Cao bồi công nghệ trên đại dương

Cao bồi công nghệ trên đại dương

Vanhoctre
Vanhoctre
  • Thành viên BQT
  • Văn Học Trẻ đến từ Việt Nam
48° 14 vĩ độ Bắc. 174° 26 kinh độ Tây.
Gần nửa đêm ở Bắc Thái Bình dương, khoảng 230 dặm phía nam đảo Aleutian của Alaska. Sương dày đặc bao phủ mặt biển. Không có gì ngoài những luồng gió xoáy qua sương mù. Từ trong bóng tối, tiếng ì ầm rõ dần. Nước bắt đầu nổi sóng. Một con tàu khổng lồ thình lình xuất hiện, xé toang màn sương. Thân tàu bằng thép nổi trên mặt nước như một tòa nhà bảy tầng, dài bằng hai sân bóng đá chìm trong màn đêm. Động cơ 15,683 sức ngựa gầm gừ đẩy khối thép 55,328 tấn. Dòng chữ trắng mang tên tàu COUGAR ACE nổi bật sắc nét trên bọt sóng. Đây là tàu vượt đại dương, chở 4,703 chiếc Mazdas mới cứng trên 14 khoang tàu, sang Bắc Mỹ. Giá trị lô hàng ước tính là $103 triệu!

Cao bồi đại dương.jpg


Trên cầu tàu và dưới hầm, thuyền trưởng và thủy thủ bắt đầu một quá trình phức tạp tháo nước ra khỏi các bể cân bằng để chuẩn bị vào lãnh hải của Mỹ. Họ đã tích nước ở Nhật để cho tàu cân bằng, nhưng luật Mỹ yêu cầu họ phải thải ra để tránh ô nhiễm môi trường biển ở đây. Cũng khá cầu kỳ. Để bảo đảm sự ổn định và cân bằng. Việc tháo nước ra và bơm nước bản địa vào phải tiến hành đồng thời. Thuyền trưởng ra lệnh khởi động máy thủy lực để mở van các bể bên mạn phải. Nước vọt ra từ mạn tàu và tràn xuống biển. Đó là ngày 23/7/2006.

Ở phòng thủy thủ dưới cầu tàu, Saw “Lucky” Kyin, quản lý 41 tuổi người Miến, đang tắm trong phòng tắm công cộng. Sàn tàu nghiêng đi dưới chân anh. Hơn 6 năm đi biển đường dài, anh thừa biết là khi tàu nghiêng đi một bên như thế, nó sẽ nghiêng lại bên kia ngay.

Lần này có vẻ khác. Tàu tiếp tục nghiêng. Không hiểu vì lý do gì mà các bể cân bằng mạn phải không bơm nước vào kịp, và tàu mất cân bằng. Một cơn gió mạnh, thật là không đúng lúc, thổi đến làm con tàu nghiêng nữa. Đồ vật bắt đầu trượt đi, tăng tốc và đâm sâm vào thành bong mạn trái. Bị kẹp trần truồng trong buồng tắm, Kyin đối diện với một sự thật không chối cãi: Cougar Ace đang bị lật.

Anh vơ vội cái khăn tắm và chạy ra hành lang, thấy cánh bánh lái to như cối xay gió của con tàu bị trồi khỏi mặt nước. Thủy thủ đoàn 22 người la hét, mất thăng bằng khi boong tàu bị hất lên cao. Kyin chui ra được khỏi cửa, thoát vào boong tàu giờ đã trở thành một tấm thép trơn. Anh lập tức bị trôi tuột xuống và đập vào lan can, xương gãy đâm thủng chân trái. Anh nằm đó, máu nhỏ giọt xuống mặt biển chỉ cách chưa đầy một mét, nhìn lên tháp chỉ huy 40m ngất ngưởng như sắp đổ xuống và bắt đầu cầu nguyện.

Jackson Hole, Wyoming, 4 am.
Chuông kêu. Rich Habib cố gắng mở mắt trong bóng tối, gạt hai con chó ngủ cạnh, thò tay với điện thoại. Anh biết rằng, đâu đó, một con tàu đang chìm và anh phải dậy để đi cứu nó, mặc dù kế hoạch của anh sáng nay là đưa mấy con chó đi tắm.
Bắt đầu lần nào cũng thế. Giáng sinh năm ngoái, con tàu container 250m, mắc cạn gần Esenada, Mexico. Chuông reo. Anh nhảy lên máy bay, rồi cưỡi con Jet Ski lướt sóng vịnh Baja. Con tàu mắc cạn gần bờ với gần 1800 containers. Anh phải dùng loại cần cẩu bay lớn nhất thế giới là Skycrane của Sikorsky để dỡ hàng.

Thuyền trưởng các con tàu suốt đời học cách tránh mắc cạn như vậy. Còn với Habbib, đó là tin tốt mỗi tháng. Mỗi khi có ai hô “Rời tàu” đâu đó, là anh lên đường. Anh đã ở ngoài biển từ năm 18 tuổi, đến nay là 51 tuổi. Gương mặt sạm nắng, mặt bạnh, cái nhìn “đừng-có-lừa-tôi” truyền tải một sức mạnh ghê gớm. Anh có bằng vô điều kiện, là một trong số ít thuyền trưởng có thể lái bất cứ con tàu nào trên thế giới, ở bất cứ đâu. Có nhiều năm điều khiển những con tàu mẹ, có thể chở các con tàu khác đi vượt đại dương. Anh đã giúp hải quân chuyển cả một cơ sở tiếp liệu hạt nhân từ California sang Hawaii. Giờ thì anh là chuyên gia cứu hộ, cho Titan Salvage, công ty chuyên cứu các con tàu trên thế giới.

