ĐỀ 1: PHÂN TÍCH NHÂN VẬT BÉ THU TRONG TRUYỆN NGẮN “CHIẾC LƯỢC NGÀ” – NGUYỄN QUANG SÁNG.

ĐỀ 1: PHÂN TÍCH NHÂN VẬT BÉ THU TRONG TRUYỆN NGẮN “CHIẾC LƯỢC NGÀ” – NGUYỄN QUANG SÁNG.

hưnga
hưnga
A. Mở bài

- Nguyễn Quang Sáng là nhà văn tiêu biểu của văn học VN. Ông viết nhiều về cuộc sống và con người Nam Bộ. Chiếc lược ngà là một trong số những tác phẩm xuất sắc của ông.

- Truyện viết về tình cảm gia đình trong hoàn cảnh éo le của cuộc kháng chiến.

- Truyện giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp của nhân vật bé Thu – một đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ, có tình yêu thương ba thật cảm động.

B. Thân bài

1. Khái quát về tác phẩm


- Tác phẩm Chiếc lược ngà được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, trong cuộc kháng chiến chống Mĩ và được đưa vào tập truyện cùng tên.

- Với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật rất tinh tế, nhà văn đã giúp ta khám phá vẻ đẹp của bé Thu. Đứa trẻ mới tám tuổi ương bướng, ngang ngạnh, có cá tính mạnh mẽ nhưng rất hồn nhiên ngây thơ. Đằng sau sự cứng đầu ấy là tình yêu thương ba mãnh liệt.

2. Phân tích

a. Bé Thu là đứa trẻ có hoàn cảnh thiệt thòi, đáng thương.


- Bé Thu sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Ba em lên đường đánh giặc khi em chưa tròn một tuổi.Tám năm ròng em chưa được gặp ba, em chỉ được ngắm nhìn ba qua bức hình chụp chung với má.

- Cảnh ngộ của bé Thu cũng là cảnh ngộ chung của rất nhiều đứa trẻ trong cuộc kháng chiến của dân tộc.

b. Thu là đứa trẻ có cá tính rất mạnh mẽ, ương bướng, ngang ngạnh nhưng cũng rất trong sáng, hồn nhiên và đáng yêu.

- Và để làm nổi bật tình cảm đó của bé Thu nhà văn đã đặt bé Thu vào tình huống cụ thể để bé Thu bộc lộ rõ cá tính của mình. Đó là khi ông Sáu trở về thăm nhà sau 8 năm xa cách.

* Khi mới gặp cha

- Bao ngày trông ngóng được gặp lại cha nhưng khi gặp cha Thu lại có phản ứng vô cùng dữ dội.

- Khi đang chơi ở nhà chòi bỗng có người đàn ông xa lạ gọi mình là con, bé Thu “tròn mắt ngơ ngác, lạ lùng nhìn”. Đặc biệt khi nhìn vết sẹo dài trên má ông Sáu và thấy người đàn ông cứ tiến đến với giọng run run: “ba đây con” khiến cho con bé Thu chớp mắt như muốn hỏi “Đây là ai?”, mặt nó tái đi rồi gọi “Má! Má!”

=> Phản ứng ấy của bé Thu cho thấy em rất bất ngờ trước một người đàn ông xa lạ gọi mình là con và em cũng không nhận ra ông Sáu là ba. Phản ứng hoảng sợ của bé Thu rất phù hợp với tâm lí nhân vật đồng thời cho thấy sự am hiểu tâm lí trẻ thơ của tác giả.

* Ba ngày ông Sáu ở nhà

- Ba ngày nghỉ phép ông Sáu không đi đâu chỉ ở nhà vỗ về bé Thu với mong muốn con bé sẽ nhận ra và gọi một tiếng ba. Những ông càng vỗ về, con bé lại đẩy ông ra xa hơn.

- Khi mẹ nhắc nhở Thu bảo ba vô ăn cơm thì con bé tìm mọi cách từ chối khéo: “Thì mẹ mời đi”, khi bị ép thì Thu lại nói trổng“vô ăn cơm”. Ông Sáu vờ như không nghe thấy thì Thu lại nói vọng ra “cơm chín rồi”. Cuối cùng không gọi được, con bé bực quá quay lại mẹ và bảo “con kêu rồi mà người ta không nghe”.Cụm từ “người ta” thật khiến ông Sáu thật đau lòng, cho thấy bé Thu vẫn coi ông Sáu là người xa lạ.

