Đề cương Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

Đề cương Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

H
Hoàng Cung
  • Người yêu văn chương đến từ Sóc Trăng
CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA
Nguyễn Minh Châu

I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả (1930 – 1989)

- Nguyễn Minh Châu là nhà văn lớn, có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

- Hành trình sáng tác có thể chia làm 2 giai đoạn:

+ Trước 1975, ông là ngòi bút sử thi có thiên hướng trữ tình lãng mạn; là nhà văn mải mê tìm kiếm những hạt ngọc long lanh ẩn giấu trong tâm hồn những con người bình thường.

+ Sau 1975 ngòi bút của ông chuyển sang cảm hứng thế sự với vấn đề đạo đức, triết lí nhân sinh.

- Ông thuộc trong số những “người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) nhất của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.

2. Xuất xứ

Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa lúc đầu được in trong tập Bến quê, sau được Nguyễn Minh Châu lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn (in năm 1987). Tác phẩm tiêu biểu cho xu hướng chung của văn học Việt Nam thời kì đổi mới: hướng nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người trong cuộc sống đời thường.

3. Tóm tắt tác phẩm:

- Nghệ sĩ Phùng đến một vùng ven biển miền Trung để chụp một tấm ảnh cho cuốn lịch năm sau. Sau nhiều ngày phục kích, người nghệ sĩ đó đã chụp được cảnh một chiếc thuyền ngoài xa đang ẩn hiện trong biển sớm mờ sương.

- Khi chiếc thuyền vào bờ, anh kinh ngạc khi chứng kiến cảnh người chồng đánh đập người vợ hết sức dã man, đứa con muốn bảo vệ mẹ nên đánh trả cha mình. Những ngày sau, cảnh tượng đó lại tiếp tục diễn ra và lần này người nghệ sĩ ấy ra tay can thiệp nhưng bị người đàn ông đánh cho bị thương và phải về trạm y tế huyện.

- Theo lời mời của chánh án Đẩu, người đàn bà đến toà án huyện. Tại đây, người phụ nữ ấy đã từ chối sự giúp đỡ của Đẩu và Phùng, nhất quyết không bỏ lão chồng vũ phu. Bà đã kể lại câu chuyện về cuộc đời mình và đó cũng là cách lí giải cho sự từ chối trên.

- Rời vùng biển, nhiếp ảnh Phùng có một tấm ảnh được chọn vào bộ lịch năm ấy. Tuy nhiên, mỗi lần đứng trước tấm ảnh, người nghệ sĩ đều thấy hiện lên cái màu hồng của ánh sương mai và nếu nhìn lâu hơn thì bao giờ anh cũng thấy hình ảnh người đàn bà ấy bước ra từ tấm ảnh.

II. Đọc – hiểu văn bản

1. Nội dung:

a. Hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh.

- Phát hiện thứ nhất đầy thơ mộng.


Nguyễn Minh Châu là một nghệ sĩ đã hành trình trọn đời trong nghiệp văn chương để đi tìm chất “ngọc” trong con người và thiên nhiên đất nước mình. Lần này, khi viết truyện Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu như hoá thân vào nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng để săn tìm một vẻ đẹp biển cả buổi sáng có sương mù. Phùng đã phục kích mấy buổi sáng mà chưa chụp được bức ảnh nào. Sau gần một tuần lễ suy nghĩ, tìm kiếm, Phùng quyết định đưa vào tờ lịch tháng bảy cảnh thuyền đánh cá thu lưới vào lúc bình minh.

Sau gần một tuần lễ kiên nhẫn phục kích, kiên nhẫn chờ đợi, người nghệ sĩ bất ngờ được đất trời, biển cả, Tạo hoá đền đáp rất hậu. Một vẻ đẹp hiển hiện trước mắt Phùng khiến anh xúc động thốt lên trong xúc cảm thẩm mĩ mãnh liệt: “Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi thấy được một cảnh “đắt” trời cho như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”. Nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh ấy lập tức “gác máy lên bánh xích của chiếc xe tăng hỏng bấm “liên thanh” một hồi hết một phần tư cuốn phim, thu vào chiếc Pra-ti-ca cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh hài lòng, sung sướng vì đã bất tử hoá một vẻ đẹp trời cho bằng những tấm ảnh của mình, ngay trong ngày hôm nay hoặc sáng mai đã có thể nhảy lên tàu hoả trở về.

Nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại đã hoàn thành kiệt tác của mình. Nhưng nhà văn Nguyễn Minh Châu thì mới bắt đầu thảo bức tranh. Tạo hoá đã dâng sẵn một vẻ đẹp, lại như một thách thức ngòi bút của nhà văn: làm sao đây để trong văn có hoạ ? Nguyễn Minh Châu không hổ ngươi khi được tôn vinh là một cây bút đầy bản lĩnh và tài hoa. Nhà văn Nguyên Ngọc rất có lí khi nhận xét: Nguyễn Minh Châu “thuộc trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học ta hiện nay”.

Nguyễn Minh Châu đã huy động đội quân từ ngữ phong phú của ông để vẽ lên bức tranh cảnh biển buổi sáng có sương mù. Câu chữ của Nguyễn Minh Châu như muốn ganh đua với vẻ đẹp của tạo hoá, biết khoe vẻ đẹp của đường nét, ánh sáng, màu sắc của thiên nhiên, biển cả cùng vẻ đẹp nhân sinh: “...trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”. Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp, một vẻ đẹp thật đơn giản và toàn bích...”.

Niềm hạnh phúc chân chính của người nghệ sĩ là khám phá và sáng tạo, là rung cảm trước vẻ đẹp tuyệt mĩ. Trước vẻ đẹp ấy, người nghệ sĩ như bắt gặp cái tận thiện, tận mĩ, thấy tâm hồn mình trong trẻo, thanh tân: “...tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào, [...] tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.

- Phát hiện thứ hai đầy nghịch lí.

Trong thế giới mà chúng ta cảm giác được, không gì đẹp bằng con người, đó là nguyên lí cơ bản của Mĩ học. Bao nhiêu vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời biển cả...sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không gắn nó với tình yêu và hạnh phúc của con người.

Phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ nhiếp ảnh tạo ra một phản cảm gay gắt, bất ngờ, trớ trêu đó là cái quái ác của nhân sinh. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đã có những phút giây ngây ngất “hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”, anh đã từng suy ngẫm và rút ra kết luận đầy chất triết học: “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Thì tiếp liền ngay sau đó, anh chứng kiến cảnh phi đạo lí, nỗi nhục nhã của những kiếp người lao động lam lũ trên biển cả: từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và cam chịu, nhẫn nhục; một gã đàn ông thô lỗ, dữ dằn, độc ác, coi việc hành hạ, đánh đập, nguyền rủa vợ như một phương cách để giải tỏ những uất ức, khổ đau, nhọc nhằn. Bức ảnh biển cả buổi sớm có sương thì đẹp như bức cổ hoạ bằng mực tàu, còn bức ảnh nhân sinh lại như một vết nhơ của cuộc sống, một nỗi sỉ nhục của nhân loại. Khi miêu tả cảnh đau lòng này, Nguyễn Minh Châu cũng phải đành lòng tước bỏ đi tất cả mọi trang sức của ngôn từ để gọi tên đúng sự việc, để miêu tả đúng con người với vóc dáng thân hình, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ, tâm tính...

Người đàn bà hiện lên thật đau khổ, tội nghiệp. Thuở trẻ vốn đã kém nhan sắc, lớn lên lấy chồng nhà đông con, đời sống dân chày lam lũ khó nhọc làm cho người đàn bà trở nên tiều tuỵ, thô kệch. Bà “cao lớn”, “rỗ mặt”; “khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới và dường như đang buồn ngủ”, “tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới”... Khi bước chân từ chiếc thuyền xuống, bà vừa sợ hải vừa cam chịu, nhẫn nhục, sẵn sàng chịu nhục mạ và hành hạ. Bà sợ tới mức định đưa tay lên gãi hay sửa lại mái tóc “nhưng rồi lại buông thõng xuống, đưa cặp mắt nhìn xuống chân”. Khi bị chồng đánh, bà “không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”. Nhưng khi đứa con lao tới che chở cho bà, bà “mới cảm thấy đau đớn – vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã”. Bà khóc gọi con, bà chấp tay vái lấy vái để và ôm lấy con, nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt trên mặt bà...

Ngòi bút của Nguyễn Minh Châu không né tránh hiện thực phũ phàng. Ông đưa lên trang sách dáng hình, ngôn ngữ thô lỗ, cục cằn và hành động phi nhân tính của lão đàn ông. Đầu tiên là tiếng nói “chõ lên thuyền như quát” của lão: “Cứ ngồi nguyên đấy. Động đậy tao giết cả mầy đi bây giờ”. Rồi lão xuất hiện với “tấm lưng rộng và cong như lưng một chiếc thuyền. Mái tóc tổ quạ, [...] hàng chân mài cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ...”. Lão hành hạ vợ theo bản năng của một con thú dữ lao vào cắn xé con mồi: lão “lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ !”.

