Chia Sẻ Con người Nam Bộ trong sáng tác của Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc

Chia Sẻ  Con người Nam Bộ trong sáng tác của Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc

H
Hoàng Cung
  • Người yêu văn chương đến từ Sóc Trăng
CON NGƯỜI NAM BỘ TRÊN HÀNH TRÌNH
MỞ ĐẤT VÀ GIỮ ĐẤT TRONG SÁNG TÁC CỦA BÌNH NGUYÊN LỘC VÀ SƠN NAM

Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam là hai cây đại thụ của văn học Nam Bộ. Bằng tài năng và tâm huyết, các ông đã khắc họa thành công vẻ đẹp của con người Nam Bộ trên hành trình mở đất và giữ đất, giúp độc giả có được cái nhìn đầy đủ, đa chiều về chân dung con người phương Nam. Đó là những con người quả cảm, sáng tạo, giàu hi sinh, có lòng lạc quan, yêu đời, không nguôi khắc khoải về cội nguồn khi chinh phục và gắn bó với miền đất tân lập.

1. MỞ ĐẦU

Bình Nguyên Lộc (BNL) và Sơn Nam (SN) là những cây đại thụ của văn học Nam Bộ. Hai ông đều có bút lực dồi dào; giàu tình yêu với quê hương, xứ sở; cùng trải qua những thăng trầm của thời cuộc; đặc biệt là sống - viết chủ yếu vào giai đoạn vận mệnh dân tộc luôn đặt trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc: giai đoạn miền Nam bị tạm chiếm.

Trong hoàn cảnh sinh hoạt văn nghệ tiến bộ bị đế quốc Mĩ và chính quyền ngụy vừa kìm kẹp, khủng bố, vừa “mê hoặc bởi các tiện nghi sinh hoạt hiện đại và lối ăn chơi hưởng thụ, trác táng, sa đọa” [11, tr. 21], BNL và SN đã lựa chọn được hướng đi đúng: đứng về phía nhân dân, đứng về phía dân tộc. Hai ông khẳng định cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm văn học là ca ngợi vẻ đẹp con người Nam Bộ. Quan niệm Phù sa (Tác phẩm của BNL, có ý tưởng làm sống lại cuộc Nam tiến vĩ đại của đồng bào Nam - Ngãi trong hành trình mở mang bờ cõi, dựng nên miền Lục tỉnh - P.T.T.T) “là một món nợ tinh thần mà mình cần phải trả... Khó mà nói trước được tháng nào năm nào mới trả hết nhưng không trả không xong” [Dẫn theo 1, tr. 21] và “Muốn hiểu “hồn dân tộc” thì nên xem việc khẩn hoang với những trung tâm văn hóa dân gian” [7, tr. 317], mặt khác để tránh sự kiểm duyệt gắt gao của Mĩ ngụy nhưng vẫn giúp “người Sài Gòn, người miền Nam hiểu thêm về vùng đất mình đang sống, góp phần tạo sự gắn bó máu thịt giữa đất và người, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và hướng về cách mạng của không ít thanh niên trong lòng đô thị miền Nam trước giải phóng” [7, tr. 337], BNL và SN đã viết về con người Nam Bộ trên hành trình mở đất và giữ đất gian truân, khổ ải nhưng vinh quang và tươi đẹp. Đó là những con người quả cảm, sáng tạo, giàu hi sinh, có lòng lạc quan, yêu đời, không nguôi khắc khoải về cội nguồn khi chinh phục và gắn bó với miền đất tân lập.

2. NỘI DUNG

2.1. Con người Nam Bộ hành động quả cảm, sáng tạo để chinh phục miền đất mới


Nam Bộ là một vùng đất mới được khai phá từ thế kỉ XVII, có điều kiện tự nhiên và xã hội hết sức đặc biệt. Thiên nhiên Nam Bộ vừa hoang sơ, khắc nghiệt vừa màu mỡ, phì nhiêu. Ở đây, có hòn Cổ Tron nằm giữa vịnh Xiêm La với xung quanh là hòn Mẫu, hòn Dài, hòn Cổ Sơn, hòn Móng Tay mà khoảng cách với đất liền lên tới ba bốn trăm cây số tính bằng cách chạy ghe theo đường gãy nhưng khi “hoàng hôn tràn tới chính là lúc cảnh vật dưới biển ngời lên, bóng mây phản chiếu lấp lánh như gấm muôn vì sao trên dải Ngân Hà sa xuống đậu lấm tấm khắp nhánh san hô trắng bạc” [9, tr. 228]. Ở đây, có rừng U Minh Hạ, cá sấu đậm đặc hơn trái mù u chín rụng, “con thì nằm dài như chiếc xuồng lường, con thì dùng hai chân trước mà vạch sậy, ngóng mỏ xéo lên trời như họng súng thần công đại bác” [8, tr. 86] mà hương rừng thì ngào ngạt, cây rừng được rắc hằng hà sa số đợt bông gòn, “bông kết oằn sai, mịn màng, trắng tuyết; đài, cánh đâu không thấy chỉ thấy toàn là nhụy ngọt” [9, tr. 275]. Con người Nam Bộ cũng đến từ nhiều miền đất khác nhau. Họ từ Trung Hoa sang tị nạn, từ Ngũ Quảng đến lập nghiệp, từ phía trên châu thổ sông Mekong mở rộng địa bàn cư trú xuống vùng hạ lưu châu thổ, từ Campuchia trở về định cư ở vùng ven biên giới... Họ thuộc các tộc người Việt, Hoa, Khmer, Chăm, sống xen kẽ với nhau, đoàn kết và gắn bó. Để có thể đồng cam cộng khổ chinh phục được sự dữ dội, bí ẩn và tận hưởng sự trù phú, bất tận của thiên nhiên, con người Nam Bộ đã có những hành động vô cùng quả cảm, can trường với tinh thần sáng tạo mềm dẻo, linh hoạt...

