Hình tượng con Sông Đà trữ tình qua tùy bút “người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân; từ đó làm nổi bật phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân.

Hình tượng con Sông Đà trữ tình qua tùy bút “người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân; từ đó làm nổi bật phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân.

5FC5AC3E-FB3F-4798-8305-9297B61398FC.jpeg
Nguyễn Tuân là nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông có một vị trí quan trọng và đóng góp không nhỏ đối với văn học Việt Nam hiện đại thúc đẩy thể tuỳ bút, bút kí văn học đạt tới trình độ nghệ thuật cao làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc. Công phu lao động nghệ thuật khó nhọc, cùng sự uyên bác, tài hoa, không quản nhọc nhằn để tái tạo những kì công của tạo hoá, cố gắng khai thác kho cảm giác và liên tưởng phong phú, bộn bề, nhằm tìm cho ra những chữ nghĩa xác đáng nhất, có khả năng làm lay động người đọc nhiều nhất. “Sông Đà” là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi. “Người lái đò Sông Đà” là bài tùy bút được in trong tập “Sông Đà” (1960) của Nguyễn Tuân. Nổi bật trong đoạn trích trên là hình tượng con Sông Đà mang nét tính cách trữ tình thơ mộng ở dòng chảy, ở màu nước, trữ tình ở đôi bờ sông và sự nhớ nhung khi xa cách và niềm vui háo hức, say mê như gặp lại “cố nhân”. Từ đó, làm nổi bật phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân.
Đoạn trích trên nằm ở phần cuối của tác phẩm “Người lái đò Sông Đà”. Nếu như Sông Đà lúc nào cũng hung bạo như một kẻ thù của con người thì chưa chắc nó đã lọt vào tầm mắt của Nguyễn Tuân. Nét đặc biệt của sông Đà là ở sự hoà hợp giữa vẻ hung bạo ở vách đá, ở mặt ghềnh, cái hút nước, trùng vi thạch trận và nét trữ tình ở dòng chảy, màu nước, nét trữ tình ở đôi bờ sông trong nó. Những trang văn Nguyễn Tuân miêu tả vẻ trữ tình của Sông Đà xứng đáng là những “bức tờ hoa” bất hủ thể hiện sự khám phá đầy nghệ thuật về dòng sông. Sông Đà hung bạo ở diện mạo và tâm địa thì lại trữ tình trong dáng vẻ và tâm hồn. Ta khó có thể không ấn tượng trước cách diễn tả sự lãng mạn đến hiếm thấy của Nguyễn Tuân. Nhưng nổi bật trong đoạn bút kí trên là hình tượng con Sông Đà mang nét tính cách trữ tình thơ mộng ở góc độ từ trên cao nhìn xuống và ở dòng chảy, màu nước, trữ tình ở đôi bờ sông, sự nhớ nhung khi xa cách và niềm vui háo hức, say mê như gặp lại “cố nhân”.
Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà qua ống kính của Nguyễn Tuân được hiện lên với nhiều góc độ khác nhau. Từ trên tàu bay nhìn xuống, Nguyễn Tuân thấy sông Đà “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bang nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Câu văn dài tái hiện dáng vẻ dòng sông mà như một nét bút liền mạch không đứt, quãng trên một bức tranh thuỷ mặc. Trong không gian thơ mộng huyền ảo của mây trời, hoa khói Tây Bắc, Sông Đà như người thiếu nữ diễm lệ, duyên dáng, yêu kiều mà Sông Đà chính là áng tóc mềm mượt của người thiếu nữ đang khao khát thanh xuân này. Nguyễn Tuân đã nhìn thấy dòng chảy uốn lượn của con Sông Đà tựa như một áng tóc trữ tình buông dài vắt ngang qua núi rừng hùng vĩ. Đẹp lắm! Duyên dáng lắm! Nhà văn đã