Soạn văn  Bình Ngô đại cáo, Ngữ văn 10, Bài 7, Chân trời sáng tạo

Triều Anh
Triều AnhTriều Anh đã được xác minh
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Cáo là một thể văn chính luận vừa có chức năng thông báo vừa có chức năng nghị luận về một vấn đề trọng đại liên quan liên quan đến đất nước, dân tộc. Cùng Triều Anh tham khảo bài soạn sau để hiểu hơn về thể cáo.

bình ngô.png
Ảnh sưu tầm

Xem thêm:
Trọng tâm kiến thức bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

I. Trước khi đọc/sgk trang 33

Bạn biết những tác phẩm nào trong văn học Việt Nam gắn với các sự kiện trọng đại, thể hiện sâu sắc tình cảm yêu nước, tự hào dân tộc? Hãy kể tên tác phẩm và tác giả.

Trả lời:

Tác phẩm nào trong văn học Việt Nam gắn với các sự kiện trọng đại, thể hiện sâu sắc tình cảm yêu nước, tự hào dân tộc
- Nam quốc sơn hà (Lí Thường Kiệt) – ý thức độc lập tự chủ, lòng tự hào dân tộc.
- Phò giá về kinh (Trần Quang Khải) – tình yêu nước, tự hào dân tộc.
- Chiếu dời đô (Lí Công Uẩn) – tình cảm yêu nước, ý thức tự chủ tự cường, tự hào dân tộc.
- Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn) – tình cảm yêu nước, ý thức độc lập tự chủ, tự hào dân tộc.

II. Đọc văn bản:

1. Suy luận/ sgk trang 34:


Tác giả nêu ra quan niệm về nhân nghĩa ở đầu bài cáo nhằm mục đích gì?


Trả lời:
- Nội dung đoạn mở đầu bài cáo: quan niệm về nhân nghĩa.
- Mục đích: để làm tiền đề (cơ sở lí luận) cho toàn bài cáo - cho thấy khởi nghĩa Lam Sơn là cuộc khởi nghĩa vì chính nghĩa và hành động đi cướp nước của giặc Minh là phi nghĩa.

2. Theo dõi/ sgk trang 35

Ở đoạn 2, tác giả cho thấy giặc Minh đã gây ra những tội ác gì trên đất nước ta?


Trả lời:
Những tội ác của giặc Minh trên đất nước ta:
- Mượn cớ “Phù Trần diệt Hồ” để cướp nước ta.
“Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
…Bọn gian tà bán nước cầu vinh”
- Áp bức bóc lột nhân dân: “nướng dân đen”, “vùi con đỏ”, “dối trời lừa dân”, “gây binh kết oán”, “bại nhân nghĩa”, “nặng thuế khoá”, …
=> Những tội ác tàn bạo, gây ra bao đau thương cho dân tộc ra: “trúc Nam Sơn không ghi hết tội”, “nước Đông Hải không rửa sạch mùi”.

3. Dự đoán/sgk trang 35

Dựa vào những hình ảnh ở cuối đoạn 3a (“Nhân dân....lấy ít địch nhiều”), bạn hãy dự đoán về diễn biến tiếp theo của cuộc khởi nghĩa.

Trả lời:
- Hình ảnh cuối đoạn 3a:
+ “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới;
Tướng sĩ một long phụ tử, hoà nước song chén rượu ngọt ngào
…Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”
- Dự đoán: đại nghiệp đánh đuổi giặc Minh hoàn toàn thắng lợi vì sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng của quân và dân; tài dung binh của Lê Lợi.

4. Tưởng tượng/sgk trang 38

Bạn hình dung như thế nào về khí thế chiến thắng của nghĩa quân trong đoạn 3b?


Trả lời:
Không khí chiến thắng ở đoạn 3b:
- Đó là một không khí chiến thắng như chẻ tre, quân ta chiến thắng vang dội, quân Minh thất bại thảm hại.
- Khí thế chiến thắng được thể hiện qua:
+ “Trần Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”
+ “Ninh Kiều máu chảy thành song, tanh trôi vạn dặm/ Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”
+ “ Đánh một trận, sạch không kình ngạc/Đánh hai trận, tan tác chim muôn”


5. Suy luận/sgk trang 39

So sánh các đoạn trên, giọng nghị luận ở đoạn này có gì khác biệt?

