KẸO TẾT
Một buổi sáng đầu tháng Chạp, Hồng sang nhà Hưng, ngoắc tay gọi cậu. Thấy bàn tay búp măng bé nhỏ, Hưng mặc vội áo khoác rồi chạy xuống. Hưng biết Hồng định nói gì. Chắc vẫn lấy kẹo lạc để bán như mọi lần.
Tết sắp đến mà Hồng vẫn chưa giải quyết hết bộn bề trong năm. Nhà có ba chị em, để hai đứa em được đi học thì cô phải lo hết chi tiêu gia đình. Tết đến thật nhanh, như cách Hồng lớn lên, ồn ào và gấp gáp.
Quán nước be bé của Hồng ở đầu dốc đường vào thị trấn, không ghi đề đóm. Quán sống được cũng nhờ cô chủ có duyên và vị ngon của nước chè, kẹo lạc. Bàn hai chiếc, một chiếc để thuốc và kẹo bánh bán lẻ, chiếc bên cạnh bày đặc sản địa phương để bán cho khách vãng lai. Chiếc bàn thứ hai là do gợi ý của Hưng, công tử nhà làm kẹo lạc lớn trong thị trấn. Kẹo lạc của nhà Hưng là món ăn chơi truyền thống của vùng này, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon. Thị trấn vốn là phố chợ xưa của xã được nâng cấp cách đây hơn ba chục năm. Chính quyền xây dựng khu công nghiệp bên quốc lộ, nâng cấp đường xá nội thị, dân từ các vùng xung quanh đó, rồi người miền Nam cũng kéo đến, tạo thành một cộng đồng sống động, pha trộn cả ba miền. Gấn Tết, người ta cũng dần về quê, để lại nơi đây vẻ tĩnh lặng vốn có. Ngày bé thơ, Hồng mong đến Tết bao nhiêu thì khi lớn càng sợ Tết bấy nhiêu. Tết đến có nghĩa là không bán được hàng, không có thu nhập để thêm tiền nuôi hai đứa em đang tuổi ăn tuổi lớn.
Dù còn trẻ, Hồng đã bán nước khá lâu rồi. Bán nước vốn chỉ đơn giản là pha ấm trà đặc, rót từng chén ra cho mọi người uống thôi, nhưng cũng phải khéo xoay mới đủ sống. Trên bàn có bày mấy hộp kẹo lạc đặc sản, đó là thứ hết nhanh nhất, thường phải lấy thêm liên tục. Trông thì thế thôi, mỗi người vui miệng cũng phải ăn đôi cái khi uống chè, ngày hết một hai gói là chuyện bình thường. Quán chỉ bán nước, không làm mấy việc khác nên ngày cũng chỉ lãi vài chục ngàn. May còn có cái bàn bán thêm đồ đặc sản nên chị em Hồng mới sống được, thứ bán được nhiều nhất ở bàn đó vẫn là kẹo lạc. Hồng bán nước không nghỉ ngày nào, dù nắng chói hay mưa rào. Quanh đó, không ít người có tiền, bán nước chỉ để cho vui, có chỗ tán chuyện với bạn bè. Còn với Hồng, đây là một nghề kiếm ăn thực sự. Nếu không có chiếc bàn bán nước này, cô và hai đứa em nhỏ sẽ không biết đi về đâu. Khi nghe đến hoàn cảnh không còn cha mẹ của cô, ai cũng lắc đầu thương cảm, nhưng cô không thể dựa vào sự giúp đỡ của họ để kiếm sống, để tồn tại. Người ta ủng hộ quán nước hằng ngày đã may lắm rồi. họ cũng còn công việc, còn con cái.
