Từ những năm 60 của thế kỷ trước, công chúng đã biết đến Nguyễn Minh Châu qua những tiểu thuyết như: Cửa sông, Dấu chân người lính cùng khá nhiều truyện ngắn được đánh giá là những thành công của văn xuôi chống Mĩ. Hồi ấy, chắc không ít người từng nghĩ rằng: ông như con tằm đã nhả hết tơ trong thời chiến nên chuyển sang thời bình tất yếu sẽ “giảm phong độ”.
Nhưng những tác phẩm được viết từ sau 1975 và nhất là từ thời kỳ đổi mới của Nguyễn Minh Châu đã chứng tỏ ở ông vẫn còn một vốn viết rất sung mãn. Ông đã đem đến cho văn đàn sau chiến tranh những khám mới về con người, những suy tư về thế sự và đó hình như mới đúng là Nguyễn Minh Châu. Không phải vô cớ mà Nguyên Ngọc coi ông là “người mở đường tinh anh và tài năng” thời kỳ đổi mới. Chỉ cần viện dẫn truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa cũng đủ thấy Nguyên Ngọc không quá lời.
Khi được đưa vào chương trình ngữ văn 12 mới, thay thế cho Mảnh trăng cuối rừng, nhiều giáo viên văn tỏ ra nuối tiếc thiên diễm tình lãng mạn giữa bom đạn Trường Sơn. Cùng với tâm lí ấy là sự cảm thấy khó khăn khi thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của Chiếc thuyền ngoài xa. Tác phẩm này quả thực không dễ dàng tiếp nhận vì nó là tiếng nói đa thanh, đa nghĩa; nó đặt ra rất những vấn đề bức xúc, phức tạp của thế sự nhưng lại giải quyết trong vỏn vẹn khuôn khổ một truyện ngắn. Để hiểu tác phẩm này, có thể bắt đầu từ tình huống truyện. Đó là tình huống của những nghịch lí.
Nghịch lí thứ nhất là sự kiện nhân vật Phùng – nghệ sĩ nhiếp ảnh được trưởng phòng giao nhiệm vụ chụp một bức ảnh về cảnh biển buổi sáng có sương mù để bổ sung xuất bản bộ lịch. Phùng đến vùng biển từng là bãi chiến trường cũ thời chống Mĩ. Sau một tuần lễ kiên nhẫn chờ đợi, người nghệ sĩ đã gặp “một cảnh “đắt” trời cho”. Đó là tuyệt tác của tạo hóa đẹp như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Bằng con mắt nhạy cảm nhà nghề, Phùng phát hiện ra một sự hài hòa, thơ mộng đến tuyệt diệu của cảnh biển buổi sáng. Trên cái phông nền mờ nhòe của sương sớm có pha chút màu hồng dịu của bình minh, có những bóng người trên thuyền im phắc được nhìn qua những mắt lưới. Phát hiện ra vẻ đẹp “thực đơn giản và toàn bích” đó, tâm tư của Phùng không chỉ tràn đầy những rung cảm thẩm mĩ mà còn như được thanh lọc để trở nên trong sáng hơn. Trong lúc tâm hồn thăng hoa bởi cái đẹp, anh nghiệm thấy đúng như ai đó đã phát hiện ra “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Vì đứng trước thế giới ấy – thế giới mà Phùng gọi là chân lí của sự toàn thiện, toàn mĩ, anh đã cảm nhận rất rõ “cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Như để làm dịu đi cơn khát, người nghệ sĩ đã dùng chiếc máy ảnh bấm liên thanh hết một phần tư cuốn phim. Nhưng cũng trớ trêu thay, chính trong lúc ấy, Phùng lại bàng hoàng chứng kiến cảnh tượng không có một chút “thơ” nào. Từ trong cảnh biển đẹp như mơ ấy lại xuất hiện những con người xấu xí. Đó là người đàn bà cao lớn với những đường nét thô kệch, rỗ mặt, dáng vẻ mệt mỏi, khuôn mặt tái ngắt. Đó là hình ảnh người đàn ông với tấm lưng rộng, mái tóc tổ quạ, chân đi chữ bát, con mắt đầy vẻ độc dữ. Nếu trước đó, cảnh chiếc thuyền ngoài xa yên tĩnh, thơ mộng thì cảnh bạo hành trong gia đình người dân chài lại vô cùng tàn nhẫn, dã man. Hóa ra người đàn bà lặng lẽ theo chồng lên bờ là chỉ để hứng chịu những trận đòn vô lí. Chứng kiến cảnh ấy Phùngđi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đầu tiên là sự bất ngờ có pha chút thất vọng vì ngoại hình của cặp vợ chồng dân chài khiến người nghệ sĩ đang thăng hoa trong cảm xúc bỗng mất hứng. Bất ngờ tiếp theo là người đàn ông không hiểu vì lí do gì, chẳng nói, chẳng rằng, dùng chiếc thắt lưng “quật tới tấp vào người đàn bà”. Lão ta đánh vợ như một sự giải tỏa, để trút bỏ “cơn giận như lửa cháy”. Người đàn bà bị chồng đánh đập tàn nhẫn nhưng không hề kêu khóc, van xin, cũng không hề phản kháng hay bỏ chạy. Cái thân hình vập vạp ấy như đã quen với việc bị đánh, trở thành nơi để hứng chịu những trận đòn kỳ quặc của chồng. Nhưng có một chi tiết chen ngang khiến chị ta không cầm nổi nước mắt - sự xuất hiện của thằng Phác - đứa con trai mà chị ta hết mực yêu thương. Việc thằng Phác chứng kiến mẹ bị hành hạ, xông vào bênh vực mẹ đã khiến người đàn bà vừa trước đó tỏ ra vô cảm, trơ lì với những trận đòn bỗng “chắp tay vái lấy vái để” thằng bé rồi lại “ôm trầm lấy nó” mà khóc tức tưởi. Toàn bộ cảnh bạo hành gia đình diễn ra trong một thời khắc ngắn ngủi “như trong một câu chuyện cổ đầy quái đản”. Nó tác động không nhỏ đến tâm lí hoài nghi của người nghệ sĩ.