Trả lời:
- So với các đoạn trên, giọng nghị luận ở đoạn này mang tính chất tổng kết toàn quá trình khởi nghĩa, mở ra hi vọng cho đất nước sau khi đã đánh đuổi được giặc ngoại xâm.

III. Sau khi đọc:

1. Câu 1/trang 39 sgk


Xác định hoàn cảnh ra đời, mục đích viết của bài cáo. Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết Bình Ngô đại cáo là một văn bản nghị luận?


Trả lời:
- Hoàn cảnh ra đời của bài cáo:
Bình Ngô đại cáo là bài cáo viết bằng văn ngôn do Nguyễn Trãi soạn thảo vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để tuyên cáo về việc giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, khẳng định sự độc lập của nước Đại Việt.
- Mục đích viết của bài cáo:
Công bố trước toàn thể nhân dân về sự thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống giặc Minh.
- Những dấu hiệu giúp nhận biết Bình Ngô đại cáo là một văn bản nghị luận:
+ Bố cục: 4 phần – Nêu luận đề chính nghĩa, tố cáo tội ác của giặc Minh, kể lại quá trình chinh phạt giặc Minh, tuyên bố hoà bình lập lại.
+ Lí lẽ, bằng chứng thuyết phục: Ta chính nghĩa - giặc Minh phi nghĩa.

2. Câu 2/trang 39 sgk
Có người nhận định rằng: Bình Ngô đại cáo là một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc và tính chất tuyên ngôn ấy thể hiện rõ ngay trong phần mở đầu của bài cáo. Cho biết ý kiến của bạn về nhận định trên.


Trả lời:
- Bình Ngô đại cáo là một bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước toàn thể nhân dân về công cuộc kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi. Nước ta giành được độc lập và trên cương vị ngang hàng với các nước khác.
- Tính chất của tuyên ngôn ấy thể hiện rõ ngay trong phần mở đầu của bài cáo.
Đại Việt hội đủ các yếu tố của một quốc gia đọc lâp:
+ Có nền văn hiến lâu đời
+ Có lãnh thổ riêng biệt
+ Có phong tục tạp quán
+ Có các triều đại hùng mạnh
+ Có hào kiệt.

3. Câu 3 /trang 39 sgk

Chứng minh "nhân nghĩa" trong câu mở đầu: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; Quân điếu phạt trước lo trừ bạo là một tư tưởng quan trọng xuyên suốt cả bài cáo. Lời mở đầu này cùng với những câu văn tiếp theo ở phần 1 có quan hệ nối kết như thế nào với các phần 2, 3a, 3b, 4 trong bài cáo?

Trả lời:
"Nhân nghĩa" là tư tưởng xuyên suốt bài cáo và được thể hiện nhất quán trong cách phần:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

- Phần 1:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
…Chứng cớ còn ghi”
Nhân nghĩa là trừ bạo để yên dân, gìn giữ chủ quyền dân tộc, chống lại bọn cướp nước. Đây chính là lí do có công cuộc bình Ngô.

- Phần 2:
“ Vừa rồi
…Ai bảo thần dân chịu được”
Nhân nghĩa là phơi bày những tội ác của giặc Minh trong niềm thương xót sâu sắc đối với nhân dân, căm phẫn đối với bọn cướp nước.

- Phần 3:
“ Ta đây
…Cũng là chưa thấy xưa nay »
Nhân nghĩa là “Đem đại nghĩa để thắng gian tà/Lấy chí nhân để thay cường bạo”; ở lòng hiếu sinh mà để cho dân nghỉ sức, cho giặc con đường sống.

- Phần 4:
“Xã tắc từ đây vững bền
...Ai nấy đều hay”
Nhân nghĩa thể hiện ở niềm tự hào của một dân tộc dã chiến thắng trong tư thế chính nghĩa.

4. Câu 4 /trang 39 sgk

Dựa vào bố cục của văn bản, hãy tóm tắt các luận điểm chính trong bài cáo và nhận xét về cách tổ chức, sắp xếp hệ thống luận điểm của tác giả. (Có thể dùng lời, bảng biểu hay sơ đồ tư duy).


Bài cáo đưa ra một hệ thống gồm 4 luận điểm. Ở mỗi luận điểm đều có những lí lẽ và bằng chứng cụ thể để chứng minh, thuyết phục.