Đưa túi kẹo lạc cho Hồng, Hưng lên xe, phóng tới nhà khác giao hàng. Lại một cái Tết nữa sắp đến trên thị trấn nhỏ này. Hưng lớn lên ở dây, chứng kiến lớp người nhập cư đến và đi, rồi đến Tết, thị trấn được trả lại sự bình yên vốn có. Chí rất ít người nhập cư ở lại đây đón Tết, trong đó có nhà Hồng. Ba chị em bám trụ lại dịp Tết bên quán nước bé nhỏ. Hưng muốn giúp Hồng thêm nữa để hai đứa em được đi học cho đàng hoàng. Hết cấp ba, Hưng không thi vào đại học để theo nghề truyền thống gia đình. “Làm kẹo lạc giỏi thì không lo đói kém”, bố Hưng vẫn thường bắt con trai khắc cốt ghi tâm câu châm ngôn truyền thống. Nhà Hưng đổ kẹo lạc cho hầu khắp quán nước trong thị trấn, đến Tết cũng là dịp bán được nhiều hàng nhất. Từ dân bản xứ đến công nhân về quê, ai cũng mua một hai gói kẹo về nhà thắp hương, biếu tặng. Cũng chính vì độ thơm ngon mà kẹo lạc cũng trở thành cứu cánh cho quán nước của Hồng, vốn không phải là cách kinh doanh tốt ở thị trấn nhỏ này.
Hồng đứng bên, say mê nhìn Hưng cán kẹo. Thao tác của Hưng rất nhanh nhẹn, đúng chất con nhà nòi. Mới hai ba tuổi nhưng Hưng đã có thâm niên mười mấy năm làm kẹo, do học từ bé. Kẹo lạc tưởng làm dễ nhưng thật ra lại rất khó. Khâu chọn nguyên liệu phải kỹ càng, lạc phải là "lạc bò", không được để lẫn vào loại có chất lượng kém. Đường phải sạch, bột nếp phải thơm và không lẫn tạp chất. Nhưng quan trọng nhất là kỹ thuật nấu kẹo. Để có một mẻ kẹo ngon, tay nghề phải cao mới giữ được nhiệt độ của bếp ổn định và ước lượng được lượng đường cho mỗi mẻ kẹo. Mẻ kẹo đã nấu xong, Hưng đổ ra bàn rồi cán liên tục từng đường thẳng tắp. Cán kẹo phải làm thật nhanh và chính xác để kẹo không bị méo. Tất cả tuyệt kỹ của nghề làm kẹo dường như tập trung vào đôi tay này. Mắt Hưng luôn chăm chú đến căng như dây đàn, không một cái liếc nhìn Hồng, người cậu thương mến nhớ nhung từ thời đi học rồi hai đứa cùng trao nhau tình cảm ở tuổi đôi mươi. Cắt kẹo phải làm xong trong 10 phút, nếu không kịp thì kẹo sẽ bị cứng, hỏng luôn cả mẻ. Đó chính là bí quyết để kẹo lạc nhà Hưng giữ được độ giòn và thơm ngon, dù không quá đẹp mắt.
Loáng cái, những chiếc kẹo vuông vức đã hình thành. Hưng đưa cho Hồng một cây kẹo mới ra lò, chẳng nghĩ nhiều, Hồng bỏ ngay vào miệng nhai rồn rột. “Ngon lắm Hưng ơi. Ai lấy được ông chắc cả đời nằm khểnh nhỉ”. Hưng cố nở ra một nụ cười lơ đễnh, rồi bắt tay vào đảo mẻ kẹo khác. Việc đã xong, túi kẹo lạc đã nằm yên trên tay nhưng Hồng cứ nấn ná không về vì muốn được đi dạo với Hưng một lúc. Trời đã xâm xẩm tối, nếu lỡ cơ hội hôm nay thì không biết đến bao giờ mới được ở cạnh nhau. Tết đã cận kề, ai cũng phải cố bươn chải nhiều hơn mới mong có tiền lo cho gia đình, chưa tính gì đến bản thân. Hưng thì cả ngày cũng chỉ chăm chăm vào làm kẹo lạc, chẳng có thời gian để bầu bạn hay đi chơi với ai. Chỉ có Hồng, cô bạn hay chơi đùa với nhau thuở bé và bây giờ là người yêu thì Hưng còn gặp, mà cũng do Hồng hay đến chơi chứ cậu cũng không có thời gian. Bằng tuổi Hồng, con gái trên phố cũng đã có chồng, còn phụ nữ ở quê đã con cái đuề huề. Mà với cô, hai đứa em đang tuổi lớn cũng chẳng khác gì con. Nghề làm kẹo lạc cũng có thời vụ, hết lễ tết là chỉ làm cầm chừng, chính ra quán nước của Hồng là một trong những nơi tiêu thụ kẹo lạc mạnh nhất, còn khách vãng lai năm thì mười họa mới được vài gói.
