Baivanhay Bức tranh tứ bình trong những dòng thơ "Việt Bắc"

Baivanhay Bức tranh tứ bình trong những dòng thơ "Việt Bắc"

Xuân Vũ
Xuân Vũ
  • Thành Viên 19
"Việt Bắc" là bài thơ xuất sắc của Tố Hữu mang đậm tinh thần dân tộc, là khúc hùng ca về cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc, đồng thời là lời tri ân sâu nặng về tình nghĩa cách mạng thủy chung. Song hành với những tình cảm Cách mạng đẹp đẽ ấy, tác phẩm còn là một tuyệt bút về vẻ đẹp con người và thiên nhiên Việt Bắc bao la. Trong cái đẹp lãng mạn ấy không thể quên đi vẻ đẹp của bức tranh tứ bình trong những dòng thơ thiết tha ân tình.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.​
Bức tranh tứ bình.jpg

Bức tranh tứ bình. Ảnh: Pinterest

1. Mở đầu bộ tứ bình là bức tranh mùa đông dạt dào sức sống và hình ảnh con người lao động làm chủ hiên ngang trên đỉnh cao:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng​

a. Thiên nhiên

- Thế giới mùa đông thường gặp trong thơ ca kim cổ là thế giới của sự lạnh lẽo, u ám, buồn tẻ. Nhưng thế giới mùa đông trong thơ Tố Hữu thì lại khác. Việt Bắc mùa đông lại vô cùng sống động, tốt tươi. Hai sắc màu “xanh — đỏ” tương phản, đối lập mà lại rất đỗi hài hòa. Hai chữ “rừng xanh” truyền thẳng đến người đọc hình ảnh màu xanh bạt ngàn mà trầm tĩnh của đại ngàn. Cánh rừng ấy vẫn xanh màu xanh của sự sống chứ không phải là cánh rừng trơ cành, trụi lá, ảm đạm rét mướt thường thấy trong thơ ca viết về mùa đông.

-Điểm xuyết trên nền xanh bát ngát, bao la của cánh rừng là màu “hoa chuối đỏ tươi" đang nở rộ lung linh dưới ánh nắng mặt trời. Trong nghệ thuật hội họa, xanh là gam màu lạnh; đó là gam màu nóng. Ở đây màu đỏ, lại là “đỏ tươi” khiến bức tranh thiên nhiên Việt Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp, dạt dào sức sống, xua đi cái hoang sơ lạnh giá, hiu hắt vốn có của núi rừng.

b. Con người
- Cùng hiện lên với cái lung linh của hoa chuối ấy là con người của vùng chiến khu lên núi làm nương, phát rẫy tăng gia sản xuất phục vụ kháng chiến. Trước thiên nhiên bao la, con người dường như càng trở nên kỳ vĩ, hùng tráng hơn, trở thành vị trí trung tâm của bức tranh. Ở đây nhà thơ không khắc họa gương mặt hay thần thái con người mà chớp lấy một nét miêu tả rực sáng nhất: ánh mặt trời chớp lóe trên lưỡi dao rừng ở ngang lưng.

- Ở đây câu thơ vừa mang ngôn ngữ thơ nhưng lại vừa mang ngôn ngữ của nghệ thuật nhiếp ảnh. Con người trở thành một tụ điểm của ánh sáng. Trong nét vẽ thần tình ấy, con người lao động lại hiện lên ở một vị trí, một tư thế đẹp nhất - "đèo cao". Hình tượng ấy được khắc họa khỏe khoắn, mạnh mẽ và đầy chủ động như đang chiếm lĩnh đỉnh cao, chiếm lĩnh núi rừng, tự do: "Trời xanh đây là của chúng ta - Núi rừng đây là của chúng ta" (Đất nước - Nguyễn Đình Thi) . Đấy là cái tư thế làm chủ đầy kiêu hãnh và vững chãi khẳng định con người đã trở thành linh hồn của bức tranh mùa đông Việt Bắc. Đó cũng chính là tư thế của con người trong bài “Lên Tây Bắc” nhà thơ từng viết:

“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá nguỵ trang reo với gió đèo”​

- Màu “xanh” của rừng, “màu đỏ” của hoa chuối, màu sáng lấp lánh của “nắng ánh” kết hợp với hình ảnh con người lao động làm bức tranh trở nên tươi sáng, ấm áp, hùng vĩ tráng lệ mà cũng rất đỗi trữ tình, nên thơ.