Họ gồm đủ loại người: Mỹ, Anh, Thụy điển, Panama… Mỗi người một chuyên môn: lặn biển sâu, mô hình máy tính, hàn dưới nước, chữa máy. Và Habib, người thường được trực thăng đổ bộ lên boong, chào các thủy thủ đoàn nếu còn sót lại, và trở thành thuyền trưởng con tàu gặp nạn.
Cứu hộ trên biển có thể coi là một hình thức cướp biển hợp pháp. Các hãng bảo hiểm thường trả từ 10 đến 70% giá trị lô hàng cho bất cứ ai có thể cứu con tàu. Nhưng nếu không cứu được, họ không phải chi xu nào. Đây là một nghề mạo hiểm. Vì các con tàu càng ngày càng to, đòi hỏi nhiều kỹ năng và nguồn lực. Ví dụ như năm 2004 là một năm tồi tệ. Titan chỉ kiếm được 1 cái chuông tàu. Giờ còn được trưng bày ở trụ sở công ty ở Fort Lauderdale, Florida, được mệnh danh là cái chuông trị giá 11.6 triệu đô.

Nhưng phần thưởng cũng tăng. Khi cứu được con tàu container ở Mexico, Titan được trả 30 triệu mà công ty còn muốn hơn. Đủ sức để chi trả văn phòng và lương cho 45 nhân viên lái những con xe hầm hố độ bô rú ga ầm ĩ. Trong trụ sở công ty cũng có một bức tường dán ảnh những người hy sinh khi cứu hộ. Ba năm gần đây đã có 3 nạn nhân.

Đối thủ lớn nhất của họ là các hãng Hà Lan, độc chiếm thị trường hàng thế kỷ, vì kinh nghiệm bơm nước giữ đất của họ. Hơn 20 năm trước David Parrot và Dick Fairbanks, vốn là môi giới du thuyền, bỗng chán làm việc với những khách hàng giàu có và điên rồ, và cho rằng nghề đi cứu hộ chắc vui hơn. Dù họ cũng không có kinh nghiệm lắm. Nhưng họ biết các công ty Hà Lan thường dựa vào máy móc, sở hữu cả hạm đội các tàu kéo và cần cẩu hạng nặng. Fairbanks muốn một mô hình khác, gồm toàn chuyên gia. Còn lại đi thuê hết. Họ chỉ có những containers chứa máy bơm và máy phát diesel. Khi được gọi, họ sẽ thuê máy bay riêng, kể cả đó là 747, bay tới sân bay gần nhất, thuê thuyền tốc độ cao và trực thăng để đổ bộ lên tàu. Nếu cần tàu kéo, họ cũng sẽ thuê luôn.

Ý tưởng kinh doanh của Titan là sử dụng trí tuệ con người chứ không phải sức máy để cứu hộ. Và có vẻ họ thành công. Khi một con tàu container mắc cạn ở một vùng hẻo lánh ở Iceland giữa những năm 90, các hãng Hà Lan định điều cần cẩu đến, Titan đã mạo hiểm sử dụng cần cẩu của chính con tàu đó. Năm 1992, một tàu hàng chìm ngay trên bến ở Dunkirk, Pháp. Người Hà Lan lại gọi cần cẩu. Titan đã thắng hợp đồng nhờ dùng một phần mềm máy tính mô phỏng, để chứng minh rằng con tàu sẽ nổi lên nếu được bơm nước ra theo một thứ tự nhất định. Và thực tế đã đúng như vậy. Từ đó, các chuyên gia có thể dựng nhanh mô hình 3D của con tàu, còn gọi là Naval Architect - Kiến trúc sư Hàng hải (NA), trở thành thành viên chủ chốt của nhóm Titan.

Habib bật dậy khỏi giường ở Wyoming. Mấy con chó quây xung quanh. Anh gãi tai chúng. Rõ ràng là chúng muốn đi theo anh. Nhưng anh cần hơn thế. Lần này phải có A-team.

London
Marty Johnson lướt đi trên con BMW Z3 mui trần màu đen. Đeo kính râm, mặt baby, rất hợp với con xe, mặc dù anh đã hơn 40. Nhưng thực ra là anh mới học sử dụng xe số, nên phải chọn đường vòng quanh thành phố để tránh phải lên núi. Ngoài đời, anh là một NA e thẹn, người thích tranh luận về lịch sử Trung Lục địa của Tolkien (nhà văn Anh, tác giả của Lord of the Rings và các tác phẩm viễn tưởng khác) và những khía cạnh của Vật lý hạt. Anh thích và có tiền mua những siêu xe, nhờ vào khả năng phi thường xây dựng mô hình số cho các con tàu.

Từ khi tốt nghiệp thủ khoa Viện Webb, trường hàng đầu thế giới về thiết kế hàng hải ở New York, Johnson chu du khắp thế giới với chiếc laptop của mình, xây dựng các mô hình 3D để cứu những con tàu bị đắm. Anh có mặt trong nhóm cứu tàu cá Nhật bị tàu ngầm Mỹ đâm chìm gần Hawaii năm 2001. Anh chủ trì việc trục vớt chiếc F14 ở độ sâu 67m gần San Diego năm 2004. Lúc rảnh rỗi, anh tham gia và thắng các cuộc đua thuyền, mà đội phải tự đóng một con thuyền từ không có gì trong 6 tiếng. Anh nổi tiếng vì có thể thiết kế một chiếc thuyền kéo dài 21m có thể đi trên những con sông chỉ sâu có 1m.

