sáng tác Một thời để nhớ

sáng tác  Một thời để nhớ

Năm 1986, tôi cùng chúng bạn trang lứa thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ngày giao quân, ai nấy lên xe đầu quân cho đơn vị nghe đâu huấn luyện ở Như Xuân (Thanh Hoá) rồi tham gia cho chiến trường K tận phía Tây nam của tổ quốc xa xôi. Còn tôi thì gia nhập cho Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn II nghe đâu tận Hà Bắc (nay là Bắc Giang) cùng với các xã lân cận. Tôi chưa đi ngay mà phải ở lại hơn 10 ngày rồi mới lên đường. Và ngày lên đường cũng đến. Buổi chia tay đọng nhiều cảm xúc khó quên. Giọt nước mắt của người thân chạm vào lòng trái tim người lính trẻ như kỉ niệm khó quên theo suốt cuộc đời. Cảm giác xa quê hương lần đầu như một điều kì diệu phổ thành nhạc, thành thơ cho những người chưa bao giờ bước ra khỏi lằn ranh của làng, của phố. Ai đã từng chứng kiến mới thấy được câu nói của người xưa chẳng sai: “xa nhà ra thân thất nghiệp.” Quả không sai.​
giây phút chia tay người thân lên đường nhập ngũ (1).jpg

