Các kiểu nhân vật trong truyện thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh

Các kiểu nhân vật trong truyện thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Thế giới nhân vật trong truyện thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh rất đông đúc, đa dạng, không chỉ có trẻ em mà còn có người lớn là thầy cô, cha mẹ, ông bà, anh chị của các nhân vật ấy, thậm chí cả con vật như con chó, con mèo, con chuột, con lợn, con gà…cũng trở thành nhân vật chính trong tác phẩm của nhà văn.

Trước hết, ta cần tìm hiểu khái lược về nhân vật:

Trong tác phẩm văn học, xây dựng nhân vật là vấn đề rất quan trọng mà nhà văn quan tâm. Bởi bản chất của văn học là một quan hệ với đời sống, văn học tái hiện đời sống qua những chủ thể nhất định, đóng vai trò như những tấm gương của đời sống. Nhân vật trong tác phẩm không chỉ thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm mà còn thể hiện quan điểm nghệ thuật về con người của một nhà văn ở những thời điểm lịch sử nhất định. Nhà văn Tô Hoài, trong Sổ tay viết văn (1977), khi nói về nhân vật, ông cho rằng: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy trong một sáng tác, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. Quả đúng như vậy, nhân vật không chỉ là nơi bộc lộ tư tưởng, chủ đề tác phẩm mà còn là nơi tập trung các giá trị của tác phẩm. Thành bại của một đời văn, của một tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng nhân vật. Khi nhắc đến tên của tác giả hoặc tác phẩm của nhà văn, người đọc thường nhớ đến tên của nhân vật của họ. Chẳng hạn khi nhắc đến Nam Cao, người đọc nghĩ ngay đến các nhân vật văn học: Chí Phèo, Lão Hạc, Thứ. Nhắc đến Vũ Trọng Phụng người ta nghĩ ngay đến Xuân Tóc Đỏ, Nghị Hách. Nhân vật văn học vừa mang chức năng xã hội, vừa phải làm tròn chức năng văn học của nó. Với tư cách là một chất liệu có mối quan hệ nội tại và thống nhất sâu sắc với cấu trúc của tác phẩm, nhân vật được thừa nhận là một thành phần quan trọng không thể vắng mặt trong loại hình văn chương tự sự. Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, ao ước và kỳ vọng về con người. Chính vì thế, thành công trong công cuộc xây dựng nhân vật chính là sự thành công của tác phẩm văn học. Đó là lí do mà luận văn đặt vấn đề tìm hiểu nhân vật trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh.

Có rất nhiều cách định nghĩa hoặc nêu khái niệm về nhân vật văn học. Theo Giáo trình Lí luận văn học (nhiều tác giả) thì: Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong văn học bằng phương tiện văn học. Khái niệm nhân vật có khi được sử dụng một cách ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào mà chỉ một hiện tượng nổi bật trong tác phẩm. Nhân vật là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật ước lệ, có những dấu hiệu để ta nhận ra: tên, tiểu sử, nghề nghiệp, đặc điểm riêng về hoàn cảnh, ngoại hình, quan hệ, đặc điểm tính cách.

Từ những định nghĩa trên, chúng ta có thể rút ra một kết luận: nhân vật trong tác phẩm văn học chính là con người hoặc các loài cây, các sinh thể hoang đường nhưng mang những đặc điểm giống với con người. Nhân vật ấy là đứa con tinh thần của nhà văn, là máu thịt của nhà văn để thể hiện quan niệm thẩm mĩ và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về cuộc đời và con người. Các nhà lí luận cũng nhấn mạnh đến tính nghệ thuật, tính ước lệ của nhân vật văn học. Nhân vật văn học không hoàn toàn giống như con người thật ngoài đời vì chúng có những đặc trưng nghệ thuật và được thể hiện trong tác phẩm bằng các phương tiện văn học thông qua quan niệm và biện pháp nghệ thuật của nhà văn, nhưng không vì thế mà chúng kém phần chân thật. Đã là tác phẩm văn học thì không thể thiếu nhân vật văn học.

Như vậy nhân vật văn học là hình thức cơ bản để qua đó nhà văn miêu tả đời sống một cách hình tượng. Bản chất của văn học là có quan hệ mật thiết với đời sống, nó chỉ tái hiện đời sống qua những chủ thể nhất định, đóng vai trò tấm gương phản chiếu cuộc sống. Nhân vật văn học vì thế là đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất với con người có thật trong cuộc đời. Tác phẩm văn học nào cũng là một hệ thống chỉnh thể của những hệ thống nhỏ hơn. Các nhân vật trong các tác phẩm cũng thực sự tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, chúng liên quan với nhau, móc nối với nhau không chỉ bằng tiến trình các sự kiên miêu tả, mà suy cho cùng còn bằng logic của nội dung nghệ thuật của nhà văn. Hệ thống nhân vật đem lại cho hệ thống nghệ thuật của tác phẩm một sự thống nhất, đồng thời quan hệ giữa các nhân vật trong mỗi hệ thống ít hay nhiều đều phản ánh mối quan hệ xã hội hiện thực của con người.
5245

Trong công trình này, chúng tôi chia nhân vật trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh thành ba loại như sau:

1. Nhân vật người lớn
Nhân vật người lớn xuất hiện trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh gồm các bậc phụ huynh (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, cô, bác...), thầy cô giáo, hàng xóm… Họ xuất hiện để giúp đỡ những đứa trẻ, hoặc can ngăn những đứa trẻ làm chuyện mà họ cho là không nên. Tuy nhiên tất cả họ đều quan tâm, muốn tốt cho con trẻ, được nhà văn xây dựng như cây cao bóng cả để lũ trẻ có thể dựa vào.

