Hướng dẫn Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới - Vũ Khoan

Hướng dẫn  Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới - Vũ Khoan

Phó Thủ tướng Vũ Khoan rất quan tâm đến thế hệ trẻ Việt Nam vì ông hiểu rõ rằng chính thế hệ này quyết định tương lai của đất nước. Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì muốn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, con người cần phải có một khả năng tương đối toàn diện. Sau những nghiên cứu và khảo sát nghiêm túc, kĩ càng về con người Việt Nam, Phó Thủ tướng đã thẳng thắn và chân thành nhận xét trong bài viết “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” đăng trong tạp chí Tia sáng số Xuân 2001".

I, Kiến thức cơ bản

1, Tác giả Vũ Khoan là nhà ngoại giao, nhiều năm làm thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Nguyên là Phó Thủ tướng Chính phủ.
2, Văn bảna) Một số điểm cần chú ý về hoàn cảnh ra đời bài viết
- Bài viết “Chuẩn bị hành trang” của Vũ Khoan đăng trên Tạp chí Tia sáng năm 2001 và được in vào tập “Một góc nhìn của trí thức” NXB Trẻ 2002. Khi đưa vào SGK người biên soạn đặt nhan đề bài viết “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới”.
- “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới” là bài nghị luận của Phó Thủ tướng Vũ Khoan đề cập tới những vấn đề vừa có ý nghĩa thời sự, cấp thiết vừa có ý nghĩa lâu dài. Tác giả viết bài này đầu năm 2001, khi đất nước ta cùng toàn thế giới bước vào năm đầu tiên của thế kỷ mới. Ở thời điểm chuyển giao thời gian đặc biệt có ý nghĩa, người ta thường có nhu cầu nhìn lại, kiểm điểm lại mình trên chặng đường đã qua và chuẩn bị hành trang đi tiếp chặng đường mới. Đối với dân tộc ta, bước vào thế kỷ mới cũng là tiếp tục một hành trình đầy triển vọng của công cuộc đổi mới toàn diện, nhằm vượt qua tình trạng chậm phát triển, nghèo nàn, lạc hậu, đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặt khác đây cũng là con đường đầy khó khăn, thách thức, đòi hỏi mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ phải thực sự đổi mới vươn lên mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của thời đại.

b) Nghệ thuật và nội dung
* Nghệ thuật:
- Bài nghị luận mẫu mực đã phân tích một cách thuyết phục, có lí có tình những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam. Tác giả không dùng cách nói theo kiểu sách vở, uyên bác mà diễn đạt giản dị, thiết thực dựa trên cơ sở thực tiễn, có ví dụ, ví von cụ thể, có hình ảnh. Đặc biệt cách sử dụng thành ngữ, tục ngữ “Nước đến chân mới nhảy”, “Liệu cơm gắp mắm”. “Trâu buộc ghét trâu ăn”, “Bóc ngắn cắn dài”, ...Vì thế bài viết sâu sắc mà dễ hiểu.
- Khi nêu ưu, nhược điểm của người Việt Nam, tác giả đã không làm một phép liệt kê đơn giản từ ưu điểm đến nhược điểm mà cứ mỗi khi nêu một ưu điểm tác giả lại đề cập đến một nhược điểm.
* Nội dung:
* Đây là bài nghị luận về một đề tài vừa cấp thiết vừa có tính lâu dài, vừa là của đất nước vừa là của từng người (trước hết là các bạn trẻ), vừa là một bài xã luận, vừa là một văn bản chỉ đạo, vừa là một ý kiến riêng, vừa là ý kiến của vị lãnh đạo cấp cao, vừa có tính chất vấn đề đời sống, vừa có tính chất vấn đề tư tưởng, đạo lí đặc biệt bài
văn chứa đựng một triết lý nhân văn có giá trị muôn thuở : “Con người quyết định tất cả”.
* Luận điểm cơ bản của bài (vấn đề nghị luận) được nêu ngay từ đầu để làm căn cứ triển khai “Lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới”.
* Hệ thống luận cứ của bài văn :
(1) Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới thì quan trọng nhất là sự chuẩn bị bản thân con người.
(2) Bối cảnh của thế giới hiện nay và những mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề của đất nước.
(3) Những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam cần được nhận rõ khi bước vào nền kinh tế trong thế kỷ mới.
- Đây là luận cứ trung tâm, quan trọng nhất của cả bài nên được tác giả triển khai cụ thể và phân tích thấu đáo.
* Kết luận :
- Từ ba luận cứ được triển khai rất chặt chẽ nói tên tác giả kết thúc bài viết bằng việc nêu lên những yêu cầu đối với thế hệ trẻ : Bước vào thế kỷ mới, mỗi người Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ cần phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, rèn cho mình những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ để đáp ứng nhiệm vụ đưa đất nước đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