Trước hết, điều đáng trân trọng, nể phục ở các tiền nhân khi bắt đầu hành trình mở cõi về phương Nam là quyết tâm ra đi, là sự dũng cảm dám đương đầu với thử thách. Người Việt vốn có xu hướng sống liên kết chặt chẽ với nhau theo quan hệ huyết thống và quan hệ làng xã, dẫn đến hậu quả tiêu cực là tâm lí an phận thủ thường, ngại thay đổi; thói dựa dẫm, ỷ lại; việc phân biệt giữa dân chính cư và ngụ cư... Những người đầu tiên đặt chân đến miền đất mới đã khắc phục được mặc cảm lưu lạc, tha hương, đã vượt qua được sự lo lắng, bất an về một tương lai mơ hồ, dấn thân đến những nơi chưa có dấu chân người. Gia đình thằng Cộc (Rừng mắm - BNL) đang sống ở nơi có hàng trăm ngôi nhà, có vườn cây trái, có nước ngọt quanh năm, “nhưng không hiểu sao một hôm, tía má nó bán chiếc chòi lá đi, rồi ông nội nó, tía nó, má nó và nó, một đứa bé mười tuổi, kéo nhau xuống một chiếc xuồng cui, một thứ xuồng to mà người ta gọi là xuồng mẹ, ghe con, rồi họ đi lang thang từ rạch hoang vắng này đến kinh hiu quạnh nọ, và rốt cuộc dừng bước nơi cái xó không người này mà ông nội nó đặt tên là xóm Ô Heo” [13, tr. 644]. Những người đi tiên phong ý thức được vai trò, sứ mệnh của mình, như lời Tư Lập nói với thằng Kìm (Hương rừng - SN) : “Con nhà tướng đi mở đường máu mà” [9, tr. 273].

Tiếp đến, công cuộc khẩn hoang đòi hỏi người dân Nam Bộ phải ứng phó quyết liệt và linh hoạt trước sự đe dọa tính mạng của thú dữ, các trở ngại của thiên nhiên, những hoài nghi trong lòng người nhằm duy trì sự sống, ổn định nơi ăn, chốn ở, xây dựng, phát triển một vùng đất trẻ, qua đó khẳng định sức mạnh vô song, sự mưu trí của những người đi đầu trong hành trình mở đất.

Chinh phục vùng đất mới, các nhân vật của BNL và SN luôn phải đối mặt với vấn đề thú dữ, muỗi mòng, đỉa… Chúng làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt, sự an toàn và hạnh phúc của người dân. Vùng Gò Quao, cọp bỏ rừng sâu, đi dạo xuống bãi sông để tìm mồi, thò cả đuôi vô kẽ hàng rào quanh nhà. Con sông Ngã Ba Đình có nhiều sấu hung ác, ngày cưới vợ cho con trai út của ông cai tổng Hy, đoàn ghe rước dâu bị sấu cản mũi, cô dâu mất dạng sau khi “quơ đôi chân ngược lên trời, lần cuối cùng, đầu và mình đều khuất dưới mặt nước xao động, trong miệng sấu” [9, tr. 11]. Ở Ô Heo, “muỗi mòng quơ tay một cái là nắm được cả một nắm đầy” [13, tr. 645]... Người dân Nam Bộ đánh sấu, đánh cọp, lúc thì đánh bằng sức: “Công việc đầu tiên là đốn tre tầm vông vạt nhọn để sẵn. Khi gặp cọp thì đánh trống lên, cả xóm xách tầm vông tới nghinh chiến” [9, tr. 219] hoặc “cưỡi lên lưng con sấu, lật hai chân trước của nó cho trở ngược lên lưng” [9, tr. 21] rồi tiếp tục điều khiển như người cầm cương ngựa, buộc sấu phải khuất phục; lúc lại bằng mưu như việc ông Năm Hên (Bắt sấu rừng U Minh Hạ - SN) châm lửa đám sậy đế trong ao để sấu phải bỏ ao bò lên rừng theo con đường đào sẵn, dùng khúc mốp khóa miệng sấu, xách cái mác cắt gân đuôi sấu, lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau của sấu lại, chừa hai chân trước để sấu bơi tiếp với mình. Những người ở nơi rừng sâu nước thẳm còn biết tránh muỗi theo cách riêng, hồn nhiên mà độc đáo. Cô con gái Út của ông bà Cả (Cô Út về rừng - SN) sinh tất thảy sáu đứa con theo kiểu năm một vì “ở miệt dưới muỗi dữ lắm. Chạng vạng là cả nhà, vợ chồng con cái rúc vô mùng nói chuyện. Ít ai đi đâu” [9, tr. 46]. Nơi “muỗi kêu như sáo thổi” có những bí mật riêng, đúng như Sơn Nam đã viết “Nó làm hại sức khỏe con người. Nhưng nó gắn bó mối tình chồng vợ hơn ở xứ không có muỗi” [9, tr. 47]. Không lên gân, không quá ồn ào, hai nhà văn đã tái hiện cuộc chiến đấu hào hùng của con người Nam Bộ với côn trùng, thú dữ bằng giọng kể giản dị, tự nhiên, nhưng vẫn giúp độc giả cảm nhận được sự phi thường, dũng cảm của những tiền nhân.

Thiên nhiên Nam Bộ khắc nghiệt song đa dạng. Những người đi khẩn hoang sẵn sàng đối mặt với sự thất thường, đỏng đảnh của thiên nhiên và biết cách tận hưởng những gì tươi đẹp mà thiên nhiên hào phóng ban tặng. Đó là cách ứng xử thích hợp của con người Nam Bộ để sinh tồn, phát triển. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm đã khẳng định: “Trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên có thể xảy ra hai khả năng: những gì có lợi cho mình thì con người hết sức tranh thủ tận dụng, còn những gì có hại thì con người phải ra sức ứng phó” [14, tr. 186]. Một năm, Nam Bộ có hai mùa rõ rệt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 với lượng mưa lớn chiếm hơn 80 % lượng mưa của cả năm dẫn đến khoảng 1 triệu ha ngập trong nước lũ. Khi lênh đênh trên một chiếc xuồng nhỏ, cha lại đang hấp hối, thằng Kìm (Một cuộc bể dâu - SN) mới cảm nhận hết sự đáng sợ của sông nước miền Tây: “Qua lượn sóng to này nó hồi hộp, chưa kịp nghỉ tay mà lượn sóng khác tràn tới... Nước chảy hăng, tràn lan từ bờ sông Hậu Giang ra vịnh Xiêm La, chảy mãi về hướng Tây. Nó thắc mắc: nước ở đâu mà nhiều quá, ngập đồng ruộng, sâu cỡ hai thước, mênh mông không bờ bến như biển khơi” [10, tr. 13]. Những người chết vào thời điểm này như cha nó, người dân Nam Bộ có hai cách: “một là xóc cây tréo ở giữa đồng rồi treo lên mặt nước, chờ khi nước giựt mới đem chôn lại dưới đất” hoặc “bỏ xác lại rồi dằn cây dằn đá mà neo dưới đáy ruộng” [10, tr. 17]. Mùa nước lũ, để đảm bảo sản xuất, người dân Nam Bộ đưa cả đàn trâu lên núi Ba Thê, qua miệt Bảy Núi, trâu được ăn thứ cỏ phảng phất mùi giống như vị thuốc bắc; họ chọn cách làm ruộng Lò Bom, gieo loại lúa Xom Ma Cà, tổng cộng làm ruộng tốn có một ngày rưỡi mà có lúa ăn... Mùa khô, nước rút, Nam Bộ ở trong trạng thái khô kiệt, nhiều diện tích đất nhiễm phèn, mặn chát. Cả nhà thằng Cộc (Rừng mắm - BNL) uống nước đọng trên lung, trên rừng, “đóng mười hai cây cộc, làm thành bốn cái giá ba chơn... Trên mỗi giá đặt một cái nồi lủng đít, và trong nồi để đầy đất mà tía nó mang từ xa về... Hành, ớt, rau răm, rau mồ om được trồng trong mấy cái vườn cao cẳng đó. Đó là bốn thứ tối cần, đất mặn bao nhiêu cũng lập thế mà trồng không thôi không có món gia vị nào để ăn cá nữa” [13, tr. 652 - 653]. Hành trình mở đất được bắt đầu từ những việc đơn giản như thế, cho thấy sự năng động và đời sống sinh hoạt thể hiện bản sắc văn hóa của người Nam Bộ khi chinh phục miền sơn cùng thủy tận.