Nhưng cho đến giờ, Johnson mới cứu những con tàu đã chìm hẳn. Anh muốn tham gia vào đội đổ bộ lên con tàu đang chìm và tỏa sáng. Có vẻ như lần nàyanh gặp may. Văn phòng gọi: Habib mời anh tham gia một công việc có thể được ghi vào sử sách. Gọi là may, vì thường thì Habib hay gọi Phil Reed. Nhưng anh này đang đi thăm bố mẹ vợ ở Chicago nên không có cách nào chuồn về Alaska được. Reed đã giới thiệu Johnson cho Habib, mặc dù hai người cũng đã quen nhau.

Công việc khá thách thức: đổ bộ lên Cougar Ace và dựng lại mô hình tàu ngay lập tức. Con tàu chở ô tô này có 33 bể chứa dầu, nước ngọt và cân bằng. Khối lượng chất lỏng trong mỗi bể chứa ảnh hưởng đến sự di chuyển cũng như tải trọng của nó. Đây là một hệ thống phức tạp ngay cả khi tàu đang hoạt động bình thường. Khi các khoang tàu bị nước biển tràn vào hoặc khi nó bị mất cân bằng, mà cả hai đã xảy ra với Cougar Ace, con tàu trở thành một mê cung nổi phức tạp.

Johnson phải giải quyết được bài toán phức tạp đó. Anh phải dựa vào thiết kế của tàu cũng như các đo đạc trực tiếp tại hiện trường để dựng lại mô hình, sử dụng một phần mềm có tên là GHS-General HydroStatics. Mô hình sẽ giúp anh thử nghiệm việc bơm nước thế nào từ bể này sang bể kia để tàu có thể lấy lại cân bằng. Nếu tính toán sai, con tàu sẽ chìm hẳn.

Habib cho rằng Johnson sẽ làm được việc. Năm 2004, họ đã làm việc cùng nhau trên một con phà chìm một phần gần Sitka, Alaska. Thân phà bị mắc vào đá, thủng một lỗ dài, nước tràn vào khắp nơi. Một sĩ quan tuần duyên Mỹ, đã ra lệnh cho họ phải rời phà, vì nó sắp chìm. Habib từ chối, con phà giờ là của tôi, tôi sẽ quyết định. Viên sĩ quan nói: bỏ đi anh, không một con tàu nào đáng giá cái móng tay ngón út của anh đâu. Habib cười thầm. Các luật sư bảo hiểm đã tính được giá trị của ngón út tối đa là 14 ngàn đô. Một phần nhỏ của con phà hiện đại này.

Johnson nói với viên sĩ quan là đừng lo. Con phà sẽ nổi lên đúng 10h36 phút sáng 3 ngày sau. Viên sĩ quan nghi ngờ. Nhưng đúng 3 ngày sau, thủy triều đạt đỉnh lúc 10h36 và giải phóng con phà. Chính xác một cách điên rồ.
Nên khi được mời vào nhóm giải cứu Cougar Ace, Johnson chỉ hỏi một câu: “bao giờ chúng ta lên đường?”

Ngoài khơi Trinidad and Tobago

“Nếu anh nói mai, hãy nắm tay và đi với anh, em yêu”. Giai điệu bài hát “What Is and What Should Never Be" của Led Zeppelins uể oải lan theo nhịp sóng biển Caribe. Con thuyền đánh cá dài 7m dập dềnh trên làn nước xanh. Chiếc đài stereo treo trên bánh lái. “Anh sẽ dẫn em đi, đến chỗ mà họ nói em muốn đến.” Đảo Trinidad, xanh, tươi, gập ghềnh ngay bên mạn thuyền. Dưới đáy tủ ướp lạnh có thể chứa đến 98 lon bia, hãy còn vài lon, và một chai rum Guyana uống dở lăn lóc trên sàn. Trên bong sau, Colin Trepte lười biếng buông câu. Anh là chủ thuyền, người tu rượu rum, và thợ lặn biển sâu, luôn sẵn sàng lạc lối cùng phụ nữ.

Trepte yêu những ngày như thế này. Quay về giữa thập kỷ 80. Vài con cá hồng trong xô. Và mặt trời sưởi ấm gương mặt. Trên bánh lái tàu ghi dòng chữ: “Đây là tàu của tôi. Tôi thích làm đ gì thì làm.” Tai trái anh lủng lẳng một cái đầu lâu bằng bạc.

Tuổi thơ của anh ở phía đông London tưởng đã xa lắm. Những vết xăm trên người kể chuyện: người phụ nữ ngực to trần truồng ở bắp tay nhìn chăm chú vào con quỷ, được xăm ở Puerto Rico, nơi con tàu hàng bị mắc cạn. Con rồng trên vai đến từ Iceland, nơi anh đã phải cắt con tàu thành nhiều mảnh. Một số chỗ được quy hoạch sẵn. Một quả cầu pha lê trên lưng, cố tình để rỗng. Là một thợ lặn của Titan, anh chẳng thể biết điện thoại bao giờ sẽ đổ chuông. Nhưng khi nó kêu, anh biết mình có thể phải đi Eriteria (đất nước châu Phi trên đường xích đạo) hay Tierra del Fuego (mũi đất cực nam châu Mỹ). Chỉ có 1 câu hỏi thôi: đeo chiếc ba lô nào. Cả hai đều đã được sắp xếp gọn gàng trong căn lều của anh ở Port of Spain, Trinidad. Một cái dành cho thời tiết nóng. Một cho thời tiết lạnh.
Chuông điện thoại kêu. Đấy là Habib.
“Anh bạn, thời tiết ở đó ấm hay lạnh?” Trepte thở dài hỏi. Những ngày tươi đẹp đã hết.

