Mùa lá rụng trong vườn - Ma Văn Kháng

Thấy ngoài trời phủ lớp sương mù của mùa đông đùng đục ngoài cửa số trong mình tưởng tượng ra rặng cây rụng trơ trụi lá hồi chiều qua mới gặp. Bất giác, ngẫm ngợi về mùa lá rụng. Miên man nghĩ suy đã dẫn mình về lại một tác phẩm văn học, về cây, về người, về gia đình và xã hội: Mùa lá rụng trong vườn.

Mùa lá rụng trong vườn là một tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng, hoàn thành vào tháng 12 năm 1982 và được xuất bản lần đầu vào năm 1985. Lấy bối cảnh một gia đình truyền thống vào những năm 80 của thế kỉ XX, khi đất nước bắt đầu có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau chiến tranh, gây ra nhiều thay đổi tốt có, xấu có; truyện đã phản ánh chân thực những biến động trong xã hội thời bấy giờ và những ảnh hưởng to lớn của nó tới gia đình - tế bào của xã hội.

Mua_la_rung_trong_vuon.jpg

Truyện đã giành giải thưởng loại B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986.

Mùa lá rụng trong vườn kể về gia đình ông Bằng, một nhân viên bưu điện đã nghỉ hưu tại Hà Nội. Ông Bằng có năm người con trai. Anh cả Tường đã hi sinh ngoài mặt trận, vợ anh là Hoài đã tái giá nhưng vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi gia đình. Đông là anh hai, trung tá đã xuất ngũ, sống cuộc sống đơn giản và thậm chí là hơi lười biếng với Lý, cô con dâu đảm đang, nhanh nhẹn. Con trai thứ ba của ông là Luận, một nhà báo có nhiều trăn trở, suy tư về cuộc sống. Vợ anh là Phượng, một người tốt bụng, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Trái ngược với các anh em, người con thứ tư - Cừ, lại hư hỏng, không nghe lời cha mẹ, đã từng bị đuổi khỏi quân đội. Cuối cùng, em út Cần đang đi học ở Liên Xô, sắp về nước.

Ông Bằng cùng với gia đình Đông và Luận sống trong căn nhà đầu phố tĩnh mịch, cách khá xa sự ồn ào, hỗn loạn của chốn thị thành. Tuy nhiên, trong ngôi nhà yên tĩnh ấy, bi kịch ập tới khi Cừ bỏ việc ở xí nghiệp, trốn ra nước ngoài, bỏ lại vợ và hai con nhỏ. Đối với ông Bằng, người cha vốn rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái, vốn đề cao những giá trị tinh thần truyền thống, đề cao đạo đức thì đây là một cú sốc quá lớn. Sau khi trốn sang Canada, Cừ mới nhận ra lỗi lầm của mình thì đã muộn. Anh liền gửi bức thư cuối cùng về nhà trước khi uống thuốc tự tử. Nhận được thư, bệnh cao huyết áp của ông Bằng tái phát, khiến ông phải nhập viện, rồi qua đời. Đồng thời, vợ và hai con trai của Cừ vô cớ bị sa thải khỏi nông trường, phải đến ở nhờ nhà ông Bằng, rồi nhà chị Hoài. Trước tình cảnh khó khăn, Luận, Phượng và Hoài đã tỏ rõ mình là những người có tinh thần trách nhiệm cao đẹp, thương người như thể thương thân.

Chuyện của Cừ chưa nguôi ngoai thì bi kịch khác lại đến. Lý cảm thấy quá mệt mỏi và chán chường khi sống cạnh Đông, người chồng lôi thôi, tối ngày chỉ biết đánh tổ tôm, không quan tâm tới vợ. Chị bị ông trưởng phòng vật tư ở cơ quan dụ dỗ. Vốn là con người ít học, nhiễm lối sống thị thành xô bồ từ nhỏ, Lý dần dần bị cám dỗ. Chị đã có lần đi công tác Sài Gòn gần tháng trời với ông ta, sống cuộc sống ăn chơi, hưởng lạc, bỏ bê gia đình. Rồi cuối cùng chị bỏ chồng, theo ông ta vào Sài Gòn hẳn. Chỉ tới lúc đã đi khỏi nhà chị mới nhận ra lỗi sai của mình, viết thư tỏ ý muốn quay trở về. Câu chuyện kết thúc vào một đêm giáp Tết, khi mọi người nhận được thư của Lý.

