Dự thi Cái ao làng tuổi thơ

Dự thi  Cái ao làng tuổi thơ

Nói đến làng quê nông thôn là người ta nghĩ ngay đến "cây đa, bến nước, mái đình". Ba hình ảnh thân quen đó, nơi nào ở làng quê nông thôn miền Bắc cũng có. Còn một hình ảnh chưa được nhắc đến gắn liền với sự thân thuộc đó là cái ao làng.
ao lang.jpg

(Ao làng. Ảnh internet)

Tuổi thơ về cái ao làng của lũ trẻ chúng tôi mang rất nhiều kỉ niệm gửi vào đó, dù cho mỗi chúng tôi có đi đâu xa cũng không bao giờ quên được hình ảnh ấn tượng với tháng năm cùng cái ao thuở nào. Nó ăn sâu vào tiềm thức chúng tôi nhiều lắm.

Ao làng tôi rộng như cái gương hình bầu dục to khổng lồ trong thực tại. Không biết ao được đào khi nào mà chúng tôi sinh ra và lớn lên đã thấy rồi. Ao chiếm một phần diện tích lớn nằm gọn giữa 4 đội sản xuất của làng tôi: 8,9,10,11. Nếu không nhầm thì thả bộ quanh một vòng cũng hơi đuối sức với quãng đường quanh ao chứ chẳng phải chơi. Xung quanh bờ ao chỉ có bờ của đội 10 trồng chuối hột còn ba đội 8,9,11 được trồng dừa nhiều lắm. Cây nào cây nấy cao vút, ngẩng mặt ngước nhìn những buồng quả mỏi cả cổ. Một số cây không hiểu sao mà thân cây lại nghiêng mình soi xuống mặt ao trông giống như một cây cầu lơ lơ lửng lửng. Chúng cũng ra hoa và cho nhiều quả như những cây dừa đứng thẳng. Ngọn dừa mọc ngược lên chứ không đâm xuống nước. Tôi nhớ như in kỉ niệm một thuở về tắm ao làng.

Mùa hè năm ấy đã rất xa, nước trong ao ít hơn các mùa khác. Nước trong văn vắt. Sóng gợn lăn tăn khoảng trống giữa ao. Giạt hai bên bờ ao, người dân quê tôi chia phần cấy rau muống. Rau nhiều vô kể, xanh ngăn ngắt, dưới những đám rau ấy là nơi ở lí tưởng của các loại thủy sản: cá, tôm, cua, ốc, cà cuống.... Những chỗ có cây dừa nằm ngang thẳng đuột thì rau không tài nào sống nổi với lại người dân có trồng vào đó thì cũng hư sạch với lũ trẻ phá phách mà người đời vẫn ám chỉ chẳng ngoa “ Nhất quỷ, nhì ma thứ ba học trò”. Bọn tôi chả biết lợi cho ai nhưng thường đùa giỡn, nghịch ngợm trên những cây dừa ngộ nghĩnh đó nên rủ nhau chơi nhảy cầu thân cây dừa cho thoả chí. Hôm nay trèo thử cây bên này thì ngày mai lại thử sang cây bên kia. Sướng lắm! Nếu như những cây dừa khổ sở đó mà biết nói năng thì có lẽ chẳng đứa nào hành hạ chúng nữa. Nhưng tiếc rằng chúng là những thực vật biết sống mà bị “ nói không nên đọi” nên mới hẩm hiu như thế. Nhiều đứa lấy đà từ xa, liều mình ba chân bốn cẳng chạy trên thân cây dừa chưa ra được nửa chừng thì rơi tùm xuống ao mất tăm tưởng chết đuối. Một hồi mới ngóc đầu lên, vuốt nước trên mặt phun nước liên hồi, mở mắt cười khoan khoái như không có chuyện gì xảy ra, bơi sải vào bờ. Và cứ thế lần lượt hùa nhau chạy“ bùm…bùm…bùm” lộn nhào xuống nước. Nước bắn tung tóe như máy bay phản lực thả bom rồi phá lên tràng cười nắc nẻ. Chơi cá nhân chưa đã lại oản tù tì phân nhóm ra để phân thắng bại um xùm cả một góc ao. Vùng ao bị lũ bọn trẻ quậy tung bì bõm đục ngầu lên. La nhau ỏm tỏi, tranh cãi thắng thua về lượt nhảy mà chẳng bên nào chịu nhường bên nào. Nhân lúc giằng co inh ỏi đó thì bất chợt mỗi đứa “tặng không” cho bác bảo vệ một roi tre vào mông thì mới giải tán. Sợ xanh mặt. Đứa nào đứa nấy vội vàng vơ áo quần chạy tan tác để thoát thân cho chừa cái thói phá phách. Cây dừa bị bữa oanh tạc run rẩy tưởng đổ xuống ao rồi đi vào quên lãng...