1.1. Ông bà

Trong khi cha mẹ hay vắng nhà thì ông bà là những người gần gũi với đám nhỏ hơn cả. So với cha mẹ thì ông bà luôn lắng nghe trẻ con nói và được Nguyễn Nhật Ánh miêu tả với dáng vẻ bên ngoài hiền từ, tấm lòng bao dung, tốt bụng giống như những bà Tiên, ông Bụt trong truyện cổ tích. Do vậy, ông bà trong lòng lũ trẻ luôn có một mối gắn kết bền chặt vô hình, một niềm kính yêu không thể nói rõ là tại sao. Trong Kính vạn hoa, bà của Quý ròm, bà của Đỗ Lễ, ông nội của Văn Châu, ông của Tiểu Long…chính là những nhân vật mà mỗi lần xuất hiện là một miền êm ả, yên bình với lũ trẻ. Bà của Quý ròm được miêu tả là người rất hay cằn nhằn, luôn là người gọi nó dậy sớm và chăm cho những đứa cháu từng bữa ăn trong khi bố mẹ chúng đi làm. Ngay trong tập đầu Nhà ảo thuật (Kính vạn hoa), khi Quý ròm cãi lời bà để được ngủ nướng thêm do được nghỉ nhưng vẫn bị bà lôi dậy, nó đã bị bà mắng: “Cháu đừng có nói lếu láo như thế chứ!(…) Thằng Tiểu Long to khỏe thế kia, chắc chắn nó phải là đứa siêng năng dậy sớm và ham tập thể dục hơn cháu nhiều!” và thế là bà lại gọi nó dậy thành công. Rồi khi nó lôi đồ thí nghiệm “không thể kiểm soát được tính chất” thì bà cũng chính là người ngăn trở, gọi đó là những trò quậy phá dù Quý ròm đã cố biện minh đó là bài tập thí nghiệm khoa học: “Cháu còn chống chế nữa hả? Thế cháu không nhớ có lần cháu suýt làm nổ sập nhà với những trò táy máy này của cháy hay sao?”. Bà nhắc lại lần thử nghiệm súng đại bác lần trước của nó khiến nó phải chột dạ. Tuy bà hay ngăn trở việc làm yêu thích của nó như ngủ nướng, thí nghiệm lại hay cằn nhằn nhưng nhờ bà mà những chuyện phá hoại của nó mới được ém nhẹm, bà luôn bao che cho nó. Tấm kính vỡ sau vụ nghiên cứu đã được bà nhận do mình bất cẩn làm vỡ, tấm drap trong phòng anh Vũ bị cháy xém do sự cố khi làm ảo thuật đã được bà nhận là bà làm rách trong lúc ủi đồ. Bà luôn bao dung cho lỗi lầm của đứa cháu nghịch ngợm, kể cả khi bà gắt lên “Lỡ tay cái tổ mẹ mày” thì cũng chỉ vì bà lo Quý ròm sẽ bị anh Vũ trừng trị vì bà biết “cái thằng Vũ cộc tính”sẽ cho đứa em no đòn. Đến ông nội của Văn Châu, mắt ông bị mù nhưng có tấm lòng sáng trong, rộng lượng. Chính thằng bé Nở, đứa bé được ông giúp đỡ bằng cách lén cho đồ ăn hằng đêm cũng phải thốt lên: “Ông tốt bụng lắm! Ông giống hệt như ông Bụt mình vẫn nghe kể! Ông thích giúp đỡ những người nghèo khổ”. Tuy chỉ là bữa ăn nhỏ nhưng đối với những đứa trẻ lang thang không nơi nương tựa như Nở, Xảo thì bữa ăn đó chính là sinh mạng giúp chúng sống hàng ngày, và cũng chính là ngọn cây giúp chúng bấu víu không bị sa vào cám dỗ cuộc đời. Trước cách ngăn cấm con gái – Văn Châu, từ làm những việc nó thích đến chơi với bạn bè nào, học ở đâu, ông cho rằng: “Một đứa trẻ nếu được giáo dục tốt nó sẽ tự khắc biết chọn bạn mà chơi. Bổn phận của các bậc làm cha làm mẹ là dạy con biết phân biệt điều đúng điều sai chứ không phải cấm cản hoặc giữ rịt nó trong nhà”. Biết cháu gái mình vốn là một người hiếu thảo, ngoan ngoãn, thương người, giản dị nhưng bị cha mẹ ép cấm, ông càng thêm yêu thương và che chở cho Văn Châu, đồng thời còn yêu mến cả bạn bè của cháu mình và dặn chúng đến chơi cùng cho Văn Châu đỡ buồn. Có lẽ, tính tình Văn Châu tốt nhất trong mấy anh chị em, không vì nhà giàu mà trở nên hỗn láo, kênh kiệu cũng một phần vì gần gũi ông, được ông chỉ bảo, quan tâm. Kể cả đối với một chú cún như Bêtô (trong Tôi là Bêtô) thì bà cố chị Ni cũng vẫn là người bà tuyệt vời khi trò nghịch ngợm của cậu bị ba mẹ chị Ni lên án “thằng ranh”, “đúng là kẻ cướp”, chị Ni cũng chỉ bênh vực nó bằng câu “Lớn lên tí nữa, cún nhà ta sẽ thôi phá phách”, còn bà cố đưa ra một câu, gần như chân lí, có thể khiến bất cứ con chó nào hả lòng: “Cún thế mới là cún chứ. Một con cún không nghịch ngợm là một con cún bỏ đi”, câu nói của bà khiến Bê tô cảm thấy mình được thấu hiểu vì ở tuổi đó, con cún hay những đứa trẻ đều nghịch ngợm cả.

Nhờ sự rộng lượng, lắng nghe và thấu hiểu trẻ nhỏ, người ông, người bà trong trang văn của Nguyễn Nhật Ánh luôn được tất cả bọn trẻ yêu mến, trở thành ông bà “chung” của lũ trẻ. Và hình ảnh ông bà hiền hậu, bao dung ấy luôn làm nghèn nghẹn bất cứ người đọc nào khi nghĩ đến ông bà của mình.

1.2. Cha mẹ

Những bậc cha mẹ xuất hiện trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh cũng rất đa dạng về nghề nghiệp, hoàn cảnh, cách giáo dục con cái nhưng giữa họ có một điểm chung là luôn bận rộn với công việc, thường xuyên vắng mặt hoặc ít xuất hiện bên cạnh con cái. Trong tác phẩm Kính vạn hoa, ta có thể kể đến cha mẹ của ba nhân vật chính Quý, Long, Hạnh đầu tiên, ngoài ra còn có cha mẹ của Văn Châu, cô Tư – mẹ của Mạnh, chú Năm và cô Năm Sang, chú Xuân…

Ba mẹ của Quý ròm, không được miêu tả kĩ về hình dáng, tính cách, bố làm thầy giáo trường cấp 1 Họa Mi, mẹ cũng là một trí thức, họ xuất hiện thấp thoáng trong vài cảnh hoặc qua lời nói của các nhân vật. Cũng như bao bậc phụ huynh khác, ba mẹ của Quý, Diệp rất bận rộn với công việc, vì thế, chăm lo, đốc thúc lũ trẻ chuyện ăn uống, học hành gần như được giao cho bà nội. Quý ròm có làm vỡ cái gương, cha mẹ Quý cũng chỉ thắc mắc, khi được bà nói chính bà không may làm vỡ thì họ cũng chỉ biết vậy và không hỏi gì thêm. Nhưng chắc chắn họ không phải là những con người vô tâm, không quan tâm đến con cái. Trong tập Đoàn kịch tỉnh lẻ, vì muốn Quý và Diệp đến gần và yêu môn nghệ thuật kịch nói, đồng thời biết về người chú xa cách lâu năm, họ đã bí mật sắp xếp cho lũ nhỏ có vé và đi xem. Nhờ điều đó, lũ trẻ không còn thờ ơ với loại hình nghệ thuật truyền thống của đất nước và biết về người chú lần đầu gặp mặt – chính là một diễn viên kịch xuất sắc. Dù chỉ qua vài chi tiết nhỏ nhưng cũng đủ cho chúng ta hình dung về cha mẹ Quý ròm, đó là những người bận rộn song cũng rất tinh tế, khéo léo trong cách nuôi dạy con.

Đến ba của nhỏ Hạnh: Sự xuất hiện của ông thường không đáng kể, phần lớn chỉ là để làm nền cho các nhân vật, tuy nhiên ông lại tạo được thiện cảm, bởi ông là một người cha mẫu mực, thông cảm với con cái, biết tạo cơ hội cho con phát triển. Trong tập Xin lỗi mày, Tai To, dù cả nhà rất thích Tai To, nhưng vì Tùng không thích, và theo người phụ huynh này thì sự xuất hiện của Tai To có thể khiến cho Tùng hình thành tâm lí thích bắt nạt kẻ yếu đuối hơn, do vậy, ông đã quyết định cho Tai To để người khác nuôi. Hành động của ba nhỏ Hạnh là cần thiết để Tùng có những khoảng trống để nhận ra mình cũng có tình cảm với Tai To. Ông là một nhà báo, vì vậy mà ông có tầm hiểu biết và kinh nghiệm sống rộng, cũng là người cha rất tâm lí. Có thể nói ít nhiều tính tốt của nhỏ Hạnh là do ông dạy dỗ. Một chi tiết rất nhỏ khi nói về cha mẹ Hạnh, đó là chuyện cha mẹ Hạnh hay tranh cãi nhau do không thể chung ý kiến: “Không biết có phải vì nhà báo là những người có đầu óc độc lập và thích đấu khẩu hay không mà nhỏ Hạnh thấy hai nhà báo sống với nhau trong một nhà gặp chuyện gì cũng tranh cãi” (Tập 13. Khu vườn trên mái nhà). Mẹ Hạnh, cũng là một nhà báo, được miêu tả là một người phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm, yếu đuối và cũng cả tin, bà tin rằng con chó ba màu có thể khiến cuộc sống vợ chồng hòa thuận hơn. Mặc dù biết chuyện mê tín là nhảm nhí, song ba Hạnh vẫn đồng ý đưa Tai To về, ông hiểu tâm lí vợ, hiểu rằng đó là liều thuốc tâm lí tốt nhất. Do vậy, ngoài là một người cha tốt, chắc hẳn, ba Hạnh cũng là một người chồng tốt, sẵn sàng nhường nhịn vợ để giữ mái ấm gia đình được vui vẻ. Bố mẹ của Tiểu Long cũng không được nhắc đến nhiều về hình dạng, tính cách, chỉ biết mẹ Tiểu Long bán hàng tạp hóa cả ngày ngoài chợ, bố làm chân tay, anh Tuấn, Tú thì làm việc trong nhà máy giày, giấy. Công việc nặng nhọc, bận rộn cả ngày nhưng tiền lương vô cùng ít ỏi, cộng thêm nuôi nấng bốn đứa con. Bạn đọc có thể nhận ra sự vất vả của họ chi tiết nhỏ Oanh khao khát có con gấu bông nhưng không dám nói, nhà hết tiền đóng tiền điện, Long phải lấy số tiền mà Quý đưa để mua gấu bông cho em đóng bù vào… Tuy nghèo, nhưng cha mẹ Tiểu Long rất yêu thương con cái và không muốn chúng phải thiếu thốn điều gì, bằng chứng là việc họ quyết dành ra một trăm ngàn cho dù không dễ dàng kiếm ra để đưa cho con mua gấu bông và bốn đứa con của họ ai cũng đều khiêm tốn, chăm chỉ, hiếu thảo và yêu thương lẫn nhau.