Trước khi làm nghệ sĩ nhiếp ảnh, Phùng đã là người lính cầm súng vào sinh ra tử tiêu diệt lũ giặc dữ để giành lấy cuộc sống an lành cho người dân. Anh không thể chịu được khi chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ một cách vô lí và thô bạo. Nhưng anh chưa kịp xông ra ngăn chặn tội ác thì thằng Phác, con lão đàn ông nọ, đã lao tới để che chở cho người mẹ đáng thương của nó. Chỉ đến lần thứ hai khi phải chứng kiến cảnh đó, Phùng mới thể hiện bản chất người lính không thể làm ngơ trước sự bạo hành của cái ác. Phùng xót xa, cay đắng nhận thấy những cái xấu xa, ngang trái, những bất công, những bi kịch trong gia đình người nông dân chài làm cho tấm ảnh mà anh chụp được kia như nhuốm màu đau thương, ghê sợ. Chao ôi ! Nghệ thuật không thể là màng sương mờ ảo màu sữa pha ánh hồng ban mai che lấp đi nỗi đau thương của kiếp người ! Trong chiếc thuyền ngoài xa có vẻ mơ mộng kia là bao kiếp lam lũ, lầm than, tội nghiệp ! Làm thế nào để giải thoát cho họ ? Khách quan hai sự phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đặt ra một vấn đề nhân sinh – xã hội lớn lao và quan điểm nghệ thuật, tuy không mới, nhưng từ lâu đã bị anh em văn nghệ sĩ hoặc lãng quên, hoặc chỉ hiểu phiến diện theo kiểu “phải đạo”.

Æ Qua hai phát hiện của người nghệ sĩ, nhà văn chỉ ra: cuộc đời chứa đựng nhiều nghịch lý, mâu thuẫn; không thể đánh giá con người, cuộc sống ở dáng vẻ bên ngoài mà phải đi sâu tìm hiểu, phát hiện bản chất bên trong.

b. Câu chuyện của của người đàn bà hàng chài ở toà án huyện.

- Thực chất câu chuyện của người đàn bà hàng chài là một thứ bi kịch gia đình, nó là mặt trái của bức ảnh về vẻ đẹp thanh bình của thuyền và biển một buổi sáng mờ sương. Đó là bức ảnh về sự thật cuộc đời, nó giúp những cựu chiến binh nay là nghệ sĩ như Phùng, là chánh án toà án huyện như Đẩu có thể nhìn nhận, phán quyết những điều tưởng như nghịch lí, phi lí. Bề ngoài người đời chỉ thấy có một người đàn bà nhẫn nhục, cam chịu, thường bị chồng hành hạ, đánh đập tàn nhẫn “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” thế mà không đủ can đảm từ bỏ gã đàn ông vũ phu, phũ phàng ấy. Qua lời giãi bày của người đàn bà thì đó là tình thương vô bờ bến đối với những đứa con: “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa [...] phải sống cho con chứ không thể cho mình...”

Những câu nói mộc mạc, chân tình của người đàn bà ấy có thể làm cảm động những người nhân hậu và làm chúng ta thấu suốt sự suy nghĩ và xử sự của bà là không thể khác được. Trong đau khổ, đắng cay triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt chiu được những niềm vui nhỏ nhoi “vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no...”, “trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hoà thuận, vui vẻ”, “ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn...”.

Qua câu chuyện của người đàn bà, Nguyễn Minh Châu muốn nói rằng không thể giản đơn, dễ dãi trong việc nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng của cuộc sống.