Địa hình của vùng đất tân lập cũng khá đa dạng, có sự đan xen của đất đỏ bazan, đất phù sa cổ và phù sa mới; bên cạnh những cù lao, dải bờ biển là những vạt đất ven sông, giồng cát ven biển; sông ngòi, kênh rạch dày đặc... Tiền nhân đã kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ làm tất cả những gì có thể để lấn biển, hạn chế xói lở, chống gió bão, chống nạn cát bay; canh tác và khai thác các nguồn lợi thực vật, động vật; thông thương, đi lại giữa các xóm các ấp... Năm xưa, ông nội với tía thằng Cộc (Rừng mắm - BNL) đốt rừng tràm từ ngoài bờ rạch, lấy đất trồng lúa, nhưng chưa đủ sức đánh bật những gốc tràm tươi rói đành cấy lúa giữa những gốc ấy, chờ đợi mỗi năm chết lần mòn thêm vài mươi cây tràm cứng đầu, rồi trở thành chủ nhân xứng đáng của những mảnh đất mà họ đã đổ mồ hôi, nước mắt để khai phá. Năm tới, khi rừng mắm mọc trên đất phù sa ngã rạp, giống tràm nối ngôi, và sau mấy đời tràm, đất thuần, “ta làm ba mươi công, và sẽ gọi dân cấy gặt ở xa tới để phụ lực... vùng Ô Heo sẽ sầm uất, vui biết bao nhiêu” [13, tr. 660]. Sự phong phú của hệ sinh thái còn dẫn đến Nam Bộ là nơi cư trú của các quần thể thực vật, động vật với các rừng mắm, rừng đước, rừng tràm...; có cá, tôm, rùa, rắn...; nhiều sân chim khoảng chục loài và số lượng ước đến hàng mấy vạn con. Nơi gia đình thằng Cộc sống, “rừng tràm dày mịt, chằng chịt những dây bòng bong, dây choại bò từ thân cây này sang thân cây khác” [13, tr. 647], “rùa nhiều như kiến. Đốt rừng rồi đón trên đầu gió một cái là chúng nó lạch cạch chạy trốn, bắt không kịp lận” [13, tr. 650], “chim cao cẳng đủ loại đáp đầy trong cỏ” [13, tr. 658]... Từ những nguồn lợi kể trên, những người dân đến khẩn hoang đã làm rất nhiều nghề để sinh nhai và trụ lại vùng đất phương Nam. Ăn ong và đốn củi là hai nghề thường đi liền với nhau, thích hợp với những vùng xung quanh đều là rừng tràm. Những người thợ ăn ong và đốn củi là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Họ biết mẹo ăn ong được nhiều, biết che mắt lính kiểm lâm việc đốn củi bằng hình thức giăng câu bắt rắn. Cứ hừng sáng, họ đi vào rừng. “Gặp cây nào to lớn, ngay thẳng họ hạ xuống lột vỏ, ngâm bùn chôn giấu để làm cột nhà, bán với giá đắt hơn. Cứ mười bữa họ cho người chở củi ra chợ Thới Bình giao cho nhà vựa củi” [8, tr. 226 - 227]. Không chỉ vậy, người Nam Bộ còn làm nghề bắt cá tôm (được nhắc đến trong truyện Cao khỉ U Minh, Bác vật xà bông, Đảng xăm mình, Người mù giăng câu... của SN); nghề bắt rắn, nghề bắt rùa (SN miêu tả cụ thể kinh nghiệm làm nghề trong truyện Cây huê xà, Con rắn ri voi, Kéo trúm, Con bà Tám, Cấm bắt rùa...); nghề bắt chim (được đề cập trong truyện Bốn cái ngu, Con trích ré, Tháng chạp chim về... của SN)... Sự đa dạng nghề nghiệp tạo nên nét thú vị cho cuộc sống của người dân ở vùng đất mới. Ông Tư Huỳnh (Cao khỉ U Minh) tin rằng phải ăn nhiều cá mới khỏi chết vì bệnh rét rừng, đặc biệt là ăn nhiều cá sẽ bù được lượng máu bị mất do muỗi rừng U Minh đốt. Theo ông, rừng U Minh không thiếu cá, cho nên trong bữa nhậu, ông và mọi người đã ăn từ cá lóc nái đến cá sọc rằn, đến nỗi đống xương cá vun lên khá cao và nếu rỉa cho kĩ thì “trong đống xương đó còn dính chừng một kí lô cá” [8, tr. 159]. Người dân vùng Rạch Giá, Hà Tiên thì kéo đến các sân chim để bắt chim, lông chim kết thành quạt, mỡ chim nấu thành dầu để thắp đèn còn thịt chim đem xào sả nghệ và trộn nước cốt dừa ăn rất ngon. Nhưng người Nam Bộ “sinh nghề tử nghiệp”. Thất bại của Hai Nhiệm (Con bà Tám) khi xây nò bắt cá hay cái chết của cha con Năm Điền (Cây huê xà) vì muốn có toa thuốc trị rắn càng cho thấy những khó khăn, gian khổ của những người đi tiên phong trong hành trình mở rộng bờ cõi về phương Nam. Sông nước mênh mang cũng là thử thách đối với cuộc sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên, con người Nam Bộ biết cách vượt qua được trở ngại này. Họ cất nhà dọc mé sông để ở, sắm ghe, xuồng làm phương tiện đi lại, kiếm sống. Không chỉ vậy, ghe, xuồng còn là nơi để họ nương thân, kiếm tìm hạnh phúc. Vợ chồng anh Nhánh (Không một tiếng vang - BNL) ở trên một cái ghe nhỏ, khi thì lặn mò cây dưới đáy sông, lúc thì xúc cá cho một tiệm cháo, cuối cùng chết vì nghề xúc cát ở một cồn ngầm sâu. Mẹ con cô Hồng (Con cá chết dại - SN) từ Long Xuyên đi xuồng xuống Rạch Giá làm mướn, “hy vọng đem về vài giạ lúa sớm và một hũ mắm” [4, tr. 39]. Cô Bảy (Con Bảy đưa đò - SN) sống một thân một mình, lúc đầu chuyên nghề bán bánh bò cho ghe xuồng qua lại để độ nhật, sau lái đò qua sông, về già thì ngồi lì ở một bến sông bán món thịt heo luộc ngon ngọt không đâu sánh kịp. Hai Cần (Vẹt lục bình - SN) dùng chiếc xuồng cũ vượt qua lúc nước xuôi gió ngược, vẹt lục bình, ném từng giề quăng lên cao và thật xa để đến hỏi cô Hiếm ở nơi “gạo trắng nước trong” làm vợ.

