Dự thi Cảm nhận- Răng anh không về thăm Huế- Ngũ Ánh Tuyên

Dự thi Cảm nhận- Răng anh không về thăm Huế- Ngũ Ánh Tuyên

Từ lâu, Huế đã đi vào thi ca như một mạch ngầm dào dạt, trở thành địa hạt quý giá để các thi nhân đắm chìm ngòi bút của mình vào xứ Huế mộng mơ mà làm nên muôn vàn thi phẩm. Với tôi, mỗi lần nhắc tới Huế, tâm thức tôi lại chợt nghĩ về bóng dáng cô gái Huế thướt tha, kiều diễm. Nhưng đôi khi, tấm lòng thiếu nữ mộng mơ xứ Huế ấy lại chan chứa chút man mác buồn. Khi thả hồn mình trên những trang thơ đượm tình Huế của tác giả Ngũ Ánh Tuyên qua thi phẩm "Răng anh không về thăm Huế" tôi lại cảm được cái tình, cái lòng thủy chung son sắc của người con gái Huế:

Răng anh mãi không ghé về thăm Huế
Để Huế buồn lặng lẽ đứng trong mưa
Huế miên man trầm mặc Huế không mùa
Trên đỉnh Ngự gió không đùa chơi nữa.

Anh đi mãi để Huế buồn chan chứa
Để bên ni thêm lần nữa đợi chờ
Tiếng còi tàu lanh lảnh kéo trong mơ

Mà cứ ngỡ anh đã về mô đó.

Có lẽ trái tim thiếu nữ luôn ngày đêm thao thức, gửi lòng mình vào bến đợi, bến chờ, chờ mong một ngày anh nơi phương xa sẽ trở về để "Huế thôi thao thức". Người ta vẫn thường hay nói: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!", anh miên viễn chốn nao để lòng dạ cô gái Huế chất chứa bao vương vấn đượm buồn. Nỗi buồn từ tâm khảm lại lan tỏa một khoảng lặng vào Huế để rồi ta thấy "Huế buồn lặng lẽ đứng trong mưa", "Huế miên man trầm mặc Huế không mùa" và cả "Trên đỉnh Ngự gió không đùa chơi nữa". Nỗi nhớ ấy còn phả vào trong mơ, cô gái nghe như "tiếng còi tàu lanh lảnh", hai từ "lanh lảnh" nghe vang vọng và tha thiết làm sao, tiếng còi ấy dường như đang kéo bước chân anh về, về với trái tim đã bao ngày mòn mỏi. Nhưng thật buồn thay đó chỉ là "cứ ngỡ", ngay ở thực tại này lại chẳng thấy bóng dáng anh đâu.

Chiều Bến Ngự cứ trông vời bên nớ
Coi người xa có nhớ hẹn quay về
Nhưng bao mùa sen nở hết rồi nghe

Răng anh mãi rứa tê đi biền biệt.

Đọc đoạn thơ trên, tôi chợt nhớ đến những ca từ trong "Bài cho Bến Ngự" của Hùng Vĩnh Phước:

Bạn hỏi: Có bài mô cho Bến Ngự
Khi nghĩ về một Huế xa xưa?
Biết trả lời sao khi lòng vẫn nhớ
Mà không thể nào nói hết bằng thơ

Bến Ngự vẫn luôn mang một chút trầm mặc nhưng lại trữ tình và lãng mạn biết bao. Nơi chất chứa ân tình của bao lứa uyên ương, những cuộc tình trên cả đắm say, trên cả nồng nàn non nước so với nỗi nhớ thương, khao khát trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn của những người đã yêu, đang yêu và sống mãi trong hoài niệm của một thời da diết. Nhưng trong đoạn thơ của Ngũ Ánh Tuyên, Bến Ngự giờ đây có chăng cũng chính là "bến lòng", một bến đợi, bến chờ. Đã bao chiều Bến Ngự trông vời vợi, đã bao mùa sen nở thắm cả đất trời. Vậy mà chẳng biết người phương xa có nhớ câu thề hẹn để quay về đắp xây duyên lỡ cùng em. Nỗi nhớ ấy đã đổ dòng cảm xúc dào dạt lên trái tim tác giả, để từ đó tác giả như muốn gửi gắm bao tâm tình, gửi vào lời thơ những giai âm cất lên từ lòng mình, nhưng cũng chẳng thể lột tả hết nỗi nhung nhớ cho người thương.

Nỗi nhớ ấy không chỉ chất chứa ở riêng nơi tâm tình của người con gái Huế mà còn ở nhân vật O.Những câu thơ dung dị nhưng rất đỗi chân thành, ý thơ như vừa đang trách móc nhưng lại vô cùng nhớ thương:

O mấy bận vẫn hoài trông tha thiết
Răng mà anh còn mải miết chưa về
Trăng Hoàng Thành khuyết nửa với cơn mê

Sương khuya lạnh nghe bốn bề thao thức.

Răng anh mãi không một dòng tin tức
Để cho O giữa mơ thực đợi chờ
Và nỗi buồn nhuộm tím những vần thơ

Răng anh mãi vẫn làm ngơ rứa hỉ?

Nơi quê nhà lòng O cũng mòn mỏi trông chờ, O đã "hoài trông tha thiết". Hai từ "tha thiết" của tác giả khắc họa cũng đủ để cho ta biết được nỗi nhớ ấy dâng trào và lớn lao đến nhường nào. Dành cho người phương xa nỗi nhớ bao la đến vậy nhưng lại dường như vô vọng, câu thơ tiếp theo lại như hóa thành một lời trách móc tuy giận mà thương "Răng mà anh còn mải miết chưa về". Anh không về để "Trăng Hoàng Thành khuyết nửa với cơn mê", để "Sương khuya lạnh nghe bốn bề thao thức". Vậy mà người lại hờ hững làm sao, không một dòng tin tức, để O chờ trong thực tại hư vô. Nỗi nhớ man mác buồn đã nhuộm tím cả vần thơ.

Xuyên suốt bài thơ ta thấy được nỗi nhớ trào dâng da diết, nỗi nhớ ấy đã hiện lên nhẹ nhàng, phiêu diêu, chảy trôi miên man vào tâm trí người đọc. Và người đọc cũng cảm được cái tình mà tác giả đã gửi gắm. Nét đẹp mộng mơ của cố đô Huế ngàn đời, chảy trôi vào những áng văn thơ đã làm đắm say biết bao tâm hồn độc giả. Nhưng khi đọc "Răng anh không về thăm Huế" tôi lại nhận ra một diện mạo của "xứ Huế thủy chung", một xứ Huế vẫn một lòng một dạ son sắc.

Như một nét tình si, một nỗi niềm quyến rũ, đê mê đến khó tả, tác giả Ngũ Ánh Tuyên đã in một nét thật thơ, thật tình vào tâm hồn bao lữ khách tình si, những lữ khách đã ghé qua trang thơ xứ Huế của tác giả qua bài thơ "Răng anh không về thăm Huế" để rồi lại đọng trong lòng chút nỗi niềm buồn man mác cùng nỗi nhớ thương kia. Khi tôi viết cảm nhận về bài thơ này, cảm xúc trong tôi lại vô cùng dào dạt, kết thúc bài thơ này, dường như trong tâm khảm tôi lại còn chút gì đó vấn vương, vấn vương một hình hài xứ Huế đầy mê đắm, luyến tiếc cho một nỗi nhớ thương không nói nên lời!
 
  • Like
Reactions: Nguyễn Anh Tú
499
1
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top