North Pacific. July 25, 2006.
Vài giờ sau khi CA bị nghiêng, lực lượng Tuần duyên và Vệ binh quốc gia đã tập hợp được 3 chiếc trực thăng từ Anchorage và kịp thời cứu được toàn bộ 23 thành viên thủy thủ đoàn ra khỏi tàu. Thuyền trưởng Nyi Nyi Tun, đã ra lệnh cho nhân viên của mình im lặng khi được hỏi về nguyên nhân tai nạn. Chủ tàu – hãng Mitsui OSK cũng từ chối bình luận. Vì vụ tai nạn xảy ra trên lãnh hải quốc tế nên Tuần duyên cũng quyết định không điều tra tiếp. Chỉ có Lucky Kyin phát ngôn đêm đó. Anh ta được đưa đến bệnh viện Anchorage, và phóng viên tờ Nhật báo Anchorage hỏi anh cảm thấy thế nào? Kyin đã trả lời: “Đau toàn thân”. Khi được hỏi về nguyên nhân tai nạn, Kyin nói rằng vì thế mà anh ta không tắm xong.

Điện thoại đã gọi Rich Habib dậy lúc 4h sáng ở Jackson Hole sáng 24 tháng Bảy. CA đã lật và anh bắt đầu tập hợp đội. Với anh không quan trọng là tại sao tai nạn xảy ra. CA giờ đã trở thành con tàu ma trị giá nhiều triệu đô la trôi lập lờ về phía những hòn đảo Aleutian. Tệ hơn nữa, theo thủy thủ đoàn, nước đã bắt đầu tràn vào tàu. Lực lượng Tuần duyên không có năng lực cứu hộ và họ sợ rằng con tàu sẽ chìm hoặc va vào bờ mà vỡ ra. Trong cả hai trường hợp, toàn bộ xe hơi sẽ bị hỏng, và hơn 800 tấn dầu sẽ tràn ra biển đe dọa hệ sinh thái biển. Mazda, Mitsui và các hãng bảo hiểm sẽ phải chi đậm.

Thoạt đầu, các lãnh đạo Mitsui cho rằng con tàu coi như mất. Họ liên lạc Titan, rồi ngồi đợi 24h, chắc cho rằng con tàu sẽ chìm hẳn trước khi có thể làm được gì đó. Khi thấy con tàu có vẻ nổi khá lâu và có thể đâm sầm vào bờ Aleutians, họ đồng ý ký với Titan hợp đồng Lloyd Mở. Không chữa được bệnh không trả tiền. Nếu cứu được, Titan sẽ được thưởng % giá trị tàu và hàng.
Ký xong hợp đồng, Titan thuê một máy bay Conquest từ Anchorage. Các cánh quạt khởi động. Thành viên của đội leo lên chuẩn bị cho chuyến bay 3h rưỡi đến Dutch Harbor, một thị trấn đánh cá nhỏ thuộc quần đảo Aleutian.

Thành viên cuối cùng vừa kịp lên trước khi cất cánh. Đó là thợ cơ khí Hank Bergman, một cao bồi Thụy điển. Chàng trai lớn lên trong một thị trấn nhỏ của Thụy điển rất mê Hank Williams (ca sĩ Mỹ nổi tiếng giữa thế kỷ 20) và đầy ảo vọng về Miền Tây. Anh nhận việc thợ máy tàu để thoát khỏi Thụy điển và chẳng bao lâu nổi tiếng với việc có thể chữa bất kỳ cỗ máy nào dù nó lớn đến đâu. Anh gia nhập Titan từ đầu tiên, và kiếm đủ tiền để mua đất ở Durango, Colorado, chất vào gara hai chiếc Jeeps và con Merc 560SL cổ điển, và chơi trò chăn bò bất cứ lúc nào anh muốn. Giờ anh thì đang bước lên máy bay, đi đôi bốt cao bồi đen và chào cả nhóm bằng tiếng Anh giọng Thụy điển.

Cả nhóm: Habib, Johnson, Trepte và Bergman hạ cánh Dutch Habor và lao ra biển trên chiếc tàu cứu hộ cao tốc có tên là Makushin Bay, dài gần 40 m. Trên tàu có đủ máy phát, máy cắt thép, công cụ chữa máy, bơm cứu hộ. GHS đã được khởi động trên laptop của Johnson và anh bắt đầu xây dựng mô hình thô dựa trên các sơ đồ mà chủ tàu mới email tới.
Sau hơn 1 ngày phóng tốc độ cao trên Bắc Thái bình dương, nhóm Titan mới bắt đầu nhìn thấy Cougar Ace, sừng sững nhô lên từ đường chân trời. Nhìn từ xa, tàu Tuần duyên 112m với trực thăng trên bong trông thật yếu ớt so với CA. Cứ như là một người chui qua hố đen và trở thành tí hon trong thế giới mới. CA nằm nghiêng, phơi cái bụng đỏ về phía những con tàu nhỏ xung quanh nó. Chân vịt nhô ra khỏi nước và bánh lái chổng lên trời.
“Mẹ kiếp”, Trepte chửi thầm.

