Dự thi Dấu tích định mệnh

Dự thi  Dấu tích định mệnh

Đêm mùa hè.

Mặt trăng vằng vặc giữa trời, soi sáng cả khoảng sân rộng lớn. Tiếng côn trùng rả rích đâu đây, lẫn trong mùi hoa sứ ngào ngạt đến váng óc. Cơn mưa lúc chiều đã quét sạch những bức bối oi ả suốt bao ngày nắng nóng đã qua. Hít một hơi thật sâu, lồng ngực căng phồng không khí trong lành. Cảm giác thảnh thơi và bình yên bất chợt kéo đến, mặc cho ngày mai có thể tồi tệ đến thế nào.

Ông Tư “còm” ngồi uống rượu, xếp bằng rung đùi trên chiếc chiếu rách nát tả tơi. Bát cá rô kho tiêu đã vơi gần nửa, chai rượu nếp chỉ còn lại một chút. Hồi chiều, ông và thằng Tép tranh thủ mang nơm đi úp cá ở con mương gần nhà. Khi nào cũng vậy, mưa càng to, càng tầm tã bao nhiêu thì nước lại càng chảy xiết và đục bấy nhiêu. Đó là dịp thuận lợi để vớ bẫm, mẻ cá thường trúng lớn. Không nằm ngoài dự đoán, hơn một kí cá rô được hai cha con ông Tư thu hoạch nhờ cơn mưa rào bất chợt.

- Ông lại uống rượu à? Buồng chuối sau hè ông hái chưa đấy? Ngày mai phiên chợ sớm, mang ra bán hẵng còn được giá.

Câu hỏi của bà Hai khiến ông Tư thấy khó chịu. Cánh đàn bà lúc nào cũng vậy. Suốt ngày cằn nhằn này nọ, chỉ biết loanh quanh cơm áo gạo tiền. Nhiều lúc, ông chán nản vô cùng khi phải chứng kiến những cảnh tầm thường, vụn vặt trong gia đình. Ngày nào cũng như ngày nào, câu chuyện chỉ loanh quanh vài vấn đề tủn mủn, nhỏ bé. Hôm nay ăn gì, kiếm được mấy đồng hay sửa lại chuồng gà, gắn lại tấm phên che bếp… Những lúc ấy, ông Tư lại cám cảnh cho đời mình. Ngày xưa, khi còn trong quân ngũ, kề vai sát cánh chiến đấu với anh em đồng đội vui biết bao nhiêu, hào hứng kể sao cho xiết. Từng có thời, trong những ngày đào hào đắp lũy, chui hầm lội suối chuẩn bị cho chiến dịch, trong trái tim ông luôn ấp ủ hoài bão lớn lao về một ngày quay về nở mày nở mặt với xóm làng. Nhưng rồi, con tạo xoay vần, cuộc đời rẽ theo hướng mà ông không thể ngờ tới. Để giờ đây, vết thương lòng để lại mãi mãi chẳng bao giờ lành.

- Sớm mai tôi dậy hái. Ngồi một chút cũng không yên là sao hả?

Ông gắt gỏng, lộ rõ vẻ bực mình trong giọng nói.

- Đấy là tôi hỏi thế, ông nạt nộ làm cái gì? – Bà Hai ôn tồn hỏi lại.

- Rõ lắm chuyện. Bà tới đầu hẻm mua cho tôi chai rượu, quán mụ Lê ấy. Ghi sổ rồi cuối tháng trả luôn một thể.

Bà Hai nhăn mặt.

- Uống gì uống khiếp thế? Tháng này còn chưa đóng tiền học cho thằng Tép nữa đấy.

Ông Tư thở dài, cố kiềm chế bằng một cái phẩy tay ra chiều không quan tâm.

- Chuyện đó tính sau. Giờ tôi đang thèm rượu, bà mua đi rồi đặng ngày mai tôi còn hái chuối cho. Bớt cằn nhằn lại giúp.

