MTX Khi nó viết - tags

MTX Khi nó viết - tags

Tốt nghiệp ngành Văn, bạn bè đứa làm giáo viên, đứa vào tòa soạn làm việc, lớp Ngữ văn ngày nào giờ trưởng thành với cô giáo, thầy giáo, phóng viên,…thế nhưng vẫn còn nó chọn về xã công tác với lương ít ỏi, đôi khi bạn bè xa dần nó chỉ vì địa vị của nghề không giống nhau, có lúc nó hơi chạnh lòng, nó cười để đáp lại những ánh mắt nhìn nó ngơ ngác.

red-hands-woman-creative.jpg


Bốn năm về trước khi vừa tốt nghiệp nó cũng được tuyển dụng vào một tòa soạn báo tỉnh hẳn hoi, ngày phỏng vấn nó và ba người bạn học chung lớp, hai anh ở đài huyện cùng ứng tuyển, ngày đó nhận được điện thoại phỏng vấn, nó vừa cười tít mắt vừa chạy để tìm được tòa soạn, nó đã đi lạc không biết mấy con hẻm, đến cuối cùng buổi phỏng vấn kết thúc, nó chạy thật nhanh xin hai chú phó tổng biên tập cho mình được phỏng vấn. Buổi nói chuyện diễn ra rất nhẹ nhàng, nhưng nó biết mình đã trúng tuyển. Ngày nhận được quyết định đi thực tập, nó lại từ chối chỉ vì không nỡ rời bỏ xã nghèo nơi mình sinh sống, nó quyết định từ bỏ một cơ hội được viết, ước mơ được viết lại chôn vùi vào góc tâm hồn.

Tưởng chừng nó sẽ không sáng tác, từ bỏ trang viết, những nỗi buồn len lén, những khoảng trống vô tội vạ trong cuộc sống, và những lúc như thế nó lại viết, viết miệt mài, từ những câu chuyện thường ngày, đến những câu chuyện xung quanh mình tất cả được hóa thân vào những nhân vật trong tác phẩm của nó. Bon chen nó cũng gửi bài cho tòa soạn, cho các báo mạng để dự thi, nó ngồi trước máy vi tính hằng giờ để chờ đợi bài viết được đăng. Chỉ cần được đăng thôi cũng đủ cho nó niềm hạnh phúc, mà dường như nó chưa đạt giải bài viết nào, chỉ dừng lại vô vòng chung kết. Thằng nhóc làm chung nó cứ bảo “ Chị viết đừng có kêu em like à, like mà chẳng bao giờ có giải thưởng, nhuận bút để đi ăn lẩu”. Cuộc thi văn học mạng luôn đòi hỏi số lượng like, nó hay dụ dỗ thằng nhóc đọc đi rồi hay thì cho like ủng hộ, thật ra nó không thích chuyện like tác phẩm, nó cần người đọc tác phẩm của nó, cảm nhận được những gì nó viết hơn là việc được ủng hộ số like, nó muốn được đem câu chuyện nhân văn mà nó góp nhặt qua đời thường khiến người ta xúc động, có thể đánh thức lương tri, nhận thức về con người, chỉ như thế đủ cho hạnh phúc.

Nhớ hồi cấp hai, tác phẩm nó đạt giải đầu tiên viết về cô bạn ngồi cùng bàn “Cô bạn bán tàu hủ”, nó thương bạn, quý bạn, vậy là nó viết, viết bằng cả trái tim khi mà mình bất lực không thể có tiền giúp bạn, viết để mong thầy cô ủng hộ bạn, giúp đỡ bạn, sáng thứ hai chào cờ thầy đọc tên giải nhất là nó, nó vui mừng, hạnh phúc ôm chầm lấy bạn và lên nhận phần thưởng mười nghìn đồng để nó khao bạn một chầu kem ăn đã đời. Rồi bạn bỏ nó đi, bạn từ chối tình bạn chân thành vì thầy dạy toán thương nó hơn bạn, thầy cho bạn một điểm vì copy bài của nó. Nó không giải thích gì thêm, nhiều lá thư nó viết muốn gửi đến bạn cho bạn hiểu nỗi nhớ và tình cảm nó dành cho bạn, tất cả nó gói vào chiếc hộp và thả xuống dòng sông trôi đi cho đến bây giờ gặp lại nhau, tình cảm nó dành cho bạn vẫn nguyên vẹn như ngày nào, bạn gặp nó cười xã giao và đi…nó bắt đầu viết trang mới cho tình đời.