dùng một câu văn dài hơi, hạn chế ngắt quãng để gợi tả độ dài của Sông Đà và mái tóc của người thiếu nữ. Đồng thời sử dụng từ ngữ gợi tả cái dòng chảy êm đềm của Sông Đà mang cái linh hồn của Tây Bắc, Nguyễn Tuân đã chứng minh cho tài sử dụng ngôn ngữ mới lạ lại chính xác và tinh tế của mình qua cụm từ “áng tóc trữ tình”. Người ta hay dùng từ “áng” để chỉ những tác phẩm nghệ thuật đẹp và hay. Riêng với Nguyễn Tuân, Sông Đà chính là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mĩ mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Bởi vậy ông dùng từ “áng tóc” càng làm tô đậm nét tài hoa trong phong cách của mình. Điệp ngữ “tuôn dài” cùng nhịp văn mềm mại như ru tạo nên vẻ đẹp uyển chuyển, thướt tha của dòng sông. Phép so sánh dòng sông như một “áng tóc trữ tình” là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Phép so sánh đầy chất thơ, chất họa chẳng những phô ra được vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng, kiêu sa, kiều diễm của dòng Sông Đà mà còn bộc lộ chất phong tình, lãng mạn của người nghệ sĩ. Dòng Đà giang giờ đây tựa như một nàng thiếu nữ xuân sắc đang buông hờ mái tóc làm duyên, làm dáng giữa mùa hoa ban, hoa gạo dưới vẻ đẹp bồng bềnh của mây khói. Thần sắc của thiên nhiên nơi đây được Nguyễn Tuân miêu tả với vẻ đẹp rất riêng, rất lạ, rất thơ. Khói núi Mèo mà người đồng bào đốt nương mỗi khi Tết đến cũng khiến người ta nao lòng đến lạ. Tây Bắc muôn đời vẫn đẹp, Sông Đà hung bạo đến đâu cũng có lúc kiều diễm như cô gái trẻ bùng cháy sức xuân trong khoảnh khắc thanh xuân. Bao nhiêu vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình quyến rũ của đất trời đã ùa về thức dậy trong những câu văn của Nguyễn Tuân “Người thợ kim hoàn của chữ” (Hoài Thanh).
Vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của Sông Đà còn được thể hiện ở màu sắc đặc biệt của dòng sông. Chính bởi Nguyễn Tuân nhìn Sông Đà trong dáng vẻ một người con gái tha thướt, dịu dàng nên dòng sông cũng tiềm ẩn nhiều bí mật của cô gái ấy. Bằng con mắt say mê của một người nghệ sĩ, Nguyễn Tuân nhận ra sự thay đổi và biến chuyển của màu nước trên sông. Sông Đà hiện lên với vẻ đẹp lạ lùng, quyến rũ như một mỹ nhân với những điệu nghệ làm say đắm lòng người. Sông Đà luôn làm mới, làm đẹp với chính mình, sắc nước sông Đà thay đổi theo từng mùa, mỗi mùa một vẻ đẹp riêng biệt. Nguyễn Tuân đã say sưa mê đắm, chiêm nghiệm vẻ đẹp của con sông này để cất lên những trang viết như thứ men say gửi đến bạn đọc. Con sông Tây Bắc thật bay bổng và lãng mạn biết bao! “Tôi đã say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống Sông Đà”, lúc này đây người nghệ sĩ ấy đã phó mặc thả trôi tâm hồn mình cùng với sóng nước sông Đà, chính vẻ đẹp của mây trời Tây Bắc bung nở hoa đã gieo nên những hạt mầm xanh tốt tạo nên cái sắc riêng không trộn lẫn của thiên nhiên tươi đẹp nơi đây. Nếu như Hoàng Phủ Ngọc Tường nhìn thấy dòng sông Hương với ánh nắng ban mai rực rỡ tạo nên cái sắc “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” tạo nên từ cảnh sắc thiên nhiên đôi bờ và sự phản quang của đất trời vạn vật để tạo nên một đóa hoa phù dung mĩ miều, thì Nguyễn Tuân lại viết về Sông Đà với những cảm quan nhạy bén của ngũ quan.