Hưng biết Hồng cũng thích mình đến mức muốn sống chung, nhưng làm thằng đàn ông thì phải đề nghị trước, đó là lẽ tự nhiên. Hưng biết thị trấn này rõ như lòng bàn tay. Hồng xinh xắn, được nhiều người buông lời tán tỉnh nhưng cô đều khéo léo từ chối. Cái duyên của cô chủ quán nước càng khiến cô được nhiều người trêu ghẹo hơn, nhưng khi nghe nói đến đàn em nheo nhóc, họ lại giãn ra. Có mấy thanh niên nhà khá giả nói cứng rằng sẽ nuôi cả hai đứa em thì Hồng lại dọa: “Anh nói thế, nhưng bố mẹ anh thì sao, lại chẳng tế sống anh lên”. Thế là Hồng được yên thân, lại còn giữ được khách nam. Kể cũng lạ, không chiếm được nhưng biết gia cảnh cô như thế nên nhiều người thương, ngày hai lần uống nước, ăn kẹo quán cô, mà họ cũng chỉ giúp được thế. Còn với Hưng, cậu thực sự muốn xây dựng gia đình với Hồng. Hai đứa chưa bao giờ nói lời yêu nhau, nhưng thân đến mức cứ ôm rồi hôn nhau thì cũng chẳng khác gì yêu rồi. Mỗi lần Hồng hỏi Hưng có yêu cô không, Hưng đều không trả lời, chỉ khóa môi cô bằng một nụ hôn rực lửa. Hồng đón nhận nụ hôn ấy bằng đôi mắt cười toe toét chứ không lim dim như những cô gái khác trên phim ảnh. Cô cảm nhận được tình yêu của Hưng, nhưng mắt vẫn phải mở to để nhìn đời, nhìn chính người con trai của mình.
- Yêu nhau như thế này rồi sống sao đây ông?
- Tôi cũng đã tiết kiệm được một ít. Rồi mình sẽ thuê nhà sống.
- Còn tôi thì sao? Tôi không chỉ có một mình.
- Tôi biết, bà cứ tạm xoay sở một thời gian, Dù có phải đi nơi khác, tôi cũng sẽ lo cho hai đứa nó.
Hồng và Hưng vẫn không thay đổi cách gọi nhau từ nhỏ, dù đã là người yêu. Chẳng ai nói, nhưng họ vẫn muốn giữ cho tình yêu của mình chút gì đó trong sáng như thuở học trò. Hưng biết rõ bố mẹ cậu sẽ làm mọi cách để cậu bỏ Hồng nếu cậu chính thức về nhà thưa chuyện. Tình yêu giữa hai người chỉ dám lén lút, nhưng trong cái thị trấn nhỏ này không thể dấu diếm bất cứ chuyện gì. Bởi nhà Hưng nổi tiếng nhất trong nghề làm kẹo lạc, bởi Hồng là cô chủ quán nước trẻ đẹp nhất phố thị, bởi Hồng cứ đến tận nơi để lấy hàng rồi nấn ná xem chàng thợ kẹo biểu diễn. Nổi tiếng nhưng lại không dễ quyết định số phận của chính mình, giống như dòng nước sông Hồng cứ cuồn cuộn chảy, đưa phù sa tỏa về bồi đắp đồng bằng rộng lớn. Người dân biết họ sẽ phải đón nhận dòng nước chảy xiết ấy, biết rằng họ chỉ có thể thu hoạch nông sản nếu không bị lũ tàn phá, nhưng họ vẫn phải trồng, bởi không làm thì chết đói. Chuyện tình của đôi trẻ như cánh đồng, mơn mởn thế, mềm mướt thế nhưng chẳng là gì trong cơn lũ gạo tiền, khi cơn bão có tên Tết đang phả hơi lạnh sau gáy.