  • Ông Bằng là người cha nghiêm khắc, mẫu mực, luôn cố gắng giữ gìn nền nếp gia đình. Ông luôn dạy con cái phải tôn trọng những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, đặc biệt là trong thời kì đất nước đi lên với nhiều thay đổi cả tích cực lẫn tiêu cực. Bề ngoài, ông luôn tỏ ra là một người bình tĩnh, cố gắng giữ thế cân bằng trước mọi biến chuyển lớn trong gia đình. Ông yêu âm nhạc và chỉ nghe đi nghe lại bản nhạc Vườn khuya. Sau khi bà Bằng mất, ông chỉ có bà lang Chí hàng xóm làm bạn.
  • TườngHoài: Tường là anh cả, đã hi sinh vào năm 1959. Lúc đó, Hoài vẫn chưa có con với anh. Sau khi chịu tang chồng, chị về quê, kết hôn và có con với người khác. Tuy vậy, tình cảm của Hoài với gia đình ông Bằng vẫn còn rất sâu nặng. Chị thường xuyên viết thư thăm hỏi, theo sát mọi việc trong nhà, sẵn sàng giúp đỡ ba mẹ con Cừ khi họ gặp khó khăn.
  • Đông: Đông là trung tá, đã về hưu. Trước một xã hội càng ngày càng phức tạp và biến đổi không ngừng, Đông lại sống và suy nghĩ vô cùng đơn giản. Trong cuộc sống thường ngày, Đông là người chậm chạp, thậm chí có hơi lười biếng, thường xuyên đi đánh tổ tôm... Vợ anh là Lý, một tính cách trái ngược: nhanh nhạy, năng động, đảm đang. Chị luôn luôn làm tốt mọi công việc trong gia đình, cơ quan. Tuy nhiên, Lý cũng bộc lộ những điểm chưa tốt: ham mê quyền lực, muốn chuyện gì cũng theo ý mình, hơn nữa lại có lối suy nghĩ thực dụng, quá coi trọng vật chất, coi trọng đồng tiền. Luận đã nhận xét về chị: "Thiếu sự bảo trợ của những giá trị tinh thần khác, những gì là tốt đẹp trong bản chất chị bỗng trở thành bấp bênh", để rồi cuối cùng, không được mọi người quan tâm, nhắc nhở, chị đã sa ngã.
  • LuậnPhượng là hai con người tốt bụng, giàu lòng thương người. Là một nhà báo, Luận biết rất rõ những ảnh hưởng mà nền kinh tế thị trường đã và đang gây ra cho xã hội, cũng như cho gia đình anh. Qua con mắt nhìn tinh tế, anh dễ dàng hiểu được tính tình những người trong gia đình, nắm rõ điểm tốt, điểm chưa tốt trong nhân cách mỗi người. Luận thiên về tư duy, còn Phượng lại thiên về hành động. Học ở trường Kinh tế - Tài chính, chị lại phải lên Hoàng Liên Sơn làm một công việc không phù hợp với khả năng của mình, rồi mãi mới về Hà Nội, làm kế toán trong xí nghiệp in. Phượng và Luận luôn chứa chan tình thương yêu mọi người. Vì vậy, hai người sẵn sàng bán cả nhẫn, cả áo để có tiền chăm sóc cho ba mẹ con Cừ khi họ ở nhà ông Bằng, và dễ tha thứ cho Lý khi chị mắc sai lầm. Họ cũng luôn luôn yêu thương, gắn bó thuỷ chung với nhau.
  • Cừ, người con thứ tư, lại được xem như một sự thất bại trong việc dạy con của ông Bằng. Ngay từ khi còn nhỏ, những giá trị đạo đức được bố mẹ đề cao thì anh lại xem thường, không coi ra gì. Khi đi bộ đội, viết thư về nhà, anh chỉ kêu khổ và đòi tiền của cha mẹ; rồi sau đó bị đuổi vì tội ăn cắp quân trang. Cừ đã có hai con với một cô dệt chiếu ở nông trường. Sau này, nhờ có Luận giúp đỡ, Cừ được đi học nghề ở nước ngoài, rồi về nước làm việc trong một xí nghiệp. Chứng nào tật nấy, anh cùng với một cô gái lên tàu thuỷ trốn sang Canada. Chỉ khi làm việc ở trại tị nạn, anh mới có thời gian suy ngẫm và nhận ra: "Khinh rẻ giá trị tinh thần thì đời trống rỗng, hoang tàn". Cuối cùng, Cừ uống thuốc độc tự tử để chấm dứt cuộc đời vô nghĩa lý của mình.
  • Cần là em út, được cử đi học tập ở Liên Xô. Anh đã có một mối tình đẹp với cô bạn học Vân, mặc dù bị cha mẹ Vân tìm đủ mọi cách ngăn cản. Sau năm năm đi học ở nước ngoài, anh đã từ bỏ cơ hội học lên cao để giữ đúng lời hứa với Vân, lúc này đã là cô công nhân xí nghiệp Nhuộm-Giặt-Là. Trong một cuộc gặp gỡ ở vườn nhà Cần, anh đã ngỏ lời cầu hôn Vân.
Lang thang internet, bắt ngặp được nhiều người viết những tâm trạng đồng điệu quá. Xin trích lại:

"Hôm nay mình viết về một cuốn sách đã cũ rồi, được viết bởi tác giả mình rất thích - Ma Văn Kháng. Truyện đã được chuyển thể thành phim. "Mùa lá rụng trong vườn" được mở ra bằng khung cảnh Tết Nguyên đán những năm miền Bắc bắt đầu xây dựng sau chiến tranh, còn nghèo nàn và nhiều khó khăn. Nhưng bất chấp thế, gia đình nhà ông Bằng vẫn cố gắng có bữa Tất niên đủ đầy và ấm cúng bởi đây là nếp nhà ông, là truyền thông dân tộc Việt. Thế nhưng, sau những ngày Tết ấy, gia đình ông gặp những thăng trầm lạnh lẽo, thử thách lòng người, thử thách nếp nhà, giàu giá trị nhân văn nhưng phải đánh đổi bằng nhiều mất mát.

Khi đọc truyện, có nhiều lúc mình thấy hơi nản, dù mình rất thích Ma Văn Kháng. Nản vì những khó khăn mà gia đình ông Bằng gặp phải là một điều rất quen, nhưng quen đến độ mình - một người trẻ kém tuổi cuốn truyện cả hơn chục năm trời - cho rằng là chuyện đương nhiên, và những đấu tranh (có phần vật vã) của nhân vật khiến mình khó liên hệ. Thậm chí có lúc mình nhủ bản thân nhân vật này dở hơi à!

Nhưng thực ra nhé, đến khi đọc hết truyện, mình mới thấy việc mình cho rằng những đấu tranh của tất thảy các nhân vật khó hiểu là do xã hội bây giờ tha hóa quá, và mình tự nhiên cho rằng việc tha hóa là bình thường. Đọc xong sách, mình đã thấy bản thân hơi tệ đấy.

Kết thúc câu chuyện là một mùa Tết mới. Tết đến là một khởi đầu mới, dù một năm qua cuộc đời có ngược đãi bản thân mỗi con người đến đâu. Cây trong vườn trút lá, rồi qua Tết, chúng lại trổ mầm thôi".

mua-la-rung-trong-vuon-ma-van-khang.jpg


----

"
Một cuốn sách đưa người trẻ của năm 2017 về đến năm những năm 80, sau khi đất nước vừa hòa bình con người còn chật vật giữa cơm áo gạo tiền với con đường đi tìm lối sống đúng đắn, giữ nếp nhà, giữ những nét đẹp đáng quý của dân tộc khi xã hội bước đầu chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường.

Từng nhân vật trong cuốn truyện này đều rất thật và chắc chắn đến tận ngày hôm nay vẫn có. Một ông Bằng cả đời trăn trở lo toan cho gia đình và luôn nghĩ về cội nguồn văn hóa; một Đông hời hợt, sống giản đơn, đứng bên lề cuộc sống; một Lý đảm đang tháo vát nhưng ít học, nhiều tham vọng lại không được định hướng đúng đắn, không có điểm tựa về tinh thần vững chãi mà mắc phải sai lầm; một Luận rất tỉnh táo, rất khoa học, nhìn nhận phải trái đúng sai trong mọi mối tương quan; một Phượng rất tình cảm, rất nhẫn nại, rất biết hy sinh, luôn lo nghĩ cho người khác; một Cừ bồng bột nông nổi không nhận được cách giáo dục đúng cách từ gia đình mà phạm phải những sai lầm lớn để dẫn đến cái chết; một Cần, một Vân đại diện cho lớp người trẻ biết đấu tranh vì cuộc sống.