2. Đông qua xuân lại đến, mùa xuân chiến khu Việt Bắc bừng sáng sức sống hoang dại, mãnh liệt của hoa mơ:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.​

a. Thiên nhiên:
- Trong phép đảo ngữ “trắng rừng”, Tố Hữu đã động từ hóa tính từ “trắng” tạo cảm giác cánh rừng như bừng sáng, nở rộ một màu trắng tinh khiết. Động từ “nở” nằm ở giữa câu, trước nó là sự định vị thời gian – “ngày xuân”; sau nó là định vị không gian – “trắng rừng”. Chính sự kết hợp giữa động từ “nở” và tính từ “trắng” đã làm sức sống mùa xuân lan tỏa và tràn trề nhựa sống. Hoa mơ mỏng manh nhưng sức sống thì mãnh liệt, chúng như đang đua nở, như đang xòe ra, bung ra, mở ra - nở trắng cả thời gian “ngày xuân”, nở trắng cả không gian “trắng rừng”. Bao trùm lên cảnh vật mùa xuân là màu trắng dịu dàng, tỉnh khiết, trong trẻo, thanh khiết, dịu nhẹ của hoa mơ. Màu trắng dường như lấn át tất cả mọi màu xanh của lá, làm bừng sáng cả khu rừng tạo nên bức tranh thơ lãng mạn mang đến cảm giác mơ màng, bâng khuâng, giàu chất trữ tình. Cách dùng từ tài hoa của Tố Hữu gợi nhớ đến câu thơ đặc tả mùa xuân của đại thi hào Nguyễn Du:

“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”​
b. Con người:
- Đằng sau vẻ đẹp ngày xuân thơ mộng, hình ảnh con người hiện lên với nét đẹp tự nhiên trong công việc hằng ngày của họ: “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”. Động từ “chuốt” trở thành nốt nhấn của câu thơ, làm bật lên nét đẹp của con người lao động ở làng nghề đan nón. Có thể nói, Tố Hữu đã rất tinh tế khi hái lượm trong vườn hoa ngôn từ của dân tộc một từ ngữ tưởng như bình thường mà lại hóa ra vô cùng đặc biệt. Động từ “chuốt” kết hợp cách nói “chuốt từng” làm hiện lên phẩm chất cần cù, siêng năng, chịu thương chịu khó; gợi tả đôi tay nghệ nhân tài hoa, khéo léo, tỉ mỉ, chăm chút, đang cẩn thận trau chuốt cho từng sợi giang, cho từng vành nón. Đó cũng chính là phẩm chất tần tảo của con người Việt Bắc tạo nên nét đáng yêu của con người làm chủ nơi đây. Màu nón trắng trên đôi tay tài hoa của người lao động hòa vào sắc trắng trong trẻo của hoa mơ càng làm cho bức tranh xuân thêm phần thi vị.

3. Bức tranh mùa hạ Việt Bắc óng vàng tựa như một bức tranh sơn mài vừa đậm chất cổ điển vừa mang những đường nét hiện đại. Trong bức tranh ấy, con người hiện lên “một mình” mà không gợi nét cô đơn:

Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình​

a. Thiên nhiên:
- Câu thơ thứ nhất là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của mùa hè với hai ấn tượng: tiếng ve và màu vàng của hoa phách. Tiếng ve kêu là âm thanh đặc trưng của mùa hè, kéo theo đó là hình ảnh rừng phách đổ lá vàng một lượt, cứ như được chào mời từ trước, chỉ chực chờ hè về để ngã xanh sang vàng mà thôi.

- “Đổ” là một động từ mạnh được tác giả sử dụng rất tinh tế. Nó làm hiện lên đồng thời cùng lúc hai hoạt động: hoạt động của âm thanh và hoạt động của sắc màu và đồng thời nhấn mạnh vào khía cạnh mau lẹ trong việc biến đổi màu sắc. Dường như khi tiếng ve vừa đổ xuống thì cũng là lúc cả cánh rừng phách đồng loạt chuyển sang màu vàng. Tiếng ve lan đến đâu, sắc vàng dậy lên đến đó. Âm thanh và màu sắc đã cộng hưởng cùng nhau vẽ lên một bức tranh sơn mài lung linh màu sắc, rộn rã âm thanh.

- Ý thơ gợi nhớ một câu thơ của Khương Hữu Dụng: “một tiếng chim kêu sáng cả rừng trời”. Đó là nghệ thuật. Bởi vậy, cảnh thực mà vô cùng huyền ảo. Nghệ thuật ấy vừa gợi sự biến chuyển mau lẹ của sắc màu, vừa diễn tả tài tình và chính xác khoảnh khắc hè sang. Bức tranh mùa hè vì thế mà hiện lên tươi tắn, thơ mộng, dịu mát chứ không hề chói chang như trong thơ ca cổ kim. Tố Hữu không chỉ có biệt tài trong việc miêu tả vẻ đẹp riêng của từng mùa, mà còn có tài trong việc dùng âm thanh để gọi dậy màu sắc, dùng không gian để miêu tả thời gian. Chỉ trong một câu thơ trên mà ta thấy được cả thời gian luận chuyển sống động, hình ảnh quyền hòa của cảnh vật đất nước mình hiện lên thật đẹp

b.Con người:
- Hiện lên giữa nền thiên nhiên óng vàng và rộn rã ấy, là hình ảnh cô gái áo chàm cần mẫn đi hái búp măng rừng: “Nhớ cô em gái hải măng một mình”. Hai chữ “một mình” giàu sức gợi. Nó không gợi lên vẻ buồn bã hay hiu hắt mà gợi lên dáng vẻ con người lao động cặm cụi, siêng năng, chịu thương chịu khó, hay lam hay làm; vừa gợi nhớ ca dao: “trúc xinh trúc mọc đầu đình - Em xinh em đứng một mình cũng xinh”. Ý thơ ẩn chứa nỗi nhớ, niềm yêu, sự trân trọng của nhà thơ dành cho người em gái thương yêu.