Nghịch lí thứ hai là chuyện Phùng lại chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ và cảnh cô chị gái cố đoạt lấy con dao găm trong tay thằng Phác khi nó định dùng để bảo vệ mẹ. Bản chất của người lính năm xưa trỗi dậy, Phùng không nhẫn nhịn được nên đã can thiệp và bị thương. Anh được đưa đến trạm y tế của tòa án huyện. Ở đây, Phùng có người bạn đồng ngũ là Đẩu – vị chánh án tòa án được coi là “bao công của phố huyện”. Với sự vô tư, trách nhiệm của một nhà chấp pháp, Đẩu đã mời người đàn bà đến vì mục đích giải thoát cho chị ta. Nhưng cả Đẩu và Phùng đều không ngờ rằng, người đàn bà từ chối một cách quyết liệt thiện chí giúp đỡ của Phùng và Đẩu. Theo lời chị ta thì “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được” nhưng “đừng bắt con bỏ nó”! Điều gì làm nên cách ứng xử (“lấy cam chịu làm đầu”) của người đàn bà qua những nghịch lí ấy? Người đàn bà cam chịu anh chồng vũ phu thô bạo bởi chị ta hiểu chồng và ít nhiều có sự biết ơn. Biết ơn bởi lúc nhỏ chị ta đã là một “đứa con gái xấu, lại rỗ mặt”, “trong phố không ai lấy” và vì thế việc gã đàn ông làng chài trở thành chồng đối với chị cũng là một sự hàm ơn. Trong những lời kể về cuộc đời dằng dặc những nhọc nhằn của mình, người đàn bà không hề tỏ ra oán chồng. Chị ta hiểu chồng mình bản chất không phải là kẻ độc ác. Trước kia anh ta “hiền lành lắm” và không bao giờ đánh đập vợ. Chỉ khi đối mặt với sự nghèo túng, phải gánh cả một gia đình đông con lão ta mới tha hóa. Nói về chồng mình, người đàn bà tỏ ra rất vị tha. Chị ta cho rằng, việc người đàn ông đánh vợ không phải lỗi ở hắn mà là ở mình. Nghĩa là do “đẻ nhiều quá” mà cuộc sống chật vật, căng thẳng khiến “cứ lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”. Lí do thứ hai khiến người đàn bà cam chịu là tình thương với con cái. Vì thương con mà chị ta tìm mọi cách nhằm vẫn chấp nhận để cho chồng giải tỏa bằng đánh đập mà vẫn không làm tổn thương đến con. Bản tính người mẹ đã tạo cho người đàn bà một sự chịu đựng khủng khiếp. Đọc chiếc thuyền ngoài xa, lắm lúc tôi cứ băn khoăn một lẽ, chẳng biết cái đức hi sinh, nhẫn nhịn truyền thống của người phụ nữ Việt Nam – Cái phẩm chất mà từ ca dao, đến ông Tú rồi biết bao áng thơ văn hiện đại hết lời ca ngợi ấy là ưu hay nhược điểm? Là đáng tự hào hay không nên quá tự hào? Vì không muốn để con biết là mình bị đánh nên chị ta chỉ dám cầu xin một “ân huệ” – xin chồng đưa mình lên bờ để đánh. Trong những đứa con đông đúc của mình, chị ta thương nhất thằng Phác nên đã gửi nó lên theo ông ngoại trên đất liền. Gửi thằng bé lên đó không chỉ vì tránh cho tâm hồn non nớt của nó bị tổn thương mà quan trọng hơn là để nó khỏi làm điều gì dại dột với bố. Thế nên, khi để thằng Phác chứng kiến mình bị đánh đập, khi thằng Phác bất chấp tình cha con để bênh vực mẹ, người đàn bà đã không thể chịu đựng nổi nỗi đau. Tình thương con đã biến chị từ chỗ tỏ ra không có cảm giác đau đớn thân xác đã trở nên yếu đuối đến thảm hại.
Cũng vì thương con mà chị ta không muốn cảnh gia đình tan vỡ. Phản ứng của người đàn bà khiến tôi nhớ lại như in một ấn tượng từ tuổi thơ. Tôi đã từng chứng kiến những con gà mái chống lại diều quạ để bào vệ đàn con. Bình thường chúng rất lành và nhút nhát nhưng hễ phải bảo vệ đàn con là chúng rất dữ dằn. Tôi đã từng thấy cảnh con quạ chỉ dám bay vòng bên trên chứ không dám sà xuống đám gà con đang quây quanh chân mẹ vì con gà mái mắt cứ long lên chỉ chực lăn xả vào con quạ nếu nó đáp xuống. Đó chính là sức mạnh ở bản năng người mẹ mà bình thường nó không thể có được để chống lại loài chim ăn thịt? Phản ứng của người đàn bà ở tòa án huyện phải chăng cũng được miêu tả theo quy luật ấy? Khi mới đặt chân đến tòa án, mặc dù không phải là lần đầu nhưng chị vẫn không khỏi sợ sệt, lúng túng khác hẳn lúc bị chồng đánh giữa bãi xe tăng hỏng. Để tỏ ra là chỗ dựa tin cẩn cho người người mẹ đáng thương, chánh án Đẩu đã bày tỏ sự sẵn lòng giúp đỡ để giải thoát cho chị ta, trừng trị lão đàn ông vũ phu.
