Bình câu thơ: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ.."

Bình câu thơ: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ.."

✨✨ "RẢI RÁC BIÊN CƯƠNG MỒ VIỄN XỨ..."

"Bốn câu thơ trong bài thơ “Tây Tiến” như khép lại cuốn sử thi đồ sộ về những anh hùng không tên của Tổ quốc. Ở đó, từng câu, từng chữ, từng dòng thơ như chạm, như khắc vào lòng bạn đọc hình hài của những người lính Tây Tiến quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh với những vẻ đẹp rất đặc biệt. Đó là sự hào hùng!

Không gian Quang Dũng đưa ta vào là nơi biên cương hẻo lánh rải rác những ngôi mộ không bia. Sự lạnh lẽo, hoang vắng tràn vào từng câu chữ cho thấy sự khốc liệt và hơn hết là những đau thương, mất mát của cuộc chiến tranh đế quốc phi nghĩa.

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ”

Thế nhưng với chúng ta, dân tộc ở thế yếu, đất nước được định sẵn là tan hoang, trước những sự mất mát ấy, lại không chùn bước. Những người lính bước qua con đường đầy máu và mộ phần để tiếp ra chiến trường giành lại tự do cho dân tộc mà không hề nao núng. Chính vì thế, Quang Dũng sử dụng một loạt những từ Hán Việt như “biên cương”, “viễn xứ” làm cho câu thơ trở nên trang trọng, mang trong mình không khí cổ kính, như đang kể lại những trận chiến lừng danh thuở xưa của cha ông ta. Lồng ghép vào trong đó là lý tưởng của một thời đại mới “chẳng tiếc đời xanh” – “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chúng ta nhận thấy rõ sự đối lập khốc liệt giữa những sự vật: “chiến trường” - là bom đạn khốc liệt, là cái chết cận kề, “đời xanh” - là tuổi trẻ, là ước vọng, là tương lai. Quang Dũng đã thay đồng đội mình, những anh hùng Tây Tiến, tuyên ngôn đầy ngạo nghễ, thể hiện sự lạc quan và tràn đầy chất lính:

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Cuộc đời của những chàng trai Hà thành – những người lính trẻ, bất cứ khi nào cũng mang trong mình niềm tin bất diệt vào chiến thắng của cách mạng. Đối với họ, được hy sinh cho Tổ quốc là điều đáng giá nhất. Quyết tâm bảo vệ đất nước không màng đến tuổi xuân hay kể cả tính mạng của mình. Điều này thật giống với ý thơ của Thanh Thảo:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hay mươi làm sao không tiếc?)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”

Bên cạnh vẻ đẹp hào hùng là tinh thần bi tráng. Với Quang Dũng, chết không bao giờ là hết. Bằng việc sử dụng hình ảnh “áo bào thay chiếu”, nhà thơ đã bi tráng hóa cái chết của con người, tráng lệ hóa sự hi sinh của người lính, cụm từ “anh về đất” biến cái chết trở thành một sự nghỉ ngơi sau những quãng đường xông pha chiến trận làm không khí cả bài thơ bi nhưng không hề lụy. Và “sông Mã” ở câu thơ này, dường như đang được nâng tầm như một chứng nhân lịch sử, chứng kiến hết tất cả tội ác của kẻ thù và cả những chiến công hiển hách của binh đoàn Tây Tiến:

“Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Tiếng gầm cuối cùng ấy là khúc tráng ca, là khúc nhạc thiêng tiễn đưa anh lính của những người chiến sĩ về với cha ông, về với đất mẹ. Dòng sông Mã thêm một lần nữa xuất hiện giống như một chứng nhân lịch sử chứng kiến những bước đường người lính Tây Tiến đã đi qua. Bao nhiêu gian lao thử thách, bấy nhiêu anh dũng kiêu hùng, tất cả được thể hiện qua tiếng gầm đầy tiếc thương trước sự ra đi của những chiến binh Tây Tiến một thủa. Dòng sông Mã giống như con chiến mã trung thành thét lên tiếng kêu đau đớn khi vị tướng quân của mình ngã trận. Tiếng thét ấy giống như bài điếu mang tầm vóc thiên nhiên, vũ trụ đưa tâm hồn người lính đến bờ bình an cuối cùng."

Đoạn viết mẫu được trích từ cuốn sách Tuyển tập 50 bài văn mẫu trọng tâm lớp 12.

Sưu tầm
 
Từ khóa
chiến binh tây tiến dòng sông mã quang dũng tây tiến văn mẫu trọng tâm lớp 12 vẻ đẹp anh hùng
4K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top