II, Đọc- hiểu văn bản


1, Vai trò của con người trong hành trang vào thế kỉ mới
- Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới trước hết là sự chuẩn bị về mặt bản thân con người. Đây là luận cứ quan trọng , mở đầu cho hệ thống luận cứ của văn bản và có ý nghĩa đặt vấn đề để mở ra hướng lập luận cho toàn bài.
- Lí lẽ:
+ Con người là động lực phát triển của lịch sử
+ Ngày nay, nền kinh tế tri thức càng phát triển thì vai trò của con người càng nổi trội và được khẳng định.
+ Chúng ta đang bước và thế kỉ mới với nhiệm vụ cơ bản là trở thành một nước công nghiệp hòa, hiện đại hóa vào năm 2020 thì việc chuẩn bị hành trang (tri thức, khoa học, công nghệ, tư thưởng, lối sống,…) là vô cùng cần thiết.
2, Những mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước trong bối cảnh mới.
- Bối cảnh của thế giới hiện nay:
+ Khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão
+ Có sự giao thoa, hội nhập sâu rộng giữa các nền kinh tế
- Đó là cơ hội song cũng là thử thách cho chúng ta.
- Mục tiêu, nhiệm vụ của con người Việt Nam với thực tế lịch sử, kinh tế của đất nước trong thời kì đổi mới, tác giả đã dẫn dắt tới vấn đề cơ bản cần bàn luận: “Những điểm mạnh – điểm yếu của con người Việt Nam.”
3, Những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam- Những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam cần được nhận thức rõ khi bước và nền kinh tế mới. Đây là luận cứ trung tâm, quan trọng nhất của cả bài nên được tác giả triển khai cụ thể và phân tích khá thấu đáo.
- Những điểm mạnh trong tính cách và thói quen của con người Việt Nam:
+ Thông minh nhạy bén với cái mới
+ Trong lao động thì cần cù, sáng tạo
+ Có tinh thần đoàn kết, đùm bọc, nhất là trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm
+ Thích ứng nhanh
- Những điểm yếu trong tính cách, thói quen của con người Việt Nam:
+ Thiếu kiến thức cơ bản và kém khả năng thực hành, sáng tạo do lối học chay, học vẹt
+ Thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, chưa quen với cường độ khẩn trương.
+ Thường đố kỵ nhau trong làm ăn và cuộc sống hằng ngày
+ Thái độ kì thị đối với kinh doanh, quen với bao cấp, thói sung ngoại hoặc bài ngoại quá mức, thói “khôn vặt”, ít giữ chữ tín
- Tác giả đã nêu, phân tích cụ thể, thấu đáo và so sánh hai mặt (những điểm mạnh và điểm yếu), luôn đối chiếu với những yêu cầu, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay chứ không chỉ nhìn vào lịch sử.