Khẽ “hừ” một tiếng tỏ vẻ không hài lòng, nhưng bà Hai cũng quay gót đi ra phía cổng. Tiếng dép lệt xệt kéo dài giữa đêm tối càng tô đậm thêm sự chán chường trong tâm hồn ông Tư. Rót thêm chén nữa, ông đưa thẳng lên miệng dốc ngược một hơi dài. Tiếng “khà” rõ to liền ngay sau đó chẳng có chút gì lấy làm sảng khoái, ngược lại, cảm giác như người đàn ông trung niên ngồi kia đang cố đè nén những uất ức, mặc cảm khó nói.

Trời cao và trong vắt, thấy rõ cả những vì sao bé tí hin giữa bầu không thăm thẳm. Một cánh chim từ đâu lén lút xẹt ngang qua phía trên ngọn tre. Đêm hè ở nông thôn tĩnh lặng và yên ả. Duy chỉ có bóng người đang ngồi kia sóng đã nổi trong lòng. Cánh tay phải ông nâng chén rượu sao cứng nhắc và lạnh lùng. Phía còn lại, ở nơi lẽ ra là cánh tay trái, chỉ thấy lớp vải bùng nhùng màu tro tàn phất phơ nhè nhẹ.

* * *​

Lê Bá, thành viên của tiểu đội 3, tiểu đoàn 102 thuộc trung đoàn 309 là một thanh niên có hồ sơ cá nhân khá nổi bật. Hai mươi hai tuổi, tốt nghiệp Đại học Văn khoa với thành tích xuất sắc bốn năm liền. Vừa ra trường, anh viết đơn xin đi nghĩa vụ với mong muốn cống hiến tuổi trẻ cho đất nước. Vẻ ngoài cao ráo, sáng sủa cùng trí thông minh tuyệt vời, khả năng giao tiếp linh hoạt khiến Lê Bá nhanh chóng được Trung đoàn trưởng chú ý.

Một buổi chiều mùa hè năm 1964.

Nơi đóng quân của tiểu đoàn nằm ở vùng núi cao Blu’si thuộc huyện A Lưới, vùng đất sát biên giới Lào. Lê Bá cùng đồng đội đang tập trung trước sân chiến khu để thảo luận kế hoạch tác chiến. Theo tin cấp báo nhận được, giặc sẽ mở đợt càn vào buôn làng trong đêm hôm đó. Suốt nhiều ngày bị quân ta phong tỏa, bọn chúng rơi vào trạng thái thiếu lương thực trầm trọng, chỉ biết co cụm phòng thủ. Lũ giặc buộc phải mở đợt tấn công vào làng để cướp thức ăn và nhu yếu phẩm.

- Trình bày đi, Tư.

Tư “còm” – chiến sĩ trinh sát – là đồng đội của Lê Bá. Hai người vô cùng thân thiết. Có một lần, Bá bị giặc quây ở khu suối Mót phía Đông Bắc khu rừng. Tình hình lúc ấy vô cùng nguy cấp, Bá tưởng như đành phải hy sinh. Thế nhưng, nhờ sự dũng cảm và mưu trí của Tư “còm” đã cứu anh sống sót.

- Vâng, thưa đội trưởng. Mong mọi người chú ý để kế hoạch thành công tốt đẹp.

Các đồng đội vây quanh Tư, mắt ánh lên vẻ tin tưởng, sẵn sàng lắng nghe và đợi sự chỉ huy của đội trưởng Quốc “búa”. Ngón tay trỏ nơi bàn tay phải của Tư chỉ vào một điểm nhỏ trên bản đồ, anh nói chậm rãi và rành mạch.

- Tin báo về cho biết, giặc sẽ tiến công vào lúc nửa đêm. Chúng định lợi dụng khi dân làng say ngủ để tiện bề đánh chiếm. Cứ điểm đóng quân của giặc cách làng gần hai cây số, bị ngăn cách bởi ngọn đồi Ta-Leo và con suối Sùng A Mí. Đặt trường hợp muốn đánh vào thời điểm đó, chúng phải di chuyển sớm ít nhất một tiếng đồng hồ.