Có những bậc phụ huynh chỉ còn lại trong trí nhớ con trẻ, đó là trường hợp cha mẹ của Xảo, Nở. Mẹ mất sớm, nhà nghèo, gánh nặng nuôi hai đứa con khiến người cha cả ngày nhặt nhạnh ở bãi rác. Một lần, do ngủ quên, cha của Nở đã bị xe cán chết ở bãi rác. Tuy nghèo khó, nhưng có thể nhận ra được cha mẹ của Xảo, Nở vô cùng yêu thương các con và dạy con sống tử tế, không trộm cắp, không nhờ vả người khác. Bằng chứng là em gái bị ốm nặng, Nở vẫn tranh thủ đi đánh giày nuôi em cho dù bị những đứa trẻ lang thang khác đuổi đánh, chỉ đến bước đường cùng nó mới dám bạo gan và hứa chỉ một lần này thôi có ăn trộm mền cơm của ông nội Văn Châu. Xảo yêu thương Út Cưng cũng một phần nó là vật gắn kết để nhớ lại người cha đã khuất của mình.

Không giống như cha mẹ Quý, Hạnh, Long, cha mẹ của Văn Châu lại có cách giáo dục con cái theo kiểu cấm đoán. Bố Văn Châu cấm con gái làm theo những thứ mà nó thích, vì theo ông con gái thì không nên ăn mặc như con trai, không nên tập võ, đá banh mặc dù tính cách của Văn Châu như vậy một phần cũng do chính hai vợ chồng ông quá khao khát có con trai mà từ bé đã cho Văn Châu sống như một bé trai, kể cả từ tên đặt. Ông cấm nó chơi với những đứa bạn không phải con nhà giàu. Chính vì cách giáo dục đó mà đứa con gái thứ và con trai ông trở nên kiêu căng, láo lếu và khinh thường người nghèo khó.

Phụ huynh của Hiền Hòa được Nguyễn Nhật Ánh nhắc đến trong tập Họa mi một mình cũng là một mắt xích quan trọng khi thể hiện vai trò của bậc cha mẹ đối với tâm lí trẻ nhỏ. Mẹ là một bà nội trợ, làm việc ở nhà, còn ba Hiền Hòa làm công việc ở một cơ quan, đó là những chi tiết duy nhất liên quan để hiểu rõ về con người họ. Nhà văn nhắc đến họ trong tình huống cả hai đã bỏ nhà đi do cãi nhau, và vì thách thức “anh đi tôi cũng đi”, vì thế Hiền Hòa bị bỏ rơi lại ở nhà với người dì được mẹ sắp xếp xuống ở cùng. Người lớn thì đôi khi cũng “trẻ con”, bố mẹ Hiền Hòa vì cái tôi cá nhân quá lớn đã bỏ sót những rủi ro có thể xảy ra, đó là việc người dì bị ốm nặng. Nguôi giận trở về, thấy những hậu quả khi phút nóng giận gây ra, cả hai cũng đã nhận ra sai lầm của mình và hứa từ sau có cãi nhau cũng sẽ không bao giờ bỏ đi. Đây cũng là tình huống và bài học rút ra cho rất nhiều cặp vợ chồng trẻ khác.

Phụ huynh của Dũng cò còn đáng trách hơn. Trong tập Theo dấu chim ưng, Dũng cò bắt đầu xuất hiện trong vai trò là thủ lĩnh bang Chim ưng chuyên trấn lột, thu tiền bảo kê lũ trẻ. Đến tập Tiền chuộc, Nguyễn Nhật Ánh đã giải thích nguyên do tại sao nó lại trở nên như vậy. Vốn gia đình Dũng cò có anh em họ hàng với gia đình Văn Châu, nhưng hoàn cảnh lại nghèo khó. Bỗng dưng căn nhà họ sống thuộc diện giải tỏa nên căn nhà của họ trở thành nhà mặt đường, bán được với giá cao. Đột nhiên trở nên giàu có, cha mẹ Dũng cò lao vào ăn chơi cờ bạc, Dũng cò theo gương cũng đòi mua xe, ăn chơi không chịu học hành. Không chịu làm ăn, tiền có nhiều tiêu hoang cũng hết, gia đình Dũng cò trở về với những khoản nợ và nghèo nàn. Đã quen thói ăn chơi, Dũng cò liên tục làm những việc sai trái để kiếm tiền tiêu xài, nó ngày càng sa chân thành con người hư hỏng, bị đuổi học, biến thành tên lưu manh. Đang ở tuổi mới lớn, tuổi hình thành nhân cách con người, Dũng cò dễ bị hoàn cảnh tác động. Ở trong môi trường xấu, cộng thêm cha mẹ không làm gương tốt cho con, thậm chí còn bỏ mặc không quan tâm đến chuyện học hành, rèn luyện nhân cách con cái đã khiến cho Dũng cò phát triển theo hướng xấu.

Còn rất nhiều nhân vật phụ huynh được nhắc đến trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh như mẹ của Quới Lương, một người góa phụ, nghèo khổ, ngày ngày bán xôi chè để nuôi hai đứa con. Bà đã từng có lúc định cho Quới Lương nghỉ học vì không đủ sức nuôi học cả hai đứa. Đứng trước sự giúp đỡ nhiệt tình của cô giáo Trinh, bà đã có thêm động lực để cố gắng cho con được học tử tế, không rơi vào số phận nghèo khổ như cha mẹ chúng. Mặc dù nghèo, nhưng mẹ Quới Lương cũng được mô tả là người phụ nữ tự trọng, hiền lành, chăm chỉ. Chú Năm và cô Năm Sang, cha của Lượm và mẹ của Tắc Kè Bông, hai con người đi bước nữa trong hôn nhân và đến với nhau cũng gặp nhiều khó khăn để hai đứa con riêng có thể hòa hợp với nhau và với gia đình mới. Cô Tư, mẹ của Mạnh, cũng là người mẹ phóng khoáng trong cách nuôi dạy con. Mỗi lần “gặp” cô Tư, bạn đọc đều nhận thấy cô luôn để cho con và mấy đứa trẻ (Long, Quý, Hạnh đến chơi) được thỏa thích khám phá điều mới lạ trong thế giới của chúng.

Nguyễn Nhật Ánh đã phần nào giúp cho lứa tuổi thiếu nhi hiểu hơn về cuộc sống hôn nhân, gia đình, còn các bậc phụ huynh thì hiểu hơn về tầm quan trọng trong cách giáo dục con cái, ảnh hưởng đối với tâm lí trẻ nhỏ qua những việc người lớn làm khi tạo ra thế giới nhân vật người lớn, mà cụ thể là những nhân vật cha, mẹ này. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có gia đình thì giàu có, có gia đình nghèo khổ, có gia đình đầy đủ mẹ cha, có gia đình khuyết thiếu (bố mẹ Xảo, Nở đã mất cả - Kính vạn hoa), lại có gia đình chắp vá lại để tròn đầy (chú Năm lấy vợ hai là cô Năm Sang đã có một đứa con riêng – Kính vạn hoa); rồi người lớn cũng đôi lúc cãi nhau; người dạy con bằng cách này, người dạy con bằng cách khác… Xây dựng hình ảnh về trụ cột gia đình, Nguyễn Nhật Ánh cũng đồng thời tạo nên một xã hội thu nhỏ trong trang văn của ông mà ở đó đầy đủ các biểu hiện sinh động, không gia đình nào giống gia đình nào. Nhà văn cũng đưa ra khẳng định xác đáng: cha mẹ, gia đình là nhân tố quan trọng bậc nhất quyết định sự hình thành tính cách, tâm lí trẻ nhỏ.