III, Luyên tập

Đề bài


Cho đoạn văn: “ Lớp trẻ Việt Nam ...…càng nổi trội”
1. Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Của ai, nêu xuất xứ của văn bản đó?
2. Đoạn trích trên hướng tới đối tượng nào?
3. Theo tác giả hành trang quan trọng nhất cần chuẩn bị khi bước vào thế kỉ mới là gì? Tại sao?
4. Xác định và gọi tên thành phần biệt lập trong câu văn sau:
“ Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất.”
5. Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về vấn đề gợi ra từ đoạn trích trên?
Gợi ý:

1.
Trích từ văn bản “ Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” của tác giả Vũ Khoan
- Xuất xứ: Bài viết đăng trên tạp chí “ Tia sáng” năm 2001 và được in vào tập “ Một góc nhìn của tri thức” nhà xuất bản trẻ, TPHCM- 2002
2. Hướng tới lớp trẻ- những người chủ nhân thực sự của đất nước trong thế kỉ mới.
3. Theo tác giả sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhát vì từ cổ chí kim bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Và trong nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội.
4. Thành phần tình thái
5. Đoạn văn gồm các ý cơ bản sau:
- Bước sang thế kỉ mới, hành trang quan trọng nhất chính là con người
- Vì vậy việc tu dưỡng của bản thân mỗi người, của thế hệ trẻ VN là vô vùng quan trọng:
+ Tu dưỡng về đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh.
+ Học tập, rèn luyện để có kiến thức, kĩ năng, đáp ứng yêu cầu của thời kì mới.
+ Giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc.
Đề bài:

Cho đoạn văn sau:
“ Cái mạnh của con người VN…biến đổi không ngừng”
1) Chỉ ra nội dung chính của đoạn văn trên.
2) Từ đó em hãy viết đoạn văn triển khai nội dung sau: “ sự cần thiết phải chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới của thế hệ trẻ VN ngày nay”
Gợi ý:
1. Nội dung: Cái mạnh của con người VN là sự thông minh, nhạy bén với cái mới nhưng lại bị hạn chế bởi những lỗ hổng về kiến thức cơ bản và khả năng thực hành sáng tạo”
2. Lớp trẻ Vn phải nhận ra cái mạnh, cái yếu của con người VN để rèn thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới.
- Nền kinh tế mới là nền kinh tế đòi hỏi con người phải có tri thức, kĩ năng…
- Bản thân là thế hệ trẻ, để chuẩn bị vào thế kỉ mới em….
Đề bài: Giải thích vì sao “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới” là văn bản nhật dụng?
Gợi ý :
* Dựa vào hoàn cảnh ra đời và nội dung của bài viết để giải thích.
* Văn bản có nội dung mang tính cập nhật đối với cuộc sống hiện thời. Đề tài là một vấn đề có tính cấp thiết đối với đời sống xã hội hiện nay. Luận điểm cơ bản của bài (vấn đề nghị luận) được nêu ngay từ đầu để làm căn cứ triển khai “Lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới”.
Đây là bài nghị luận về một đề tài vừa cấp thiết vừa có tính lâu dài, vừa là của đất nước vừa là của từng người (trước hết là các bạn trẻ), vừa là một bài xã luận, vừa là một văn bản chỉ đạo, vừa là một ý kiến riêng, vừa là ý kiến của vị lãnh đạo cấp cao, vừa có tính chất vấn đề đời sống, vừa có tính chất vấn đề tư tưởng, đạo lí đặc biệt bài văn chứa đựng một triết lý nhân văn có giá trị muôn thuở : “Con người quyết định tất cả”.
Đề bài: “Hành trang” nghĩa là đồ dùng mang theo và các thứ trang bị khi đi xa, vậy từ “Hành trang” được Vũ Khoan dùng trong “Chuẩn bị hành trang bước vào thế kỷ mới” có nghĩa như vậy không ? Vì sao ?
Gợi ý :
“Hành trang” được Vũ Khoan dùng trong bài viết có nghĩa là hành trang tinh thần như tri thức, kỹ năng, thói quen ... để đi vào một thế kỷ mới. Như vậy nghĩa từ “hành trang” trong bài rộng hơn so với nghĩa từ “hành trang” nhưng trên cơ sở nét nghĩa giống nhau là các thứ trang bị khi đi xa, khác nhau vật dụng vật chất và vật dụng tinh thần. Đây là sự phát triển nghĩa của từ theo phương thức ẩn dụ.
Đề bài: Em hãy trình bày cụ thể cách nêu những ưu nhược điểm của người Việt Nam của tác giả và phân tích ngắn gọn tác dụng của cách nêu đó ?
Gợi ý :

+ Thông minh, nhạy bén với cái mới nhưng thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành.

