ĐỀ 2: CẢM NHẬN VỀ 8 CÂU THƠ CUỐI

ĐỀ 2: CẢM NHẬN VỀ 8 CÂU THƠ CUỐI

hưnga
hưnga
I. Mở bài:

- Có những tác phẩm chỉ đọc một lần đã để lại rung cảm sâu sắc trong lòng người đọc, người nghe.

- Và “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm như thế. Truyện viết về cuộc đời và số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

- Đặc biệt, đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã giúp ta cảm nhận được bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều qua ngòi bút tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du.

- Điều đó được thể hiện qua 8 câu thơ cuối.

II. Thân bài

1. Khái quát đoạn trích

- Sau khi biết mình rơi vào lầu xanh, Kiều thấy tủi nhục rút dao định tự vẫn. Tú Bà sợ mất cả vốn lẫn lãi đã vờ hứa đưa nàng ra ở lầu Ngưng Bích để đợi gả chồng nhưng thực chất là để thực hiện âm mưu mới.

- Ở những câu thơ trước, tác giả đã miêu tả bức tranh thiên nhiên lầu Ngưng Bích đẹp nhưng hoang vu, vắng lặng thiếu hơi ấm của cuộc sống con người. Kiều cảm thấy cô đơn, buồn tủi nơi đất khách. Trái tim nàng hướng về những người thân yêu. Nhớ đến Kim Trọng ngày đêm trông ngóng, nàng đau khổ, dằn vặt vì đã phản bội lời thề năm xưa. Nàng thương cha mẹ tuổi già hiu quạnh, không người kề cận mà xót xa trong lòng.

- Đoạn thơ là tám câu thơ cuối đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”. Đứng trên lầu cao Kiều nhìn ra bốn phía với hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Thế nhưng, nàng càng mong đợi, lại càng thấy xa vời, mờ mịt hơn. Bốn lần Kiều nhìn ra xa là bốn lần cảnh vật thay đổi. Mỗi bức tranh là mỗi bức tâm trạng, tất cả tạo nên lớp lớp sóng lòng đang trào dâng trong tâm hồn người con gái tha hương.

2. Phân tích 8 câu thơ

- Đoạn thơ chia ra làm bốn cặp lục bát, mở đầu mỗi cảnh là điệp từ “buồn trông” xuất hiện với âm hưởng trầm buồn, báo hiệu biết bao sóng gió, khó khăn phía trước. Đồng thời mỗi cặp lục bát cũng tương ứng với một nét tâm trạng của Thúy Kiều.

* LĐ 1: Mở đầu đoạn thơ là bức tranh nơi cửa biển chiều hôm:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”

- “cửa bể” gợi lên không gian mênh mông, rộng lớn đến rợn ngợp.

- “Chiều hôm” là chiều tà, thời gian ước lệ trong thơ ca trung đại gợi lên nỗi buồn man mác. Đây là thời điểm cuối ngày, khi mặt trời sắp tắt, mỗi người thường nhớ về gia đình và quê hương.

- Nguyễn Du khéo léo kết hợp thời gian, không gian ấy tạo nên khung cảnh đìu hiu làm nền cho sự xuất hiện của con thuyền.

- Hình ảnh con thuyền khiến ta liên tưởng đến những chuyến đi xa, trôi dạt giữa biển rộng sông dài.

- Không phải là đoàn thuyền tấp nập ra khơi mà là “thuyền ai”, nghĩa là một chiếc thuyền lẻ loi, chơi vơi giữa mênh mông sóng nước.

- Nguyễn Du đã sử dụng hai từ láy “thấp thoáng”, “xa xa” để nhấn mạnh sự nhỏ bé, xa xôi, mờ ảo của con thuyền. Con thuyền ấy, cánh buồm ấy dẫu có đi xa nhất định sẽ có ngày cập bến. Còn Thúy Kiều thì trôi dạt lênh đênh không biết bao giờ mới được đoàn tụ gia đình. Như vậy hình ảnh con thuyền, cánh buồm là ẩn dụ cho thân phận của Thúy Kiều xa nhà, xa quê. Nhìn vào cảnh vật ấy lòng Kiều cảm thấy nhớ nhà da diết với khát khao được đoàn tụ, sum họp gia đình.