- Luận điểm 1: Nước Đại Việt là một nước có độc lập, chủ quyền và truyền thống đấu tranh bất khuất bảo vệ độc lập, chủ quyền ấy.
=> Nêu ra thực tế về đất nước Đại Việt có độc lập, chủ quyền từ nhiều đời và chứng cứ từ sách sử ghi lại về những thất bại nhục nhã của các triều đại phương Bắc khi đem quân sang xâm lược nước ta.

- Luận điểm 2: Giặc Minh xâm phạm độc lập, chủ quyền đất nước và gây ra vô số tội ác với nhân dân Đại Việt.
=> Nêu ra cụ thể, sinh động, có sức khái quát sinh động về những tội ác “trời không dung đất không tha” mà giặc Minh đã gây ra trên đất nước ta.

- Luận điểm 3: Quân dân Đại Việt khởi nghĩa chống giặc, trải qua bước đầu khó khăn đi đến thắng lợi rực.
=> Nêu ra những khó khăn trong buổi đầu khởi nghĩa và quyết tâm rèn tài luyện chí của nghĩa quân, nhờ đó dẫn đến giai đoạn phản công thuận lợi và giành chiến thắng trước kẻ thù.

- Luận điểm 4: Tuyên bố hòa bình, độc lập, mở ra vận động tươi sáng cho đất nước
=> Nói lên nguyên nhân và ý nghĩa lớn lao thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.

5. Câu 5/ trang 39 sgk

Phân tích cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng của tác giả trong phần 1 hoặc phần 2 của bài cáo.


Trả lời:

* Cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng của tác giả trong phần 1 của bài cáo:

- Lí lẽ: Đại Việt là một nước văn hiến, có lịch sử lâu đời.
- Bằng chứng: Bằng chứng về các triều đại trong lịch sử Việt Nam và các anh hùng hào kiệt đã bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm.
Trong phần 1, lí lẽ và bằng chứng đi liền với nhau. Bằng chứng được nêu ra ngay sau lí lẽ, làm sáng rõ và chứng minh cho lí lẽ.

* Cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng của tác giả trong phần 2 của bài cáo:

- Lí lẽ: "Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa".
- Bằng chứng: "Nướng dân đen... Tan tác cả nghề canh cửi".

6. Câu 6/trang 39 sgk

Phân tích sự kết hợp giữa yếu tố tự sự (lược thuật về sự việc) với nghị luận trong phần 3a (hoặc phần 3b) của bài cáo.


Sự kết hợp giữa yếu tố tự sự (lược thuật về sự việc) với nghị luận trong phần 3b của bài cáo:
- Đây là phần nói về giai đoạn phản công thắng lợi của quân đội ta
- Vấn đề nghị luận: chính nghĩa tất thắng phi nghĩa, “đại nghĩa”, “chí nhân” tất yếu sẽ thắng “hung tàn”, “cường bạo”.
- Những câu văn kể về chiến thắng nhanh chóng, bất ngờ (“sấm vang, chớp giật”, “trúc chẻ, tro bay”), giòn giã, liên tục của quân ta (“Ngày 18…; Ngày 20…; Ngày 25; Ngày 28…), kể về sự tự tin, chủ động của ta, tư thế bế tắc, bị động của giặc (“Thuận đà, ta đưa lưỡi dao tung phá; Bí nước, giặc quay mũi giáo đánh nhau”), kể về tinh thần phấn chấn, hào hùng của ta, tâm trạng hoang mang, sợ hãi của giặc (“Đánh một trân sạch không kình ngạc; Đánh hai trận tan tác chim muông”, “quân Vân Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật;… quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân”)
- Những lời nghị luận sắc bén thể hiện tình thế “bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt” của kẻ phi nghĩa và “chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công” của người chính nghĩa.
=> Tự sự và nghị luận đã kết hợp nhuần nhuyễn tạo nên giọng điệu riêng cho bài cáo: đanh thép, hào hùng.

7. Câu 7 /trang 39 sgk

Cách sử dụng từ ngữ, các thủ pháp nghệ thuật (liệt kê, đối, ẩn dụ, thậm xựng,...) trong việc xây dựng hình ảnh, tạo nhịp điệu ở bài báo cáo có tác dụng biểu cảm như thế nào?