1.3. Giáo viên
Giáo viên trong trang sách của Nguyễn Nhật Ánh hiện lên hệt như trong tâm trí lũ trẻ. Đứa học giỏi thì thân thiết, đứa học dốt thì sợ hãi lạ thường. Ở người giáo viên ông miêu tả đa số là những người yêu mến trẻ nhỏ, mong muốn học sinh của mình học tốt lên từng ngày. Ngoài ba mươi học sinh lớp 8A4, trong bộ truyện Kính vạn hoa, người đọc còn thấy sự góp mặt của các thầy cô giáo, từ giáo viên chủ nhiệm đến giáo viên bộ môn. Cô Trinh chủ nhiệm đồng thời là giáo viên dạy Văn, cô Nga dạy Sử, thầy Đoàn dạy thể dục, thầy Hiếu dạy Toán, cô Kim Anh dạy Hóa, thầy Thừa dạy Tiếng Anh, cô Diệu Lý dạy Lý, thầy Quảng dạy Địa, cô Hạ Huệ dạy Sinh, thầy Đại dạy Giáo dục công dân, thầy Sơn Cước dạy Kĩ thuật, thậm chí còn có cả sự góp mặt của thầy Đường giám thị. Lên lớp 9, thầy Vĩnh Long chủ nhiệm, có cô Vĩnh Bình dạy Văn, cô Vĩnh An dạy ngoại ngữ, cô Lan dạy Giáo dục công dân. Lên lớp 10, nhóm ba người bạn lên học trường Đức Trí… Qua con mắt của Tiểu Long, thầy Hiếu luôn tạo ra một nỗi sợ vô hình cho nó, mà mỗi lần thấy bóng dáng thầy, nó trốn tuột đằng nào, chạy nhanh mất hình mất dạng cho dù thầy chẳng làm gì nó. Đơn giản vì Tiểu Long học rất kém môn Toán của thầy, còn với thầy thể dục của thầy Đoàn, môn nó học rất tốt thì thầy và nó lại rất thân thiết. Với Quý ròm, Hạnh, những học sinh học giỏi Toán, chắc hẳn luôn được thầy quan tâm và chúng cũng chẳng bao giờ sợ hãi thầy đến thế, thậm chí là yêu mến thầy, đôi khi còn chào hỏi rất thân thiết. Chỉ những ai từng là học sinh, từng có những môn học rất kém mới hiểu được nỗi sợ hãi vô hình mà Tiểu Long trải qua và vô tình bật cười khi chính mình cũng chẳng hiểu tại sao lại sợ thế. Cô Tú Duyên (tập Xin lỗi mày, Tai To – Kính vạn hoa) trước sự tố cáo về những hành động hành hạ chú cún của hai học sinh Tùng và Đạt, cô khuyên răn rất nhẹ nhàng: “Rồi trước những đôi mắt tròn xoe của học trò, cô lần lượt kể những mẩu chuyện ca ngợi lòng trung thành của chó đối với chủ, từ chuyện chó theo chủ ra trận, lúc chủ bị thương, đã cắn vào chân ngựa đối phương để cản trở sự truy đuổi của quân giặc như thế nào đến chuyện chó dắt bà lão mù đi ăn xin, khi chủ qua đời, đã quanh quẩn ở bên mộ rồi nhịn đói chết theo ra làm sao... Cô kể bốn, năm chuyện, chuyện nào cũng cảm động đến nỗi nghe xong, cả lớp cứ ngẩn ngơ. Nhỏ Cúc Phương và bọn con gái “mít ướt” không ngớt khụt khịt mũi, mắt đứa nào đứa nấy đỏ hoe” (Kính vạn hoa, tập Xin lỗi mày, Tai To – chương 5) để cho các em thấy chó là loài vật hết mức trung thành của con người, chúng ta nên yêu quý chúng thay vì hành hạ, đánh đập. Nếu những giáo viên khác chỉ được tác giả đề cập đến thoáng qua qua lời học sinh nhận xét, qua trí nhớ, qua vài trường hợp gặp mặt thì đến cô giáo Trinh, tác giả lại dành riêng một tập truyện để nói về người giáo viên này. Cô Trinh, giáo viên dạy Văn đồng thời Chủ nhiệm lớp 8A4 mà Quý, Hạnh, Long học trong tập Cô giáo Trinh (Kính vạn hoa) được tác giả miêu tả rất kĩ: “Cô có dáng người hơi gầy, đôi mắt thỉnh thoảng ánh lên vẻ buồn bã kín đáo, nhưng lúc nào cũng tận tuỵ với học trò, đặc biệt cô là một trong những giáo viên dạy văn hoạt bát và duyên dáng nhất trường”, “chồng cô đã mất cách đây sáu năm vì một cơn bạo bệnh. Hiện nay một nách hai con, cuộc sống của cô khá gian nan, chật vật”, “Có lẽ vì vậy mà sắc diện cô kém vui tươi, chỉ khi lên lớp dạy dỗ bọn mình cô mới trở nên vui vẻ và sinh động thôi”. Khi nghe Hạnh và Quý nói Quới Lương ăn trộm giáo án của mình cô đã rất bàng hoàng, sửng sốt, rồi lại thở phào khi nghe đó mới chỉ là suy đoán của mấy đứa. Cô tin và yêu học sinh của mình, không hề nghi ngờ cho bất cứ ai mặc dù kẻ trộm có khả năng nhất chính là học sinh của cô. Cô giáo Trinh là người giáo viên tận tâm, cô quan tâm đến từng học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lại yếu kém như Quới Lương. Chỉ vì học sinh nghỉ học không rõ nguyên do, buổi trưa cô ăn vội gói mì tôm rồi đạp xe đến nhà học sinh thăm hỏi. Có ai mà không bực mình, giận lòng trước những trò quậy nghịch của học sinh, nhưng rồi trước tình cảnh khó khăn của gia đình Quới Lương, cô chỉ thấy thương. Cô giúp đỡ học sinh mình âm thầm vì biết em giàu lòng tự ái. Không chỉ quan tâm, cô còn hiểu rõ học sinh của mình. Trước tình cảm và lòng nhân ái của cô, Quới Lương khi biết được đã hết sức ân hận và đã dũng cảm đến nhận lỗi. Cô giáo Trinh có thể nói là một điển hình mẫu mực của hình tượng giáo viên Việt Nam nói chung mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng để lưu giữ những hình ảnh và đức tính tốt đẹp của người giáo viên nhân dân vào trong trang sách. Giữa học sinh và giáo viên xưa nay luôn có những khoảng cách, hiểu lầm: nhiều em học sinh luôn nghĩ cô giáo trù dập, chơi khăm mình vì nhà mình nghèo, không chịu đi học thêm, nhiều giáo viên lại nghĩ học sinh mình mải chơi nghỉ học không lí do, đáng bị phạt. Nếu hai bên tìm hiểu kĩ về nhau, có lẽ giữa giáo viên và học sinh sẽ thông cảm và quý mến nhau hơn, tình cảm thầy trò sẽ càng thêm gắn bó, tạo động lực cho học sinh yêu đến lớp, giáo viên thêm yêu nghề.