* LĐ 2: Bức tranh thứ hai, Nguyễn Du khắc họa cảnh dòng nước với đóa hoa trôi. Cảnh vật được nhìn bằng ánh mắt sầu não đến ghê gớm, trước mắt nàng lại hiện lên cảnh tan tác, chia lìa:

“Buồn trông ngọn nước mới sa Hoa trôi man mác biết là về đâu?”

- “Ngọn nước mới sa” gợi lên hình ảnh dòng nước đang cuồn cuộn đổ từ trên cao, tung bọt trắng dữ dội đang ập xuống.

- Giữa dòng nước đang chảy phía dưới chân Kiều, những cánh hoa đang xoay tròn rồi bị cuốn trôi đi.

- “Hoa” là biểu tượng cho phái đẹp những cũng rất mong manh, sớm nở tối tàn. Hoa chỉ đẹp khi ở trên cành, còn ở đây là hoa trôi một cách thụ động. Nếu sóng yên biển lặng thì hoa sống đời trôi nổi. Còn nếu gặp sóng to, gió lớn thì hoa sẽ bị vùi dập tan nát. “Hoa” chính là hình ảnh ẩn dụ cho thân phận của Thúy Kiều mong manh, trôi nổi giữa dòng đời vô định. Nếu như bị sóng gió vùi dập thì cuộc đời Kiều cũng tan nát như hoa.

- Từ láy “man mác” gợi tả sự chuyển động mềm mại, nhẹ nhàng, dập dờn của những cánh hoa.

- Câu hỏi tu từ “biết là về đâu?” cho thấy sự mất phương hướng, gợi một nỗi băn khoăn thấp thỏm của Thúy Kiều.

- Nguyễn Du đã kết hợp từ láy với câu hỏi tu từ để nhấn mạnh tâm trạng lo lắng của Kiều trước dòng đời đen bạc.

* LĐ 3: Nhìn về cửa bể, dòng nước không thấy chút niềm thân mật an ủi, Kiều trở về với đám cỏ đôi bờ:

“Buồn trông nội cỏ rầu rầu Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”

- Cảnh vật có màu sắc, có đường nét nhưng lại gợi lên âm hưởng buồn ảm đạm. Hình ảnh “cỏ” đã xuất hiện nhiều lần trong thơ Nguyễn Du, là sắc xanh non mơn mởn đầy sức sống trong ngày hội xuân “Cỏ non xanh tận chân trời”. Nhưng đến đây sắc xanh ấy đâu còn nữa mà thay vào đó là màu của sự tàn tạ, héo úa.

- Từ láy “rầu rầu” vẽ nên cả một vùng cỏ cây tàn héo và gợi nỗi sầu thương cô lẻ.

- Tác giả sử dụng từ láy “xanh xanh” diễn tả màu xanh nhợt nhạt thiếu sức sống. Nhìn từ xa đến gần, từ chân mây đến mặt đất, tất cả không gian đều nhuốm một màu xanh rợn ngợp. Nhưng màu xanh ấy không sắc nét mà nhòe mờ, pha lẫn vào nhau, có phần đơn điệu. Với nghệ thuật ẩn dụ, Nguyễn Du đã dự cảm về tương lai của Kiều mờ mịt, đen tối.

- Màu cỏ héo úa như sắp tàn lụi như sắp từ biệt vũ trụ, kết thúc cuộc đời ngắn ngủi.

- Màu cỏ hay cũng chính là tâm hồn của Thúy Kiều đang héo úa, rệu rã trước cuộc đời. Phải chăng trong dòng nước mắt cô đơn và tủi cực mà cái nhìn của nàng chán chường, bế tắc, tuyệt vọng.

* LĐ 4: Đến bức tranh cuối cùng, một lần nữa nàng Kiều lắng lòng mình để nghe những vang vọng của cuộc sống. Nhưng những thứ nàng nghe được chỉ là chuỗi âm thanh khủng khiếp:

“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

- Hai câu thơ Nguyễn Du đã miêu tả bức tranh sóng gió biển khơi. Thiên nhiên ở đây không còn êm đềm, tĩnh lặng mà trở nên thật dữ dội.