+ Cần cù sáng tạo nhưng thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, chưa quen với cường độ khẩn trương.

+ Có tinh thần đoàn kết, đùm bọc, nhất là trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, nhưng lại thường đố kỵ nhau trong làm ăn và trong cuộc sống thường ngày.

+ Bản tính thích ứng nhanh, nhưng lại có nhiều hạn chế trong thói quen và nếp nghĩ, kỳ thị kinh doanh, quen với bao cấp, thói sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức, thói “khôn vặt”, ít giữ chữ “tín”.
Bài viết này đã mang đến cho bạn đọc cảm giác rất bất ngờ. Tác giả không ca ngợi một chiều, cũng không chỉ toàn phê phán một cách cực đoan mà nhìn nhận song song, đối chiếu và đánh giá những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của người Việt Nam trong quan hệ với công việc, trong yêu cầu của sự phát triển xã hội. Đó là sự đánh giá khách quan và khoa học xuất phát từ thiện chí của tác giả muốn để chúng ta nhìn nhận về mình một cách đúng đắn chân thực, ý thức được những mặt tốt cũng như mặt chưa tốt của mình để phát huy hoặc sửa đổi.
Đề bài: Trong những hành trang cần chuẩn bị để bước vào thế kỷ mới, theo tác giả bài viết này điều gì có ý nghĩa quan trọng nhất ? Suy nghĩ của em về quan niệm ấy?
Gợi ý :
- Câu nêu vấn đề ở phần giải quyết vấn đề (luận cứ 1) “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất”.
- Căn cứ vào đặc điểm phát triển của thời đại hiện nay, vai trò của chủ thể con người trong một xã hội trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm ấy.
 
Từ khóa Từ khóa
chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới con người việt nam vai trò của con người văn nghị luận vũ khoan
1K
0
5
Trả lời
Đề bài: Theo em, thanh niên hiện nay cần trang bị những gì để bước vào thế kỉ mới?

Ông cha ta từng nói rằng:" hiền tài là nguyên khí của quốc gia", thanh niên chính là nguồn nhân lực dồi dào đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Vậy thanh niên cần trang bị những gì để bước vào thế kỉ mới?

"Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ". Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước như bác Hồ từng nói:"Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu...". Qua câu nói ấy, Bác đã khẳng định vai trò của thanh niên, của thế hệ măng non của đất nước. Vì vậy, việc thế hệ trẻ hiện nay cần có hành trang tốt đẹp để bước vào thế kỉ mới, một thế kỉ với sự hội nhập cao. "Trang bị" ở đây được hiểu là những kiến thức cần thiết về các lĩnh vực: công nghệ, kĩ thuật, xã hội,.. bên cạnh đó là những phẩm chất, đạo đức chuẩn mực của con người.

Trước hết, mỗi thanh niên cần có ý thức ,cần phải rèn luyện, nỗ lực hết mình để khẳng định giá trị của bản thân. Hơn hết, thanh niên phải ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ đối với xã hội. Ta sinh ra là để sống và cống hiến cho cuộc đời mà không màng những điều nhỏ nhặt và hèn nhát. Với lí tưởng cao đẹp ấy, thanh niên dựa vào đó mà học tập, trau dồi , bồi dưỡng để hướng đến những điều tốt đẹp. Hãy từ việc rèn luyện mà tìm kiếm cho mình một đam mê, một khát vọng, một mục đích sống để phấn đấu và phát triển. Trong hành trình cống hiến cho xã hội, thế hệ trẻ không thể thiếu đi óc sáng tạo. Sự sáng tạo là ngọn nguồn của những điều khác biệt, của những kiệt tác, phát minh vĩ đại của nhân loại. Vì vậy, thanh niên chúng ta không thể khuyết đi tính sáng tạo, cứ mải làm theo một lối mòn như một cái máy được mặc định sẵn, chúng ta sẽ trở thành những con robot bị thui chột mất một tài năng to lớn.