Sáu tiếng sau, trực thăng HH65 lần lượt hạ từng người trong nhóm xuống boong tàu nghiêng trong một cái giỏ sắt. Chủ của Makushin Bay, Dan Magone cũng đi cùng họ. Anh này cũng là chuyên gia về cứu hộ, rất thạo các luồng lạch, thời tiết, thủy triều và các bãi ngầm của khu vực. Anh đã có 27 năm cứu hộ các tàu cá và cố vấn cho các “đại ca” theo lời của anh.

Con tàu rung chuyển nhưng biển khá yên tĩnh và Habib cho rằng nó đã ổn định ở góc nghiêng 60 độ. Nhiệm vụ đầu tiên của cả nhóm: tìm kiếm nước trên tàu? Johnson cần biết chính xác bao nhiêu nước đã tràn vào tàu để nhập vào mô hình của anh.
Habib tháo mấy cuộn dây từ ba lô ra. Leo xuống boong tàu dốc nghiêng này đoi hỏi nhiều kỹ năng leo núi. May mà việc này không lạ gì với Habib, anh đã từng leo thác nước bị đóng băng cao 700m và hào hứng lên đỉnh khó nhất của dãy Rockies Canada. Khi xuống, anh còn bị chó sói tấn công, để lại một vết sẹo đã mờ. Anh cười thầm khi nhớ lại. Suy cho cùng, đây chỉ là boong tàu lật nghiêng, chứ không phải con chó sói điên đằng sau.

Họ bật đèn chiếu đầu. Máy phát đã chết và bên dưới tối om. Những bức tường chắn bằng thép trên tàu cũng ngăn sóng radio và khi đã xuống dưới, họ chỉ có thể nói chuyện với nhau mà không liên lạc được với bên ngoài.

Di chuyển trên tàu
Họ bám dây leo xuống cầu thang xoắn, chui qua ngưỡng cửa để vào khoang chứa hàng số 9. Qua ánh đèn họ nhìn thấy hàng trăm chiếc xe đang bị nghiêng dốc vào trong bóng tối. Mỗi xe được buộc vào sàn bằng bốn sợi dây nylon. Thi thoảng con tàu lại rung lắc, kéo căng những sợi dây, cọ vào nhau cót két. Khi con tàu lấy lại vị trí, tất cả trở nên im lặng. Trepte bám dây tụt xuống bóng tối lạnh lẽo, với tiếng những giọt dầu máy tí tách nhỏ xuống ám ảnh.
Khi xuống đến giữa khoang, có một con dốc được thiết kế bám vào thành tàu để xe lên xuống. Nhiều khả năng là giờ bên ngoài đã nằm dưới độ sâu hơn 7m. Mặc dù nó có gioăng cao su chống nước, nhưng được thiết kế để chống nước mưa chứ không phải nước ngập, nên nước có thể đã tràn vào. Đúng thế thật, xuống sâu tí nữa, Trepte đã có thể nhìn thấy mặt nước xanh sóng sánh dầu. Nước sâu độ 2.5m và kéo suốt chiều dài khoang. Hàng chục con xe lập lờ dưới làn nước đục trông như những người chết đuối. Như vậy gioăng đã bị hở và có thể bục bất cứ lúc nào nhấn chìm họ trong vài phút. Nhưng Habib cho rằng, khả năng lớn vẫn chưa bục ngay.

Trepte dùng con rọi để đo độ sâu của nước và đọc số. Trong khi Johnson đang loay hoay tính toán, Trepte vô tình dẫm vào 1 sợi dây neo xe làm chiếc Mazda rên lên lảo đảo. Trepte ngẩng lên và nhận ra mình đang đứng dưới đáy của hàng trăm con xe treo lơ lửng như tuyết lở. Chỉ cần một chiếc bị đứt dây là chúng sẽ đổ sập xuống anh theo hiệu ứng domino.
“Anh em, đừng tìm cách giết tôi dưới này nhé!” Trepte hét lên với Habib

Johnson đã tính toán xong. Lượng nước nặng 1026 tấn, đã giữ con tàu cân bằng ở vị trí này. Họ phải bơm số nước này ra và bơm vào các bể cân bằng hiện đang ở trên theo tính toán của Johnson là 160.9 tấn để con tàu lấy lại thăng bằng. Nhưng mô hình cũng chỉ ra rằng nếu bơm nhiều quá, con tàu lại lật sang phía bên kia.
“Nếu thế là tèo hả?” Habib hỏi.
“Đúng thế” Johnson trả lời
Tình thế hơi phức tạp hơn Habib nghĩ. Nếu họ bơm quá nước vào, con tàu sẽ lấy lại thăng bằng, nhưng theo quán tính sẽ nghiêng tiếp vài giây. Tất cả hàng hóa sẽ bị dồn từ bên này sang bên kia. Các dây chằng có thể bị đứt. Những chiếc xe bị dồn sang một bên,
tạo thêm moment, có thể dẫn đến con tàu bị lật và chìm.