- Xoay quanh bi kịch gia đình ấy, tác giả tập trung làm nổi bật một số lượng nhân vật rất vừa phải: đó là người đàn bà, gã đàn ông vũ phu, chị em thằng Phác, người nghệ sĩ nhiếp ảnh,... nhưng cũng đủ làm nổi rõ tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

+ Tác giả chỉ gọi nhân vật của mình là “người đàn bà” một cách phiếm định. Không phải là ông không đủ tài để đặt cho nhân vật một cái tên xứng đáng. Gọi tên nhân vật là “người đàn bà”, tác giả muốn nói hộ bao người đàn bà vô danh ở những vùng biển suốt một dải non sông bao nỗi niềm đau thương, bao nhiêu giọt nước mắt tủi hờn của người đàn bà mà đời không nhìn thấy. Người đàn bà trong truyện của Nguyễn Minh Châu trạc ngoài bốn mươi tuổi, thô kệch, rỗ mặt, xuất hiện với “khuôn mặt mệt mỏi”, bà là hiện thân của đời người phụ nữ hàng chài lam lũ, khó nhọc khốn khổ. Thầm lặng chịu đòn chồng, bà ôm nỗi đau, nuốt giọt tủi, vùi nỗi xấu hổ, nhục nhã vào cõi sâu tâm hồn, chỉ đơn giản bởi cuộc mưu sinh trên biển cả, ngoài khơi xa lắm sóng gió, sẵn bão tố cần có người đàn ông khoẻ mạnh, thạo nghề; chỉ vì những đứa con của bà cần được sống và lớn lên: “...tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài” – một tâm sự điển hình của phụ nữ lao động khắp mọi miền quê trên đất nước này đáng để chúng ta phải suy ngẫm.

+ Hoàn cảnh làm nảy sinh tính cách, đó là nguyên tắc biện chứng của chủ nghĩa hiện thực được Nguyễn Minh Châu tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Cuộc sống nghèo khổ, chồng chất bao nhiêu cực nhọc, lam lũ đã biến “anh con trai cục tính nhưng hiền lành” ngày xưa thành một người chồng độc ác vũ phu, một lão đàn ông độc ác. Cứ khi nào cảm thấy cuộc sống nặng như chì, thấy mình khổ quá là lão đánh vợ, đánh như thể để giải toả nỗi uất ức, buồn phiền: “lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”. Đời vẫn chẳng thiếu gì những kẻ tự cho mình cái quyền được hành hạ người khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Lão đàn ông “tóc tổ quạ”, “chân chữ bát”, “hai con mắt đầy vẻ độc dữ” vừa là kết quả đẽo gọt thô sơ của Tạo hoá vừa là nạn nhân của cuộc sống khốn khổ, nặng nhọc, dữ dội, vừa là tội phạm gieo đau thương cho người thân của mình. Làm sao đây để cứu vớt những con người thô bạo ấy ?

+ Chớ để lòng trẻ thơ mang vết sẹo đau thương, người lớn đừng gieo vào những trái tim non dại những gai nhọn và nộc độc của tàn bạo, thô lỗ, hận thù. Đó là ý nghĩa nhân văn mà tác giả muốn nói khi xây dựng hai nhân vật trẻ thơ trong truyện này. Tận mắt chứng kiến bố hành hạ mẹ dã man, thằng em vì thương mẹ mà điên cuồng cầm dao lao vào bố; lòng cô bé tan nát nhưng đủ can đảm vật lộn để tước con dao trong tay đứa em, ngăn không cho nó làm một việc trái với luân thường đạo lí. Thằng Phác thương mẹ một cách bồng bột theo kiểu một cậu trai vùng biển chưa đủ khôn lớn, nó “lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt”, nó “tuyên bố với các bác ở xưởng đóng thuyền rằng nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh”. Thật khó chấp nhận kiểu bảo vệ mẹ của nó, nhưng hình ảnh của thằng Phác rất thật trong cuộc đời kia vẫn làm người ta cảm động bởi tình thương mẹ thấm thía và chân thành.

Phùng vốn là người lính của một thời đất nước rực lửa anh hùng. Người lính thuở ấy luôn là biểu tượng của tình yêu, niềm tự hào, ý chí và khát vọng của cả một dân tộc. Đã là người lính vào sinh ra tử, người ta không dễ đánh mất bản chất cao quý của người lính: căm ghét sự áp bức bất công, sẵn sàng làm tất cả vì điều thiện, vì lẽ công bằng. Sau này Phùng là nghệ sĩ nhiếp ảnh, sự hài hoà giữa chiến sĩ với nghệ sĩ tạo nên ở anh những phẩm chất cao quý. Nhạy cảm với cái đẹp, anh thật sự xúc động, sững sờ trước vẻ đẹp của con truyền trong màn sương mơ mộng của biển lúc sáng sớm. Nhưng ngay sau đó, khi chứng kiến bạo hành của cái ác, cái xấu, anh thật sự nổi giận. Từ chỗ “kinh ngạc”, “há mồm ra mà nhìn”, anh đã “vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới”. Đó là hành động của người lính cứu nạn, nhưng cũng nói được một ý nghĩa về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc đời. Chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, một khoảng cách đủ để tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, mộng mơ, nhưng sự thật ngoài cuộc đời thì lại rất gần. Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, nghệ thuật chân chính luôn là cuộc đời, vì con người. Trước khi là nghệ sĩ rung động trước cái đẹp hãy là một con người biết yêu, ghét, vui buồn trước mọi lẽ đời thường tình, biết hành động để có cuộc sống xứng đáng với danh hiệu Con Người. Nghệ thuật và cuộc đời phải hoà hợp trong cái chân – thiện – mĩ.