Trong suy nghĩ đơn giản của Đẩu và Phùng, lẽ ra chị ta phải cảm thấy nhẹ người vì đã cởi bỏ được một gánh nặng vẫn phải đeo đẳng bấy lâu. Nhưng người đàn bà lại trở nên sợ hãi. Chị ta “chắp tay lại vái lia lịa”, “con lạy quý tòa”, chị ta chấp nhận “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó...”. Nói thế nghĩa là chị ta chấp nhận những hình phạt nặng nề của pháp luật, thà là kẻ có tội trước pháp luật, bị bắt tội, bị đi tù còn hơn là phải li dị. Khi Phùng xuất hiện, chị ta nghĩ rằng, tòa án bố trí sẵn nhân chứng để buộc mình phải li dị thì người đàn bà – như con gà mái bảo vệ đàn con – bấy giờ mới trút bỏ cái vẻ bề ngoài tỏ ra u mê, nhút nhát. Sự biến đổi này bắt đầu bằng thái độ gai góc hẳn lên. Từ lối xưng hô với Đẩu “con – quý tòa”, chị ta bỗng chuyển sang lối xưng hô “chị - các chú”. “Vị bao công phố huyện” cùng người bạn đồng ngũ của mình lúc đầu có ý định giảng giải cho chị ta lí do chính đáng để li dị nhưng rồi chính chị ta lại dạy cho Đẩu và Phùng một bài học về cách nhìn cuộc sống. Đẩu và Phùng không hiểu nổi những bí ẩn về người đàn bà này nhưng chị ta lại tỏ ra hiểu và thông cảm khi cho rằng “lòng các chú tốt” nhưng “các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc”. Trái với vẻ nông nổi thiếu thực tế của Phùng và Đẩu, chị hiểu được vai trò của người đàn ông trên thuyền để chống chọi với sóng gió, “dù hắn man rợ, tàn bạo”.
Đúng là cái đức hi sinh từ ngàn đời của người phụ nữ Việt đã di truyền cho người đàn bà này sức chịu đựng khủng khiếp và cùng với sự chịu đựng ấy là một nỗi khổ ải kỳ cục. Người chồng cũng khổ nhưng còn được giải tỏa bằng việc ... đánh vợ. Thằng Phác cũng khổ nhưng còn có chỗ che chở là ông ngoại. Người đàn bà dân chài này khổ còn vì không biết giải tỏa bằng cách nào, không thể và không muốn chia sẻ cùng ai. Khổ đến mức, chỉ được chồng chiếu cố cho một ân huệ là được lên bờ chịu đòn mà cũng như một cái ơn. Tất nhiên, không phải chị ta không hạnh phúc nhưng đó là hạnh phúc tội nghiệp – hạnh phúc khi đôi lúc nhìn lũ con được ăn no. Như vậy, người đàn bà vùng biển này cũng như cô Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng, đều là kiểu “hạt ngọc ẩn” mà Nguyễn Minh Châu cả đời tìm kiếm. Có điều, cô Nguyệt trong Mảnh Trăng cuối rừng là mẫu hình lí tưởng chỉ để mơ ước, để ngắm nhìn chứ không có thực còn người đàn bà vùng biển trong tác phẩm này thì hiện lên từ những lấm lem bụi đời. Chị ta là “hạt ngọc ẩn” bởi lẽ đằng sau cái vẻ ngỡ như thô vụng, thậm chí u tối, người đàn bà này không phải không có những suy nghĩ sắc sảo, sâu xa. Và “hạt ngọc ẩn” ấy chỉ thực sự hiển lộ khi buộc phải bộc lộ mình.
Hé mở dần bản chất của người đàn bà vùng biến, thiên truyện đã đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội bức thiết. Ý nghĩa ấy trước hết được gửi vào Đầu. Anh là chánh án tòa án thông hiểu luật pháp lại sẵn có lòng hào hiệp cứu người nhưng lại thiếu hiểu biết thực tế. Trong suy nghĩ đơn giản của Đẩu chỉ cần giúp ngườiđàn bà li hôn, trừng phạt lão đàn ông vũ phu kia là sẽ đem lại lẽ công bằng. Nhưng nếu giả sử buộc phải li hôn, người đàn bà sẽ sống như thế nào với sóng gió biển cả và nhất là phải nhìn cảnh lũ con bị chia sẻ “có bố thì không có mẹ, có mẹ thì không có bố”. Bài học đặt ra từ mâu thuẫn này là: muốn cải tạo cuộc sống phải căn cứ vào thực tế cuộc sống làm cho cuộc sống “dễ thở” hơn chứ không phải chỉ đem sách vở mà áp đặt vào cuộc sống. Nếu chỉ biết đem sách vở mà áp vào cuộc sống thì chánh án Đẩu có khác nào một thứ Rôbốt, có khi vô tình trở thành kẻ hành động phản nhân văn mà chính mình không ý thức được. Người đàn ông đánh vợ, về lí là có tội nhưng nếu xét từ hoàn cảnh sống thì chính anh ta cũng là nạn nhân chứ không chỉ là phạm nhân. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả sáng tạo chi tiết Phùng chứng kiến gã đàn ông đánh vợ bằng chiếc thắt lưng của lính Ngụy, ở nơi có chiếc xe tăng hỏng của Mĩ Ngụy. Phùng và Đẩu đều là những người lính trở về thời bình với vinh quang chiến thắng. Ở tác phẩm này, có lẽ Nguyễn Minh Châu muốn kí thác một điều, không phải hễ cứ đánh đuổi được ngoại xâm, thống nhất đất nước là có thể đem lại hạnh phúc cho con người. Tàn dư của xã hội cũ còn đó trong nạn bạo hành gia đình khiến những người lính Trường Sơn năm xưa vẫn chưa yên lòng với vinh quang của quá khứ. Câu chuyện để lại một kết thúc bỏ lửng. Chẳng biết sau này, cuộc sống của gia đình làng chài ấy sẽ tiếp diễn ra sao, liệu rằng cái bãi xe tăng hỏng của Mĩ Ngụy có còn là nơi diễn ra nạn bạo hành? Liệu cái thắt lưng da của lính Nguy có còn tác quái với gia đình làng chài ấy không? Và thằng Phác – cái thằng bé giống bố như lột ấy rồi đây sẽ trở thành con người như thế nào? Nếu cuộc sống này còn tiếp diễn thì ai dám chắc nó sẽ không trở thành kẻ tha hóa điên rồ như cha mình. Kết thúc bỏ lửng ấy không chỉ tránh được công thức mà quan trọng hơn, nó nhấn sâu hơn bức thông điệp khắc khoải đau đáu về số phận con người: cuộc chiến đấu với đói nghèo, lạc hậu còn diễn ra dai dẳng lâu dài. Nó cũng khốc liệt chẳng kém gì cuộc chiến chống ngoại xâm vừa qua đi.