Bài cáo đã sử dụng các thủ pháp liệt kê, ẩn dụ, thậm xưng, điển cố…
- Liệt kê: các triều đại độc lập của ta ngang hàng với các triều đạt của Trung Quốc (“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập; Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”); liệt kê các chiến thắng của ta chống quân Nam Hán, Tống, Nguyên, Mông (“Lưu Cung tham công nên thất bại; Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong; Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô; Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã”); liệt kê các tội ác của giặc (“Người bị ép xuống biển…; Kẻ bị đem vào núi…; Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng; Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt”)
=>Tác dụng minh chứng cụ thể và tạo cảm giác mức độ nhiều, liên tục.
- Ẩn dụ: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn; Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” (Tội ác của giặc đã gây ra cho nhân dân); “Nổi gió to quét sạch lá khô; Thông tổ kiến phá toang đê vỡ” (Hình dung về cách đánh trận của quân ta, chọc vào đúng chỗ yếu của giặc để công phá),…
=> Tác dụng gợi liên tưởng, gợi lên những ý nghĩa sâu xa, làm cho câu văn, bài văn thêm hàm súc, giàu hình ảnh và có sức biểu cảm cao.
- Thậm xưng: “…trúc Nam Sơn không ghi hết tội;…nước Đông Hải không rửa sạch mùi” (cảm xúc căm thù và khinh bỉ quân giặc tàn ác); “Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; Voi uống nước, nước sông phải cạn”) (cảm xúc phấn khích tự hào về sự lớn mạnh của quân đội ta); “Ninh Kiều máu chảy thành sông…nhơ để ngàn năm”; “Lạng Giang, Lạng Sơn…máu trôi đỏ nước”, Suối Lãnh Câu máu chảy trôi chày…cỏ nội đầm đìa máu đen” (cảm xúc tự hào về chiến thắng của quân đội chính nghĩa, đồng thời vừa chê cười, khinh bỉ, vừa cảm thấy đáng tiếc cho quân giặc tham lam, ngoan cố đến ngu xuẩn đã tự chuốc lấy thất bại thảm thương.
=>Tác dụng kích thích cảm xúc đến cao độ

8. Câu 8 /trang 39 sgk

Nhận xét về sự thay đổi giọng điệu nghị luận của bài cáo qua từng đoạn. Theo bạn, việc xem Bình Ngô đại cáo là một "thiên cổ hùng văn" có thích đáng không? Vì sao?


* Nhận xét về sự thay đổi giọng điệu
- Phần 1: giọng điệu trang trọng, đĩnh đạc như một tuyên ngôn độc lập trước toàn dân, gợi cảm xúc tự tôn và tự hào dân tộc.
- Phần 2: giọng điệu thống thiết và căm giận khi kể tội ác của giặc, cảnh khổ của dân, gợi cảm xúc đau xót và căm phẫn.
- Phần 3a: giọng điệu tâm tình, thiết tha, gợi cảm xúc khâm phục và thôi thúc. Phần 3b: giọng điệu hưng phấn, hùng tráng gợi cảm xúc phấn khích, hào hứng.
- Phần 4: giọng điệu hào sảng, gợi cảm xúc sảng khoái, tự hào.

* Lí giải nguyên nhân Bình Ngô đại cáo là án thiên cổ hùng văn
- Bình Ngô đại cáo là áng văn tổng kết cuộc kháng chiến chống quân Minh mười năm kiên trì, gian khổ và đi đến thắng lợi vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn.
- Bài cáo là kết tinh của tình cảm yêu nước thương dân sâu sắc, của tư tưởng chí nhân đại nghĩa, một giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc, và cũng là đỉnh cao của nghệ thuật viết văn chính luận có tác dụng lay động người một cách sâu sắc.
- Bài cáo không chỉ thể hiện tâm huyết và bút lực của một người mà còn là của cả một dân tộc, cả một thời đại hào hùng. Không chỉ người đọc đương thời mà người đọc các thế hệ sau đều cảm nhận được những cung bậc cảm xúc đau thương, căm phẫn, phấn khích, tự hào, sảng khoái trào dâng mãnh liệt trong lòng khi đọc tác phẩm.
- Vì thế, bài cáo xứng đáng được xem là một áng “thiên cổ hùng văn” trong văn học nước nhà.​
..............................................
Chúc các em học tốt!
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
bình ngô đại cáo hệ thống luận điểm của bài cáo li lẽ và bằng chứng của bài cáo luận đề chính nghĩa nguyen trai tọi ác của giặc minh tư tưởng nhân nghĩa tuyên bố độc lập văn bản nghị luận
1K
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.