Đề thi  Tình mẫu tử cao đẹp trong truyện Thần chết và người mẹ của tác giả Andersen, Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo

Triều Anh
Triều AnhTriều Anh đã được xác minh
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Giới thiệu, phân tích, đánh giá về truyện cổ hay về một tác phẩm văn học là kiểu bài văn nghị luận mới được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 10, sách Chân trời sáng tạo. Để làm tốt kiểu bài văn nghị luận này, cùng Triều Anh tham khảo đề bài, hướng dẫn và bài làm sau:

5BCEA43B-5720-4E0E-86D6-21F38D52F1E4.jpeg

Ảnh sưu tầm

Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của văn bản Thần chết và người mẹ.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
I. Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của truyện.

2. Thân bài

a. Giới thiệu về chủ đề của truyện kể


- Tóm tắt nội dung, khái quát chủ đề: Hành trình tìm lại con của người mẹ ở nơi ngự trị của Thần Chết và cuối cùng “Chấp nhận sự thật”.
- Ý nghĩa/giá trị của chủ đề: Tình mẫu tử to lớn của người mẹ vượt lên trên cả giới hạn bản thân.

b. Giới thiệu về hình thức của truyện Thần chết và người mẹ

- Dựng bối cảnh/ tình huống/ cốt truyện.
+ Bối cảnh nhân gian thời kì xưa cổ.
+ Tình huống: Người mẹ bị Thần Chết bắt con đi và con đường tìm con của bà.
+ Cốt truyện thần thoại có yếu tố huyền ảo, kì bí.
- Nhân vật xây dựng: nhân vật người mẹ và đứa bé là con người bình thường. Thần Chết là vị thần quyền năng, hiểu lí lẽ.
- Sự kết hợp lời của người kể chuyện và lời của nhân vật.

3. Kết bài - Ý kiến đánh giá về truyện Thần chết và người mẹ

Đây là một tuyệt tác mang chủ đề về tình mẫu tử thiêng liêng, sâu sắc vượt lên trên cả giới hạn của bản thân cùng thông điệp ý nghĩa, đáng suy ngẫm rằng: “Hãy chấp nhận những gì ở thực tại”.
II. BÀI LÀM CỦA HỌC SINH

Mỗi cá nhân trong từng thời đại khác nhau luôn cần nhận thức được rằng các tác phẩm văn học trước hết là những kiệt tác nghệ thuật đúng nghĩa. Bởi thứ mà chúng ta mang lại cho con người ở bao thế hệ không chỉ là giá trị về lịch sử văn hóa mà còn là giá trị về tinh thần thông qua hàm ý ẩn chứa bên trong các tác phẩm văn học. Đơn cử là với câu truyện “Thần Chết và người mẹ” của nhà văn Andersen. Truyện sáng tác năm 1847, được công nhận là một trong số những tác phẩm văn học thần thoại với chủ đề về tình mẫu tử thiêng liêng, sâu sắc và cảm động nhất.

Xuất phát điểm là một truyện ngắn mang tính hàm súc, nhưng truyện “Thần Chết và người mẹ” vẫn để lại ấn tượng khó phai trong lòng độc giả bởi ý nghĩa của chủ đề là bài học về tình mẫu tử vượt lên trên cả giới hạn bản thân. Truyện kể về một bà mẹ bị Thần Chết cướp con đi. Quá đau lòng, người mẹ đã chấp nhận đánh đổi tất cả và vượt qua mọi chướng ngại để tìm đến nơi Thần Chết ngự trị. Đó là một chặn đường khổ ải gian truân. Từ việc ôm bụi gai, đổi tóc hay thậm chí là hi sinh đôi mắt, bà vẫn không ngần ngại bất cứ điều gì. Và rồi khi đến được nơi của Thần Chết, người mẹ lúc bấy giờ lại phải đưa ra hai lựa chọn nhằm quyết định cuộc sống trong tương lai của con trai bà một cách gián tiếp…

Bằng kinh nghiệm phong phú của mình nhà văn Andersen đã không khỏi làm người đọc cảm thán và ngỡ ngàng trước sự tinh tế đạt đến độ hoàn mĩ trong cách viết truyện của ông. Khi ngay từ đầu truyện, từ việc ẩn dụ về sự ra đi của đứa trẻ đến việc ông tạo ra những người chỉ đường hay thử thách đặt ra cho người mẹ cũng đủ thấy tất cả đều thực sự hiện lên như một chuỗi mắt xích không thể tách rời, làm bật lên chủ đề truyện kể.

Xét về cách tạo dựng tình huống truyện, ta có thể dễ dàng nhận ra sự kì công trong cách nhà văn dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trái ngược với tưởng tượng ban đầu về nơi ngự trị của Thần Chết chắc hẳn phải là một vùng tăm tối, lạnh lẽo thì nhà văn Andersen lại khắc họa nơi ấy là một ngôi nhà kính mơ mộng đầy hoa đua nở, khung cảnh đẹp tựa tranh tưởng chừng chỉ có ở Thiên đàng. Tuy vậy mà mỗi chi tiết ấy đều mang một ý nghĩa to lớn được họa nên bằng nghệ thuật biểu trưng như việc mỗi bông hoa là đại diện cho một sinh mệnh con người và trong đó có một hoa chính là mạng sống của đứa trẻ. Đây cũng là một trong những chi tiết quan trọng nhất của cả truyện.