Thiên truyện còn đặt ra những vấn đề có ý nghĩa nghệ thuật với văn nghệ sĩ sau chiến tranh. Ý nghĩa ấy chủ yếu được gửi vào nhân vật Phùng. Sự phát hiện những nghịch lí cuộc sống giúp Phùng nhận thức rõ hơn bản chất mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Chiếc thuyền trong sương sớm đẹp vì nó là viễn ảnh, được nhìn từ xa. Nó có thể thanh lọc tâm hồn người nghệ sĩ nhưng vẫn vô nghĩa với những con người lam lũ ở phía sau vẻ đẹp ấy, những con người cơ cực bởi gánh nặng mưu sinh. Bức ảnh của Phùng được trưởng phòng khen ngợi, có mặt trong nhiều gia đình “sành nghệ thuật” nhưng chính tác giả của nó lại không bằng lòng vì đó là hình ảnh chỉ để ngắm nhìn, đó còn là sản phẩm của cái nhìn dễ dãi về cuộc sống, chưa vươn tới được bản chất cuộc đời, chưa cất lên được tiếng nói của những con người lam lũ nhọc nhằn. Sự phiến diện ấy bắt nguồn từ chính Phùng. Anh thiết tha với cái đẹp, với nghệ thuật và cũng sẵn lòng hào hiệp của người lính Trường Sơn nhưng cũng như Đẩu, Phùng còn thiếu hiểu biết thực tế thành ra vẫn hời hợt trong cách nhìn đời, lúng túng không giải thích được những nghịch lí phức tạp của cuộc sống. Sự phiến diện ấy còn bởi Phùng chỉ sáng tạo theo đơn đặt hàng. Nghĩa là theo sự giao việc của trưởng phòng – mà như thế không thể gọi là sáng tạo. Bản thân từ sáng tạo đã bao hàm một cái gì của riêng mình, từ chính mình, là chống lại công thức... Trong hoàn cảnh thời đại, khi cái nhìn giản đơn về con người và cuộc sống còn ngự trị trong sáng tác văn học thì tác phẩm này đặt ra một vấn đề liên quan đến sự sống còn của nghệ thuật Việt Nam sau chiến tranh. Đó là cách nhìn con người và cuộc đời. Người nghệ sĩ – theo nhà văn – phải nhìn cuộc đời bằng đôi mắt toàn diện, phải thấy được những phức tạp của cuộc sống chứ không thể nhìn cuộc sống một cách dễ dãi, xuôi chiều. Đó không chỉ là tâm nguyện của riêng Nguyễn Minh Châu mà là của cả một lớp văn nghệ sĩ thời kỳ Đổi mới.
Còn nhớ hồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nam Cao viết truyện ngắn Đôi mắt phê phán lối sống ích kỉ, suy nghĩ lạc lõng của văn sĩ Hoàng, ca ngợi Độ, tức là ca ngợi mẫu hình văn nghệ sĩ từ bỏ cái cao siêu, cá nhân trong nghệ thuật, tự nguyện dùng nghệ thuật để tuyên truyền, vận động Cách mạng góp phần giải phóng dân tộc. Khi dùng nghệ thuật để tuyên truyền thì tất yếu nghệ thuật phải tìm đến lối thể hiện đơn giản (vì lực lượng cách mạng chính là quần chúng nhân dân trong những năm 40 -50 của thế kỷ trước). Tư tưởng ấy ngỡ mâu thuẫn mà lại thống nhất với Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Thống nhất ở chỗ Nam Cao đặt ra vấn đề “đôi mắt” của người nghệ sĩ trong thời chiến còn Nguyễn Minh Châu thì trăn trở về cách nhìn con người và cuộc đời trong thời bình. Thời chiến, mọi vấn đề thuộc về cá nhân phải tạm gạt bỏ, mọi nỗi đau phải nén lại để lấy tinh thần đánh giặc nhưng thời bình văn chương không thể không quan tâm đến số phận cá nhân, không thể không thâm nhập đến tận cùng những góc tối, góc khuất của con người và cuộc đời. Bởi có như vậy mới khơi dậy được ở con người những tình cảm nhân văn và mới làm nên sự sống của nghệ thuật.