Mùa xuân nước Sông Đà xanh ngọc bích chứ không xanh màu xanh canh hến của nước “sông Gâm, Sông Lô”. Cũng là xanh đấy, nhưng màu xanh ở đây là sự kết đọng của vẻ đẹp toàn bích, thứ ngọc trong sáng, xanh một màu xanh gợi cảm, trong lành, rung rinh trong nắng sớm mà lấp loáng bóng cây tỏa rợp quang dòng sông. Sắc xanh ấy phải chăng là cái điệu xanh của xanh cây, xanh rừng, xanh núi, xanh mây xanh trời xanh như cái sức mạnh kì diệu mà tạo hóa đã ban tặng cho thiên nhiên hùng vĩ nơi đây. Mùa thu, nước Sông Đà “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”; “lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội mỗi độ thu về”. Câu văn sử dụng phép so sánh đặc sắc, khiến người đọc hình dung được vẻ đẹp đa dạng của sắc nước Sông Đà. Lần đầu tiên có người dùng màu sắc của da mặt người để miêu tả vẻ đẹp của dòng sông. Cách so sánh thú vị màu đỏ “lừ lừ” ấy có lẽ chỉ Nguyễn Tuân mới thấy, mới cảm mới viết nên được, khiến cho người đọc dễ dàng tưởng tượng được dòng sông dù chưa một lần lên đó. Nó chỉ có thể tạo nên từ bàn tay của một người nghệ sĩ tài hoa, tài tử. Đẹp nhất là vào mùa hè, mặt sông sáng loé lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Đặc biệt, phải khẳng định chắc nịch rằng, dù có đa sắc màu nhưng nước Sông Đà chưa bao giờ màu đen như bọn “thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ra đổ thức mực Tây vào rồi gọi bằng một cái tên láo lếu”. Qua những câu văn miêu tả về màu nước Sông Đà, Nguyễn Tuân cũng đã làm nổi bật được cái trữ tình, thơ mộng của dòng nước còn có cả cái dữ dội ngàn đời của con sông Tây Bắc. Nguyễn Tuân đã dựng lên cả một thế giới thiên nhiên rộng mở, tươi đẹp sống động và giãy giụa trên trang giấy, những trang viết ấy tựa như “một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm” ngắm để thấy hoa cỏ bay trên sóng nước Sông Đà.
Vì sông Đà là một con người nên tâm hồn của nó cũng góp phần tạo nên vẻ trữ tình riêng biệt cho dòng sông này. Tác giả khẳng định “Đã có lần tôi nhìn sông Đà như một cố nhân”. Sông Đà trở thành người bạn đầy gắn bó đến nỗi tác giả đi xa thì nhớ, khi trở về lại ngỡ ngàng đến sung sướng trước dòng sông. Đi rừng nhiều ngày mới bắt được ra sông Đà, tác giả reo lên ngỡ ngàng: “Bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bướm bướm trên sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”. Tiếng reo gợi sự trân trọng, gợi cảm giác lưu luyến vấn vương mà tác giả đã đặc biệt dành cho sông Đà. Cảnh và người đều chung một tình cảm thiêng liêng ấm áp. Không dữ dội như quãng bày thạch trận trên sông, người đọc như lạc vào thế giới cổ tích, thế giới của tiền sử. Câu văn “Thuyền tôi trôi trên sông Đà” toàn vần bằng tạo cảm giác yên ả, thanh bình, sự tĩnh lặng. Tác giả hướng đến lịch sử của những buổi đầu dựng nước và giữ nước: “Hình như từ đời Trần, đời Lý, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”. Sự hướng nội này càng làm nổi bật vẻ đẹp nguyên sơ và hồng hoang của đôi bờ sông Đà. Đúng như tác giả đã so sánh “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Phép so sánh độc đáo, dùng không gian để gợi mở thời gian, mở rộng biên độ làm nổi bật vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng, nguyên thuỷ của buổi sơ khai. Hai chữ “lặng tờ” được nhắc đi nhắc lại tới hai lần theo kiểu trùng điệp rất đặc thù của thơ, không gian vắng lặng nhưng không thể “lặng tờ” hơn được nữa du khách đang đi thuyền trên quãng sông này nhưng lại có cảm giác mình đang đi ngược về quá khứ xa xưa.