- Phép điệp phụ âm “m” trong ba chữ “măng – một — mình” đi liền nhau tạo nên nhạc tính làm giọng thơ trở nên da diết bâng khuâng.

4. Khép lại bộ tranh tứ bình Việt Bắc là bức tranh mùa thu cùng tiếng hát chia tay giã bạn để lại âm vang nghĩa tình kháng chiến:

Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung​

a. Thiên nhiên:

- Tố Hữu có cách gọi “rừng thu” rất đặc biệt gợi lên bao trọn vẹn, đủ đầy của những ngày thu sang mang theo một nỗi nhớ dâng trào, da diết. Ánh trăng đêm trong “rừng thu” bỗng dưng khiến ta nhớ đến hình ảnh những đêm trăng đã ghi dấu vào những vần thơ của Bác:

“Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”
(Nguyên Tiêu)​

Hay:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.”
(Cảnh khuya)​

Còn trăng trong thơ của Tố Hữu lại là “trăng rọi hòa bình”. Động từ “rọi” được sử dụng rất hay, gợi tả ánh sáng mạnh tràn ngập cả không gian bao la, trăng xuyên qua cành cây, kẽ lá, chiếu xuống rừng thu mênh mông. Rừng thu lấp lánh ánh trăng khiến không gian như rộng ra với gam màu dịu mát. Hai chữ “hòa bình” gợi nhớ mùa thu cách mạng thành công càng khiến cho niềm vui lan tỏa. Trăng và thu cộng hưởng với nhau thật lạ lẫm nhưng cũng đẹp đẽ vô ngần.

b. Con người:
- Phép điệp “Nhớ người”, “nhớ cô em”, “nhớ ai” trong các câu bát khiến cho nỗi nhớ càng trở nên da diết, bâng khuâng. Cụm từ “nhớ ai” với từ “ai” là đại từ phiếm chỉ, ở đây chỉ người Việt Bắc. Mặt khác, đại từ “ai” được nhà thơ sử dụng với sắc thái tình tứ quen thuộc trong ca dao giao duyên: “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ - Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai” khiến cho lời thơ càng trở nên ngọt ngào, tình thơ trở nên đong đầy.

-Ở đây không có tiếng chuông báo thắng trận nhưng lại vang lên tiếng hát. Đó là tiếng hát trong trẻo của đồng bào dân tộc, là tiếng hát nhắc nhở thủy chung ấn tình. Đây cũng chính là tiếng hát của Việt Bắc của núi rừng của tình cảm mười lăm năm gắn bó thiết tha mặn nồng. Tiếng hát trong Việt Bắc là một tiếng hát đặc biệt và là chi tiết rất sáng tạo của nhà thơ, thay vì chọn cách báo tin mừng thông thường, nhà thơ đã miêu tả lại những niềm vui của bản làng, của cách mạng bằng tiếng hát, câu hát ngân lên để khẳng định chủ quyền của dân tộc nhưng vẫn thấm đượm trữ tình.

- Lúc này đây, ánh trăng và câu hát đã hòa điệu vào nhau. Trăng không chỉ là biểu tượng hòa bình, hay là biểu tượng cho không gian hẹn hò đôi lứa mà đã trở thành biểu tượng cho nghĩa tình thủy chung. Bởi vậy, ánh trăng và tiếng hát gợi nhắc ân tình càng trở nên thắm thiết. Tiếng hát ấy còn vang vọng cả những đọan về sau:

“Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng”​

- Lời thơ chỉ nhắc “tiếng hát ân tình thủy chung” gợi cho người đọc nhiều hình dung. Người ở lại đang nhắc nhở người về, hay chính người về đang nhắc nhớ chính mình: mình về Hà Nội rồi, sống trong cuộc sống hòa bình đừng quên những năm tháng chiến tranh, ăn một miếng ngon đừng quên những tháng ngày khốn khó; sống ở miền xuôi dùng quên miền ngược. Hãy luôn nhớ về cội nguồn kháng chiến – nơi núi rừng Việt Bắc mà ta đã cùng nhau đi qua bao đẳng cay ngọt bùi. Lời gợi nhắc đó chính là nhắc nhở đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý thủy chung nghĩa tình.

Con người Việt Bắc trong đoạn thơ này hiện lên không phải bởi gương mặt, hình dáng mà bởi tiếng hát ân tình, với nét đẹp tâm hồn từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam: thủy chung, lạc quan và luôn tin vào một ngày mai tươi sáng. Kết hợp với những hình ảnh thiên nhiên bốn mùa, đoạn thơ bức tranh tứ bình của Tố Hữu đã đi vào thơ ca thiên nhiên Việt Nam thật dịu dàng nhưng cũng vô cùng ấn tượng.
 
Từ khóa
văn 12 việt bắc
521
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top