(Nguyễn Thư, Trường PTTH Chuyên Bắc Giang)
Nhưng những tác phẩm được viết từ sau 1975 và nhất là từ thời kỳ đổi mới của Nguyễn Minh Châu đã chứng tỏ ở ông vẫn còn một vốn viết rất sung mãn. Ông đã đem đến cho văn đàn sau chiến tranh những khám mới về con người, những suy tư về thế sự và đó hình như mới đúng là Nguyễn Minh Châu. Không phải vô cớ mà Nguyên Ngọc coi ông là “người mở đường tinh anh và tài năng” thời kỳ đổi mới. Chỉ cần viện dẫn truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa cũng đủ thấy Nguyên Ngọc không quá lời.
Khi được đưa vào chương trình ngữ văn 12 mới, thay thế cho Mảnh trăng cuối rừng, nhiều giáo viên văn tỏ ra nuối tiếc thiên diễm tình lãng mạn giữa bom đạn Trường Sơn. Cùng với tâm lí ấy là sự cảm thấy khó khăn khi thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của Chiếc thuyền ngoài xa. Tác phẩm này quả thực không dễ dàng tiếp nhận vì nó là tiếng nói đa thanh, đa nghĩa; nó đặt ra rất những vấn đề bức xúc, phức tạp của thế sự nhưng lại giải quyết trong vỏn vẹn khuôn khổ một truyện ngắn. Để hiểu tác phẩm này, có thể bắt đầu từ tình huống truyện. Đó là tình huống của những nghịch lí.
Nghịch lí thứ nhất là sự kiện nhân vật Phùng – nghệ sĩ nhiếp ảnh được trưởng phòng giao nhiệm vụ chụp một bức ảnh về cảnh biển buổi sáng có sương mù để bổ sung xuất bản bộ lịch. Phùng đến vùng biển từng là bãi chiến trường cũ thời chống Mĩ. Sau một tuần lễ kiên nhẫn chờ đợi, người nghệ sĩ đã gặp “một cảnh “đắt” trời cho”. Đó là tuyệt tác của tạo hóa đẹp như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Bằng con mắt nhạy cảm nhà nghề, Phùng phát hiện ra một sự hài hòa, thơ mộng đến tuyệt diệu của cảnh biển buổi sáng. Trên cái phông nền mờ nhòe của sương sớm có pha chút màu hồng dịu của bình minh, có những bóng người trên thuyền im phắc được nhìn qua những mắt lưới. Phát hiện ra vẻ đẹp “thực đơn giản và toàn bích” đó, tâm tư của Phùng không chỉ tràn đầy những rung cảm thẩm mĩ mà còn như được thanh lọc để trở nên trong sáng hơn. Trong lúc tâm hồn thăng hoa bởi cái đẹp, anh nghiệm thấy đúng như ai đó đã phát hiện ra “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Vì đứng trước thế giới ấy – thế giới mà Phùng gọi là chân lí của sự toàn thiện, toàn mĩ, anh đã cảm nhận rất rõ “cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Như để làm dịu đi cơn khát, người nghệ sĩ đã dùng chiếc máy ảnh bấm liên thanh hết một phần tư cuốn phim. Nhưng cũng trớ trêu thay, chính trong lúc ấy, Phùng lại bàng hoàng chứng kiến cảnh tượng không có một chút “thơ” nào. Từ trong cảnh biển đẹp như mơ ấy lại xuất hiện những con người xấu xí. Đó là người đàn bà cao lớn với những đường nét thô kệch, rỗ mặt, dáng vẻ mệt mỏi, khuôn mặt tái ngắt. Đó là hình ảnh người đàn ông với tấm lưng rộng, mái tóc tổ quạ, chân đi chữ bát, con mắt đầy vẻ độc dữ. Nếu trước đó, cảnh chiếc thuyền ngoài xa yên tĩnh, thơ mộng thì cảnh bạo hành trong gia đình người dân chài lại vô cùng tàn nhẫn, dã man. Hóa ra người đàn bà lặng lẽ theo chồng lên bờ là chỉ để hứng chịu những trận đòn vô lí. Chứng kiến cảnh ấy Phùngđi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đầu tiên là sự bất ngờ có pha chút thất vọng vì ngoại hình của cặp vợ chồng dân chài khiến người nghệ sĩ đang thăng hoa trong cảm xúc bỗng mất hứng. Bất ngờ tiếp theo là người đàn ông không hiểu vì lí do gì, chẳng nói, chẳng rằng, dùng chiếc thắt lưng “quật tới tấp vào người đàn bà”. Lão ta đánh vợ như một sự giải tỏa, để trút bỏ “cơn giận như lửa cháy”. Người đàn bà bị chồng đánh đập tàn nhẫn nhưng không hề kêu khóc, van xin, cũng không hề phản kháng hay bỏ chạy. Cái thân hình vập vạp ấy như đã quen với việc bị đánh, trở thành nơi để hứng chịu những trận đòn kỳ quặc của chồng. Nhưng có một chi tiết chen ngang khiến chị ta không cầm nổi nước mắt - sự xuất hiện của thằng Phác - đứa con trai mà chị ta hết mực yêu thương. Việc thằng Phác chứng kiến mẹ bị hành hạ, xông vào bênh vực mẹ đã khiến người đàn bà vừa trước đó tỏ ra vô cảm, trơ lì với những trận đòn bỗng “chắp tay vái lấy vái để” thằng bé rồi lại “ôm trầm lấy nó” mà khóc tức tưởi. Toàn bộ cảnh bạo hành gia đình diễn ra trong một thời khắc ngắn ngủi “như trong một câu chuyện cổ đầy quái đản”. Nó tác động không nhỏ đến tâm lí hoài nghi của người nghệ sĩ.