- Vậy có nghĩa là, ta sẽ đón lõng chúng trên đường di chuyển luôn đúng không? –
Một chiến sĩ trong đội hỏi.

- Không, nên mai phục. Giặc không quen địa hình bằng ta, cần chiếm lợi thế trước.

Đội trưởng Quốc trả lời với thái độ dứt khoát, gần như một lời khẳng định. Anh có biệt danh Quốc “búa” vì tính cách cương trực, thẳng thắn và luôn công bằng với mọi người. Bên cạnh đó, đôi tay Quốc cứng như thép nguội có thể bẻ gẫy cả một cành cây to đang độ xanh tốt. Điều đó khiến biệt danh ấy gần như là một lời chứng nhận.

- Em cũng nghĩ như đội trưởng. Ta nên mai phục theo hai hướng, chia đội ẩn nấp gần đường mòn đâm xuyên qua ngọn đồi. Trời tối cùng với cây cối rậm rạp sẽ là lớp ngụy trang không thể hoàn hảo hơn.

Lê Bá nãy giờ im lặng lắng nghe, chợt lên tiếng.

- Xin phép đội trưởng, em có ý kiến.

- Cậu nói đi.


Bá nhìn quanh một lượt rồi trả lời.

- Theo ý em, đêm nay sáng trăng. Tầm nhìn của giặc sẽ tốt hơn mọi khi. Chia đôi sẽ khiến đội hình bị mỏng, khó đánh giáp lá cà. Vậy nên, em có một đề xuất. Mọi người xem thử có hợp lý hay không?

- Cậu trình bày thử xem Bá.


Tư “còm” động viên bạn mình. Từ lâu nay, một số việc quan trọng Tư vẫn hay hỏi ý kiến của Bá. Với óc thông minh cùng tầm nhìn sáng suốt, Bá thực sự xuất sắc trong việc phân tích tình huống.

- Em với Tư “còm” sẽ dùng mìn, tấn công địch ngay giữa hẻm đường mòn. Vụ nổ bất ngờ sẽ khiến chúng hoảng sợ và rối loạn đội hình. Khi chúng tiến lên sau đó, toàn bộ anh em còn lại trong đội sẽ nhất loạt tấn công. Kết hợp với loạt bẫy sập đã đặt sẵn trên đường, chúng chắc chắn bại trận.

Đội trưởng Quốc trầm ngâm hồi lâu, ánh mắt đăm chiêu suy nghĩ về điều mà Bá nói. Nếu dùng kế của Bá, yếu tố bất ngờ là ưu điểm lớn nhất, hiệu ứng từ vụ nổ sẽ tạo tiền đề cho toàn đội đánh trực diện ngay sau đó. Tuy nhiên, nếu sơ suất thì cả Bá và Tư “còm” dễ rơi vào vòng vây của giặc. Quân số chênh lệch cỡ đó, hiển nhiên bất lợi nằm về phía hai người. Cuối cùng, sau gần năm phút dài như một tiếng đồng hồ, Quốc “búa” đưa ra quyết định cuối cùng.

- Long, những chiếc bẫy thế nào rồi?

Chiến sĩ tên Long, chàng trai có làn da đen nhẻm khỏe mạnh lập tức trình bày về nhiệm vụ của mình.

- Ba bẫy sập dàn đều trên đường đồi, dưới cắm chông tre vót nhọn thấm mủ xương rồng. Hai bẫy thú lớn ở khu vực gần suối, đánh gẫy ống quyển như chơi nếu dính phải. Tất cả đều đã sẵn sàng.

- Tốt. Đêm nay ta quyết một trận sống mái với giặc, đánh cho chúng không dám bén mảng quay lại đây thêm lần nào nữa. Các cậu đã sẵn sàng chưa?


Toàn thể đội hình đứng nghiêm, tay giơ ngang vành mũ, miệng đồng thanh hô to.