+ Không phải gió thổi mà là “gió cuốn”- là gió lốc trong những ngày giông bão thổi mạnh, bốc lên cao, mù mịt, cuồn cuộn như 1 trận cuồng phong.

+ Không phải sóng xô, sóng vỗ mạn thuyền mà là “sóng kêu”. Tiếng sóng không còn ở nơi xa nữa mà tiến sát gần Kiều. Dường như xung quanh Kiều là những cơn sóng to, gió lớn như những tai họa sắp ập tới.

- Tác giả sử dụng các động từ mạnh “cuốn, kêu”, nghệ thuật đảo ngữ từ tượng thanh “ầm ầm” đưa lên đầu câu để nhấn mạnh sự dữ dội, khắc nghiệt của thiên nhiên.

- Sóng ở đây có thể là sóng gió biển khơi hay chính là sóng gió cuộc đời đang bủa vây, vồ vập đến nàng. Thiên nhiên đang gào thét hay chính sự gào thét trong lòng Kiều. “Sóng và gió” là hình ảnh ẩn dụ về cuộc đời của Kiều sau này trắc trở, trầm

luân. Câu thơ giúp ta cảm nhận được nỗi sợ hãi, hoảng loạn của Kiều đến không còn sức sống.

- Mở đầu mỗi bức tranh là điệp ngữ “buồn trông” được lặp lại 4 lần tạo âm hưởng trầm buồn cho đoạn thơ. “buồn trông” là vừa buồn vừa trông ra xa để trông chờ, mong ngóng một điều gì đó tươi sáng hơn. Dường như mỗi lần Kiều trông ra xa là một lần Kiều thất vọng và thất vọng ấy ngày càng nặng nề hơn.

- Cảnh vật và tâm trạng trong bốn bức tranh đều có sự thay đổi theo trình tự tăng tiến. Cảnh được miêu tả từ xa đến gần. Màu sắc từ nhạt đến đậm. Âm thanh từ tĩnh đến động. Nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ, dồn đến cơn bão táp của nội tâm, cực điểm của cảm xúc trong lòng Kiều.

* LĐ chốt.

- Đoạn trích không chỉ hay về nội dung mà còn đặc sắc về nghệ thuật.

- Thành công của tác giả là sử dụng nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật qua ngôn ngữ độc thoại, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình mượn thiên nhiên để gửi gắm tâm trạng nhân vật.

- Ngoài ra tác giả còn sử dụng các biện pháp tu từ điệp ngữ, ẩn dụ, đảo ngữ, câu hỏi tu từ, từ láy “thấp thoáng”, “xa xa”, “man mác”, “rầu rầu”, “xanh xanh”, “ầm ầm”, các động từ, tính từ giàu sức gợi hình biểu cảm.

- Qua những nghệ thuật đó, Nguyễn Du đã làm nổi bật bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Cảnh vật mong manh, dạt trôi, dữ dội. Lòng người chao đảo, nghiêng đổ cuối cùng hoàn toàn rơi vào bế tắc, tuyệt vọng đến tận cùng. Kiều bất lực, buông xuôi trước thực tại phũ phàng. Bởi thế, nàng ngây thơ mắc lừa Sở Khanh để rồi nàng bị đẩy xuống bùn nhơ của cuộc đời: “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”.

III. Kết bài

- Khép lại đoạn thơ mà dư âm của nó còn vang mãi trong lòng người đọc.

- Ta còn nhớ đến tâm trạng cô đơn, buồn tủi, lo lắng, sợ hãi đến hoảng loạn của Thúy Kiều trước thiên nhiên rộng lớn.

- Ta còn ấn tượng bởi tấm lòng nhân đạo, cảm thương sâu sắc sắc mà Nguyễn Du dành cho người con gái hồng nhan bạc mệnh.

- Với đoạn trích này, Nguyễn Du đã khẳng định tài năng bậc thầy trong việc sử dụng nghệ thuật miêu tả nội tâm bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Có lẽ vì thế, Nguyễn Du xứng đáng là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
 
91
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top