2. Nhân vật trẻ em
Đây là nhân vật chính trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh bởi tác phẩm của ông đa số là truyện thiếu nhi. Dù là những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình khá giả hay nghèo khó, là con người hay phù thủy, dù có những lúc lầm lỡ, tuy nhiên tất cả các em đều mang trong mình tâm hồn lương thiện, hướng thiện, biết vươn lên vượt qua nghịch cảnh để đạt được điều tốt đẹp hơn. Trẻ em trong truyện Nguyễn Nhật Ánh cũng rất hiếu động, tò mò, ham vui nhưng cũng rất hiếu thảo, có tinh thần cầu tiến. Trong Kính vạn hoa, tác phẩm được xây dựng với số lượng nhân vật lên đến hơn hai trăm, xoay quanh cuộc sống, cuộc hành trình của ba đứa trẻ là Quý, Long và Hạnh, thế giới nhân vật trẻ em được khám phá rất đa dạng, cả từ hình dáng, tính cách, hoàn cảnh…

Về lứa tuổi: Nhân vật thiếu nhi trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có sự đa dạng về lứa tuổi. Có khi Nguyễn Nhật Ánh giới thiệu trực tiếp về tuổi nhân vật: “Năm đó tôi tám tuổi” (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ), “Nguyên nói, nó năm nay mười sáu tuổi, là đứa gan dạ nhất làng” hay “Nó khoảng mười hai tuổi, trạc tuổi K’Tub” (Chuyện xứ Lang Biang)… Nhiều khi, nhà văn thể hiện tuổi thông qua việc giới thiệu lớp học, từ những học sinh học lớp bốn như Tùng, Đạt, Nghị, Phương, lớp năm như nhỏ Oanh, nhỏ Diệp, lớp tám như Long, Hạnh, Quý (Kính vạn hoa). Bước vào thế giới phù thủy xứ Lang Biang, người đọc được làm quen với một đám nhóc tì với đủ mọi lứa tuổi. Từ K’Tub, Steng của lớp trung cấp 1 đến Ê mê, Păng Tin của lớp Trung Cấp 2; Kanto, Mua lớp Cao cấp 1; Tam, Amara, Hailibato, Y Đê, Bolobala của lớp Cao cấp 2. Những cô cậu học trò ngày ngày cắp sách đi học đến những đứa trẻ muôn đời không được đi học như thằng Đam Pao, con Chơ leng, hai đứa giúp việc của lâu đài K’Rahal hay đặc biệt hơn là những đứa trẻ bị “cấm” đến trường như cậu bé Suku. Nguyễn Nhật Ánh cũng có hẳn một loại truyện dành cho tuổi mới lớn, đó là những truyện viết về lứa tuổi học sinh cấp 3 như Nữ sinh, Thằng quỷ nhỏ, Bồ câu không đưa thư, Mắt biếc… Sự đa dạng về độ tuổi làm cho lực lượng thiếu nhi trong truyện Nguyễn Nhật Ánh đông đảo nhưng không hề tách biệt bởi sự đan xen, sống động giữa các lứa tuổi, giữa các nhân vật, sống động như cuộc đời thực vốn có.

Về hoàn cảnh gia đình, Nguyễn Nhật Ánh cũng xây dựng những hoàn cảnh đa dạng ứng với mỗi nhân vật. Văn Châu có một gia đình vô cùng giàu có nhưng đằng sau đó là cả một vấn đề lí giải tại sao Văn Châu lại trông như con trai, tại sao nó không muốn đưa bạn bè về nhà, thậm chí giấu giếm gia cảnh của mình, tại sao nó lại thích ở căn nhà kho với ông nội hơn căn phòng đầy đủ tiện nghi của mình. Rồi nếu không cố tình tím cách phá án vụ án mất trộm giáo án của cô giáo Trinh thì các bạn nhỏ có lẽ sẽ mãi không biết được Quới Lương lại có hoàn cảnh khó khăn đến vậy: bố mất sớm, một mình mẹ phải nuôi hai anh em Quới Lương, vì mẹ ốm mà Quới Lương phải nghỉ học bán hàng giúp mẹ. Sự bao dung của cô giáo và sự thông cảm của các bạn đã khiến Quới Lương hối hận, nhận ra hành động của mình là sai trái. Không chỉ có gia đình Quới Lương nghèo, trong tập thể 8A4 còn rất nhiều bạn có hoàn cảnh tương tự. Gia đình Tiểu Long dù nghèo nhưng ít ra hai người anh trai Tuấn, Tú đã đi làm phụ giúp thêm cho gia đình, còn gia đình Đặng Đạo, một mẹ một con, mẹ Đặng Đạo là công nhân vệ sinh, đêm đêm quét rác ở chợ, vì mẹ mới ốm dậy chưa làm được việc nặng nên hằng đêm Đặng Đạo phải đi phụ giúp mẹ. Việc làm hiếu thảo của Đặng Đạo lại dẫn đến hậu quả là sáng hôm sau đên lớp, cậu thường xuyên “gật gà gật gù” khiến cho các thầy cô giáo và các bạn trong lớp, nhất là các bạn cùng tổ Đặng Đạo phải phiền lòng. Nếu như đêm hôm ấy Lâm không trằn trọc ra lan can làm thơ để thi thố với Quý ròm rồi tình cờ đánh rơi tờ giấy đang viết dở xuống tầng 1 thì làm sao Lâm có thể biết được hoàn cảnh gia đình Đặng Đạo, người mà trước đó không lâu chính Lâm đã đặt vẻ trêu ghẹo cái tật ngủ ngày của bạn: “Ở nhà chẳng ngủ cho say/ Đến lớp ngủ ngày là đít con voi” (tập Giải thưởng lớn – Kính vạn hoa). Gia đình Tiểu Long, Quới Lương, Đặng Đạo chắc chắn mới chỉ là một phần hiện thực được tái hiện, bởi quỹ khuyến học dành cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường Tự Do luôn trong tình trạng thiếu thốn, cạn kiệt vì giúp đỡ những em học sinh nghèo. Khi cái nghèo của người lớn, của gia đình, của xã hội ảnh hưởng đến đời sống trẻ thơ khiến mỗi người chúng ta cảm thấy day dứt, thương cảm. Trẻ em có quyền học hành, vui chơi, được quan tâm chăm sóc, chỉ phải lo học hành, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, chúng đã sớm phải bươn chải cuộc sống, hoặc phải sống lang thang không nơi nương tựa như Xảo, Nở và những đứa trẻ đánh giày trên phố khác (tập Bí mật kẻ trộm – Kính vạn hoa). Nguyễn Nhật Ánh là người ý thức rất rõ về đối tượng thiếu nhi trong các truyện của mình, cho nên, trong truyện của ông không chỉ có những em thiếu nhi học giỏi, gia đình hạnh phúc, ngoan ngoãn, hiếu thảo mà còn có cả những đứa trẻ cù bơ cù bất, những gia đình giàu có mà thiếu quan tâm đến con cái, những đứa trẻ vì thấy cha mẹ cãi nhau mà chán nản học hành… Trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, có lẽ bao nhiêu gương mặt thiếu nhi là bấy nhiêu số phận cuộc đời.