- Không chỉ lời nói, bé Thu còn có những hành động, cử chỉ dứt khoát không nhận ông Sáu là ba. Đó là tình huống bé Thu phải canh nồi cơm và chắt nước cơm. Nồi cơm thì to, quá sức với một đứa trẻ 8 tuổi, khiến Thu không thể bắc được. Bị đẩy vào thế bí, tưởng Thu sẽ phải gọi ông Sáu là ba để nhờ giúp đỡ. Nhưng không, con bé vẫn nói trổng: “Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái”.Ông Sáu lại ngồi im như không nghe thấy và khi nồi cơm sôi sùng sục thì giọng nó vang vẻ hơn: “cơm sôi rồi nhão bây giờ”. Khi bị bác Ba dọa thì nó hơi sợ, nhăn nhó như sắp khóc nhưng nhất định không gọi ông Sáu một tiếng ba. Rồi nó loay hoay tìm lấy cái vá để múc nước cơm ra, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ. Hành động đó của bé Thu cho thấy Thu thật ương bướng, gan góc nhưng cũng rất đáo để.

* Khi ông Sáu gắp cái trứng cá:

- Đỉnh điểm của sự ngang ngạnh, ương bướng của bé Thu là trong bữa cơm ông Sáu gắp cho một miếng trứng cá to vàng để vào chén bé Thu….

- Thu liền lấy đũa soi vào chén cơm rồi bất ngờ hất tung miếng trứng cá khiến cơm văng tung tóe cả mâm.

=> Hành động ấy của bé Thu cho thấy sự cương quyết từ chối sự chăm sóc tận tâm của ông Sáu.

- Bị cha đánh mắng con bé ngồi im cúi gằm rồi lặng lẽ gắp miếng trứng cá vào bát và đứng dậy. Thu hiểu được việc làm của mình là quá đáng, là sai, là vô lễ với người lớn nhưng bé vẫn làm vì không chấp nhận người đàn ông kia là ba mình.

- Thu khua dây lòi tói kêu rổn rảng, lấy thuyền bơi qua sông sang nhà bà ngoại. Nó mét và khóc với ngoại ở bên đó.

=> Qua tất cả hành động trên, ta thấy Thu rất ương bướng, ngang ngạnh và đáo để. Ta thấy Thu đáng thương hơn là đáng trách. Thu còn quá nhỏ để hiểu được thời gian sẽ làm con người thay đổi, chiến tranh sẽ hủy hoại cơ thể thậm chí cướp đi tính mạng của con người. Hơn nữa, lỗi cũng ở tại người lớn chưa chuẩn bị tâm lí cho bé đón nhận những điều bất thường có thể xay ra trong cuộc sống.

- Vì thế sự ương bướng cá tính của Thu không làm người đọc khó chịu, và cũng không thấy Thu là đứa trẻ hỗn láo. Ta lại thấy ở Thu hồn nhiên, ngây thơ có phần tội nghiệp.

c. Bé Thu là đứa trẻ giàu tình cảm, có tình yêu thương ba sâu sắc, mãnh liệt.

- Bé Thu đối xử lạnh lùng với ông Sau bởi bé rất yêu người ba trong ảnh của mình. Bé không chấp nhận người ba nào khác. Nhưng khi nhận ra ông Sáu chính là ba của mình bé Thu lại dành hết tình cảm cho ông Sáu.

- Một đêm ngủ với ngoại, được ngoại giảng giải vì sao ông Sáu lại có một vết thẹo dài trên má. Thu đã hiểu ra sự khốc liệt của chiến tranh, chính chiến tranh đã làm biến dạng khuôn mặt của ba, khiến ba không còn đẹp như bức hình chụp chung với má nữa. “Nó nằm im lăn qua, lăn lại, thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”. Có lẽ bé đã nhận ra ông Sau chính là ba mình, bé đang rất ân hận vì đã đối xử lạnh lùng, tàn nhẫn với ba.

- Sáng hôm sau nó theo ngoại về nhà, buổi sang cuối cùng trước khi ông Sáu lên đường, bé Thu đã thay đổi hoàn toàn thái độ. Vẻ mặt của cô không còn bướng bỉnh cau có nữa mà vẻ mặt ấy sầm lại trông rất đáng thương. Nó “không nhìn ngơ ngác, lạ lùng như trước nữa mà nhìn với một vẻ nghĩ ngợi sâu xa”. Nhưng Thu chỉ dám đứng ở góc nhà nhìn ba từ xa vì sự kiêu hãnh trẻ thơ mà chưa dám nhận, chưa dám gọi ba.