Hai ba tháng Chạp, ngày cúng ông Công ông Táo, Hồng giao quán nước cho em, lững thững dạo chợ. Chợ thị chỉ có một dãy độ chục chiếc bàn, gọi là chợ giáp Tết. Người ta cố bán nốt những thứ mỹ nghệ tồn lại trong năm với giá rẻ hơn bình thường. Lớn lên ở thị trấn nhưng Hồng ít khi được dạo chơi thảnh thơi như lúc này. Cô làm đủ mọi thứ để kiếm tiền từ bán bánh nếp, ngô khoai nướng rồi đến quán nước nhỏ này. Chợ nay khác xưa khá nhiều, các đồ đạc đem bán cũng hiện đại hơn, duy chỉ có sạp nhà Hưng vẫn như trước với những gói, hộp kẹo lạc xếp thành hai chồng ngay ngắn. Hai đứa thương nhau cũng chỉ vì cảm cái sự vất vả của nhau sớm hôm trong phố thị. Với Hồng, cô sống vì hai đứa em nhỏ, còn với Hưng, chắc anh còn có ước mong lớn lao gì đó. Hồng không bao giờ hỏi Hưng về dự định trong tương lai, chỉ hỏi Hưng làm sao để cùng cô lo cho em mình. Nếu ai không thật lòng chia sẻ chuyện nuôi em thì Hồng sẽ tránh xa người đó dù yêu đến đâu. Phố thị này dù có thay đổi vẫn còn một thứ mãi tồn tại, là cái nghĩa chân quê, nghĩa người nông dân lớn lên với ruộng đồng. Không có những người đó ngày ngày uống chè, ăn kẹo thì hai đứa em Hồng sẽ không được đi học mà phải bươn chải cùng cô, cùng hít khí chợ hẩm hiu này mỗi khi Tết đến. Chợ thị cũng như dòng sông, theo thời cuộc mang đến những lớp người tứ xứ, nhưng rồi họ cũng phải về quê hương thiêng liêng nhất của mình. Còn Hồng, ước mơ vẫn chỉ là mơ ước, rồi lại đến Tết, những ngày người ta được nghỉ để mơ ước thì cô lại lo sợ tương lai sắp tới. Hồng đang mải mê trong dòng suy nghĩ thì có vật gì cưng cứng cạ vào phía sau lưng. Hồng quay lại, là một túi to đựng đầy kẹo lạc.
- Quà tết của tôi, bà cầm về mà bán dần. Còn hộp kẹo này tôi làm đẹp để khách biếu, bà dùng thắp hương cho bố mẹ, rồi cho hai đứa ăn gọi là có chút hương vị Tết.
- Cảm ơn ông. Nhưng cho tôi thế không được. Để tôi gửi tiền.
- Bà với tôi sắp thành vợ chồng, tiền nong gì nữa.
Hưng nói rõ to, làm mấy sạp phía sau ồ cả lên, rồi vỗ tay ầm ĩ xôn xao cả phố chợ. Đâu đó, có vài giọng nói ái ngại, vì họ biết hoàn cảnh của Hồng và tính phong kiến của bố mẹ Hưng. Hưng mặc kệ, kéo Hồng đi. Đến góc khuất, Hưng nắm lấy tay Hồng, nói từng tiếng rõ ràng:
- Em về thay đồ đi, rồi anh dẫn về nhà ra mắt bố mẹ chính thức. Nếu bố mẹ không chấp nhận thì chúng ta lên Hà Nội hoặc đến nơi khác sống. Nghề làm kẹo của anh không chết đói được.
Cơn gió Đông Bắc se lạnh bỗng thổi qua, tạo cớ để Hồng nép vào người Hưng, rồi vô thức vòng tay ôm lấy anh. Gió không quá mạnh, nhưng cũng đủ làm những cánh đào xung quanh cất cánh bay qua cổ vũ tình yêu, đủ làm mùi hương kẹo lạc ngọt ngào trên áo Hưng vỗ về đôi trẻ. Tết này, Hồng đỡ sợ hơn một chút…
Ảnh: internet
Một buổi sáng đầu tháng Chạp, Hồng sang nhà Hưng, ngoắc tay gọi cậu. Thấy bàn tay búp măng bé nhỏ, Hưng mặc vội áo khoác rồi chạy xuống. Hưng biết Hồng định nói gì. Chắc vẫn lấy kẹo lạc để bán như mọi lần.