Về tính cách, mỗi nhân vật trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh đều có tính cách riêng biệt cho dù đó là nhân vật chính hay phụ. Quý ròm thì nhiệt tình vì bạn bè, tự trọng cao đến nỗi nhiều khi thành tự ái vặt, lém lỉnh, mồm mép và thỉnh thoảng ba hoa quá trớn, có tài nói phét trơn như bôi mỡ, đó là những đặc điểm nổi bật của cậu. Trong nhiều lần, Quý đã làm nhỏ Hạnh tức điên khi cố tình lôi chuyện bò viên ra để chế nhạo Hạnh. Nó lấy việc trêu chọc Hạnh, bắt nạt Tiểu Long, nhỏ Hạnh bằng võ mồm là một thú vui. Tuy rất tốt, nhưng cậu lại có tính hay nôn nóng, mỗi khi giảng bài cho thằng bạn Tiểu Long khù khờ là quát tháo om sòm, khiến Tiểu Long rất sợ. Nạn nhân thường xuyên của những trò nạt nộ khi giảng bài này là nhỏ Diệp, em cậu, dù thật sự cậu rất thương em. Chân tay gầy khẳng gầy kheo nhưng lúc nào cũng ba hoa chuyện đánh nhau, trong trường hợp đó, thế võ oshin luôn là “đặc sản” của anh chàng ròm. Dù rất tốt bụng nhưng nhiều khi lại hơi vô tâm. Và ngoài đối với chuyện học hành và thí nghiệm, cậu lại là một đứa trẻ lười biếng, thường xuyên đùn đẩy công việc nhà cho em gái và bà. Ngoài ra, cậu còn rất nhát gan (dù trong đa số trường hợp, tính tò mò của một nhà khoa học và tính tự ái thường lấn át tính nhát gan). Giỏi ảo thuật, mê toán và hóa học, thần tượng nhà ảo thuật đại tài David Copperfield. Còn Tiểu Long tính tình hiền lành, nhường nhịn, điềm đạm, trái ngược hẳn với tính cách nóng như lửa của ông bạn ròm, nhưng lại khá cù lần nên thường bị Quý ròm át giọng và chỉ huy. Sinh ra trong gia đình nghèo nên tính tình giản dị, khiêm tốn, luôn mong muốn đỡ đần cho gia đình, đặc biệt rất thương nhỏ Oanh-em gái mình. Tuy hơi “cù lần” nhưng Tiểu Long lại là đứa trẻ suy nghĩ khá sâu sắc, luôn nghĩ cho người khác. Trong tập Bắt đền hoa sứ, dù cậu thừa sức “tẩn” Tắc Kè Bông nhưng nếu đánh nó cậu sợ mối quan hệ giữa vợ chồng chú Năm sẽ vì thế mà sứt mẻ đi, và Long còn nghĩ cho cả danh dự của Tắc Kè Bông nữa, nếu nó đánh thắng Bông trước mặt mọi người, nó sẽ mất mặt, vì thế nó đã cố tình thua và chịu nỗi “nhục” bị thằng Bông sai vặt. Trong những trường hợp khác, dù đang cần tiền để mua gấu bông cho em gái nhưng nhà hết tiền nên nó đã lấy ra đóng tiền điện cho gia đình, mặc dù đó là trách nhiệm của người lớn. Dù không học vào với ông thầy Quý ròm nhưng mà nghĩ đến bạn chỉ muốn tốt cho mình, không muốn làm bạn ròm buồn mà nó cắn răng đến cho bạn mắng quát… Tiểu Long gần như trái ngược với Quý ròm, một người thiên về trí, võ mồm, vô tâm, còn một người lại thiên về sức khỏe cơ bắp, suy nghĩ sâu sắc cho dù bề ngoài ngờ nghệch. Còn Hạnh lại là người dung hòa giữa hai khác biệt gần như trái ngược đó. Hạnh là đứa con gái duy nhất trong nhóm, có "bộ óc điện tử" còn vượt trội hơn Quý ròm, học giỏi đều các môn học chứ không chỉ Toán - Lý - Hóa như Quý ròm. Tính tình dịu dàng, kiên nhẫn, tốt bụng, điềm đạm, ham học và đọc rất nhiều sách, nên thông thái đến mức được mệnh danh là "bộ từ điển biết đi". Tuy nhiên tay chân lại rất vụng về, có lần đến nhà Tiểu Long mà chỉ trong năm phút Hạnh đã làm vỡ hai chiếc cốc thủy tinh. Cô bé rất mê món bò viên, mê đến nỗi mơ ước sau này sẽ đi bán hủ tíu bò viên, ước mơ kỳ quái đến mức ai nghe cũng phải lắc đầu. Cô nhát gan thậm chí có phần hơn Quý ròm nhưng luôn được các bạn, thầy cô tin tưởng để hỏi ý kiến. Cô bạn Văn Châu của cả nhóm, bề ngoài, sở thích đều như con trai nhưng vô cùng thương ông, thương người, chịu trách nhiệm với những việc mình làm và có chính kiến riêng. Ông nội bị mù, rất thương bà nên nó hay mua trái lê ki ma về cho ông, chị Thắm bị buộc tội lấy cắp, nó cũng lên tiếng bênh vực và tin tưởng chị. Những cô bé, cậu bé mang trong mình tình thương, lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh khó khăn của người khác. Trước hoàn cảnh của anh em Xảo, Nở trong tập Bí mật kẻ trộm, những đứa trẻ đã không ngần ngại giúp đỡ hai anh em bằng cách thay ông nội Văn Châu cung cấp cơm cho hai anh em, và nhóm bạn còn tặng lại con sáo cho bé Xảo để bé mau khỏi bệnh cho dù chính mấy đứa cũng rất thích con sáo đó. Lũ trẻ cũng biết yêu cha mẹ, tôn trọng người lớn tuổi, yêu quê hương, yêu mến cảnh đẹp đất nước, yêu thương động vật… Ngoài những nhân vật chính ra, tác giả cũng xây dựng cho những nhân vật phụ một tính cách đặc trưng, không trùng lặp, như Quới Lương là một học sinh làng nhàng, chẳng có điểm gì nổi bật ngoài tính ương bướng, dễ tự ái và hay gây gổ với các bạn cùng lớp. Chính vì tính khó chịu đó mà trong lớp chẳng ai chơi với Quới Lương ngoài Lâm, một đứa tính tình cũng kì quặc không kém; Dưỡng mê hát mặc dù mỗi lần cất tiếng hát ai cũng chạy mất dép, Lâm lười học nhưng lại thích làm thơ nên được đặt cho biệt danh “thi sĩ hoàng hôn”; Mạnh là đứa có máu hình sự, say mê truyện trinh thám, ham thích những trò theo dõi, khám phá, phiêu lưu mạo hiểm nhưng cũng mau chóng hoảng hốt, nhát gan…

Bên cạnh sự giáo dục của thầy cô, cha mẹ, thì những đứa trẻ trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh bao giờ cũng ham học và tự hoàn thiện mình qua những câu chuyện đầy tính giáo dục mà tác giả tạo ra. Điển hình như trong tập Xin lỗi mày, Tai To (trong Kính vạn hoa), cậu bé Tùng không ưa con chó có tên Tai To mà mẹ mới đem về, nguyên do là từ khi có nó, cậu từ chỗ là đứa con cưng được mọi người nuông chiều trở thành nhân vật “mất giá”, vị trí xếp sau con Tai To, vì vậy cậu tìm mọi cách để trêu ghẹo, hành hạ nó cùng với cậu bạn tên Đạt. Bị dì Khuê, chị Hạnh, mẹ cấm đoán và lên án những hành động hành hạ động vật, Tùng rất ức và càng ra sức hành hạ chú cún. Đến Nghị, Cúc Phương cùng các bạn trong lớp khi biết được hành động của Tùng và Đạt cũng đã lên án và tẩy chay hai đứa trẻ. Cậu bé Tùng trước những sự lên án đó dần biết hành động của mình là sai nhưng vẫn không chịu thừa nhận cho đến khi bố cậu quyết định mang Tai To cho chú Xuân. Tùng bắt đầu nhận ra là chú cũng nhớ Tai To. Đến khi nhà bị trộm, Tai To vì cứu chủ mà bị tên trộm đánh què chân, thì lúc đó Tùng mới chính thức cảm phục và yêu mến chú chó của mình, nhận ra những lời cô giáo từng dạy về sự trung thành của loài chó là đúng và cậu bé vô cùng tự hào về Tai To của cậu. Với tính nóng nảy của Quý ròm, sau lần muốn giúp bạn thân để tiến lên nhưng chỉ vì sự nóng nảy của mình mà chẳng được tác dụng gì, Quý đã tự hứa sửa đổi, bắt đầu từ việc dạy em gái mình và sau này là kèm cặp cho Hiền Hòa, nó đã dần khá khẩm hơn. Hay cả như thằng Tắc Kè Bông (trong tập Bắt đền hoa sứ), sau một loạt sự việc có lẽ chính cậu bé đã nhận ra nắm đấm không bao giờ là thứ nên dùng để giải quyết mọi việc, chỉ có tình bạn chân chính mới giúp nó có được những người bạn thực sự. Biểu hiện cho sự tự nhận ra đó là những chiếc vòng hoa mà Bông kết để đền cho Quý, Long, Lượm.

3. Nhân vật loài vật
Những chú chó, mèo, chuột trong truyện đồng thoại của Nguyễn Nhật Ánh vô cùng dễ thương. Chúng giống như các cô cậu học trò hay nghịch ngợm, hay tò mò và thỉnh thoảng cũng chợt say nắng với mối tình trong sáng. Lứa tuổi thiếu nhi là lứa tuổi giàu lòng cảm thông, chia sẻ và yêu thương động vật. Chắc hẳn cô bé cậu bé nào cũng ao ước có một chú mèo, chó bên cạnh làm bạn, nếu đã có rồi thì đối với những động vật nhỏ bé ấy các em càng thấy gần gũi, yêu mến hơn. Có lẽ vì vậy, nhân vật loài vật trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh luôn được cái em đón nhận, thích thú. Tác giả cũng đã nhận xét: “Tôi phát hiện ra trong bộ 12 con giáp, ngoại trừ con dê, còn lại con vật nào cũng đã đi vào tác phẩm của tôi cả rồi” [73]. Rất nhiều người trong chúng ta đều đã nuôi một con chó, mèo hoặc thường xuyên nhìn thấy một con chó, mèo. Nhưng hầu hết chúng ta lại nghĩ rằng đó chỉ là một con vật nuôi. Nghĩa là chúng ta chẳng có chuyện gì mà nói về loài vật nuôi quá quen thuộc này. Vậy mà khi đọc tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mỗi người bắt đầu nhớ về những con chó đã nuôi trong gia đình mình. Một nỗi nhớ có thật và xúc động. Điều này có rất nhiều lý do. Nhưng lý do quyết định chính là cách kể chuyện của nhà văn.