- Khi ông Sáu chào tạm biệt “Thôi ba đi nghe con” thì tình cảm bị dồn nén bấy lâu bỗng trỗi dậy thật mãnh liệt, nó chạy ào tới như một con sóc rồi thốt lên “ba…a…a!”. Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng, xé cả gan ruột mọi người nghe thật xót xa. Đó là tiếng ba mà Thu đã kìm nén bao năm nay, tiếng ba như vỡ tung ra trong lòng nó. Nó vừa kêu vừa chạy xô tới nhảy tót lên dang hai tay ôm lấy cổ ba nó…

- Chứng kiến những khoảnh khắc xúc động này nhà văn đã dùng những câu văn ngắn dồn dập, nhiều động từ mạnh để diễn tả cảm xúc vội vàng, cuống quýt của bé Thu. Thu ôm chặt lấy cổ ba vừa khóc vừa muốn giữ chân ba ở nhà “Ba! Con không cho ba đi nữa ba ở nhà với con” rồi “Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”, “ Hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nói, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai bó nhỏ của nó run run”.

- Khoảnh khắc xúc động ấy khiến cho những người chứng kiến không ai cầm được nước mắt, còn bác Ba người kể chuyện cảm thấy khó thở như ai nắm lấy trái tim, khoảnh khắc ấy Thu chỉ biết dặn ba vội vã: “ba về ba mua cho con một chiếc lược nghe ba”

- Có thể nói đây là đoạn văn đặc sắc khi tác giả miêu tả sinh động khoảnh khắc hai cha con nhận nhau. Lúc Thu nhận ra ba cũng là lúc ông Sáu phải ra chiến trường. Tiếng gọi ba đầu tiên và cũng là tiếng gọi ba cuối cùng trong cuộc đời. Hai cha con nhận nhau để rồi chia xa mãi mãi. Chiến tranh thật éo le và khốc liệt đã khiến cho niềm hạnh phúc, tình phụ tử của cha con bé Thu phải chia lìa xa cách.

=> Như vậy ta thấy bé Thu đại diện cho lớp trẻ VN phải chịu nhiều thiệt thòi mất mát do chiến tranh gây ra, cả tuổi thơ phải sống xa cha, được gần ba 3 ngày nhưng ba ngày cũng không trọn vẹn. Cả đời chỉ được gọi tiếng ba có một lần, chỉ được nhận sự chăm sóc của ba bằng một cây lược ngà nhưng cũng phải chờ đợi. Bấy nhiêu thôi ta cũng thấy bé Thu cũng như những đứa trẻ VN khác phải chịu mất mát thiệt thòi như thế nào và cũng cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh. Ta càng thấy thương những em bé như Thu và căm phẫn chiến tranh, căm phẫn tội ác của Để Quốc Mĩ.

3. Đánh giá nghệ thuật.

-
Thành công của tác giả là xây dựng tình huống truyện éo le, kịch tính, kể chuyện theo ngôi thứ nhất người kể chuyện là bác Ba làm câu chuyện vừa khách quan, vừa chân thực, tăng độ tin cậy. Tác giả sử dụng ngôn ngữ bình dị đậm màu sắc Nam Bộ, nghệ thuật miêu tả cử chỉ hành động, lời nói để khắc họa tính cách nhân vật, miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế.

- Qua những nghệ thuật ấy, tác giả đã giúp ta cảm nhận được diễn biến tâm lí phức tạp của bé Thu khi ông Sáu về thăm nhà. Thu có ương bướng, cứng đầu nhưng tất cả đều là biểu hiện của tình yêu thương ba mãnh liệt. Tình yêu ấy có sự phân biệt rạch ròi: đã không phải ba thì nhất quyết không nhận, khi nhận ông Sáu là ba thì bé Thu thể hiện tình yêu cuống quýt, vồ vập.

- Nguyễn Quang Sáng là nhà văn rất am hiểu tâm lí trẻ thơ, viết về trẻ thơ với tấm lòng yêu mến và trân trọng.

C. Kết bài:

-
Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi lần đọc “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng chúng ta lại thấy vô cùng xúc động về tình cảm gia đình trong hoàn cảnh éo le của cuộc kháng chiến.

- Ta còn nhớ đến đứa trẻ đáng thương thiếu vắng tình cảm của cha từ thuở mới lọt lòng.

- Ta còn ấn tượng về bé Thu với cá tính mạnh mẽ, ương bướng, ngang ngạnh. Ẩn sau những biểu hiện cứng đầu ấy là tình yêu thương ba thật cảm động.

- Viết về chiến tranh nhưng Nguyễn Quang Sáng không khai thác cái dữ dội của bom đạn nơi chiến trường mà tác giả lại viết về tình cảm con người trong kháng chiến, tình cảm cha con thiêng liêng sâu nặng.

- Qua tác phẩm, nhà văn muốn khẳng định: bom đạn có thể hủy hoại cơ thể, cướp đi tính mạng nhưng không thể nào hủy diệt đi tình cảm của con người, chỉ có tình cha con là bất tử, là tồn tại với thời gian.
 
210
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top