Tết sắp đến mà Hồng vẫn chưa giải quyết hết bộn bề trong năm. Nhà có ba chị em, để hai đứa em được đi học thì cô phải lo hết chi tiêu gia đình. Tết đến thật nhanh, như cách Hồng lớn lên, ồn ào và gấp gáp.
Quán nước be bé của Hồng ở đầu dốc đường vào thị trấn, không ghi đề đóm. Quán sống được cũng nhờ cô chủ có duyên và vị ngon của nước chè, kẹo lạc. Bàn hai chiếc, một chiếc để thuốc và kẹo bánh bán lẻ, chiếc bên cạnh bày đặc sản địa phương để bán cho khách vãng lai. Chiếc bàn thứ hai là do gợi ý của Hưng, công tử nhà làm kẹo lạc lớn trong thị trấn. Kẹo lạc của nhà Hưng là món ăn chơi truyền thống của vùng này, ai ăn cũng tấm tắc khen ngon. Thị trấn vốn là phố chợ xưa của xã được nâng cấp cách đây hơn ba chục năm. Chính quyền xây dựng khu công nghiệp bên quốc lộ, nâng cấp đường xá nội thị, dân từ các vùng xung quanh đó, rồi người miền Nam cũng kéo đến, tạo thành một cộng đồng sống động, pha trộn cả ba miền. Gấn Tết, người ta cũng dần về quê, để lại nơi đây vẻ tĩnh lặng vốn có. Ngày bé thơ, Hồng mong đến Tết bao nhiêu thì khi lớn càng sợ Tết bấy nhiêu. Tết đến có nghĩa là không bán được hàng, không có thu nhập để thêm tiền nuôi hai đứa em đang tuổi ăn tuổi lớn.
Dù còn trẻ, Hồng đã bán nước khá lâu rồi. Bán nước vốn chỉ đơn giản là pha ấm trà đặc, rót từng chén ra cho mọi người uống thôi, nhưng cũng phải khéo xoay mới đủ sống. Trên bàn có bày mấy hộp kẹo lạc đặc sản, đó là thứ hết nhanh nhất, thường phải lấy thêm liên tục. Trông thì thế thôi, mỗi người vui miệng cũng phải ăn đôi cái khi uống chè, ngày hết một hai gói là chuyện bình thường. Quán chỉ bán nước, không làm mấy việc khác nên ngày cũng chỉ lãi vài chục ngàn. May còn có cái bàn bán thêm đồ đặc sản nên chị em Hồng mới sống được, thứ bán được nhiều nhất ở bàn đó vẫn là kẹo lạc. Hồng bán nước không nghỉ ngày nào, dù nắng chói hay mưa rào. Quanh đó, không ít người có tiền, bán nước chỉ để cho vui, có chỗ tán chuyện với bạn bè. Còn với Hồng, đây là một nghề kiếm ăn thực sự. Nếu không có chiếc bàn bán nước này, cô và hai đứa em nhỏ sẽ không biết đi về đâu. Khi nghe đến hoàn cảnh không còn cha mẹ của cô, ai cũng lắc đầu thương cảm, nhưng cô không thể dựa vào sự giúp đỡ của họ để kiếm sống, để tồn tại. Người ta ủng hộ quán nước hằng ngày đã may lắm rồi. họ cũng còn công việc, còn con cái.