Trong cuộc sống, không ai là hoàn hảo, nên chúng ta cần khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại như " bệnh lười", " bệnh vô cảm",.. Trong Tony buổi sáng từng viết rằng:" Có một thế hệ trẻ mở miệng ra thốt "đam mê" nhưng vẫn dậy muộn, đói ăn ,lười đọc sách và mãi không kiếm ra tiền" . Chính vì vậy mà thế hệ trẻ chúng ta cần nghiêm khắc với bản thân, tìm đam mê nhưng đừng coi nó là một mỹ từ bao biện cho sự lười nhác của mình. Hãy đặt cho đam mê một kế hoạch , một dự định để thực hiện, biến những đam mê thành hành động thiết thực nhất.

Trong xã hội, không phải thanh niên nào cũng có cho mình một hành trang tốt đẹp, họ vẫn còn mắc phải những thiếu sót, những sai lầm của tuổi trẻ. Nhưng có lẽ những sai lầm ấy cũng sẽ trở thành một phần trong hành trang của con người. Khi ta còn trẻ ta được phép mắc lỗi, cứ sai đi vì cuộc đời cho phép, qua những sai lầm ấy ta lại học hỏi được nhiều điều hay, nhiều kinh nghiệm quý báu.

Khi những kĩ năng, hiểu biết và nhận thức được trang bị đầy đủ, những khó khăn trong cuộc sống ta cũng nếm trải đủ vị, lúc ấy thanh niên đã trưởng thành, không còn những bồng bột, hấp tấp khi đối diện với sóng gió cuộc đời. Ta nhìn lại tuổi trẻ, một thời tươi đẹp ta không hối hận hay nuối tiếc về những hành trang ta mang đi để vượt khơi xa.
 
Đề bài : Viết bài văn ngắn suy nghĩ về sự chủ quan trong cuộc sống (từ văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” – Vũ Khoan)

Bài làm:


Chủ quan là một thái độ sống tiêu cực, có ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả công việc của mỗi người trong cuộc sống.

Chủ quan chỉ thái độ của con người khi làm một việc nào đó mà mình biết được kết quả nhưng lại làm qua loa, sơ sài vì quá tin vào bản thân hoặc điều kiện thuận lợi của hoàn cảnh.

Người chủ quan thường lơ là, thiếu tập trung trong học tập và công việc. Trong thâm tâm, họ lúc nào cũng cho mình là nhất, là giỏi giang. Ví như các bạn học sinh giỏi, thường chủ quan với bài dễ dẫn đến những nhầm lẫn, sai sót không đáng có. Bởi quá tự tin vào bản thân, người chủ quan thường hài lòng với những gì đã có, không chịu khó học hỏi, mở rộng tầm hiểu biết. Do tự cho mình là giỏi nên không coi ai ra gì dẫn đến việc thiếu tính cầu thị, cầu tiến là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong công việc cũng như trong học tập. Những tính xấu này thường có ảnh hưởng rất lớn đến bản thân làm người chủ quan bị mọi người xa lánh tẩy chay,bởi họ bảo thủ không nghe ý kiến người khác để khắc phục bản thân, gây chia rẽ mất đoàn kết gây ảnh hưởng xấu đến học tập và công việc. Quá chủ quan khi đánh giá bản thân trong mối quan hệ với bạn bè và tập thể lâu dần sẽ dẫn đến tính cách huênh hoang, kiêu ngạo. Cũng giống như “ếch ngồi đáy giếng”, do hiểu biết hạn hẹp con ếch chỉ nghĩ bầu trời trên đầu mình bé tựa cái vung và nó thì là một vị chúa tể nên khi thay đổi môi trường nó vẫn giữ nguyên thói cũ và phải trả giá bằng mạng sống của mình. Hơn nữa chủ quan cũng dẫn đến việc đánh giá thiếu chính xác về hoàn cảnh, thường cho rằng hoàn cảnh thuận lợi mà thiếu đi sự chuẩn bị cần thiết cho bản thân để hướng đến thành công. Chủ quan trong học tập sẽ sinh ra lười học, thiếu sự sâu rộng về kiến thức, ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập.