Chiều đến, cái ao làng dường như nhộn nhịp hẳn lên ở mỗi cái cầu ao. Dường như nhiều cầu ao lắm. Người ta xây thành khung đều như nhau để cho nhân dân tiện lợi lên xuống. Những tảng đá không rõ ở đâu được mài, đục đẽo vuông vức kê xuống làm lối lên xuống. Có lẽ tạc nên những khối đá này công phu lắm. Người người gánh nước tưới rau. Người lại mang cả một chậu quần áo ra giăt giũ. Cái dùi đục gỗ đập vào từng cái quần áo "bôm bốp... bôm bốp" rất nhịp nhàng thay cho xà phòng. Thời kì đó giặt giũ mà có xà phòng hiếm hoi lắm nên người ta dùng cách giặt như thế nên mới có thước phim nhân vật bà Đất trong “ của để dành” đấy! Bọn trẻ con chúng tôi lại rủ nhau tắm ao và tập bơi bằng những thân cây chuối. Mỗi đứa một khúc chuối chặt ra khoảng 2 mét thả xuống ao làm phao bơi. Chúng tôi bám hai tay lên phao chuối tập bơi. Hai chân vùng vẫy liên tục làm nước bắn tung tóe. Chán lại nô đùa khoát nước vào mặt nhau đỏ hoe mắt như cá chày, lặn ngụp dưới ao đến thâm tím tay chân mới ra về. Khi không còn bóng người nào ở cầu ao là trời đã tối. Tôi chẳng bao giờ quên được những đêm trăng sáng. Trên bờ ao trai gái từng cặp ngồi tâm sự với nhau đến khuya. Dưới ao, nhiều người lặn mò ốc. Không biết ốc quắn ở đâu mà nhiều thế. Nó bám vào đám rau muống, bám vào các cành cây và các đám cây xoan, cây luồng ngâm dưới ao. Chưa đầy một tiếng đồng hổ đã được một chậu ốc đầy. Nhiều khi bắt được cả tôm cá. Những con tôm bắt được, chúng tôi ngắt càng và râu đi để nó đừng phóng ra ngoài. Những chú cá thì bỏ vào cái giỏ mang theo hay mang lạt giang xâu nó lại mang về. Gần tới Tết, ao làng tôi được đặt hai cái máy bơm hút nước sạch đi để lấy cá chia nhau ăn Tết. Chúng tôi dõi theo từng ngày xem khi nào hút cạn để chuẩn bị đi "hôi cá". Những con cá trắm, cá mè hoa quẫy đành đạch nhiều ơi là nhiều.

Thời gian như thoi đưa, mới ngày nào còn vui đùa với nhau với bao nhiêu kỉ niệm với ao làng. Nay đã là dĩ vãng. Cái ao làng tôi vẫn đêm ngày còn đó nhưng hình như không còn dấu tích của ngày xưa. Những cây dừa kia một thuở giành nhau nhảy đã không còn nữa. Những cái cầu ao cũng vãn người lên xuống. Cây chuối làm phao tắm mất dần từ bao lâu. Xung quanh bờ ao bụi tre không còn nữa đã thay thế vào một bờ kè bê tông vững chắc.


Bài của Phùng Văn Định
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
ao làng tuổi thơ
  • Like
Reactions: Vanhoctre
1K
1
3
Trả lời
Trong các bài chú gửi thì thực ra tôi thích bài này của chú nhất. Nó vừa chân thật, vừa hồn nhiên, vui vui cho người ta vừa đọc vừa nhớ tới nhiều thứ trong quá khứ. Tuổi thơ là một thứ gì đó gây nhớ nhung cũng như môi hôn người yêu cũ hen ^^
 
Trong các bài chú gửi thì thực ra tôi thích bài này của chú nhất. Nó vừa chân thật, vừa hồn nhiên, vui vui cho người ta vừa đọc vừa nhớ tới nhiều thứ trong quá khứ. Tuổi thơ là một thứ gì đó gây nhớ nhung cũng như môi hôn người yêu cũ hen ^^
Phong CầmCảm ơn cháu nhé! Tuổi thơ là thế đấy. Lâu rồi nhưng đọng mãi trong trí nhớ.
 

Đang có mặt