Đưa túi kẹo lạc cho Hồng, Hưng lên xe, phóng tới nhà khác giao hàng. Lại một cái Tết nữa sắp đến trên thị trấn nhỏ này. Hưng lớn lên ở dây, chứng kiến lớp người nhập cư đến và đi, rồi đến Tết, thị trấn được trả lại sự bình yên vốn có. Chí rất ít người nhập cư ở lại đây đón Tết, trong đó có nhà Hồng. Ba chị em bám trụ lại dịp Tết bên quán nước bé nhỏ. Hưng muốn giúp Hồng thêm nữa để hai đứa em được đi học cho đàng hoàng. Hết cấp ba, Hưng không thi vào đại học để theo nghề truyền thống gia đình. “Làm kẹo lạc giỏi thì không lo đói kém”, bố Hưng vẫn thường bắt con trai khắc cốt ghi tâm câu châm ngôn truyền thống. Nhà Hưng đổ kẹo lạc cho hầu khắp quán nước trong thị trấn, đến Tết cũng là dịp bán được nhiều hàng nhất. Từ dân bản xứ đến công nhân về quê, ai cũng mua một hai gói kẹo về nhà thắp hương, biếu tặng. Cũng chính vì độ thơm ngon mà kẹo lạc cũng trở thành cứu cánh cho quán nước của Hồng, vốn không phải là cách kinh doanh tốt ở thị trấn nhỏ này.
Hồng đứng bên, say mê nhìn Hưng cán kẹo. Thao tác của Hưng rất nhanh nhẹn, đúng chất con nhà nòi. Mới hai ba tuổi nhưng Hưng đã có thâm niên mười mấy năm làm kẹo, do học từ bé. Kẹo lạc tưởng làm dễ nhưng thật ra lại rất khó. Khâu chọn nguyên liệu phải kỹ càng, lạc phải là "lạc bò", không được để lẫn vào loại có chất lượng kém. Đường phải sạch, bột nếp phải thơm và không lẫn tạp chất. Nhưng quan trọng nhất là kỹ thuật nấu kẹo. Để có một mẻ kẹo ngon, tay nghề phải cao mới giữ được nhiệt độ của bếp ổn định và ước lượng được lượng đường cho mỗi mẻ kẹo. Mẻ kẹo đã nấu xong, Hưng đổ ra bàn rồi cán liên tục từng đường thẳng tắp. Cán kẹo phải làm thật nhanh và chính xác để kẹo không bị méo. Tất cả tuyệt kỹ của nghề làm kẹo dường như tập trung vào đôi tay này. Mắt Hưng luôn chăm chú đến căng như dây đàn, không một cái liếc nhìn Hồng, người cậu thương mến nhớ nhung từ thời đi học rồi hai đứa cùng trao nhau tình cảm ở tuổi đôi mươi. Cắt kẹo phải làm xong trong 10 phút, nếu không kịp thì kẹo sẽ bị cứng, hỏng luôn cả mẻ. Đó chính là bí quyết để kẹo lạc nhà Hưng giữ được độ giòn và thơm ngon, dù không quá đẹp mắt.
Loáng cái, những chiếc kẹo vuông vức đã hình thành. Hưng đưa cho Hồng một cây kẹo mới ra lò, chẳng nghĩ nhiều, Hồng bỏ ngay vào miệng nhai rồn rột. “Ngon lắm Hưng ơi. Ai lấy được ông chắc cả đời nằm khểnh nhỉ”. Hưng cố nở ra một nụ cười lơ đễnh, rồi bắt tay vào đảo mẻ kẹo khác. Việc đã xong, túi kẹo lạc đã nằm yên trên tay nhưng Hồng cứ nấn ná không về vì muốn được đi dạo với Hưng một lúc. Trời đã xâm xẩm tối, nếu lỡ cơ hội hôm nay thì không biết đến bao giờ mới được ở cạnh nhau. Tết đã cận kề, ai cũng phải cố bươn chải nhiều hơn mới mong có tiền lo cho gia đình, chưa tính gì đến bản thân. Hưng thì cả ngày cũng chỉ chăm chăm vào làm kẹo lạc, chẳng có thời gian để bầu bạn hay đi chơi với ai. Chỉ có Hồng, cô bạn hay chơi đùa với nhau thuở bé và bây giờ là người yêu thì Hưng còn gặp, mà cũng do Hồng hay đến chơi chứ cậu cũng không có thời gian. Bằng tuổi Hồng, con gái trên phố cũng đã có chồng, còn phụ nữ ở quê đã con cái đuề huề. Mà với cô, hai đứa em đang tuổi lớn cũng chẳng khác gì con. Nghề làm kẹo lạc cũng có thời vụ, hết lễ tết là chỉ làm cầm chừng, chính ra quán nước của Hồng là một trong những nơi tiêu thụ kẹo lạc mạnh nhất, còn khách vãng lai năm thì mười họa mới được vài gói.