Chia tay - Văn học trẻ - Ảnh sưu tầm​
Ngày ấy, cách nay đã 36 năm, tôi xa quê, xa mảnh đất mình sinh ra và lớn lên rồi xa đằng đẵng. Hình như thời gian ấy, tôi tròn 18 tuổi. Cái tuổi đẹp nhất của đời người cũng chưa là người lớn nhưng cũng chẳng là trẻ con. Dường như, cái tuổi mới qua vòng thơ bé chưa được bao lâu mà phải xa gia đình, xa vòng tay yêu thương của mẹ cha để bước vào hành trình tự hoà nhập vào cộng đồng xã hội, tôi luyện ý chí, phẩm chất của tuổi trẻ trong tương lai. Bao ước mơ và hoài bão đang hừng hực phía trước chờ đón. Tương lai còn dài và cũng chưa mối tình nào vắt vai để dẫu có xa còn lãng mạn, du dương một xíu. Ngày ấy…Tiết trời phảng phất gió lạnh mang hơi huống mùa đông lồng vào mùa xuân hơi rùng mình một tí. Nắng cũng chẳng đủ ấm mặc cho đã hai tháng mùa xuân trôi qua. Tôi và bạn bè tập kết tại ga Thanh Hoá để đi làm nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ thiêng liêng cao quý của tuổi trẻ mà ai cũng phải tham gia khi đến tuổi đối với nam thanh niên của mọi miền trên tổ quốc. Ánh nắng chiều đổ dài bóng những người lính tân binh thất tha thất thểu từng hàng đi theo chỉ dẫn của chỉ huy trưởng phụ trách. Sân ga nhộn nhip cảnh người dân đáp tàu ra Bắc vào Nam cùng với những người chiến sĩ mới lên đường nhập ngũ huyên náo càng làm cho sân ga chộn rộn hẳn lên. Chỉ còn ít phút nữa thôi là quê hương, người thân sẽ xa dần khi đoàn tàu chở chúng tôi chuyển bánh hướng thẳng ra ga Hà Nội.
Giờ phút chia tay cũng đến khi tất cả chúng tôi đã được ổn định trên các toa. Bỗng một hồi còi tàu kéo dài như thôi thúc “tu...tu...tu...u...u...” rồi từ từ chuyển bánh trên đường ray chầm chậm. Thanh âm va vào nhau rầm rập của bánh xe tàu hỏa đụng vào chỗ nối của những thanh tà vẹt nghe chói tai lẫn tiếng máy đầu toa xe xình xịch...xình xịch liên hồi sao nao nao điều gì khó tả. Người thân nhốn nháo, tất bật tiễn đưa chúng tôi đi dâng tràn cảm xúc, quệt vội giọt nước mắt thương nhớ rồi luống cuống vội vã nhìn xa xăm, tiếc nuối. Chúng tôi vẫy tay chào cho đến khi bóng người thân khuất hẳn phía sau.
Tàu dời ga lao vùn vụt tốc độ nhanh nếu ai đó chưa quen thì say tàu cũng chẳng ngoa. Được cái, sức trẻ của chúng tôi chịu nổi nên chẳng hề hấn gì. Đi được mấy tiếng đồng hồ thì trời tối, chỉ còn nghe tiếng xình xịch lăn bánh trong đêm của đoàn tàu băng qua khu nhà dân rồi bao cánh đồng những nơi nào không rõ. Trời tối đen như mực. Ngồi nhìn qua cửa sổ toa tàu ra xa ẩn hiện ánh đèn điện của nhà máy, công trường nào đấy như những đốm sao trên bầu trời đêm chìm trong khoảng xa tĩnh mịch. Gió lành lạnh rít qua cửa. Rồi tất cả ai nấy chìm vào giấc ngủ. Cũng chẳng ai hay tàu đã dừng đỗ những ga nào, khi choàng tỉnh dậy thì tàu đã vào ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ). Trời vẫn chưa sáng, ánh đèn cao áp của sân ga chiếu sáng rõ như ban ngày thứ ánh sáng vàng vọt len vào từng toa xe rồi tiếng bánh xe đè lên đường sắt xình xịch. Âm thanh trong đêm chỉ còn nghe tiếng tàu chạy. Đoàn tàu vẫn vùn vụt băng băng trên đường ray, thi thoảng rít hồi còi dài não nuột. Một thoáng thì dừng ga Bắc Giang của tỉnh Hà Bắc. Mọi người ngơ ngác hỏi han nhau: Đây là đâu thế? Rồi vặn mình, hít thở cái không khí thành đô bốc lên đâu đây ngai ngái, lấy lại sức khi ánh bình minh chiếu vào để chuẩn bị lên đường tiếp. Sau 15 phút ngắn ngủi, tàu tiếp tục lăn bánh rời ga, băng băng song song quốc lộ 1A đỗ lại ga Kép (Lạng Giang). Chúng tôi, ai nấy ngơ ngác chẳng hiểu mình sẽ hành quân như thế nào sau một đêm dài ngồi tàu xa quê. Cảnh buổi sáng ở vùng này khác hẳn với mọi miền quê khác. Bình minh, mặt trời mọc vẫn hướng đông nhưng chệch hướng thân quen nơi quê nhà. Xuống ga Kép, chúng tôi được ăn bữa sáng lót dạ rồi rảo bước bộ hành thành từng đoàn cứ con đường lớn mà đi. Mồ hôi ai nấy bắt đầu túa ra. Người dân nhìn chúng tôi đi ngang qua thấy lạ. Họ đứng nép trong từng cửa ngõ nhìn chúng tôi rồi giơ tay vẫy chào trông thân thiện lắm. Họ nói với vọng ra lời nói như động viên chúng tôi : “chúc các chú lên đường mạnh khỏe nhé! Chào....”. Chúng tôi cũng giơ tay vẫy đáp lại, nở nụ cười trên môi đầy lạc quan. Tên làng, tên xóm chúng tôi qua dần dần lùi xa phía sau rồi khuất hẳn. Chẳng ai nhớ nổi nơi nào với nơi nào mình đã đi qua và in hằn lại dấu dép dưới chân. Thoáng gặp những người nông dân cày cấy, đội nón, vác cày, dắt trâu bò như những miền quê khác lại nhớ nhà, nhớ bạn bè lúc chia tay lên đường nhập ngũ. Chưa bao giờ tôi đi bộ xa như thế bao giờ. Ngày đi, đêm nghỉ. Ròng rã mấy ngày đường mới thấy thấm mệt, quai dép cọ vào đôi chân kia rộp lên nốt phồng vỡ ra bỏng rát cũng phải nén chịu để đi. Lưng cõng chiếc ba lô như một chiếc tủ con di động. Của cải chẳng có gì ngoài mấy bộ áo quần tư trang bộ đội, chục cái phong thư, con tem, cuốn sổ tay và mấy cái khăn mùi soa còn thơm mùi vải mới mà bạn bè cùng quê trao tặng khi lên đường tòng quận. Cứ nhìn vào đó mà hướng tới tương lai để rồi có ngày gặp lại kể cho nhau nghe những buồn vui thuở khoác trên mình bộ quần áo xanh đầy chất lính. Xốn xang... xốn xang. Bài hát “tấm áo mẹ vá năm xưa” mấp máy trên môi chúng tôi : “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc/để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc” lay động trong lòng người lính tân binh khuây khỏa lúc hành quân. Cứ hễ trưa lại nghỉ rồi đến tối thì cứ ngôi trường nào đó trong dân mà ngủ. Tỉnh dậy, chúng tôi chẳng biết nơi này là “mô tê” gì cả. Rồi khi trời đã tối của ngày thứ ba thì mới biết đã về tới nơi đóng quân. Lúc này, nỗi nhớ nhà mới day dứt làm sao. Sự mệt nhọc bao nhiêu ngày lội bộ thử thách đôi chân tuổi trẻ mới biết rằng “đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu”...
Đấy là chuỗi ngày xa quê tuy không dài nhưng chan chứa niềm cảm xúc. Thấm cảnh xa nhà và trong tôi nhớ mãi không bao giờ quên cho đến ngày nay đằng đẵng nơi miền quê phía Nam của tổ quốc. Hình ảnh quê hương đối với tôi lúc nào cũng hằn in trong tim mỗi khi bài hát “Quê hương” của ca sĩ nào ấy vang lên: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mà thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành...người....” Và cái thời khắc hành quân xa nhà dạo ấy như khắc ghi một thời tuổi trẻ mãi mãi không quên đối với tôi khi đã bước qua tuổi ngũ tuần. Ôi! Một thời để nhớ!​

Bài của Phùng Văn Định
 
Từ khóa Từ khóa
một thời để nhớ nhập ngũ xa nha
550
3
3
Trả lời
Tản văn giàu chất thơ với rất nhiều câu văn thi vị. Chẳng hạn như:
- “Giọt nước mắt của người thân chạm vào lòng trái tim người lính trẻ như kỉ niệm khó quên theo suốt cuộc đời”
-“Cảm giác xa quê hương lần đầu như một điều kì diệu phổ thành nhạc, thành thơ …”
-“Hình như thời gian ấy, tôi tròn 18 tuổi. Cái tuổi đẹp nhất của đời người cũng chưa là người lớn nhưng cũng chẳng là trẻ con”

Cảm ơn tác giả Phùng Văn Định. Mong được đọc nhiều hơn các sáng tác của chú (vì theo tản văn, anh bộ đội nhập ngũ năm 1986)
 
  • Like
Reactions: Vanhoctre

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.