Nam Bộ là nơi cộng cư của nhiều tộc người với những bản sắc văn hóa khác nhau: Việt, Hoa, Khmer, Chăm... Vì nhiều lí do họ đến mảnh đất này. Có thể bởi khát vọng đổi thay cuộc đời ở một vùng đất đai màu mỡ, có lẽ do mong muốn được sống ở một nơi tự do, ít phải chịu sự bó buộc của chính quyền, không ai rành tung tích... Thời gian đầu mới tiếp xúc với nhau, người dân thuộc các tộc Việt, Hoa, Khmer, Chăm không tránh khỏi sự dò xét, ngờ vực, nghi ngại. Nhưng thực tế công cuộc khẩn hoang giúp họ hiểu ra sự cần thiết và tất yếu của tinh thần hợp tác, sự dung hòa của những sức mạnh nội lực và ngoại sinh. Sự xuất hiện của một người Trung Hoa tại xóm Sóc Xoài (Hồn con mèo - SN): “già trên bảy mươi, tay chống cây gậy trúc, mặc áo ngắn, có râu năm chòm bạc phếu” [3, tr. 179] đã khiến chủ ấp nghi ngờ ông lão này làm tay sai cho kiểm lâm hay đi tìm kho báu đang được chôn giấu. Những người dân làng Long Phú (Ngó lên sở thượng - SN) khi chạy Tây đã ngần ngại không dám vào làng Liên Tú, làng toàn người Miên - tên gọi khác của người Khmer, vì không biết tiếng, bởi chưa làm quen với bà con, đến đột ngột sợ họ nghi ngờ. Nếu anh Pô (Lò chén chòm sao - BNL) xác định mình là người Minh Hương cũng giống người An Nam nên thích nói tiếng An Nam thì chú Yều vẫn khăng khăng phân biệt: “Như sao được, Triều Châu khác, An Nam khác chớ” [12, tr. 274]. Song đúng Con người Nam Bộ trên hành trình mở đất và giữ đất trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam 42 như BNL từng kết luận, người Chăm, người Khmer có điểm chung với người Hoa lập nghiệp tại miền đất tận cùng hình chữ S là “không nguy hại cho an ninh và nền kinh tế của ta chút nào cả... chỉ mong được chén cơm hàng ngày” [13, tr. 871] bằng một tinh thần nhẫn nại đến bền bỉ. Họ đã sống cùng nhau mấy trăm năm, chia sẻ những khó khăn, hoạn nạn. Vợ chồng ông Bang, người Hoa (Ông Bang cà ròn - SN), mua cà ròn của người Miên trong sóc đan thật kĩ và thật khéo, ứng trước tiền cho các gia đình, gây được cảm tình với tất cả dân chúng trong sóc. Thầy Hai (Một người hàng xóm - SN) sẵn lòng giúp đỡ gia đình người Hoa ở kề vách bất cứ công to việc lớn nào vì quý sự chí thú làm ăn, không hề gây gổ với ai của họ. Những người Hời - tên gọi khác của người Chăm (Cô Hời bán thuốc - BNL), mỗi năm đến Sài Gòn độ ba bốn kì để bán thuốc và bán những món nữ trang bằng mây đan nhuộm màu, họ “biết nói đùa có duyên như là “giá chồng, giống chà”, biết so sánh lạ lùng như là “khó hơn qua khe núi”, biết nói bập bẹ tiếng Việt” [12, tr. 586]. Trong công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam, các tộc người hòa nhập với nhau, đến mức chú Yều có lúc không còn biết mẹ chú là người Việt hay người Hoa nữa, còn Sanh thấy cô Hời bán thuốc biết dùng những từ người Việt thường nói tuy ngạc nhiên mà chẳng hề tìm hiểu. Hệ quả là trên miền đất tân lập, người ta dễ dàng tìm được những xóm làng giống như địa danh Cù Là, “nơi gặp gỡ tự nhiên của hai con rạch cong queo và dùng đến ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Miên, tiếng Triều Châu” [10, tr. 271] với những con người “ai nấy làm ăn vui vẻ” [4, tr. 193].

Tóm lại, bằng sức mạnh được cộng gộp, chung đúc bởi biết bao hành động dũng cảm, can trường, thể hiện sự mưu trí, năng động, những người “Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng” biến vùng đất hoang vu, “rừng thiêng, nước độc” trở thành nơi trù phú, đáng tự hào, và mời gọi các thế hệ tiếp bước thành quả của ông cha.