Hưng biết Hồng cũng thích mình đến mức muốn sống chung, nhưng làm thằng đàn ông thì phải đề nghị trước, đó là lẽ tự nhiên. Hưng biết thị trấn này rõ như lòng bàn tay. Hồng xinh xắn, được nhiều người buông lời tán tỉnh nhưng cô đều khéo léo từ chối. Cái duyên của cô chủ quán nước càng khiến cô được nhiều người trêu ghẹo hơn, nhưng khi nghe nói đến đàn em nheo nhóc, họ lại giãn ra. Có mấy thanh niên nhà khá giả nói cứng rằng sẽ nuôi cả hai đứa em thì Hồng lại dọa: “Anh nói thế, nhưng bố mẹ anh thì sao, lại chẳng tế sống anh lên”. Thế là Hồng được yên thân, lại còn giữ được khách nam. Kể cũng lạ, không chiếm được nhưng biết gia cảnh cô như thế nên nhiều người thương, ngày hai lần uống nước, ăn kẹo quán cô, mà họ cũng chỉ giúp được thế. Còn với Hưng, cậu thực sự muốn xây dựng gia đình với Hồng. Hai đứa chưa bao giờ nói lời yêu nhau, nhưng thân đến mức cứ ôm rồi hôn nhau thì cũng chẳng khác gì yêu rồi. Mỗi lần Hồng hỏi Hưng có yêu cô không, Hưng đều không trả lời, chỉ khóa môi cô bằng một nụ hôn rực lửa. Hồng đón nhận nụ hôn ấy bằng đôi mắt cười toe toét chứ không lim dim như những cô gái khác trên phim ảnh. Cô cảm nhận được tình yêu của Hưng, nhưng mắt vẫn phải mở to để nhìn đời, nhìn chính người con trai của mình.
- Yêu nhau như thế này rồi sống sao đây ông?
- Tôi cũng đã tiết kiệm được một ít. Rồi mình sẽ thuê nhà sống.
- Còn tôi thì sao? Tôi không chỉ có một mình.
- Tôi biết, bà cứ tạm xoay sở một thời gian, Dù có phải đi nơi khác, tôi cũng sẽ lo cho hai đứa nó.
Hồng và Hưng vẫn không thay đổi cách gọi nhau từ nhỏ, dù đã là người yêu. Chẳng ai nói, nhưng họ vẫn muốn giữ cho tình yêu của mình chút gì đó trong sáng như thuở học trò. Hưng biết rõ bố mẹ cậu sẽ làm mọi cách để cậu bỏ Hồng nếu cậu chính thức về nhà thưa chuyện. Tình yêu giữa hai người chỉ dám lén lút, nhưng trong cái thị trấn nhỏ này không thể dấu diếm bất cứ chuyện gì. Bởi nhà Hưng nổi tiếng nhất trong nghề làm kẹo lạc, bởi Hồng là cô chủ quán nước trẻ đẹp nhất phố thị, bởi Hồng cứ đến tận nơi để lấy hàng rồi nấn ná xem chàng thợ kẹo biểu diễn. Nổi tiếng nhưng lại không dễ quyết định số phận của chính mình, giống như dòng nước sông Hồng cứ cuồn cuộn chảy, đưa phù sa tỏa về bồi đắp đồng bằng rộng lớn. Người dân biết họ sẽ phải đón nhận dòng nước chảy xiết ấy, biết rằng họ chỉ có thể thu hoạch nông sản nếu không bị lũ tàn phá, nhưng họ vẫn phải trồng, bởi không làm thì chết đói. Chuyện tình của đôi trẻ như cánh đồng, mơn mởn thế, mềm mướt thế nhưng chẳng là gì trong cơn lũ gạo tiền, khi cơn bão có tên Tết đang phả hơi lạnh sau gáy.