Nghịch lí thứ hai là chuyện Phùng lại chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ và cảnh cô chị gái cố đoạt lấy con dao găm trong tay thằng Phác khi nó định dùng để bảo vệ mẹ. Bản chất của người lính năm xưa trỗi dậy, Phùng không nhẫn nhịn được nên đã can thiệp và bị thương. Anh được đưa đến trạm y tế của tòa án huyện. Ở đây, Phùng có người bạn đồng ngũ là Đẩu – vị chánh án tòa án được coi là “bao công của phố huyện”. Với sự vô tư, trách nhiệm của một nhà chấp pháp, Đẩu đã mời người đàn bà đến vì mục đích giải thoát cho chị ta. Nhưng cả Đẩu và Phùng đều không ngờ rằng, người đàn bà từ chối một cách quyết liệt thiện chí giúp đỡ của Phùng và Đẩu. Theo lời chị ta thì “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được” nhưng “đừng bắt con bỏ nó”! Điều gì làm nên cách ứng xử (“lấy cam chịu làm đầu”) của người đàn bà qua những nghịch lí ấy? Người đàn bà cam chịu anh chồng vũ phu thô bạo bởi chị ta hiểu chồng và ít nhiều có sự biết ơn. Biết ơn bởi lúc nhỏ chị ta đã là một “đứa con gái xấu, lại rỗ mặt”, “trong phố không ai lấy” và vì thế việc gã đàn ông làng chài trở thành chồng đối với chị cũng là một sự hàm ơn. Trong những lời kể về cuộc đời dằng dặc những nhọc nhằn của mình, người đàn bà không hề tỏ ra oán chồng. Chị ta hiểu chồng mình bản chất không phải là kẻ độc ác. Trước kia anh ta “hiền lành lắm” và không bao giờ đánh đập vợ. Chỉ khi đối mặt với sự nghèo túng, phải gánh cả một gia đình đông con lão ta mới tha hóa. Nói về chồng mình, người đàn bà tỏ ra rất vị tha. Chị ta cho rằng, việc người đàn ông đánh vợ không phải lỗi ở hắn mà là ở mình. Nghĩa là do “đẻ nhiều quá” mà cuộc sống chật vật, căng thẳng khiến “cứ lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”. Lí do thứ hai khiến người đàn bà cam chịu là tình thương với con cái. Vì thương con mà chị ta tìm mọi cách nhằm vẫn chấp nhận để cho chồng giải tỏa bằng đánh đập mà vẫn không làm tổn thương đến con. Bản tính người mẹ đã tạo cho người đàn bà một sự chịu đựng khủng khiếp. Đọc chiếc thuyền ngoài xa, lắm lúc tôi cứ băn khoăn một lẽ, chẳng biết cái đức hi sinh, nhẫn nhịn truyền thống của người phụ nữ Việt Nam – Cái phẩm chất mà từ ca dao, đến ông Tú rồi biết bao áng thơ văn hiện đại hết lời ca ngợi ấy là ưu hay nhược điểm? Là đáng tự hào hay không nên quá tự hào? Vì không muốn để con biết là mình bị đánh nên chị ta chỉ dám cầu xin một “ân huệ” – xin chồng đưa mình lên bờ để đánh. Trong những đứa con đông đúc của mình, chị ta thương nhất thằng Phác nên đã gửi nó lên theo ông ngoại trên đất liền. Gửi thằng bé lên đó không chỉ vì tránh cho tâm hồn non nớt của nó bị tổn thương mà quan trọng hơn là để nó khỏi làm điều gì dại dột với bố. Thế nên, khi để thằng Phác chứng kiến mình bị đánh đập, khi thằng Phác bất chấp tình cha con để bênh vực mẹ, người đàn bà đã không thể chịu đựng nổi nỗi đau. Tình thương con đã biến chị từ chỗ tỏ ra không có cảm giác đau đớn thân xác đã trở nên yếu đuối đến thảm hại.
Cũng vì thương con mà chị ta không muốn cảnh gia đình tan vỡ. Phản ứng của người đàn bà khiến tôi nhớ lại như in một ấn tượng từ tuổi thơ. Tôi đã từng chứng kiến những con gà mái chống lại diều quạ để bào vệ đàn con. Bình thường chúng rất lành và nhút nhát nhưng hễ phải bảo vệ đàn con là chúng rất dữ dằn. Tôi đã từng thấy cảnh con quạ chỉ dám bay vòng bên trên chứ không dám sà xuống đám gà con đang quây quanh chân mẹ vì con gà mái mắt cứ long lên chỉ chực lăn xả vào con quạ nếu nó đáp xuống. Đó chính là sức mạnh ở bản năng người mẹ mà bình thường nó không thể có được để chống lại loài chim ăn thịt? Phản ứng của người đàn bà ở tòa án huyện phải chăng cũng được miêu tả theo quy luật ấy? Khi mới đặt chân đến tòa án, mặc dù không phải là lần đầu nhưng chị vẫn không khỏi sợ sệt, lúng túng khác hẳn lúc bị chồng đánh giữa bãi xe tăng hỏng. Để tỏ ra là chỗ dựa tin cẩn cho người người mẹ đáng thương, chánh án Đẩu đã bày tỏ sự sẵn lòng giúp đỡ để giải thoát cho chị ta, trừng trị lão đàn ông vũ phu.