Theo dòng trôi của con thuyền người đọc đi vào thế giới hoang sơ tĩnh mịch, bao trùm cảnh vật là một màu xanh hoang sơ, hồn nhiên. Cũng thấy nương ngô “nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa”, đã có dấu ấn của con người in trên màu xanh mỡ màng ấy, nhưng thật vô cùng ngạc nhiên “mà không một bóng người”. Chỉ có đồi gianh nối tiếp đồi gianh trùng điệp với những "nón búp" ngon lành. Hình ảnh đàn hươu xuất hiện trên màu xanh bát ngát những đồi gianh là một nét vẽ tài hoa làm cho bức tranh thiên nhiên sông Đà đượm màu “hoang dại” và “cổ tích”. Không phải chú nai vàng ngơ ngác trong cái xào xạc của lá thu rơi thuở nào mà ở đây chỉ có: “Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”. “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử; bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Nguyễn Tuân so sánh không phải để cụ thể hóa sự vật mà là trừu tượng hóa, thơ mộng hóa cảnh vật. “Bờ tiền sử”, “nỗi niềm cổ tích tuổi xưa” là chữ của nhà văn bậc thầy về ngôn ngữ này. Nguyễn Tuân không dựa vào trực giác để so sánh, ông đã dùng tưởng tượng để tạo nên những liên tưởng, những so sánh đầy chất thơ và rất kì thú, gieo vào tâm hồn người đọc bao cảm xúc, để cùng ông tận hưởng cái vẻ đẹp “hoang dại” và “hồn nhiên” của Đà giang. Đoạn trích khép lại bằng hình ảnh con sông Đà trong sự liên tưởng đến thơ Tản Đà “Dải Đà bọt nước lênh bênh - Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của một người tình nhân chưa quen biết càng làm cho hình ảnh dòng sông trở nên quyến rũ, có linh hồn, giàu sức hút. Như một đoạn phim chuyển cảnh từ tĩnh qua động để rồi tĩnh lặng hơn.
Quá đoạn bút kí trên đã góp phần làm nên giá trị nhân đạo của tác phẩm “Người lái đò Sông Đà”, đồng thời cũng góp phần thể hiện phong cách nghệ thuật uyên bác, tài hoa của Nguyễn Tuân. Hình tượng Sông Đà đậm chất trữ tình, thơ mộng được nhìn ở nhiều góc độ được thể hiện bằng hình ảnh, ngôn từ mới lạ; câu văn căng tràn, trùng điệp mà vẫn nhịp nhàng về âm thanh và nhịp điệu; cách so sánh, nhân hoá táo bạo mà kì thú; lối tạo hình giàu tính mĩ thuật, phối hợp nhiều góc nhìn theo kiểu điện ảnh. Những đoạn văn miêu tả về vẻ trữ tình của con sông Đà cũng cho thấy sự công phu tìm tòi khó nhọc và vốn tri thức uyên bác của nhà văn ; đặc biệt, nhà văn đã viết ra những câu văn mang dáng dấp mềm mại, yên ả, trải dài như chính dòng sông trên những câu văn có âm điệu êm đềm cứ tuôn dài, tuôn dài như không thể dứt ; nhà văn đã cảm nhận và miêu tả thiên nhiên bằng cái nhìn độc đáo của người nghệ sĩ, bằng phương diện thẩm mĩ tài hoa.
Một điệu tâm hồn, như Nguyễn Tuân, luôn luôn yêu quý, nâng niu và trân trọng cái Đẹp. Đôi khi vì thế người ta gọi ông là người duy mĩ (nghệ thuật vị nghệ thuật). Nhưng có lẽ con đường đến với cái Đẹp của Nguyễn Tuân phản ánh đúng quy luật của những tài năng nghệ thuật chân chính - sáng tạo ra cái Đẹp không phải như một phương tiện mà là như một mục đích. Độc giả tinh anh nhận ra Nguyễn Tuân chính là người nghệ sĩ đích thực suốt cuộc đời cầm bút mê mải đi tìm cái Đẹp và cái Thật bằng nghệ thuật ngôn từ.
Có những tác phẩm đọc nhiều lần ta cũng không thể nhớ, nhưng cũng có những tác phẩm đọc một lần ta không thể nào quên. Từng dòng ngôn từ ấy như dòng sông mang theo phù sa màu mỡ vun đắp, thẩm thấu sâu trong tâm hồn, làm nó giàu dinh dưỡng - thứ dinh dưỡng của cảm xúc, của tình yêu và tri thức. Tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân là một tác phẩm như thế. Bụi thời gian mãi mãi không thể xóa nhòa đi những giá trị chân quý mà tác phẩm đem lại.

- - - - - - - HẾT - - - - - - -
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
người lái đò sông đà nguyen tuan văn học văn học 12
  • Like
Reactions: Vanhoctre
2K
1
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.