Thái độ chủ quan có nguyên nhân sâu xa từ việc ta đánh giá phiến diện sự vật và hiện tượng do thiếu hiểu biết. Rút kinh nghiệm từ thực tế, áp dụng vào học tập và cuộc sống, mỗi học sinh cần cố gắng không ngừng học hỏi để mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết của mình, sống khiêm tốn, biết vượt lên chính mình.
 
Đề bài : Viết bài văn ngắn suy nghĩ về sự đố kị trong cuộc sống (từ văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” – Vũ Khoan)

Bài làm:


“Chừng nào con người còn so sánh lẫn nhau thì còn có sự đố kỵ” (S. Neckel). Sự đố kỵ, ganh ghét luôn tồn tại và là mảng màu tối trong cuộc sống vốn tươi đẹp của chúng ta.

Đố kị là tính cách tiêu cực của người thường tỏ ra khó chịu khi thấy người khác hơn mình. Trong xã hội hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, mối quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, tâm lý ganh ghét, đố kỵ càng trở nên phổ biến. Người đố kị luôn sống trong cảm giác bực bội, tức tối, ghen ghét với mọi người. Thậm chí, người đố kị còn sẵn sàng đặt điều nói xấu, bôi nhọ thanh danh, làm tổn hại người khác vì không muốn ai hơn mình. Tâm đố kị thường xuất phát từ sự ích kỉ, sự thiếu tự tin, mặc cảm, tự ti, bất mãn với bản thân nhưng bề ngoài lại luôn tự cao tự đại.

Mọi người thường nói “Gieo tính cách gặt số phận”, nếu yêu nhau, vun đắp cho nhau thì cuộc sống vô cùng êm ả, bình dị. Nhưng nếu rắp tâm hại người thì luôn phải vắt óc tính toán mưu đồ, sống không thoải mái, ít có thời gian để nhận ra và hưởng thụ những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sự đố kị tồn tại sẽ khiến nhiều người dễ dàng biến mình thành kẻ hèn kém, tiểu nhân, tự giam mình vào ốc đảo cô độc, biến những mối quan hệ đang yên lành trở thành thù hận, ganh ghét như vậy. Vì ganh ghét, đố kỵ mà hòa khí bị rạn nứt, đổ vỡ, sức mạnh đoàn kết và sự hợp tác của tập thể bị tổn thương. Lòng ganh ghét, đố kỵ còn cản trở con người phát triển tài năng. Trong một tập thể chỉ cần phảng phất chút lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người không sao sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau, nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy tác dụng. May mắn sao trong cuộc sống, phần đa mọi người sống với nhau nhân ái, rộng lượng, chân thành và giàu tình yêu thương.

Ý thức được đố kị là một tính xấu, mỗi học sinh đang trên con đường hoàn thiện nhân cách hãy cạnh tranh trong học tập, thể thao và các hoạt động khác một cách lành mạnh, chính đáng. Hãy là người có ước mơ, hoài bão cao thượng và phấn đấu đạt được điều đó bằng nỗ lực của chính bản thân mình.
 
Đề : Suy nghĩ về bao dung (Từ bài “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” – Vũ Khoan)

Bài làm:


Con người thường không tránh khỏi những vấp ngã, lỗi lầm trong cuộc sống. Để có thể đứng lên, bước tiếp ngoài nghị lực của bản thân, người ấy cần cả sự bao dung của người khác và của chính bản thân mình. Nói như Pi-e Bê-noa có câu: “Bao dung là đức tính đem lợi về cho cả ta lẫn người khác”.