Trong suy nghĩ đơn giản của Đẩu và Phùng, lẽ ra chị ta phải cảm thấy nhẹ người vì đã cởi bỏ được một gánh nặng vẫn phải đeo đẳng bấy lâu. Nhưng người đàn bà lại trở nên sợ hãi. Chị ta “chắp tay lại vái lia lịa”, “con lạy quý tòa”, chị ta chấp nhận “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được nhưng đừng bắt con bỏ nó...”. Nói thế nghĩa là chị ta chấp nhận những hình phạt nặng nề của pháp luật, thà là kẻ có tội trước pháp luật, bị bắt tội, bị đi tù còn hơn là phải li dị. Khi Phùng xuất hiện, chị ta nghĩ rằng, tòa án bố trí sẵn nhân chứng để buộc mình phải li dị thì người đàn bà – như con gà mái bảo vệ đàn con – bấy giờ mới trút bỏ cái vẻ bề ngoài tỏ ra u mê, nhút nhát. Sự biến đổi này bắt đầu bằng thái độ gai góc hẳn lên. Từ lối xưng hô với Đẩu “con – quý tòa”, chị ta bỗng chuyển sang lối xưng hô “chị - các chú”. “Vị bao công phố huyện” cùng người bạn đồng ngũ của mình lúc đầu có ý định giảng giải cho chị ta lí do chính đáng để li dị nhưng rồi chính chị ta lại dạy cho Đẩu và Phùng một bài học về cách nhìn cuộc sống. Đẩu và Phùng không hiểu nổi những bí ẩn về người đàn bà này nhưng chị ta lại tỏ ra hiểu và thông cảm khi cho rằng “lòng các chú tốt” nhưng “các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc”. Trái với vẻ nông nổi thiếu thực tế của Phùng và Đẩu, chị hiểu được vai trò của người đàn ông trên thuyền để chống chọi với sóng gió, “dù hắn man rợ, tàn bạo”.
Đúng là cái đức hi sinh từ ngàn đời của người phụ nữ Việt đã di truyền cho người đàn bà này sức chịu đựng khủng khiếp và cùng với sự chịu đựng ấy là một nỗi khổ ải kỳ cục. Người chồng cũng khổ nhưng còn được giải tỏa bằng việc ... đánh vợ. Thằng Phác cũng khổ nhưng còn có chỗ che chở là ông ngoại. Người đàn bà dân chài này khổ còn vì không biết giải tỏa bằng cách nào, không thể và không muốn chia sẻ cùng ai. Khổ đến mức, chỉ được chồng chiếu cố cho một ân huệ là được lên bờ chịu đòn mà cũng như một cái ơn. Tất nhiên, không phải chị ta không hạnh phúc nhưng đó là hạnh phúc tội nghiệp – hạnh phúc khi đôi lúc nhìn lũ con được ăn no. Như vậy, người đàn bà vùng biển này cũng như cô Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng, đều là kiểu “hạt ngọc ẩn” mà Nguyễn Minh Châu cả đời tìm kiếm. Có điều, cô Nguyệt trong Mảnh Trăng cuối rừng là mẫu hình lí tưởng chỉ để mơ ước, để ngắm nhìn chứ không có thực còn người đàn bà vùng biển trong tác phẩm này thì hiện lên từ những lấm lem bụi đời. Chị ta là “hạt ngọc ẩn” bởi lẽ đằng sau cái vẻ ngỡ như thô vụng, thậm chí u tối, người đàn bà này không phải không có những suy nghĩ sắc sảo, sâu xa. Và “hạt ngọc ẩn” ấy chỉ thực sự hiển lộ khi buộc phải bộc lộ mình.
Hé mở dần bản chất của người đàn bà vùng biến, thiên truyện đã đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội bức thiết. Ý nghĩa ấy trước hết được gửi vào Đầu. Anh là chánh án tòa án thông hiểu luật pháp lại sẵn có lòng hào hiệp cứu người nhưng lại thiếu hiểu biết thực tế. Trong suy nghĩ đơn giản của Đẩu chỉ cần giúp ngườiđàn bà li hôn, trừng phạt lão đàn ông vũ phu kia là sẽ đem lại lẽ công bằng. Nhưng nếu giả sử buộc phải li hôn, người đàn bà sẽ sống như thế nào với sóng gió biển cả và nhất là phải nhìn cảnh lũ con bị chia sẻ “có bố thì không có mẹ, có mẹ thì không có bố”. Bài học đặt ra từ mâu thuẫn này là: muốn cải tạo cuộc sống phải căn cứ vào thực tế cuộc sống làm cho cuộc sống “dễ thở” hơn chứ không phải chỉ đem sách vở mà áp đặt vào cuộc sống. Nếu chỉ biết đem sách vở mà áp vào cuộc sống thì chánh án Đẩu có khác nào một thứ Rôbốt, có khi vô tình trở thành kẻ hành động phản nhân văn mà chính mình không ý thức được. Người đàn ông đánh vợ, về lí là có tội nhưng nếu xét từ hoàn cảnh sống thì chính anh ta cũng là nạn nhân chứ không chỉ là phạm nhân. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả sáng tạo chi tiết Phùng chứng kiến gã đàn ông đánh vợ bằng chiếc thắt lưng của lính Ngụy, ở nơi có chiếc xe tăng hỏng của Mĩ Ngụy. Phùng và Đẩu đều là những người lính trở về thời bình với vinh quang chiến thắng. Ở tác phẩm này, có lẽ Nguyễn Minh Châu muốn kí thác một điều, không phải hễ cứ đánh đuổi được ngoại xâm, thống nhất đất nước là có thể đem lại hạnh phúc cho con người. Tàn dư của xã hội cũ còn đó trong nạn bạo hành gia đình khiến những người lính Trường Sơn năm xưa vẫn chưa yên lòng với vinh quang của quá khứ. Câu chuyện để lại một kết thúc bỏ lửng. Chẳng biết sau này, cuộc sống của gia đình làng chài ấy sẽ tiếp diễn ra sao, liệu rằng cái bãi xe tăng hỏng của Mĩ Ngụy có còn là nơi diễn ra nạn bạo hành? Liệu cái thắt lưng da của lính Nguy có còn tác quái với gia đình làng chài ấy không? Và thằng Phác – cái thằng bé giống bố như lột ấy rồi đây sẽ trở thành con người như thế nào? Nếu cuộc sống này còn tiếp diễn thì ai dám chắc nó sẽ không trở thành kẻ tha hóa điên rồ như cha mình. Kết thúc bỏ lửng ấy không chỉ tránh được công thức mà quan trọng hơn, nó nhấn sâu hơn bức thông điệp khắc khoải đau đáu về số phận con người: cuộc chiến đấu với đói nghèo, lạc hậu còn diễn ra dai dẳng lâu dài. Nó cũng khốc liệt chẳng kém gì cuộc chiến chống ngoại xâm vừa qua đi.