Hai ba tháng Chạp, ngày cúng ông Công ông Táo, Hồng giao quán nước cho em, lững thững dạo chợ. Chợ thị chỉ có một dãy độ chục chiếc bàn, gọi là chợ giáp Tết. Người ta cố bán nốt những thứ mỹ nghệ tồn lại trong năm với giá rẻ hơn bình thường. Lớn lên ở thị trấn nhưng Hồng ít khi được dạo chơi thảnh thơi như lúc này. Cô làm đủ mọi thứ để kiếm tiền từ bán bánh nếp, ngô khoai nướng rồi đến quán nước nhỏ này. Chợ nay khác xưa khá nhiều, các đồ đạc đem bán cũng hiện đại hơn, duy chỉ có sạp nhà Hưng vẫn như trước với những gói, hộp kẹo lạc xếp thành hai chồng ngay ngắn. Hai đứa thương nhau cũng chỉ vì cảm cái sự vất vả của nhau sớm hôm trong phố thị. Với Hồng, cô sống vì hai đứa em nhỏ, còn với Hưng, chắc anh còn có ước mong lớn lao gì đó. Hồng không bao giờ hỏi Hưng về dự định trong tương lai, chỉ hỏi Hưng làm sao để cùng cô lo cho em mình. Nếu ai không thật lòng chia sẻ chuyện nuôi em thì Hồng sẽ tránh xa người đó dù yêu đến đâu. Phố thị này dù có thay đổi vẫn còn một thứ mãi tồn tại, là cái nghĩa chân quê, nghĩa người nông dân lớn lên với ruộng đồng. Không có những người đó ngày ngày uống chè, ăn kẹo thì hai đứa em Hồng sẽ không được đi học mà phải bươn chải cùng cô, cùng hít khí chợ hẩm hiu này mỗi khi Tết đến. Chợ thị cũng như dòng sông, theo thời cuộc mang đến những lớp người tứ xứ, nhưng rồi họ cũng phải về quê hương thiêng liêng nhất của mình. Còn Hồng, ước mơ vẫn chỉ là mơ ước, rồi lại đến Tết, những ngày người ta được nghỉ để mơ ước thì cô lại lo sợ tương lai sắp tới. Hồng đang mải mê trong dòng suy nghĩ thì có vật gì cưng cứng cạ vào phía sau lưng. Hồng quay lại, là một túi to đựng đầy kẹo lạc.
- Quà tết của tôi, bà cầm về mà bán dần. Còn hộp kẹo này tôi làm đẹp để khách biếu, bà dùng thắp hương cho bố mẹ, rồi cho hai đứa ăn gọi là có chút hương vị Tết.
- Cảm ơn ông. Nhưng cho tôi thế không được. Để tôi gửi tiền.
- Bà với tôi sắp thành vợ chồng, tiền nong gì nữa.
Hưng nói rõ to, làm mấy sạp phía sau ồ cả lên, rồi vỗ tay ầm ĩ xôn xao cả phố chợ. Đâu đó, có vài giọng nói ái ngại, vì họ biết hoàn cảnh của Hồng và tính phong kiến của bố mẹ Hưng. Hưng mặc kệ, kéo Hồng đi. Đến góc khuất, Hưng nắm lấy tay Hồng, nói từng tiếng rõ ràng:
- Em về thay đồ đi, rồi anh dẫn về nhà ra mắt bố mẹ chính thức. Nếu bố mẹ không chấp nhận thì chúng ta lên Hà Nội hoặc đến nơi khác sống. Nghề làm kẹo của anh không chết đói được.
Cơn gió Đông Bắc se lạnh bỗng thổi qua, tạo cớ để Hồng nép vào người Hưng, rồi vô thức vòng tay ôm lấy anh. Gió không quá mạnh, nhưng cũng đủ làm những cánh đào xung quanh cất cánh bay qua cổ vũ tình yêu, đủ làm mùi hương kẹo lạc ngọt ngào trên áo Hưng vỗ về đôi trẻ. Tết này, Hồng đỡ sợ hơn một chút…
Ảnh: internet
- Từ khóa
- dự thi