Bởi thế, họ phải tuyệt đối chính xác. Nếu lý tưởng, Johnson phải kiểm tra khối lượng xe và nước trong tất cả 33 bể và 14 khoang chứa hàng, để có thể tính chính xác. Nhưng anh không có đủ thời gian và buộc phải ước lượng dựa trên trực giác của mình.
Trời đã tối khi họ chui ra khỏi khoang hàng. Họ đã ở trong đó hơn 3 tiếng. Chạng vạng thế này khá nguy hiểm cho trực thăng và Habib quyết định họ sẽ lần về phía đuôi tàu, tụt xuống lan can dưới và nhảy sang Makushin Bay.

Nhưng khi đến đuôi tàu, thì thấy xem ra cũng không đơn giản. Boong tàu giờ là một bức tường hơn 30m nghiêng 60 độ, lỗ chỗ những trụ sắt to bằng thùng bia. Nếu chẳng may trượt chân thì chẳng có chỗ nào mà bám cả.
Tệ hơn nữa, hệ thống chống cháy tự động bị mất điện. CO2 bị hâm nóng thi thoảng lại xì làn hơi lạnh âm 70 độ. Chạm vào là bỏng lạnh tức thì. Habib lôi máy ra đo, thấy lượng oxy trong không khí vẫn đủ để thở bình thường.

Nhưng Johnson vẫn lo. Anh đang đứng cạnh trụ dây gần 8m và phải bò qua mặt boong xì khói để nhảy ra khỏi tàu. Lại thêm chiếc ba lô nặng gần 15kg chứa đầy các loại phụ kiện rất vướng víu.
Magone thúc giục mọi người cố gắng thoát khỏi tàu trước khi đêm xuống, sẽ khó nhảy lên Makushin Bay. Anh bắt đầu bò xuống. Theo sau là Trepte và Bergman. Khí CO2 thi thoảng lại xì ra khỏi van, phun băng khô vương vãi. Họ phải dừng lại che mặt và tiếp tục bò xuống. Johnson có vẻ lo lắng hơn. Anh báo Habib là cái ba lô đang hơi vướng víu. Habib nói để anh ta quay trở lại chỗ trực thăng thả xuống lúc sáng kiếm 1 sợi dây thừng thừa để thả riêng ba lô xuống. Habib bắt đầu bò lên khi Johnson tháo ba lô khỏi vai.
Đến đáy, Magone ngẩng lên và thấy Johnson vẫn chưa bắt đầu bò xuống. Có gì vậy nhỉ. “Nhanh lên đê!” anh gào to.

Bỗng Johnson bất ngờ rơi xuống, kêu la ầm ĩ, trượt qua Bergman. Anh ta không buộc mình vào sợi dây nào cả. Va vào cột chống rồi lăn lông lốc không kiểm soát qua Trepte. Không ai kịp phản ứng. Chỉ trong vòng hơn 1 giây, J đã rơi gần 25m và đập đầu vào trụ dây với một tiếng động khô khốc ghê rợn. Mặt anh bị chém một vết rách dài, máu nhỏ giọt xuống mặt nước biển ngay phía dưới.
“Cứt rồi” Trepte hoảng hốt kêu lên, rồi lấy lại bình tĩnh thông báo cho Habib lúc đó đang ở khoang trên: “Marty ngã rồi.”

“Ngã à?”, Habib vẫn tiếp tục cuộn sợi dây. Ngã không phải là việc lớn. Có thể trẹo chân. Nhưng rồi anh bỗng nhận ra, với Trepte, ngã nghĩa là rơi khỏi máy bay mà không có dù. Trepte sẽ không gọi anh nếu Johnson thực sự không gặp nguy hiểm.
“Cậu ấy còn tỉnh không?” Habib sợ hãi hỏi lại.
“Không” Trepte làu bàu
Habib trượt theo sợi dây xuống, chạy dọc con tàu, nhanh chóng leo qua cầu tàu xuống vùng xì khói. Magone đang treo mình quanh trụ dây ngay phía trên nơi Johnson nằm.
“Cậu ấy có thở không?”
Magone không thể nói được. Johnson nằm úp mặt xuống và Magone sợ không dám một mình di chuyển anh ta. Habib đến kịp và cả hai lật được J lại. Hai mắt anh trừng trừng nhìn Habib không sự sống. Máu be bét và J có vẻ đã ngừng thở. Nhưng mạch vẫn còn. J vẫn còn sống.

Tim Habib đập mạnh. Vẫn còn cơ hội. Anh hét lên khi một chiếc tàu đâm vào mạn Cougar Ace, cách chỗ anh đứng chỉ vài mét. Đó là tàu kéo Emma Foss, nhận được tin, đang đến cứu nạn. Cú đâm mạnh đến nỗi làm Habib rơi xuống nước lạnh bên dưới trụ dây. Nhưng anh leo lên ngay lập tức cạnh Johnson.
Johnson được đưa bằng cáng sang tàu kéo, rồi nhanh chóng chuyển đến tàu Tuần duyên, trên đó có một cơ sở y tế sẽ có thể cứu được J. Vẫn chưa muộn lắm.
“Marty, cố gắng lên! Chúng tôi sẽ đưa anh ra khỏi đây, chịu khó một chút nhé!”
Quãng 11h đêm. Thuyền trưởng tàu tuần duyên gọi Habib. Marty Johnson đã chết!