2.2. Con người Nam Bộ giàu lòng hi sinh, có tinh thần lạc quan, yêu đời, không nguôi khắc khoải cội nguồn khi gắn bó với miền đất mới

Mở mang bờ cõi không phải là công việc chỉ có sự vinh quang, oai hùng. Mở mang bờ cõi đã lấy đi bao máu, mồ hôi, nước mắt của những người khẩn hoang. Để có lúc họ thấy nhụt chí, nản lòng, muốn dừng lại phía sau. Ở xóm Ô Heo hiu quạnh, thằng Cộc (Rừng mắm - BNL) “thèm người vô cùng, thèm còn hơn thèm một trái xoài ngọt, một trái khế chua mà từ năm năm nay nó không được nếm” [13, tr. 644] và hơn một lần nó muốn bỏ đất mà đi, “đi đâu cũng được, miễn ở đó có làng xóm, có người ta” [13, tr. 654]. Thấy bàn tay của người mình trộm nhớ thầm thương bị rụng hết ngón vì chứng bệnh cùi, Tư Lập (Hương rừng - SN) “viện cớ ra đi... không thèm làm nghề ăn ong nữa... về Long Xuyên” [9, tr. 270]. Nhưng rốt cục, thằng Cộc và Tư Lập đều ở lại, gắn bó với nơi mà bao lớp người, trong đó có cả bản thân mình đã bỏ công sức, trí tuệ tạo dựng, vun xới. Căn nguyên, cội rễ của việc giữ đất, bám rừng chính là người Nam Bộ ý thức được sứ mạng của người đi tiên phong; trân trọng sự hi sinh thầm lặng của tiền nhân; tìm được niềm vui sống từ bùn lầy, mưa nắng; mặc dù vẫn không thôi khắc khoải về cội nguồn, đau đáu bởi niềm thương nhớ dĩ vãng.

Phát cỏ trồng lúa, đốn cây lấy củi hay đơm cá, bắt chim ban đầu chỉ là những việc cần thiết nhằm duy trì và ổn định cuộc sống của những người đi tha hương. Nhưng khi miền đất mới được hình thành và trở nên giàu đẹp, lại chứng kiến các thế hệ khẩn hoang ngã xuống lót đường cho con cháu đi tới, người Nam Bộ không khỏi chiêm nghiệm, nghĩ suy về quyển sử trường cửu của đất nước, mà mình là “một tờ giấy bao la”, “một nét chữ không nhòa”. Ông nội thằng Cộc (Rừng mắm - BNL) nói cho nó hiểu đức hi sinh cao cả của những người đã bỏ mồ mả tổ tiên để lăn lộn chốn “sơn lam chướng khí” bằng những lời lẽ giản dị, nhẹ nhàng mà minh triết: “Ông với lại tía con đây là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Đời con là đời tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. Đời mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau” [13, tr. 660]. Ông cũng gửi gắm kì vọng thằng Cộc sẽ viết tiếp lịch sử mở đất: “Con, con sắp được hưởng rồi, sao lại muốn bỏ mà đi. Vả lại con không thích hi sinh chút ít cho con cháu của con hưởng sao” [13, tr. 660]. Vì ông hiểu rằng lịch sử bao giờ cũng cần những người như đàn kiến xung phong đi tốp đầu liều chết lội qua chỗ nước rộng để làm cầu cho bạn đi sau vào đến nơi có chất ngọt, và lịch sử là gì “nếu không phải là sự truyền lửa từ lớp người vô danh này đến lớp người vô danh khác cho cây đời mãi xanh tươi” [1, tr. 69].

Nhiều khi người già còn lo giữ gìn, bảo mật nghề mang đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp cho đời sau với mong muốn những cánh đồng lúa mình bỏ công cày cấy ngày càng mênh mông, bát ngát, những miệt vườn mình từng góp sức trồng trọt thêm phần sum xuê, trĩu quả. Ông Sáu (Nỗi buồn của người sắp chết - BNL) nhắm mắt không yên vì chưa dạy được nghề đóng cối xay cho thằng con Út. Thầy Quýt (Đóng ông thầy Quýt - SN) chỉ day dứt một điều: “Khi xưa người dân phá rừng mở nước, họ làm lụng suốt ngày quên ăn cơm, cứ mỗi cây phảng nặng một yến. Bây giờ chỉ phát một buổi mà cây phảng sụt xuống còn năm cân mà lắm người than mệt... Liệu à, mày đừng bắt chước tao! Tao là đứa làm biếng sau chót hết, mày phải ráng sức giữ lấy nghề nông” [9, tr. 98]. Người Nam Bộ biết ơn, xúc động bởi những giá trị vật chất và tinh thần mà lớp người đi trước dành cho hậu thế. Thơ núi Tà Lơn (SN) do một nông dân ở vùng Cà Mau soạn ra được phổ biến khá sâu rộng trong các xóm nhỏ không ngờ lại có sức quyến rũ, ám ảnh đối với ông Tư. Ông tâm sự: “Khi quá vui thì mình đọc nó cho tâm hồn bình tĩnh trở lại! Nhớ tới công lao cực nhọc của ông bà khi xưa. Khi nào túng tiền, mình nhớ xứ Cà Mau, bài vè này sẽ gợi chút ấm áp. Cũng như trời lập đông, mua chút rượu để mà uống” [10, tr. 239]. BNL ngắm nhìn Sông Ông Lãnh giữa lòng Sài Gòn thấy màu vàng sậm vẩn phù sa của nước sông mà “nhớ Thủy Chân Lạp hoang vu, nê địa”, nhớ “cuộc đổ xô vào Nam”, nhớ “hình ảnh đẹp đẽ của đoàn người chiến đấu với thiên nhiên để khai thác đất mới” [13, tr. 819 - 820]; thưởng thức món quà đêm trên Sông Ông Lãnh mà lòng rưng rưng như ngửi đâu đây mùi thơm của chè cúng đưa ông Táo ngày hăm ba Tết ở làng xa, mùi ngọt của lò đường tiểu công nghệ với những đêm dài nổi lửa đốt lò, mùi ngái của đồng đất quê hương. Người Nam Bộ đã tri ân tiền nhân bằng cách tiếp bước công cuộc mở cõi, bằng việc lựa chọn lối sống thủy chung, nghĩa tình. Nhân vật Năm Hên của SN (Bắt sấu rừng U Minh Hạ) dùng mưu cao, tài đảm để bắt sấu cứu dân làng Khánh Lâm, nhằm trả thù cho anh trai và bao nhiêu kẻ mất mạng vì cá sấu, muốn những con rạch, ngã ba mang tên Đầm Sấu, Lung Sấu, Bàu Sấu không còn là nỗi khiếp sợ của con người. Tiếng hát của ông sau mỗi lần bắt sấu là niềm chạnh nhớ tới tổ tiên, bạn bè, những người đã bỏ thây vì đàn cá sấu trên bước đường sanh nhai, chinh phục miền đất mới. Hoàng (Đất không chết - BNL) chỉ yêu được nếp nhà “chứng kiến bao nước mắt, bao nụ cười của bao thế hệ trong dòng họ”, chỉ gắn bó với chốn “có những vuông ruộng sau nhà mà nơi đó lưỡi cày của tổ tiên ta đã lặn hụp từ mấy ngàn năm” [12, tr. 296] nên quyết từ bỏ đô thành ồn ào, xa lạ, trở về giữ đất, làm đất không còn mặc cảm bị lãng quên, hoang hoải, được nhuộm xanh và nồng nàn sinh khí.