Bao dung là lòng rộng lượng, khoan dung , thương yêu con người, sẵn sàng tha thứ, không khắt khe, không trừng phạt, hoặc sẵn sàng xoá bỏ những lỗi lầm mà người khác thường là người dưới đã phạm phải.

Trong cuộc sống khó tránh khỏi những va chạm, xung đột trong lời nói, hay việc làm, hành động có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc nếu ta không biết nhìn nhận lại chính mình, xem xét khách quan sự việc, chủ động giảng hòa, sẵn sàng tha thứ, bắt tay cởi bỏ oán thù.

Tha thứ cho lỗi lầm của người khác có tác dụng cảm hóa người phạm phải sai lầm. Họ thấy lòng bao dung của ta mà ăn năn, hối hận, sửa chữa lỗi lầm. Lòng khoan dung của một người còn có thể tiếp thêm nghị lực sống cho nhiều người khác. “Sự khoan dung là món trang sức của đức hạnh”. Trong tác phẩm “Những người khốn khổ” của V.Huy-go, chẳng phải tấm lòng bao dung đức độ của Cha xứ như một tia sáng soi rõ, giúp Giăng-văn-giăng tìm lại được con người thật của mình trước khi bị chính cái tòa án với những bản án khắc nghiệt điên rồ biến ông thành kẻ trộm cắp xấu xa, một người tù khổ sai khốn cùng. Và rồi ông đã bắt đầu lại cuộc đời dựa trên chính lòng bao dung mà ông đã được con người cao thượng kia trao tặng trở thành một ngài thị trưởng đáng kính được người người tán thưởng. Rồi: “đem đại nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân để thay cường bạo” những câu thơ hùng hồn đó chẳng phải đã in sâu vào lòng người Việt ta từ bao đời nay, đã trở thành phẩm chất quý giá, tài sản, dũng khí sắc bén thể hiện qua từng cuộc chiến thắng giặc ngoại xâm?

Một người có tấm lòng bao dung sẽ không bao giờ chấp nhặt những chuyện cỏn con mà người khác đã gây ra cho mình. Đó là cách ứng xử rộng lượng, có văn hóa, vị tha. Vì vậy, cuộc sống của họ trở nên thoải mái, họ thấy nhẹ lòng, tránh xa những suy nghĩ tiêu cực, không hẹp hòi hay có những suy nghĩ việc làm trả thù, độc ác và họ sống chan hòa với mọi người xung quanh mà không hề để tâm những mâu thuẫn, xung đột xảy ra. Nhờ thế mà họ sẽ được nhiều người yêu quý, cảm mến. “Người hạnh phúc nhất là người không bao giờ giận”.

Thói xấu của con người trong cuộc sống (ấn tượng, thành kiến, ích kỉ, hẹp hòi,…). Nếu dùng lòng khoan dung để đối nhân xử thế thì những thói xấu đó sẽ không có cơ hội tồn tại. Trong mối quan hệ xã hội, một điều nhịn bằng chín điều lành, hãy thử đặt mình vài địa vị đối phương, sẵn lòng bỏ qua những thiếu xót và cùng nhau bắt tay làm lại, mọi việc nhờ đó sẽ thuận buồm xuôi gió. Trong mối quan hệ thứ bậc, giả dụ như không có lòng khoan dung cao cả, tấm lòng vị tha to lớn vì thương yêu con cái, dù chúng có làm gì sai trái đi chăng nữa, cha mẹ vẫn luôn sẵn dang rộng cánh tay chào đón chúng trở về, con cái nhờ đó biết được tình thương yêu sâu rộng của đấng sinh thành luôn dành trọn cho mình, rồi biết chọn cho mình đường mình sẽ bước, rằng con cũng sẽ cho đi và chia sẻ với cả mọi người lòng khoan dung cha mẹ đã dành cho con; rồi trong mối quan hệ giữa anh em trong nhà, nhường nhịn nhau, luôn hòa thuận, luôn biết đùm bọc nhau mà sống thì ngoài trời dù tuyết rơi nhưng trong nhà vẫn ấm. Trong mối quan hệ vợ chồng “Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”. Có thế thì con người mới được sống trong sự bình an, sung sướng được.