Lần thứ hai nó lại viết trong kỳ thi học sinh giỏi văn cấp huyện, phải nói đi thi cho có chứ không nghĩ mình sẽ đạt giải ba, sách còn không đủ học sao đủ tư liệu để ôn bài, nhớ gì, cảm gì thì viết đấy. Có lẽ giải thưởng năm đó do nó may mắn, nó ôm chầm lấy cô giáo dạy văn cho đội tuyển của trường và nói “Cô em vui và hạnh phúc lắm, cô biết vì sao không, vì em thấy cô cười khi em đạt giải, có phải cô hạnh phúc vì em không”.

Lần thứ ba nó lại viết khi tham gia thi tuyển học sinh giỏi vòng trường của năm lớp mười, kết quả nó chỉ đạt giải tư thôi, đang ngồi dệt chiếu cùng mẹ, đôi tay lắm lem màu nhuộm lát, hơn cả những đứa chơi dơ, nó nghe thầy ghé trước nhà gởi thông báo đậu đội tuyển văn, mặt lắm lem, cười tít mắt khoe với mẹ “Con đậu rồi mẹ ơi”. Mẹ ngồi đó với nỗi lo và niềm hạnh phúc xen lẫn, mùa hè năm nào nó cũng cùng mẹ dệt chiếu kiếm tiền, bạn bè đi học thêm, chứ nó vẫn cọc cạch cùng mẹ bên khung chiếu. Lần đó niềm hạnh phúc của nó có mang nỗi buồn len lén, không biết mẹ có cho mình đi ôn thi không, nếu cho thì ai sẽ dệt chiếu cùng mẹ.

Rồi câu chuyện viết cho Nhật ký Đặng Thì Trâm được phát trên radio Đài Kiên Giang hối còn học lớp mười một, giải thưởng chẳng có nhiêu tiền, nhưng thư của các anh bộ đội ngày đêm bảo vệ tổ quốc lại gửi liên tục về với tâm sự “Nhờ bài viết của em đã trở thành động lực cho các anh chiến đấu với biển đảo mênh mông, chiến đấu với muôn trùng khó khăn và nỗi cô đơn”. Nhận được thư mà nó vui như nhận được tiền nhuận bút vậy.

Vào đại học nó hay viết bài và đọc truyện cho radio Đài Vĩnh Long, mỗi bài nhận được một trăm ngàn tiền nhuận bút, nhỏ bạn chung lớp hay đứng trước bưu điện chờ được nhận tiền đi ăn bữa ngon nào là hủ tiếu gõ, nào là yaourt,…

…Nó sinh ra và lớn lên trong gia đình không hạnh phúc, ba mẹ, ông bà cãi nhau suốt, đôi lúc nó muốn bỏ đi lang thang như mấy đứa trẻ ngoài phố. Hỏng ai nghe nó nói, nó muốn gì cũng chẳng ai để ý. Nó buồn, nó lại sáng tác vô vàn câu chuyện gia đình, ước mơ hạnh phúc, nó chẳng gửi đến tò soạn nào, chỉ có ông táo, năm nào nó cũng đợi đến 23 tết, nó lại gom hết những câu chuyện buồn đốt lên, đốm lửa hồng làm nó hạnh phúc, nó đã gửi ước nguyện nhờ ông táo giúp nó lên tấu với ngọc hoàng thượng đế hãy ban hạnh phúc cho gia đình nó. Có lẽ từ nhỏ ông táo, cây bút và tờ giấy đã nuôi dạy nên người mà không sa ngã vào những tệ nạn xã hội. Ban tặng nó tính lương thiện, vẫn là đứa trẻ ngoan cho đến tận bây giờ.

Còn hiện tại, nó lại muốn viết câu chuyện về xã hội, về cuộc sống hiện đại, nó muốn được cứu lấy những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình chỉ vì công việc, nó muốn viết cho những người trót làm mẹ đừng bỏ đi những hình hài đang tồn tại dù cho chúng chỉ mới là những đốm máu đỏ hồng…

Và hạnh phúc lại mỉm cười với nó.
 
Từ khóa
cô giáo giáo viên ngành văn ngữ văn phóng viên tốt nghiệp
  • Like
Reactions: Vanhoctre and VHT
1K
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top