng sâu sắc tới văn đàn lúc bấy giờ.

Tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng là những dòng văn chân thực và thấm đẫm những nỗi thống khổ của kiếp người hậu chiến nhất là người phụ nữ. Có thể nói, “Bến không chồng” là một trong những tác phẩm đã đánh dấu sự thay đổi của nền văn học, từ nền văn học chỉ biết “thuyết trình và minh hoạ” sang một nền văn học với những đào sâu, lia ngòi bút của mình vào từng góc cạnh xù xì của cuộc sống con người.

“Bến không chồng” lấy bối cảnh làng Đông - một làng quê được đặc tả với những nét văn hoá điển hình tại đồng bằng Bắc Bộ. Không gian bao phủ trong lũy tre, mái đình, cây đa, bến nước. Thời gian bao phủ trong những ngày miền Bắc đang hối hả vừa lo xây dựng nông thôn vừa lo chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trở về sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trước ngực Nguyễn Vạn rung rinh những huân chương cùng những bước chân tập tễnh do hậu quả của chiến tranh. Anh về với quê hương thân thương của mình, nơi mà anh cùng đồng đội đã đánh đổi cả thanh xuân và máu thịt để bảo vệ. Nơi đây vốn có nhiều câu chuyện kỳ lạ, bí ẩn và hoang đường như chuyện: “mắt tiên”, “gò ông Đổng”, “Con ma mặt đỏ chuyên đi hiếp đàn bà góa chồng”,… Ở làng lại có một bến sông với vẻ quyến rũ kỳ lạ mà các cụ gọi đó là Bến không chồng. Chính nơi đây đã xảy ra câu chuyện bi thảm giữa hai dòng họ Nguyễn và họ Vũ: cô con gái rượu của cụ tổ dòng họ Nguyễn bị chàng trai dòng họ Vũ hãm hiếp bên bến không chồng, vì thế mà dòng họ Nguyễn đã khắc một lời thề không đội trời chung với dòng họ Vũ. Éo le thay, những thế hệ sau như Nguyễn Vạn hay Nghĩa là con cháu của dòng họ Nguyễn lại đem lòng yêu thương những người phụ nữ bên dòng họ Vũ.

Người ta vẫn thường nói, muốn đội vương miện phải chịu sức nặng của nó. Mang trên mình chiến công và danh hiệu anh hùng Điện Biên, Vạn phải sống khép mình vào khuôn khổ dưới cái nhìn khắt khe của hàng trăm con mắt. Chính những hủ tục, những lề thói cũ mòn của dòng họ, của làng quê đã bóp nát tình yêu của anh, khiến anh không dám vượt qua rào cản để đến với chị Nhân dù bản năng thôi thúc. Chị Nhân cũng không thể đến với Vạn hay bất kỳ ai bởi chị là vợ và là mẹ liệt sĩ. Chồng hy sinh khi chị Nhân còn quá trẻ, chị ở vậy thờ chồng, nuôi con. Chỉ một lần nghĩ về vạn thôi đã khiến chị day dứt khôn nguôi. Chị sẽ sống ra sao nếu làng xóm biết chuyện? Hai con người đáng thương ấy sống trong sự kìm nén bất hạnh, cả cuộc đời buộc bản thân phải giữ gìn hình ảnh, một đời phải sống trong cô độc. Đã có một thời như thế, những lề thói cổ hủ nghiệt ngã, những suy nghĩ cũ xưa lạc hậu áp đặt lên cuộc sống tinh thần của toàn bộ người dân, khiến họ sống khép kín, khiến họ tồn tại như cái xác không hồn để rồi kẹt vào những bi kịch không lối thoát.