- Luôn luôn, thưa đội trưởng.

- Được rồi, tất cả về vị trí. Chuẩn bị mọi thứ đâu vào đấy, đúng hai mươi hai giờ đêm nay ta sẽ xuất phát.


Trong suy nghĩ tiêu cực nhất của Lê Bá, chuyện không bao giờ xảy ra bất ngờ và bi thảm như đêm hôm ấy. Mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên. Bá không bao giờ lường được rằng, ngay sau lời nói cuối cùng của đội trưởng về thời gian xuất phát đó, hàng loạt chi tiết quái đản lại nối tiếp nhau như một sự sắp đặt đớn đau của định mệnh.

Mourn. in loving memory. Template memory. Instagram story..png

Dấu tích định mệnh
- Kì Phong -

Ông Tư “còm” rót thêm cho mình một chén bằng cánh tay duy nhất còn sót lại. Chai rượu này vừa được bà Hai mua về hồi nãy. Đến lúc đã đi vào nhà trong, bà vẫn không quên ngoảnh lại cằn nhằn chồng mấy câu cho đỡ tức.

Rượu nếp đúng chuẩn có cái vị cay nồng đặc trưng của men pha lẫn ngòn ngọt dịu nhẹ của nếp cái. Thứ chất lỏng ấy trôi qua cổ họng, đáp xuống dạ dày rồi thiêu cháy bên trong cơ thể ông. Ngọn lửa ngùn ngụt được tạo nên bằng cơn say hiện tại, bóng ma của nỗi đau, sợ hãi và hèn nhát hiện về từ quá khứ. Đầu óc quay cuồng, những va chạm li ti liên tục hiện lên rồi biến mất bên trong não bộ của ông. Nhức nhối, sâu hoắm, từng chút từng chút xoáy tròn. Không, mình chưa say. Ông Tư nhủ với chính mình. Nhưng sao lại đau lòng đến thế? Đã bao nhiêu lần, tự nhủ phải cố quên đi mà sống tiếp thật tốt. Vậy mà… Mọi thứ xung quanh chợt nghiêng ngả, ông nằm ngửa ra trên tấm chiếu. Phía trên kia, mặt trăng sáng rực giữa nền trời tối đen. Sáng như khoảnh khắc một đêm nào đó đã từ rất lâu rồi…



* * *​

Đêm hè lặng như tờ.

Trời càng về khuya, sương xuống càng dày đặc. Sương bám trên áo, ngấm dần vào da thịt khiến con người cảm nhận rõ cái lạnh tái tê của núi rừng thâm u. Văng vẳng đâu đây tiếng hú dài kì dị của một con thú hoang nào đó.

Lê Bá và Tư “còm” phục sẵn ở đây đã hơn một giờ đồng hồ. Phía sau kia, cách nơi ẩn nấp của hai người gần một cây số, toàn bộ tiểu đội đã yên vị trong các lùm cây rậm rạp. Chỉ chờ âm thanh của một vụ nổ là trận quyết chiến sẽ chính thức bắt đầu. Thế nhưng, từng giờ từng phút trôi đi lại chẳng thấy bóng dáng của bất kì tên giặc nào? Căng mắt ra nhìn, dưới ánh trăng vằng vặc, không hề thấy một dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất.

- Hay là tin báo sai? – Lê Bá khẽ nói.

- Không có đâu. Tớ bảo đảm đấy. – Tư “còm” thì thầm đáp lại.

- Vậy sao giờ này vẫn chưa thấy tên nào? Đáng lẽ bây giờ chúng phải đi qua đây rồi mới phải? – Lê Bá bắt đầu nóng vội.

- Tớ cũng thấy bất ổn. Nhưng hãy kiên nhẫn chờ đợi, nóng vội lúc này không mang lại được gì.

Như ma xui quỷ khiến, Lê Bá tự dưng sửng cồ lên khi nghe Tư “còm” ra vẻ am hiểu, chỉ dẫn cho anh. Việc chờ đợi quá lâu khiến Bá cảm thấy bản thân sao quá ngu ngốc.