Trong thực tế, chúng ta cần lên án những người sống nhỏ nhen, ích kỉ, không biết khoan dung và chúng ta cũng không nên khoan dung với cái xấu, cái ác.

Như vậy, nhận thức được bao dung là niềm vui to lớn, đích thực để trước hết là mình thanh thản, mỗi chúng ta phải rèn luyện lòng khoan dung, đối xử với người khác bằng tình yêu thương, biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác cũng như chính bản thân mình. Khi người ta biết bao dung, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, tâm hồn mỗi người cũng trở nên thanh thản hơn, cuộc sống vì thế cũng trở nên đáng sống hơn. Hãy luôn nhớ “Tài sản lớn nhất của đời người chính là lòng khoan dung”.
 
  • Like
Reactions: Vanhoctre
Đề bài : Suy nghĩ về tình trạng học chay, học vẹt trong học đường tại Việt Nam (từ văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” – Vũ Khoan).

Bài làm:


Trong những năm gần đây, nền giáo dục đã có những chuyển biến mạnh mẽ và tích cực nhất là về nội dung và phương pháp giảng dạy thế nhưng tình trạng học chay, học vẹt của học sinh vẫn tồn tại.

Học chay là cách học đơn lập, chỉ học lí thuyết suông mà không gắn với thực hành, thực tế để rèn luyện kĩ năng, kiện toàn và phát triển năng lực người học.

Học vẹt là một cách nói ẩn dụ, ví cách học của học sinh như cách học của con vẹt. Học sinh chỉ bắt chước sao cho giống, lặp lại trôi chảy nhưng không hiểu gì.

Học chay và học vẹt là cách học thụ động, tiêu cực. Người học nhanh quên kiến thức vì thực tế chỉ nhớ được cái bóng của kiến thức chứ không lĩnh hội được nội dung, ý nghĩa hay vận dụng linh hoạt vào đời sống. Đây là cách học lệch lạc, sai lầm và phản khoa học.

Ở nhiều trường học, phòng thực hành, phòng thí nghiệm ở nhiều cơ sở giáo dục chưa thể đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chương trình các môn khoa học tự nhiên thiên về dạy lý thuyết. Nhiều bài học thiếu tính ứng dụng, thực hành sinh động mà thiên về truyền thụ một chiều. Học sinh học mà không được thực hành khắc sâu kiến thức. Học sinh vẫn học chay, học vẹt trên trang sách.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học chay, học vẹt của học sinh. Do chương trình, cơ sở vật chất, nhưng điều đặc biệt là do nhận thức chưa đúng đắn của người học. Học sinh thiếu tinh thần chủ động, tự giác để tiếp thu và vận dụng kiến thức một cách linh hoạt. Điều này để lại những hậu quả đáng suy nghĩ. Học sinh học nhiều nhưng hiểu ít, thiếu kiến thức, thiếu kĩ năng và năng lực làm việc thực tế lâu dài ảnh hưởng lớn đến hiệu quả học tập và công việc.

Để chấm dứt tình trạng học chay, học vẹt ngoài việc thay đổi từ con đường truyền thụ kiến thức thì mỗi học sinh chúng ta phải chủ động tìm tòi, vận dụng kiến thức vào thực tế sinh động, hướng đến hoàn thiện kĩ năng, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ trong đời sống ở tương lai.

Học chay học vẹt, học đối phó là cách học nguy hại, cần phải loại bỏ. Học phải đi đôi với hành. Học không phải để cầu danh cầu lợi. Học để sống và làm việc thành công trong sống.



 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.