Song song với cuộc đời của Nguyễn Vạn là mối tình, mối nhân duyên đầy éo le của Nghĩa và Hạnh. Cả hai là thanh mai trúc mã, nhưng Nghĩa họ Nguyễn còn Hạnh thì họ Vũ. Mối thù truyền kiếp của hai họ Nguyễn – Vũ đã không thể ngăn cản được hai trái tim trẻ trung đang hừng hực cháy. Họ đến với nhau mặc cho những định kiến, dè bỉu, thậm chí là sự lạnh lùng của cha mẹ. Tình yêu của Nghĩa và Hạnh có thể đánh bại được những ngoại nhân tác động, nhưng lại không thắng nổi nội nhân ham muốn, tính dục, suy nghĩ và sự thay đổi theo thời gian của con người. Sau khi Nghĩa đi bộ đội, tuổi trẻ của Hạnh trôi qua hơn 10 năm trời ròng rã trong sự làm việc cật lực và chăm lo hết sức cho gia đình hai bên. Cô dần dần trở thành trụ cột của cả nhà mẹ đẻ lẫn nhà chồng, khi những người đàn ông gia đình lần lượt ra đi mãi mãi. Đến ngày đoàn tụ, đến khi chiến tranh chấm dứt, Nghĩa trở về với quân hàm thiếu tá, hai vợ chồng hi vọng có một đứa con trai để nối dõi tông đường nhưng vô vọng. Trước áp lực của gia đình nhà chồng cùng dư luận xã hội “Bà thiếu tá phu nhân họ Nguyễn bị điếc”, Hạnh đã quyết định ly hôn. Nghĩa với mẹ lên tỉnh, anh lấy Thuỷ (em gái của một người bạn). Từ đó, Hạnh như một người điên, lúc cười, lúc khóc. Tưởng rằng sẽ được hưởng hạnh phúc viên mãn, ngờ đâu Hạnh cuối cùng là người dứt áo ra đi, bởi cô nhầm tưởng rằng chính mình không thể có con, không thể làm tròn bổn phận của một người phụ nữ, và nhất là không thể giữ được tình yêu của Nghĩa được nữa.

Đọc đến cái kết của “Bến không chồng” có lẽ người đọc thấy buồn hơn cả. Trong những bước ngoặt cùng cực của cuộc đời, Hạnh (con gái chị Nhân) đã bị xô đẩy vào bế tắc cùng với Nguyễn Vạn. Trong ngày gặp gỡ các thương binh và gia đình liệt sĩ, Vạn đã quá chén và khi về đến nhà bất ngờ nghe thấy tiếng hét và cánh cửa mở toang “bóng người đàn bà lao tới giường và ôm ghì lấy Vạn”. Bóng tối, hơi men, cùng thân thể của người đàn bà cộng hưởng vào nhau khiến Vạn đã buông thả cho thân xác tự do gây tội lỗi. Sau đêm đó Vạn luôn sống trong đau khổ và dằn vặt còn Hạnh thì đã bỏ đi. Hạnh đã có thai, và cha đứa bé trong bụng cô không ai khác ngoài Nguyễn Vạn. Sau khi sinh con, Hạnh trở về làng, chính cái tin này đã khiến Nguyễn Vạn – người đàn ông đã sống thoi thóp trong lề thói làng xã bao năm qua phải đau đớn, phải sững sờ rồi tìm đến cái chết để chạy trốn. Còn Nghĩa cuối cùng cũng biết được anh không có khả năng làm bố nên đã li dị với Thuỷ và trở về làng Đông.

Tiểu thuyết “Bến không chồng” là tác phẩm mà trong đó, bi kịch chồng chất bi kịch. Chiến tranh đã cướp đi mưu cầu hạnh phúc của Nguyễn Vạn và chị Nhân, đã cướp khả năng làm cha của Nghĩa, đã cướp Nghĩa khỏi vòng tay Hạnh, đã cướp đi khuôn mặt của Thành, đã cướp đi chồng và hai đứa con trai của chị Nhân,… Cuộc chiến để lại những cuộc tình duyên đắng cay cho những thiếu nữ xinh đẹp như Cúc, như Thắm; một đứa con thụ thai vội vã; một lễ cưới vá víu với người đàn ông tâm thần; hay một anh chàng thợ ảnh hèn hạ, sở khanh bỗng trở nên đắt giá ở làng quê,… Chiến tranh trong chuyện của Dương Hướng chỉ thể hiện qua lời kể của người trở về, qua từng tờ giấy báo tử vô hồn, và hiếm hoi với vài lần máy ném bom bay lượn lờ trên không… ở đấy không có súng đạn đì đùng mà là những mảnh đời đong đầy nước mắt. Cuộc chiến để lại làng quê quạnh quẽ thiếu vắng bóng dáng đàn ông, chỉ còn lại những cuộc tình dang dở, những thiếu nữ lỡ làng, những người phụ nữ mòn mỏi, cứ chiều chiều lại tưởng chừng như hiện hữu bức tranh tố miêu dưới ngòi bút của Picasso, diễn một vở được phác họa là “vọng phu” bên bến nước đầu làng.

Nguồn st
 
Từ khóa
bến không chồng chien tranh làng quê nhà văn thời hậu chiến thanh mai trúc mã tieu thuyet trở về làng
  • Like
Reactions: Hoa Phù Sa
205
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top