Một trong những lí do người dân Nam Bộ trụ lại được ở môi trường: “Rừng thiêng nước độc thú bầy. Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy như bánh canh” (Ca dao Nam Bộ) với nỗ lực phi thường và sự bền gan, quyết chí còn là tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Trong cuộc khẩn hoang, con người Nam Bộ không chỉ biết tới nước mặn, đồng chua, nắng cháy và nước xiết mà họ còn cảm nhận được vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình của thiên nhiên hay sự hào hiệp, “điệu nghệ” của con người miền đất tân lập. Dù vật lộn mưu sinh, chú Tư Đinh (Mùa “len” trâu - SN) rất hứng thú với cảnh núi Ba Thê đẹp như chốn bồng lai: “Cảnh núi non thanh lịch, trâu ăn cỏ ngẩng đầu coi mây bay lui tới; ngứa lưng thì trâu cọ mình vô cột của đền vua chúa mà gãi sồn sột” [10, tr. 41]. Chú nhìn thấy hình ảnh những thân lúa đang cố vượt lên bùn đen để khẳng định sức sống: “Giờ này, dưới đáy nước, sát mặt ruộng, mớ đất cày mềm nhũn, trở mình dậy men thành bùn non, mớm hơi sức cho rễ lúa trắng phau. Cứ qua ngày đêm, nước ngập lên một tấc; thân lúa đuối sức cố nằm dài trên mặt nước vừa hấp hối ngột thở là nhánh non nứt ra trong nháy mắt để chào đón cuộc sống” [10, tr. 38]. Dân xóm Rộc Lá (Ông mù giăng câu - SN) gọi ông lão mù là Vân Tiên và tôn ông là sư tổ giăng câu. Ông câu cá không bằng mắt như người bình thường khác. Ông câu bằng óc xét đoán để hiểu được tâm lí, quy luật của loài cá; câu bằng nghị lực của một người sống cô đơn, không ai thân thích và niềm vui thú với nghề nghiệp của mình. BNL lại tha thiết cùng chiếc ghe lênh đênh, dòng kênh xanh thẳm, những món quà quê dân dã và đặc biệt là hàng me cổ sơ trồng trên đường phố Sài Gòn: “thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh mơn mởn bám trên vỏ sạm đen, đẹp như non bộ dày sương dạn gió, với tàn không thưa, không sơ rơ như tàn sầu riêng, không dày mịt như măng cụt, vốn nó đã đẹp ở ngoài thiên nhiên rồi, mà trồng trên vỉa hè đa, bên cạnh những ngôi nhà xi măng cốt sắt, khô, nóng và buồn thì nó còn đẹp hơn biết bao” [13, tr. 817]. Ông cũng dành nhiều trang văn ca ngợi vẻ đẹp của những mảnh đời nhỏ bé, bình dị, không phải là miêu tả ngoại hình quyến rũ mà chú ý tới một đôi tay chèo thuần thục của cô gái bán canh “sử dụng hai cây chèo bằng một tay thầy” [13, tr. 826] hoặc tiếng rao quà thiết tha, trầm bổng “nghe yêu đời lắm, vì do miệng một kẻ yêu đời hát lên” [13, tr. 828]. Người Nam Bộ rất quan tâm đến lạc thú tinh thần. Họ coi việc cất lên lời ca, tiếng hát giữa cảnh rừng âm u, sâu thẳm hoặc trên những dòng sông nước chảy xiết là phương cách xua đi sự choáng ngợp trước vẻ dữ dội, kì bí của thiên nhiên, tạo cơ hội cởi mở tấm lòng với người bạn đường, vơi nhẹ nỗi khắc khoải về nơi chôn nhau cắt rốn... Nếu trong sáng tác của BNL, những câu ca xuất hiện giản dị, tự nhiên như hơi thở đời sống thì ở tác phẩm của mình, Sơn Nam đã say sưa viết về nguồn gốc, đặc điểm các hình thức hát đặc trưng Nam Bộ, thể hiện sự am hiểu sâu rộng của ông về bản sắc văn hóa của miền đất mới. Má thằng Cộc (Rừng mắm - BNL) lội sình tới đầu gối và lội nước gần tới háng nhưng vẫn vui vẻ cất tiếng hò:

Hò ơ... Tiếng anh ăn học lảu thông

Lại đây em hỏi ăn lông mấy đường


làm thằng Cộc thấy xôn xao trong lòng, muốn được má dạy cho đôi câu. Câu hò bâng quơ nhưng chất chứa bao nỗi ngậm ngùi của má nó nhớ lại thời con gái khi còn sống ở làng. Ông nội thằng Cộc trong niềm hứng khởi về vùng Ô Heo nay mai: nhà cửa đông đúc, nhiều cau, dừa, xoài, quýt, nước ngọt tràn trề “bỗng sực nhớ lại câu hò của thế hệ người tiên phuông đi khai thác đất hoang ở miền Nam:

Hò... ơ Rồng chầu ngoài Huế,

Ngựa tế Đồng Nai,

Nước sông sao cứ chảy hoài,

Thương người xa xứ lạc loài đến đây”
[13, tr. 661]

như để bày tỏ lòng biết ơn, cảm kích về sự hi sinh của rừng mắm, sẵn sàng sống trong bùn và sau này khi ngã rạp xuống, bùn đó sẽ thành đất, cho đời tràm, đời cây tiếp nối, tỏa hương thơm, kết trái ngọt. Theo SN, ở Nam Bộ phổ biến một số loại hình ca hát như hát bội, hát huê tình, nói thơ Lục Vân Tiên hay thai đố. Hát bội là hình thức tiêu khiển của người dân khẩn hoang khi điều kiện sống còn khó khăn, chưa phát triển được lối hát đối đáp. Người Việt xóm Khoen Tà Tưng và người Miên xóm Tà Lốc (Hát bội giữa rừng) góp gạo nuôi gánh hát. Họ làm rạp bằng củi tràm, quanh sân khấu là các gốc cừ đan khít vào nhau vừa tránh cọp, vừa né sấu. Sau này kênh rạch thông thương, nhiều xóm nhỏ mọc lên, trai gái hẹn ước, hát huê tình được người dân Nam Bộ rất ưa chuộng. Ông Ba Hò (Ngày xưa tháng Chạp) dạy bảo thằng Tịnh, đứa học trò mến nhất của ông, rằng hát huê tình phải có lớp lang, đầu tiên là câu mừng nhau, tiếp đến là chương tâm tình: “bên trai như cầm giây tơ buộc vào, bên gái phải khéo léo gỡ ra” [4, tr. 173], lớp cuối người con gái than nghèo để chàng trai chứng tỏ bản lĩnh. Người ta thường hát huê tình giữa khung cảnh thiên nhiên nhằm bộc lộ hồn nhiên, chân thực mọi cung bậc cảm xúc của mình. Tiếng hát huê tình của con Bảy đưa đò và chàng trai xứ Bình Thủy (Con Bảy đưa đò) cất lên trong đêm khuya nơi khúc sông thanh vắng thể hiện tài ăn nói thông minh, lanh lẹ, tâm hồn trọng nghĩa tình của con người miền đất phương Nam. Bên cạnh đó, ông Tư Đạt sống ở Gò Mả Lạn (Miễu bà Chúa Xứ) hay những người làm nghề đốn củi như ông Tư Châu Xương, anh Tư Bình Thủy (Nhứt phá sơn lâm) đều có thói quen nói thơ Vân Tiên để giải khuây mỗi khi chiều về và coi đó như một cách răn mình. Bởi truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu phù hợp với đạo lí của người dân Nam Bộ, lại được khẳng định qua những trải nghiệm sống của từng nhân vật SN yêu mến. Nhà văn cũng bàn ít nhiều về thai đố, cách hát mượn ca dao, hò, vè làm câu hát đố, tập cho mọi người suy nghĩ nhanh và biết nhìn tổng quát sự vật. Cậu Cấn (Câu thai đố) hiếu thắng xin giải hết câu đố này đến câu đố khác nhằm tạo ấn tượng với cô Lài, con gái ông hương giáo. Cô Lài (Ngôi mộ chôn đứng) muốn Hưng tự hào mình là người thông minh, sáng suốt, không bỏ qua dịp trổ tài giải câu thai đố vì “một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ”. Có thể nói, điệu hò, câu hát đã làm cuộc sống của những người dân trên hành trình mở đất vơi bớt nhọc nhằn, ưu phiền và họ càng thấy gắn bó máu thịt với quê hương thứ hai của mình hơn bao giờ hết.

Điểm tựa tinh thần cho những lưu dân còn là nỗi nhớ về cội nguồn. Họ day dứt khôn nguôi vì phải xa cố quán. Nhiều khi họ “không rành căn cội tổ tiên mình từ đôi ba đời trước là ai, từ đâu xiêu lạc đến vùng đất mới” [6, tr. 13]. Nhưng họ vẫn “nhớ xưa” để tìm nguồn an ủi” [5, tr. 57], để kiên định với mục đích mở rộng bờ cõi, biến Đồng Nai và đồng bằng sông Cửu Long thành một phần đất của Tổ quốc và trân quý những thành quả mà bao lớp người khẩn hoang trong đó có thế hệ mình đã tạo nên ở vùng đất mới. Như những người Việt Nam sống trên mọi miền đất nước, người Nam Bộ có tục lệ thờ cúng. Đây là ứng xử văn hóa bền vững, tốt đẹp, kết nối các thế hệ, gắn bó, ràng buộc con người với nhau và con người với ruộng nương, vườn tược. Vào những dịp quan trọng, người Nam Bộ “thường bày ra mâm cơm nhỏ, đặt trước ngưỡng cửa” và khấn: “Đất đai viên trạch, tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, ông bà đất nước” [6, tr. 26] nhằm tưởng niệm và tạ ơn những người đã khuất. Người Nam Bộ hiếu thảo với ông bà cha mẹ nên đám giỗ thường làm rất to. Gia đình Sáu Nhánh (Phân nửa con người - BNL) cúng vào sáu giờ sáng để “khách khứa ăn giỗ xong còn ra đồng làm lụng” [13, tr. 993] hoặc vào chính ngọ, lúc “thuyền nào cũng bị kẹt tại vàm này và như thế mới có khách” [13, tr. 996]. Họ nuôi heo, chăm gà chuẩn bị cho đám giỗ vì đó là cơ hội anh em, con cháu được gần gũi, là dịp mọi người chia sẻ những dự định nung nấu trong tâm can. Thiếu phụ (Chiêu hồn nước - BNL) tuy chỉ về thăm quê được vài ngày Tết nhưng đã kịp trang hoàng căn buồng thuê “nào tranh gà, tranh lợn, tranh Tàu trên vách, đặc biệt nhất là một bàn thờ tạm dọn trên chiếc bàn con với gần đủ đồ thờ, bình hương, độc bình, đèn, nhang” [13, tr. 942] để vơi bớt nỗi nhớ nguồn cội, dịu đi cảm giác đơn côi, lạc loài. Người Nam Bộ cũng không quên bao người vô danh đã ngã xuống cho sự bình yên và tươi đẹp của mảnh đất ở tận cùng đất nước: những người bỏ mình vì thú dữ hay chết oan bởi súng đạn của quân thù. Mỗi lần bắt sấu, ông Năm Hên (Bắt sấu rừng U Minh hạ, Con sấu cuối cùng - SN) đều làm nghi thức cúng vái dù “có vỏn vẹn một lọn nhang trần và một hũ rượu” [8, tr. 87], hi vọng sẽ làm hồn những người chết oan được thanh thản. Bà con xứ Đìa Gừa bị bắn chết đêm mùng bảy tháng Chạp được ông Tư Đạt (Miễu Bà Chúa Xứ - SN) thờ cúng, nhang khói trong một cái miễu nhỏ. Xương thịt của họ lẫn vào đất quê hương, linh hồn họ có nơi nương tựa. Họ phù hộ cho đời sau, để “đất ruộng rung rinh, lúa mới cấy đều như sóng dậy ngoài biển... rễ lúa vươn lên mặt đất, đòi đơm bông kết trái” [9, tr. 311].