Thiên truyện còn đặt ra những vấn đề có ý nghĩa nghệ thuật với văn nghệ sĩ sau chiến tranh. Ý nghĩa ấy chủ yếu được gửi vào nhân vật Phùng. Sự phát hiện những nghịch lí cuộc sống giúp Phùng nhận thức rõ hơn bản chất mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Chiếc thuyền trong sương sớm đẹp vì nó là viễn ảnh, được nhìn từ xa. Nó có thể thanh lọc tâm hồn người nghệ sĩ nhưng vẫn vô nghĩa với những con người lam lũ ở phía sau vẻ đẹp ấy, những con người cơ cực bởi gánh nặng mưu sinh. Bức ảnh của Phùng được trưởng phòng khen ngợi, có mặt trong nhiều gia đình “sành nghệ thuật” nhưng chính tác giả của nó lại không bằng lòng vì đó là hình ảnh chỉ để ngắm nhìn, đó còn là sản phẩm của cái nhìn dễ dãi về cuộc sống, chưa vươn tới được bản chất cuộc đời, chưa cất lên được tiếng nói của những con người lam lũ nhọc nhằn. Sự phiến diện ấy bắt nguồn từ chính Phùng. Anh thiết tha với cái đẹp, với nghệ thuật và cũng sẵn lòng hào hiệp của người lính Trường Sơn nhưng cũng như Đẩu, Phùng còn thiếu hiểu biết thực tế thành ra vẫn hời hợt trong cách nhìn đời, lúng túng không giải thích được những nghịch lí phức tạp của cuộc sống. Sự phiến diện ấy còn bởi Phùng chỉ sáng tạo theo đơn đặt hàng. Nghĩa là theo sự giao việc của trưởng phòng – mà như thế không thể gọi là sáng tạo. Bản thân từ sáng tạo đã bao hàm một cái gì của riêng mình, từ chính mình, là chống lại công thức... Trong hoàn cảnh thời đại, khi cái nhìn giản đơn về con người và cuộc sống còn ngự trị trong sáng tác văn học thì tác phẩm này đặt ra một vấn đề liên quan đến sự sống còn của nghệ thuật Việt Nam sau chiến tranh. Đó là cách nhìn con người và cuộc đời. Người nghệ sĩ – theo nhà văn – phải nhìn cuộc đời bằng đôi mắt toàn diện, phải thấy được những phức tạp của cuộc sống chứ không thể nhìn cuộc sống một cách dễ dãi, xuôi chiều. Đó không chỉ là tâm nguyện của riêng Nguyễn Minh Châu mà là của cả một lớp văn nghệ sĩ thời kỳ Đổi mới.
Còn nhớ hồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nam Cao viết truyện ngắn Đôi mắt phê phán lối sống ích kỉ, suy nghĩ lạc lõng của văn sĩ Hoàng, ca ngợi Độ, tức là ca ngợi mẫu hình văn nghệ sĩ từ bỏ cái cao siêu, cá nhân trong nghệ thuật, tự nguyện dùng nghệ thuật để tuyên truyền, vận động Cách mạng góp phần giải phóng dân tộc. Khi dùng nghệ thuật để tuyên truyền thì tất yếu nghệ thuật phải tìm đến lối thể hiện đơn giản (vì lực lượng cách mạng chính là quần chúng nhân dân trong những năm 40 -50 của thế kỷ trước). Tư tưởng ấy ngỡ mâu thuẫn mà lại thống nhất với Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Thống nhất ở chỗ Nam Cao đặt ra vấn đề “đôi mắt” của người nghệ sĩ trong thời chiến còn Nguyễn Minh Châu thì trăn trở về cách nhìn con người và cuộc đời trong thời bình. Thời chiến, mọi vấn đề thuộc về cá nhân phải tạm gạt bỏ, mọi nỗi đau phải nén lại để lấy tinh thần đánh giặc nhưng thời bình văn chương không thể không quan tâm đến số phận cá nhân, không thể không thâm nhập đến tận cùng những góc tối, góc khuất của con người và cuộc đời. Bởi có như vậy mới khơi dậy được ở con người những tình cảm nhân văn và mới làm nên sự sống của nghệ thuật.
(Nguyễn Thư, Trường PTTH Chuyên Bắc Giang)