Trong cuốn truyện đồng thoại đầu tiên Tôi là Bêtô của Nguyễn Nhật Ánh, nhân vật chính là một chú chó tên là Bêtô, chú chó được chị Ni đặt tên theo tên một cầu thủ mà chị yêu thích tên Bêbêtô đội Brazil, nhưng cái tên quá dài và cuối cùng tên nó được mọi người gọi là Bêtô. Bêtô có ngoại hình được mô tả với bộ lông màu đen, tính tình hiếu động, nghịch ngợm, ngoài sở thích gặm xương thì nó còn có sở thích là gặm tất cả những gì có thể gặm, xé tất cả những gì có thể xé, thường xuyên hơn cả là một quyển sách, một chiếc giày hoặc một chiếc quần, áo cũ. Và câu nói của Bêtô: “Trong thế giới cún chúng tôi, bướng bỉnh và phá phách bao giờ cũng quyến rũ hơn là đóng vai ngoan ngoãn” gần như là một chân lí hiển nhiên không chỉ đúng với lũ chó. Bêtô còn có những người bạn, và những nhân vật này cũng đều được tác giả xây dựng đầy đủ đặc điểm với tên, ngoại hình, tính tình. Đầu tiên là thằng Laica, đây là thằng hung hăng nhất, trẻ nhất, tuổi đời kém Bêtô vài tháng, rất quậy. Nó thông thạo các trò quậy phá và thậm chí còn cắn cả cục xà bông – thứ mà Bêtô cũng không muốn xực. Nhưng với tính cách quậy phá, “mất dạy” của nó thì Laica lại là một đứa cực kì trung thành, nghe lời bà cố. Sang chơi nhà Bêtô, vắng mặt bà cố, nó quyết tâm tuyệt thực, không buồn nhúc nhích cho dù được ăn đồ ngon, trái hẳn với một Laica nghịch ngợm hàng ngày và khi bà mất, nó bỏ ăn, buồn bã. “Trong thế giới trẻ con và trong thế giới cún có một điều giống nhau lạ lùng: đứa bạn xấu bao giờ cũng là đứa bạn quyến rũ nhất”. Đây hẳn lại là một chân lí của chú cún Bêtô tự rút ra mà trẻ em đọc đều gật gù thấy đúng, còn người lớn thì thừa nhận. Và Laica chắc chắn là một đứa bạn hư của Bêtô, vì sau những trò học được từ Laica, đi vào thực hành, đều nhận được thái độ không hài lòng của ông bà chủ. Trái ngược với “người bạn xấu” Laica, Binô hẳn được coi là bạn tốt. Nhân vật Bi nô cùng sống chung mái nhà với Bêtô, nó có bộ lông màu trắng, trông như lớp bông xù, cái đuôi ngắn tũn “giống một viên phấn bảng ai đánh rơi giữa bụi lau”, tính tình ôn hòa, hiểu biết và luôn tỏ ra giống một nhà hiền triết với bao triết lí rút ra. Binô có thể kể ra được ba trăm năm mươi điều thú vị của cuộc sống, trong khi Bêtô nghĩ mãi mới chỉ được hai mươi điều. Binô cũng hiếu động như tuổi của nó phải thế và nhát gan. Bêtô và Binô trở thành bạn thân thiết và giữa chúng có nhiều sở thích chung, giả như việc có thể hiểu và dịch ngôn ngữ của chị Ni (ngôn ngữ nói ra thành lời) thành ngôn ngữ mà chị thực sự muốn nói (ngôn ngữ ý muốn không nói ra thành lời) trong khi mẹ chị Ni không biết được điều đó. Chúng thích thú với những chiếc áo mới mặc trên người trong những ngày giá rét, thích ngắm nhìn nhau thở ra làn khói trắng, thích chui dưới gầm chạn để cùng nhau ngắm mưa, nghe tiếng mưa lộp độp trên mái hiên và thích nhìn nắng sau những ngày mưa… Không chỉ có những thứ, những người chúng yêu thích, Bêtô nói riêng và cả lũ chó cùng khu nói chung cũng có kẻ nó ghét, đó chính là lão Hiếng, lão hàng xóm chuyên bắt nạt lũ cún và lấy việc chúng kêu ăng ẳng vì đòn đau là một thú vui. Cũng như bao đứa trẻ khác thì cả Bêtô và Binô đều có những ước mơ của riêng mình. Bêtô muốn trở thành chó kéo xe Bắc Cực còn Binô muốn thành diễn viên xiếc… Cả Bêtô, Binô và Laica đều được coi như một thành viên trong gia đình, nhiều lúc, bạn đọc không thể nhận ra khoảng cách giữa người và chó. Chị Ni vẫn vuốt ve Bêtô, kể chuyện cho nó nghe, nói chuyện với nó như một đứa em nhỏ. Để con Laica chịu ăn cơm lại, chị đã nghĩ ra cách gọi điện thoại cho bà. Chị Ni tin là chúng có thể lắng nghe và hiểu, và quả thật chị đã đúng, cũng giống như bọn chúng cũng thấu hiểu chị nghĩ và muốn gì. Đó là sự đồng cảm, thấu hiểu giữa những đứa trẻ chuẩn bị lớn. Chọn nhân vật chính là một chú cún - động vật gần gũi, quen thuộc và thông minh nhất của con người, đương nhiên Nguyễn Nhật Ánh rất thuộc tính cách, sinh hoạt, và cả... ngôn ngữ của cún. Đồng thời trong vai cún để nhìn đời, tác giả cũng rất thuộc tâm, sinh lý lứa tuổi mới lớn, qua đó cho thấy người lớn cần phải ứng xử như thế nào đối với trẻ, trong bước ngoặt từ bé con sang người lớn, cái bước ngoặt quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, trong đường đời một con người.

Hoặc trong những truyện sau này của nhà văn như Chúc một ngày tốt lành, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, thế giới loài vật mà tác giả đem đến càng lúc càng sinh động, vui vẻ, nhộn nhịp hơn mà sau khi đọc xong, những cô bé, cậu bé thể nào cũng phải ngoái nhìn vật nuôi nhà mình chăm chú hơn, hoặc đòi bố mẹ mua cho một thú nuôi hoặc muốn hòa nhịp vào cuộc sống thú vị, hấp dẫn, khác lạ mà tác giả đã đem đến cho chúng trong trí tưởng tượng bay bổng của mỗi em nhỏ. Tạo nên một vương quốc nhỏ có vua, hoàng hậu, công chúa và thi sĩ mèo Gấu trong Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Nguyễn Nhật Ánh đã lôi cuốn bạn đọc nhỏ tuổi ngay từ những trang đầu. Thật thú vị khi gọi tên sự vật, con người quen thuộc bằng những cái tên mới mẻ. Vua, hoàng hậu, công chúa ở đây là ông bà chủ nhà và cô con gái, mèo Gấu chắc hẳn là cận vệ có nhiệm vụ trông coi, bảo vệ vương quốc khỏi lũ trộm – đó là mấy chú chuột. Nhưng nhân vật mèo Gấu lại thích nằm một chỗ ngắm nhìn mọi vật và làm thơ hơn là bắt chuột. Xưa nay, các bạn nhỏ đã vốn quen thuộc với con mèo và rất thích bộ đôi Tôm và Jerry trong phim hoạt hình nổi tiếng của Disney, thì nay, trong trang văn của Nguyễn Nhật Ánh, độc giả nhỏ tuổi đã được gặp lại cặp đôi mèo Gấu – chuột Tí Hon, nhưng không phải ở tình trạng đối đầu thường thấy mà lại trong vai trò là cặp đôi tri kỉ. Khi bạn nghe một con mèo kêu “rù rù... meo meo” thì chỉ là tiếng mèo, nhưng có thể đối với một con mèo khác cũng đang lắng nghe, thì đó là một bài thơ tuyệt cú mèo. Bản nguyên văn và dịch nghĩa sau cho thấy một khoảng cách khá xa về ngôn ngữ của loài người và loài mèo:

Rù rù rù... Meo...
Meo meo meo...
Rù rù rù...
Meo meo... rù rù
Rù rù… meo meo...