Đã có rất nhiều độc giả bày tỏ rằng, họ rất thích cách nhà văn Andersen tạo ra một mạch truyện ngắn nhưng lại mang nhiều ý nghĩa, thích cách ông để Thần Chết xuất hiện như một nhân vật phản diện rồi cuối cùng lại trở thành chìa khóa hóa giải mọi vấn đề. Nhiều người đọc chỉ đơn thuần yêu cái cách ông tạo ra một tình huống xoa dịu tinh thần nhân vật chỉ bằng những câu thoại hết sức chân thành, thiết thực và đáng chiêm nghiệm. Trong truyện, ngay khi biết được Thần Chết muốn lấy đi bông hoa sinh mệnh của con mình, vì quá hoảng sợ, người mẹ đã dọa sẽ nhổ sạch những bông hoa khác. Thấy vậy, Thần Chết đã nói một câu khiến bà như trấn tỉnh: “Ngươi nói ngươi đau khổ, vậy mà giờ đây ngươi lại muốn một bà mẹ khác phải đau khổ như ngươi sao”. Câu nói ấy dường như đã chạm trúng vào trái tim đang bị bóp nghẹt của một người làm mẹ. Vì dù có chua xót cách mấy thì đến cuối cùng bà vẫn phải tin rằng con của bà đã ra đi mãi mãi và điều đó càng không đồng nghĩa với việc bà có quyền tước đoạt đi sinh mệnh của bất kì ai.

Trong đoạn kết truyện, Thần Chết đã cho người mẹ xem hai viễn cảnh trong tương lai của con bà. Một bên là cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên còn lại là cuộc sống khổ cực, gian lao. Thấy vậy người mẹ liền hỏi Thần rằng đâu mới là viễn cảnh thật của con bà nhưng chỉ nhận được lời này “Thiên cơ bất khả lộ”. Cuối cùng người mẹ cũng nhận ra sai lầm ngu ngốc của mình rồi quỳ xuống van xin Thần: “Con xin lỗi Thần, nếu tương lai của nó là khổ hạnh thì xin ngài hãy mang nó đi, mang nó về ngay chốn Thiên đàng”. Cảm xúc nghẹn ngào, tiếc thương đã từ lâu bao trọn tâm hồn độc giả khi nghe lời nói này. Đó không đơn thuần là một lời khẩn cầu của một con người hèn mọn trước tử thần mà nó chính là bao nỗi khát khao từ một người làm mẹ. Và giác ngộ cuối cùng của bà cũng là một trong hai ý nghĩa chủ đề của toàn bộ câu truyện: “Mỗi chúng ta đều nên chấp nhận nhũng gì ở thực tại. Nó có thể là buồn, vui, bi đác hay chia ly. Tất cả đều là số mệnh của con người”.

Quả thật rất khó để một tác phẩm truyện ngắn lại có thể mang nhiều tầng ý nghĩa như cách mà nhà văn Andersen đã làm với truyện “Thần Chết và người mẹ”. Không chỉ là truyện kể thông thường, dưới ngòi bút của ông, nó xứng đáng trở thành một huyền thoại nhờ vào hình thức bộc lộ chủ đề và nét đặc sắc nghệ thuật qua cách xây dựng hình tượng nhân vật và cốt truyện có phần mới lạ, độc đáo. Khác với những truyện thần thoại chỉ chú trọng tôn lên hình ảnh các vị thần và thường dùng hình ảnh con người để làm điểm tựa nâng đỡ. Truyện “Thần Chết và người mẹ” lại hoàn toàn đổi mới khi ta thấy nhân vật chính cũng là con người và hình tượng Thần Chết được xây dựng như một nhân tố “cầm cân nảy mực” hóa giải mọi khúc mắc. Đây cũng là một yếu tố tạo nên nét đặc trưng riêng của tác phẩm.

Người ta thường nói nghệ thuật là một thuộc tính trong văn chương và việc bộc lộ nó ra làm sao cho khéo lại là một thử thách khó nhằn đối với người nghệ sĩ. Có rất nhiều yếu tố góp phần tạo nên một tác phẩm hay nhưng quan trọng nhất đó là cách xây dựng nhân vật và tình huống truyện sao cho đủ để thể hiện rõ được chủ đề chính của tác phẩm. Với truyện kể “Thần Chết và người mẹ” nhà văn Adersen đã thành công khắc họa thật sinh động, tinh tế và khéo léo tất cả mọi yếu tố đó rồi tạo nên một tuyệt tác đặc sắc cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Hơn hết là làm nổi bật lên chủ đề về tình mẫu tử thiêng liêng sâu nặng cùng một thông điệp ý nghĩa rằng: “Hãy chấp nhận những gì ở thực tại”.
...........................................
Triều Anh biên tập!
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
hãy chấp nhận những gì ở thực tại nghệ thuật độc đáo của thần chết và người mẹ ngữ văn 10 người mẹ bị thần chết bắt con đi nhà văn andersen thần chết và người mẹ tình mẫu tử to lớn văn 10 ctst ý nghĩa của truyện thần chết và người mẹ đánh giá về truyện thần chết và người mẹ
  • Like
Reactions: Đại Thánh
19K
1
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.