Bình minh nhạt nhòa sáng hôm sau. Một viên sĩ quan tuần duyên lên Makushin Bay để tìm hiểu việc gì đã xảy ra. Bề ngoài, có vẻ như Trepte và Bergman ok. Nhưng Habib thì tê tái. Anh quặn lòng khi nhớ lại thời khắc nhìn vào đôi mắt đã dại đờ của Johnson. Anh ấy là bạn và là kiến trúc sư hàng hải tốt nhất nước. Hay rút quân, kệ béng Cougar Ace.
Habib nhìn ra. Con tàu khổng lồ vẫn lù lù ở đấy, cách bờ khoảng 200km. Thời tiết được dự báo sẽ xấu đi. Gió hơn 40km/h và sóng cao 5-6m trong mấy ngày tới. Nếu không cứu được, con tàu sẽ chìm hoặc va vào bờ vỡ vụn. Mọi người đều trông chờ vào họ. Còn họ ở đây, bất lực vì thiếu con mắt dẫn đường của Johnson. Habib quyết định: họ sẽ ở lại nhưng cần thêm tiếp viện. Anh gọi về trụ sở công ty ở Florida

Thi thể Johnson được đưa đến Adak, một hòn đảo có đường băng. Một chiếc máy bay cánh quạt hai động cơ xuất hiện, hạ cánh lăn trên đường băng rồi dừng lại. Cầu thang hạ xuống, mấy người đàn ông trang bị đầy đủ, họ dừng lại bên bao xác, rồi đi tiếp. Họ là quân tiếp viện cho đội của Habib.

Phil Reed, lãnh đạo nhóm kiến trúc hàng hải của Titan được vợ đồng ý thả ra. Từ đầu những năm 90, Reed đã sửa lại phần mềm để dùng trong công tác cứu hộ. Bây giờ 48 tuổi, anh là cao thủ Mô hình hóa 3D của Titan. Nhưng Reed không chỉ là chuyên gia. Tất nhiên là ta thường thấy anh lang thang trên boong, trầm ngâm gõ gõ chiếc bút đánh dấu lên đầu đến nỗi để lại cả vệt vàng trên chiếc mũ bóng chầy của Titan mà anh hay đội. Nhưng cũng là anh năm 2004, trong trận đại sóng thần, đã thuyết phục quân đội Indonesia bảo vệ đồng đội của mình, thoát khỏi con tàu xi măng dài 200m bị lật. Anh có thể chịu được mọi thử thách.

Hai thợ lặn biển sâu Yuri Mayani và Billy Stender đi cùng Reed. Họ giống như cặp đôi tung hứng nhau Laurel và Hardy. Mayani là một thanh niên Panama thô lỗ, nóng tính, cơ bắp, cao 1m6. Stender là thanh niên gốc Michigan, cao 1m9 thường sống trên xe kéo trong rừng gần biên giới Canada. Khi có Mayani bên cạnh, Stender thường trở về trạng thái an nhiên tự tại. Tất cả những gì anh nghĩ là tìm cách uống thêm 1 ly, hoặc tán được cô gái tóc vàng ngồi cuối quầy kia. Mayani thì bao giờ cũng nói trước và to hơn 5 lần: “chúng tôi hiểu nhau”, còn Stender hay gọi bạn mình là “the Panamaniac”

12:45 đêm, mưa to và sóng lớn đã đánh thức Habib trên Makushin Bay. Anh nhờ thuyền trưởng Emma Foss rọi đèn pha kiểm tra các lỗ thông hơi trên mạn trái của Cougar Ace. Những lỗ này dùng để thoát khí thải tích tụ lại khi xe chạy ra vào tàu. Khi con tàu ở trạng thái bình thường, những lỗ này nằm ở khoảng 20m trên mặt nước và có nắp che nước mưa tràn vào. Giờ thì Emma Foss báo là nước chỉ còn cách lỗ thông hơi chừng 1m. Chúng không được thiết kế để chìm trong nước. Nước biển sẽ phá vỡ nắp và tràn vào làm tàu chìm.

Đến trưa thì Habib sợ là sẽ không giữ được tàu. Những cơn gió vẫn tiếp tục đẩy sóng lên cao ở bên mạn trái. Gió cũng làm tàu tiếp tục nghiêng thêm. Hy vọng duy nhất của của Habib là kéo được con tàu vào Biển Bearing, phía lặng gió của đảo Aleutian mặc dù lực lượng tuần duyên thì không muốn thế vì sợ làm ô nhiễm môi trường. Habib đã thuê tàu kéo 7200 mã ngựa, dài 45m, Sea Victory. Con tàu này đủ mạnh để kéo Cougar Ace vào phía kia, nơi các hòn đảo sẽ bảo vệ nó khỏi sóng và gió. Anh không còn lựa chọn nào khác.

Mayani kinh ngạc ngắm con tàu khổng lồ bị nghiêng hẳn, đang từ từ dịch chuyển. Với anh Cougar Ace như một cái bẫy lớn chết chóc. Thủy thủ đoàn chắc chắn đã rất hoảng hốt. “Bao nhiêu thủy thủ chết trong đó vậy?” anh hỏi.
“Chỉ có một, người của ta”, Stender trả lời.
Chắc chắn đây là một trong những điều điên rồ nhất mà Reed nhìn thấy trên biển. Anh kiểm tra laptop của Johnson và đồng ý với quan điểm của J là con tàu rất dễ bị lật ngược. Để giảm rủi ro đấy, cần bơm đầy bể cân bằng lớn nhất bên mạn thấp. Thủy thủ đoàn báo cáo là chúng chỉ đầy một nửa. Nhiệm vụ đầu tiên của đội cứu hộ là lặn xuống đó, khoan một lỗ để bơm nước vào đầy bể.