- Cậu im đi, cậu dạy đời ai ở đây. Mất toi cả đêm mai phục mà chẳng được cái gì. Từ nay đừng lên kế hoạch khi thông tin chưa chắc chắn nữa nhé. Tớ về trước đây. Cậu thích thì ở đó mà đợi.

- Đừng đi, Bá ơi. Nghe lời tớ, chờ thêm chút nữa.

- Dẹp đi, tớ về căn cứ đây. Cậu khiến tớ thất vọng quá.


Nói đoạn, Lê Bá vác súng lên vai bỏ chạy về phía sau. Tiếng bước chân nện xuống đất nghe rõ “bình bịch” trong đêm khuya vắng. Anh không hề nghe tiếng Tư “còm” gọi mình. Tựa hồ như, một bức tường vô hình đã được núi rừng dựng lên giữa đêm khuya nhằm ngăn cách sự kết nối giữa hai người bạn. Bất chợt, cơn gió nhẹ từ đâu thổi đến lạnh buốt cả sống lưng. Tiếng âm u kì dị từ sâu trong ngọn đồi vang lên, âm thanh nghe rùng mình sởn tóc gáy. Và rồi…

“Bùm, bùm, bùm”

Ba tiếng nổ liên tiếp ngay phía sau lưng Lê Bá. Toàn thân anh bị lực nén của vụ nổ nhấc bổng, ném thẳng về phía trước. Đất đai bị cày nát, văng lên từng mảng từng cục lớn. Cây rừng ngập trong làn khói mù mịt, nồng nặc mùi thuốc nổ. Bụi rơi lả tả, cành lá bị thiêu cháy qua đợt mìn đột ngột và kinh hoàng. Tiếng hò hét đột ngột vang lên cả phía trước và phía sau lưng anh. Dường như các đồng đội còn lại đã nhận thấy điều bất ổn.

“Tạch, tạch, tạch… đoàng, đoàng”

Tiếng súng vang lên liên tiếp, giặc mở đợt càn ngay sau khi ném mìn. Có vẻ bọn giặc đã phục sẵn trước đó, chẳng biết bằng cách nào chúng lại có được thông tin về kế hoạch tối nay. Khi Bá lao vụt ra từ phía sau lùm cây, cạnh hẻm đường mòn xuyên qua ngọn đồi cũng là thời điểm chúng khởi phát trận chiến. Bọn giặc ào lên bắn phá dữ dội, hàng trăm bước chân vang lên rầm rập tựa như chúng đã chờ sẵn thời điểm này từ lâu.

Bá nằm bất động, cánh tay trái gần như đứt lìa bởi mảnh mìn bỏng cháy. Máu chảy ra ướt đẫm cả áo, thấm vào bụi đất làm bết lại cả lớp vải xanh. Toàn thân anh đau nhức cực độ, các đốt xương như bị ép chặt đến mức thiếu đường muốn gãy vụn. Một ý nghĩ thoáng qua trong trí óc anh. “Là ai? Có gián điệp hai mang ngay trong hàng ngũ của mình. Nhưng là ai mới được chứ?” Ngay khi ấy, trong cơn đau khủng khiếp, anh lờ mờ thấy nhiều hình thù lố nhố ngay trước mắt. Là bọn giặc. Chúng đã thấy anh rồi. Nhưng đôi chân Bá không còn lắng nghe chủ của nó nữa. Khoảnh khắc ấy, Bá nghĩ rằng đời mình thế là xong, trời có sập xuống cũng không thể ngăn được họng súng của chúng.

Nhưng không, ông trời có mắt. Đúng hơn, sổ báo tử của ông chưa ghi tên Bá. Số phận rẽ ngoặt vào thời điểm ít ai ngờ tới được.