Những người trẻ nghĩa tình báo hiệu cho một tương lai rực rỡ hơn của lớp người sau trong xã hội hiện đại. Tin rằng vậy, vì gia đình người Hà Nội này chính là một xã hội thu nhỏ; những thăng trầm biến đổi theo 4 mùa lá trong vườn cũng gợi nên những đổi thay, những biến động về cả mặt vật chất và tình cảm của xã hội đương thời".

---

Ngay khi đặt quyển "Mùa lá rụng trong vườn" xuống, mình phải ngay lập tức viết review trước khi những suy nghĩ, cảm xúc vụt đi mất. Phải nói là quá tuyệt vời! Khi đọc cuốn sách này chẳng khác gì so với việc đi tàu lượn siêu tốc cả, nó lôi cuốn thu hút người đọc với sự hóm hỉnh, đáng yêu vô cùng. Càng về sau thì nó lại in dấu ấn trong lòng bạn đọc với những biến cố thăng giáng, có nhiều lúc chuyến tàu lên cao trào, rồi trượt xuống không phanh, rồi lúc thì xoay một vòng. Đọc mà nhấp nhổm không yên, tò mò không biết kết ra sao.

Dù là thế hệ đi sau cụ Bằng, bác Đông, bác Luận,... khi đọc cuốn sách này mình thấu hiểu tình cảnh khốn khó của người dân ta thời kì bao cấp, đồng cảm với những khổ đau đến mức bi đát, tuyệt vọng và cũng vỡ oà trong hạnh phúc, sung sướng. Tuyệt phẩm! Chắc chắn đây không phải là lần duy nhất mình cầm cuốn sách này lên, phải nói là cảm thấy phần nào may mắn khi đã quyết định đọc "Mùa lá rụng trong vườn".

...

Đọc trong file đính kèm nhé cả nhà!
 
Từ khóa Từ khóa
gia đình truyền thống ma văn kháng mùa lá rụng trong vườn mùa đông nhà văn ma văn kháng sau chiến tranh
1K
0
1
Trả lời
Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn – được viết ra nhằm chia sẻ với người đọc giữa đời về niềm lo lắng sâu sắc cho các giá trị truyền thống trước những biến động, đổi thay của thời buổi kinh tế thị trường – được Ma Văn Kháng hoàn thành vào năm 1985. Tác phẩm gồm 20 chương. Đoạn trích được chọn đưa vào Sách giáo khoa Ngữ văn 12 là một đoạn dẫn từ phần 4, chương II của tác phẩm.

Bằng một giọng kể ấm áp và cảm động, khi thì qua trật tự tuyến tính dẫn dắt, khi thì qua ngôn ngữ đối thoại, khi thì để cho sự việc phơi trải giữa thời gian hiện tại, khi thì để sự tình xa xôi sau một bức màn hồi ức, tác giả đã đưa người đọc trở về với một buổi chiều cuối năm đầy bình yên và trầm hương. Trong buổi chiều cuối năm đầy thiêng liêng mang tính truyền thống đó, người đọc nhận ra những nét đẹp rất phương đông, rất Việt Nam của ngày Tết cổ truyền: sự đoàn tụ, lễ cúng gia tiên và bữa cơm tất niên, những lời ước nguyện…