Tạm dịch

Bé yêu yêu đã ngủ chưa
Anh yêu yêu cũng mới vừa ngủ xong
Nến yêu yêu cháy trong phòng
Tình yêu yêu cháy trong lòng yêu yêu

Mèo Gấu có người trong mộng tên Áo Hoa, rất tiếc nàng đã bỏ đi, đi mãi không về, những bài thơ tặng nàng, mèo Gấu chỉ có thể sẻ chia cho người bạn chuột có tên Tí Hon, và Tí Hon cũng rất thích thơ của anh mèo, nó thường trộm về, đọc cho bạn gái Út Hoa nghe.

Trong Chúc một ngày tốt lành, nhà văn lại tạo nên một thế giới mới tồn tại song song với thế giới loài người, đó là thế giới loài vật. Chú lợn con nghịch ngợm Lọ Nồi và Đuôi Xoăn đã nghĩ ra trò học tiếng của gà, chó và dạy cho thằng Mõm Ngắn và mười con chiếp hôi nhà chị Mái Hoa, mà con Cánh Cụt dẫn đầu. Nhìn thấy con lợn không kêu ủn ỉn như thường ngày mà kêu chiếp chiếp, gâu gâu, con chó thì kêu chiếp chiếp, ụt ịt, còn gà thì lại kêu gâu gâu, ụt ịt, không chỉ có bà Đỏ, bác Hai Nhành, ông Sáu Thơm cảm thấy trời đất như đảo lộn mà cả chị Vện, chị Mái Hoa và chị Nái Sề - mẹ của đám chó, gà, lợn trong nhà bà Đỏ cũng phát khùng vì trò nghịch ngợm của lũ con. Thằng Cu con bà Đỏ, cùng với đám nhóc Cánh Cụt, Lọ Nồi, Mõm Ngắn, Đuôi Xoăn đã làm nên bộ từ điển người – thú mà chỉ duy nhất thằng Cu mới hiểu. Không chỉ có thằng Cu cảm nắng cô bé Hà cháu bà Tươi hàng xóm, thằng Lọ Nồi từ hôm chui sang vườn bà Tươi, tình cờ gặp nàng Đeo Nơ, nó đã không còn là thằng nhóc vô tư, hay nghĩ ra những trò nghịch ngợm như trước đây nữa. Nó mặc cảm vì xấu trai nhưng lại tự an ủi mình vì nó biết ngoại ngữ, và tìm mọi cách để gặp Đeo Nơ lần nữa. Nhưng cũng như thằng Cu, Lọ Nồi bị thất tình. Ai có thể ngờ, một con lợn có thể nghe hiểu tiếng người đã đành, lại còn thông báo được cho con người biết ý của chúng. Vì vậy, Lọ Nồi và thằng Cu đã giúp nhà bà Tươi bắt trộm. Cũng nhờ những nhân vật lợn, chó, gà mà người lớn bỗng biến thành trẻ con, những bậc phụ huynh gần gũi với con cái mình hơn và giữa người với người tự nhiên không còn khoảng cách nữa. Bởi, tất cả đều tập nói thứ ngôn ngữ “un- gô- gô, chiếp- chiếp- gô” giống như một phong trào thú vị, đầy mê hoặc.

Ngoài ra, trong những truyện khác, những con vật cũng xuất hiện giống như một “nhân vật” phụ nhưng vô cùng quan trọng, tạo nên điểm nhấn cho câu chuyện. Giả dụ như trong tập Bí mật kẻ trộm (trong Kính vạn hoa), con chim sáo Út Cưng biết nói khiến Hạnh, Long rất thích thú, đã gom tiền mua lại từ một cậu bé u buồn với giá một trăm ngàn. Đến cuối truyện, sau khi biết hoàn cảnh của cậu bé u buồn, nguyên do bán con chim sáo và tình cảm của cô em gái dành cho Út Cưng, Hạnh đã quyết định trả lại, hay đúng hơn là tặng lại cho hai anh em. Con chim sáo đối với Hạnh, Tùng, Long, Quý ròm, là con vật thông minh, tạo niềm vui mỗi ngày cho lũ trẻ, là chiếc đồng hồ báo thức, nhưng đối với bé Xảo, con chim sáo còn là một người bạn bên cô bé, cùng cô tâm sự mọi chuyện vui buồn, giúp cô lưu giữ những kỉ niệm về cha mẹ đã mất, giữ con chim sáo bên mình, có lẽ, cô bé cảm thấy như người thân vẫn còn bên cạnh, chưa rời xa cô. Chính vì vậy, con chim sáo có tên – Út Cưng, giống như một nhân vật, một điểm mấu chốt giúp cô bé mau khỏi tâm bệnh. Hay như trong tập Xin lỗi mày tai to (Kính vạn hoa), chú cún có tên Tai To được tác giả miêu tả rất kĩ từ bộ dáng cho đến hành động mà ai đọc lên cũng có thể liên tưởng đến con chó mình từng nuôi, từng biết. Cho dù Tai To không biết nói, nhưng qua việc nhà văn miêu tả hành động của nó, chúng ta thấy được nó cũng có nỗi sợ hãi khi bị hành hạ, e dè khi thấy những người hay đánh, bắt nạt nó, vui mừng khi thấy chủ về, hay vừa vui mừng vừa dè dặt khi thấy Tùng, chủ của nó nhưng cũng rất hay bắt nạt nó. Tai To còn rất trung thành, thông minh, nó “tuyệt thực” khi bị bắt phải xa chủ cũ, nó tự cắn dây tìm đường về nhà, không ngại nguy hiểm cứu nguy cho cậu chủ. Trong câu chuyện, nhân vật chính là Tùng nhưng Tai To cũng là một nhân vật quan trọng góp phần vào việc tạo dựng những “biến cố” tâm lí trong cậu bé. Tai To chiếm được sự quan tâm của mọi người trong gia đình khiến Tùng ghen tị, mất cân bằng về tâm lí. Cậu bé đang được chiều chuộng, quan tâm như cậu hoàng, thì giờ, cậu phải xếp sau Tai To. Cậu không phục, không cam tâm khi mọi người đều bênh Tai To cho dù cậu có bắt nạt nó hay không. Nhưng khi chứng kiến hành động xả thân hết mực trung thành của Tai To, cậu bé lại trở nên yêu thương, quan tâm chú chó nhỏ. Tai To được Nguyễn Nhật Ánh xây dựng như một thành viên mới, một cậu em nhỏ trong gia đình của Hạnh, Tùng. Và sau này, Tai To cũng vẫn xuất hiện trong tập truyện khác – Bí mật kẻ trộm, giữa đêm cùng đi với Tùng, Quý, Văn Châu rình tên trộm, nhờ Tai To mà nhóm bạn mới tìm đến được chỗ ở của “kẻ trộm”. Điều đó cho thấy, Tai To đã chung sống hòa thuận với cậu chủ của mình, gia đình của mình và là thành viên không thể thiếu trong gia đình cậu bé Tùng.

Xây dựng lên dàn nhân vật loài vật, Nguyễn Nhật Ánh đã chứng tỏ tài năng và sức sáng tạo rộng lớn của mình, tạo sự đa dạng cho các tác phẩm của ông. Với một cách kể tự nhiên về những chuyện của đời thường không tẻ nhạt, có sức chứa những ý tưởng mới mẻ và những triết lý hồn nhiên, nhà văn không chỉ khiến các độc giả nhỏ tuổi thêm yêu những con vật quanh mình mà còn đón nhận những điều tác giả muốn gửi gắm trong tác phẩm một cách đầy thích thú và những nụ cười hồn nhiên.

- Phong Cầm -
Bài viết thuộc bản quyền của Văn học trẻ
 
Từ khóa
các kiểu nhân vật hoàn cảnh gia đình khái niệm nhân vật văn học kính vạn hoa sổ tay viết văn tinh cách tôi là beto truyện thiếu nhi nguyễn nhật ánh xin lỗi mày tai to
646
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top