Ngay khi Bá nghĩ đến cái chết, lũ giặc hứng liên tiếp hai quả mìn của Tư “còm”. Thì ra, khi Bá quay đi, Tư đã đuổi theo đồng đội của mình. Anh chỉ tạm nấp khi nghe tiếng nổ của đợt mìn tấn công từ phía bọn giặc. Thoáng thấy Bá nằm trên mặt đất, Tư không nghĩ ngợi gì nhiều mà rút chốt hai quả mìn ném luôn vào lũ ác thú cầm súng ở kia. Anh lao thân mình lên chắn đường đạn của giặc. Cơ thể gầy còm quen thuộc của đồng đội choáng ngay phía trước tầm nhìn của Bá.

“Báaaaaaaaaa…”

Tiếng Tư “còm” ngân dài trong đêm rồi bị nhấn chìm bởi làn đạn dày đặc. Máu tươi phun ra như suối, loang ướt đẫm cơ thể. Anh chỉ kịp nhìn Lê Bá lần cuối trước khi đổ gục xuống. Cũng may, ở phía sau, đồng đội của hai người ập đến tiếp ứng. Họ xả súng dữ dội, đẩy lui thế tiến công của giặc.

Nhưng Bá không còn cảm thấy gì, anh ngất đi trong sự hỗn loạn và mù mịt.

Xung quanh tối đen như mực.



* * *​

Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống.

Thế nhưng, bằng cách nào đấy, Lê Bá thì không. Đất nước hòa bình trở lại, hứng khởi và hoài bão tuổi trẻ đã bị thời gian ăn mòn theo năm tháng. Mất một cánh tay, cơ thể mệt nhoài, tấm lưng trần năm xưa giờ đây chi chít những vết sẹo của bom đạn chiến tranh. Ông vẫn tồn tại nhưng không còn sống nữa. Trái tim và linh hồn ông đã chết theo người bạn của mình kể từ khoảnh khắc định mệnh đêm hôm đó. Hàng trăm nghìn lần, câu hỏi bắt đầu bằng từ “giá như” cứ xuất hiện trong đầu Lê Bá, dằn vặt tâm trí khiến ông chìm sâu trong hối hận và đau buồn. Để rồi, ông đi đến quyết định chẳng ai ngờ tới.

Gia đình không thấy ông quay về, cứ ngỡ Bá đã hi sinh tại chiến trường nên làm đám tang cho ông. Không một ai hay biết về ông, kể cả những đồng đội năm xưa cùng kề vai sát cánh chiến đấu. Thông tin bí ẩn đến mức, gia đình Bá phải tin đó là sự thật khi không thể tìm được chút manh mối nào về con trai của mình. Dần dần, qua thời gian, cái tên Lê Bá trôi vào quên lãng.

Mười năm sau ngày giải phóng.

Tại một vùng quê hẻo lánh phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, dân ngụ cư từ đâu kéo về rất đông. Họ lũ lượt bồng bế dắt díu nhau đi theo từng hộ gia đình. Ngày ủy ban huyện làm giấy tờ nhập cư, chẳng ai để ý đến một người đàn ông tầm tuổi trung niên với cánh tay trái bị cụt. Có chăng, thi thoảng là dăm ba ánh mắt xót thương giả tạo của người dưng qua đường.

- Làm phiền cho xem chứng minh thư. Tôi cần thông tin cá nhân để làm thủ tục.

Cán bộ ủy ban ngẩng đầu dậy, nói với người đàn ông trước mặt mình.

- Tôi là lính giải ngũ, chứng minh thư bị thất lạc từ lâu nhưng chưa làm lại.

- Vậy à? Thế ông tên là gì?


Một chút im lặng thoáng qua, người đàn ông mấp máy đôi môi một cách chậm rãi.

- Tôi là Nguyễn Văn Tư, mọi người hay gọi Tư “còm”.

Ảnh: Sưu tầm và thiết kế
Nguồn: Canva

Truyện ngắn tham dự cuộc thi "Mùa hè của tôi"
Tác giả Kì Phong
 
Sửa lần cuối:
882
3
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.