Chị Hoài – người vợ của một liệt sĩ. Chấp nhận sự vô thường, chị tái giá, nhưng vẫn giữ sự hằng thường: sự trong sáng thuỷ chung với gia đình nhà chồng (gia đình ông Bằng). Hết mùa lá rụng năm ấy, chị như chiếc lá tìm về cội nguồn, trở về thăm lại gia đình cũ đúng thời khắc buổi chiều tất niên. Chị Hoài (mà cái tên như ngầm gợi lên một cái gì ổn định, hằng thường, thuỷ chung) hiện lên trong tác phẩm và đoạn trích trong một lát cắt bất ngờ của đời sống, cũng là trong chặng cuối cuộc hành trình của một năm tàn tháng tận. Chị đem đến cho khu vườn của nhà chồng một tiết tấu bình yên – như bù lại cho những gì mà thế giới yên tĩnh ấy đã, đang và sẽ vừa bị tước đoạt vừa được bồi đắp mới để thích nghi trước một nhịp điệu gấp gáp của đời sống thị trường. Lời nhắn gọn gắn mà mênh mang biết bao, ít chữ mà nhiều nghĩa biết bao ở chương XX – chương cuối cùng của truyện – của chị Hoài sau một mùa lá rụng nữa như hoàn chỉnh thêm diện mạo tâm hồn của một người vợ liệt sĩ đã thanh thản chọn cho mình cách sống vì mọi người (trước hết là mọi người trong gia đình dù đó chỉ là một gia đình đã xưa cũ với chị mà chị hoàn toàn có quyền không phải chia sẻ trách nhiệm nữa): “Bao giờ cậu Cần cưới vợ, cô Phượng ở cữ, cô Lí về, nhớ điện cho tôi lên”.


Trích dẫn :
Phố chạy tới đây có vẻ như là đã đuối sức. Nhà thưa thớt dần và mặc dầu mặt đường vẫn giữ nguyên vẻ đường bệ của một trục đường chính trong thành phố, nhưng tới đây hai bên hè cũng chỉ còn lác đác dăm ba cái biệt thự nho nhỏ, xinh xắn, kiến trúc kiểu châu Âu cuối thế kỉ trước, mái nhọn, nhiều ngóc ngách, góc cạnh, có vườn cây bao bọc. Những năm gần đây, thành phố phát triển về phía Tây và kéo dân cư về phía đó. Đoạn phố này, bên lẻ đánh số từ Một, bên chẵn đánh số từ Hai hoá thành cái đuôi của một đường phố lớn.
Xa cái náo nhiệt của trung tâm, nơi đây vắng vẻ, yên tĩnh, đến mức có cảm giác nó bị lãng quên, bị gạt ra khỏi đời sống phố phường. Ở đây có thể nghe thấy dép lê của khách bộ hành, tiếng trục xe ba gác lăn khục khịch, cót két trên đường. Ở đây, mùa hè inh ỏi tiếng ve và lao xao vòm lá rậm ngọn gió đùa. Mùa đông cảm nhận được tiếng sương rơi và hơi gió lướt của tàu lá liệng rơi trên mặt đất.
Căn nhà yên ắng nhất ở đoạn phố này là căn nhà số Một đứng ở đầu phố. Đó là một căn nhà gác nhỏ trong một khu vườn nhỏ, có cổng sắt. Căn nhà không còn toàn vẹn, sau một trận hoả hoạn cách đây chục năm, nay nó chỉ còn có căn gác và tầng trệt ở phía mặt tiền nhìn ra đường phố. Căn nhà yên lặng gần như suốt ngày, gần như quanh năm, hoà hợp với môi trường sống vì trú ngụ ở đây chỉ có ba bốn người, mà toàn là người lớn cả. Căn nhà chỉ mất đi sự yên ả cố hữu vào quãng năm giờ chiều. Lúc ấy có một người phụ nữ đạp xe đạp về, đeo lỉnh kỉnh những là gạo, mì, rau cỏ, ở sau xe, ở tay lái; chị gọi cổng, ầm ĩ và vui vẻ; lúc ấy mới thấy có hơi người, có sự sống động ở nơi này.
Nhưng cũng chỉ lúc ấy thôi, còn thì lặng yên, lặng yên hoàn toàn. Như bây giờ, đang cữ đông rét mướt, lại là những ngày giáp Tết Nguyên đán; ở đây, trong tĩnh mịch, nghe tiếng pháo lẻ tẻ từ trung tâm thành phố vẳng về, dửng dưng, không tư duy, không cảm xúc. Ở đây, lúc này tất cả dường như đã ổn thoả, ngay ngắn, trật tự, không còn phải lo toan, sắp xếp hoặc bàn bạc, cũng chẳng phải tính toán, nghĩ suy, hoặc đề phòng một tai biến nào đó có thể bất thình lình xảy ra…
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.