Muốn xuống đó, họ phải học các nhà thám hiểm hang động. Habib bắt toàn đội chuyển sang Redeemer, một tàu kéo mới đến, để học cách leo lên cầu tàu bằng dây thừng với một công cụ gọi là ascender. Họ đã đến cửa Samalga. Mayan đánh mắt nhìn Stender: “Habib đang làm cái quái gì vậy?”
“Im ngay đi!” Habib quát, rồi giải thích. Cougar Ace giờ như một mê cung. Nó đã bị nghiêng nên họ phải học cách đi trên thành tàu nghiêng, rồi leo dốc rất nguy hiểm lên khoang hàng. Không may là họ phải làm điều đó giữa đại dương và đây là cơ hội thực tập duy nhất của họ trước khi đổ bộ lên Cougar Ace. Hy vọng sẽ không có ai bị thiệt mạng nữa.
Trong khi cả đội đang tập đu dây, những tàu kéo đã kéo Cougar Ace an toàn qua cửa vào vùng lặng sóng của biển Bering. Những lỗ thông hơi đã nằm cao trên mặt nước, an toàn hơn. Emma Foss đưa cả đội lên mạn thấp của boong sau, chỉ cách chỗ Johnson tử nạn vài mét.

Reed nhận làm hoa tiêu, vì trong 24 giờ qua anh đã học thuộc lòng thiết kế phức tạp của con tàu. Tất nhiên có sự khác biệt giữa những bản vẽ gọn gàng và thực tế tối om của con tàu đang bị lật. Nên thỉnh thoảng Reed cũng lúng túng không biết đi tiếp hướng nào, và chẳng ai muốn bị lạc trong chỗ này cả.
Mất độ 3h leo trèo lên xuống, họ đến được khoang số 13, nằm sâu dưới mặt nước. Họ cảm giác như đang trong một chiếc tàu ngầm.
Reed và Habib bò trên khoang bị nghiêng vừa tra cứu thiết kế, vừa dùng tay để lần mò nắp kim loại của bể cân bằng. Đây rồi. Trepte rút máy khoan và khoan một lỗ. Bất ngờ nước vọt ra. Hóa ra bể đã bị đầy. Có thể nước đã tràn vào qua một lỗ thông hơi nào đó ở phần chìm của tàu. Nước phun ra ầm ầm, đe dọa gây lụt cả khoang chứa hàng.

Trepte lập tức lấy ngón tay bịt chặt lỗ thủng. Dòng nước thôi không xì ra nữa, nước nhỏ giọt từ mấy chiếc Mazda và cả bọn phá lên cười. Trepte đã giữ cho tàu nổi chỉ bằng một ngón tay!
“Quá vui. Nhưng tụi mày đi mà nghĩ cách gì đi chứ.” Trepte nói.
Trong khi Habib quay lại Makushin Bay để tìm phương án, Mayani thay thế Trepte nghỉ cho đỡ mỏi. Sau khoảng một giờ thì Habib quay lại với một cái chốt sắt vừa để bịt lỗ thủng. Hơi mỏi ngón tay một tí, nhưng giờ nước đã đầy bể. Reed tính toán lượng nước cần bơm vào những bể cân bằng phía trên. Giờ thì họ bắt đầu lật con tàu lại.

Những thợ lặn sẽ lắp máy bơm hạng nặng dọc con tàu và bơm nước vào ra các bể cân bằng nhịp nhàng như một vũ điệu ba lê theo thiết kế trên máy tính của Reed. Chỉ có điều là anh không chắc chắn được 100%. Vẫn có rủi ro là tàu sẽ bị lật nghiêng sang hẳn bên này và phơi bụng lên. Nhưng họ phải mạo hiểm chơi trò roller-coaster thôi.

Sau 2 ngày bơm, Cougar Ace đã thẳng lên trở lại. Mấy ngày sau, chủ tàu đến nhận bàn giao. 99% hàng hóa còn nguyên vẹn. Môi trường được giữ gìn sạch sẽ. 10 triệu đô được chuyển vào tài khoản của Titan.

Trong vòng 1 năm sau đó, 4703 con xe Mazdas của Cougar Ace đỗ trên bãi ở Portland, Oregon. Cho đến tháng 2/2008, chúng được đưa lên xếp hàng ngay ngắn trên dây chuyền để bị các robot có hàng chục cánh tay thép chém thành nhiều mảnh nhỏ. Nhà sản xuất Mazda quyết định tiêu hủy số xe này, vì không chắc chắn sau 2 tuần treo nghiêng ở 60 độ, có gì xảy ra với động cơ hay hệ thống túi khí cứu hộ. Hủy đi còn hơn là vướng vào các vụ kiện rắc rối sau này.

Habib và bạn anh đếch quan tâm. Trong thời gian đó, họ đã cứu được một tàu dầu mất lái ở Nam Phi và một tàu container to đùng mặc cạn ở Mexico. Nhưng họ không thể quên Cougar Ace và cái chết của Johnson. Trong một buổi đào tập cứu hộ, Habib đã cúi xuống một manocanh bằng nhựa, hết sức hà hơi để làm cho nó sống lại.

(NTN dịch theo https://www.wired.com/2008/02/the-race-to-save-the-cougar-ace/)
 
Từ khóa Từ khóa
con tàu cứu hộ luật mỹ thủy thủ thuyền trưởng
519
0
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.