c. Tấm ảnh được chọn trong “bộ lịch năm ấy”:

- Mỗi lần nhìn kĩ vào bức ảnh trắng đen, người nghệ sĩ thấy “hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai” (đó là chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc đời, cũng là biểu tượng của nghệ thuật). Và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy “người đàn bà ấy đang bước ra từ tấm ảnh” (đó là hiện thân của những lam lũ, khốn khó, là sự thật cuộc đời).

- Ý nghĩa: nghệ thuật chân chính không thể tách rời, thoát li cuộc sống. Nghệ thuật chính là cuộc đời và phải vì cuộc đời.

2. Đặc sắc về nghệ thuật:

- Tình huống truyện: Độc đáo của truyện Chiếc thuyền ngoài xa là tác giả đã tạo ra một tình huống nhận thức mang ý nghĩa khám phá, phát hiện cuộc sống. Sự việc chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ là sự kiện tạo ra bước ngoặt nhận thức và tình cảm, cảm xúc của nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh. Lúc đầu, Phùng nhìn đời, nhìn người dưới con mắt và sự rung động của một nghệ sĩ đang say mê đi tìm cái đẹp và đắm đuối khi vẻ đẹp của con thuyền xuất hiện trong bầu sương sớm trên biển. Đó là giây phút thăng hoa, bay bổng của nghệ sĩ. Sau đó anh bàng hoàng, nghẹt thở trước cảnh bạo hành của người đàn ông đối với vợ, tiếp liền với cảnh hai đứa con phản ứng trước sự bạo hành của cha. Từ lúc đó, Phùng nhìn đời, nhìn người dưới con mắt khác. Anh hiểu rõ bản chất của bi kịch gia đình, hiểu sâu hơn tính cách của người đàn bà, hiểu chị em thằng Phác, hiểu thêm đồng đội cũ của mình là Đẩu và Phùng hiểu rõ bản thân mình hơn. Đến đây, tình huống truyện được đẩy lên cao trào giúp tác giả bộc lộ rõ tư tưởng chủ đề và ý nghĩa của tác phẩm.

- Đặc sắc về ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật

+ Người kể chuyện là nhân vật Phùng. Tác giả đã nhập thân vào nhân vật này tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường được sức khám phá đời sống, lời kể trở nên khách quan, chân thực và giàu tính thuyết phục.

+ Ngôn ngữ nhân vật phù hợp với đặc điểm tính cách từng người: giọng điệu lão đàn ông thô bỉ, tàn nhẫn với những từ ngữ đầy vẻ tục tằn, hung bạo; lời nói của người đàn bà thật dịu dàng, độ lượng, xót xa khi thốt ra với con, thật đau đớn, xót xa và thấu hiểu lẽ đời khi nói về thân phận tủi buồn của mình; giọng của Đẩu khi nói ở toà án huyện rõ là giọng điệu, lời nói của người từng trải và tốt bụng,... Việc sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo như thế góp phần khắc sâu chủ đề, tư tưởng cho tác phẩm.

3. Ý nghĩa văn bản:

Chiếc thuyền ngoài xa thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà văn về nghệ thuật và cuộc đời: nghệ thuật chân chính phải luôn luôn gắn bó với cuộc đời, vì cuộc đời; người nghệ sĩ phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách toàn diện sâu sắc. Tác phẩm cũng rung lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực gia đình và hậu quả khôn lường của nó.

Tóm lại, từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện Chiếc thuyền ngoài xa mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng. Cách khắc hoạ nhân vật, xây dựng cốt truyện, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo đã góp phần làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm.​
 
Từ khóa
chiec thuyen ngoai xa hai phát hiện của phùng người đàn bà hàng chài người đàn ông độc dữ nguyen minh chau ở tòa án huyện thằng phác tình huống nhận thức sâu sắc
694
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top