Theo SN, bên cạnh mục đích lập làng xã ở nơi khẩn hoang, con người Nam Bộ còn ấp ủ ước mơ dựng đình chùa, bởi “làng xã và đình chùa là cơ cấu của văn minh nông nghiệp, là vốn liếng tinh thần mạnh nhứt” [6, tr. 359], trong đó đình thờ thần - một thành tố làm nên sơn hà xã tắc, chùa thờ Phật - một lời “giải đáp về số phận con người với luật quả báo luân hồi và tình yêu nhân loại, vượt biên giới” [6, tr. 359]. Niềm khắc khoải về cội nguồn của con người Nam Bộ được soi chiếu thêm từ một góc nhìn khác: tín ngưỡng dân gian. SN đã miêu tả khá chi tiết bản sắc văn hóa độc đáo của miền đất mới qua một số tác phẩm của ông. Khi đình bị mất con hạc, cây kích, cây giáo và sắc thần vua ban cho ông Thần của làng làm tới chức Cai Đội trong cơ binh của vua Gia Long, ông từ giữ đình và ông Cả Dư (Con cháu Thần Nông) lo lắng không biết ăn nói như thế nào với dân làng và sợ rằng tai họa, hạn hán, ôn dịch sẽ xảy ra. Họ phải nhượng bộ trước thằng Nua, thằng Tám để tìm lại những vật quý giá về chưng trong đình. Đầu xuân, người Sài Gòn náo nức rủ nhau viếng Lăng Ông Bà Chiểu (Lá xâm số 58) - nơi thờ ngài Tả quân Lê Văn Duyệt, trấn giữ bờ cõi miền Nam kì lục tỉnh giúp dân yên ổn làm ăn - và xin lá xâm cầu sự may mắn. Người người “xin đội ơn mà ngài Tả Quân đã ban cho dân miền Nam, từ đời xưa đến đời nay và đời sau” [3, tr. 193]. BNL lại viết hai bài tạp văn để bàn về Thần thánh Sài Gòn và Chùa chiền, đền miếu. Tác giả cho rằng Sài Gòn dù đất chật người đông song vẫn cố gắng “giành cho thần thánh một cái bến nho nhỏ gọi là tỏ chút tâm thành” và người Sài Gòn tuy mải bon chen nhưng thần thánh “chắc chắn là còn nguyên vẹn trong lòng của những người này cho đến lúc họ xuống mồ” [13, tr. 883]. Nhà văn cũng nhận ra người Sài Gòn “thèm chùa” nên họ gọi nơi thờ bất cứ ông nào với các kiểu kiến trúc khác nhau đều là chùa. Chùa thờ Ngọc hoàng, chùa thờ thần Vichnoun. Chùa Kì Viên không khác nhà ở, chùa Xá Lợi trừ mái cong ra không thấy có điểm đượm mùi thiền, chùa ở đường Hồ Huấn Nghiệp lại gợi liên tưởng đến thế giới kì ảo của Nghìn lẻ một đêm ở vùng Cận Đông, Trung Đông. Điều quan trọng là đến chùa người ta được xoa dịu nỗi đau, có cơ hội mơ ước việc an lành; đến chùa người ta được khấn vái, thắp nhang - cử chỉ thể hiện niềm hoài vọng về đạo đức ông cha, sự khắc khoải về cội nguồn dân tộc.

Vậy là, can trường, nghị lực và năng động, người Nam Bộ đi tiên phong trong công cuộc mở đất, góp phần tạo nên lãnh thổ hình chữ S trên bản đồ thế giới; hồn hậu, vị tha, không quay lưng với quá khứ, người Nam Bộ đã gìn giữ và phát triển miền đất tân lập ngày một tươi đẹp, trù phú, xứng đáng với vinh danh “hòn ngọc Viễn Đông”, “vựa lúa lớn nhất của cả nước”.

3. KẾT LUẬN

Có thể nói rằng, cả cuộc đời đau đáu với đề tài “lịch sử khẩn hoang miền Nam” (SN), trăn trở với cảm hứng “nguồn cội” (BNL), hai nhà văn đã dành nhiều tài năng và tâm huyết khắc họa thành công vẻ đẹp con người Nam Bộ trên hành trình mở đất và giữ đất, giúp độc giả có cái nhìn đầy đủ, đa chiều về đất và người phương Nam, từ đó càng thêm tự hào, trân quý về truyền thống hào hùng của dân tộc, cảm phục, ngưỡng mộ ý chí, nghị lực của các thế hệ ông cha. Con người Nam Bộ trên hành trình mở đất và giữ đất trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Vũ Thị Xuân Khang (2010). “Truyện ngắn Bình Nguyên Lộc trong văn học đô thị miền Nam trước 1975”, Luận văn Thạc sĩ, Chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

[2]. Nguyễn Vy Khanh (ngày 6 -12 - 2007), Bình Nguyên Lộc và tình đất,

[3]. Sơn Nam (2006). Hương Quê, Tây đầu đỏ và một số truyện ngắn khác, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

[4]. Sơn Nam (2009). Biển cỏ miền Tây, Hình bóng cũ, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

[5]. Sơn Nam (2009). Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam, Thuần phong mĩ tục Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

[6]. Sơn Nam (2009). Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

[7]. Sơn Nam (2009). Từ U Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu 9, 20 năm giữa lòng đô thị, Bình an, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

[8]. Sơn Nam (2011). Hương rừng Cà Mau, tập 1, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

[9]. Sơn Nam (2009). Hương rừng Cà Mau, tập 2, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

[10]. Sơn Nam (2009). Hương rừng Cà Mau, tập 3, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

[11]. Trần Hữu Tá (1994). “Khuynh hướng văn học yêu nước tiến bộ trong các thành thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 (đặc điểm và thành tựu)”, Luận án phó tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Hà Nội

[12]. Nguyễn Q. Thắng (Tuyển chọn, giới thiệu) (2002), Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội.

[13]. Nguyễn Q. Thắng (Tuyển chọn, giới thiệu) (2002), Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội.

[14]. Trần Ngọc Thêm (1998), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

(Sưu tầm tổng hợp)​
 
Từ khóa Từ khóa
bình nguyên lộc con người nam bộ hành trình mở đất và giữ đất sơn nam vùng đất tân lập
723
5
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.